Vì sao đoán trật ?Nguyễn-Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng, RFA Ngày 13.12.25"Diễn đàn Kinh tế"* Nhân viên một ngân hàng tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc đang xếp đôla Mỹ bên cạnh đồng Nguyên - AFP PHOTO *Trong năm năm qua, kể từ vụ khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ, giới nghiên cứu kinh tế đưa ra nhiều dự đoán, nổi bật nhất là sự suy sụp của nước Mỹ, bên cạnh là sự lớn mạnh của các nền kinh tế đang lên, đứng đầu là Trung Quốc. Cuối cùng thì các dự báo đó đều sai. Tuần qua, kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng vọt trong khi các nền kinh tế đang lên, từ Trung Quốc đến Liên bang Nga hay Brazil, Ấn Độ đều gặp nhiều khó khăn. Trong loạt bài tổng kết cuối năm với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao mà nhiều người lại đoán trật....
Kinh tế Mỹ phục hồi
Vũ Hoàng: Thưa ông Nghĩa, đến tuần qua thì người ta có dấu hiệu là kinh tế Hoa Kỳ đã thật sự phục hồi với đà tăng trưởng của Quý Ba quy ra toàn năm đã vượt 4% và Ngân hàng Trung ương khởi sự tiết giảm biện pháp kích thích làm thị trường cổ phiếu tăng vọt lên đỉnh mới. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế thuộc loại đang phát triển lại chìm sâu trong khó khăn. Khi Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chính năm năm trước đây, người ta dự đoán Mỹ trôi vào chu kỳ suy thoái và bị kinh tế Trung Quốc qua mặt trong vài năm tới. Bây giờ thì sự thể lại đảo lộn cho nên trong loạt tổng kết cuối năm, xin nêu câu hỏi là vì sao mà người ta lại có những dự báo sai lầm như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết về Hoa Kỳ thì đây là nơi xuất phát nhiều công trình chửi Mỹ nhất, mà không chỉ từ vụ khủng hoảng tài chính rồi nạn suy trầm kinh tế vào năm 2008-2009, tiếp theo là sự hỗn loạn trên chính trường về chi thu ngân sách. Nếu bên ngoài nhìn sự thể phiến diện thì cho là Hoa Kỳ hết thời và sẽ bị thiên hạ qua mặt, chứ thật ra, xã hội Mỹ có đặc tính biến báo hơn hẳn các nền kinh tế lớn khác. Tôi xin đơn cử vài ví dụ dễ so sánh như sau.
Biện pháp bơm tiền để kích thích kinh tế làm sụt giá đô la khiến thế giới coi thường đồng bạc xanh nên chẳng thấy là nhờ đó doanh nghiệp Mỹ có sức cạnh tranh cao hơn. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Bị khủng hoảng vì mắc nợ quá cao, dân Mỹ trả nợ nhanh và nhiều hơn khối công nghiệp kia, là Âu Châu và Nhật Bản. Biện pháp bơm tiền để kích thích kinh tế làm sụt giá đô la khiến thế giới coi thường đồng bạc xanh nên chẳng thấy là nhờ đó doanh nghiệp Mỹ có sức cạnh tranh cao hơn. Mà các doanh nghiệp đều phải sáng tạo để cải tiến năng suất bằng kỹ thuật mới và quả nhiên là thành công khi người ta còn than vãn về nạn thất nghiệp. Chuyện thứ tư là cách mạng dầu khí với hai loại công nghệ gạn cát và đào ngang đã nâng sản lượng và giảm chi phí về xăng dầu. Nhờ đó, khu vực chế biến Mỹ chiếm ưu thế mới, trái với lý luận tiêu cực về nạn đầu tư ra ngoài để có nhân công rẻ. Hoa Kỳ là nơi sẽ thu hút đầu tư vì có doanh lợi cao hơn nhiều trị trường khác.
- Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ là nên thận trọng với hai nhược điểm liên hệ đến chính trị. Thứ nhất là trong sự xoay chuyển quá nhanh như vậy, doanh lợi cao của giới đầu tư so với đa số có thể gây vấn đề về công bằng xã hội và dẫn tới lý luận đấu tranh giai cấp rất dễ bị khai thác. Thứ hai là Hoa Kỳ chưa hết bài toán bội chi và nhà nước đi vay. Nhờ kinh tế hồi phục, các chính khách mị dân có thể lại đòi tăng chi và đi vay nữa. Đó là về sự mạnh yếu của Hoa Kỳ.
Vũ Hoàng: Thưa ông, về các nền kinh tế khác thì sao? Lý do nào khiến người ta đã dự đoán sai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mình có thể lần lượt nhắc lại chuyện cũ để thấy việc đoán sai như vậy là quy luật phổ biến làm nhiều người hiểu sai từ cả nửa thế kỷ chứ không phải là bây giờ.
- Trước hết, là thời Chiến tranh lạnh, không thiếu gì kẻ tuyên truyền thiên tả và học giả uyên bác của Mỹ đã báo trước Liên Xô sẽ bắt kịp và vượt Hoa Kỳ. Họ dựa trên đà tăng trưởng rất cao của thập niên 60 rồi phóng vào tương lai theo đường thẳng mà không thấy kinh tế Xô viết có vấn đề từ những năm 70. Và hai chục năm sau là tự sụp đổ lên chính nó. Đến năm 2008, có người lại lầm nữa khi nghĩ là với giá dầu thô vượt quá trăm đồng, Liên bang Nga lại là đại cường kinh tế. Thật ra nước Nga tụt hậu thành xứ chậm tiến chỉ biết đào đất bán tài nguyên mà không hiện đại hóa và đa năng hóa cơ chế kinh tế. Khi giá nhiên liệu sút giảm, mà sẽ giảm, kinh tế xứ này từ suy trầm sẽ suy thoái. Lý do dự đoán sai là vì đánh giá sai vai trò của tài nguyên, khả năng quản lý của nhà nước và sự tuyệt vọng quá lớn của người dân. Sau đó là dự báo sai về Âu Châu.
Vũ Hoàng: Quả thật là đã có thời mà người ta cho rằng mô hình phát triển Âu Châu có vẻ cân đối và ổn định hơn những xoay chuyển quá nhanh của Hoa Kỳ. Thưa ông vì sao như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đấy là vào đầu thập niên 70, khi Hoa Kỳ xuất huyết với cuộc chiến tại Việt Nam, rồi lãnh đòn phong tỏa dầu khí của Trung Đông rồi sai lầm với chính sách kinh tế khiến lạm phát tăng vọt. Khi đó, người ta nói về sự bải hoải hay "malaise" của nước Mỹ và cho rằng Âu Châu mới là nơi cuộc sống đẹp vì chú ý đến phẩm hơn lượng. Lúc đó, mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Bắc Âu mới là lý tưởng. Sự thật lại không hẳn như vậy vì chế độ bao cấp Âu Châu đã tích lũy nhiều vấn đề, làm tăng thất nghiệp và giảm sức cạnh tranh. Lý do dự đoán sai vẫn nằm trong cách đánh giá quá cao vai trò can thiệp của nhà nước vào kinh tế. Đấy cũng là lý do mà mươi năm sau người ta tiên đoán sự thắng thế của Nhật Bản.
Vài chục năm đoán sai một lần?
Vũ Hoàng: Thưa rằng nếu nhớ lại thì sau thời Tổng thống Jimmy Carter, lạm phát tại Hoa Kỳ từ 14% và thất nghiệp từ hơn 10% lại giảm mạnh và kinh tế Mỹ đã có mức tăng trưởng rất cao. Nhưng cũng vào lúc đó thì lại có lời tiên đoán về sức bật của Nhật Bản, thậm chí lời cảnh báo về việc Nhật Bản đang mua đứt nước Mỹ và thành bá chủ kinh tế toàn cầu. Vì sao họ lại đoán vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là câu hỏi này rất hay vì sau khi bi quan trước sự lớn mạnh của Liên Xô rồi Âu Châu, nhiều nhà nghiên cứu nhìn về Châu Á cũng với sự lầm lạc đó.
Khi bị khủng hoảng kinh tế thì nền dân chủ có lợi thế sửa sai cao hơn ách độc tài nhờ sự tham dự của mọi tác nhân kinh tế. Chính là việc tranh luận về cách sửa sai đó là khác biệt giữa thịnh và suy. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Đầu tiên, họ cho là tư bản chủ nghĩa kiểu Nhật có ưu điểm cân bằng và ổn định hơn kiểu Mỹ. Lý do là hệ thống Nhật dựa trên sự phối hợp giữa doanh nghiệp và ngân hàng với bộ máy hành chính, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của chính quyền. Ba chân kiềng của các tập đoàn tư doanh, bộ máy hành chính và chính quyền đã giúp Nhật tập trung công sức thành mũi nhọn. Vì vậy dân Mỹ mới được báo động rằng Nhật Bản sẽ làm chủ đầu tư trên thị trường Hoa Kỳ.
- Sự thật thì sau đó kinh tế Nhật bị khủng hoảng vì bể bóng đầu cơ và trải qua hai chục năm suy trầm cũng vì ưu thế gọi là ổn định của họ. Nhật Bản không dám mạnh tay cải cách và phá vỡ ung nhọt tích lũy từ nhiều thập niên về trước. Mãi đến năm nay, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe mới có quyết định khá táo bạo với kết quả khả quan hơn. Lý do dự đoán sai lầm vẫn là vì quá lạc quan về sự can thiệp và phối hợp của nhà nước. Sai lầm đó tiếp tục khi người ta nói về kinh tế Trung Quốc là nơi mà nhà nước là chủ đầu tư số một và dù kinh tế nhà nước độc tài thì cũng lấy quyết định hợp lý hơn là thị trường bát nháo như ở Hoa Kỳ.
Vũ Hoàng: Khi ông nhắc lại như vậy, chúng ta thấy cứ vài chục năm thì giới kinh tế lại đoán sai một lần, nào là về Liên Xô, Âu Châu, về Nhật Bản và Trung Quốc, mà lần nào cũng nói trước là Hoa Kỳ sẽ lụn bại. Trong khi thực tế thì nước Mỹ đổi thay liên tục mà các nước kia mới sa sút. Chúng ta đi tới chuyện ngày nay là đối chiếu dự đoán với thực tế.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện ngày nay là người ta đoán sai về sức mạnh kinh tế Trung Quốc. Lồng trong đó, khi ba khối Âu-Mỹ-Nhật bị suy trầm thì báo trật về sức bật của các nền kinh tế đang lên, như nhóm BRIC là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Người ta cũng đoán sai về giá thương phẩm theo lối tính bi quan về số cung có hạn làm giá sẽ tăng nên mới cho là xứ nào có tài nguyên thì sẽ giàu to, v.v....
- Trước hết, từ hai năm qua, khối BRIC đó mới lụn bại nhất và chưa hết khó khăn. Thứ hai, Việt Nam cứ theo Trung Quốc là dựa vào trí tuệ có hạn của chính quyền và kinh tế nhà nước đã đi từ khủng hoảng này qua khủng hoảng khác, cũng với núi nợ chất đống và bong bóng đầu cơ bị bể. Thứ ba, một số nước có tránh khỏi tai họa đó vì từng bị khủng hoảng và nghiến răng cải cách. Họ chấp nhận rủi ro bất ổn của nền dân chủ, không dựa vào kho tài nguyên dưới lòng đất mà tin vảo khả năng cải tiến của người dân. Khả năng đó khiến xã hội tìm ra giải pháp thích hợp và nhà nước tạo điều kiện thử nghiệm với một sân chơi bình đẳng cho mọi người.
- Thí dụ nổi bật nhất là Đài Loan và Nam Hàn, đã tự dân chủ hóa từ trước, rồi khi bị khủng hoảng thời 1997 thì triệt để cải cách. Theo sau, có trường hợp Philippines và Indonesia với triển vọng sáng láng hơn cả ở Đông Nam Á. Ngoài khu vực Đông Á thì phải nói đến xứ Chile, cũng đã cải cách kinh tế rồi chính trị nên xã hội ổn định và người dân giàu gấp bội so với xứ Brazil có nhiều tài nguyên hơn.
Sau cùng thì nói cho công bằng, không phải là ai cũng đoán sai về sự thịnh suy hay thăng giáng của các nước, vì có nhiều người nói ngược mà ít ai nghe!
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, vì sao lại có những dự đoán sai lầm như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ là ta nên phân biệt hai trường hợp gian ý và chân tình. Gian ý là loại con buôn đã lũng đoạn thị trường thông tin với dự báo sai, miễn là để thu hút thân chủ đầu tư vào các thị trường họ có chân đứng. Họ đánh trống hô hào rằng bên kia sông là ánh mặt trời để kêu gọi người người bỏ vốn. Kinh tế học gọi đó là phản ứng bầy đàn, nhưng trước tiên là phải có kẻ cố tình tô hồng sự thật. Trung Quốc giỏi chi tiền cho nghệ thuật quảng cáo đó nhờ các doanh nghiệp đang làm ăn với họ, mà quảng cao về chính trị chỉ là tuyên truyền.
- Chân tình là những người tin thật vào cái lẽ tất thắng của một số yếu tố như đất đai, tài nguyên, nhân công hay khả năng can thiệp sáng suốt của nhà nước. Họ tin thật chứ chằng muốn lừa gạt ai mà kết luận sai vì thiếu tầm nhìn sâu và rộng.
- Lý do ở đây là bất cứ một xứ chậm tiến nào cũng có thể học được vài bí quyết của các nước tiên tiến để vượt lên, nhờ đó mà có mươi mười lăm năm khá giả hơn xưa. Nếu cứ chỉ nhìn vào bước nhảy vọt đó thì ta dễ đoán sai vì phóng một đường tuyến giai đoạn vào tương lai trường kỳ. Trong khi thực tế lại khắt khe hơn vậy.
Vũ Hoàng: Ông nói thực tế khắt khe hơn vậy có nghĩa là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin cố giản lược hóa ở vài ý. Thứ nhất, khi kinh tế có tăng trưởng so với thời trước thì ta phải đếm ra cái được và khấu trừ đi cái mất để có đà tăng trưởng đó. Đo đếm sự được mất này có nghĩa là phải nhìn trên toàn cảnh và về dài, và để thấy ra phẩm chất. Nếu đạt mức tăng trưởng 7-8% mà lại thổi bong bóng, gây ra tham ô, bất công, hay ô nhiễm môi sinh thì kinh tế vẫn không có tương lai và người dân không có thịnh vượng. Thứ hai, chế độ độc tài mà dựng ra nền tư bản nhà nước thì cũng chỉ phất được vài thập niên mà thôi. Và sau cùng, khi bị khủng hoảng kinh tế thì nền dân chủ có lợi thế sửa sai cao hơn ách độc tài nhờ sự tham dự của mọi tác nhân kinh tế. Chính là việc tranh luận về cách sửa sai đó là khác biệt giữa thịnh và suy.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài tổng kết này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét