Hiển thị các bài đăng có nhãn Đất đai - Địa ốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đất đai - Địa ốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Các doanh nghiệp BĐS đang xếp hàng trước cửa tử

Các doanh nghiệp BĐS đang xếp hàng trước cửa tử
Con số mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính trong năm 2013 đã có 60.737 DN hấp hối, chết lâm sàng và chết hẳn, tăng 12% so với năm trước. Trong số đó, khu vực đối mặt với khó khăn chồng chất chính là nhóm bất động sản (BĐS).
Dù thu nhập bình quân đầu người trên tổng sản phẩm quốc nội tại Việt Nam đang ngày càng đẹp nhưng chưa biết khi nào mới lại gần giá BĐS.

Tiếp tục đưa ra nhận định chắc nịch trên tờ Đất việt ngày 27/12, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành đánh giá thị trường bất động sản năm 2014 chắc chắn sẽ đổ vỡ kéo chìm 60-70% DN và để lại khoảng 20-30% DN có thể tồn tại. Dự đoán của ông Đực được coi là u ám hơn rất nhiều so với kết quả của các công ty nghiên cứu thị trường hay nhận định của Bộ Xây dựng khi tuyên đoán rất lạc quan về BĐS. 

Ông Đực dự đoán, kịch bản cái chết hàng loạt này sẽ tiếp tục diễn ra bởi nếu cứu chữa thì phải cứu từ năm 2011 chứ giờ đây không có phương thuốc nào thổi lên được. Năm 2013 được đánh dấu với toa thuốc từ Nghị quyết 02 cùng liều thuốc 30.000 tỷ, nhưng cho đến nay chỉ tiết ra nhỏ giọt được 2% nên coi như là thuốc đã vô tác dụng!

Lời bình luận của ông Đực đưa ra sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phản bác Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về thực trạng giá BĐS đang rất tù mù. Theo ông Dũng các dự án bất động sản năm vừa qua đã giảm giá mạnh, có dự án giảm 50% về với giá trị thực nhằm tăng khả năng thanh khoản. Ông Đực cho biết, quả đúng là có những dự án đã giảm giá từ trực tiếp đến gián tiếp và con số 50% Bộ trưởng Dũng đưa ra là phù hợp, nhưng rất khó để nói là giá này đã phù hợp với thu nhập người dân hay chưa. Và bài toán cho cả nền kinh tế là giá BĐS đã về giá trị thực thì phải nâng thu nhập người dân lên.

Đúng như ông Đực nói thu nhập của dân là bài toán của cả nền kinh tế mà lời giải không thể chỉ bằng các phép tính GDP bình quân đầu người được Tổng cục thống kê đã biến hóa thông qua các thao tác kỹ thuật như thay đổi năm gốc và điều chỉnh con số tổng sản phẩm trong nước. Hiếm có chủ doanh nghiệp kinh doanh BĐS nào như ông Đực dũng cảm thừa nhận về sự “thất bại thảm hại” và cái chết báo trước của các dự án đắp chiếu, chết trôi nhan nhản. 

Cách đây hơn 9 tháng tiến sĩ Alan Phan một nhà đầu tư Việt Kiều đã có tuyên bố “để thị trường BĐS rơi tự do” khiến 1.000 hội viên BĐS bất bình sùng sục. Các lời biện minh về giá trị nhà đất lý tưởng xứng đáng được tồn tại cùng với những kỳ vọng tốt đẹp về gói 30.000 tỷ sẽ cứu giúp cho lượng hàng tồn kho chồng chất của những DN BĐS. 

Tuy nhiên, ảo tưởng về phao cứu hộ này lại chỉ khiến xuất hiện thêm những DN liều lĩnh cố gắng đào sâu quan hệ để chuyển dự án thương mại sang nhà ở xã hội với hy vọng sẽ vay được vài trăm, vài ngàn tỷ, “tạm sống” thêm vài năm nữa. Vậy là hàng tồn kho mới chồng lên hàng tồn kho cũ. Thời gian đang trả lời câu hỏi cho cuộc khủng hoảng thừa BĐS, thiếu nguồn tiền sạch sẽ từ người dân chảy qua khối nợ xấu ứ đọng, thâm đen hủy hoại ngân sách quốc gia và niềm tin trong thị trường - một nhân tố quyết định có thể xoay chuyển nền kinh tế.

Mạnh Kiên

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

‘Thị trường bất động sản 2014 chắc chắn sẽ đổ vỡ

‘Thị trường bất động sản 2014 chắc chắn sẽ đổ vỡ’
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM – Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, thị trường bất động sản năm 2014 chắc chắn sẽ đổ vỡ.
Theo ông Đực, sẽ có khoảng 60-70% doanh nghiệp bị đổ vỡ, chỉ còn khoảng 20-30% doanh nghiệp có thể tồn tại. Rất khó để tìm ra biện pháp cứu bất động sản, những biện pháp giải cứu đáng ra phải được thực hiện từ năm 2011.
Không thể bắt giá đất giảm theo thu nhập.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, chưa có dự án nhà ở nào giảm giá trên địa bàn Hà Nội, thông tin giảm giá chỉ có trên các báo cáo. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phản pháo Chủ tịch Hà Nội, tiếp tục khẳng định các dự án bất động sản năm vừa qua đã giảm giá mạnh, nhiều dự án giảm 50% về mức giá của năm 2006. Ông bình luận như thế nào về 2 ý kiến trái chiều trên? Theo đánh giá của ông, mức giá bất động sản hiện tại đã phù hợp với thu nhập của người dân hay chưa?

- Giá bất động sản có thể giảm từ 3 năm trước, riêng TP HCM có những dự án giảm 20-30%, thậm chí giảm giá 50%. Trong khi trước đây những dự án tương tự phải có giá trên 15 triệu/m2 nhưng nay chỉ có giá trên dưới 12 triệu đồng/m2 nên nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phù hợp hơn.
Ngoài hình thức giảm giá trực tiếp trên giá bán còn có thể giảm giá gián tiếp khi chỉ cần đóng 30% để nhận nhà sau đó 70% sẽ trả góp trong khoảng thời gian 3-5 năm mà không phải trả lãi.
Rất khó để nói giá bất động sản hiện nay đã phù hợp với thu nhập người dân hay chưa. Không riêng nhà ở mà xe ô tô, xe gắn máy, giá xăng, giá thực phẩm… đều cao so với thu nhập người dân do thu nhập người dân quá thấp.
Doanh nghiệp khi xây dựng, giá sắt thép mua theo giá thị trường, xăng dầu giá thị trường, trả lương công nhân cũng theo giá thị trường, mọi đầu vào đều cao, thêm nữa chúng tôi phải trả lãi ngân hàng lãi suất cao tại sao lại bắt chúng tôi giảm giá cho vừa thu nhập của người dân?
Thu nhập của người dân là câu hỏi của cả nền kinh tế, phải nâng thu nhập người dân không thể bắt giá nhà đất giảm xuống.
Trong một diễn biến khác, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, người đã có những phát ngôn và hành động cho thấy doanh nghiệp này sẽ rút lui dần khỏi bất động sản tại Việt Nam vừa bị dọa rút dự án resort tại Đà Nẵng vì chậm tiến độ. Sự việc liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai chứng tỏ điều gì với những dự án bất động sản dạng khách sạn, resort, bệnh viện cao cấp…? Các chuyên gia từng nhận định, các doanh nghiệp sản xuất khác trong năm vừa qua được vẫn được ví như những xác chết biết đi, điều tương tự có đang xảy ra với bất động sản không và vì sao?
- Mỗi người có cái nhìn khác nhau để đưa ra quyết định đầu tư, ông Đoàn Nguyên Đức có thể nhìn nhận thị trường bất động sản giá thấp nên không làm được hoặc không cạnh tranh được nên rút ra khỏi thị trường.
Trong lúc nhiều người thoái khỏi thị trường, tại TP HCM lại có doanh nghiệp đã nhảy vào mua những “xác chết” bất động sản. Tôi cho đây là ván bài rất hay. Có người chọn cách rút lui, có người lại lợi dụng sự chết chóc của các doanh nghiệp khác để dựng lên.
Theo tôi, thị trường bất động sản đã chết, hiện có hàng trăm, hàng trăm “xác chết” là những doanh nghiệp bất động sản nhưng cũng xuất hiện những doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, nhân sự có thể mua về những “xác chết” này với giá rất rẻ có thể chỉ bằng 20-30% giá trị thực ban đầu.
Về mặt quản lý nhà nước, gói 30.000 tỷ được kỳ vọng như “liều thuốc” cứu bất động sản, trong suốt quá trình triển khai, Bộ Xây dựng liên tục đưa ra các đề xuất nới điều kiện cho vay, mở rộng đối tượng vay, cho phép chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội… Tuy nhiên, thất bại của gói 30.000 tỷ đã nhìn thấy rõ. Theo ông, những biện pháp giải cứu bất động sản năm qua đã thực chất chưa, đã xử lý được vấn đề của bất động sản Việt Nam chưa?
- Thất bại của gói 30.000 tỷ là do Bộ Xây dựng đã không đánh giá đúng thị trường, không đánh giá đúng nguồn cung về gói 30.000 tỷ, không lường trước được những thủ tục tại địa phương khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại, nhà ở có diện tích lớn sang diện tích nhỏ; không lường trước được thủ tục nhiêu khê trong việc người dân vay tại ngân hàng, chứng minh tài sản, chứng minh diện tích, chứng minh thu nhập…
Bộ Xây dựng đã ra thông tư hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi từ căn hộ diện tích lớn sang diện tích nhỏ nhưng khi đưa về địa phương lại kéo dài thời gian làm thủ tục kéo dài 3-6 tháng.
Trong năm 2013 chưa có dự án nhà ở xã hội nào chính thức hoạt động ở TP HCM, từ lúc duyệt cho đến lúc đầu tư xây dựng dự án còn là 1 quá trình dài. Việc chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở diện tích lớn sang diện tích nhỏ ở TP HCM coi như bằng 0.
Bất động sản chắc chắn sẽ đổ vỡ
Thời gian vừa qua, nhiều công ty nghiên cứu thị trường đưa ra những dự báo thị trường sai, có lợi cho doanh nghiệp mình. Ông bình luận như thế nào về hiện tượng này? Liệu có sự làm ngơ để cứu vãn bất động sản bằng mọi giá trong trường hợp này không, thưa ông?
Đương nhiên mỗi người bao giờ nói cũng có lợi cho cá nhân, doanh nghiệp mình nên nhiều dự báo thị trường sai. Họ làm dịch vụ môi giới nên sẽ nói thị trường tốt để người dân bỏ tiền vào mua. Phải xem chừng những công ty khảo sát thị trường nói với mục đích nào để bảo vệ quyền lợi của họ hay quyền lợi của người dân.
Cách đây 3 tháng nhiều tuyên bố cho thấy giá bất động sản đã giảm xuống đáy, khuyến nghị không có thời điểm nào tốt hơn nhưng sau đó giá lại càng ngày càng giảm sâu.
Đây là quyền tự do của mỗi công ty nhưng đứng dưới góc độ quản lý nhà nước cần có cái nhìn thực tế hơn vì một số nhận định của Bộ Xây dựng cũng thường lạc thái quá nên tuyên đoán thị trường khả quan mặc dù thị trường không phải là tốt.
Xin ông cho biết, kịch bản cho thị trường bất động sản sắp tới sẽ như thế nào, bất động sản sẽ đổ vỡ rồi phục hồi hay đã chạm đáy rồi phục hồi dần?
Thị trường bất động sản chắc chắn sẽ đổ vỡ. Theo tôi sẽ có khoảng 60-70% các doanh nghiệp bị đổ vỡ, chỉ còn khoảng 20-30% doanh nghiệp có thể tồn tại.
Như chúng ta thấy có hàng loạt những xác chết, dự án đắp chiếu là mầm mống đổ vỡ và thậm chí có những doanh nghiệp phải bán mình cho doanh nghiệp khác. Họ đã đổ vỡ, vấn đề là họ chưa công khai.
Khi một công ty mua hàng chục dự án có thể hiểu hàng chục dự án là hàng chục doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ nhưng bán với giá 10-20 tỷ để rút chân ra khỏi thị trường.
Rất khó để tìm ra biện pháp cứu bất động sản, những biện pháp giải cứu đáng ra phải được thực hiện từ năm 2011, quá trễ để cứu bất động sản vào năm 2013 và suốt năm 2013 những giải pháp cứu bất động sản lại không hiệu quả.
Căn bệnh nặng mấy năm, đến đầu năm 2013 chờ liều thuốc giải bệnh từ Nghị quyết 02 và gói 30.000 tỷ nhưng cuối cùng thuốc không có tác dụng, gói 30.000 tỷ chỉ giải ngân được 2%, bệnh nhân không tồn tại được.
Đại đa số các doanh nghiệp đều thoi thóp, sự hỗ trợ từ chính quyền gần như không đáng kể, doanh nghiệp vẫn bệnh tật cũ như hàng tồn kho, nợ xấu và lãi vay ngân hàng cao, tiền mặt gần như cạn kiệt.
Xin trân trọng cảm ơn ông! 
THEO ĐẤT VIỆT

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

“Nếu có tiền tôi cũng không mua bất động sản”

“Nếu có tiền tôi cũng không mua bất động sản” 
TS. Alan Phan: “Nhu cầu về bất động sản tại Việt Nam là rất lớn, song phần lớn các sản phẩm hiện nay vẫn chưa phù hợp với túi tiền thì người dân chưa mua mà thôi”.
Một khi giá bất động sản vẫn chưa phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân thì chừng đó thị trường vẫn chưa thể chuyển biến tốt lên được, quan điểm của TS. Alan Phan – chuyên gia kinh tế, khi nói về triển vọng của thị trường bất động sản trong năm tới, đặc biệt là trước những bình luận lẫn các động thái trái chiều của các nhà quản lý lẫn doanh nghiệp, chủ đầu tư trong thời gian qua.

Trao đổi với VnEconomy, TS. Alan Phan nói:

- Thị trường bất động sản Việt Nam luôn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Vấn đề quan trọng và cũng là câu hỏi mấu chốt đó là “giá bất động sản có phù hợp với túi tiền của người dân hay không?”

Ngày nào mà mức giá chưa phù hợp thì bất động sản chưa thể chuyển động được. Còn chuyện người này nói thị trường sẽ lên hay có người nói nên thoát khỏi thị trường… thì tôi chỉ khuyên những ai quan tâm, cần phải coi lại đằng sau những ẩn ý của các phát ngôn đó. Tại sao người ta nói như vậy… Hiểu được điều đó sẽ hiểu được thị trường.

Tôi có thể khẳng định rằng, nhu cầu về bất động sản tại Việt Nam là rất lớn, song phần lớn các sản phẩm hiện nay vẫn chưa phù hợp với túi tiền thì người dân chưa mua mà thôi.

Nhưng thưa ông, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đều khẳng định giá bán đã xuống mức thấp nhất, ngang bằng với 6 – 7 năm về trước, nhưng họ vẫn không bán được và có thể phải đối diện với phá sản?

Xin nhớ rằng, giá thị trường không phải là giá do doanh nghiệp định đoạt. Giá đó là mức mà người dân có đủ tiền để mua. Trong quan hệ mua bán, làm thế nào để người ta chịu móc tiền túi ra mới là điều quan trọng.

Chẳng hạn, một chiếc iPhone được làm ra hết 100 USD, nếu doanh nghiệp bán 500 USD mà người dân thấy có thể mua được thì họ vẫn mua. Còn nếu chi phí làm đến 800 USD và người dân không thể mua được thì bắt buộc phải bán 500 USD và chịu lỗ thôi.

“Nếu có tiền tôi cũng không mua bất động sản” 1Còn chuyện người này nói thị trường sẽ lên hay có người nói nên thoát khỏi thị trường… thì tôi chỉ khuyên những ai quan tâm, cần phải coi lại đằng sau những ẩn ý của các phát ngôn đó. TS. Alan Phan

Vậy theo ông, làm thế nào để giải được bài toán giằng co về lợi ích khá nan giải này?

Trong tương lai, thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng của hai yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, nếu lạm phát cao, đồng tiền của người dân giảm giá trị và tài sản bất động sản cũng giảm tương ứng thì có thể phù hợp với túi tiền.

Thứ hai, nếu lãi suất xuống thấp trong nhiều năm tới thì người dân có thể vay hoặc mua trả góp thì cũng có thể mua được nhà. Khi đó thị trường có thể chuyển động tích cực.
Nhưng, nếu không có hai đột biến nói trên mà tình trạng như hiện nay vẫn tiếp tục kéo dài, thì tôi không tin thị trường sẽ có chuyển động gì thực sự có ý nghĩa.

Ngoài ra, trong trường hợp thu nhập của người dân tăng cao hoặc là có một tác động gì lớn lao về kinh tế có thể tạo ra một cú hích đang kể để có thể thay đổi việc làm, thu nhập cho người dân thì mới tạo ra chuyển động cho thị trường được.

Vừa qua, một doanh nhân có tiếng tăm trong làng bất động sản Việt Nam là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, đã có những phát ngôn  và hành động cho thấy doanh nghiệp này sẽ rút lui dần khỏi bất động sản tại Việt Nam, phải chăng là thị trường sẽ tiếp tục diễn tiến xấu trong thời gian tới?

Nhận xét và quyết định của cá nhân ông Đức và Hoàng Anh Gia Lai cũng chỉ là một phần trong tổng thể. Tất nhiên, vì ông ấy làm về bất động sản thì có thể sẽ hiểu biết hơn nhiều người khác. Nhưng, như tôi đã nói ở trên, chúng ta đều phải xem kỹ mục đích đằng sau những phát ngôn, tuyên bố đó.

Và quan trọng hơn là phải nhìn vào những việc người ta làm.

Vậy còn nhiều chuyên gia và giới truyền thông quốc tế cho rằng bất động sản Việt Nam đã qua đáy, thì sao?
Thực tế, các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam cũng không hẳn nắm rõ hết thị trường bất động sản Việt Nam. Một số quỹ nước ngoài kêu gọi khách hàng để bán cổ phiếu, cổ phần… tại Việt Nam thì họ cũng chỉ là các trung gian, họ tất nhiên phải ca ngợi sản phẩm mà họ đang bán hoặc tiếp thị. Không ai đi bán hàng mà lại rao rằng hàng tôi hàng ôi, hàng xấu.
Ngay cả những ngân hàng lớn trên thế giới khi đưa ra một dự báo hay một thông điệp nào đó cũng đều có những mục tiêu và lợi ích riêng của họ.

Còn ông, ông có cho rằng, thị trường bất động sản Việt đã qua giai đoạn khó khăn nhất?

Thực sự thì đến thời điểm này tôi vẫn thấy giá bất động sản chưa phù hợp với giá thị trường, nên cần phải làm thế nào để giá phải xuống thấp hơn nữa mới tiêu thụ được. Nó cũng không phải là bài toán gì to tát quá mức không thể giải được.
Tôi không quan tâm đến đáy hay không đáy. Giá thị trường có thể đi ngang, đi lên hoặc đi xuống. Quan trọng là thu nhập của người dân như thế nào, để lúc nào đấy hai yếu tố này gặp nhau, tức thì thị trường sẽ chuyển động.

Tất cả các dự báo, đặc biệt là của các chuyên gia, ngay cả tôi đây thì cũng đều có thể sai hết. Còn thống kê dự báo hiện nay của Việt Nam thì cũng chưa đủ sức thuyết phục.

“Nếu có tiền tôi cũng không mua bất động sản” 2Thực sự thì đến thời điểm này tôi vẫn thấy giá bất động sản chưa phù hợp với giá thị trường, nên cần phải làm thế nào để giá phải xuống thấp hơn nữa mới tiêu thụ được. TS.Alan Phan

Ông nhìn nhận thế nào về tác động của gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đến thị trường bất động sản?
Thực tế nếu chỉ việc đưa tiền cho người dân, doanh nghiệp vay thì xài hết 30.000 tỷ đồng ngay. Còn nếu cứ đòi hỏi điều kiện này, điều kiện kia thì còn lâu mới xài hết.
Thị trường sẽ tốt lên nếu như các thủ tục rườm rà được loại bỏ.

Theo ông, các nhà đầu tư có nên kỳ vọng vào thị trường bất động sản trong năm 2014?
Như tôi đã nói, tôi không tin tưởng vào các số liệu thống kê được công bố. Do đó, tôi không thể có một căn cứ nào để nói thị trường sẽ thế này, thị trường sẽ thế kia trong năm tới.
Tôi cũng hoàn toàn không phê bình tốt, xấu về triển vọng gì của thị trường. Nếu như thị trường bất động sản Việt Nam là một thị trường đúng nghĩa như các nước phát triển thì nó lại khác. Còn hiện nay, mặc dù gọi là thị trường nhưng đằng sau đó là cả một “hậu trường” khiến cho ngay cả những người làm chính sách nhiều khi cũng không thể hiểu nổi.

Nếu có tiền, năm tới ông có chọn bất động sản là kênh đầu tư?
Thực tế thì tôi đã rút khỏi thị trường Việt Nam từ 3 – 4 năm nay rồi, sau khi đã thua lỗ khá lớn trong tài chính, chứng khoán. Tôi cũng xem đó như là một bài học cho mình.
Còn nếu có tiền, trong thời gian tới tôi cũng không bỏ tiền vào bất động sản, vì giá vẫn chưa phù hợp với khả năng của người dân. Khả năng phục hồi của thị trường vẫn là một điều khá mơ hồ.

http://vneconomy.vn/201312191150239P0C17/neu-co-tien-toi-cung-khong-mua-bat-dong-san.htm

Ào ạt bán nhà đất dự án

Ào ạt bán nhà đất dự án
Cuối tháng 11/2013, nhiều dự án chào bán gây sốc mạnh về giá, căn hộ và nền đất có giá rẻ hơn nhiều một cái ôtô hạng trung bình. Những ngày đầu tháng 12, mới ngủ dậy, rất nhiều gia đình ở Tp.HCM đã thấy tờ in 4 màu, có nhiều ảnh rất đẹp cài trước cửa…
Từ đầu tháng 11 đến nay, cơn lốc chào bán nhà đất dự án với giá rẻ dồn dập tiến công vào các con hẻm và đến từng hộ gia đình ở Tp.HCM. Tuy nhiên, càng vào dịp giáp Tết, người mua nhà đất càng gặp nhiều rủi ro hơn, rủi ro lớn nhất là mất sạch tiền.

Những ngày đầu tháng 12, mới ngủ dậy, rất nhiều gia đình ở Tp.HCM đã thấy tờ in 4 màu, có nhiều ảnh rất đẹp cài trước cửa, khác hẳn với những tờ rơi in xấu xí mời mua trả góp hàng điện máy, đồ dùng gia đình, chào mời cho vay tiêu dùng tin chấp, dạy học thêm…

Chào bán gây sốc về giá cả


Mở ra mới biết là tờ rơi giới thiệu và chào bán căn hộ, nền đất dự án nhà đất với giá rẻ cực sốc chưa từng có từ trước đến nay. Hiện nay, có thể nói nhà đất đang là loại hàng ế ẩm nhất trong tất cả các loại hàng có thời gian sử dụng lâu dài, giá cũng giảm thê thảm nhất, tới 50-60% trong 2 năm qua và chưa có chuyên gia nào dám khẳng định là giá đã xuống gần tới đáy vực.

Quá ế ẩm nên các chủ dự án đã thuê cả một đội quân hùng hậu chuyên môi giới chào bán hàng. Ngoài những kênh quảng cáo, bán hàng thông thường qua báo đài, qua sàn giao dịch, mở tiệc giới thiệu và mở bán dự án, đưa đón khách hàng đến thăm dự án… họ đã sử dụng thêm 3 phương tiện mới là phát tờ rơi đến tận hộ gia đình, nhắn tin hàng ngày đến hàng vạn điện thoại di động và treo băng rôn tràn ngập trên các cột điện ngoài đường và ở các chợ truyền thống.

Cuối tháng 11/2013, nhiều dự án chào bán gây sốc mạnh về giá, căn hộ và nền đất có giá rẻ hơn nhiều một cái ôtô hạng trung bình. Dự án cao ốc 12 tầng, ngay ngã tư Bình Triệu, ven sông Sài Gòn, mặt tiền đường vành đai Tân Sơn Nhất-Bình Lợi, cách quận 1, Tp.HCM chỉ có 10 km, giao ngay sổ hồng cho khách hàng, nhận nhà ngay sau khi trả tiền, giá 659 triệu đồng/căn diện tích 40m2.

Dự án tại khu vực sầm uất gần kề Phú Mỹ Hưng được giao bán với giá rất hấp dẫn, chỉ bằng một nửa cách đây 2 năm là Khu đô thị cảng Quốc tế, hạ tầng hoàn chỉnh 100%, sổ đỏ, đã có giấy phép xây dựng, thanh toán trong vòng 13 tháng, ngân hàng cho vay 70% thời hạn vay 15 năm, giá nền đất 68m2 chỉ có 4,5 triệu đồng/m2.

Khu vực xa hơn trung tâm Tp.HCM có giá còn rẻ hơn rất nhiều. Dự án đất nền mặt tiền Quốc lộ 13 (cách 30m), gần sát Đại học Quốc tế tại Thủ Dầu Một Bình Dương, cách quận 1, Tp.HCM 30 km, sổ đỏ, đường nội bộ dự án rộng 25m và 36m, giá chỉ có 179 triệu đồng/nền.

Rủi ro không biết đâu mà lường

Đối với những giao dịch mua bán nhà chung cư, căn hộ dự án không nhận nhà ngay mà trả tiền theo tiến độ hoàn thành của dự án, thường gọi là góp vốn vào dự án hay giao dịch “mua bán nhà trên giấy”, tức là mua bán tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai, chưa có nhà, căn hộ ở thời điểm xác lập hợp đồng. Do vậy, hình thức mua bán này có nhiều rủi nhất ro so với các phương thức khác do khách hàng luôn là người bị động và thời gian “chịu đựng” rủi ro kéo dài tới vài năm.

Rủi ro lớn nhất là khách hàng có thể mất trắng toàn bộ số tiền đã nộp cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư lợi dụng hình thức huy động vốn, góp vốn vào dự án không có thật (lừa đảo) để chiếm đoạt tiền của khách hàng hoặc dự án chưa đủ điều kiện pháp lý cho phép được huy động vốn từ khách hàng.

Rủi ro thứ hai, dự án là có thật nhưng chủ đầu tư không sử dụng nguồn tiền góp vốn của khách hàng vào triển khai dự án mà sử dụng vào mục đích khác, bị thất thoát mất khả năng thu hồi thì khách hàng cũng mất cơ hội được hoàn lại khoản tiền đã góp vào dự án.

Trường hợp chủ đầu tư sử dụng nguồn tiền huy động vốn của khách hàng không hiệu quả, hoặc đầu tư nhỏ giọt vào xây dựng dự án, khách hàng không được nhận bàn giao nhà đúng tiến độ đã thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn, tiền vốn đầu tư bị “nằm chết” tại chỗ, có thể kéo dài tới vài năm mà không có đồng lãi nào.

Rủi ro thứ ba là khách hàng có thể không bao giờ nhận được bàn giao nhà khi chủ đầu tư dự án có thật vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, về quản lý dự án dẫn đến hậu quả bị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thu hồi dự án.

Khi bị thu hồi và giao dự án cho chủ đầu tư mới, nếu chủ đầu tư cũ không còn nguồn tiền thì khách hàng muốn được nhận nhà lại phải đóng góp tài chính cho chủ đầu tư mới và rủi ro là mất toàn bộ khoản tiền đã góp vốn ban đầu cho chủ đầu tư cũ.

HOÀNG LỘC
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)