Nền kinh tế chưa lúc nào bền vững
Tư Giang
Ông Hà Quang Tuyến. Ảnh: TH |
(TBKTSG Online) - Bên lề buổi họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội năm 2013 do Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Hà Quang Tuyến về những vấn đề liên quan.
TBKTSG Online: Thưa ông, vì sao số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể của năm nay tiếp tục cao hơn năm trước, trong khi tăng trưởng lại cải thiện?
- Ông Hà Quang Tuyến: Năm 2013, tăng trưởng kinh tế đạt 5,42% có đóng góp quan trọng của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), hoạt động xuất khẩu và hoạt động kinh doanh không vì lợi nhuận (quản lý nhà nước, y tế, giáo dục,…).
Về số lượng doanh nghiệp thành lập mới gần 77.000, tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là 61.000. Như vậy, doanh nghiệp thành lập mới vẫn nhiều hơn.
Trong năm 2013, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung thì gặp khó khăn, nhưng doanh nghiệp FDI tăng khá và có hiệu quả đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế-khoảng 20% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Khu vực FDI xuất khẩu tăng 22,4% chiếm 33% tổng xuất khẩu.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá, đạt 7,44% (cùng kỳ 2012 tăng 5,8%); đóng góp 1,4 điểm phần trăm, chiếm 25;9%. Khu vực dịch vụ tăng khá; đóng góp 2,85 điểm phần trăm, chiếm 52,5%.
Các năm trước, các nhận định cho rằng tăng trưởng sẽ khởi sắc hơn, thì đến năm nay lại tiếp tục xuất hiện quan ngại về tăng trưởng kinh tế chưa bền vững của Việt Nam. Nhìn trên diễn biến kinh tế thời gian qua, Tổng cục Thống kê có thể nói gì về điều này?
- Việc đưa ra nhận định tăng trưởng kinh tế năm sau sẽ khởi sắc hơn là căn cứ vào tình hình kinh tế trong nước sẽ có những chuyển biến tích cực; vào cơ chế chính sách và các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, như Nghị quyết 01 và 02 năm 2013; và kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế sau mấy năm gặp nhiều khó khăn thách thức.
Nền kinh tế Việt Nam chưa có lúc nào được cho là phát triển bền vững, tốc độ tăng GDP nói chung hay sản xuất kinh doanh của các ngành nói riêng vài năm gần đây tăng chậm cũng là do những mất cân đối nhiều mặt của nền kinh tế nhiều năm trước đây cộng với khủng hoảng kinh tế thế giới tác động vào Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Xét một cách đầy đủ, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là đúng và toàn bộ nền kinh tế đang vận hành theo hướng đó.
Xét các yếu tố tác động đến tổng cầu nền kinh tế, đầu tư năm nay có biểu hiện chiếm tỷ trọng cao hơn so với GDP, xét trong so sánh với năm trước. Vậy cân đối tiết kiệm và đầu tư như thế nào trong năm nay và so với giai đoạn trước thì như thế nào? Điều này có cần cảnh báo gì về tăng trưởng và chính sách của Việt Nam?
- Trước năm 2010, tỷ lệ đầu tư/GDP luôn ở mức trên 40% trong khi tỷ lệ tiết kiệm trên GDP chỉ vào khoảng 30%. Con số này tương ứng là 30,44% và 29,26% (trong đó kiều hối là 10,7 tỉ đô la Mỹ) trong năm 2013. Như vậy, cân đối tiết kiệm và đầu tư năm 2013 tương đương nhau; so với giai đoạn trước phải đi vay khoảng 10% để đầu tư.
Tuy tỷ lệ đầu tư/GDP của Việt nam rất cao nhưng tăng trưởng dường như không tương xứng với lượng đầu tư, điều này cho thấy việc đầu tư của Việt Nam là kém hiệu quả. Trong bối cảnh như vậy nếu tiếp tục tăng vốn đầu như những năm trước đây để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, điều này dẫn đến phải tiếp tục phụ thuộc vào nguồn tiền từ bên ngoài. Hiện nay nền kinh tế của nước ta không chỉ cầu yếu mà cung còn yếu hơn, vì vậy việc kích thích tăng trưởng bằng cách tăng đầu tư là không hiệu quả, dẫn đến nợ nần nhiều, tăng giá và thâm hụt thương mại. Kết quả điều tra doanh nghiệp 2011, cơ cấu vốn của doanh nghiệp cứ 1 đồng tự có thì phải vay trên 2 đồng, riêng doanh nghiệp nhà nước vay trên 3 đồng.
Vì vậy, theo chúng tôi, về tăng trưởng nên duy trì tốc độ tăng trưởng vừa phải, hợp lý. Về đầu tư thực hiện giảm đầu tư công, khuyến khích, động viên huy dộng tăng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, đồng thời với tái cơ cấu kinh tế, kiểm soát và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tác động của điều chỉnh GDP đến trần nợ công, tỷ lệ bội chi ngân sách và tác động như thế nào đến chuẩn nghèo.
- Năm 2013, Tổng cục Thống kê thực hiện điều chỉnh số liệu GDP cho một chuỗi thời gian, của hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở dân cư. Việc điều chỉnh này có liên quan đến kết quả của một số chỉ tiêu tính toán so GDP như GDP bình quân đầu người, vốn đầu tư/GDP, năng suất lao động, thu ngân sách/GDP, thu thuế/GDP, bội chi ngân sách/GDP,…
Tuy nhiên chuẩn nghèo và tỷ lệ hộ nghèo không có liên quan đến điều chỉnh GDP. Chuẩn nghèo căn cứ vào calo, và vật dụng phi lương thực thực phẩm tối thiểu. Để có được hai yếu tố này, thì Chính phủ quy định chuẩn nghèo là 400.000 đồng/người/tháng ở nông thôn, và 500.000 đồng/người/tháng ở thành thị. Như vậy, chuẩn nghèo không thay đổi dù GDP có lên hay xuống. Còn tỷ lệ hộ nghèo thì là do điều tra thực tế xem thu nhập của dân cư là bao nhiêu, rồi căn cứ vào chuẩn nghèo Chính phủ quy định để tính ra.
GDP và thu nhập của dân cư đều là số liệu thực tế. Vì vậy, việc điều chỉnh số liệu GDP tăng lên không ảnh hưởng đến thu nhập của dân cư. Thu nhập của dân cư là do người dân kê khai ra theo khảo sát thực tế (từ cuộc điều tra khảo sát mức sống dân cư).
Giai đoạn sau WTO đến nay, nhập siêu lớn đi cùng tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh. Nhưng nếu nhìn vào hiệu quả đem lại cho tăng trưởng GDP và cho nền sản xuất trong nước thì như thế nào, thưa ông?
- Gia nhập WTO cho đến nay có lợi nhiều cho khu vực FDI. Giá trị tăng thêm (VA) của khu vực này chiếm khoảng 20% GDP. Vấn đề gì xảy ra khi họ rút khỏi Việt Nam và nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt: Cần phải tính toán kỹ khả năng này trong quá trình thực hiện tái cấu trúc về ngành, về thể chế, về sở hữu là một đòi hỏi bức thiết và cần rất khẩn trương.
Xin cảm ơn ông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét