Hiển thị các bài đăng có nhãn Nông nghiệp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nông nghiệp. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Lời thề Thanh Văn

Lời thề Thanh Văn
VTV – Đài truyền hình Việt Nam Trong một bản tin thời sự cách đây chưa lâu, chúng tôi đã đề cập đến mô hình xây dựng Nông thôn mới ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội.
Đây là một mô hình đang được rất nhiều nhà nghiên cứu tập trung phân tích bởi những cách làm chưa từng có tiền lệ và một bầu không khí dân chủ, công khai, minh bạch hiếm gặp ở các cấp chính quyền cơ sở.



Bà con nông dân ở Thanh Văn từ 60 tuổi 
trở lên nhận sổ hưu. (Ảnh: Internet) 

Từ 3 năm trở lại đây ở xã Thanh Văn chính quyền đã vận động người dân lập ra một quỹ hưu trí và phúc lợi xã hội. Người dân trong xã chỉ phải đóng 20.000 đồng/tháng trong vòng 20 năm và kể từ năm 60 tuổi, họ sẽ được trả lương hưu với mức hiện nay là 400.000 đồng/tháng.

Để đảm bảo công khai, cứ đến ngày 1/1 Dương lịch hàng năm, tập thể cấp ủy và chính quyền xã lại tổ chức một hội thề không tơ hào tài sản của nhân dân. Dù chỉ mới tổ chức 3 năm nay nhưng ngày hội này đang được người dân xem như cái tết thứ hai của Thanh Văn.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời quý độc giả theo dõi video trên đây:

Đỗ Thủ

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Quá nhiều rủi ro khi xuất khẩu sang Trung Quốc

Quá nhiều rủi ro khi xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc
Thời gian gần đây, Trung Quốc đang trở thành nước tiêu thụ nhiều nhất nông sản của Việt Nam từ những mặt hàng truyền hống như gạo, hồ tiêu, hạt điều… nhiều loại hoa quả như dừa, vải thiều, thanh long, sắn … và gần đây còn có vịt đẻ, lợn mỡ, ốc bươu vàng. 
Tháng 4 năm nay giá dưa hấu tại đồng bằng sông Cửu Long ĐBSCL
 đã rớt giá thảm hại do Trung Quốc ngừng thu mua đột ngột.
Việc thu mua nông sản Việt của Trung Quốc, trước mắt có thể mang lại lợi nhuận tức thời cho người nông dân và thương lái, nhưng về lâu dài, đã có vô số lần nông sản Việt phải méo mặt “phát khóc” với những rủi ro khi xuất khẩu kiểu này với Trung Quốc.

Việt Nam hiện đang là nước nhập siêu khá lớn từ Trung Quốc, hàng hóa của nước này đang tràn ngập trên thị trường Việt từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng đến các loại rau quả, nông sản…. Bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết việc nhập siêu từ TQ năm 2000 chỉ 210 triệu USD nhưng đến năm 2012 đã vọt lên 19 tỉ USD, tính đến hết 10 tháng đầu năm nay đã lên 19,6 tỉ USD, tăng đến 93 lần. Chính việc nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc đã khiến nền kinh tế Việt kiệt quệ do một lượng lớn ngoại tệ thất thoát.

Trái ngược với việc Trung Quốc đang xuất khẩu hàng loạt các sản phẩm nông sản sang Việt Nam thì nước này cũng đang là quốc gia tiêu thụ những sản phẩm nông sản lớn nhất của nước ta. Tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 7,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của cả nước, theo số liệu của Vụ Thị trường. Ngoài những mặt hàng truyền thống như cao su, gỗ, hạt điều, tiêu…gần đây Trung Quốc còn tiêu thụ mạnh các mặt hàng mới như rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản, gạo, thịt lợn…

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, 11 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 1 tỉ đô la Mỹ, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm 30% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu và có mức tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy việc buôn bán với thương lái Trung Quốc đang giúp một số nông sản tiêu thụ tốt và người trồng có lãi. Nhưng nhìn chung việc buôn bán với thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi nhiều hơn là có lợi khi những thương lái Trung Quốc thường có cách thức thu mua khá kỳ cục, nhiều mặt hàng lạ như lá Chu Ka, lá điều, lá vải khô, lợn mỡ, ốc bươu vàng, đỉa…. rất dễ gây rối loạn thị trường, rớt giá hàng thậm chí là làm mất uy tín thương hiệu sản phẩm. Chỉ cần nhìn những triền đê, bờ ruộng… nơi vỏ ốc bươu vàng chất đống , gây hôi thối ô nhiễm môi trường tại Quốc Oai, Hà Nội cũng đủ để thấy hậu quả của những “cơn bão” thu mua nông sản của thương lái Trung Quốc khiến người nông dân thiệt hại đến chừng nào.

Vào đầu tháng 12, công an tỉnh Tiền Giang phát hiện và xử lý 8 đối tượng có quốc tịch Thái Lan thu gom trái cây trái phép và dùng hóa chất mang từ Trung Quốc sang để thúc quả chín và bảo quản. Vụ việc trên đã khiến giá bán sầu riêng giảm mạnh, từ 50.000 đồng/kg xuống chỉ còn khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, hàng loạt các hóa chất kích thích giá đỗ lớn vọt lên, rau mầm, hay hóa chất thúc chín hoa quả, “chất tẩy đường” biến rau củ héo thành tươi mới…chứa nhiều hóa chất độc hại đang được nhiều người bán tại Việt Nam sử dụng cũng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chính những điều này chính là tác nhân gây rối loạn, bất ổn cho thị trường nông sản Việt Nam.

Ngoài ra, việc xuất khẩu hàng hóa, nông sản sang Trung Quốc đang chủ yếu theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng hay ràng buộc cụ thể. Việc nhập hàng của thị trường này cũng khá thất thường và hay bị dừng đột ngột, mỗi lần như vậy thì hàng hóa trong nước sẽ bị tồn đọng, rớt giá thảm hại thậm chí phải đổ bỏ số lượng lớn ngay tại cửa khẩu. Hiện cũng chưa có một chính sách cụ thể trong việc buôn bán với các thương lái Trung Quốc, việc đặt hàng, trả tiền thường do thương lái nước này tự quyết, nên người nông dân và thương lái Việt luôn ở thế bị động.

Nguy cơ rủi ro rất nhiều do không có một luật định ràng buộc nào giữa hai bên, mọi chuyện mua bán vẫn chỉ diễn ra như cách giao thương tự nhiên. Vì thế, đứng trước những mối lợi nhất thời trước mắt, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để luôn nhớ rằng làm ăn với anh bạn “láng giềng” này phải hết sức cẩn thận, vì họ chẳng làm gì mà không có ý đồ, cũng như luôn có những toan tính dài lâu mà khi người Việt hiểu ra thì đã quá muộn.
Kinh tế mòn mỏi vì nhập siêu từ Trung Quốc
Ngành sản xuất Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc
Nhập siêu với Trung quốc - hiểm hoạ cho nền kinh tế phụ thuộc
Vĩ Thanh
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Nhà quê châu Âu

Nhà quê châu Âu
TP - Tới nước Đức và các nước EU khác nhiều lần tôi ngộ ra một điều: Không chỉ các thành phố cổ kính với lối kiến trúc gothic đẹp mê hồn mới làm nên vẻ đẹp châu Âu, mà chính những làng quê thanh bình, những cánh rừng xanh ngút ngàn đã làm nên điều khác biệt ở xứ sở này.
Cảnh nông thôn nước Đức. Ảnh: Việt Hùng.
Theo thống kê mới đây của Liên minh châu Âu (EU), 56% dân số của 27 nước thành viên EU đang sống ở nông thôn, cái chốn mà chúng ta quen gọi là nhà quê ấy chiếm tới 91% lãnh thổ EU, tức chỉ chưa đầy chục phần trăm là chốn thị thành. Xin lưu ý để bạn đọc khỏi hiểu nhầm, 56% dân số sống ở nông thôn hoàn toàn không có nghĩa là chừng ấy là nông dân.

Nước Đức có khoảng 80 triệu dân nhưng chỉ có vẻn vẹn 380 ngàn nông dân mà thôi, tức chiếm chưa đầy 0,5% dân số, song lại làm ra một khối lượng hàng hóa trị giá tới 50 tỷ euro. Trong khi đó khu vực nông thôn ở Đức chiếm 80% lãnh thổ và có tới 40% dân số Đức sống ở khu vực này. Ngay một nước nhỏ 10 triệu dân mới vào EU như Hungary cũng có tới 45% dân số sống ở nông thôn.

Hữu cơ lên ngôi

Từ thủ đô Berlin, chiếc xe chở đoàn nhà báo Việt Nam và châu Âu trong hành trình tìm hiểu về nông nghiệp của EU lao vun vút ra phía vùng ngoại ô. Hôm nay chúng tôi sẽ đi thăm hai trang trại, một theo phương pháp thông thường và một theo phương pháp hữu cơ (organic farm).

Ưu nhược của hai trang trại này ra sao sẽ do mỗi nhà báo tự đánh giá và cảm nhận, chỉ biết thực phẩm hữu cơ đang trở thành một trào lưu tại Đức và nhiều nước châu Âu khác. Canh tác theo phương pháp hữu cơ, có thể hiểu nôm na là làm nông sạch không dùng hóa chất, không gây hại tới đất đai, nguồn nước và môi trường.

Làm nông hữu cơ phải đảm bảo được một chu trình canh tác tự nhiên khép kín. Một phần sản phẩm của cây trồng sẽ được dùng làm thức ăn chăn nuôi, đến lượt chất thải của vật nuôi lại được dùng làm phân bón cho cây. Tất cả các trang trại và thực phẩm được gắn mác hữu cơ tại Đức cũng như các nước thành viên khác đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo của EU.

Ngẫm ra, ở cái xứ sở văn minh này đang có xu hướng tiêu dùng trở về thời... tiền sử, hay nói văn hoa hơn là gần gũi với tự nhiên môi trường. Thật trớ trêu, hình ảnh Hà Nội của một thời tàu điện leng keng, của xe đạp và sự bình yên thư thái... lại hiện ra ở Copenhagen (Đan Mạch), Amsterdam (Hà Lan) cái xứ văn minh và phát triển nhất nhì thế giới. Còn cái mốt ăn uống đồ Bio (tiếng Đức là hữu cơ) đắt đỏ bên châu Âu, ông bà tổ tiên chúng ta thời trước dùng hàng ngày như cơm bữa.

Cái thời chưa hề có thuốc trừ sâu, phân bón hóa học hay tăng trưởng này nọ... các cụ chả nuôi trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ là gì? Hóa ra, phải chăng bao nhiêu cái sự văn minh, sau một chu kỳ của sự phát triển và tiến hóa, chính là lặp lại cái cũ nhưng ở một tầng nấc của nhận thức mới cao hơn mà thôi.

Nông dân trẻ Eric Zijlstra trong trang trại nuôi bò Tierzucht 
Heinersdorf theo phương pháp truyền thống ở ngoại ô Berlin.

Trang trại đầu tiên mà chúng tôi tới có tên Tierzucht Heinersdorf, nuôi 975 con bò sữa theo phương pháp bình thường tức không phải hữu cơ. Mùa đông băng giá, tuyết phủ trắng xóa khắp trang trại, trong thành phố Berlin âm 7 độ C, nơi ngoại ô vắng vẻ này đã tụt xuống âm 10 độ C.

Lũ bò được nuôi trong những ngôi nhà lợp tôn kín mít, bên trong có hệ thống sưởi và chiếu sáng hiện đại. Kế bên là khu nhà xưởng dành cho việc vắt sữa. Chủ trang trại Eric Zijlstra cho chúng tôi biết, dây chuyền vắt sữa tự động này có năng suất vắt 160 con bò mỗi giờ, trung bình mỗi con bò ở đây cho 30 kg sữa/ngày.

Sau khi bò được lùa vào đúng vị trí, hệ thống sẽ tự động vắt rồi lại tự động làm sạch chờ lần vắt sau. Chất lượng sữa của từng con bò được kiểm soát ngay qua hệ thống phân tích. Nếu sữa từ một con bò nào đó không đảm bảo dòng sữa sẽ được tách ngay khỏi hệ thống, không cho chảy vào bồn chứa.

Cánh đồng nước Đức sau vụ gặt.

Trang trại của anh Zijlstra sản xuất cả bò giống. Giá bê con là 300 euro/con, giá bò sữa trưởng thành vào khoảng 1.800 euro/con. Giá sữa mà trang trại anh bán buôn chỉ có 30 cent/kg, người tiêu dùng mua sữa tươi trong siêu thị ở Đức từ 40-50 cent/kg tùy loại, tương đương 11.000 đồng – 13.500 đồng/kg. Một mức giá sữa tươi quá rẻ so với ở Việt Nam, hiện người Việt phải mua ở siêu thị với giá khoảng 30.000 đồng/lít, đắt gấp hơn 2 lần ở Đức

Rời trang trại Tierzucht Heinersdorf, chúng tôi tới trang trại hữu cơ Jahansfelder Landhof cách đó chừng 1 giờ chạy xe. Khác hẳn với trang trại trước đó, dù trời lạnh tái tê tuyết trắng xóa đàn bò ở đây vẫn đang ở ngoài trời.

