'Thiệt thòi do truyền thông VN định hướng'
Sau một thời gian định cư tại châu Âu, tôi nhận ra điều khác biệt cơ bản nhất của truyền thông nước ngoài là họ truyền tải các sự vụ mắt thấy tai nghe bằng những thông tin đa chiều.Tuy nhiên tại Việt Nam, truyền thông còn gánh thêm một nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền và định hướng cho bộ máy chế độ. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến thái độ và nhận thức của công chúng.
Khi tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời, truyền hình Thụy Sỹ đã có một bộ phim tài liệu mô tả chi tiết về tiểu sử cuộc đời ông.
Thụy Sỹ là quốc gia hiền hòa và trung lập, nên chiến thắng của Mandela trước chủ nghĩa độc tài Apartheid đã khiến ông trở thành một vĩ nhân trong mắt người dân và báo chí.
Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn phim phóng sự nêu ra những chi tiết như Mandela đã từng là một người đánh bom khủng bố, và ông ruồng bỏ người vợ già để cưới một cô vợ trẻ hơn…
Nelson Mandela là một vĩ nhân, nhưng ông cũng hành nghề chính trị và từng có những hành động tầm thường.
Nếu như bộ phim này được chiếu ở Việt Nam, thì chắc chắn các chi tiết như thế sẽ bị biên tập cắt bỏ.
Bởi vì nền báo chí truyền thông cách mạng Việt Nam luôn được định hướng đã là vĩ nhân thì con người không được quyền có tỳ vết!
Giới làm báo trong nước vẫn truyền tai nhau câu chuyện một tổng biên tập nổi tiếng của một tờ báo lớn đã phải ra đi chỉ sau hai nốt nhạc do cho đăng thông tin nhạy cảm về chuyện đời tư của một lãnh tụ.
Điều này không có gì lạ, khi gần 800 đầu báo in, báo mạng, truyền hình… chính thống đều được chi phối bởi một tổng biên tập tối cao là Ban Tuyên giáo Trung ương.
Chỉ một nửa sự thật thì không còn là sự thật. Và công chúng Việt Nam đã bị thiệt thòi rất nhiều khi tiếp cận thông tin vì chủ trương định hướng này.
Định hướng cả địa danh
"Nelson Mandela là một vĩ nhân, nhưng ông cũng
hành nghề chính trị và từng có những hành động tầm thường."
Cách đây không lâu, tôi tình cờ gặp một phóng viên truyền hình Thụy Sỹ trong một buổi dã ngoại do trường của con trai tôi tổ chức, ông là một trong các phụ huynh.
Trước khi định cư tại Thụy Sỹ, nghề nghiệp của tôi cũng là phóng viên truyền hình nên chúng tôi đã trao đổi khá nhiều thông tin thú vị về nghề nghiệp.
Khi tôi hỏi phóng viên Thụy Sỹ có tác nghiệp theo định hướng chính trị và có gặp rào cản kiểm duyệt gắt gao gì khi đề cập tới các vấn đề xã hội nhạy cảm không, ông đã rất ngạc nhiên và hỏi ngược lại:
“Không, tại sao lại thế? Nghề nghiệp của chúng ta là phản ánh trung thực các thông tin xã hội, và chúng ta phải là người chịu trách nhiệm về điều đó. Ở nước bạn không như vậy sao?”
Còn nhớ khi còn công tác tại một kênh truyền hình dành cho kiều bào khoảng ba năm trước, ê-kip thực hiện nội dung chương trình chúng tôi đã phải khổ sở thế nào khi đối phó với chủ trương từ lãnh đạo đài buộc phải cắt bỏ tất cả các từ có liên quan tới địa danh Sài Gòn, thay vào đó là cụm từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Phim nào vi phạm sẽ bị gác vô thời hạn.
Chủ trương đưa ra cứng nhắc tới nỗi biên tập, phóng viên nào cũng vò đầu bứt tóc tìm những cụm từ thay thế nếu không muốn chương trình bị treo lại vì các chương trình do chúng tôi phụ trách đều có liên quan tới địa danh này.
Khổ nỗi, những bộ phim tài liệu về thành phố Sài Gòn xưa không thể sử dụng tên địa danh thành phố Hồ Chí Minh mới có sau 1975, vì điều đó thật sự tréo ngeo chẳng chút ăn nhập với nội dung hình ảnh.
Những cách gọi quen thuộc như ẩm thực Sài Gòn, người Sài Gòn… cũng trở nên khiên cưỡng khi phải buộc phải sửa lại thành người dân thành phố Hồ Chí Minh, ẩm thực thành phố Hồ Chí Minh.
Thế nhưng mọi tranh luận đều không mang lại kết quả, lệnh trên vẫn ban ra một là sửa một cách máy móc như quy định, hai là phim bị biên tập của đài gác lại.
Chúng tôi không có lựa chọn khác hơn. Có lẽ người ta sợ rằng nhắc tới Sài Gòn là nhắc tới một quá khứ không mấy vẻ vang, là khiến liên tưởng tới một chế độ cũ, cho dù điều đó là một sự thật hiển nhiên của lịch sử?
Và đây chỉ là một trong những ví dụ nhỏ về việc định hướng chính trị trong nghề nghiệp truyền thông của tôi trước đây tại Việt Nam, điều mà không phải ai ngoài nghề cũng biết.
Xa định hướng là phản động?
Mới đây, thông tin Triều Tiên tử hình công khai 80 công dân vì tội danh xem trộm truyền hình Hàn Quốc đã gây sốc trong dư luận.
"Soi mói mọi góc đen tối của những người làm nghề
chính trị là điều kiêng kỵ ở Trung Quốc và Việt Nam"
Thế nhưng điều này không lạ với những người thuộc lớp trung lưu tại Việt Nam, khi một giai đoạn lịch sử “nghe đài địch” cũng được coi là một trọng tội tương đương với việc tiếp tay truyền bá tư tưởng phản động, phản bội tổ quốc.
Truyền thông đã tích cực đánh tráo khái niệm “Tổ quốc” và “chế độ” để hạn chế tối đa quyền tiếp cận thông tin đa chiều của công chúng.
Tôi đã tham khảo khá nhiều ý kiến của bạn bè đang sống tại nhiều nước châu Âu và Mỹ, và đều nhận được câu trả lời rằng ở nước họ bạn có quyền phát ngôn và tiếp cận thông tin đa chiều thỏai mái, miễn là đừng gây tổn thất tới thông tin bí mật quốc gia như cụ thể vụ Snowden đình đám tại Mỹ, hoặc gây bạo động đổ máu.
Đó là quyền tự do ngôn luận của công dân, và được bảo vệ bởi hiến pháp.
Không khó tìm thấy những thông tin đại loại một người nông dân chỉ tay vào mặt lãnh đạo Úc và gọi bà là 'kẻ nói dối', hay những thói xấu của nguyên thủ quốc gia trên các phương tiện truyền thông Phương Tây, bởi vì công chúng coi quyền được biết và soi mói mọi góc đen tối của những người làm nghề chính trị là việc bình thường.
Thế nhưng tại Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam, đó là điều kiêng kỵ.
Nếu phát ngôn những gì trái với truyền thông định hướng, bạn sẽ dễ dàng bị quy vào các tội danh hình sự với khái niệm hết sức vu vơ như “truyền bá tư tưởng phản động, nói xấu chế độ, xúi giục người khác chống lại chế độ…” như ví dụ về hàng loạt vụ bắt giữ ồn ào nhắm vào những người khác quan điểm gần đây.
Điều đó khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh một cậu chàng to khỏe sẵn sàng trừng phạt đứa trẻ hàng xóm vì dám chê cậu 'không đẹp, không hoành'.
Vấn đề ở chỗ là chính bản thân cậu chàng biết đứa trẻ nói đúng, và vì thiếu tự tin vào bản thân mình nên cậu lựa chọn phương án bắt nó ngậm miệng trước khi có nhiều người hơn công khai đồng thuận.
"Người dân tiếp xúc với truyền thống định hướng một chiều lâu ngày sẽ vô tình tự triệt tiêu tư duy nhìn nhận vấn đề bằng con mắt đa chiều, đó là một vấn đề không thể phủ nhận được trong ý thức hệ của rất đông bộ phận người Việt hiện nay"
Dù rằng đứa trẻ kia không thể, và không hề có ý định xâm hại cậu chàng bằng vũ lực.
Hệ lụy tất yếu
Người ta vẫn nói rằng nếu một sự việc cực kỳ vô lý được lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ có lúc nó nghiễm nhiên trở thành có lý.
Người dân tiếp xúc với truyền thống định hướng một chiều lâu ngày sẽ vô tình tự triệt tiêu tư duy nhìn nhận vấn đề bằng con mắt đa chiều, đó là một vấn đề không thể phủ nhận được trong ý thức hệ của rất đông bộ phận người Việt hiện nay.
Chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội Việt Nam, mỗi khi có ý kiến phản biện các vấn đề xã hội chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những ý kiến kiểu “phản động, nói xấu chế độ, quay lưng lại bôi nhọ tổ quốc…” bất chấp rằng họ chưa từng có dịp trải nghiệm điều người khác nói tới, và cũng không chịu bỏ thời gian suy ngẫm học hỏi.
Họ khó chấp nhận cái mới, cái khác lạ với những điều vẫn được nghe thấy mỗi ngày. Và khi bước chân ra ngoài thế giới rộng lớn, họ gặp vô vàn khó khăn, thiệt thòi bởi không được định hướng phù hợp.
Và đó chỉ là một hệ lụy nhãn tiền bởi bộ máy truyền thông định hướng.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và văn phong của tác giả Hương Vũ hiện sống tại Neuchatel, Thụy Sỹ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét