Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Sẽ đến lúc đón Tết cổ truyền theo dương lịch

Chuyện này đã được nói đến từ những năm 80 của thế kỷ trước chứ không phải bây giờ. Hồi đó còn có chuyện cãi nhau lịch âm của ta và của Tàu khác nhau. Tôi rất ủng hộ gộp chung hai cái Tết. Dân ta giờ càng ngày càng ăn tết Noel và Dương lịch to. Nên đoạn tuyệt với nhiều thứ liên quan với Tàu và nên hội nhập sâu hơn với thế giới văn minh. Quy định học đại học phải thạo ngoại ngữ, thậm chí nhiều bài giảng phải dạy bằng tiếng Anh, để Việt Nam từng bước trở thành nước nói tiếng Anh; đấy là những việc nên làm.
Sẽ đến lúc đón Tết cổ truyền theo dương lịch
(VTC News) - Giáo sư Võ Tòng Xuân nói đang có sự chuyển biến mạnh trong cách đón Tết dương lịch và sẽ cần thời gian làm quen với việc đón Tết một lần trong năm.
Tấm thiệp tự thiết kế của GS Võ Tòng Xuân 

Thời điểm trước Tết Quý Tỵ 2013, VTC News đã thực hiện chuyên đề 'Đón Tết cổ truyền theo dương lịch' khởi đầu bằng bài viết của Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng nên tổ chức Tết âm lịch theo dương lịch cùng thế giới trong thời đại hội nhập hiện nay.

Loạt bài đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả với hàng ngàn bình luận được gửi đến tòa soạn bày tỏ sự ủng hộ cũng như sự băn khoăn bởi đây là văn hóa dân tộc ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người.

Trước thềm Tết Giáp Ngọ 2014, t
rả lời VTC News, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách đón Tết dương lịch và Âm lịch. Thực tế đang có nhiều nơi đón Tết theo lịch dương vì thời gian Tết âm lịch, họ đã có lịch thực hiện các dự án hợp tác với nước ngoài.

"Tôi cho rằng sẽ cần thời gian người dân chúng ta quen dần với việc nghỉ Tết một lần trong năm. Quan điểm của tôi là chúng ta dịch chuyển thời gian nghỉ Tết về thời điểm năm mới dương lịch để thống nhất với các nước trên thế giới."

Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng đồng thời gửi đến báo điện tử VTC News bài viết dưới đây:

Như thường lệ năm nào tôi cũng tự thiết kế thiệp chúc hỗn hợp Tết âm lịch và Tết dương lịch như tấm thiệp trên đây, vừa tiết kiệm vừa không thất lễ với mọi người thân.

Và tôi rất vui mừng năm nay nhận được nhiều thiệp chúc hỗn hợp Tết Giáp Ngọ 2014 của nhiều doanh nghiệp, tổ chức và bạn bè vào đúng dịp đầu năm 2014.
Bài liên quan:
 
Rõ ràng đã có một chuyển biến tích cực, vì các năm trước thiệp chúc tây ra tây, ta ra ta, không gom lại như năm nay, rất tốn kém.

Và không khí ăn Tết đã tưng bừng tại TP Hồ Chí  Minh và các thành phố ở ĐBSCL bắt đầu từ trước lễ Giáng sinh và sẽ kéo dài dài… theo tập quán ăn Tết lớn của dân ta. Càng rảnh rỗi, không có việc làm thì càng kéo dài ngày vui cổ truyền.

Không khí vui Tết đã thắm đượm cả 3 cơ quan mà tôi đang công tác. Đặc biệt là sáng thứ bảy 28/12/2013 mộtsố nhân viên tiến bộ và thân thiết của tôi đã đến ăn Tất niên với gia đình tôi thật vui vẻ và rất có ý nghĩa.

Dĩ nhiên ăn Tất niên vào lúc này thì nhà không nấu bánh chưng. Nhưng thịt kho dưa giá thì lúc nào cũng nấu được.

Các bạn trẻ biết là tôi đã có kế hoạch đi công tác sang Nigeria đúng vào 9 ngày nghỉ Tết ta để kịp thời vụ triển khai mấy thí nghiệm về giống khoai mì và giống lúa ngắn ngày mang từ Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên phía Nigeria thì rất náo nức chờ Nhóm Chuyên gia Việt Nam sang để tiến hành chương trình lúa và khoai mì vì sang năm Chính phủ họ sẽ không cho nhập cảng gạo và bột khoai mì nữa.
Sẽ đến lúc đón Tết cổ truyền theo dương lịch
Tết Giáp Ngọ, người dân sẽ được nghỉ 9 ngày 
Trong khi đó các cán bộ nghiên cứu mía của Trung Tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Kỹ thuật Mía Đường Tây Ninh mà chúng tôi vừa thành lập năm nay bằng kinh phí của 5 Nhà Máy Đường của Tập Đoàn Thành Thành Công cũng sẽ phải theo dõi các chỉ tiêu cây mía ngoài đồng theo lịch thí nghiệm đã được duyệt, không ăn Tết ta nhiều ngày như người khác. 
KẾT QUẢ THĂM DÒ
Bản thăm dò được tạo ngày: 05-01-2014

Theo bạn, có nên đón Tết cổ truyền theo dương lịch?
 Nên, để hội nhập 
 
35%6095 phiếu  
 Không nên, phải gìn giữ truyền thống 
 
63%10971 phiếu  
 Mỗi người tự lựa chọn 
 
1%247 phiếu  

Sẽ đến lúc đón Tết cổ truyền theo dương lịch
GS-TS Võ Tòng Xuân, Anh hùng Lao động, được biết đến nhiều nhất nhờ sự đóng góp của ông giúp đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu gạo thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

Ông từng giữ các chức vụ: Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL; Hiệu trưởng ĐH An Giang và hiện là quyền Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ.

Giáo sư đang đảm đương chương trình trồng lúa ở châu Phi, chương trình “4 nhà và cây lúa”, chương trình cây mía ở Tây Ninh, dự án khu công nghệ cao ở Hậu Giang.


Giáo sư nhận rất nhiều danh hiệu, trong đó có Huy chương Công trạng Nông nghiệp Pháp, Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về "Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới", Nikkei Châu Á về Tăng trưởng Vùng.

Ngoài ra, ông cũng là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, như Quỹ Rockefeller, Viện Quản lý châu Á và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế…
Nhìn rộng ra ĐBSCL, nông dân đang lo sạ lúa vụ đông xuân trong thời điểm này và bà con nông dân cùng các cán bộ khuyến nông của nhà nước cũng như của các công ty bảo vệ thực vật sẽ không ngừng công việc thăm đồng ruộng cùng nông dân ngay trong những ngày Tết âm lịch, và nếu đồng ruộng an toàn thì trưa về ănTết tiếp.

Còn nếu phát hiện những dấu hiệu sâu bệnh hoặc tình trạng lúa chậm phát triển thì đâu ai dám ăn Tết thoải mái được.

Năm Con Ngựa 2014 này, viên chức nhà nước và người lao động có việc làm sẽ tận hưởng một cách chính thức 9 ngày nghỉ Tết theo các nhà làm chính sách của Việt Nam.

Nghỉ được 9 ngày liền tù tì chính thức, vì nếu không chính thức thì trong thực tế dân ta vẫn nghỉ như thế hoặc hơn nữa.Thà là công bố nghỉ chính thức mà còn lý do phải đi làm bù sau Tết.

Qua kỳ họp cuối năm của Quốc Hội, mọi người dân đã thấy tình hình kinh tế của đất nước, ngân sách trung ương và ngân sách của các địa phương đều thu không đủ chi, chứng tỏ lao động của từng người Việt Nam chúng ta từ trên cao xuống đến thấp đều chưa phát huy hết tiềm năng của đất nước ta sau gần 40 năm sống trong hòa bình thống nhất.

Chúng tôi hy vọng một ngày rất gần đây, mọi người Việt Nam sẽ đều có việc làm, và sẽ làm việc tích cực hơn trong mọi nhiệm vụ của mình để kịp tiến lên ngang tầm quốc tế.

Lúc ấy chúng ta cũng vẫn vui hưởng những tập quán cổ truyền trang nghiêm nhưng không quên nhiệm vụ công việc.


Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Hoàng Sa - thiên đường của chúng ta đã mất!