Chúng được ông chủ Frank Prochnow cho ăn cỏ và rơm khô hoàn toàn thiên nhiên. Đàn bò hàng trăm con to lừng lững, lông dày và mượt đang lũ lượt về chuồng. Gần đó là từng đống phân xanh, phân chuồng đã được ngâm ủ với rơm rạ, được xử lý kỹ hoàn toàn không có mùi hôi, chúng sẽ được dùng làm phân bón hữu cơ để làm giàu cho đất trồng cỏ nuôi bò và các loại rau củ khác vào mùa xuân tới.

Trang trại Jahansfelder Landhof được thành lập năm 1991 và là thành viên của Hiệp hội nông dân hữu cơ Đức, chuyên cung cấp nhiều loại thực phẩm hữu cơ cho các khách hàng ở Berlin và các khu vực lân cận. Hiện tại trang trại có 300 con bò, 200 con lợn và 60 con cừu.

Thực phẩm hữu cơ vừa sạch lại vừa ngon, có lợi cho sức khỏe, trong khi môi trường sinh thái được giữ gìn, đất đai không bị ô nhiễm, cằn cỗi. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp hữu cơ ở châu Âu có slogan “tốt cho thiên nhiên, tốt cho bạn” (Good for nature, good for you).

Hai bố con nông dân Hungary, ông Baglyas János 
và con trai Baglyas Gellert. Ảnh: Việt Hùng.

Hai bố con nông dân Hungary và 170 ha đất 

Trang trại của ông Baglyas János nằm cách thủ đô Buadapest của Hungary khoảng 40km về hướng Đông, tại thị trấn nhỏ Dány có vẻn vẹn 4.400 dân. Tôi đến thăm gia đình ông giữa lúc mưa tuyết giăng mù mịt khắp đất trời.

Xe của chúng tôi bám sát chiếc xe dẫn đường của Baglyas Gellert - con trai ông, đang làm nghiên cứu sinh ở một trường Đại học Nông nghiệp gần đó - mà chỉ nhìn thấy cái đèn hậu đỏ lờ mờ lẫn trong màn mưa lẫn sương mù đục quánh.

Thế mới biết, ở xứ Âu này mùa đông vô cùng khắc nghiệt, không những chả cấy hái gì được mà đi lại cũng rất khó khăn, thậm chí là nguy hiểm, chẳng hạn như lúc này tầm nhìn gần như bằng 0 mà đường thì trơn trượt vì tuyết rơi dày. Nông dân châu Âu coi như mất đứt mấy tháng mùa đông để đất trống.

Ngó vô cái xưởng nông cụ giữa lúc nông nhàn của bố con ông Baglyas thấy đầy đủ các loại máy móc hiện đại cho các công đoạn làm đất, gieo trồng hay thu hoạch. Anh con trai nhẩm tính họ đầu tư cho giàn máy móc này ngót 300 ngàn euro.

Chừng ấy tiền để cơ giới hóa, tự động hóa cho 170 ha đất trồng trọt của gia đình ông kể cũng bõ. Anh Gellert hạch toán rằng chỉ có 1,5 nhân công ở trang trại này, vì ngoài ông bố ra thì anh chỉ tính một nửa thôi bởi còn bận làm nghiên cứu sinh ở trường nữa.

170 ha của bố con ông Baglyas trồng chủ yếu là ngô, hướng dương lấy hạt, chỉ khoảng 10% là lúa mạch. Ông cho biết, tính trung bình mỗi ha đất mang lại lợi nhuận 60.000 forint (tương đương 270 USD) cho gia đình.

Như vậy với 170 ha đất canh tác, ông sẽ thu về ngót nghét năm chục ngàn đô la mỗi năm, tương đương cỡ 1 tỷ đồng. Thu nhập 1 tỷ đồng mỗi năm cho một người rưỡi, vị chi khoảng gần 55 triệu đồng/tháng/người.

Anh Gellert cho biết, trang trại gia đình anh còn áp dụng hệ thống đo hiện đại cho phép biết được cây trồng đang thiếu loại phân gì, đạm, lân hay kali... để bón cho đúng liều lượng. Thị trường nông nghiệp Hungary rất phát triển, không hề có chuyện được mùa mất giá hay nông dân bị ép giá như ở ta.

Ảnh: Việt Hùng.

Ông Baglyas cho hay, có nhiều công ty đa quốc gia ở đây để ông lựa chọn đầu ra cho sản phẩm, thậm chí nếu chưa thấy được giá ông có thể bảo quản vào kho để bán vào thời điểm khác, lúc nào ông cũng có ít nhất 3 công ty lớn để lựa chọn. Ngô ông bán cho một công ty đa quốc gia làm xăng sinh học, hạt hướng dương cho một công ty đa quốc gia khác, còn lúa mạch ông bán trong nước.

Tôi hỏi ông Baglyas rằng, ông tự thấy cuộc sống đời nông dân của mình thế nào, có hài lòng và hạnh phúc không? Ông cười lớn rồi nói “cuộc sống của tôi tốt, ở mức trên trung bình rồi”.

Có thể ông hơi khiêm tốn chăng, bởi ông còn muốn trang trại này rộng lớn hơn nữa, muốn đời mình cho tới đời con, cháu... vẫn nối nghiệp ông. Ông còn đang có kế hoạch trồng cây óc chó, loại cây tới 50-60 năm sau mới cho thu hoạch.

Kế hoạch dài hơi là thế hẳn ông phải yêu mảnh đất này lắm, phải thấy hạnh phúc với nghề nông. Chợt chạnh lòng khi nghĩ đến nông dân quê mình, hàng vạn hộ đang phải bỏ ruộng, trả ruộng (42.785 hộ, theo báo cáo của BCĐ T.Ư sơ kết 5 năm thực hiện NQ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn) lên thành phố làm thuê vì không sống nổi với cây lúa, làm một sào ruộng tính ra chỉ có thu nhập 50-80.000 đồng/tháng, tương đương... 2 bát phở.

Cái thị trấn nhỏ của ông Baglyas có khoảng 1.100 gia đình làm nông, chủ yếu là trồng ngô, những gia đình có khoảng 200 ha đất trở lên có cả chục. Ngồi uống trà trong phòng khách đầy đủ tiện nghi của gia đình ông, ngó nhìn trang trại mênh mông đất phía sau nhà tôi thầm ước ao cho nông dân quê mình, bao giờ được như thế?

Trông người lại ngẫm đến ta, chốn nhà quê EU ở xứ người đang được họ ra sức gìn giữ, năm ngoái một ngân quỹ tới 57 tỷ euro đã chi cho khu vực này. Trong khi ở ta ruộng vườn đang ngày một bê tông hóa, không ít vùng nông thôn nửa tỉnh nửa quê, không còn trong lành nữa... Dường như xứ nhà quê ở ta đang đi ngược chiều với những gì đang diễn ra ở xứ người?

EU rất coi trọng phát triển nông nghiệp, bởi họ coi khu vực nông thôn chính là lá phổi, là nơi hấp dẫn để sinh sống, du lịch và giải trí. Khoảng một nửa đất đai EU được sử dụng làm nông nghiệp. Hằng năm, họ chi khoảng 40 tỷ euro để hỗ trợ tận tay người nông dân, ví dụ như ở Đức cứ mỗi ha ruộng người nông dân sẽ được nhận 300 euro/năm “tiền tươi thóc thật”, ở Hungary được khoảng 214 euro/ha/năm...

Việt Hùng

Thị trấn tỷ phú bên bờ biển Tây

Đọc bài này hơi bị "sướng" vì dân Cà Mau giầu quá. 45 nghìn dân thì có tới hàng nghìn tỷ phú; tỷ lệ này chắc cao nhất nước. Nhưng đây chắc là tỷ phú tiền việt chứ không phải tỷ phú USD. Cũng chắc là rất nhiều người mang danh tỷ phú nhờ chút tài sản là tàu đánh cá, trong khi đang nợ ngân hàng tiền vay đóng tàu.
Thị trấn tỷ phú bên bờ biển Tây
TP - Cứ mỗi lần đến thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời), tôi choáng ngợp với nhịp sống nhộn nhịp, đông đúc nơi đây. Nếu tính tài sản là tàu đánh cá, ở thị trấn cửa biển bên bờ biển Tây- Nam Cà Mau này có hàng ngàn tỷ phú.
Đoàn tàu trong Lễ hội Nghinh Ông.
Ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc nói: “Dân số hiện nay gần 45 ngàn người, cộng với ngư dân vài ngàn tàu đánh cá trong và ngoài tỉnh cập bến thị trấn trở nên chật hẹp. Nếu tính tài sản là tàu đánh cá, thị trấn Sông Đốc có hàng ngàn tỷ phú, nhiều gia đình tỷ phú”.
Sông Đốc ngày ấy
Những ngư dân cố cựu ở thị trấn Sông Đốc kể về cửa Sông Đốc ăn thông ra biển Tây - Nam Cà Mau “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua” thuở mở đất. Cửa biển Sông Đốc có vài chục nóc gia làm nghề đóng đáy, đánh cá. Ngư dân cố cựu gọi cửa biển Sông Đốc là Cửa Rồng bởi con sông uốn khúc đua ra biển.
Thấm thoắt vậy mà đã 60 năm, cửa biển Sông Đốc chứng kiến cuộc hành trình chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc. Bà Tư Hường giờ đã 80 tuổi kể: “Vợ chồng tôi có ngôi nhà lá 3 gian. Thằng Liêm (anh Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên Bí thư thị trấn Sông Đốc) vừa sinh. Ông nhà tôi là Nguyễn Tấn Biển (bí danh Huỳnh Văn Biển) ở lại hoạt động, sau này đi Đoàn tàu không số”.
Chuyện gia đình, tình cảm của bà Tư Hường như huyền thoại trong chiến tranh. Bà sinh được 3 người con. Ông Nguyễn Tấn Biển theo Đoàn tàu không số, bị bệnh phải ở lại miền Bắc. Bà Tư Hường kể: “Còn mấy ngày nữa giải phóng miền Nam, tôi nhận được tin chồng hấp hối nhưng không thể ra miền Bắc, đành ôm con, nhớ vọng chồng”.
Sau những ngày điều dưỡng trên đất Bắc, ông Nguyễn Tấn Biển bén duyên với một cán bộ phụ nữ xã ở tỉnh Hải Hưng. Chị sinh cho ông một đứa con rồi ông mất. Trong ngôi nhà xây dựng kiên cố 2 tầng lầu, bà Tư Hường nói: “Ba gian nhà lá ngày xưa bây giờ là 3 ngôi nhà cao 2 tầng, chia đều cho 3 đứa con”.
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Nguyễn Thanh Liêm ra Bắc thăm mộ cha, rước mẹ kế và mấy anh em ngoài Bắc vô chơi. Bà Tư Hường cười rất to: “Tôi đâu có giận gì chồng, sống xa vợ con, lại bệnh nặng. Nhờ bà ấy (bà Nguyễn Thị Vân, ở xã Toàn Thắng, huyện Kim Đông, tỉnh Hải Hưng) chăm sóc mấy năm trời. Chiến tranh mà!”.
Thị trấn tỷ phú
Thị trấn Sông Đốc có nghề biển cha truyền con nối, với đoàn tàu đánh cá hơn 1.300 chiếc, phần lớn có trọng tải lớn, công suất mạnh, có khả năng khai thác dài ngày trên biển. Ông Nguyễn Thanh Liêm nói: “Nếu tính cả trị giá con tàu đánh cá làm tài sản, thì thị trấn này có hàng ngàn tỷ phú”.
Hải sản được chế biến quy mô lớn
Hải sản được chế biến quy mô lớn.
Gia đình vợ chồng ông Nguyễn Tấn Biểu (Tư Biểu), 64 tuổi, có 3 người con trai, gái đều theo nghề biển với 17 chiếc tàu đánh cá, sử dụng 250 bạn tàu và từng ấy người là vợ, con làm nghề vá lưới. Bà Trần Thị Dung- vợ ông Tư Biểu, nói: “Vợ chồng tôi lớn tuổi rồi, còn giữ lại 3 chiếc tàu dưỡng già. Các con tôi lớn lên, cưới vợ, gả chồng, ra làm ăn riêng là cho một chiếc tàu lớn, trị giá tiền tỷ. Rồi chúng làm ăn được, đóng tàu mới, mỗi đứa năm bảy chiếc”.
 Mấy đứa con làm ăn được, mỗi chuyến biển kiếm vài trăm triệu nhưng phải lo cho con cái du học. Mấy đứa cháu nội, ngoại đều du học ở Úc từ phổ thông đến đại học 
Bà Trần Thị Dung khoe
Con trai đầu lòng của ông Tư Biểu là Nguyễn Thanh Kỳ, 34 tuổi, có 8 chiếc tàu đánh cá. Con trai lớn trong gia đình, Nguyễn Thanh Kỳ học hết phổ thông, quay về cửa biển Sông Đốc theo cha lèo lái con tàu đánh cá cho đến bây giờ. Có khối tài sản lớn, Nguyễn Thanh Kỳ vẫn không chịu ngồi nhà, trực tiếp ôm vô- lăng dẫn đầu đoàn tàu khai thác biển.
Những ngày cuối năm, bà con ngư dân thị trấn Sông Đốc tất bật lo chuyến biển Tết. Chị Trần Thị Thắm cùng mẹ chồng coi sóc hàng trăm thợ vá lưới. Chị tâm sự: “Hơn 20 năm vợ chồng cưới nhau, chưa năm nào vợ chồng ăn tết chung. Chuyến biển Tết thường trúng mùa, ham lắm, sau Tết vợ chồng bù cho nhau!”.
Bà Trần Thị Dung khoe: “Mấy đứa con làm ăn được, mỗi chuyến biển kiếm vài trăm triệu nhưng phải lo cho con cái du học. Mấy đứa cháu nội, ngoại đều du học ở Úc từ phổ thông đến đại học”.
Dịch vụ hậu cần nghề cá ở Sông Đốc rất phát triển
Dịch vụ hậu cần nghề cá ở Sông Đốc rất phát triển.
Người dân Sông Đốc phóng khoáng, cửa biển Sông Đốc rộng mở, cưu mang, nuôi dưỡng, cho những người làm ăn ở đây phát đạt. Tôi hỏi ông Đặng Đốc (Huế Bụng), 87 tuổi, ở khu vực 1, thị trấn Sông Đốc: “Bà con ở đây nói gia đình ông giàu nhất xứ này?”. Vẫn chất giọng người dân Quảng Ngãi: “Tôi không dám nói đâu. Nhưng bà con nói chắc có cơ sở đấy!”.
Ông Đặng Đốc nói, khi đến thị trấn Sông Đốc làm thuê gánh nước mắm bán dạo từ khi cửa biển Sông Đốc “Làm thịt một con heo, bán đến xế chiều vẫn còn thừa”. Ông nổi tiếng chịu khó làm ăn và nổi danh “đại gia hà tiện”.
Vợ chồng ông Huế Bụng sinh 4 người con trai, sau khi lập nghiệp ở cửa biển Sông Đốc. Con trai đầu là anh Đặng Thành làm chủ 3 chiếc tàu đánh cá, kinh doanh xăng dầu, nuôi tôm, cửa hàng cơ khí. Con trai thứ 2 là Đặng Tâm, Tiến sĩ y khoa, đang làm việc tại TPHCM, mua nhà ở Mỹ để cho vợ làm việc, các con học hành.
Anh Đặng Lợi là nhà sáng chế chân đất, thiết kế, lắp ráp, sửa chữa dây chuyền chế biến bột cá khắp các tỉnh ĐBSCL. Vừa thi công những công trình lớn, vừa sản xuất nhà máy bột cá, xưởng cơ khí... Con trai út là Đặng Lộc làm chủ nhà máy tái chế bọc nylon, hãng nước mắm, mua bán cá cơm...
Hỏi vốn liếng đầu tư cho gia đình, ông Huế Bụng bấm đốt ngón tay: “Cái nhà 3 tầng, xây cất hết 170 tấn gạo, mua chiếc ghe lưới là 180 tấn gạo, cái cửa hàng kim khí là 70 tấn… Tôi tính vậy quen rồi… Con cá, củ sắn, hạt lúa nuôi kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ mà. Rồi các con các cháu đi học ở Sài Gòn, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… mới tốn kém chớ!”.
Đô thị bên bờ biển Tây
Ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc nói: “Thị trấn Sông Đốc đã được công nhận đô thị loại 4 nhưng so với các tiêu chí còn yếu, phải tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật nghề cá- an sinh xã hội. Thị trấn Sông Đốc là đô thị trọng điểm nghề cá, hậu cần nghề cá”.
Nhịp điệu cuộc sống ở thị trấn này theo từng chuyến biển. Sông Đốc có hơn 1.000 doanh nghiệp mua bán thủy sản, ngư lưới cụ, nhà máy nước đá, cửa hàng xăng dầu, kim khí điện máy, ụ đóng tàu... hoạt động nhộp nhịp quanh năm.
Cùng tôi xuống phà ngang cửa Sông Đốc, gió biển mang theo mùi tôm cá khô của thị trấn cửa biển. Ông Nguyễn Tuấn chỉ tay về phía bên kia: “Thị trấn Sông Đốc hình thành tự phát phía bờ Bắc từ lâu nay, nhưng nay tuyến đường nối bờ Nam thị trấn với Quốc lộ 1A giúp rút ngắn thời gian, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, mới là hướng lâu dài mở rộng thị trấn phía bờ Nam”.
Thị trấn Sông Đốc là một trong 3 đô thị động lực của tỉnh Cà Mau, có đoàn tàu đánh cá 1.300 chiếc và hàng ngàn tàu cá hoạt động trên biển Tây- Nam ra vào. Thế mạnh khai thác thủy sản, hơn 1.000 cơ sở hoạt động hậu cần nghề cá.
Nguyễn Tiến Hưng

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Động lực mới cho Tam nông ở đâu ?

Đọc cho vui. Tiêu đề bác Võ đặt ra thì to nhưng nội dung rỗng tuếch. Bác Võ nói "đừng giúp người nghèo con cá, hãy giúp người ta cái cần câu", nhưng theo tôi người nghèo cần cả hai: cả cá lẫn cần câu.
Động lực mới cho Tam nông ở đâu ?
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thường vẫn gọi là Tam nông, luôn là nỗi trăn trở của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Từ ngày đầu đổi mới, chính sách giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định, lâu dài đã đưa nước ta từ một nước rất thiếu lương thực trở thành nước thuộc nhóm xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Một tác động chỉ từ tư duy, không cần tiền đầu tư nhưng đã tạo nên một động lực lớn cho Tam nông, trở thành một thành quả rất lớn cả về chính trị, kinh tế và xã hội cho VN. 

Kể từ đó, chỉ sau vài năm các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách đã nhìn thấy khả năng chính sách giao đất đã mất dần động lực. Phát triển Tam nông cần một động lực mới. Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều cho Tam nông, từ những đường lối, chính sách, tới trợ giúp bằng tiền. 

Ngày 5.8.2008, Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành Nghị quyết 26 - NQ/T.Ư về Tam nông, được coi như một đường lối chính trị để tìm động lực mới cho phát triển Tam nông. Các mô hình mới lần lượt được đưa ra và thử nghiệm, nhiều chính sách mới được áp dụng.

Nỗ lực lớn từ nhiều phía, đã tạo được một số điểm sáng nhất định, nhưng vẫn chưa tìm thấy động lực mới cho Tam nông. Năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản vẫn ở mức thấp, lợi nhuận thu được vẫn dựa chủ yếu vào mồ hôi người nông dân. Người nông dân vẫn chưa tiếp cận được thị trường, lợi ích bị rơi rụng hầu hết trên đường từ cánh đồng tới thị trường. Tại nhiều vùng có khả năng nông nghiệp cao, nhiều nông dân đã bỏ ruộng để bước vào thị trường lao động phi nông nghiệp không chính thức đầy rủi ro và bấp bênh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được đầu tư hơn 40.000 tỉ đồng, tạo được thành quả bước đầu ở một số nơi, nhưng cũng đã có những phản ảnh về tiêu cực trong chi tiêu vốn ngân sách hỗ trợ.

Vậy động lực mới có thể tìm thấy ở đâu là một câu hỏi lớn vẫn mang tính thời sự.

Từ kinh nghiệm thực tế ngay trong nước, có thể đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Chúng ta hãy về xã Thanh Văn, H.Thanh Oai, Hà Nội. Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp ở đây đã được Đảng bộ xã bắt đầu từ hơn 20 năm trước, với mục tiêu chính là làm hài lòng mọi người dân. Tiêu chí là lấy quy hoạch sử dụng đất làm nền tảng để khai thác quỹ đất hiệu quả nhất, mọi quyết định phát triển địa phương phải được ít nhất 2/3 số dân đồng thuận. Mọi người dân được hỏi đều rất hài lòng về thu nhập, về cuộc sống và về tương lai, trong khi Thanh Văn không có được bất kỳ nguồn trợ giúp nào của nhà nước.

Từ những kinh nghiệm nêu trên cho thấy, động lực mới nằm chính trong tay người nông dân khi có cơ chế, chính sách phù hợp. Nhà nước đừng tính đến sự tập trung trợ giúp bằng tiền cho nông dân, niềm vui ấy ngắn chẳng tày gang. Động lực nằm ở chỗ nhà nước nên trao quyền - quyền làm chủ và trao cơ hội - trao đất ổn định lâu dài cho người nông dân để họ tự quyết định. 

Người nông dân vốn ít hiểu biết nên họ cần sự trợ giúp chân thành từ chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Người nông dân có cơ hội giám sát quá trình chia sẻ lợi ích để loại trừ tham nhũng. Đây là cách thức như các cụ xưa đã nói, đừng giúp người nghèo con cá, hãy giúp người ta cái cần câu. Động lực nằm ở cái cần câu mà nhà nước sử dụng chính sách để trao cho họ.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ
(Thanh niên)