Hiển thị các bài đăng có nhãn đầu tư. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn đầu tư. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

“Điều tôi tâm đắc nhất là phải đổi mới thể chế”

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh:
“Điều tôi tâm đắc nhất là phải đổi mới thể chế”
Tư Hoàng thực hiện
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.
(TBKTSG) - Tái cơ cấu đầu tư công là một trong ba trọng tâm của đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đã được đề ra từ cuối năm 2012. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hơn một năm qua lĩnh vực đầu tư công vẫn chưa thấy có sự chuyển biến rõ rệt. Còn quan điểm của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về chuyện này ra sao?
TBKTSG: Thưa bộ trưởng, ông nhìn nhận thế nào về sự chuyển biến trong lĩnh vực đầu tư công vốn bị cho là dàn trải, thất thoát, lãng phí?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chuyện đầu tư công dàn trải đã được nói tại Quốc hội mấy chục năm rồi. Nhu cầu các địa phương nhiều, mà phân cấp rồi nên họ cứ quyết. Đó là bình thường. Tôi ở địa phương cũng làm thế, chứ không phải lên bộ trưởng mới nói hay. Phải đọc đúng nguyên nhân mới ngăn được căn bệnh dàn trải. Vì thế, Chỉ thị 1792 ra đời đánh trúng điều đó.
Thứ nhất, địa phương nào không có tiền mà cứ ký quyết định thì phải chịu trách nhiệm. Năm 2011, sau khi có chỉ thị, các địa phương choáng váng vì chưa bao giờ có quy định chặt như thế. Quá nhiều dự án bị phanh lại, dở dang. Vì thế, năm đó tôi phải nhận trước Quốc hội là tôi giao chậm. Nhưng chậm mà giúp thu gọn lại còn hơn nhanh mà vẫn tiếp tục dàn trải. Tuy nhiên, năm đó chưa chấn chỉnh nhiều. Sang năm 2012 tới 95,6% tổng số dự án thuộc nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho địa phương, các bộ là đúng theo tinh thần Chỉ thị 1792; còn đến năm 2013 thì tới 99,2% được kiểm soát.
Thứ hai là nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc trách nhiệm của trung ương. Trước đây nợ hơn 100.000 tỉ đồng, tôi đã báo cáo với Quốc hội. Sang năm 2012 còn nợ 85.000 tỉ đồng, năm 2013 còn 40.000 tỉ và tới đây chỉ còn 28.000 tỉ thôi. Tuy nhiên, có nhiều địa phương như Hà Giang còn nợ tràn lan.
Tôi chuẩn bị ký kế hoạch 2014. Tinh thần chung là ưu tiên bố trí cho những dự án nợ đọng trước, dự án hoàn thành sớm để đưa vào sử dụng, rồi mới bố trí cái khác. Nếu ai bố trí sai là tôi cắt.
TBKTSG: Đó chỉ là bước đầu thôi, vì Luật Đầu tư công vẫn còn treo bảy năm nay?
- Nếu Luật Đầu tư công được thông qua trong năm nay thì sẽ toàn diện hơn. Thí dụ, chương đầu tiên trong luật là về chủ trương đầu tư. Đây là điều rất đụng chạm. Ai là người ra chủ trương đầu tư? Toàn là lãnh đạo các cấp chứ. Ở tỉnh là chủ tịch tỉnh, hay tập thể thường vụ; trên này là các bộ trưởng.
Như Bộ trưởng Giao thông Vận tải kể, có tỉnh làm đường rộng 70 mét mà không có người đi. Vậy thì ai chủ trương cho làm? Rồi danh mục dự án rất dài mà không có ai cân đối. Đây là nguyên nhân gây dàn trải, thất thoát, lãng phí nhất. Cho nên chủ trương đầu tư mà được kiểm soát thì sẽ tạo ra hiệu quả vô cùng lớn cho đất nước.
Một vấn đề quan trọng khác trong Luật Đầu tư công là bố trí vốn đầu tư cho trung hạn, thay vì hàng năm. Trong bố trí vốn, thường năm nào chỉ biết năm đó, không biết năm sau có bao nhiêu tiền. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nắm toàn quyền mà không biết mình có bao nhiêu tiền cho đất nước. Các bộ trưởng lĩnh vực giao thông, xây dựng, y tế, nông nghiệp, và các chủ tịch tỉnh có quyền quyết nhiều công trình nhưng không biết năm sau có bao tiền. Thậm chí, đến Thủ tướng cũng không biết.
Tình trạng này không thể kéo dài nên phải chuyển sang làm kế hoạch trung hạn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối từ nay đến năm 2016 có bao tiền trên nền tảng tăng trưởng dự kiến. Và tôi công bố cho các bộ, ngành và địa phương biết có ngần này tiền trong từng ấy năm. Thủ tướng ký cho cả năm năm, chứ không phải xin gì như trước đây.
TBKTSG: Điều gì giúp ông có tinh thần như thế? Kinh nghiệm ở địa phương hay ở trung ương?
- Ở địa phương đã xuất phát ý tưởng này rồi. Tôi tự thấy là vô lý hết sức. Năm nào tôi cũng phải đi xin. Khi lên trung ương, tôi càng nhìn thấy rõ sự vô lý, chả biết có bao nhiêu tiền. Một ngày tôi phải tiếp bao nhiêu ông bí thư, chủ tịch, giám đốc sở lên xin dự án này, dự án kia. Tôi thấy như vậy là bất ổn.
Thời kỳ 2008-2010 nền kinh tế bung ra kinh quá. Bây giờ có bổ sung thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ cũng không là gì. Tôi nói thế để thấy chúng ta giải quyết một số lượng dự án kinh khủng. Nếu không có Chỉ thị 1792, không biết đất nước sẽ đi đến đâu.
TBKTSG: Ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được, ông có cảm thấy yên tâm?
- Kinh tế vĩ mô ổn định mới chỉ là bước đầu. Năm 2013, Chính phủ đã kiểm soát tiền tệ và giá cả tương đối tốt, nhưng tôi muốn đẩy lạm phát lên 7% kìa.
Việt Nam phải đi hai chân. Với một cơ cấu kinh tế đang phải gia công, lắp ráp nhiều thế này thì nhập siêu một chút cũng không có gì lạ. Khi cơ cấu kinh tế tốt lên, công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh lên, chúng ta sẽ giảm được nhập siêu. Lúc đó lạm phát mới đưa về mức 3-5% như thế giới.
Còn những người bảo phải kéo lạm phát xuống 2-3% chỉ là sách vở. Đó là sai lầm. Lạm phát đang 18,13% năm 2011 mà kéo xuống còn 6,81% năm 2012 là siết quá chặt. Xe đang chạy tốc độ cao mà giảm tốc đột ngột thì sẽ bị lật. Kết quả là bao nhiêu doanh nghiệp chết. Phải hiểu sâu xa bản chất của nền kinh tế mới có quyết sách đúng đắn. Ví dụ năm tháng trước khi có Nghị quyết 13 về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tôi đã cảnh báo doanh nghiệp sẽ rất khó khăn nếu siết chặt tín dụng quá mức. Tôi cũng đã nói với Thống đốc. Tôi nói, tôi là tổng tham mưu trưởng về kinh tế, tôi phải đi hai chân, tôi không chỉ lo cho ngành tín dụng, mà phải lo cho cả doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước nữa. Sau đó khi tín dụng được nới lỏng thì đã hơi chậm.
Thứ hai, về lạm phát chúng ta tính toán được mà. Chúng ta phải biết được lúc nào tăng giá điện, than, dịch vụ y tế. Không thể tăng ồ ạt như vậy. Thủ tướng vừa rồi ra Quyết định 1317 giao cho Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư là tổng tham mưu nền kinh tế với sự phối hợp của các bộ như thống đốc, bộ trưởng tài chính, công thương. Vì thế, việc tăng giá năm 2013 nhịp nhàng hơn.
TBKTSG: Nhìn nhận của Bộ trưởng về triển vọng kinh tế của đất nước?
- Chính phủ mới chỉ ổn định lại được kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, còn tăng trưởng có lên mức 7% được hay không lại là câu chuyện khác đầy thách thức. Tôi mong là các năm 2014-2015 chúng ta chuẩn bị được nền tảng cho đổi mới. Nếu không đổi mới Việt Nam sẽ khó khăn vì Chính phủ có thể kiểm soát được lạm phát, nhưng nền kinh tế không thể tăng trưởng mạnh được với cơ cấu hiện tại.
TBKTSG: Theo ông, đâu là dư địa để đổi mới?
- Còn rất nhiều dư địa để tạo ra tăng trưởng vì chúng ta đang ở mức rất thấp. Hãy cứ làm theo những gì thế giới đã làm. Điều tôi tâm đắc nhất bây giờ là phải đổi mới thể chế. Thể chế phải là thể chế kinh tế thị trường. Phải lấy thị trường điều tiết toàn bộ hoạt động kinh tế. Còn nếu chúng ta phân bổ theo chủ quan thì sai lệch rất nhiều.
Phải khẳng định kinh tế thị trường là tinh hoa của nhân loại, là thứ chúng ta phải áp dụng từ việc thị trường hóa giá cả, đến cạnh tranh thị trường. Phải mở rộng sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân. Tư nhân không phải là con đẻ của đất nước này à? Chúng ta đã chấp nhận đa dạng hóa nền kinh tế, thì thành phần nào cũng phải bình đẳng chứ.
Nếu không tạo được môi trường tốt trong 2-3 năm tới thì tăng trưởng sẽ chỉ quanh quẩn thế này. Đây là điều tôi rất trăn trở.

“Đội lái” chứng khoán Việt lắt léo và nhiều nguy hiểm!

“Đội lái” chứng khoán Việt lắt léo và nhiều nguy hiểm! 
Nhà đầu tư Mỹ cũng có thể chạy theo “cá mập”, tuy nhiên họ có những phân tích, định giá rõ ràng, nên nếu họ muốn đầu tư cách độc lập, họ có nhiều lựa chọn hơn.
Với kinh nghiệm đầu tư chứng khoán của mình, ông có thể cho biết sự khác biệt giữa “chơi” chứng khoán ở Mỹ và Việt Nam?
TS. Alan Phan: Chứng khoán nào cũng có quy luật chung là giá thị trường luôn luôn tùy thuộc vào cảm xúc của nhà đầu tư, trong đó nhiều đội lái rất ảnh hưởng.
Ngay cả bên Mỹ cũng vậy. không khác gì. Nhà đầu tư Mỹ cũng có thể chạy theo “cá mập”, tuy nhiên họ có những phân tích, định giá rõ ràng, nên nếu họ muốn đầu tư cách độc lập, họ có nhiều lựa chọn hơn.


Thường khi theo đuôi đúng “cá mập”, đúng đường cũng có thể ăn, nhưng nếu nó có tin sai, vô tình hay cố ý, thì mất tiền rất dễ.
Còn ở Việt Nam thì phần đầu cũng giống như vậy nhưng phần thứ hai tức nhà đầu tư độc lập khó có sự định giá rõ ràng, hay nhận định chính xác vì các số liệu, thông tin từ các công ty niêm yết rất đáng ngờ, không ai biết rõ sự thật sau hậu trường ra sao.

Thành ra ngoại trừ mình muốn đầu tư theo kiểu đoán mò thì cứ việc đầu tư, cũng giống như đi ra đường nói ngày hôm nay sẽ xui hay hên chứ cũng không ai biết được trúng hay trật.
Riêng ở Việt Nam, các “đội lái” mang nhiều yếu tố lắt léo, thủ đoạn… nên dễ bị lầm đường và gặp nguy hiểm nhiều hơn.

Và quy phạm pháp luật đối với chứng khoán thì cũng khác rất nhiều, thưa ông?

Hiện nay ở Mỹ kể cả những “nhà lái tàu” lớn như các đại gia Wall Street lớn như Citibank, JP Morgan… đều bị phạt rất nặng khi họ bị khám phá ra những vị phạm; do đó “đội lái tàu” của họ có sự nghiêm túc về tuân thủ pháp luật, không dám đi quá đà.
Ở Việt Nam gần như không có sự kiểm soát đó thành ra ai muốn làm gì thì làm, đây là khác biệt rất lớn và gây ra khó khăn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Một người đang nắm giữ tiền và hỏi ông nền đầu tư vào đâu, ông sẽ khuyên họ thế nào?

Tôi khuyên nếu họ không biết về bất cứ lĩnh vực gì thì đừng nên vứt tiền vào đó, cũng giống như đi lấy vợ mà không biết cô ấy gốc gác hay cá tính ra làm sao; thì đó là một phiêu lưu rất vô vọng. Tôi nghĩ bất cứ doanh nhân hay nhà đầu tư nào cũng có những kỹ năng, kinh nghiệm khá đặc thù trong công việc. Lãnh vực, ngành nghề nào đối với họ là tốt và thích hợp nhất, thì nên đào sâu để sinh lợi.
Muốn kiếm tiền có nhiều cách chứ không chỉ có chứng khoán, bất động sản, đô la … và phải nghĩ sáng tạo hơn. Nhưng tuyệt đối không bao giờ nên đầu tư vào những gì mình không biết!

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư chứng khoán?

Thực tình thì mỗi thời kỳ mỗi kinh nghiệm nó khác nhau. Khi chứng khoán ở đỉnh hay ở đáy thì đều có những cái phản ứng rất khác biệt, đừng lấy kinh nghiệm khi ở đỉnh đem áp dụng khi ở đáy: đó là tử huyệt.
Riêng chứng khoán là kênh đầu tư rất phức tạp Tôi đã đọc nhiều cuốn sách mô tả là trung bình có khoảng 140-150 yếu tố ảnh hưởng đến giá thị trường của một cổ phiếu, một nhà đầu tư nhỏ lẻ không chuyên nghiệp khó mà biết hết được. Như tôi nói cái gì mình không biết rõ thì đừng nên chơi với lửa.

Ông có thể nói một chút về cái gọi là thời điểm trong chơi chứng khoán?

Như tôi nói thời kỳ chứng khoán ở đỉnh, ngay như cả ở bên Mỹ cũng vậy, nhắm mắt đầu tư thế nào cũng có lời nhưng khi bắt đầu đi ngang hoặc xuống đáy nếu không cẩn thận có thể lỗ nặng. Thành ra đừng có lấy kinh nghiệm lúc kiếm tiền được để áp dụng cho mọi thời điểm, khi thời thế thay đổi đừng nghĩ đến cách kiếm tiền như ngày xưa.
Nguyên tắc này cũng không áp dụng riêng cho chứng khoán, mà cho bất động sản, vàng, đô la …. Tôi đã từng kiếm rất nhiều tiền khi mà vàng lên nhưng khi vàng xuống tôi không nhảy ra kịp thì cũng lỗ một số tiền khá lớn. Thành ra thời điểm vô cùng quan trọng.
Thời điểm mà tôi đầu tư vào thị trường Trung Quốc cũng giống như Việt Nam cách đây mấy năm, nên tôi kiếm tiền khá nhiều ở thị trường chứng khoán Trung Quốc. Thế nhưng khi qua Việt Nam tôi đã lỗ nặng, đó là kết luận vế tầm quan trọng của thời điểm (timing).
Xin cảm ơn ông!

THEO GÓC NHÌN ALAN

‘Cảnh giác kẻo nước ngoài chiếm kinh tế’

Nghe ông Thành chém gió rất chán, nhưng trong chuyện này tôi rất ủng hộ ông Thành. Nền kinh tế yếu kém, què quặt và chưa thoát khỏi khủng hoảng; cũng chưa có định hướng phát triển rõ ràng, chưa thấy đâu là những ngành, lĩnh vực nhà nước cần chi phối và đâu là ngành, lĩnh vực có thể để đầu tư nước ngoài chi phối, tham nhũng tràn lan không có cơ chế hữu hiệu kiểm soát,... Trong bối cảnh này mà nới lỏng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp có niêm yết trong nước thì sợ rằng sẽ để mất chủ quyền về kinh tế.
‘Cảnh giác kẻo nước ngoài chiếm kinh tế’
Chính phủ Việt Nam đang xem xét việc nới tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp có niêm yết trong nước.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 1/1, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói việc mở rộng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp trong nước cần phải hết sức thận trọng để tránh bị lệ thuộc về kinh tế.

“Việt Nam chưa phải là nền kinh tế như Mỹ mà tất cả mọi người đều có thể vào và các doanh nghiệp có tới hàng tỷ cổ phần để khó ai có thể khống chế được,” ông nói.

“Ở Việt Nam mình còn rất yếu kém, thị trường chứng khoán chỉ có vài doanh nghiệp nhưng số vốn lại không có bao nhiêu, chỉ chừng 500-700 triệu đôla.

“Với vài trăm doanh nghiệp như thế, lại có một cường quốc có tới vài nghìn tỷ đôla mà người ta lại được mình để cho tự do mua thì cần gì phải đánh nhau để chiếm Việt Nam làm gì, chỉ cần bỏ ra vài trăm tỷ đôla là mua hết nền kinh tế Việt Nam rồi.

“Tôi nghĩ nguy cơ bị người nước ngoài chiếm lĩnh kinh tế, các hoạt động huyết mạch là điều chúng ta cần thận trọng.”.

Nghe chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành giải thích chi tiết theo đường dẫn:

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Đường đắt nhất thủ đô: 100 triệu USD/km

Đắt nhất vì 1 mét đường mất 2 tỷ đồng gần 100.000 USD. Làm một cây số đường mất 100 triệu USD. Dĩ nhiên là làm bằng vốn vay. Hu hu... Đời con cháu làm sao để trả nợ đây ? Nhìn đường có thật là đường (tử tế) không ?
Cận cảnh tuyến đường đắt nhất Thủ đô sau khi thông xe
(Soha.vn) - Sáng 31-12, phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã quyết định cho thông xe kỹ thuật tuyến đường vành đai I (Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) thuộc quận Đống Đa. Chiều ngày 31/12, tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã được thông xe.


Ảnh chụp tuyến đường trước khi được thông xe kỹ thuật.

Từ 14h chiều cùng ngày, rất nhiều CSGT, cán bộ nhân viên thi công đã có mặt để tiến hành thông xe.

Các tấm tôn ngăn cách lần lượt được gỡ bỏ


Những công nhân ở đây phải dùng đến máy cắt để tháo dỡ.

Song song với việc thông xe kĩ thuật, không ít công nhân vẫn đang hoàn thiện nốt những điểm còn thi công dở dang.

Thời điểm thông xe kĩ thuật cũng là thời điểm các biển báo được dựng lên.

Không ít người dân quan tâm đã có mặt tại đây để chứng kiến sự kiện này.

Khoảnh khắc chờ đợi của một công nhân.

Ngay sau khi các tấm tôn được di dời, 
các công nhân tiến hành kiểm tra lại lòng đường.
Dải phân cách được gỡ bỏ.


Tính trung bình mỗi mét chiều dài tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa tốn hơn 1 tỷ đồng, tuy nhiên với tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu bình quân mỗi mét chiều dài tốn gần 2 tỷ đồng. Tuy vậy, một số ngôi nhà như trên vẫn chưa thể tháo dỡ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.


Quang cảnh tuyến đường sau khi được thông xe kỹ thuật

Dường như các phương tiện vẫn quen đi đường cũ. Vì vậy có rất ít phương tiện đi qua tuyến đường này sau thời điểm thông xe kĩ thuật.

Trao đổi với pv, ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội-chủ đầu tư xây dựng tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, cho biết trước mắt mới chỉ cho thông xe tạm theo 2 hướng Tôn Đức Thắng - Khâm Thiên đi Hoàng Cầu và hướng từ Hoàng Cầu đi về Nguyễn Lương Bằng.

“Riêng phương án tổ chức giao thông tại nút giao Hoàng Cầu, nút giao Tôn Đức Thắng-Ô Chợ Dừa - Nguyễn Lương Bằng phải đợi đến ngày 15-1 mới có phương án hoàn chỉnh”- ông Bảo cho hay.

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Đừng làm nghèo đất nước: Tiếng kêu tuyệt vọng ?

Đừng làm nghèo đất nước!
Nhiều nhà khoa học đã “lên ruột” khi tham gia phản biện hoặc được mời có ý kiến về một số dự án lớn của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gần đây. Thời sự nhất có lẽ là dự án cầu - đường ô tô Tân Vũ vượt biển phục vụ kết nối cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (TP Hải Phòng).
Trong khi Công ty TNHH Sơn Trường (một công ty tư nhân ở Hải Phòng) đề xuất phương án thi công dự án này với chỉ 1.000 tỉ đồng thì Bộ GTVT dự toán cao hơn nhiều lần. Dù ông Tạ Quyết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường, cam kết “nếu chi phí cao hơn 1.000 tỉ đồng, chúng tôi xin tự chịu số phát sinh đó”, Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm “đề xuất của Công ty Sơn Trường là không khả thi”!

Vụ việc chưa ngã ngũ song hầu hết các nhà khoa học tâm huyết đều ủng hộ phương án của Công ty Sơn Trường bởi có lợi cho đất nước, chính công ty lại cam kết sẽ rút ngắn thời gian thi công còn 15 tháng thay vì 35 tháng như tính toán của Bộ GTVT. Tuy nhiên, những người trong cuộc cho biết đã có những chỉ dấu cho thấy mọi chuyện đã an bài theo sự sắp đặt của Bộ GTVT.

Từ đây, một lần nữa dấy lên mối lo về lãng phí trong đầu tư công, nhất là ở lĩnh vực GTVT, thể hiện qua nhiều siêu dự án gần đây. Đó là dự án “đường cao tốc tâm linh” Mỹ Đình - Bái Đính với vốn dự kiến 4.300 tỉ đồng do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư, dài 91,5 km từ huyện Từ Liêm, TP Hà Nội đến huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, được cho là phục vụ nhu cầu du lịch tâm linh của 6,5 triệu dân Hà Nội (!). 

Chẳng rõ nhu cầu tâm linh quan trọng đến mức nào mà ngân sách phải chi khoản tiền lớn đến như vậy để xây đường cao tốc phục vụ hành hương, trong khi vẫn còn đó nhiều tuyến đường sử dụng không hết công năng và đều hướng về tỉnh Ninh Bình, như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc - Nam (đang thi công từng bước). Ngoài ra, tuyến Mai Dịch - Linh Đàm - Pháp Vân nối liền với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ và từ Cầu Giẽ cũng có đường cao tốc đi Ninh Bình.

Vậy thì người ta quyết xây “đường cao tốc tâm linh” vì cớ gì?

Dự án sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cũng vậy. Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất còn khoảng 158 ha đất, có thể mở rộng để tăng công năng sử dụng thì Bộ GTVT dự tính dùng diện tích đất này để xây sân golf và vay nước ngoài 8 tỉ USD để xây sân bay Long Thành! Hiệu quả của dự án (nếu được triển khai) phải chờ 30-40 năm nữa mới biết, còn sự lãng phí thì có thể thấy ngay bởi cả nước hiện đã có hơn 155 sân golf, nay mở thêm làm gì nữa! Và vay đến 8 tỉ USD để phải lo trả nợ triền miên trong khi tại nhiều nơi trẻ em còn thiếu trường học, bệnh nhân không có chỗ nằm, doanh nghiệp cạn vốn sản xuất - kinh doanh, người nghèo hầu như đã kiệt sức... thì có nên?

Kinh tế đang khó khăn. Những dự án kiểu như trên không giúp đất nước giàu lên mà có thể làm nghèo thêm. Quốc hội đã nhiều lần lên tiếng song tình trạng lãng phí trong đầu tư công vẫn nhức nhối. Dự án Luật Đầu tư công được bàn tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIII có đề cập: “Người đứng đầu các cấp có thẩm quyền, nếu phê duyệt chủ trương đầu tư sai, gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn của nhà nước trong đầu tư công sẽ bị kỷ luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Những mong với chế tài như vậy, đồng tiền của dân sẽ được sử dụng hết sức cân nhắc, có trách nhiệm. Bằng không, các thế hệ con cháu sau này sẽ mãi còng lưng trả nợ!

Dương Quang
(Người Lao Động)

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Các doanh nghiệp BĐS đang xếp hàng trước cửa tử

Các doanh nghiệp BĐS đang xếp hàng trước cửa tử
Con số mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính trong năm 2013 đã có 60.737 DN hấp hối, chết lâm sàng và chết hẳn, tăng 12% so với năm trước. Trong số đó, khu vực đối mặt với khó khăn chồng chất chính là nhóm bất động sản (BĐS).
Dù thu nhập bình quân đầu người trên tổng sản phẩm quốc nội tại Việt Nam đang ngày càng đẹp nhưng chưa biết khi nào mới lại gần giá BĐS.

Tiếp tục đưa ra nhận định chắc nịch trên tờ Đất việt ngày 27/12, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành đánh giá thị trường bất động sản năm 2014 chắc chắn sẽ đổ vỡ kéo chìm 60-70% DN và để lại khoảng 20-30% DN có thể tồn tại. Dự đoán của ông Đực được coi là u ám hơn rất nhiều so với kết quả của các công ty nghiên cứu thị trường hay nhận định của Bộ Xây dựng khi tuyên đoán rất lạc quan về BĐS. 

Ông Đực dự đoán, kịch bản cái chết hàng loạt này sẽ tiếp tục diễn ra bởi nếu cứu chữa thì phải cứu từ năm 2011 chứ giờ đây không có phương thuốc nào thổi lên được. Năm 2013 được đánh dấu với toa thuốc từ Nghị quyết 02 cùng liều thuốc 30.000 tỷ, nhưng cho đến nay chỉ tiết ra nhỏ giọt được 2% nên coi như là thuốc đã vô tác dụng!

Lời bình luận của ông Đực đưa ra sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phản bác Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về thực trạng giá BĐS đang rất tù mù. Theo ông Dũng các dự án bất động sản năm vừa qua đã giảm giá mạnh, có dự án giảm 50% về với giá trị thực nhằm tăng khả năng thanh khoản. Ông Đực cho biết, quả đúng là có những dự án đã giảm giá từ trực tiếp đến gián tiếp và con số 50% Bộ trưởng Dũng đưa ra là phù hợp, nhưng rất khó để nói là giá này đã phù hợp với thu nhập người dân hay chưa. Và bài toán cho cả nền kinh tế là giá BĐS đã về giá trị thực thì phải nâng thu nhập người dân lên.

Đúng như ông Đực nói thu nhập của dân là bài toán của cả nền kinh tế mà lời giải không thể chỉ bằng các phép tính GDP bình quân đầu người được Tổng cục thống kê đã biến hóa thông qua các thao tác kỹ thuật như thay đổi năm gốc và điều chỉnh con số tổng sản phẩm trong nước. Hiếm có chủ doanh nghiệp kinh doanh BĐS nào như ông Đực dũng cảm thừa nhận về sự “thất bại thảm hại” và cái chết báo trước của các dự án đắp chiếu, chết trôi nhan nhản. 

Cách đây hơn 9 tháng tiến sĩ Alan Phan một nhà đầu tư Việt Kiều đã có tuyên bố “để thị trường BĐS rơi tự do” khiến 1.000 hội viên BĐS bất bình sùng sục. Các lời biện minh về giá trị nhà đất lý tưởng xứng đáng được tồn tại cùng với những kỳ vọng tốt đẹp về gói 30.000 tỷ sẽ cứu giúp cho lượng hàng tồn kho chồng chất của những DN BĐS. 

Tuy nhiên, ảo tưởng về phao cứu hộ này lại chỉ khiến xuất hiện thêm những DN liều lĩnh cố gắng đào sâu quan hệ để chuyển dự án thương mại sang nhà ở xã hội với hy vọng sẽ vay được vài trăm, vài ngàn tỷ, “tạm sống” thêm vài năm nữa. Vậy là hàng tồn kho mới chồng lên hàng tồn kho cũ. Thời gian đang trả lời câu hỏi cho cuộc khủng hoảng thừa BĐS, thiếu nguồn tiền sạch sẽ từ người dân chảy qua khối nợ xấu ứ đọng, thâm đen hủy hoại ngân sách quốc gia và niềm tin trong thị trường - một nhân tố quyết định có thể xoay chuyển nền kinh tế.

Mạnh Kiên

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

20 tỷ USD còn ở trong dân

20 tỷ USD còn ở trong dân
Tìm cách huy động vàng trong dân đang là vấn đề cấp bách bởi cần phải đưa lượng vàng này trở thành nguồn vốn đầu tư cho xã hội. Tuy nhiên, huy động như thế nào đang là một dấu hỏi.
20 tỷ USD còn ở trong dân
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng là nghiên cứu, tìm cách để huy động nguồn lực vàng tích trữ trong dân trở thành nguồn vốn đầu tư cho phát triển xã hội.

Theo ước tính của Hiệp hội Vàng thế giới, số lượng vàng vật chất nằm trong dân khoảng 400-500 tấn. Nếu theo giá vàng tại thời điểm này trên thị trường, thị lượng vàng nằm trong dân có giá trị dao động từ 16-18 tỷ USD tương đương 16% GDP, xấp xỉ lượng dự trữ ngoại tệ thời kỳ trung bình trước đây. Tỷ lệ này quá lớn nếu so với các nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới cũng chưa tới 3%.

Rõ ràng đây là một nguồn lực tài chính khổng lồ hiện đang nằm trong dân, chưa được huy động để sử dụng có hiệu quả góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nếu chỉ huy động được một nửa số vàng trong dân, ít nhất cũng có gần 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế, nguồn ngoại tệ này sẽ làm giảm áp lực vay nợ từ các tổ chức tài chính quốc tế hoặc tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối, sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nguồn lực để chủ động và sẵn sàng điều tiết thị trường khi xảy ra những cơn sốt giá như thời gian vừa qua.

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc 400 tấn vàng đang “ngủ yên” trong dân là do chính sách huy động còn chưa thuyết phục. “Vấn đề là người dân khi giữ vàng, mua vàng, bán vàng đều có một yêu cầu là phải bảo toàn được vốn của số vàng ấy. Chính vì thế, nếu Nhà nước huy động, sử dụng phải đảm bảo làm sao số vàng vừa có lời mà lại an toàn. Khi người dân có nhu cầu, muốn rút vàng ra thì Nhà nước cần trả cho họ bằng vàng”.

Nên hay không huy động bằng chứng chỉ vàng?

Từ trước khi Thủ tướng giao nhiệm vụ này cho ngành Ngân hàng, vấn đề làm sao huy động được nguồn vàng trong dân đã được nhiều chuyên gia hiến kế bởi đây thực sự là một bài toán cần tìm cho ra đáp án.

PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, từ kinh nghiệm của các nước cho thấy việc huy động vàng trong dân là không dễ, cần hết sức thận trọng, muốn huy động được vàng trong dân, trước hết cần phải đảm bảo được các yếu tố ổn định về chính sách vĩ mô lẫn điều kiện thực thi nhất quán, trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của cả tổ chức đầu tư, kinh doanh vàng cũng như của người gửi vàng.

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, cách thức huy động là NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn sau khi đã ổn định trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại. Về điều kiện thực thi, quy trình, thủ tục phải khoa học, chặt chẽ từ khâu phát hành chứng chỉ, nhận gửi, trả vàng, nhưng phải đơn giản, thuận tiện.

Chứng chỉ vàng có thể cầm cố, thế chấp, cho vay, chuyển nhượng… và tính về lâu dài có thể “chứng khoán hóa”, được phép giao dịch trên thị trường mở và thị trường thứ cấp. Việc huy động vàng cần đảm bảo tính thanh khoản tốt cho chứng chỉ huy động vàng và hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng có nguồn vàng đáp ứng nhu cầu rút vàng của dân khi đến hay trong những trường biến động bất thường.

Chứng chỉ vàng này do NHNN phát hành, có các loại mệnh giá như: 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ; 1 lượng, 2 lượng, 5 lượng, 10 lượng… Đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Do vậy, vốn vàng có thể được sử dụng làm một nguồn lực dài hạn cho đầu tư phát triển.

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng… Về vĩ mô, nền kinh tế sẽ được lợi vì nguồn vàng trong dân tập trung về ngân hàng, góp phần tăng dự trữ quốc gia và tiết kiệm được USD, vì không cần nhập khẩu hàng mấy chục tấn vàng vật chất mỗi năm.

Lý giải về việc chứng chỉ này phải do NHNN phát hành, PGS.TS. Ngô Trí Long cho biết, trước thực trạng hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại còn bộc lộ một số yếu kém trong quản trị, cũng như chưa đủ mức độ tín nhiệm, do đó chứng chỉ huy động vàng phải do chính NHNN phát hành. Tuy nhiên, NHNN là cơ quan quản lý Nhà nước nên không trực tiếp đứng ra phát hành mà ủy quyền cho các ngân hàng thực hiện với vai trò đại lý phát hành chứng chỉ. Ngược lại NHNN phải chiết khấu hoa hồng cho ngân hàng để bù đắp các chi phí kiểm định, cất giữ, vận chuyển…

Đồng tình với việc huy động nguồn lực vàng trong dân góp phần phát triển kinh tế là cần thiết, tuy nhiên TS. Nguyễn Thị Thanh Hương và Ths. Nguyễn Thị Tuyết Anh, Tạp chí ngân hàng nhấn mạnh, không nên đặt vấn đề huy động vàng vật chất trong dân qua kênh phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ vàng. Chỉ trong trường hợp đặc biệt Chính phủ cần vay tiền ngoại tệ cho ngân sách để chi đầu tư phát triển kinh tế thì mới cần đến chính sách này. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, việc huy động vàng vật chất trong dân phải gắn với đảm bảo an ninh tiền tệ, với điều hành chính sách tiền tệ và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Khi vay vàng vật chất của dân và chuyển đổi ra ngoại tệ khác để chi tiêu, ngân sách Nhà nước sẽ phải đối diện với rủi ro lớn từ biến động giá vàng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần thống nhất quan điểm và tuyên truyền chính sách rõ ràng, cụ thể về vấn đề huy động vàng trong dân.

Theo báo Hải quan

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

‘Thị trường bất động sản 2014 chắc chắn sẽ đổ vỡ

‘Thị trường bất động sản 2014 chắc chắn sẽ đổ vỡ’
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM – Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, thị trường bất động sản năm 2014 chắc chắn sẽ đổ vỡ.
Theo ông Đực, sẽ có khoảng 60-70% doanh nghiệp bị đổ vỡ, chỉ còn khoảng 20-30% doanh nghiệp có thể tồn tại. Rất khó để tìm ra biện pháp cứu bất động sản, những biện pháp giải cứu đáng ra phải được thực hiện từ năm 2011.
Không thể bắt giá đất giảm theo thu nhập.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, chưa có dự án nhà ở nào giảm giá trên địa bàn Hà Nội, thông tin giảm giá chỉ có trên các báo cáo. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phản pháo Chủ tịch Hà Nội, tiếp tục khẳng định các dự án bất động sản năm vừa qua đã giảm giá mạnh, nhiều dự án giảm 50% về mức giá của năm 2006. Ông bình luận như thế nào về 2 ý kiến trái chiều trên? Theo đánh giá của ông, mức giá bất động sản hiện tại đã phù hợp với thu nhập của người dân hay chưa?

- Giá bất động sản có thể giảm từ 3 năm trước, riêng TP HCM có những dự án giảm 20-30%, thậm chí giảm giá 50%. Trong khi trước đây những dự án tương tự phải có giá trên 15 triệu/m2 nhưng nay chỉ có giá trên dưới 12 triệu đồng/m2 nên nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phù hợp hơn.
Ngoài hình thức giảm giá trực tiếp trên giá bán còn có thể giảm giá gián tiếp khi chỉ cần đóng 30% để nhận nhà sau đó 70% sẽ trả góp trong khoảng thời gian 3-5 năm mà không phải trả lãi.
Rất khó để nói giá bất động sản hiện nay đã phù hợp với thu nhập người dân hay chưa. Không riêng nhà ở mà xe ô tô, xe gắn máy, giá xăng, giá thực phẩm… đều cao so với thu nhập người dân do thu nhập người dân quá thấp.
Doanh nghiệp khi xây dựng, giá sắt thép mua theo giá thị trường, xăng dầu giá thị trường, trả lương công nhân cũng theo giá thị trường, mọi đầu vào đều cao, thêm nữa chúng tôi phải trả lãi ngân hàng lãi suất cao tại sao lại bắt chúng tôi giảm giá cho vừa thu nhập của người dân?
Thu nhập của người dân là câu hỏi của cả nền kinh tế, phải nâng thu nhập người dân không thể bắt giá nhà đất giảm xuống.
Trong một diễn biến khác, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, người đã có những phát ngôn và hành động cho thấy doanh nghiệp này sẽ rút lui dần khỏi bất động sản tại Việt Nam vừa bị dọa rút dự án resort tại Đà Nẵng vì chậm tiến độ. Sự việc liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai chứng tỏ điều gì với những dự án bất động sản dạng khách sạn, resort, bệnh viện cao cấp…? Các chuyên gia từng nhận định, các doanh nghiệp sản xuất khác trong năm vừa qua được vẫn được ví như những xác chết biết đi, điều tương tự có đang xảy ra với bất động sản không và vì sao?
- Mỗi người có cái nhìn khác nhau để đưa ra quyết định đầu tư, ông Đoàn Nguyên Đức có thể nhìn nhận thị trường bất động sản giá thấp nên không làm được hoặc không cạnh tranh được nên rút ra khỏi thị trường.
Trong lúc nhiều người thoái khỏi thị trường, tại TP HCM lại có doanh nghiệp đã nhảy vào mua những “xác chết” bất động sản. Tôi cho đây là ván bài rất hay. Có người chọn cách rút lui, có người lại lợi dụng sự chết chóc của các doanh nghiệp khác để dựng lên.
Theo tôi, thị trường bất động sản đã chết, hiện có hàng trăm, hàng trăm “xác chết” là những doanh nghiệp bất động sản nhưng cũng xuất hiện những doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, nhân sự có thể mua về những “xác chết” này với giá rất rẻ có thể chỉ bằng 20-30% giá trị thực ban đầu.
Về mặt quản lý nhà nước, gói 30.000 tỷ được kỳ vọng như “liều thuốc” cứu bất động sản, trong suốt quá trình triển khai, Bộ Xây dựng liên tục đưa ra các đề xuất nới điều kiện cho vay, mở rộng đối tượng vay, cho phép chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội… Tuy nhiên, thất bại của gói 30.000 tỷ đã nhìn thấy rõ. Theo ông, những biện pháp giải cứu bất động sản năm qua đã thực chất chưa, đã xử lý được vấn đề của bất động sản Việt Nam chưa?
- Thất bại của gói 30.000 tỷ là do Bộ Xây dựng đã không đánh giá đúng thị trường, không đánh giá đúng nguồn cung về gói 30.000 tỷ, không lường trước được những thủ tục tại địa phương khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại, nhà ở có diện tích lớn sang diện tích nhỏ; không lường trước được thủ tục nhiêu khê trong việc người dân vay tại ngân hàng, chứng minh tài sản, chứng minh diện tích, chứng minh thu nhập…
Bộ Xây dựng đã ra thông tư hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi từ căn hộ diện tích lớn sang diện tích nhỏ nhưng khi đưa về địa phương lại kéo dài thời gian làm thủ tục kéo dài 3-6 tháng.
Trong năm 2013 chưa có dự án nhà ở xã hội nào chính thức hoạt động ở TP HCM, từ lúc duyệt cho đến lúc đầu tư xây dựng dự án còn là 1 quá trình dài. Việc chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở diện tích lớn sang diện tích nhỏ ở TP HCM coi như bằng 0.
Bất động sản chắc chắn sẽ đổ vỡ
Thời gian vừa qua, nhiều công ty nghiên cứu thị trường đưa ra những dự báo thị trường sai, có lợi cho doanh nghiệp mình. Ông bình luận như thế nào về hiện tượng này? Liệu có sự làm ngơ để cứu vãn bất động sản bằng mọi giá trong trường hợp này không, thưa ông?
Đương nhiên mỗi người bao giờ nói cũng có lợi cho cá nhân, doanh nghiệp mình nên nhiều dự báo thị trường sai. Họ làm dịch vụ môi giới nên sẽ nói thị trường tốt để người dân bỏ tiền vào mua. Phải xem chừng những công ty khảo sát thị trường nói với mục đích nào để bảo vệ quyền lợi của họ hay quyền lợi của người dân.
Cách đây 3 tháng nhiều tuyên bố cho thấy giá bất động sản đã giảm xuống đáy, khuyến nghị không có thời điểm nào tốt hơn nhưng sau đó giá lại càng ngày càng giảm sâu.
Đây là quyền tự do của mỗi công ty nhưng đứng dưới góc độ quản lý nhà nước cần có cái nhìn thực tế hơn vì một số nhận định của Bộ Xây dựng cũng thường lạc thái quá nên tuyên đoán thị trường khả quan mặc dù thị trường không phải là tốt.
Xin ông cho biết, kịch bản cho thị trường bất động sản sắp tới sẽ như thế nào, bất động sản sẽ đổ vỡ rồi phục hồi hay đã chạm đáy rồi phục hồi dần?
Thị trường bất động sản chắc chắn sẽ đổ vỡ. Theo tôi sẽ có khoảng 60-70% các doanh nghiệp bị đổ vỡ, chỉ còn khoảng 20-30% doanh nghiệp có thể tồn tại.
Như chúng ta thấy có hàng loạt những xác chết, dự án đắp chiếu là mầm mống đổ vỡ và thậm chí có những doanh nghiệp phải bán mình cho doanh nghiệp khác. Họ đã đổ vỡ, vấn đề là họ chưa công khai.
Khi một công ty mua hàng chục dự án có thể hiểu hàng chục dự án là hàng chục doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ nhưng bán với giá 10-20 tỷ để rút chân ra khỏi thị trường.
Rất khó để tìm ra biện pháp cứu bất động sản, những biện pháp giải cứu đáng ra phải được thực hiện từ năm 2011, quá trễ để cứu bất động sản vào năm 2013 và suốt năm 2013 những giải pháp cứu bất động sản lại không hiệu quả.
Căn bệnh nặng mấy năm, đến đầu năm 2013 chờ liều thuốc giải bệnh từ Nghị quyết 02 và gói 30.000 tỷ nhưng cuối cùng thuốc không có tác dụng, gói 30.000 tỷ chỉ giải ngân được 2%, bệnh nhân không tồn tại được.
Đại đa số các doanh nghiệp đều thoi thóp, sự hỗ trợ từ chính quyền gần như không đáng kể, doanh nghiệp vẫn bệnh tật cũ như hàng tồn kho, nợ xấu và lãi vay ngân hàng cao, tiền mặt gần như cạn kiệt.
Xin trân trọng cảm ơn ông! 
THEO ĐẤT VIỆT

Nền kinh tế chưa lúc nào bền vững

Nền kinh tế chưa lúc nào bền vững
Tư Giang
Ông Hà Quang Tuyến. Ảnh: TH
(TBKTSG Online) - Bên lề buổi họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội năm 2013 do Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Hà Quang Tuyến về những vấn đề liên quan.
TBKTSG Online: Thưa ông, vì sao số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể của năm nay tiếp tục cao hơn năm trước, trong khi tăng trưởng lại cải thiện?
- Ông Hà Quang Tuyến: Năm 2013, tăng trưởng kinh tế đạt 5,42% có đóng góp quan trọng của  khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), hoạt động xuất khẩu và hoạt động kinh doanh không vì lợi nhuận (quản lý nhà nước, y tế, giáo dục,…).
Về số lượng doanh nghiệp thành lập mới gần 77.000, tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là 61.000. Như vậy, doanh nghiệp thành lập mới vẫn nhiều hơn.

Trong năm 2013, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung thì gặp khó khăn, nhưng doanh nghiệp FDI tăng khá và có hiệu quả đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế-khoảng 20% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Khu vực FDI xuất khẩu tăng 22,4% chiếm 33% tổng xuất khẩu.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá, đạt 7,44% (cùng kỳ 2012 tăng 5,8%); đóng góp 1,4 điểm phần trăm, chiếm 25;9%. Khu vực dịch vụ tăng khá; đóng góp 2,85 điểm phần trăm, chiếm 52,5%.
Các năm trước, các nhận định cho rằng tăng trưởng sẽ khởi sắc hơn, thì đến năm nay lại tiếp tục xuất hiện quan ngại về tăng trưởng kinh tế chưa bền vững của Việt Nam. Nhìn trên diễn biến kinh tế thời gian qua, Tổng cục Thống kê có thể nói gì về điều này?
- Việc đưa ra nhận định tăng trưởng kinh tế năm sau sẽ khởi sắc hơn là căn cứ vào tình hình kinh tế trong nước sẽ có những chuyển biến tích cực; vào cơ chế chính sách và các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, như Nghị quyết 01 và 02 năm 2013; và kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế sau mấy năm gặp nhiều khó khăn thách thức. 
Nền kinh tế Việt Nam chưa có lúc nào được cho là phát triển bền vững, tốc độ tăng GDP nói chung hay sản xuất kinh doanh của các ngành nói riêng vài năm gần đây tăng chậm cũng là do những mất cân đối nhiều mặt của nền kinh tế nhiều năm trước đây cộng với khủng hoảng kinh tế thế giới tác động vào Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Xét một cách đầy đủ, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là đúng và toàn bộ nền kinh tế đang vận hành theo hướng đó.
Xét các yếu tố tác động đến tổng cầu nền kinh tế, đầu tư năm nay có biểu hiện chiếm tỷ trọng cao hơn so với GDP, xét trong so sánh với năm trước. Vậy cân đối tiết kiệm và đầu tư như thế nào trong năm nay và so với giai đoạn trước thì như thế nào? Điều này có cần cảnh báo gì về tăng trưởng và chính sách của Việt Nam?
- Trước năm 2010, tỷ lệ đầu tư/GDP luôn ở mức trên 40% trong khi tỷ lệ tiết kiệm trên GDP chỉ vào khoảng 30%. Con số này tương ứng là 30,44% và 29,26% (trong đó kiều hối là 10,7 tỉ đô la Mỹ) trong năm 2013. Như vậy, cân đối tiết kiệm và đầu tư năm 2013 tương đương nhau; so với giai đoạn trước phải đi vay khoảng 10% để đầu tư.
Tuy tỷ lệ đầu tư/GDP của Việt nam rất cao nhưng tăng trưởng dường như không tương xứng với lượng đầu tư, điều này cho thấy việc đầu tư của Việt Nam là kém hiệu quả. Trong bối cảnh như vậy nếu tiếp tục tăng vốn đầu như những năm trước đây để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, điều này dẫn đến phải tiếp tục phụ thuộc vào nguồn tiền từ bên ngoài. Hiện nay nền kinh tế của nước ta không chỉ cầu yếu mà cung còn yếu hơn, vì vậy việc kích thích tăng trưởng bằng cách tăng đầu tư là không hiệu quả, dẫn đến nợ nần nhiều, tăng giá và thâm hụt thương mại. Kết quả điều tra doanh nghiệp 2011, cơ cấu vốn của doanh nghiệp cứ 1 đồng tự có thì phải vay trên 2 đồng, riêng doanh nghiệp nhà nước vay trên 3 đồng.
Vì vậy, theo chúng tôi, về tăng trưởng nên duy trì tốc độ tăng trưởng vừa phải, hợp lý. Về đầu tư thực hiện giảm đầu tư công, khuyến khích, động viên huy dộng tăng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, đồng thời với tái cơ cấu kinh tế, kiểm soát và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tác động của điều chỉnh GDP đến trần nợ công, tỷ lệ bội chi ngân sách và tác động như thế nào đến chuẩn nghèo.
- Năm 2013, Tổng cục Thống kê thực hiện điều chỉnh số liệu GDP cho một chuỗi thời gian, của hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở dân cư. Việc điều chỉnh này có liên quan đến kết quả của một số chỉ tiêu tính toán so GDP như GDP bình quân đầu người, vốn đầu tư/GDP, năng suất lao động, thu ngân sách/GDP, thu thuế/GDP, bội chi ngân sách/GDP,…
Tuy nhiên chuẩn nghèo và tỷ lệ hộ nghèo không có liên quan đến điều chỉnh GDP. Chuẩn nghèo căn cứ vào calo, và vật dụng phi lương thực thực phẩm tối thiểu. Để có được hai yếu tố này, thì Chính phủ quy định chuẩn nghèo là 400.000 đồng/người/tháng ở nông thôn, và 500.000 đồng/người/tháng ở thành thị. Như vậy, chuẩn nghèo không thay đổi dù GDP có lên hay xuống. Còn tỷ lệ hộ nghèo thì là do điều tra thực tế xem thu nhập của dân cư là bao nhiêu, rồi căn cứ vào chuẩn nghèo Chính phủ quy định để tính ra.
GDP và thu nhập của dân cư đều là số liệu thực tế. Vì vậy, việc điều chỉnh số liệu GDP tăng lên không ảnh hưởng đến thu nhập của dân cư. Thu nhập của dân cư là do người dân kê khai ra theo khảo sát thực tế (từ cuộc điều tra khảo sát mức sống dân cư).
Giai đoạn sau WTO đến nay, nhập siêu lớn đi cùng tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh. Nhưng nếu nhìn vào hiệu quả đem lại cho tăng trưởng GDP và cho nền sản xuất trong nước thì như thế nào, thưa ông?
- Gia nhập WTO cho đến nay có lợi nhiều cho khu vực FDI. Giá trị tăng thêm (VA) của khu vực này chiếm khoảng 20% GDP.  Vấn đề gì xảy ra khi họ rút khỏi Việt Nam và nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt: Cần phải tính toán kỹ khả năng này trong quá trình thực hiện tái cấu trúc về ngành, về thể chế, về sở hữu là một đòi hỏi bức thiết và cần rất khẩn trương.
Xin cảm ơn ông

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Quỹ bảo trì vượt nghìn tỉ, Bộ GT thừa thắng thu thêm

Quỹ bảo trì vượt nghìn tỉ, Bộ Giao thông thừa thắng thu thêm
Mới đây, Bộ GTVT đã có đề xuất xin ý kiến về việc xây dựng trạm thu phí trên dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, hoàn vốn cho dự án để chủ đầu tư có căn cứ triển khai.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ GTVT phải tính toán, cân nhắc kỹ việc lập trạm thu phí trên Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, đồng thời phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo quy mô đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án sẽ xây dựng 1 trạm thu phí “mở” 10 làn, 1 dừng và 2 làn không dừng tại Km38 + 600. Kinh phí thực hiện hạng mục này là 111,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo văn bản số 2250/TTg – KTN của Thủ tướng Chính phủ, các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước sẽ phải dừng thu từ ngày 1/1/2013 khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động.

Trong khi đó, dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn Ngân sách Nhà nước, về lý thuyết cũng không được thu phí.

Cao tốc Nội Bài – Lào Cai chưa xong đã đòi thu phí

Chuyện rậm rịch thu phí cũng được Bộ GTVT nhiều lần nhắc tới trên tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai, khi Quỹ bảo trì đường bộ được thông báo đã thu vượt kế hoạch hàng nghìn tỷ.

Thông tin cụ thể từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, ngày 27/12 sẽ thông xe 26 km đầu tiên của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đoạn tuyến Nội Bài – Tam Dương (Vĩnh Phúc) này sẽ được thu phí 1.500 đồng một km.

Theo thiết kế, tuyến đường có 4 làn xe với vận tốc cho phép là 100km/giờ. Trong thời gian tới, VEC sẽ tiến hành thông xe đoạn tuyến thứ hai Yên Bái – Lào Cai.

Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý về nguyên tắc việc tổ chức thông xe khai thác trước và thu phí 2 đoạn tuyến thuộc dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai theo đề nghị của Bộ GTVT.

Trong khi đó, theo Cục Đăng kiểm, cả nước đã thu được hơn 5.200 tỷ đồng tiền phí bảo trì đường bộ đối với các phương tiện ô tô và xe cơ giới.

Ước tính cả năm 2013, phí bảo trì đường bộ với ô tô trên phạm vi cả nước dự kiến sẽ đạt khoảng 5.400 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch ban đầu của Bộ GTVT, việc thu phí bảo trì đường bộ đã thực hiện vượt con số 1.400 tỷ đồng.

Việc triển khai thu phí đường bộ được Bộ GTVT thống nhất thu tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Theo đó mức thu với xe ô tô cá nhân từ 1,8 triệu đồng/năm trở lên. Các phương tiện xe tải thu theo tải trọng từng phương tiện.

Dù thu vượt hàng nghìn tỉ đồng từ phí bảo trì nhưng mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.

Theo đó, mức phí sẽ tăng từ 1/1/2014. Lộ trình mức thu tối đa áp dụng từ năm 2014 không quá 2,5 lần. Năm 2015 áp dụng mức thu tối đa không quá 3 lần.

Mức phí đường bộ đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 15.000 – 52.000 đồng; Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn từ 20.000 – 70.000 đồng; Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng Container 20 fit là 40.000 – 140.000; Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng Container 40 fit từ 80.000 – 200.000 đồng.

Giải thích lý do phải tăng phí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói rằng việc tăng này để bắt kịp trượt giá và phù hợp với mức thu nhập của người dân

Ông nói rõ: “Việt Nam từ một nước nghèo, trở thành một nước thu nhập trung bình thấp, đó chính là minh chứng cho sự tăng trưởng của người dân, chứ còn đòi hỏi cơ sở nào. Tỷ giá thế giới với tỷ giá Việt Nam đều tăng và thống nhất, chúng ta cũng có thể thấy mệnh giá tờ 10.000 đồng năm 2002, đến bây giờ vẫn là 10.000 đồng, tại sao lại nói thu nhập của người dân không tăng”.

THEO ĐẤT VIỆT

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

“Nếu có tiền tôi cũng không mua bất động sản”

“Nếu có tiền tôi cũng không mua bất động sản” 
TS. Alan Phan: “Nhu cầu về bất động sản tại Việt Nam là rất lớn, song phần lớn các sản phẩm hiện nay vẫn chưa phù hợp với túi tiền thì người dân chưa mua mà thôi”.
Một khi giá bất động sản vẫn chưa phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân thì chừng đó thị trường vẫn chưa thể chuyển biến tốt lên được, quan điểm của TS. Alan Phan – chuyên gia kinh tế, khi nói về triển vọng của thị trường bất động sản trong năm tới, đặc biệt là trước những bình luận lẫn các động thái trái chiều của các nhà quản lý lẫn doanh nghiệp, chủ đầu tư trong thời gian qua.

Trao đổi với VnEconomy, TS. Alan Phan nói:

- Thị trường bất động sản Việt Nam luôn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Vấn đề quan trọng và cũng là câu hỏi mấu chốt đó là “giá bất động sản có phù hợp với túi tiền của người dân hay không?”

Ngày nào mà mức giá chưa phù hợp thì bất động sản chưa thể chuyển động được. Còn chuyện người này nói thị trường sẽ lên hay có người nói nên thoát khỏi thị trường… thì tôi chỉ khuyên những ai quan tâm, cần phải coi lại đằng sau những ẩn ý của các phát ngôn đó. Tại sao người ta nói như vậy… Hiểu được điều đó sẽ hiểu được thị trường.

Tôi có thể khẳng định rằng, nhu cầu về bất động sản tại Việt Nam là rất lớn, song phần lớn các sản phẩm hiện nay vẫn chưa phù hợp với túi tiền thì người dân chưa mua mà thôi.

Nhưng thưa ông, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đều khẳng định giá bán đã xuống mức thấp nhất, ngang bằng với 6 – 7 năm về trước, nhưng họ vẫn không bán được và có thể phải đối diện với phá sản?

Xin nhớ rằng, giá thị trường không phải là giá do doanh nghiệp định đoạt. Giá đó là mức mà người dân có đủ tiền để mua. Trong quan hệ mua bán, làm thế nào để người ta chịu móc tiền túi ra mới là điều quan trọng.

Chẳng hạn, một chiếc iPhone được làm ra hết 100 USD, nếu doanh nghiệp bán 500 USD mà người dân thấy có thể mua được thì họ vẫn mua. Còn nếu chi phí làm đến 800 USD và người dân không thể mua được thì bắt buộc phải bán 500 USD và chịu lỗ thôi.

“Nếu có tiền tôi cũng không mua bất động sản” 1Còn chuyện người này nói thị trường sẽ lên hay có người nói nên thoát khỏi thị trường… thì tôi chỉ khuyên những ai quan tâm, cần phải coi lại đằng sau những ẩn ý của các phát ngôn đó. TS. Alan Phan

Vậy theo ông, làm thế nào để giải được bài toán giằng co về lợi ích khá nan giải này?

Trong tương lai, thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng của hai yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, nếu lạm phát cao, đồng tiền của người dân giảm giá trị và tài sản bất động sản cũng giảm tương ứng thì có thể phù hợp với túi tiền.

Thứ hai, nếu lãi suất xuống thấp trong nhiều năm tới thì người dân có thể vay hoặc mua trả góp thì cũng có thể mua được nhà. Khi đó thị trường có thể chuyển động tích cực.
Nhưng, nếu không có hai đột biến nói trên mà tình trạng như hiện nay vẫn tiếp tục kéo dài, thì tôi không tin thị trường sẽ có chuyển động gì thực sự có ý nghĩa.

Ngoài ra, trong trường hợp thu nhập của người dân tăng cao hoặc là có một tác động gì lớn lao về kinh tế có thể tạo ra một cú hích đang kể để có thể thay đổi việc làm, thu nhập cho người dân thì mới tạo ra chuyển động cho thị trường được.

Vừa qua, một doanh nhân có tiếng tăm trong làng bất động sản Việt Nam là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, đã có những phát ngôn  và hành động cho thấy doanh nghiệp này sẽ rút lui dần khỏi bất động sản tại Việt Nam, phải chăng là thị trường sẽ tiếp tục diễn tiến xấu trong thời gian tới?

Nhận xét và quyết định của cá nhân ông Đức và Hoàng Anh Gia Lai cũng chỉ là một phần trong tổng thể. Tất nhiên, vì ông ấy làm về bất động sản thì có thể sẽ hiểu biết hơn nhiều người khác. Nhưng, như tôi đã nói ở trên, chúng ta đều phải xem kỹ mục đích đằng sau những phát ngôn, tuyên bố đó.

Và quan trọng hơn là phải nhìn vào những việc người ta làm.

Vậy còn nhiều chuyên gia và giới truyền thông quốc tế cho rằng bất động sản Việt Nam đã qua đáy, thì sao?
Thực tế, các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam cũng không hẳn nắm rõ hết thị trường bất động sản Việt Nam. Một số quỹ nước ngoài kêu gọi khách hàng để bán cổ phiếu, cổ phần… tại Việt Nam thì họ cũng chỉ là các trung gian, họ tất nhiên phải ca ngợi sản phẩm mà họ đang bán hoặc tiếp thị. Không ai đi bán hàng mà lại rao rằng hàng tôi hàng ôi, hàng xấu.
Ngay cả những ngân hàng lớn trên thế giới khi đưa ra một dự báo hay một thông điệp nào đó cũng đều có những mục tiêu và lợi ích riêng của họ.

Còn ông, ông có cho rằng, thị trường bất động sản Việt đã qua giai đoạn khó khăn nhất?

Thực sự thì đến thời điểm này tôi vẫn thấy giá bất động sản chưa phù hợp với giá thị trường, nên cần phải làm thế nào để giá phải xuống thấp hơn nữa mới tiêu thụ được. Nó cũng không phải là bài toán gì to tát quá mức không thể giải được.
Tôi không quan tâm đến đáy hay không đáy. Giá thị trường có thể đi ngang, đi lên hoặc đi xuống. Quan trọng là thu nhập của người dân như thế nào, để lúc nào đấy hai yếu tố này gặp nhau, tức thì thị trường sẽ chuyển động.

Tất cả các dự báo, đặc biệt là của các chuyên gia, ngay cả tôi đây thì cũng đều có thể sai hết. Còn thống kê dự báo hiện nay của Việt Nam thì cũng chưa đủ sức thuyết phục.

“Nếu có tiền tôi cũng không mua bất động sản” 2Thực sự thì đến thời điểm này tôi vẫn thấy giá bất động sản chưa phù hợp với giá thị trường, nên cần phải làm thế nào để giá phải xuống thấp hơn nữa mới tiêu thụ được. TS.Alan Phan

Ông nhìn nhận thế nào về tác động của gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đến thị trường bất động sản?
Thực tế nếu chỉ việc đưa tiền cho người dân, doanh nghiệp vay thì xài hết 30.000 tỷ đồng ngay. Còn nếu cứ đòi hỏi điều kiện này, điều kiện kia thì còn lâu mới xài hết.
Thị trường sẽ tốt lên nếu như các thủ tục rườm rà được loại bỏ.

Theo ông, các nhà đầu tư có nên kỳ vọng vào thị trường bất động sản trong năm 2014?
Như tôi đã nói, tôi không tin tưởng vào các số liệu thống kê được công bố. Do đó, tôi không thể có một căn cứ nào để nói thị trường sẽ thế này, thị trường sẽ thế kia trong năm tới.
Tôi cũng hoàn toàn không phê bình tốt, xấu về triển vọng gì của thị trường. Nếu như thị trường bất động sản Việt Nam là một thị trường đúng nghĩa như các nước phát triển thì nó lại khác. Còn hiện nay, mặc dù gọi là thị trường nhưng đằng sau đó là cả một “hậu trường” khiến cho ngay cả những người làm chính sách nhiều khi cũng không thể hiểu nổi.

Nếu có tiền, năm tới ông có chọn bất động sản là kênh đầu tư?
Thực tế thì tôi đã rút khỏi thị trường Việt Nam từ 3 – 4 năm nay rồi, sau khi đã thua lỗ khá lớn trong tài chính, chứng khoán. Tôi cũng xem đó như là một bài học cho mình.
Còn nếu có tiền, trong thời gian tới tôi cũng không bỏ tiền vào bất động sản, vì giá vẫn chưa phù hợp với khả năng của người dân. Khả năng phục hồi của thị trường vẫn là một điều khá mơ hồ.

http://vneconomy.vn/201312191150239P0C17/neu-co-tien-toi-cung-khong-mua-bat-dong-san.htm

Ào ạt bán nhà đất dự án

Ào ạt bán nhà đất dự án
Cuối tháng 11/2013, nhiều dự án chào bán gây sốc mạnh về giá, căn hộ và nền đất có giá rẻ hơn nhiều một cái ôtô hạng trung bình. Những ngày đầu tháng 12, mới ngủ dậy, rất nhiều gia đình ở Tp.HCM đã thấy tờ in 4 màu, có nhiều ảnh rất đẹp cài trước cửa…
Từ đầu tháng 11 đến nay, cơn lốc chào bán nhà đất dự án với giá rẻ dồn dập tiến công vào các con hẻm và đến từng hộ gia đình ở Tp.HCM. Tuy nhiên, càng vào dịp giáp Tết, người mua nhà đất càng gặp nhiều rủi ro hơn, rủi ro lớn nhất là mất sạch tiền.

Những ngày đầu tháng 12, mới ngủ dậy, rất nhiều gia đình ở Tp.HCM đã thấy tờ in 4 màu, có nhiều ảnh rất đẹp cài trước cửa, khác hẳn với những tờ rơi in xấu xí mời mua trả góp hàng điện máy, đồ dùng gia đình, chào mời cho vay tiêu dùng tin chấp, dạy học thêm…

Chào bán gây sốc về giá cả


Mở ra mới biết là tờ rơi giới thiệu và chào bán căn hộ, nền đất dự án nhà đất với giá rẻ cực sốc chưa từng có từ trước đến nay. Hiện nay, có thể nói nhà đất đang là loại hàng ế ẩm nhất trong tất cả các loại hàng có thời gian sử dụng lâu dài, giá cũng giảm thê thảm nhất, tới 50-60% trong 2 năm qua và chưa có chuyên gia nào dám khẳng định là giá đã xuống gần tới đáy vực.

Quá ế ẩm nên các chủ dự án đã thuê cả một đội quân hùng hậu chuyên môi giới chào bán hàng. Ngoài những kênh quảng cáo, bán hàng thông thường qua báo đài, qua sàn giao dịch, mở tiệc giới thiệu và mở bán dự án, đưa đón khách hàng đến thăm dự án… họ đã sử dụng thêm 3 phương tiện mới là phát tờ rơi đến tận hộ gia đình, nhắn tin hàng ngày đến hàng vạn điện thoại di động và treo băng rôn tràn ngập trên các cột điện ngoài đường và ở các chợ truyền thống.

Cuối tháng 11/2013, nhiều dự án chào bán gây sốc mạnh về giá, căn hộ và nền đất có giá rẻ hơn nhiều một cái ôtô hạng trung bình. Dự án cao ốc 12 tầng, ngay ngã tư Bình Triệu, ven sông Sài Gòn, mặt tiền đường vành đai Tân Sơn Nhất-Bình Lợi, cách quận 1, Tp.HCM chỉ có 10 km, giao ngay sổ hồng cho khách hàng, nhận nhà ngay sau khi trả tiền, giá 659 triệu đồng/căn diện tích 40m2.

Dự án tại khu vực sầm uất gần kề Phú Mỹ Hưng được giao bán với giá rất hấp dẫn, chỉ bằng một nửa cách đây 2 năm là Khu đô thị cảng Quốc tế, hạ tầng hoàn chỉnh 100%, sổ đỏ, đã có giấy phép xây dựng, thanh toán trong vòng 13 tháng, ngân hàng cho vay 70% thời hạn vay 15 năm, giá nền đất 68m2 chỉ có 4,5 triệu đồng/m2.

Khu vực xa hơn trung tâm Tp.HCM có giá còn rẻ hơn rất nhiều. Dự án đất nền mặt tiền Quốc lộ 13 (cách 30m), gần sát Đại học Quốc tế tại Thủ Dầu Một Bình Dương, cách quận 1, Tp.HCM 30 km, sổ đỏ, đường nội bộ dự án rộng 25m và 36m, giá chỉ có 179 triệu đồng/nền.

Rủi ro không biết đâu mà lường

Đối với những giao dịch mua bán nhà chung cư, căn hộ dự án không nhận nhà ngay mà trả tiền theo tiến độ hoàn thành của dự án, thường gọi là góp vốn vào dự án hay giao dịch “mua bán nhà trên giấy”, tức là mua bán tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai, chưa có nhà, căn hộ ở thời điểm xác lập hợp đồng. Do vậy, hình thức mua bán này có nhiều rủi nhất ro so với các phương thức khác do khách hàng luôn là người bị động và thời gian “chịu đựng” rủi ro kéo dài tới vài năm.

Rủi ro lớn nhất là khách hàng có thể mất trắng toàn bộ số tiền đã nộp cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư lợi dụng hình thức huy động vốn, góp vốn vào dự án không có thật (lừa đảo) để chiếm đoạt tiền của khách hàng hoặc dự án chưa đủ điều kiện pháp lý cho phép được huy động vốn từ khách hàng.

Rủi ro thứ hai, dự án là có thật nhưng chủ đầu tư không sử dụng nguồn tiền góp vốn của khách hàng vào triển khai dự án mà sử dụng vào mục đích khác, bị thất thoát mất khả năng thu hồi thì khách hàng cũng mất cơ hội được hoàn lại khoản tiền đã góp vào dự án.

Trường hợp chủ đầu tư sử dụng nguồn tiền huy động vốn của khách hàng không hiệu quả, hoặc đầu tư nhỏ giọt vào xây dựng dự án, khách hàng không được nhận bàn giao nhà đúng tiến độ đã thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn, tiền vốn đầu tư bị “nằm chết” tại chỗ, có thể kéo dài tới vài năm mà không có đồng lãi nào.

Rủi ro thứ ba là khách hàng có thể không bao giờ nhận được bàn giao nhà khi chủ đầu tư dự án có thật vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, về quản lý dự án dẫn đến hậu quả bị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thu hồi dự án.

Khi bị thu hồi và giao dự án cho chủ đầu tư mới, nếu chủ đầu tư cũ không còn nguồn tiền thì khách hàng muốn được nhận nhà lại phải đóng góp tài chính cho chủ đầu tư mới và rủi ro là mất toàn bộ khoản tiền đã góp vốn ban đầu cho chủ đầu tư cũ.

HOÀNG LỘC
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)