Hoàng Sa - thiên đường của chúng ta đã mất!
Bình minh trên quần đảo Hoàng Sa là thời khắc huy hoàng nhất trong ngày. “Chúng tôi thấy mặt trời đỏ rực, to và rất gần. Nắng lên một chút, nước biển ven bờ xanh một màu ngọc bích đẹp lạ lùng, xa xa hơn một chút nữa màu xanh dương rồi tới xanh lục. Chiều chiều rảnh rỗi chúng tôi bơi ra xa lặn xuống xem những rạn san hô với cá đủ màu sắc...” – ông Phát kể như vậy.
Ngày 11.12.2006, lần đầu tiên, chính quyền Đà Nẵng mở kho tư liệu Hoàng Sa và mời những người từng sinh sống và làm việc ở Hoàng Sa đến gặp mặt và tham quan. Hàng năm, Sở Nội vụ và huyện đảo Hoàng Sa đều tổ chức gặp gỡ những nhân chứng này. Các nhân chứng trong bài viết nay có người còn, người mất. Đây là chứng cứ chân thật nhất về một thời Hoàng Sa.

“Sáng đó (20.1.1974), chúng tôi dậy tập thể dục. Mặt trời lên rất đẹp. Bất ngờ một người nhìn thấy ngoài khơi có rất nhiều tàu bao vây quanh đảo. Mọi người vội vàng chạy vào lấy ống nhòm ra nhìn và biết đó là tàu của Trung Quốc” – ông Tạ Hồng Tân, một trong những người Việt Nam cuối cùng rời khỏi Hoàng Sa nhớ lại như vậy.

Bị Trung Quốc bắt làm tù binh

Đó là một ngày không quên trong đời ông Tân. Năm 2006, ông Tân 73 tuổi sống bằng nghề dạy kèm tiếng Anh, tiếng Pháp tại phường An Hải Đông thành phố Đà Nẵng.


Nhân chứng Tạ Hồng Tân (ảnh chụp năm 2006), người bị Trung Quốc bắt làm tù binh sau trận hải chiến Hoàng Sa 1974.

Ông là người gốc sài Gòn, làm nhân viên quan trắc cho Đài khí tượng Sài Gòn, được điều ra Trung tâm khí tượng Đà Nẵng làm quan trắc viên Trạm khí tượng Hoàng Sa cuối năm 1973 cho đến ngày bị Trung Quốc bắt làm tù binh.

Khi đó, trên đảo có một trung đội Địa phương quân thuộc Đại đội 157, địa phương quân Đà Nẵng của chế độ Sài Gòn và 6 nhân viên thuộc Trạm khí tượng Hoàng Sa.

Ông Tân kể: “Thấy tàu chiến nhiều quá chúng tôi rất lo âu. Nhân viên vô tuyến của trạm liên lạc về Đài khí tượng Đà Nẵng cầu cứu. Kêu thì kêu vậy nhưng biết không làm gì được vì lực lượng bên đó quá đông!”.

Từ sáng sớm đến hết cả ngày 20.1.1974, tàu chiến Trung Quốc án binh bất động. Lúc đó, đã xảy ra hải chiến ngoài khơi, ở các đảo xung quanh, nhưng những nhân viên khí tượng này không biết. Khoảng 5 giờ chiều, sau một đợt pháo kích, Trung Quốc cho quân đổ bộ vào đảo bắt sống toàn bộ trung đội Địa phương quân và 6 nhân viên khí tượng, trong đó có ông Tạ Hồng Tân.

“Họ đưa chúng tôi lên tàu về đảo Hải Nam ngày hôm sau. Chúng tôi được chuyển lên xe bịt bùng về giam ở đâu không biết!” – ông Tân kể.


Hai chiếc vỏ ốc này là kỷ vật của nhân chứng Phạm Khôi. Nay hai vỏ ốc này đã được tặng cho Kho tư liệu Hoàng S.

Chúng tôi xác định được nhà giam ông Tân cũng như các binh lính khác là nhà lao Thu Dung thuộc tỉnh Quảng Châu. Vào nhà giam, mọi người bị lấy lời khai nhưng được đối xử tử tế.

Khoảng gần 3 tuần sau, ông Tân nói có một cán bộ Trung Quốc tới trại, đem theo người phiên dịch nói cho chúng tôi biết: “Hoàng Sa là đảo của Trung Quốc nhưng Việt Nam chiếm làm đài Khí tượng. Nay Trung Quốc lấy lại và các anh sẽ được trả tự do trong vài ngày tới”. Khoảng gần 1 tuần sau, ông Tân cùng toàn bộ tù binh bị Trung Quốc bắt đưa qua Hồng Kông.

Chính quyền Sài Gòn điều một chiếc máy bay C130 sang Hồng Kông nhận trao trả tù binh. Phần lớn số tù binh sau đó về lại nơi làm việc ở Đà Nẵng.

Tiễn chúng tôi ra về tới cửa, ông Tân còn nheo nheo mắt hỏi: “Không biết bây giờ tên của tôi có còn ngoài Hoàng Sa không?”. Một câu hỏi thật khó trả lời.

Tất cả những binh sĩ chế độ Sài Gòn và nhân viên khí tượng khi đến Hoàng Sa, những giờ rảnh rỗi họ ra những tảng đá ven biển khắc họ tên và địa chỉ mình lên đó làm kỷ niệm. Khi ông Tân ra thì đã thấy lớp lâu lớp mới tên người Việt Nam trên đá, ở những vị trí tuyệt đẹp.

Thiên đường đã mất


Một trong những người từng làm việc lâu đời ở Hoàng Sa tại Đà Nẵng là ông Nguyễn Tấn Phát, nhân viên quan trắc Đài khí tượng Sài Gòn. Đầu năm 1958, ông Phát được điều theo dạng luôn phiên ra Đà Nẵng rồi đi Hoàng Sa. Đó là một thời kỳ đẹp đẽ nhất trong đời của một chàng trai Sài Gòn.


Nhân chứng Nguyễn Tấn Phát (ảnh chụp năm 2006). Đây là người đã nói: "Tôi đã để một phần đời của tôi ở lại Hoàng Sa". Phần đời còn lại của ông là nỗi hoài nhớ về Hoàng Sa, nơi mình đã từng sống.

Ông nói: “Mỗi nhân viên chỉ đi Hoàng Sa luân phiên 3 tháng, mỗi lần đi có 6 người gồm 4 quan trắc viên, 1 nhân viên vô tuyến và 1 nhân viên phục vụ lo thổi bóng hơi quan trắc cao không đo gió kiêm hậu cần. Tôi lúc đó mới 23 tuổi, chưa lập gia đình, thấy cảnh sắc thần tiên nên mê và xin ở lại luôn cả nửa năm”.

Nửa năm sống trên đảo trong ký ức của ông Phát bây giờ là nửa năm làm Từ Thức!. Công việc quan trắc cũng khá nhẹ nhàng, chủ yếu vài thời điểm trong ngày. Thời gian còn lại ông cùng những đồng nghiệp mình ngao du khắp đảo Hoàng Sa.

Lâu lâu, ông kể là đi theo xuồng máy của đơn vị Thủy quân lục chiến chế độ Sài Gòn đi thăm các đảo có chim sinh sống. Đó là những bãi cát vàng rực trong ánh chiều tà. Chân chúng tôi len lỏi giữa những ổ trứng chim. Chim nhiều vô kể, chúng không hề sợ hãi khi thấy người tới gần.

Bình minh trên quần đảo Hoàng Sa là thời khắc huy hoàng nhất trong ngày. “Chúng tôi thấy mặt trời đỏ rực, to và rất gần. Nắng lên một chút, nước biển ven bờ xanh một màu ngọc bích đẹp lạ lùng, xa xa hơn một chút nữa màu xanh dương rồi tới xanh lục. Chiều chiều rảnh rỗi chúng tôi bơi ra xa lặn xuống xem những rạn san hô với cá đủ màu sắc...” – ông Phát kể như vậy.


Nhân chứng Võ Như Dân (ảnh chụp năm 2006). Ông Dân là người có thời gian sống và làm việc lâu nhất ở Hoàng Sa: 3 năm rưỡi!

Đặc biệt nhất tại Hoàng Sa là cá. Cá nhiều vô kể, nhất là cá mú. Lính đảo cùng các nhân viên khí tượng sống nhờ nguồn thực phẩm khá dồi dào tại Hoàng Sa. Cá, ốc, mực, bạch tuộc, chim...

“Chỉ cần quăng câu chừng vài phút là được gần cả chục con cá mú, cá khế, cá xanh xương... Con nào con đó nặng trên 5 – 7 ký” – đó là ký ức của ông Võ Như Dân, người ở Hoàng Sa nhiều nhất.

Ông Dân làm nhân viên hậu cần cho Trạm khí tượng Hoàng Sa từ năm 1956. Đội hậu cần thời đó chỉ có 3 người luân phiên nhau ra Hoàng Sa.

Chính vì vậy, cho đến ngày Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc năm 1974, ông Dân có 14 chuyến ra Hoàng Sa, mỗi chuyến 3 tháng, tổng cộng là 3 năm rưỡi sinh sống trên đảo. Cảnh sắc quen thuộc thân thương quá đỗi đến mức ông bảo: “Hôm qua tôi xuống Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, nơi có kho tư liệu và hành ảnh về Hoàng Sa, tối về tôi nằm mường tượng nó ở trước mặt tôi. Cả phần đời tôi đã ở đó...”.

Nhiệm vụ là hậu cần nên suốt ngày ông Dân đi câu cá phục vụ thức ăn cho toàn đội. Đồ hộp cũng nhiều nhưng không ai ăn. Khu nhà khí tượng do Pháp xây trên đảo có những hầm chứa nước mưa dùng uống quanh năm.

Khoảng năm 1958, có lần một đoàn tàu Trung Quốc đến gần nhưng bị Thủy quân lục chiến chế độ Sài Gòn bắn dọa đuổi đi. Tàu cá của Nhật cũng có tới xin nước ngọt. Họ không biết tiếng Việt nhưng ra dấu xin lên đảo lấy nước rồi cúi đầu cảm tạ...

Bao nhiêu kỷ niệm còn sống trong lòng những người đã từng ở Hoàng Sa. Ông Phạm Khôi, nguyên là lính địa phương quân Việt Nam cộng hòa, hiện sống ở Đà Nẵng mở tủ lấy ra hai chiếc vỏ ốc hoa còn khắc ngày ông đặt chân lên Hoàng Sa: 23 tháng chạp năm 1969. Đó là hai chiếc vỏ ốc ông mang về và trở thành báu vật của đời ông!

Huyện đảo Hoàng Sa

Được thành lập từ tháng 01.1997, là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km).

Huyện bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đảo Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, Đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, Cồn Bông Bay, Cồn Quan Sát, Cồn Cát Tây, Đá Chim Yến, Đá Tháp.

Huyện Hoàng Sa có diện tích: 305 km2, chiếm 23,76% diện tích thành phố Đà Nẵng.

Ngày 21.4.2009, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh ký quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa trong nhiệm kỳ 2009-2014.

Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng

Minh Sơn

Ảnh đại diện: Ngư dân Mai Phụng Lưu tại lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa (ảnh chụp tháng 8.2011). Mời bạn đọc theo dõi tiếp bài sau: Bí mật bộ ảnh duy nhất về Hoàng Sa năm 2011.

Du lịch Việt Nam: Khám phá và Cảnh giác

Trong bài này có thêm 3 video dài giới thiệu du lịch Việt Nam
Du lịch Việt Nam: Coi chừng bị “chặt chém”
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn
Tôi không rõ bạn đọc bài này vào ngày nào, trước năm 2013 hay đầu năm 2014, nhưng dù vào thời gian nào trên đây, cũng chưa đến Tết Nguyên Đán, xin gọi nôm na là “Tết Ta”. Trong khoảng thời gian từ “Tết Tây” đến “Tết Ta” cách nhau đúng 1 tháng, rất có thể môt số bạn đọc hoặc có người nhà, bạn bè về VN thăm nhà, ít có bạn về VN du lịch bởi bạn ở nước ngoài thiếu gì chỗ để đi du lịch.


Cho nên hầu hết người nước ngoài gốc Việt về VN là những cuộc viếng thăm không thể không có. Ví như các con tôi, không thể không về thăm bố. Ví như có cha mẹ, anh em đau ốm hoặc “ra đi”, không thể không về. Tuy nhiên khi đến VN, bạn vẫn có thì giờ đi thăm thú một vài nơi, đi tìm lại những kỷ niệm vàng son một thời xa xưa.

Những điều tôi sẽ tường thuật với bạn đọc trong bài này chỉ có ý nhắc nhở bạn về những điều đã và đang xảy ra mà các bạn cần đề phòng trong dịp “Tết Ta” này nếu có việc phải về VN.


Tôi không có ý nói xấu xã hội mà tôi đang sống. Tôi chỉ nhặt ra những “hạt sạn”, những “bụi bẩn” làm xấu mặt con người và làm hình ảnh xã hội VN trở nên bất an với toàn thể du khách. Hy vọng từ mỗi con người đến những cơ quan có trách nhiệm với văn hóa dân tộc nhìn rõ từng vấn đề kịp thời chấn chỉnh, đừng để mọi người dân VN cùng chịu cảnh “mất mặt” như thế nữa.


 


An toàn để lên hàng đầu

Tôi dùng chữ “chặt chém” trên đây không có nghĩa đen là du khách bị mang ra chặt chém… thành từng mảnh mà chỉ là bị tính giá “cắt cổ” ở mọi nơi, mọi lúc với mọi mánh khóe mà bạn không ngờ tới. Từ khi mua vé du lịch đến khi mua bán ở vỉa hè và ngay cả trong các cửa hàng, nhất là hàng ăn uống, hàng bán đồ kỷ niệm… Nhưng trước hết và trên hết vẫn là chuyện an toàn cho bản thân mình khi đi trên hè phố, ở khách sạn… Bởi ở những mơi đó bạn dễ bị lừa, bị cướp giật, bị hành hung và bị đủ thứ phiền toái nếu không đề phòng cẩn thận. Bài học những năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị, năm nay còn đáng sợ hơn bởi kinh tế suy thoái, thất nghiệp ngày càng nhiều nên sự liều lĩnh gia tăng, sự “liều mạng cùi” của bọn lang thang đói rách kinh niên, còn ghê gớm hơn, đó là những con nghiện ma túy đến cơn vật vã thì bất cứ chuyện gì cũng dám làm, không sợ cảnh sát, không sợ đám đông, không sợ ai cả vì giản dị là chúng không sợ chết.

Bạn đã từng biết những cô gái đi xe gắn máy loại sang bị côn đồ chặt luôn cánh tay để cướp xe; người đứng đổ xăng giữa chốn đông người, tiền để trong cóp xe cũng bị giựt nhanh như điện.

Tôi có ông bà bạn từ nước ngoài về ghé thăm nhà. Bà xã ông đã cố gắng “cải trang” thành bà già nhà quê, xách túi quà cho bà con bằng cái bao ni lông đen ngòm để chứng tỏ đó chỉ là gói hàng tầm thường. Còn ông chồng thì mặc chiếc áo blouson rộng thùng thình trong khi trời nắng nóng. Lúc vào nhà rồi, cần gọi điện thoại, ông mới móc chiếc tablet từ túi áo trong ra dùng. Các thứ vật dụng lỉnh kỉnh như đồng hồ đắt tiền cũng được giấu trong đó. Nhìn có vẻ khôi hài, nhưng tôi hiểu đó là sự cẩn thận không bao giờ thừa. Tôi đề nghị các bạn cũng nên cẩn thận như thế mỗi khi đi trên hè phố từ Sài Gòn đến Hà Nội và ở tất cả những thành phố lớn cùng những địa danh du lịch ở VN. 

Hãy cẩn thận khi bị “dàn cảnh” gây gổ giữa đường

Đây là một “chiêu” không mới nhưng vẫn thường xảy ra. Nếu bỗng dưng bạn bị một anh hay cô nào đó đi xe đụng vào người chút xíu hoặc cũng có thể là đang cùng đi trên hè phố, tức khắc bạn bị ngay “đối phương” la ó ầm ỹ, dùng những lời lẽ tục tĩu côn đồ gây sự. Trò đểu này bây giờ thành rất thông dụng. Bạn nóng máu cãi lại là có chuyện ngay. Đó là một kiểu ăn vạ rồi bọn đàn anh đàn em xông đến trấn lột “con mồi” đã bị theo dõi từ trước mà không hề hay biết. Bạn hãy bình tĩnh mỉm cười và cho họ biết “Tôi biết manh lới của các anh rồi, để tôi gọi cảnh sát đến phân xử”. Cho nên trong máy điện thoại của bạn luôn có số của cảnh sát kể cả cảnh sát cấp cứu. Đây là vài số bạn nên có:

Số 113 : Lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh – Số điện thoại 113 là số điện thoại gọi miễn phí. Có thể quay số 113 từ bất kỳ máy điện thoại nào.

Số 114 : Số khẩn chữa cháy hay khi cần cứu hộ cứu nạn

Chỉ như thế may ra bạn mới có hy vọng thoát ra khỏi bàn tay những kẻ gây sự giả vờ để cướp đoạt tài sản, bạn dằng co sẽ nguy hiểm đến tính mạng là điều rất có thể sẽ xảy ra. Trường hợp bạn chưa kịp gọi cảnh sát thì cố tránh xung đột cãi cọ, hãy để chúng “hoành hành” rồi ngay sau đó vừa tri hô vừa gọi số 113 là tốt nhất.

Đề phòng trộm cắp

Ban Chiến trên VNExpress kể: Có một câu chuyên hài thế này, một nhà khoa hoc phái minh ra chiếc máy bắt trộm. Mọi người đều nghi ngờ về hiệu quả của chiếc máy ,nhà khoa học bèn mang nó đi thử..Đầu tiên, ông mang nó qua Singapore .Trong một ngày chiếc máy bắt được 5 tên trộm..Sau đó ông mang máy qua Trung Quốc, kết quả thật tuyệt vời, chiếc máy bắt được 100 tên trộm..Cuối cùng,nhà khoa hoc mang chiếc máy thần kỳ sang Việt Nam .Đến cuối ngày mọi người ra kiểm tra xem máy bắt được bao nhiêu tên trộm thì... chiếc máy thần kỳ đã bị trộm lấy mất từ lúc nào không hay!

Chỉ là chuyện khôi hài nhưng nhắc nhở bạn cần đề phòng, ngay cả khi để hành lý bên chỗ ngồi. Chỉ cần sơ sảy một chút thôi, hành lý của bạn sẽ “biến mất”. Bạn cần thực hiện đúng câu “vật bất ly thân”. Nhất là khi bạn vào mua hàng, móc bóp trả tiền là có thể đã bị theo dõi hoặc bị giật như cảnh người mua xăng, để tiền trong cóp xe, mở cóp ra lấy tiền là bị giật ngay và kẻ cướp phóng mất dạng. Mời bạn đọc vài thủ đoạn của kẻ cắp ngày nay giữa Hà Nội

Những chiêu “độc” táo tợn

Ở Hà Nội mới xuất hiện "chiêu cướp" rất táo tợn. Có phụ nữ đi xe máy dừng đèn đỏ ở ngã tư vào 8h sáng bị một thanh niên nhảy phắt lên yên xe phía sau gí dao khống chế. Hắn yêu cầu nạn nhân đến khu vực ít người qua lại rồi cướp tài sản, sau đó chuồn mất dạng.

Ngoài các thủ đoạn trên, một số tên cướp còn theo dõi những cô gái đi rút tiền ở máy ATM. Một tối tháng 9, chị Lan vừa rời máy ATM ở quận Thanh Xuân- Hà Nội, ngồi sau xe máy của bạn trai đi về hướng cầu vượt Ngã Tư Sở thì bị nam thanh niên áp sát. Bị hắn giật mất chiếc túi, chị Lan chỉ kịp ứ ớ la “cướp, cướp”. Cậu bạn đuổi theo, nhưng tên cướp đã mất dạng giữa dòng xe cộ đông đúc...

 

Bị cướp ngay khi ngồi trong xe hơi

Một nữ độc giả kể lại: Khi chị dừng xe vì đèn đỏ ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, một người đàn ông đi đến mở cửa trước xe chị (vì sơ ý không chốt trong). Hắn hành động thản nhiên như người chồng mở xe của vợ để lấy đồ để quên. Chị kể: “Mình bất ngờ, chưa kịp định thần thì thấy túi xách để cạnh ghế lái đã nằm trong tay hắn. Theo phản xạ, mình kéo tay giật lại, nhưng không kịp. Thế là mất tiêu cả số tiền vừa lãnh ở ngân hàng trả lương cho nhân viên".

Một điều tra viên CA cho biết tình trạng cướp giật tại Hà Nội vẫn là vấn nạn “nổi cộm” với thủ đoạn ngày càng tinh vi và táo tợn. Các tên cướp không chỉ gây án trên đoạn đường vắng mà ra tay ngay cả trên các phố đông người.

Cảnh sát mới có khuyến cáo, không nên đeo vàng, hay trang sức để lộ liễu khiến kẻ gian nảy lòng tham. Đặc biệt, không nên nghe điện thoại khi đang chạy xe vì dễ mất tập trung, không quan sát được xung quanh.

Tất nhiên bạn không bao giờ trưng diện những món trang sức “hàng hiệu”, cần đi ăn cưới, dự tiệc, bạn hãy cất kỹ, chỉ đeo nó khi đến nơi hẹn. Tuy nhiên có một điều khó xử là bạn đang đi đường, nghe điện thoại reo.

Bọn cướp giật rất thích điện thoại của các ông bà “Việt kiều”, hầu hết là loại đắt tiền và là hàng thật chính hiệu chứ không phải hàng nhái của Trung Quốc, chúng đã nhiều phen cướp phải loại ĐT nhái này, đó là lý do chúng theo khách nước ngoài khi nói chuyện trên đường phố. Hạn chế những cuộc gọi càng ít càng tốt. Nếu cần trả lời gấp, bạn nên đứng vào trong một cửa hàng, hoặc đứng trong một góc khuất và để ý những người quanh bạn. Phương tiện tốt nhất để di chuyển ở các Thành phố là đi taxi.

Đi taxi cũng coi chừng taxi lừa, taxi “dù”

Ngay từ khi xuống đến phi trường, bạn sẽ phải “đối đầu” với nhiều chuyện phức tạp. Tôi bỏ qua không nói đến chuyện khách “Việt kiều” bỏ ra 10 USD hay hơn nữa để qua “cửa ải” trong và ngoài phi trường. Đó là thứ chuyện từ “muôn năm cũ” nhưng vẫn còn diễn ra… bình thường cho đến nay. Tôi chỉ nói đền về nạn bắt chẹt khách khi bạn gọi taxi.

Vừa ra đến nơi đón khách quốc tế hoặc nội địa của sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất du khách sẽ gặp rất nhiều “cò” taxi trà trộn giả vờ đón khách đi theo đoàn, khách của Công ty để mời khách đi về nội thành. Nếu đi taxi có tên tuổi, niêm yết giá rõ ràng, mức giá đi từ sân bay Nội Bài đến nội thành khoảng từ 300-340 ngàn đồng/chuyến. Nhưng đám “cò” sẽ chào khách với giá rẻ hơn với lý do, tiện một công đi đón đoàn nhưng thừa xe nên chỉ lấy từ 200- 250 ngàn đồng/chuyến. Có khách đi về phố Thái Hà, bị xin thêm từ 100-150 ngàn đồng vin vào lý do phải vào ngõ sâu và đây không phải nội thành?! “Kinh nghiệm bắt khách” của đám taxi dù này sẽ nhằm vào những “con mồi” là khách nói giọng tỉnh khác, khách nước ngoài ham rẻ, khi khách đã vào xe, sẽ tùy tình hình để bắt chẹt.

Điển hình là vụ việc giữa tháng 8-2013, một nữ du khách người Mỹ đi taxi từ sân bay Nội Bài đến Hà Nội đã bi lái xe ép rút 4 triệu đồng tại cây ATM. Sau ít ngày, cũng một nữ du khách bị hai thanh niên cầm biển đón khách chờ sẵn đưa lên xe về nội thành, trên đường đi, họ bắt cô rút 600 USD từ cây ATM để trả tiền xe. Đã lên tới cả trăm trường hợp môi giới, dẫn khách bị phát hiện, bàn giao cho CA nhưng một thời gian sau lại quay trở lại hoạt động như thường!

Vào đến nội thành, muốn di chuyển đi chỗ này chỗ kia, khách du lịch phải dùng taxi hoặc xích lô. Dư luận vẫn còn nóng chuyện 3 du khách người Pháp bị tài xế taxi, nhân viên khách sạn trên phố cổ Hà Nội lừa đảo, dọa giết, hay một du khách đi xích lô 1,5km phải trả 1,3 triệu đồng.

Taxi “dù” Sai Gòn còn “ác” hơn

Tình trạng taxi dù chặt chém khách, nhất là người nước ngoài đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Taxi “dù” là loại xe có “nhãn mác” của một Công ty lớn nhưng là nhãn hiệu giả. Thú thật với bạn, tôi là người địa phương đi taxi thường xuyên nhưng cũng khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, đâu là taxi xịn, đâu là taxi “dù”, taxi nào là taxi “nhái”. Với khách du lịch nước ngoài và kể cả người ở các tỉnh khác không thể phân biệt được các logo nhái, số điện thoại nhái, kiểu đồng phục của tài xế taxi. Khi kéo được khách lên xe rồi, các lái xe taxi dù tha hồ chặt chém, móc túi trước sự bất lực của hành khách. Cãi nhau với chúng là có cả bọn kéo đến vây kín đe dọa.

Vào tối ngày 25/6/2012, 2 du khách người Tây Ban Nha là Jose Angel Matas và Raquel Rvis đón 1 chiếc taxi ở khu vực chợ Bến Thành (Quận 1) để đi đến chợ Nguyễn Thái Bình (Quận 1). Khoảng cách giữa 2 địa điểm chỉ gần 1km.

Khi đến nơi, người tài xế taxi đã yêu cầu 2 vị khách này phải trả số tiền là 394.500 đồng đúng theo số tiền đã hiện trên đồng hồ bên trong xe taxi này. Khi nêu lên sự thắc mắc vì số tiền cước quá cao, mà khoảng cách lại quá gần, người tài xế đã không thể giải thích gì cho vị khách này. 

Sau đó, để cho rõ ràng hơn, tài xế taxi còn lấy ra 1 biên lai của Mai Linh taxi để ghi ra số tiền, đưa cho 2 vị khách theo đúng số tiền đã nói lúc ban đầu. Hai vị khách đành ngậm ngùi đưa số tiền 400.000 đồng cho người tài xế bất lương nói trên. Vì du khách dọa sẽ báo Công an với hành vi của người tài xế, nên đã được "thương tình" trả lại 200.000 đồng.

Trước đó, ông Jorenson (49 tuổi, quốc tịch Úc) đón một chiếc taxi mang nhãn hiệu giống như của hãng Sài Gòn tourist từ bến tàu cánh ngầm trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 (Sài Gòn) về sân bay Tân Sơn Nhất với quãng đường hơn 6 km. 

Khi tới nơi, ông bị tài xế đòi lấy 6 triệu đồng. Biết bị chém nhưng nhìn vẻ mặt dữ tợn của gã tài xế và đến giờ phải lên máy bay, ông phải vét sạch túi lấy 2 triệu đồng và hơn 100 đô la Úc để trả.

Vào bất kỳ hàng nào cũng nên hỏi giá trước khi ăn
Đến chuyện vào các hàng ăn càng dễ bị chặt chém hơn. Một khách du lịch từ Sài Gòn ra Hà Nội, đã phải trả hóa đơn cho 4 con ghẹ bé bằng bàn tay kèm hai chai bia tại một quán hải sản vỉa hè phố cổ với giá gần 2 triệu đồng mà chỉ biết ngậm ngùi rút ví vì... quên không hỏi giá trước khi ăn.

Du khách xa lạ, hỏi đường mấy anh xe ôm, bà bán hàng nước, chị bán rong là y như rằng phải mặc cả tiền nong mới chỉ đường. Vị khách này khi hỏi anh xe ôm xem quán bún đậu mắm tôm nào ngon ở gần nhất thì bị yêu cầu: “Chi hai chục ngàn sẽ chỉ rõ ràng bằng bản đồ”. Có nơi khách phải mua hàng mới được chỉ đường.

Ở nhiều nơi du khách nước ngoài chạy thục mạng vì bị “nữ quái” đeo bám xin xỏ, mời mọc, quyết không tha du khách nào ghé thăm.

Bi hài đến nỗi, một đoàn du khách người Đức đã phải tìm cách chạy thục mạng sang đường để tránh khỏi sự đeo bám của đội quân bán hàng rong.

Đấy là chuyện Hà Nội, còn Sài Gòn cũng không thiếu những trò bẫy khách

Hàng rong “bẫy” du khách ở Sài Gòn

Nạn chặt chém, chèo kéo, đeo bám du khách hoạt động một cách ngang nhiên ở trung tâm TP Sài Gòn, Hòn ngọc của Viễn Đông. Tôi chỉ nêu vài chuyện điển hình. Chỉ cần dạo quanh các con đường gần Bưu điện Thành phố, Hội trường Thống nhất... khách sẽ nhanh chóng sập bẫy.

Thậm chí mua một trái dừa bên vỉa hè cũng bị tính giá 200 ngàn đồng, trong khi bình thường, một trái dừa tươi bán ở vỉa hè có giá cao lắm 25.000 đồng.

Hình ảnh đôi quang gánh con con vài nải chuối, miếng dứa… mang nét độc đáo rất Việt Nam được nhiều du khách yêu thích. Nhưng vì yêu thích, nhiều vị muốn được gánh thử, chụp ảnh lưu niệm, bị tính giá 10 - 20 USD, sau đó các “gánh” này thoải mái “chặt chém” với giá bán một nải chuối, một túi vài miếng dứa lên tới cả vài trăm ngàn đồng khiến du khách nhăn mặt ngỡ ngàng mà vẫn phải trả đủ.

Nạn "chặt chém" điên đảo ở các di tích Huế, Nha Trang Vũng Tàu, Bãi Cháy…

Thật ra những kiểu chặt chém du khách ở hầu hết mọi nơi đều có cùng một “phiên bản” giống nhau. Ở Huế, các khu di tích được coi là linh hồn của Văn hóa dân tộc, bãi biển Nha Trang - Vũng Tàu – Hạ Long là những nơi nổi tiếng về cảnh đẹp của đất nước cũng không thoát cảnh này.

Đi thăm Lăng Khải Định giữa cái nắng chang chang 39-40 độ C, nhiều du khách đã tấp vào quán giải khát đơn sơ, tranh tre mái lá ngay dưới chân lăng, trước khi leo hàng trăm bậc thang bỏng rát. uống 4 chai nước ngọt, 7 chiếc kem socola ốc quế. Khi tính tiền, chị chủ hàng hét: 360.000 đồng.

Ngay gần đó, chị bán nón, mũ phục vụ du khách cũng hét giá cao ngất ngưởng và miễn mặc cả: nón Huế bằng lá dừa mỏng manh một lớp không quai 40.000 đồng/chiếc; mũ lá 20.000 đồng/chiếc; mũ tắc kè hẹp vành 50.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, những dân bản địa mua nón Huế một lớp 18.000 đồng/chiếc; mũ lá 8.000 đồng/chiếc; mũ tắc kè hẹp vành là 20.000 đồng/chiếc.

Đến Nha Trang thuê khách sạn vào hàng ăn bạn hãy coi chừng giá cả.

Một thí dụ như giá phòng niêm yết chỉ từ 70.000-200.000 đồng nhưng khách sạn thu của khách 700.000 đồng/phòng. Phòng không đạt chất lượng, máy lạnh không lạnh, nước yếu, không đảm bảo vệ sinh… khách yêu cầu sửa chữa hoặc đổi phòng nhưng không được đáp ứng.

Khi khách trả phòng để đi thuê khách sạn khác thì bị ép trả tiền 2 ngày trong khi khách mới ở 1 đêm… Không chỉ vậy, khi khách báo cơ quan Công an còn bị nhân viên khách sạn lớn tiếng đe dọa…, đó là sự việc xảy ra vào sáng ngày 7-8 tại khách sạn Thanh Thủy (số 96B Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa).

Các báo đã có nhiều thông tin rợn người, tại Bãi Cháy, Đà Lạt, Nha Trang đã có nơi du khách bị đánh đến ngất xỉu. Nạn chặt chém ở Vũng Tàu đã khá nổi tiếng ngay cả với những du khách trong nước. Sở Công Thương Tỉnh Bà Rịa-Vũng đã phải cho niêm yết “sổ đen” tên 7 cửa hàng giá cả bất thường, giá trên trời giá dưới… địa ngục. Trong đó có cửa hàng Hiệp Ký.

Món ăn ở VN niễm độc hàng loạt

Sau cùng, xin bàn đến các loại đồ ăn thức uống ở VN vào lúc này. Đây là “báo động của cac cơ quan chức năng”. Tôi xin tóm tắt rất ngắn gọn, còn ăn hay không, tùy bạn.

- Nem chua, giò chả, pa tê không đạt chất lượng

- Bên cạnh các loại gia súc, gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm liên tiếp đưa vào Sài Gòn để tiêu thụ thì các loại thực phẩm khác phục vụ cho nhu cầu Tết như bánh kẹo, mứt, hạt dưa,… kém chất lượng cũng chen vào tràn lan và công khai tại các chợ.

- Các mẫu xét nghiệm sản phẩm rau quả, phát hiện hàn the, một loại hóa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm. Riêng các sản phẩm thịt nguội có đến 5 mẫu không đạt, trong đó một mẫu patê không đạt về chỉ tiêu natri benzoat; hai mẫu giò chả, hai mẫu nem chua không đạt về chỉ tiêu natri benzoat và polyphosphate.

- Mứt dừa làm từ dừa phế thải, ômai lẫn trong khói bụi

- Thịt ngựa giả thịt bò ở châu Âu

- Bún, phở chứa chất tẩy trắng huỳnh quang

- Trà chanh, nước mía vỉa hè nhiễm khuẩn, độc tố kim loại

- Phù phép thịt heo thối thành thịt bò khô…

Trên đây chỉ là những sự việc đáng buồn không chỉ cho ngành du lịch VN mà người VN nào cũng cảm thấy đau lòng. Dường như thời đại này “văn hóa xấu hổ” không còn chỗ đứng.


http://www.viendongdaily.com/di-du-lich-vn-coi-chung-bi-chat-chem-ky-1-2ZhvBBOu.html

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Nườm nượp đến viếng mộ Đại tướng ngày đầu năm

Không ngờ báo chí và người dân quên hẳn Lăng Bác và Nghĩa trang Liệt sĩ Mai Dịch, nhưng vẫn tiếp tục say sưa với vị Đại tướng này. Họ đến viếng Đại tướng hay đơn giản là đi tham quan du lịch giống như đến Chùa Bái Đính hay Đại Nam Quốc Tự ? Thực tế hiện nay ở Việt Nam có quá ít chỗ vui chơi giải trí hấp dẫn để người dân thường xuyên lui tới, họ chỉ đến một lần là thôi. Do đó chỉ có điểm mới mở như Lăng Đại tướng đây mới kích thích họ nườm nượp đến tham quan. Vả lại, đầu xuân, điểm du lịch, di tích nào mà chẳng đầy ắp người ? Chỉ thương cho những người Trắng đêm canh giấc ngủ cho Đại tướng.
Nườm nượp dòng người đến viếng mộ Đại tướng ngày đầu năm
(Dân trí) - Cuối giờ chiều 1/1, tổng cộng đã có hơn 19 nghìn đoàn với gần 170 nghìn lượt người tới Vũng Chùa - Đảo Yến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt, trong ngày đầu năm, có khoảng 4.000 người đến viếng.
Rất đông người tới viếng mộ Đại tướng trong ngày đầu năm 2014
Theo Trung úy Nguyễn Khắc Tân Hào, từ ngày linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), trung bình mỗi ngày có khoảng 300 đoàn với hàng nghìn người về thắp hương, viếng mộ Đại tướng. Trong đó, có nhiều đoàn khách là người nước ngoài.

Còn Thượng úy Hoàng Văn Quả, người ghi chép các đoàn khách đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, vào những ngày nghỉ lễ hay những ngày cuối tuần, có ngày khu mộ Đại tướng tiếp đón khoảng 1.000 đoàn với hơn 5 nghìn lượt người tới viếng.
Từ ngày linh cữu Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình, Trung úy Nguyễn Khắc Tân Hào (Đội trưởng) cùng các chiến sỹ bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ bảo vệ và canh giấc ngủ cho Đại tướng rất cảm kích trước những tình cảm thiêng liêng mà người dân khắp mọi miền đất nước dành cho Đại tướng.

Kính cẩn nghiêng mình trước phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đặc biệt là hình ảnh cụ bà 93 tuổi, ở tận TP Cần Thơ nhưng vẫn vượt hàng ngàn km ra dâng bó hoa tươi thắm, thắp nén nhang cho Đại tướng, hay là trường hợp cụ ông 96 tuổi nhà ở sau khu vực núi Rồng, thuộc xã Quảng Đông, tuần nào cũng chống gậy lên mộ thắp hương cho Đại tướng.

Những bó hoa tươi thắm dâng lên mộ Đại tướng (Ảnh: Đặng Tài)

Những ngày cuối năm, PV Dân trí đã có mặt tại Vũng Chùa - Đảo Yến và ghi nhận rất nhiều đoàn khách khắp cả nước tới viếng mộ Đại tướng với cùng chung một tâm nguyện là được đến tận mộ dâng bó hoa tươi thắm, thắp nén nhang cho Người.

Hơn 7 giờ tối 31/12/2013, ông Trần Đại Quang cùng đoàn từ Hà Nội vào dâng hương cho Đại tướng tâm sự: “Vậy là ước nguyện một lần được đặt chân đến Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi Đại tướng yên nghỉ để thắp nén nhang dâng lên Người đã thành hiện thực. Trước anh linh Đại tướng, tôi cầu nguyện cho cuộc sống của người dân khắp cả nước luôn khỏe mạnh, ấm no và giàu đẹp”. 

Riêng ngày đầu năm 2014, đã có hơn 4 nghìn người tới viếng mộ Đại tướng (Ảnh: Đặng Tài)

Trời về khuya, núi rừng ở mũi Rồng sóng biển ào ào kèm theo gió rét, nhưng lượng người dân đến viếng mộ Đại tướng vẫn rất đông. Trung úy Hào cho hay, chuyện người dân đến viếng muộn vẫn diễn ra thường xuyên. Nhiều đoàn khách vì lỡ đường nên có lúc 1 giờ sáng mới đến khu mộ Đại tướng, và cũng có nhiều đoàn khách đi xa nên sáng sớm tinh mơ đã tới viếng mộ.

“Những lúc như thế, chúng tôi đều tạo điều kiện tối đa cho người dân lên viếng mộ Đại tướng”, Trung úy Hào tâm sự. 


Dự kiến trống đồng, súng thần công và kiếm lệnh sẽ được đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa dâng lên anh linh cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào dịp lễ 100 ngày mất của Người (Ảnh: Duy Tuyên)

Dự kiến ngày 10/1, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa sẽ chuyển trống đồng, súng thần công và kiếm lệnh dâng lên anh linh cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến đúng vào dịp lễ 100 ngày mất của Đại tướng.

Đặng Tài
http://dantri.com.vn/chinh-tri/nuom-nuop-dong-nguoi-den-vieng-mo-dai-tuong-ngay-dau-nam-822471.htm

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Chuyển quầy làm thủ tục bay tại sân Nội Bài

Chuyển quầy làm thủ tục bay tại sân Nội Bài
- Các hãng hàng không nội địa cho hay sẽ chuyển một phần hoặc tất cả quầy làm thủ tục chuyến bay đi/đến sân bay Nội Bài sang phục vụ tại khu vực sảnh E, nhà ga T1 khi khu vực này chính thức khai trương ngày 29/12.
Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, sảnh E sẽ 
kết nối với sảnh A nhà ga T1 đang khai thác - thông qua một hành lang kín.

Với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, công suất đáp ứng 3 triệu hành khách/năm, sảnh E có 5 cửa đi và 2 cửa đến. Khu vực mới rộng 25.000m2, gồm 3 tầng. Trong đó, tầng 1 phục vụ khách nội địa đi, đến, trả/gửi hành lý; tầng 2 dành cho khách nội địa đi, khu vực check in, dịch vụ, phòng khách VIP... ; tầng 3 là khu vực văn phòng, dịch vụ và kỹ thuật.

Sảnh E được trang bị tổng cộng 38 quầy thủ tục hàng không và 1 quầy quá khổ, 4 đảo hành lý đi/đến, 2 thang máy, hệ thống thiết bị an ninh, thiết bị nhà ga đáp ứng phục vụ hoạt động bay.

Khi sảnh E chính thức đi vào hoạt động, các hãng hàng không cho hay sẽ chuyển quầy sang làm thủ tục tại khu vực mới này.

Jetstar Pacific Airlines là hãng hàng không đầu tiên di chuyển và phục vụ tại khu vực mới của nhà ga T1. Cụ thể, từ 29/12, hành khách của Jetstar sẽ làm thủ tục chuyến bay tại quầy số 134 đến 138, thuộc khu vực tầng 2 của sảnh E, nhà ga T1. Các chuyến bay đến, bao gồm thủ tục nhận hành lý ký gửi được thực hiện ở tầng 1 của sảnh E.

Jetstar Pacific khuyến nghị, do khu vực làm thủ tục mới cách xa so với điểm làm thủ tục check-in cũ nên hành khách nên có mặt ở sân bay Nội Bài trước 2 tiếng so với giờ bay dự kiến để tránh những phát sinh.

Trong 10 ngày đầu, từ 29/12/2013-7/1/2014, hãng sẽ miễn phí chuyển chuyến bay kế tiếp cho những hành khách làm thủ tục muộn do phải tìm kiếm khu vực làm thủ tục mới.

Các hạng mục tại sảnh E đang được gấp rút hoàn thành để kịp ngày khai trương.
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết từ ngày 30/12 cũng chuyển quầy làm thủ tục của 10 đường bay nội địa từ tầng 1 sảnh B sang khu vực mới ở sảnh E nhà ga T1, cụ thể như các đường bay từ Hà Nội đi Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên), Phú Quốc (Kiên Giang), Cần Thơ... trong đó đường bay đi Phú Quốc và Cần Thơ là xa nhất, còn hầu hết các là đường bay ngắn. Riêng các quầy đi Đà Nẵng, Nha Trang và TP.HCM, khu vực làm thủ tục vẫn ở giữ nguyên như hiện nay.

Hãng hàng không VietJetAir thông báo, nhanh nhất là 2 tuần nữa hãng mới chuyển sang làm thủ tục ở sảnh E. Hiện hãng đang thuê đối tác nước ngoài thiết kế lại các quầy làm thủ tục ở khu vực mới, với 18 quầy.

Nhà ga hành khách T1 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài hiện khai thác từ năm 2001, với công suất thiết kế phục vụ 6 triệu hành khách/năm, đã phải “gồng mình” phục vụ gấp đôi số lượng hành khách (cảng đón 12 triệu khách vào ngày 5/12 vừa qua). Các hệ thống dịch vụ như quầy thủ tục hành khách, soi chiếu an ninh, các sảnh chờ, phòng VIP... đều bị quá tải.Ngọc Hà
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/155651/chuyen-quay-lam-thu-tuc-bay-tai-san-noi-bai.html

Nguyễn Đăng Quang17 giờ trước
Lại chắp vá. Sao anh thiết kế cái mới không có cái nhìn tổng quan khi đứng cạnh cái cũ sẽ như thế nào nhỉ?
Đỗ hồng tháit15:58 Thứ bảy
Hãy hướng dẫn các đại lí vé máy bay hướng dẫn khách hàng khi mua vé để không bị lỡ chuyến. Thông tin tại sân bay phải thường xuyên hương đãn khách để mọi việc không bị rắc rối.
Nguyễn Thoại19:21 Thứ bảy
Xin lỗi nhé ! Nhìn kiến trúc không gian, cảnh quan sân bay quốc tế thấy sao mà giống nhà liền kề phố xá quá !
Nguyễn Đức20:07 Thứ bảy
Mong quý vị nghĩ đến người dân sử dụng dịch vụ, làm ơn có đầy đủ bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và Anh. Nó thiết thực giúp hành khách, và cũng thể hiện sự văn minh nữa.. Sân bay ở Hongkong, Hàn Quốc, Thailand lớn vậy nhưng có bảng chỉ ...
Hoàng Lê18:24 Thứ bảy
Sân bay Nội Bài tủn mủn chắp vá, chẳng có dáng dấp nào có thể đại diện cho đất nước. Hãy xem sân bay Vientiane của Lào, Jakarta của Indonesia, đã xây hàng chục năm nay, nhỏ nhưng tiện nghi và là một kiến trúc hoàn chỉnh. Thật đáng buồn cho các kiến trúc sư VN.

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Nhà quê châu Âu

Nhà quê châu Âu
TP - Tới nước Đức và các nước EU khác nhiều lần tôi ngộ ra một điều: Không chỉ các thành phố cổ kính với lối kiến trúc gothic đẹp mê hồn mới làm nên vẻ đẹp châu Âu, mà chính những làng quê thanh bình, những cánh rừng xanh ngút ngàn đã làm nên điều khác biệt ở xứ sở này.
Cảnh nông thôn nước Đức. Ảnh: Việt Hùng.
Theo thống kê mới đây của Liên minh châu Âu (EU), 56% dân số của 27 nước thành viên EU đang sống ở nông thôn, cái chốn mà chúng ta quen gọi là nhà quê ấy chiếm tới 91% lãnh thổ EU, tức chỉ chưa đầy chục phần trăm là chốn thị thành. Xin lưu ý để bạn đọc khỏi hiểu nhầm, 56% dân số sống ở nông thôn hoàn toàn không có nghĩa là chừng ấy là nông dân.

Nước Đức có khoảng 80 triệu dân nhưng chỉ có vẻn vẹn 380 ngàn nông dân mà thôi, tức chiếm chưa đầy 0,5% dân số, song lại làm ra một khối lượng hàng hóa trị giá tới 50 tỷ euro. Trong khi đó khu vực nông thôn ở Đức chiếm 80% lãnh thổ và có tới 40% dân số Đức sống ở khu vực này. Ngay một nước nhỏ 10 triệu dân mới vào EU như Hungary cũng có tới 45% dân số sống ở nông thôn.

Hữu cơ lên ngôi

Từ thủ đô Berlin, chiếc xe chở đoàn nhà báo Việt Nam và châu Âu trong hành trình tìm hiểu về nông nghiệp của EU lao vun vút ra phía vùng ngoại ô. Hôm nay chúng tôi sẽ đi thăm hai trang trại, một theo phương pháp thông thường và một theo phương pháp hữu cơ (organic farm).

Ưu nhược của hai trang trại này ra sao sẽ do mỗi nhà báo tự đánh giá và cảm nhận, chỉ biết thực phẩm hữu cơ đang trở thành một trào lưu tại Đức và nhiều nước châu Âu khác. Canh tác theo phương pháp hữu cơ, có thể hiểu nôm na là làm nông sạch không dùng hóa chất, không gây hại tới đất đai, nguồn nước và môi trường.

Làm nông hữu cơ phải đảm bảo được một chu trình canh tác tự nhiên khép kín. Một phần sản phẩm của cây trồng sẽ được dùng làm thức ăn chăn nuôi, đến lượt chất thải của vật nuôi lại được dùng làm phân bón cho cây. Tất cả các trang trại và thực phẩm được gắn mác hữu cơ tại Đức cũng như các nước thành viên khác đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo của EU.

Ngẫm ra, ở cái xứ sở văn minh này đang có xu hướng tiêu dùng trở về thời... tiền sử, hay nói văn hoa hơn là gần gũi với tự nhiên môi trường. Thật trớ trêu, hình ảnh Hà Nội của một thời tàu điện leng keng, của xe đạp và sự bình yên thư thái... lại hiện ra ở Copenhagen (Đan Mạch), Amsterdam (Hà Lan) cái xứ văn minh và phát triển nhất nhì thế giới. Còn cái mốt ăn uống đồ Bio (tiếng Đức là hữu cơ) đắt đỏ bên châu Âu, ông bà tổ tiên chúng ta thời trước dùng hàng ngày như cơm bữa.

Cái thời chưa hề có thuốc trừ sâu, phân bón hóa học hay tăng trưởng này nọ... các cụ chả nuôi trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ là gì? Hóa ra, phải chăng bao nhiêu cái sự văn minh, sau một chu kỳ của sự phát triển và tiến hóa, chính là lặp lại cái cũ nhưng ở một tầng nấc của nhận thức mới cao hơn mà thôi.

Nông dân trẻ Eric Zijlstra trong trang trại nuôi bò Tierzucht 
Heinersdorf theo phương pháp truyền thống ở ngoại ô Berlin.

Trang trại đầu tiên mà chúng tôi tới có tên Tierzucht Heinersdorf, nuôi 975 con bò sữa theo phương pháp bình thường tức không phải hữu cơ. Mùa đông băng giá, tuyết phủ trắng xóa khắp trang trại, trong thành phố Berlin âm 7 độ C, nơi ngoại ô vắng vẻ này đã tụt xuống âm 10 độ C.

Lũ bò được nuôi trong những ngôi nhà lợp tôn kín mít, bên trong có hệ thống sưởi và chiếu sáng hiện đại. Kế bên là khu nhà xưởng dành cho việc vắt sữa. Chủ trang trại Eric Zijlstra cho chúng tôi biết, dây chuyền vắt sữa tự động này có năng suất vắt 160 con bò mỗi giờ, trung bình mỗi con bò ở đây cho 30 kg sữa/ngày.

Sau khi bò được lùa vào đúng vị trí, hệ thống sẽ tự động vắt rồi lại tự động làm sạch chờ lần vắt sau. Chất lượng sữa của từng con bò được kiểm soát ngay qua hệ thống phân tích. Nếu sữa từ một con bò nào đó không đảm bảo dòng sữa sẽ được tách ngay khỏi hệ thống, không cho chảy vào bồn chứa.

Cánh đồng nước Đức sau vụ gặt.

Trang trại của anh Zijlstra sản xuất cả bò giống. Giá bê con là 300 euro/con, giá bò sữa trưởng thành vào khoảng 1.800 euro/con. Giá sữa mà trang trại anh bán buôn chỉ có 30 cent/kg, người tiêu dùng mua sữa tươi trong siêu thị ở Đức từ 40-50 cent/kg tùy loại, tương đương 11.000 đồng – 13.500 đồng/kg. Một mức giá sữa tươi quá rẻ so với ở Việt Nam, hiện người Việt phải mua ở siêu thị với giá khoảng 30.000 đồng/lít, đắt gấp hơn 2 lần ở Đức

Rời trang trại Tierzucht Heinersdorf, chúng tôi tới trang trại hữu cơ Jahansfelder Landhof cách đó chừng 1 giờ chạy xe. Khác hẳn với trang trại trước đó, dù trời lạnh tái tê tuyết trắng xóa đàn bò ở đây vẫn đang ở ngoài trời.

Chúng được ông chủ Frank Prochnow cho ăn cỏ và rơm khô hoàn toàn thiên nhiên. Đàn bò hàng trăm con to lừng lững, lông dày và mượt đang lũ lượt về chuồng. Gần đó là từng đống phân xanh, phân chuồng đã được ngâm ủ với rơm rạ, được xử lý kỹ hoàn toàn không có mùi hôi, chúng sẽ được dùng làm phân bón hữu cơ để làm giàu cho đất trồng cỏ nuôi bò và các loại rau củ khác vào mùa xuân tới.

Trang trại Jahansfelder Landhof được thành lập năm 1991 và là thành viên của Hiệp hội nông dân hữu cơ Đức, chuyên cung cấp nhiều loại thực phẩm hữu cơ cho các khách hàng ở Berlin và các khu vực lân cận. Hiện tại trang trại có 300 con bò, 200 con lợn và 60 con cừu.

Thực phẩm hữu cơ vừa sạch lại vừa ngon, có lợi cho sức khỏe, trong khi môi trường sinh thái được giữ gìn, đất đai không bị ô nhiễm, cằn cỗi. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp hữu cơ ở châu Âu có slogan “tốt cho thiên nhiên, tốt cho bạn” (Good for nature, good for you).

Hai bố con nông dân Hungary, ông Baglyas János 
và con trai Baglyas Gellert. Ảnh: Việt Hùng.

Hai bố con nông dân Hungary và 170 ha đất 

Trang trại của ông Baglyas János nằm cách thủ đô Buadapest của Hungary khoảng 40km về hướng Đông, tại thị trấn nhỏ Dány có vẻn vẹn 4.400 dân. Tôi đến thăm gia đình ông giữa lúc mưa tuyết giăng mù mịt khắp đất trời.

Xe của chúng tôi bám sát chiếc xe dẫn đường của Baglyas Gellert - con trai ông, đang làm nghiên cứu sinh ở một trường Đại học Nông nghiệp gần đó - mà chỉ nhìn thấy cái đèn hậu đỏ lờ mờ lẫn trong màn mưa lẫn sương mù đục quánh.

Thế mới biết, ở xứ Âu này mùa đông vô cùng khắc nghiệt, không những chả cấy hái gì được mà đi lại cũng rất khó khăn, thậm chí là nguy hiểm, chẳng hạn như lúc này tầm nhìn gần như bằng 0 mà đường thì trơn trượt vì tuyết rơi dày. Nông dân châu Âu coi như mất đứt mấy tháng mùa đông để đất trống.

Ngó vô cái xưởng nông cụ giữa lúc nông nhàn của bố con ông Baglyas thấy đầy đủ các loại máy móc hiện đại cho các công đoạn làm đất, gieo trồng hay thu hoạch. Anh con trai nhẩm tính họ đầu tư cho giàn máy móc này ngót 300 ngàn euro.

Chừng ấy tiền để cơ giới hóa, tự động hóa cho 170 ha đất trồng trọt của gia đình ông kể cũng bõ. Anh Gellert hạch toán rằng chỉ có 1,5 nhân công ở trang trại này, vì ngoài ông bố ra thì anh chỉ tính một nửa thôi bởi còn bận làm nghiên cứu sinh ở trường nữa.

170 ha của bố con ông Baglyas trồng chủ yếu là ngô, hướng dương lấy hạt, chỉ khoảng 10% là lúa mạch. Ông cho biết, tính trung bình mỗi ha đất mang lại lợi nhuận 60.000 forint (tương đương 270 USD) cho gia đình.

Như vậy với 170 ha đất canh tác, ông sẽ thu về ngót nghét năm chục ngàn đô la mỗi năm, tương đương cỡ 1 tỷ đồng. Thu nhập 1 tỷ đồng mỗi năm cho một người rưỡi, vị chi khoảng gần 55 triệu đồng/tháng/người.

Anh Gellert cho biết, trang trại gia đình anh còn áp dụng hệ thống đo hiện đại cho phép biết được cây trồng đang thiếu loại phân gì, đạm, lân hay kali... để bón cho đúng liều lượng. Thị trường nông nghiệp Hungary rất phát triển, không hề có chuyện được mùa mất giá hay nông dân bị ép giá như ở ta.

Ảnh: Việt Hùng.

Ông Baglyas cho hay, có nhiều công ty đa quốc gia ở đây để ông lựa chọn đầu ra cho sản phẩm, thậm chí nếu chưa thấy được giá ông có thể bảo quản vào kho để bán vào thời điểm khác, lúc nào ông cũng có ít nhất 3 công ty lớn để lựa chọn. Ngô ông bán cho một công ty đa quốc gia làm xăng sinh học, hạt hướng dương cho một công ty đa quốc gia khác, còn lúa mạch ông bán trong nước.

Tôi hỏi ông Baglyas rằng, ông tự thấy cuộc sống đời nông dân của mình thế nào, có hài lòng và hạnh phúc không? Ông cười lớn rồi nói “cuộc sống của tôi tốt, ở mức trên trung bình rồi”.

Có thể ông hơi khiêm tốn chăng, bởi ông còn muốn trang trại này rộng lớn hơn nữa, muốn đời mình cho tới đời con, cháu... vẫn nối nghiệp ông. Ông còn đang có kế hoạch trồng cây óc chó, loại cây tới 50-60 năm sau mới cho thu hoạch.

Kế hoạch dài hơi là thế hẳn ông phải yêu mảnh đất này lắm, phải thấy hạnh phúc với nghề nông. Chợt chạnh lòng khi nghĩ đến nông dân quê mình, hàng vạn hộ đang phải bỏ ruộng, trả ruộng (42.785 hộ, theo báo cáo của BCĐ T.Ư sơ kết 5 năm thực hiện NQ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn) lên thành phố làm thuê vì không sống nổi với cây lúa, làm một sào ruộng tính ra chỉ có thu nhập 50-80.000 đồng/tháng, tương đương... 2 bát phở.

Cái thị trấn nhỏ của ông Baglyas có khoảng 1.100 gia đình làm nông, chủ yếu là trồng ngô, những gia đình có khoảng 200 ha đất trở lên có cả chục. Ngồi uống trà trong phòng khách đầy đủ tiện nghi của gia đình ông, ngó nhìn trang trại mênh mông đất phía sau nhà tôi thầm ước ao cho nông dân quê mình, bao giờ được như thế?

Trông người lại ngẫm đến ta, chốn nhà quê EU ở xứ người đang được họ ra sức gìn giữ, năm ngoái một ngân quỹ tới 57 tỷ euro đã chi cho khu vực này. Trong khi ở ta ruộng vườn đang ngày một bê tông hóa, không ít vùng nông thôn nửa tỉnh nửa quê, không còn trong lành nữa... Dường như xứ nhà quê ở ta đang đi ngược chiều với những gì đang diễn ra ở xứ người?

EU rất coi trọng phát triển nông nghiệp, bởi họ coi khu vực nông thôn chính là lá phổi, là nơi hấp dẫn để sinh sống, du lịch và giải trí. Khoảng một nửa đất đai EU được sử dụng làm nông nghiệp. Hằng năm, họ chi khoảng 40 tỷ euro để hỗ trợ tận tay người nông dân, ví dụ như ở Đức cứ mỗi ha ruộng người nông dân sẽ được nhận 300 euro/năm “tiền tươi thóc thật”, ở Hungary được khoảng 214 euro/ha/năm...

Việt Hùng