Người Sa Pa không nghèo và cũng chẳng chết rét vì tuyết rơi
Người Sa Pa không nghèo và cũng chẳng chết rét vì tuyết rơi Đừng vì những rao giảng đạo đức của những “anh hùng bàn phím” mà mất niềm vui trước tuyết trắng Sa Pa, cũng đừng ngần ngại chuyện những người ở đây sẽ mất Tết v...
Để chụp được những bức ảnh chân dung hay hình lưu niệm cùng lũ trẻ dân tộc, du khách hoặc phải trả tiền, hoặc phải mua một món đồ nào đó. Ảnh: Chudu24
Đừng vì những rao giảng đạo đức của những “anh hùng bàn phím” mà mất niềm vui trước tuyết trắng Sa Pa, cũng đừng ngần ngại chuyện những người ở đây sẽ mất Tết vì rét.
Người Sa Pa mong tuyết rơi dày hơn
Những tranh luận nảy lửa về tuyết rơi ở Sa Pa vẫn chưa dừng lại. Người thì chê những kẻ đi ngắm tuyết là ích kỷ, vô tâm vì cùng với niềm hân hoan tuyết trắng là bao cảnh đói nghèo của bà con ngày giáp hạt, là mất mùa, là cái lạnh thấu xương những đứa trẻ vùng cao. Người thì bênh những “phượt thủ”, những tay săn ảnh bởi họ đến Sa Pa vì niềm đam mê cái đẹp.
Nhưng đằng sau tất cả những chuyện đó, có một sự thật mà những người đã từng cùng đồng bào ăn lá sắn, là khoai, củ măng, củ mài sống qua ngày, đã có những đêm ngủ cùng mèo, lợn, chó, gà, bò dưới cái nền đất ẩm ướt với hàng chục thứ mùi lẫn lộn vào nhau mà bên cạnh chỉ có duy nhất một đống lửa và cái áo mưa khoác trên mình như chúng tôi muốn kể: người Sa Pa không hề “vật vã”, đau khổ vì băng tuyết.
Trái lại, họ mong tuyết rơi nhiều hơn!
Chúng ta, những người sống ở đồng bằng luôn nghĩ về người dân miền núi với hình ảnh vất vả, luôn thiếu quần áo, bị cóng lạnh khi đông về vì những ngôi nhà đơn sơ gió lùa và cái đói mùa giáp hạt. Đúng vậy, nhưng đó là ở những vùng núi khác, những bản làng khác chứ không phải là Sa Pa.
Bằng trải nghiệm thực tế (và bền bỉ) của mình, chúng tôi tin mỗi người dân ở thị trấn Sa Pa, nói rộng ra là huyện Sa Pa đều biết cách làm du lịch kiếm tiền, kể cả những đồng bào bản địa người Mông, người Dao, người Hà Nhì sống trên núi cao và những người Kinh di dân lên Sa Pa tìm kế mưu sinh.
Nếu không tin, cứ thử đừng nói tiếng Việt mà bắt chuyện với họ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp mà xem, ngay cả một đứa trẻ 5 tuổi có thể nói vanh vách những ngoại ngữ này, đương nhiên, bằng một thứ ngữ pháp và phát âm “bồi”, nhưng cũng đủ để khách du lịch hiểu và hứng thú.
Hình nộm tuyết được người dân đắp ở đèo Ô Quy Hồ. Ảnh: TTVH
Một người bạn của tôi cũng kể, anh ấy thậm chí còn phải “bo” cho những người Mông đang lùa trâu về nhà để được chụp ảnh và hỏi chuyện họ.
Bạn đừng lấy cớ “cả năm chỉ có một mùa”, “lâu lâu mới có tuyết”… để bênh cái cách người dân vin vào đó kiếm tiền. Những tay săn ảnh như chúng tôi và những khách du lịch đến Sa Pa ngắm tuyết, chẳng ai ngại ngần bỏ tiền ra mua dịch vụ, vì đơn giản, đó là một cuộc trao đổi, và đó cũng là minh chứng cho sự khôn ngoan của người Sa Pa.
Họ không mong tuyết ngừng rơi hay khóc lóc vì thời tiết khắc nghiệt như trong bài viết đầy lo âu của một bạn trẻ. Trái lại, họ mừng vì có tuyết, thậm chí mong tuyết rơi dài ngày hơn, dày hơn để kiếm được nhiều tiền hơn nhờ du lịch. Cũng nên nhớ rằng, Sa Pa là vùng đất khai thác du lịch quanh năm chứ không chỉ mùa đông.
Sa Pa không nghèo, trẻ con vẫn cởi truồng, đi chân đất
Nếu đi sâu vào Sa Pa, sống và trải nghiệm Sa Pa, bạn sẽ thực sự hiểu, Sa Pa không nghèo. Người dân nghĩ ra đủ cách để làm du lịch và những cách ấy, ít nhiều có hiệu quả. Hãy nhìn vào bản xã, sâu bên trong những ngôi nhà tuềnh toàng bằng gỗ ở trên núi là hàng trăm con trâu, có nhà sở hữu cả chục con trâu, rồi xe máy, xe đạp, ti-vi…
Hãy thử làm một phép tính xem số tài sản đó đáng giá nhường nào, vì chỉ tính riêng một con trâu đã ngót 50 triệu đồng, để ngẫm xem người Sa Pa có nghèo thực không. Hẳn nhiên, tôi muốn nói cái nghèo, cái xác xơ trong hình dung của chúng ta, chứ không phải so sánh với điều kiện sống của những gia đình thành phố.
Vậy nhưng, tại sao đến mùa đông, trẻ con Sa Pa vẫn cởi truồng, đi chân đất? Họ chẳng “diễn” để câu tiền từ thiện của bạn đâu, cũng chẳng phải vì họ không đủ tiền mua quần áo.
Bọn trẻ cũng thích thú nghịch tuyết.
Chẳng cứ gì bọn trẻ, ngay cả cha mẹ chúng cũng phong phanh như thế. Ngoài việc thích nghi, còn một lý do khác nữa, tế nhị hơn mà những bà mẹ Sa Pa để con mặc không đủ ấm đã bật mí với tôi: những bộ áo quần dân tộc ấm áp chỉ được dùng khi họ lên thị trấn bán hàng. Đó là thứ quần áo không mua được ở đâu mà phải tự tay dệt, rất mất nhiều thời gian và công sức nên họ chỉ mặc khi có dịp quan trọng như lễ Tết hoặc trưng diện khi bán hàng, còn lúc bình thường, xềnh xoàng vậy cũng là đủ.
Cây trồng, vật nuôi ở Sa Pa tự biết cách thích nghi
Một cô bạn của tôi đã vặn vẹo: ở Sa Pa vẫn có người làm nông nghiệp, vẫn có trâu, vẫn trồng cấy chứ có làm du lịch hết đâu? Đồng ý, nhưng xin thưa với bạn, mùa này, ở Sa Pa chẳng có cây cối, rau củ gì được trồng mới hoặc sắp thu hoạch cả!
Su su Sa Pa đã được thu hoạch hết từ cuối tháng 11, muộn lắm là đầu tháng 12 dương lịch, trước khi tuyết về. Những vườn su su phủ trắng tuyết, trĩu nặng đến sập giàn mà bạn có thấy ở Sa Pa hay trên ti vi, đó là những vườn giống, bà con để lại những quả tốt nhất, già nhất trên giàn để làm giống cho mùa sau, và tháng 5 hoặc tháng 8 âm lịch năm sau, những quả này mới được ươm cho mùa tới. Những cây hồng ăn quả cũng đang chín và không bị ảnh hưởng gì của tuyết.
Đáng ngại nhất là hoa Tết mất mùa. Hoa Tết ở Sa Pa chỉ có đào mốc, hoa hồng và địa lan, nhưng như những người làm vườn chia sẻ, tuyết và thời tiết giá lạnh không ảnh hưởng nhiều đến chúng, trái lại, còn làm chúng đẹp hơn khi mùa xuân về. Bằng chứng là, dăm gốc đào mốc đã sớm trổ hoa trong tuyết, địa lan có cây đã ra nụ.
Địa lan vẫn trổ hoa trong giá rét.
Hoa Sa Pa còn một đặc sản mà ít người biết, đó là những gốc hồng già ngót trăm năm, được trồng bởi những người Pháp di cư. Chúng vẫn trổ hoa và vẫn sinh sản tốt ở xứ này.
Người dân không chỉ chiết cành để nhân giống, trồng thành ruộng ở Sa Pa mà còn bán cả cho khách du lịch với giá 70.000 đồng/gốc. Tiếc là những cây này không thể sống nổi ở vùng đất khác vì… không đủ lạnh.
Ngay cả lũ trâu (ở Sa Pa không nuôi bò) vùng này cũng tự biết tìm cách chống lạnh. Người đồng bào nuôi trâu bằng cách thả vào rừng cách nhà họ cả chục cây số, đánh dấu từng con cho khỏi nhầm lẫn. Khi đến mùa cần cày cấy, họ lùa trâu về, hết vụ lại thả vào rừng cho chúng tự kiếm ăn. Bầy trâu không sụt cân, thậm chí còn mập mạp hơn mùa trước. Và đặc biệt hơn, lớp lông trên người chúng dài và cứng, sừng cũng “quắt” lại bởi chúng phải tự gồng mình chống rét ở rừng hoang chứ không "õng ẹo" như lũ bò nhà.
Hãy có đạo đức một cách hiểu biết
Nếu bạn tin vào đạo đức và muốn chứng tỏ đạo đức, hãy làm điều đó một cách có tri thức.
Người Sa Pa không cần quần áo từ thiện, bạn đừng cố mang áo ấm cho họ. Tôi đã chứng kiến cảnh đồng bào ở đây chỉ chọn những chiếc áo đẹp, hợp thời trang hoặc phù hợp với gu của họ trong hàng bao tải quần áo mà những nhóm từ thiện dày công kêu gọi, vận chuyển mấy trăm cây số lên, còn lại mang ra làm giẻ lau chân trước cửa nhà. Đừng coi Sa Pa (kể cả những bản xa của huyện này) như một chốn để tống tháo quần áo lỗi mốt hay những món đồ lâu rồi không xỏ tay. Họ không cần điều đó. Nếu thích tặng quần áo, hãy tặng cho nơi thực sự cần.
Bạn cũng đừng nghĩ lũ trẻ con ở Sa Pa mê kẹo mà mua cả thùng lên phát dần cho chúng. Chúng sẵn sàng xòe tay xin, sẽ ăn ngon lành trước mặt bạn, nhưng chúng cũng không cần, và bạn cũng không thể cho chúng kẹo để ngọt lành hết quãng tuổi thơ.
Cái bọn trẻ và người dân nơi đây cần không phải là những thứ phù phiếm đó. Họ cần “cần câu” chứ chẳng mê “con cá”. Nếu thực sự muốn giúp họ khá lên, văn minh lên, bạn hãy từ thiện bằng những chương trình dài hơi như dạy cho các bà mẹ kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con; mở lớp dạy tiếng Anh cho bọn trẻ; chỉ cho họ biết bạn cần gì qua dịch vụ home-stay… Hay giản dị hơn, hãy cứ đến và thưởng ngoạn vô tư lự, để những đồng tiền của bạn sẽ đem lại bữa cơm có thịt, có cá cho đồng bào Sa Pa.
Theo PLXH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét