Quá nhiều rủi ro khi xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc
Thời gian gần đây, Trung Quốc đang trở thành nước tiêu thụ nhiều nhất nông sản của Việt Nam từ những mặt hàng truyền hống như gạo, hồ tiêu, hạt điều… nhiều loại hoa quả như dừa, vải thiều, thanh long, sắn … và gần đây còn có vịt đẻ, lợn mỡ, ốc bươu vàng.
Tháng 4 năm nay giá dưa hấu tại đồng bằng sông Cửu Long ĐBSCL
đã rớt giá thảm hại do Trung Quốc ngừng thu mua đột ngột.
Việc thu mua nông sản Việt của Trung Quốc, trước mắt có thể mang lại lợi nhuận tức thời cho người nông dân và thương lái, nhưng về lâu dài, đã có vô số lần nông sản Việt phải méo mặt “phát khóc” với những rủi ro khi xuất khẩu kiểu này với Trung Quốc.
Việt Nam hiện đang là nước nhập siêu khá lớn từ Trung Quốc, hàng hóa của nước này đang tràn ngập trên thị trường Việt từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng đến các loại rau quả, nông sản…. Bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết việc nhập siêu từ TQ năm 2000 chỉ 210 triệu USD nhưng đến năm 2012 đã vọt lên 19 tỉ USD, tính đến hết 10 tháng đầu năm nay đã lên 19,6 tỉ USD, tăng đến 93 lần. Chính việc nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc đã khiến nền kinh tế Việt kiệt quệ do một lượng lớn ngoại tệ thất thoát.
Trái ngược với việc Trung Quốc đang xuất khẩu hàng loạt các sản phẩm nông sản sang Việt Nam thì nước này cũng đang là quốc gia tiêu thụ những sản phẩm nông sản lớn nhất của nước ta. Tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 7,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của cả nước, theo số liệu của Vụ Thị trường. Ngoài những mặt hàng truyền thống như cao su, gỗ, hạt điều, tiêu…gần đây Trung Quốc còn tiêu thụ mạnh các mặt hàng mới như rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản, gạo, thịt lợn…
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, 11 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 1 tỉ đô la Mỹ, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm 30% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu và có mức tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy việc buôn bán với thương lái Trung Quốc đang giúp một số nông sản tiêu thụ tốt và người trồng có lãi. Nhưng nhìn chung việc buôn bán với thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi nhiều hơn là có lợi khi những thương lái Trung Quốc thường có cách thức thu mua khá kỳ cục, nhiều mặt hàng lạ như lá Chu Ka, lá điều, lá vải khô, lợn mỡ, ốc bươu vàng, đỉa…. rất dễ gây rối loạn thị trường, rớt giá hàng thậm chí là làm mất uy tín thương hiệu sản phẩm. Chỉ cần nhìn những triền đê, bờ ruộng… nơi vỏ ốc bươu vàng chất đống , gây hôi thối ô nhiễm môi trường tại Quốc Oai, Hà Nội cũng đủ để thấy hậu quả của những “cơn bão” thu mua nông sản của thương lái Trung Quốc khiến người nông dân thiệt hại đến chừng nào.
Vào đầu tháng 12, công an tỉnh Tiền Giang phát hiện và xử lý 8 đối tượng có quốc tịch Thái Lan thu gom trái cây trái phép và dùng hóa chất mang từ Trung Quốc sang để thúc quả chín và bảo quản. Vụ việc trên đã khiến giá bán sầu riêng giảm mạnh, từ 50.000 đồng/kg xuống chỉ còn khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, hàng loạt các hóa chất kích thích giá đỗ lớn vọt lên, rau mầm, hay hóa chất thúc chín hoa quả, “chất tẩy đường” biến rau củ héo thành tươi mới…chứa nhiều hóa chất độc hại đang được nhiều người bán tại Việt Nam sử dụng cũng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chính những điều này chính là tác nhân gây rối loạn, bất ổn cho thị trường nông sản Việt Nam.
Ngoài ra, việc xuất khẩu hàng hóa, nông sản sang Trung Quốc đang chủ yếu theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng hay ràng buộc cụ thể. Việc nhập hàng của thị trường này cũng khá thất thường và hay bị dừng đột ngột, mỗi lần như vậy thì hàng hóa trong nước sẽ bị tồn đọng, rớt giá thảm hại thậm chí phải đổ bỏ số lượng lớn ngay tại cửa khẩu. Hiện cũng chưa có một chính sách cụ thể trong việc buôn bán với các thương lái Trung Quốc, việc đặt hàng, trả tiền thường do thương lái nước này tự quyết, nên người nông dân và thương lái Việt luôn ở thế bị động.
Nguy cơ rủi ro rất nhiều do không có một luật định ràng buộc nào giữa hai bên, mọi chuyện mua bán vẫn chỉ diễn ra như cách giao thương tự nhiên. Vì thế, đứng trước những mối lợi nhất thời trước mắt, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để luôn nhớ rằng làm ăn với anh bạn “láng giềng” này phải hết sức cẩn thận, vì họ chẳng làm gì mà không có ý đồ, cũng như luôn có những toan tính dài lâu mà khi người Việt hiểu ra thì đã quá muộn.
Kinh tế mòn mỏi vì nhập siêu từ Trung Quốc
Ngành sản xuất Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc
Nhập siêu với Trung quốc - hiểm hoạ cho nền kinh tế phụ thuộc
Vĩ Thanh
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét