Thị trấn tỷ phú bên bờ biển Tây
TP - Cứ mỗi lần đến thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời), tôi choáng ngợp với nhịp sống nhộn nhịp, đông đúc nơi đây. Nếu tính tài sản là tàu đánh cá, ở thị trấn cửa biển bên bờ biển Tây- Nam Cà Mau này có hàng ngàn tỷ phú.Đoàn tàu trong Lễ hội Nghinh Ông.
Ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc nói: “Dân số hiện nay gần 45 ngàn người, cộng với ngư dân vài ngàn tàu đánh cá trong và ngoài tỉnh cập bến thị trấn trở nên chật hẹp. Nếu tính tài sản là tàu đánh cá, thị trấn Sông Đốc có hàng ngàn tỷ phú, nhiều gia đình tỷ phú”.
Con trai đầu lòng của ông Tư Biểu là Nguyễn Thanh Kỳ, 34 tuổi, có 8 chiếc tàu đánh cá. Con trai lớn trong gia đình, Nguyễn Thanh Kỳ học hết phổ thông, quay về cửa biển Sông Đốc theo cha lèo lái con tàu đánh cá cho đến bây giờ. Có khối tài sản lớn, Nguyễn Thanh Kỳ vẫn không chịu ngồi nhà, trực tiếp ôm vô- lăng dẫn đầu đoàn tàu khai thác biển.
Sông Đốc ngày ấy
Những ngư dân cố cựu ở thị trấn Sông Đốc kể về cửa Sông Đốc ăn thông ra biển Tây - Nam Cà Mau “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua” thuở mở đất. Cửa biển Sông Đốc có vài chục nóc gia làm nghề đóng đáy, đánh cá. Ngư dân cố cựu gọi cửa biển Sông Đốc là Cửa Rồng bởi con sông uốn khúc đua ra biển.
Thấm thoắt vậy mà đã 60 năm, cửa biển Sông Đốc chứng kiến cuộc hành trình chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc. Bà Tư Hường giờ đã 80 tuổi kể: “Vợ chồng tôi có ngôi nhà lá 3 gian. Thằng Liêm (anh Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên Bí thư thị trấn Sông Đốc) vừa sinh. Ông nhà tôi là Nguyễn Tấn Biển (bí danh Huỳnh Văn Biển) ở lại hoạt động, sau này đi Đoàn tàu không số”.
Chuyện gia đình, tình cảm của bà Tư Hường như huyền thoại trong chiến tranh. Bà sinh được 3 người con. Ông Nguyễn Tấn Biển theo Đoàn tàu không số, bị bệnh phải ở lại miền Bắc. Bà Tư Hường kể: “Còn mấy ngày nữa giải phóng miền Nam, tôi nhận được tin chồng hấp hối nhưng không thể ra miền Bắc, đành ôm con, nhớ vọng chồng”.
Sau những ngày điều dưỡng trên đất Bắc, ông Nguyễn Tấn Biển bén duyên với một cán bộ phụ nữ xã ở tỉnh Hải Hưng. Chị sinh cho ông một đứa con rồi ông mất. Trong ngôi nhà xây dựng kiên cố 2 tầng lầu, bà Tư Hường nói: “Ba gian nhà lá ngày xưa bây giờ là 3 ngôi nhà cao 2 tầng, chia đều cho 3 đứa con”.
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Nguyễn Thanh Liêm ra Bắc thăm mộ cha, rước mẹ kế và mấy anh em ngoài Bắc vô chơi. Bà Tư Hường cười rất to: “Tôi đâu có giận gì chồng, sống xa vợ con, lại bệnh nặng. Nhờ bà ấy (bà Nguyễn Thị Vân, ở xã Toàn Thắng, huyện Kim Đông, tỉnh Hải Hưng) chăm sóc mấy năm trời. Chiến tranh mà!”.
Thị trấn tỷ phú
Thị trấn Sông Đốc có nghề biển cha truyền con nối, với đoàn tàu đánh cá hơn 1.300 chiếc, phần lớn có trọng tải lớn, công suất mạnh, có khả năng khai thác dài ngày trên biển. Ông Nguyễn Thanh Liêm nói: “Nếu tính cả trị giá con tàu đánh cá làm tài sản, thì thị trấn này có hàng ngàn tỷ phú”.
Hải sản được chế biến quy mô lớn. |
Gia đình vợ chồng ông Nguyễn Tấn Biểu (Tư Biểu), 64 tuổi, có 3 người con trai, gái đều theo nghề biển với 17 chiếc tàu đánh cá, sử dụng 250 bạn tàu và từng ấy người là vợ, con làm nghề vá lưới. Bà Trần Thị Dung- vợ ông Tư Biểu, nói: “Vợ chồng tôi lớn tuổi rồi, còn giữ lại 3 chiếc tàu dưỡng già. Các con tôi lớn lên, cưới vợ, gả chồng, ra làm ăn riêng là cho một chiếc tàu lớn, trị giá tiền tỷ. Rồi chúng làm ăn được, đóng tàu mới, mỗi đứa năm bảy chiếc”.
Mấy đứa con làm ăn được, mỗi chuyến biển kiếm vài trăm triệu nhưng phải lo cho con cái du học. Mấy đứa cháu nội, ngoại đều du học ở Úc từ phổ thông đến đại học Bà Trần Thị Dung khoe |
Những ngày cuối năm, bà con ngư dân thị trấn Sông Đốc tất bật lo chuyến biển Tết. Chị Trần Thị Thắm cùng mẹ chồng coi sóc hàng trăm thợ vá lưới. Chị tâm sự: “Hơn 20 năm vợ chồng cưới nhau, chưa năm nào vợ chồng ăn tết chung. Chuyến biển Tết thường trúng mùa, ham lắm, sau Tết vợ chồng bù cho nhau!”.
Bà Trần Thị Dung khoe: “Mấy đứa con làm ăn được, mỗi chuyến biển kiếm vài trăm triệu nhưng phải lo cho con cái du học. Mấy đứa cháu nội, ngoại đều du học ở Úc từ phổ thông đến đại học”.
Dịch vụ hậu cần nghề cá ở Sông Đốc rất phát triển. |
Người dân Sông Đốc phóng khoáng, cửa biển Sông Đốc rộng mở, cưu mang, nuôi dưỡng, cho những người làm ăn ở đây phát đạt. Tôi hỏi ông Đặng Đốc (Huế Bụng), 87 tuổi, ở khu vực 1, thị trấn Sông Đốc: “Bà con ở đây nói gia đình ông giàu nhất xứ này?”. Vẫn chất giọng người dân Quảng Ngãi: “Tôi không dám nói đâu. Nhưng bà con nói chắc có cơ sở đấy!”.
Ông Đặng Đốc nói, khi đến thị trấn Sông Đốc làm thuê gánh nước mắm bán dạo từ khi cửa biển Sông Đốc “Làm thịt một con heo, bán đến xế chiều vẫn còn thừa”. Ông nổi tiếng chịu khó làm ăn và nổi danh “đại gia hà tiện”.
Vợ chồng ông Huế Bụng sinh 4 người con trai, sau khi lập nghiệp ở cửa biển Sông Đốc. Con trai đầu là anh Đặng Thành làm chủ 3 chiếc tàu đánh cá, kinh doanh xăng dầu, nuôi tôm, cửa hàng cơ khí. Con trai thứ 2 là Đặng Tâm, Tiến sĩ y khoa, đang làm việc tại TPHCM, mua nhà ở Mỹ để cho vợ làm việc, các con học hành.
Anh Đặng Lợi là nhà sáng chế chân đất, thiết kế, lắp ráp, sửa chữa dây chuyền chế biến bột cá khắp các tỉnh ĐBSCL. Vừa thi công những công trình lớn, vừa sản xuất nhà máy bột cá, xưởng cơ khí... Con trai út là Đặng Lộc làm chủ nhà máy tái chế bọc nylon, hãng nước mắm, mua bán cá cơm...
Hỏi vốn liếng đầu tư cho gia đình, ông Huế Bụng bấm đốt ngón tay: “Cái nhà 3 tầng, xây cất hết 170 tấn gạo, mua chiếc ghe lưới là 180 tấn gạo, cái cửa hàng kim khí là 70 tấn… Tôi tính vậy quen rồi… Con cá, củ sắn, hạt lúa nuôi kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ mà. Rồi các con các cháu đi học ở Sài Gòn, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… mới tốn kém chớ!”.
Đô thị bên bờ biển Tây
Ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc nói: “Thị trấn Sông Đốc đã được công nhận đô thị loại 4 nhưng so với các tiêu chí còn yếu, phải tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật nghề cá- an sinh xã hội. Thị trấn Sông Đốc là đô thị trọng điểm nghề cá, hậu cần nghề cá”.
Nhịp điệu cuộc sống ở thị trấn này theo từng chuyến biển. Sông Đốc có hơn 1.000 doanh nghiệp mua bán thủy sản, ngư lưới cụ, nhà máy nước đá, cửa hàng xăng dầu, kim khí điện máy, ụ đóng tàu... hoạt động nhộp nhịp quanh năm.
Cùng tôi xuống phà ngang cửa Sông Đốc, gió biển mang theo mùi tôm cá khô của thị trấn cửa biển. Ông Nguyễn Tuấn chỉ tay về phía bên kia: “Thị trấn Sông Đốc hình thành tự phát phía bờ Bắc từ lâu nay, nhưng nay tuyến đường nối bờ Nam thị trấn với Quốc lộ 1A giúp rút ngắn thời gian, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, mới là hướng lâu dài mở rộng thị trấn phía bờ Nam”.
Thị trấn Sông Đốc là một trong 3 đô thị động lực của tỉnh Cà Mau, có đoàn tàu đánh cá 1.300 chiếc và hàng ngàn tàu cá hoạt động trên biển Tây- Nam ra vào. Thế mạnh khai thác thủy sản, hơn 1.000 cơ sở hoạt động hậu cần nghề cá. |
Nguyễn Tiến Hưng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét