Hiển thị các bài đăng có nhãn Listen and Feeling. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Listen and Feeling. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Listen & Feel 9: TÔI CỦA ĐÊM

LISTEN & FEELING


TÔI CỦA ĐÊM






Listen & Feel 9.1: TÔI CỦA ĐÊM

Listen & Feel 9.2: TÔI CỦA ĐÊM


NỘI DUNG
Một đêm buồn không ngủcủa tác giả Kenvin 
Đêm! Chân thành muốn được nói lời cảm ơn và xin lỗi.

Cám ơn bố mẹ cho con cuộc sống - để biết buồn vui ước mơ hy vọng.

Cám ơn những người bạn thân luôn ở bên ta những lúc vui buồn, thành công, thất bại.

Cám ơn những người đã vô tình bước qua cuộc đời dạy cho ta những bài học cuộc sống, những bài học có sự chân thành, giả dối, có đắng cay ngọt ngào, có nước mắt niềm vui.

Xin được cúi đầu xin bố mẹ thứ lỗi cho những lúc dại khờ, nông nổi, cho phút giây lỗi lầm.

Xin lỗi những ai một lần nào đó trong đời ta đã vô tình, vô tâm làm họ tổn thương.

Đêm!

Đã đôi lần ta ước muốn lòng mình được bình yên như đêm.

Đêm! Buông rơi những giọt nước mắt không níu giữ, cho đôi môi vị mặn.

Đêm! Yên lặng mơ được trở về tuổi thơ. Tuổi thơ có riêng khoảng trời bình yên rộng lớn, có nụ cười trong veo không vương chút bụi. Từ khi nào ta bỏ quên sự hồn nhiên. Thời gian có khi nào quay trở lại. Con tàu nào rời ga lăn bánh về tuổi thơ. Điều ước nào là viển vông. Điều ước nào là có thực cho cuộc sống bộn bề này.

Đêm! Ta thất vọng về ta. Bố dạy ta bài học tự khẳng định mình. Nhưng bài học hàn gắn những vết thương bố đã quên không dạy. Mà sự thực bố cũng không thể hiểu ta đã mang những tổn thương như thế. Bố lo lắng cuộc đời không bằng phẳng, với những xô bồ bon chen phức tạp, với giả dối sẽ xô bước chân ta vấp ngã. Những bài học cuộc đời bố dạy luôn luôn đúng. Và như thế đã hơn một lần ta gồng mình cố gắng trở thành ai đó khác.

Đêm! Đi tìm định nghĩa về hạnh phúc.

Hạnh phúc là thế nào? Dù là ai? Dù làm gì? Dù sang, hèn? Niềm khát vọng mong đợi cho mỗi cuộc đời không phải là hạnh phúc sao. Với riêng ta hạnh phúc là cảm nhận thấy bình yên. Nhưng ta đi tìm bước chân lạc cả vào những giấc mơ sao chưa tìm thấy. Những khoảng trống lấp mãi không đầy. Có phải ta qua tham lam? Ai đã nói rằng, "Hạnh phúc là khi biết đủ”. Nhưng thế nào là " Đủ" cho một kiếp người, có ai định nghĩa được không? Đừng lấy hạnh phúc của người này, làm thước đo hạnh phúc của người khác. Mọi sự so sánh trên đời này đều là sự khập khiễng thôi. Nhớ tới lời bạn nói "Ta hãy đứng lên bước đi, gói những tổn thương bỏ lại phía sau, đừng quay nhìn lại bước thẳng về phía trước, và hãy sống vô cảm một chút ta sẽ thấy bình yên ".

Đêm! Đặt những nỗi buồn, những tổn thương, những gánh nặng trong lòng xuống.

Đêm! Rất dài và rất sâu.

Và như thế!

Đêm! Khép đôi mắt lại!

Giấc ngủ muộn chưa trọn vẹn, nhưng đêm nay ta thấy bình thản hơn rất nhiều đêm!

Một đêm buồn không ngủ!

Nhật kí của những con hạc giấy cuối cùng trích từ blog của bạn Mai Thùy 
Nhật kí , ngày … tháng … năm …
Những con hạc giấy cuối cùng
Có 1 câu chuyện kể rằng , có 1 người con gái ngày ngày xếp những con hạc giấy để đến con thứ 1000 em ta sẽ thổ lộ tình cảm với người mình yêu . Em thì không ngốc nghếch xếp đủ 1000 con hạc giấy để nói em yêu anh . Em cũng nói điều ấy có lẽ xắp xỉ 1000 lần nhưng chẳng có điều gì cản trở 1000 con hạc giấy tung những đôi cánh bay lên trời và biến 1 lời nguyền thành sự thật.

Đã 32 ngày , 32 ngày kể từ ngày kỉ niệm lần gặp gỡ đầu tiên cũng là 32 lần trong đầu em những suy nghĩ xáo trộn và mệt mỏi nhưng nghĩ đến anh , em lại mỉm cười . Tình yêu luôn đem đến cho con người nhiều niềm vui hơn là bất hạnh và đau khổ nhưng Chúa ban cho con người ta quá nhiều trí tuệ quá nhiều ham muốn để lo lắng và đau khổ nhiều hơn là cảm nhận và tận hưởng tình yêu.
Hera : Em tận hưởng tình yêu của mình không phải trong lời nói Em yêu Anh , hay trong những nổi nhớ quay quất từng đêm mà trong những con hạc giấy lần lượt nối đuôi nhau ra đời đứng xếp thành 1 chuỗi dài bên bệ cửa sổ .

32 ngày em nhớ anh lắm, nếu anh nhìn thấy những con hạc giấy màu đỏ thì đó là những lúc em nhắc thầm tên anh , những con hạc giấy màu xanh là lúc em mỉm cười, những con hạc giấy màu vàng là lúc em khẽ nhíu mày suy nghĩ ,
À ! còn những con hạc giấy màu trắng, chỉ có 2 con thôi đó là lúc em chẳng nghĩ đc gì cả , em chỉ mơ hồ cảm thấy đôi tay mình cứ thế mà gấp cứ như là 1 bộ máy đc lập trình sẵn . Thế rồi , con hạc giấy duy nhất màu vàng cam bị rách 1 chút ở cánh , đó là lúc đầu em bỗng có viễn cảnh 1 ngày không anh – một ngày mà em thật sự chỉ có 1 mình trên thế giới đẹp đẽ , ngồi cô quạnh nơi này nghĩa là 1 mình hơn cả 32 ngày một mình đáng sợ này.

Con hạc giấy này là con hạc giấy thứ 1000 rồi anh ạ . Em chỉ thích 1000 con hạc giấy màu bạc , nhưng anh lại thích có những màu sắc. Em gấp cho anh cơ mà , thế nên con cuối cùng này em mới đánh dấu 1 chút cho riêng mình . À ! đây con nhỏ nhất , à không , là con to nhất … ừhmm thôi nó sẽ là 1 con bình thường , rất bình thường giữa 999 con hạc khác. Liệu anh có nhận ra em không ?

Có tiếng chuông cửa. Anh ! Chính là anh rồi. 32 ngày em luôn tin đó là anh trong từng tiếng chuông cửa, em chạy vội ra cửa sổ, của sổ phòng em rất rộng, 1 con hạc giấy bay đi bắt đầu từ con màu trắng 2 con và 1 đàn hạc giấy tản ra từ một cánh của sổ mở rộng ấm áp nắng vàng . Không bao giờ hết , em hiểu được một thứ hạnh phúc có thể nó chưa phải và không phải là hạnh phúc trọn vẹn của tình yêu nhưng đó lại là hạnh phúc ngay cả khi không có người yêu bên cạnh.

Dấu lặng và đêm ! trích từ blog của bạn titanic_2010 
Nó thích đêm, thích sự yên tĩnh, lặng yên của đường khuya vắng vẻ, ngồi 1 mình lắng tai nghe tiếng vọng của những tiếng động gần đấy, thích nghe nhịp thở đều đều của chính mình, cùng tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ cũ...

Đêm lặng yên, âm thầm trôi, dành cho nó một góc riêng thu mình lại. Ngồi một mình trong đêm thâu dễ khiến ta cảm thấy cô đơn. Trong khái niệm của mỗi người, cô đơn là… cô đơn, dẫu trong hoàn cảnh nào và thời gian nào.... Ban ngày, cuộc sống thật ồn ào, nhộn nhịp. Người ta lao vào công việc, bận rộn với những lo toan mưu sinh. Không ai có đủ thời gian để lắng nghe chính mình. Những niềm vui, nỗi buồn đến thật nhanh. Họ tiếp nhận chúng, không kịp nghe một tiếng reo vui hay khóc nấc của con tim, họ kìm lòng lại, và tiếp tục lao vào dòng chảy cuộc sống. Và... giữa không khí xô bồ, náo nhiệt ấy, bất chợt, có ai đó cảm thấy cô đơn, họ sẽ thấy mình lạc lõng, chơ vơ... Cuộc sống xung quanh ồn ào thế, có biết bao nhiêu người, vậy sao, ta lại lạc lõng, chơ vơ giữa dòng người đông đúc?

Còn nỗi cô đơn kia đến trong đêm đen. Những nỗi buồn, niềm vui ban ngày, giờ đây người ta mới "thấm", mới đủ bình tĩnh, thời gian để suy ngẫm và cảm nhận trọn vẹn. Đêm lặng im và nó im lặng. Đêm không ồn ào như ban ngày. Đêm cho nó một dấu lặng, một dấu lặng tĩnh tâm để hiểu thấu chính mình, để phân tích, hiểu hết nỗi cô đơn. Sự yên tĩnh của đêm khiến nó bình yên, không cảm thấy rằng mình đang chơ vơ lạc lõng. Đôi khi, nó tưởng đêm cũng cô đơn. Mọi vật đã chìm sâu vào giấc ngủ. Vậy nên, đêm cô đơn... Vì thế sự cô đơn trong đêm khuya "dễ chịu" hơn, khiến lòng thanh thản hơn, bình yên hơn...

Đêm nay, tự nhiên mất ngủ.
Cả ngày thật là mệt lẽ ra phải ngủ sớm thì nó lại không thể ngủ sớm được như mọi hôm... "khi chỉ có một mình không đáng sợ bằng nỗi cô đơn khi quanh ta hiện hữu biết bao nhiêu người!", nó tự nhủ vậy! Đêm yên lặng và đơn giản!. Nó yên lặng, đêm luôn tĩnh mịch như vốn có. Đôi khi, cái yên lặng lại giúp người ta nhẹ nhõm... Đâu cần phải nói quá nhiều, đâu cần cứ phải vui chơi mới làm ta vui... Đêm yên lặng và nhẹ nhàng...

Đêm với nhiều điều khiến ta phải suy ngẫm. Với nhiều thứ để ta nhìn nhận và cảm nhận bằng tất cả các giác quan. Và từ đó ta cảm thấy yêu, thấy sợ. Thấy thích, thấy ghét những gì mà cuộc sống đem lại cho ta...

Mỗi người luôn cố sống thực với chính mình nhưng mấy ai làm được điều tuyệt vời ấy. Ban ngày, nó vẫn sống, sống với một phần của nó và một phần của ai đó. "Phần của ai đó" là những điều nó học được từ người khác, rằng phải làm thế này, làm thế kia; là những bài học nó rút ra từ những lần vấp ngã; là những quy định, ràng buộc mà nó học chấp nhận và thực hiện. Về đêm, mọi quy tắc, giáo điều cũng chìm vào giấc ngủ cùng với những người xung quanh. Và nó lại sống trọn vẹn với chính mình. Nửa kia đó có thể tốt, có thể xấu, nhưng là của nó. Nó lắng nghe những điều "nửa kia" thổ lộ, trăn trở, muộn phiền. Nó lắng nghe chính mình! Thấu hiểu, giải tỏa, và ngày mai tiếp tục sống - khóa chặt nửa kia...

Bất chợt có cái gì đó vừa nhẹ lăn trên gò má... Uh, thì không cố gồng mình gắng gượng nữa...! Cứ rơi đi để ngày mai lại cố gắng, lại ồn ào, mạnh mẽ...!


THỰC HIỆN
- Editor: Kenvin
- MC: Hip & Hera
- Sound: Mic

CÁC NHẠC PHẨM SỬ DỤNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH
 
- Yesterday one more - Capenters
- Nhật ký - Thuỷ Tiên
- Đêm thấy ta là thác đổ - Khánh Ly
- Because You Live – Jesse Mccartney
- Đêm - M4U

Listen & Feel 8: NĂM MỚI AN LÀNH

GO RADIO

Chuyên mục 

LISTEN & FEELING



NĂM MỚI AN LÀNH

Listen & Feel 8.1: NĂM MỚI AN LÀNH
Listen & Feel 8.2: NĂM MỚI AN LÀNH
Listen & Feel 8.3: NĂM MỚI AN LÀNH



Click vào đây để download
NỘI DUNG



XUÂN AN LÀNH - Kenvin
Noel đã bước qua một bước nhưng cái lạnh chớm đông vẫn còn vương vấn đâu đây. Hôm nay tôi về thăm lại nhà sau hơn 2 tháng chúi đầu vào đống công việc, sách vở. Một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để thấy những thay đổi. Thay đổi từ cảnh vật, con người và trong cả không khí miền quê. Cái lạnh se sắt dường như vẫn còn luyến tiếc chút đông tàn tạ chưa chịu rời xa và con người cũng vậy, vẫn còn giấu mình sau những chiếc áo khoắc ấm áp. Cây cối ven đường cũng đang thi nhau thay đổi từng ngày. Những rừng cao su ngút ngàn bắt đầu khoác lên mình một chiếc áo vàng pha chút sắc xanh cằn cỗi xơ xác. Vươn khỏi sắc nền đạm bạc đó là những cành nhỏ khẳng khiu vút cao như mong chờ đón từng tia nắng mai mỗi ngày để từ đó sẽ lúa ra những mầm xanh non mới, mượt mà đầy sức sống. Cuộc sống náo nhiệt nơi phố thị đã cuốn ta vào vòng xoay bất tận đó để có một lúc chợt nhận ra mình thèm lắm một cảm giác bình yên, trong lành. Vậy là chủ nhật khoác ba lô lên vai về nhà, dù rằng chỉ ở được đúng một đêm.


Chạy ra khỏi phạm vi Sài Gòn, đã thấy có một sự thay đổi rất lớn trong bầu không khí, nó dịu mát hơn, trong lành hơn. Một chút thay đổi đó cũng làm cho con người ta cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Đầu óc bắt đầu quay vòng trong những câu hỏi không lời đáp, quay vòng theo những thước phim kỷ niệm một thời thơ dại, khó nghèo.



Còn nhớ tết thưở nào, cái tết của một thời thiếu thốn nên cái gì cũng thèm. Con nhớ có lần đi chợ với mẹ, thấy cái gì cũng đòi mua vì đẹp quá, ngon quá. Nhưng mẹ chỉ ậm ừ rồi dắt tay con đi nhanh qua nhưng con nào có hiểu gì, lại càng phụng phịu hơn để bây giờ nghĩ lại thấy xót xa, thương Mẹ quá! Năm nào cũng vậy, mẹ đi chợ mua đủ thứ đồ đạc dùng trong nhà và ít đậu nếp để làm bánh. Nhiều vì với con ngày đó chỉ cần dăm ba bịch bánh là nhiều lắm rồi. Và đặc biệt mẹ luôn làm bánh mật, một thứ bánh tựa như bánh ít nhưng ngọt hơn. Vỏ bánh được làm từ bột nếp nhào với đường còn nhân bánh được làm bằng đậu xanh trộn dừa nạo sợi và đường cát trắng cộng thêm chút dầu chuối, chỉ cần đi ngang qua thôi đã nghe mùi thơm lừng của đường, của đậu.



Năm nào cũng vậy, cứ tối 27, 28 là cả nhà quây quần làm bánh bên ngọn đèn dầu leo lét, gió từng cơn rít qua vách liếp làm bằng nứa mát lạnh. Trên mái tranh lâu lâu chuột lại chạy lạo xạo, rúc rích kêu như thể chúng cũng đang đón chào một năm mới cùng con người. Nói là cùng làm bánh chứ toàn tay mẹ làm thôi, con chỉ biết nặn mấy viên bột tròn tròn rồi cán ra cho dẹp nhưng mà nặn hoài vẫn méo xẹo, chỗ mỏng chỗ dầy, mẹ cứ phải nặn lại. Con còn nhớ có một lần nhà mình làm bánh trễ quá, nên đến 10h rồi mà vẫn chưa xong. Anh em con buồn ngủ thiếp đi lúc nào không hay, mẹ vẫn miệt mài ngồi làm. Ba ngồi bên cạnh lâu lâu lại lay anh em con dậy cho vui, vừa lay vừa giỗ giành “dậy đi, Ba đút nhân bánh cho ăn nào”. Vậy là anh em con lồm cồm bò dậy, anh Tư thì cứ nhắm tít mắt lại, miệng há ra như chú chim non chờ mẹ mớm mồi.



Một muỗng rồi 2 muỗng nhân Ba đút cho nhưng mắt vẫn nhắm nghiền mà miệng thì nhai nhóp nhép. Nhìn cảnh đó con không nín nổi cười. Đến giờ này lâu lâu vê nhà, Ba nhắc lại chuyện xưa, vẫn thấy buồn cười nhưng lại trực trào nước mắt vì sự ngây thơ của con. Làm bánh xong là bắc bếp để luộc, có khi Ba đào một cái hố ở sau vườn rồi chắn chung quanh bằng những tấm sắt thùng phuy để luộc vì bánh tét luộc rất lâu và sợ để trong nhà gió lớn quá dễ gây cháy. Tết chỉ vậy thôi, không dưa hành củ kiệu, không thịt kho tàu, không bánh mức, cành mai chỉ có vài cặp bánh tét và dăm cái bánh mật nhưng sao chúng con thấy vui quá.



Niềm vui đó chỉ là niềm vui của trẻ con hồn nhiên thôi, ánh mắt Ba Mẹ vẫn đong đầy những nỗi buồn. Tết nhà người ta anh em quây quần ăn uống, cha mẹ hỏi han chăm sóc các cháu. Nhưng nhà mình, Cha Mẹ không còn, anh em cũng chẳng hòa thuận để có thể ngồi ăn với nhau một bữa cơm cuối năm, cùng ôn lại những kỷ niệm một thời thơ ấu. Hỏi sao không buồn tủi?



Thêm dăm ba tuổi, cái tuổi không lớn nhưng đủ để hiểu thấu nỗi buồn của Cha Mẹ. Có khi tôi nhìn thấy mắt Ba đục ngầu, nhìn xa xăm buồn. Bao buồn tủi không theo dòng nước mắt tuôn ra cho vơi bớt mà lại chảy ngược vào trong. Mỗi ngày chất chứa thêm, nặng trĩu hơn chẳng thể lau khô hay lãng quên mà còn đau đáu hơn khi mỗi độ đông về xuân sang. Người người nói cười vui vẻ, Ba vẫn âm thầm lặng lẽ giấu kín nỗi lòng xót xa, buồn tủi. Ba ngày càng trở nên thâm trầm hơn. Tôi còn nhớ có lúc Ba buồn đã kể cho tôi rằng, ngày xưa khi mẹ sinh anh em tôi, ông ngoại đọc cho Ba 2 câu thơ này để đặt tên cho anh em tôi:



Phú tại sơn lâm hữu khách tầm
Bần cư trung thị vô nhân vấn.



Vậy là cái tên của mỗi anh em chúng tôi mang một ước vọng của Ba Mẹ. Ba Mẹ dạy anh em tôi cách đối nhân xử thể, học cách yêu thương để được yêu thương, học cách cho và nhận để sau nay không phải như Cha Mẹ, lặng thầm đếm bước thời gian mỗi độ xuân về. Anh em chúng tôi tự hứa sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng Ba Mẹ. Ngày mùng một tết người ta xông đất bằng việc đi chùa, thăm Cha Mẹ họ hàng 2 bên thì Ba tôi lại xông đất bằng cách xách chổi ra vườn quét lá điều, phát cỏ. Ba bảo Ba làm việc quen rồi, giờ ngồi một chỗ mệt mà khó chịu lắm. Nhưng tôi hiểu hơn ai hết vì Ba sợ ở nhà sẽ buồn hơn, kiếm việc làm như vậy sẽ giết được thời gian, không phải suy nghĩ vẩn vơ. Nhưng có lẽ những tiếng chổi đều đều rê trong vườn cũng không thể lấp đầy khoảng trống trong lòng Ba. Thật xót xa quá phải không !



Con còn nhớ ngày nhỏ, chính xác là bao nhiêu tuổi thì không rõ, chỉ nhớ là mình chưa đi học, Ba Mẹ bảo rằng cỏ gấu có thể chữa được bệnh. Vậy là tôi và anh Tư rủ nhau đi đào. Chẳng biết đào thế nào mà tôi bị một nhát cuốc bổ vào đâu, máu túa ra. Anh Tư sợ quá dắt tôi chạy nhanh về nhà để mẹ băng cho tôi. Cũng may tôi không bị sao, chỉ có một vết rách nhỏ. Ba Mẹ cũng không nỡ la mắng, và cũng nhờ có vậy, anh em tôi lại khắng khít nhau hơn.



Lớn lên hơn một chút, khi đã đủ lớn để hiểu rằng tết là cả một gánh nặng cho Ba Mẹ nên con lại đâm ra sợ tết. Sợ mái tóc Ba Mẹ sẽ bạc hơn sau mỗi cái tết, sợ những nếp nhăn và những quầng thâm năm tháng đang hằn lên trên khuôn mặt khắc khổ, sạm đen nắng gió của Ba Mẹ. Sợ đôi bàn tay chai sần, khô ráp, gân guốc hơn sau mỗi vụ mùa.



Và cái mà con sợ nhất vẫn là thời gian. Thời gian bước đi không chờ đợi ai, mới đó mà đã hơn 20 năm, đã hơn 20 cái tết trôi đi trong yên lặng, trong ánh mắt xa xăm buồn của Ba, trong cái lạnh man mác và tiếng rì rào của rừng cao su đang quyện mình vào gió tấu lên những khúc nhạc bất tận trong xa vắng.



Giờ đây, mái tranh đen màu khói bếp xưa không còn nữa, những cây cột gỗ ộp oạp rỗng ruột vì chi chít vết đục, vết cắt của mối mọt cũng không còn mà thay bằng những bức tường gạch không vôi vữa nhưng cũng đủ che nắng che mưa, không phải vá tạm bằng những tấm nilon mỗi khi mùa mưa về. Giờ chúng con đã lớn, đang tung cánh bay đến những chân trời mới, còn Ba Mẹ lại thui thủi ở nhà một mình, vò võ chờ mong những ngày lễ tết anh em con về như những cái tết trước Ba Mẹ vẫn chờ.



Lâu lâu con về thăm nhà được một ngày rồi lại vội vã đi ngay. Nhưng chỉ cần nghe tin con về, Ba Mẹ đã mừng lắm, nói như reo trong điện thoại. Mọi người có tin không, tôi đã gần bước qua tuổi 20 mà mỗi lần về nhà là lại xà vào lòng Ba Mẹ, Ba Mẹ lại xoa đầu, xoa tay xoa chân ru ngủ như ngày nào. Lại làm những món ăn mà con thích. Đêm đến Ba lại nằm kể chuyện cho con nghe, chuyện ngày xa xưa Ba đã phải sống như thế nào, và giờ con phải sống thế nào… cứ thế hai Cha con lúc nào cũng nói chuyện đến quá nửa đêm mới ngủ. Thật là kỳ quá phải không . Nhưng Ba thường bảo với con, cho dù con cái có lớn đến đâu thì trong mắt Ba Mẹ vẫn luôn nhỏ bé.



Mỗi lần về nhà nhìn Ba Mẹ sống thui thủi một mình tôi thấy xót xa quá, biết sao được bây giờ, công việc không cho phép tôi ở gần để Ba Mẹ đỡ buồn. Tôi chỉ mong sao Ba Mẹ luôn khỏe mạnh và công việc của tôi thật tốt để ngày nào đó tôi có thể trở về sống cùng Ba Mẹ, được vùi đầu vào vòng tay ấm áp yêu thương cho quên đi những muộn phiện, nhớ nhung. Để không phải trông thấy mắt mẹ rơm rớm mỗi lần con về rồi lại đi, không còn phải nghe tiếng thở dài đến nao lòng của Ba.



Năm hết, tết cũng sắp đến, con luôn cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với Ba Mẹ, con luôn muốn nói rằng con nhớ Ba Mẹ nhiều lắm! Ba Mẹ ơi! Đúng là biển đông không mênh mông bằng tình mẹ, mây trời lồng lộng chẳng thể cao bằng tình Cha phải không các bạn ! Con xin tặng Ba Mẹ 2 câu thơ mà con tự làm:

Thu đi đông đến bao lần hay
Xao xác hàng cây luống tuổi gầy.

QUAY VỀ THẤY LÒNG BÌNH YÊN - Phạm Thị Thanh Trúc
Nhà tôi vốn trồng bông vạn thọ.Mỗi lần về quê, chỉ thoáng thấy đám hoa còn nở vàng rộ trước sân là trong lòng bỗng bình yên lạ kỳ. Đó là vì dịp tết năm nay, mẹ vẫn còn khỏe mạnh lắm , còn sức khỏe đi lại để chăm bẫm cho đám cây trong vườn.

Mẹ tôi yêu bông vạn thọ và loài hoa ấy trở nên thân thiết với gia đình tôi vào dịp xuân về. Mẹ trồng ngay ngắn , từng liếp, từng liếp bông gối đầu lên nhau tạo nên một âm khúc đầu xuân vui tươi sắc màu. Sau khi bán đi một ít cho thương lái, mẹ muốn giữ lại vài liếp bông cho vui nhà vui cửa, chứ Tết gì mà để “ vườn không” thì buồn lắm . Cứ độ chiều 29, 30 Tết là mẹ lại ra vườn chọn những đóa hoa đẹp nhất , to nhất để chưng lên bàn thờ ông bà.

Mẹ không quên để dành những khóm vạn thọ để đi cúng đình đầu xuân. Khi còn trẻ con, tôi cũng thích như vậy, cứ thấy ai đi đâu là đòi theo cho bằng được mới thôi. Thế là, tôi ra vườn, nhặt nhạnh những bông không may gãy cành , về nhà tước hết từng cánh hoa ra, cho vào một cái rổ tre, đem theo lễ chùa cùng mẹ. Tôi mới lên năm, lên sáu. Hồi ấy, dân cư trong làng còn thưa thớt, đường làng ngày xuân vắng vẻ người qua lại. Thế là tôi mặc sức tung những cánh hoa vạn thọ lên cho chúng bay theo chiều gió , đọng trên tóc, vươn lại trên “bộ đồ vía” mẹ mới mua cho mà tha hồ tưởng tượng rằng con gái của mẹ đang là … cô dâu. Đến chùa rồi thì hoa trong rổ cũng đầy cả ở trên đầu. các bạn biết không , ham vui là thế nhưng tôi lại sợ vào đình chùa. Lần đầu tiên đến đình làng, nhìn thấy hai vị thần gác cổng mặt mày dữ tợn , lại cầm thêm cây đao nữa ,tôi phát hoảng mà khóc inh ỏi, lấy cái rổ đựng cánh hoa mà úp vào mặt , chạy ngược đường làng. Lúc ấy, mẹ tôi cũng bối rối, không biết làm sao tôi lại đổi tính đổi nết như thế, mà mới trước đó còn líu lo như con chim sáo.

“ Mẹ ơi, hai ông kia dữ quá hà, con sợ!”
Thế là mẹ ra sức vỗ về, bế tôi vào lòng, úp cái nón là che mặt tôi lại : “Thôi, thôi con đừng khóc nữa , để mẹ ẵm con vào, hai ông thần kia sẽ không làmgì được con đâu !”
Tôi lại mếu máo , nấc nghẹn : “ Nhanh nhanh mẹ ơi, hai ông đó đuổi kịp mẹ con mình bây giờ”.

Và khi vào đình rồi, lại còn vô số ông thần “ hung dữ” khác nữa. Tôi khóc ré lên. Cuối cùng ,mẹ phải ẵm tôi ra, nhờ các cô các cậu hàng xóm trông giúp. Lớn rồi, đứng trước đình ,cái ngây ngô, non nớt hồi đó lại ùa về. Lần nào về quê, qua cổng đình, lại mỉm cười với hai ông thần ấy, vuốt nhẹ hai bức tượng mong sao năm mới có thể như hai ông ,vẫn vững vàng qua mưa gió hơn chục năm nay.

Ngày xuân quê tôi không ồn ào náo nhiệt như những nơi khác, ít thấy những trò vui thú, không có những tụ điểm vui chơi xập xình tiếng nhạc xuân. Ấy vậy mà xuân quê hương vẫn thôi thúc tôi trở về. Tôi thích đi dạo lòng vòng quanh làng. Tết trong tôi mãi là màu sắc trước hiên nhà của những đóa vạn thọ , màu vàng của sự trường tồn .

Rồi muốn lướt mình trên cánh đồng lúa chín đang thời gặt hái, ngả mình vào những ụ rơm trước nhà, vọc tay vào những hạt lúa vàng đầy trong bồ, vàng bừng lên sự trù phú ấm êm. Đâu đó, vài thửa ruộng đã gặt hết rồi, còn trơ gốc rạ vàng khô nắng cháy đang tắm nước nâu sồng chờ cho vụ lúa sau. Lại nhớ quá cái thuở dầm mình dưới cánh đồng đầy bùn đất, ngai ngái mùi khói đốt đồng chiều. Mỗi khi về làng, ngang qua khóm trúc, khóm tre đang vươn dài, thân mặc chiếc áo vàng ngà dang rộng cành lá ấp ôm lấy ngôi làng mà tự nhiên lại nhớ đến …mình. Cũng chính vì thương cái vững chãi, lòng bao dung của cây tre, cây trúc mà mẹ đã chọn đặt tên cho mình.. Tre trúc ơi, sang năm mới tao lại cùng mày đứng vững nhé. Nắng đầu xuân phơn phớt vàng nhuộm đầy sức sống cho cả một vùng quê, cho mơn mởn chồi non lộc biếc. Cái màu vàng thanh bình ấm áp, nhẹ nhàng sâu lắng, không ồn ào mà sao lại làm đất trời mùa xuân thêm rộn rã.

Mùa xuân về quê để tìm lại sự yên bình, tìm lại hoài niệm tuổi thơ. Thoáng nhìn thấy ngọn cau lá trầu, những mái đình cong vút lại thấy đâu đâu cũng nhuốm màu cổ tích. Quê tôi là như vậy đó, không ồn ào, tưng bừng như chốn thị thành. Một khoảng không gian trải rộng ra trước mắt, vẫn là con đò, bến nước, dòng sông , nhịp cầu…, mươi năm qua không mấy đổi thay, thâm trầm, tĩnh lặng vượt bao mưa gió của cuộc đời. Sao mà quê tôi giống một ông đồ già ngồi trầm tư suy nghĩ. Chỉ cần vài ba nét bút trên tấm giấy hồng điều là đã thấy ngay mùa xuân trong câu đối đỏ. Thiên nhiên quê tôi, chỉ cần vài nét chấm phá trong cảnh vật , trong sinh hoạt đời thường cũng đủ có một mùa xuân an lành, hạnh phúc.

Có về quê sau những ngày bôn ba xuôi ngược chốn thành đô mới thấy, đã là ông nông dân chính gốc ở ruộng đồng thì chẳng ai muốn rời xa quê mình để lúc nào ra đường cũng phải đeo khẩu trang tránh bụi khói đen xì, lúc nào cũng phải xoay như chong chóng, tìm “ đỏ con mắt” cũng không ra được một nơi tĩnh lặng để nghỉ ngơi.

Mà vì cuộc sống cả thôi, người ta có những lí do chính đáng để phải tạm xa rời cái nơi chôn nhau cắt rốn của mình, trong những “ người ta” ấy lại có tôi. Lại thấy lòng nôn nao rồi, muốn trở về , mong được nhìn thấy khóm hoa vạn thọ từ đầu ngõ để rất hạnh phúc rằng mẹ vẫn còn mạnh khỏe như tên gọi của loài hoa kia.

Quay về và thấy lòng bình yên !

TẾT MIỀN TRUNG - Đặng Ngọc Tân
Cứ mỗi lần dịp cuối năm, gió Đông bắc lại thổi về mang đến cái se se lạnh cũng là lúc lòng bồi hồi, rạo rực đón chờ năm mới. Cũng như bao người khác ai cũng có chung một tâm trạng háo hức đón Xuân, thế nhưng năm nay lòng lại thấy nặng trĩu quá. Quê tôi – dãy đất miền Trung èo uột suốt một năm qua gánh biết bao trận bão, bao nhiêu mất mát , đau thương, vậy thì làm sao không nặng trĩu cả lòng mình cơ chứ? Bão rồi lũ tất cả như muốn nhấn chìm cả sự sống đồng bào quê tôi, tưởng chừng họ khuỵu ngả nhưng không vẫn những con người ấy họ vẫn bước đi vững chải, vươn dậy sau khó khăn. Tết cũng đến xuân lại về, thế nhưng mất mát quá lớn như vậy thì làm sao bà con mình có thể thanh thản vui Xuân cơ chứ?.

Nhớ năm nào, được về quê đón Tết - một kỉ niệm khó quên. Tết trong quê khác hẳn với không khí rộn ràng của thành phố không ồn áo, không hối hả, nhưng khoác lên một nét đẹp thật đặc trưng. Ở thành phố, trước Tết còn nô nức đi tìm một chậu cảnh thật đẹp trưng trong nhà nhưng ở đây thì ăn còn không đủ lấy tiền đâu mua hoa, vậy là lũ nhỏ cứ đi dọc đường hái bông hoa nào đẹp nhất rồi cứ thế cắm vào bình mà chính xác là chai nhựa để trưng cho qua ba ngày Tết. Rượu bia cũng không hề có mà chỉ đơn giản là ấm nước trà hay nhà nào sang hơn một chút thì mời khách dùng rượu gạo. Bánh kẹo cũng không có mỗi nhà chỉ có cái khay đựng vài hạt dưa đen, rồi vài miếng mứt gừng cũng vàng đen nhưng cay nồng như chính mảnh đất này vậy, thế cũng là quá đủ cho ra cái khí thế của Tết. Cái gọi là tiền mừng tuổi cũng chỉ là 500đ – 1000đ thế nhưng khi nhận được lũ trẻ lại mừng rơn. Tết trong quê là thế đấy, không khí ấy sao thật đối lập với thành phố, càng nghĩ càng thấy thương cho bà con quê mình quá, vất vả làm lụng thế nhưng có hưởng được một cái Tết nào cho đúng nghĩa đâu.

Không biết Tết năm nay, bà con mình sẽ ra sao, ăn Tết thế nào? Một năm cũ đi qua với biết bao mất mát, năm nay chỉ mong rằng thiên tai đừng ghé thăm nữa để bà con mình có cơ hội hưởng một cái Tết thật sung túc! Cầu mong là vậy!

TIẾNG LÒNG NGƯỜI XA QUÊ
Giáng Sinh vừa qua được vài ngày, không khí náo nhiệt cũng tạm lùi dần cho một tuần mới bắt đầu. Ngày xưa khi còn ở nhà, tôi cứ nghĩ chắc là mọi người ở xứ Mỹ được nghỉ làm từ Giáng Sinh đến Tết Tây, nhưng thực tế thì không, sau ngày Giáng Sinh mọi thứ trở lại bình thường, công sở nhà máy hoạt động trở lại cho dù không khí làm việc cũng còn hơi ... dậm chân tại chỗ.

Vì hoàn cảnh công việc chưa bao giờ tôi có thể về VN vào mùa Tết Âm Lịch, nỗi nhớ nhà cứ như tăng dần theo ngày tháng để mỗi lần nghĩ đến cái Tết Việt xa nhà, tôi thấy lòng như vết thương dù đã lành nhưng vẫn nhói đau mỗi khi trái gió trở trời.

Nơi tôi ở không tập trung người Việt nhiều như những tiểu bang California hay Texas, nơi tôi ở những ngày này luôn phủ một màu trắng của tuyết. Duy một điều là nỗi nhớ nhà trong tôi những ngày Tết cổ truyền không nhiều bằng những ngày trước Giáng Sinh. Phong tục ở xứ này là mọi người tặng quà cho nhau vào lễ Giáng Sinh như một tấm lòng dành cho nhau những ngày cuối năm cùng với lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới. Mọi người rủ nhau đi mua sắm, lên danh sách những người thân cùng với những món quà được âm thầm lặng lẽ tìm hiểu trong suốt một năm. Nhìn cảnh tấp nập người người đi sắm quà Giáng Sinh, tôi nhớ đến những ngày cận Tết của Sài Gòn, nhộn nhịp không thua gì xứ này những ngày cận Noel. Thương người Việt Nam mình lắm, cả năm làm cực khổ, cái gì cũng "để dành sắm Tết... " hay "Ráng làm để xài Tết..." Năm nào dù khó khăn thế nào, ai cũng ráng sắm cho mình một cặp bánh chưng, quả dưa hấu, cành mai... Bấy nhiêu thôi, nhìn vào ta sẽ thấy không khí Tết rộn ràng...


Tôi nhớ những lần chờ xe dưa hấu từ miền Tây chở lên nữa đêm để ráng lựa cho nhà một cặp dưa thật đẹp, gõ vào trái dưa nghe tiếng boong boong là an tâm, nhưng vẫn cầu mong cho trái dưa ngày mùng một bổ ra thật đỏ và ngọt... Tôi nhớ những lần lặn lội đi vô các nhà vườn để tìm mua một cây mai thật đẹp để sáng mùng một khi sắc vàng nở đầy cành thì lòng ta cũng rộn ràng lên với chữ Tết... Tôi nhớ những buổi chiều cùng anh trai ngồi chùi những bộ lư đồng, tôi nhớ những phiên chợ đêm những ngày 28, 29 Tết theo Me đi mua những thứ cần thiết cho ba ngày Tết... Nhớ cả những chiều 30 Tết, ai cũng nôn nao ráng bán cho hết những món hàng Tết để kịp về nhà chuẩn bị đón giao thừa. Và tôi cũng không quên những lần chơi bầu cua tôm cá đầu năm, tiếng lắc bầu cua nghe sao vui tai quá, âm sắc ngày Tết nghe sao rộn rã quá...



Bao nhiêu năm rồi, vậy mà nỗi nhớ sao cứ còn nguyên vẹn, như ta mới năm nào còn ở nhà đón Tết với Ba với Me... Như cái thuở chờ đợi Tết đến để được mặc đồ mới, để được nhận lì xì và cũng để tạm quên đi bài vở vài ngày, ôi sao mà hạnh phúc quá....



Vậy đó, dù đi đâu, làm gì, ở đâu, những người con Việt vẫn luôn nhớ về Tết Việt. Cứ theo thường lệ, hàng năm vào thời điểm Tết cổ truyền VN là con chôn mình trong công việc. Những con số và những hồ sơ thuế của dân Mỹ vẫn không làm con quên là con vẫn còn mắc nợ Ba Me một lời hứa. Lại thêm một năm nữa con thất hứa với Ba Me,

Tết này con không về...


THỰC HIỆN
- Editor: Kenvin
- MC: Hip & Hera
- Sound: Kyan

CÁC NHẠC PHẨM SỬ DỤNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH
 
- Happy new year - A Teens
- Cảm xúc - SIM band
- Home - Westlife
- Ngày xuân long phụng xum vầy - Hợp ca Vpop

GoRadio - Listen & Feeling 7: MÙA TUYẾT

GO RADIO

Chuyên mục 

LISTEN & FEELING



MÙA TUYẾT

GoRadio - Listen & Feeling 7.1: MÙA TUYẾT 
GoRadio - Listen & Feeling 7.2: MÙA TUYẾT 
GoRadio - Listen & Feeling 7.3: MÙA TUYẾT 


Click vào đây để download
NỘI DUNG

Bài thứ 1 
365 ngày
1 năm có 365 ngày ...

Mỗi ngày con người ta lại quét lên tấm thân vài lớp mặt nạ che giấu mọi thứ đậm đặc bên trong, ... không phải 1 mà là vài , vì có mất cái này thì vẫn còn cái khác ...
365 ngày ! người ta lao vun vút trên con đường , để mặc hai bên đường cây có rụng lá , hoa có chớm nở ...
Thời gian đọc một quyển sách chi bằng xem tivi , hay xem một tờ báo, chả bù với lướt web, nhiều người như thế ...
365 ngày ! Một nửa sống trong lo lắng , một nửa sống trong sợ hãi ...
Liệu có ai tự hỏi mình đã sinh ra vì đâu, sẽ chết đi như thế nào, cả cuộc sống sau cái chết nữa...?
Có ai đi tìm bí ẩn sau nụ cười, sau hạnh phúc ? Hay chỉ tìm uẩn khúc sau mỗi sự u sầu và nước mắt?
Tình yêu! Cái thứ giản dị mà xa xỉ, ngọt lịm mà đắng chát ! Cái thứ mà nửa thế giới đang có đc và nửa còn lại luôn khao khát hàng ngày, hàng giờ !
Văn phòng! Nơi bề bộn và kỷ luật, mệt nhọc nhưng đầy hứng thú! Nơi mà tất cả tiêu tốn thời gian vào nó còn nhiều hơn gia đình !

Hết 365 ngày ... rồi lại đến 365 ngày khác ...
Đào lại nở, đất trời lại sang xuân ... lại bánh chưng, lại xôi, lại thịt thà, ...lại ....
Tất cả lại trở về điểm bắt đầu
Ước mơ chỉ là ước mơ...có phải không nhỉ ...
Mong mà khó lòng thực hiện đc...

Tương lai sao mà mông lung quá đỗi

Bài thứ 2
Không có những đợt rét đậm, không có những cơn mưa lạnh thấu xương. Mùa đông ở đây lạnh nhẹ nhàng, lạnh thoảng qua trong một thời khắc ngắn ngủi. Mùa đông phương nam - nơi vẫn thường được biết với hai mùa mưa nắng. Thông thường thời tiết trở nên dịu hơn vào các ngày cuối năm, đâu đó trong nắng chiều đang nhạt dần là những cơn gió se se lạnh, cái se lạnh chỉ chợt đến vào lúc cuối chiều và dần tan vào sáng sớm. Hầu như ai cũng sợ cái lạnh hiếm hoi này sẽ tan nhanh, nhanh đến độ họ chưa kịp tận hưởng cái mùa đông Sài Gòn. Ai cũng cố khoác lên mình những bộ áo ấm mà họ đã cất sâu trong tủ từ năm trước để được diện, được khoe và được cảm nhận một phong cách khác ngày thường.

Cũng đã gần bảy năm sống ở Sài Gòn, tôi đã dần quen và dần cảm nhận được mỗi khi đông về. Tôi thích chạy xe chầm chậm trên đường, hứng vào mình từng con gió, muốn được rùng mình, muốn được run run. Đâu đó có cơn gió lùa – tán lá xào xạc, tôi chợt nhớ tới chuyện tình của cây, gió và lá. Thoáng chút buồn bởi tôi hiểu rằng không phải vì cô đơn mà tôi nhớ em, mà vì nhớ em nhiều nên tôi cảm thấy mình cô đơn quá.
Cuộc sống dẫu yên bình hay sóng gió thì vẫn cứ đang trôi qua, đều đều và hờ hững. Lắm lúc, giữa cái thinh không của sự huyễn hoặc, tôi lại lừa dối mình rằng tôi đang hạnh phúc, tôi đang thành công, tôi đang bước đúng trên con đường của mình. Có phải vậy không? Tôi là người hạnh phúc thật hay là tôi chỉ tự nhận như thế với những gì mình đang có và đang đạt được?

Bạn bè em cũng là bạn bè tôi – nhóm bạn bè một thời nổi tiếng học giỏi và rất chịu chơi, giờ là những người đang ngày một thành danh. Người ta kể với tôi về em, kể về cuộc sống và hạnh phúc của em, chẳng phải đó là điều mà tôi vẫn luôn cầu chúc cho em đó sao. Tôi chỉ biết mỉm cười hờ hững. Bởi tôi không cao thượng đến mức có thể vui, có thể cười một cách mãn nguyện khi thấy em hạnh phúc bên người khác. Nhưng dường như bây giờ tôi không còn cảm giác đau nhói trong tim nữa, cái cảm giác mà tôi nghĩ rằng nó sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời này. Biết chấp nhận sự thật, tìm mọi cách để quên em và học cách yêu một người con gái khác, cố gắng để đừng tìm kiếm những điều giống em ở người đó.

Sau hai năm ngày mà em nói lời chia tay, tôi trở về bên biển, để dẫm chân trên bờ cát ươn ướt, đứng một mình nơi bãi đá, nghe tiếng biển thì thầm như khi xưa tôi còn bên em. Kỷ niệm ngày đó như vở òa trong tôi, gục khóc như một đứa trẻ con khi nhìn thấy biển, biển vẫn thế, hiền hòa nhưng sâu thẳm và xa vời quá. Kỷ niệm đầy ắp và nguyên vẹn, tôi vẫn chẳng thể nào quên được em. Đây cũng chẳng phải lần đầu tôi cố quên em rồi thất bại, nhưng tôi tự nhủ đây là lần cuối cùng tôi khóc vì em, lần cuối cùng gục ngã vì đau khổ, lần cuối cùng nhói đau trong tim mỗi khi nghĩ về em.

Tôi không còn muốn ra biển vào mùa hè, bởi tôi sợ trong cái khung cảnh náo nhiệt và đông người sẽ bắt gặp hình bóng quen thuộc ngày nào. Tôi sợ phải nghe tiếng người con gái nào đó cười tan trong sóng biển.

Đêm nay, một đêm đông phương Nam, tôi lại về bên biển với những người bạn của tôi. Tôi sẽ lại nghe tiếng biển và hình dung em đang ở bên nắm tay tôi, em hát bài hát của riêng tôi và em. Tôi biết tôi sẽ buồn, nhưng nỗi buồn đó giờ chỉ là nỗi buồn của hoài niệm…

Bài thứ 3
Sài Gòn, ngày…tháng…năm
Sài Gòn bắt đầu lạnh rồi Ông ạ. Những cơn gió không giá rét như miền Bắc, ko lạnh run như miền Trung nhưng cũng đủ khiến con khẽ rùng mình vào mỗi sáng sớm bước ra nhà. Ừh, thì đã bước sang tháng 12 rồi còn gì, Ông nhỉ!

Trời lạnh cũng đồng nghĩa với việc con phải chịu đựng nhiều hơn nữa những cơn đau nhói, với việc con phải ghé thăm ông bác sĩ già với cặp kính dày cộm, lúc nào tai cũng đeo ống nghe nhiều hơn. Con sợ quá Ông àh! Hôm qua con đã bị chích, con phải cắn chặt răng để không phải bật khóc.
Gió. Gió lồng lộng. Từ sân thượng nơi này nhìn xuống trông mọi người nhỏ bé thế, chỉ là một chấm đen bé tí đang di động. Con thấy mình cũng nhỏ bé quá giữa bầu trời này. Con đã khóc, khóc oà lên như một đứa trẻ. Cảm giác lạc lõng và sợ hãi bao vây con, chưa bao giờ... chưa bao giờ con cảm thấy mình tuyệt vọng đến thế...

- "Khi nào cảm thấy không chịu đựng nổi thì phải uống cái này vào nhé!"
- "Dạ... nhưng nó đắng lắm, con ghét."
- "Thế giữa đau và đắng con thích cái nào?"
- "Đắng ạ!"
Đôi khi những cái không ngọt ngào cũng tốt với mình phải không Ông?

Mùa lạnh có phải khiến người ta xích gần lại nhau, yêu thương nhau nhiều hơn phải không Ông? Con cảm thấy đỡ đau hơn với những cái xiết tay thật chặt, với những cái nhìn ấm áp, với những cuộc gọi đầy yêu thương. Con cảm thấy hạnh phúc Ông àh. Có phải con đã quá trễ để nhận ra điều này không Ông?

Con đã sống quá hờ hững với cuộc đời này nên giờ cảm thấy hối tiếc ông àh!
Ước gì có nhiều thời gian hơn, con sẽ đi học đan, để đan cho Mẹ chiếc áo. Ôi con gái ai mà chẳng thế nhỉ!

Ước gì có nhiều thời gian hơn, con và người ấy sẽ để dành tiền đến nơi mà hai đứa hằng ao ước
Ước gì có nhiều thời gian hơn, con sẽ lục tìm liên lạc với những đứa bạn cấp 3 nhí nhố của mình

Ước gì có nhiều thời gian hơn, con sẽ ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển, để chứng kiến ngày và đêm giao nhau...
Ước gì...con ít đau hơn!

Ông àh, nói nhỏ cho Ông biết nhé, từ nhỏ đến giờ con chả tin là Ông có thật cả, con biết Ông chỉ là sản phẩm hư cấu từ trí tưởng tượng của mọi người thôi. Nhưng trong lúc này đây, con lại tin là Ông có thật, hơn cả ai hết, con khẳng định đấy!

Đêm noel con sẽ không ngủ đâu, con sẽ đợi ông, sẽ nói lên cái ước muốn của mình. Nếu ông trời lấy đi của con tất cả, thì con mong ông hãy đem nó, phát lại cho những người mà con yêu thương nhất ông nhé!
Gió vẫn thổi vi vu qua ô cửa nhỏ Ông àh!

Hôn Ông!


Bức thư đầu tiên viết cho Ông!
Neko

Bài thứ 4
Một mùa đông nữa lại về, trong cái lạnh của mùa đông buốt giá, từng cơn gió đùa qua khung cửa, từng đợt tuyết trắng phủ kín những con đường như muốn kéo dài thêm những hàng bạch dương trắng xoá.

Mọi người vội vã chạy trốn mùa đông lạnh lẽo để quay về với tổ ấm, nơi người thân bè bạn đang chờ đợi, bên bếp lửa hồng, ngồi ngắm những vì sao lung linh, những ánh lửa hồng tí tách. Bên cạnh cây thông Noel, ta cùng nhau cạn chén trà, nhấm vài miếng bánh mặc ngoài kia, bên cánh cửa khép hờ là một mùa đông lạnh giá. Và một mùa yêu thương nữa lại đến với những gì riêng nhất, đặc biệt nhất, đẹp đẽ nhất mà không có mùa nào có thể sánh được.

Trong cái giá rét, tình yêu tìm thấy vị trí của nó… từng ngón tay lần mò trong túi áo để tìm một bàn tay, người ta cần đến nhau hơn trong cái tiết trời giá buốt, cái rét của mùa đông làm cho người ta tìm thấy cho mình sự ấm áp đến lạ kỳ. Có lẽ mùa ấm áp nhất trong năm không phải là mùa nào khác mà chính trong cái lạnh buốt người ta tìm thấy sự ấm áp đích thực của nó. Sự ấm áp đích thực đến từ tâm hồn và đủ sức sưởi ấm tất cả những tấm lòng đang lạnh giá dù bên ngoài thế nào đi chăng nữa.

Cứ như thế hằng năm, giáng sinh đến khiến lòng người rộn lên những khúc hát chúc cho nhau một mùa giáng sinh vui vẻ. Trong cái lạnh của mùa đông, người người dường như xích lại gần nhau hơn, những món quà được trao đi, những lời yêu thương được bày tỏ. Những cái ôm đầy tình thân ái, những nụ hôn nồng cháy, những cái bắt tay thật chặt và cả những cái nắm tay tưởng chừng như không có điều gì có thể tách ra được của những người yêu nhau càng làm cho giáng sinh trở thành một mùa tràn đầy tình yêu thương, tình thân ái giữa mọi người với nhau.

Giáng sinh không của riêng ai… làm sao có thể hờ hững được khi tình yêu gõ cửa, chắc hẳn ai cũng có cho mình một mùa Noel ngập tràn kỷ niệm, được ùa ra phố để nghe những bài thánh ca, được đi bên cạnh người mình yêu, được nắm tay nhau ngắm khung cảnh tuyệt vời của mùa yêu thương. Được tặng quà cho nhau, được viết cho

Nhưng…

Vẫn còn đâu đó những con người chưa biết đến một mùa Noel đích thực, vẫn còn đâu đó những con người chưa kiếm được một nơi tránh rét, phải vật lộn với bữa ăn hằng ngày… họ muốn lắm một lần được nhận quà, được trao cho ai đó một món quà từ tấm lòng của mình. Và câu hỏi đặt ra…Bạn có thể làm được điều gì cho họ?

Về với ý nghĩa đích thực của Mùa Yêu Thương, mùa - người ta có thể bày tỏ lòng nhân ái, bày tỏ tình yêu… là cơ hội người ta có thể làm một điều gì đó cho nhau để xua đi những u ám của trần thế này. Noel lại đến, gởi đến những ai đang yêu những điều tốt đẹp nhất. Bạn à! Khi bạn đang ở trong tình yêu là bạn đang nắm một điều đẹp đẽ nhất mà không điều gì có thể sánh bằng, bạn đang nắm cả thế giới trong tay mình đó. Gởi đến những ai chưa có người yêu… cơ hội đang đến với bạn, tại sao không biến mùa giáng sinh này thành mùa yêu thương bạn nhỉ.

Và em à…

Anh cũng nghĩ đến em với những điều tốt đẹp nhất, không biết điều gì là mong ước, là lời nguyện cầu của em trong đêm giáng sinh nhưng anh muốn em biết một điều… em là một phần của lời nguyện cầu và là mong ước của anh. Tấm lòng anh hướng về nơi tình yêu của anh đặt để…

Bài thứ 5
Này cậu, một mùa Giáng sinh nữa lại đến gần rồi đấy. Vậy là tròn mười năm tớ xa cậu, xa những kỉ niệm khó quên gắn với vùng quê của chúng mình, cậu nhỉ?

Là bạn từ thuở nhỏ, cậu và tớ có nhiều điểm tương đồng đáng ngạc nhiên mà khó ai giải thích nổi. Sinh cùng ngày, nhà gần bên, cùng tắm mưa với nhau và cùng thích một bạn trong lớp nữa. Từ lúc còn chập chững vào lớp mẫu giáo, vào lớp 1 rồi cao hơn nữa, cậu và tớ thường được cô dạy, nào là "Giáng sinh", nào là ông già Noel, nào là cây thông. Biết thì biết vậy thôi, vùng quê chúng mình thì biết gì là Giáng sinh, cậu nhỉ? Lúc ấy, trong tâm trí tớ, hai từ "Giáng sinh" thật sự rất mơ hồ. Tớ biết, cậu cũng nghĩ như tớ.

Làm sao biết được thế nào là "Giáng sinh"?

Khi vùng quê của chúng mình lúc ấy còn chưa có điện, chưa có phương tiện thông tin liên lạc, còn đang chậm chạp để hòa vào sự thay đổi của thế giới, lúc đó, mấy ai biết Giáng sinh là gì, mà biết rồi thì sao?
Khi miếng cơm manh áo còn là nỗi lo, cuộc sống chật vật, biết bao khó khăn, khi trong đầu mọi người luôn phải suy nghĩ về những lo toan của cuộc sống hàng ngày: rằng hôm nay phải làm gì, ngày mai phải làm gì để sống, khi cuộc sống còn chưa đảm bảo, thì nào ai còn nghĩ tới chuyện chuẩn bị, hay đón Giáng sinh như thế nào.

Khi quê mình chỉ có hai mùa "nắng, mưa", mà chắc cũng chẳng bao giờ được nhìn thấy tuyết; khi lúc nào mọi người cũng nơm nớp lo sợ hạn hán, mất mùa, lũ lụt... Thử nghĩ xem, mọi người chưa biết được cuộc sống của mình có đảm bảo được không, thì còn ai nghĩ đến những điều khác nữa. Phải không cậu?

Và dù thế nào đi nữa, dù cuộc sống có những bộn bề thì lũ trẻ bọn mình vẫn hồn nhiên nhất, vẫn vô tư nô đùa, vẫn cười, vẫn hát, và tất nhiên, vẫn mơ đến một Giáng sinh vui vẻ, an lành và hạnh phúc. Cậu có nhớ, khi lần đầu tớ được lên thành phố, được hưởng không khí Ggiáng sinh ồn ào, náo nhiệt, cậu có nhớ, tớ đã kể lại với cậu không? Và cũng từ đó, bọn mình cũng "tổ chức" Giáng sinh, bắt chước vậy thôi, dù biết rằng không giống như tớ kể.

... Giáng sinh nơi thành phố, với những quả cầu đủ màu sắc, những cây thông Noel thật to, những cửa hàng được trang hoàng lộng lẫy với những ánh đèn nhấp nháy.

... Giáng sinh nơi thành phố, rất nhiều người ăn mặc thật đẹp, cùng sánh bước bên những người họ yêu quí, những ánh mắt, những nụ cười rạng rỡ, những câu chúc an lành và hạnh phúc.

... Giáng sinh nơi quê mình, những quả cầu đã được bọn mình thay bằng những quả bong bóng đủ màu sắc. Không có thông, nhưng cây thông được bọn mình thay thế bằng cây thuộc bài lúc cây còn nhỏ, nhìn nom cũng rất giống cây thông đó chứ. Không có những cửa hàng, nhưng có những nhà chòi be bé mà bọn mình dùng sậy và lá chuối dựng nên. Với tớ, đó là cửa hàng đẹp nhất thế gian. Không có đèn, mình bắt đom đóm bỏ vào vỏ quả trứng, rồi cũng đẹp như đèn vậy.

... Giáng sinh nơi quê mình, không ăn mặc đẹp, không đông đúc, tấp nập, nhưng mọi người luôn dành cho nhau những lời chúc tốt lành nhất, rằng thì: "Ừ thấy lũ trẻ háo hức, mình cũng tham gia cho vui". Và cũng có ông bà, cha mẹ, anh chị em trò chuyện, răn dạy lũ trẻ sau này.

Những mùa Giáng sinh ấy, bọn mình đã cười thật tươi, phải không cậu?

Tớ nhớ...

Đã mười năm từ ngày ấy, Giáng sinh năm tụi mình lên mười tuổi. Tớ và cậu đều nằm mơ được món quà thật đẹp, mơ thấy ông già Noel, mơ được một lần ngồi lên cỗ xe của ông. Giáng sinh định mệnh năm ấy, lũ mấp mé bờ đê, nhưng bọn mình vẫn vui đùa, vẫn háo hức chuẩn bị một Giáng sinh thật vui tươi. Cũng lần Giáng sinh đó, đâu ai ngờ lũ tràn vào vỡ đê, cuốn theo mọi thứ, cuốn đi cây cối, nhà cửa... và lũ cũng cuốn đi của tớ người bạn thân thiết nhất.

Tớ không sao quên được tiếng của con chó nhỏ ăng ẳng, tiếng của heo mẹ eng éc, tiếng người gào khóc, tiếng nước chảy như thác đổ. Những âm thanh ấy đã in đậm vào tâm trí tớ, không phải là một dạng âm thanh "nghe rồi thôi", mà nó còn vang mãi, vang mãi đến bây giờ, sau này, và mãi mãi.

Kể từ ấy, tớ sợ lắm mỗi mùa Giáng sinh về bởi Giáng sinh đã hằn sâu trong tâm trí tớ những hình ảnh đau thương ngày lũ. Tình cờ, tớ đọc ở đâu đó một câu nói: "Kỉ niệm được sinh ra để cho ta lòng dũng cảm, chứ không phải để cướp đi lòng dũng cảm ấy". Tớ đã sợ phải đón Giáng sinh như thế nào. Nhưng Giáng sinh năm nay tớ không sợ nữa vì Noel trong tớ luôn có sự hiện diện của cậu, cậu là thiên thần luôn ở cạnh tớ.

Đêm nay, tớ đã nằm mơ, không phải mơ thấy một màu trắng lung linh, cùng cây thông Noel như truyện cổ tích, tớ cũng mơ thấy một màu trắng, nhưng màu trắng của dòng nước lũ quê mình, màu trắng đã cuốn cậu trôi mất tớ. Dòng nước màu trắng ấy mang theo rất nhiều quà cho lũ trẻ quê mình, mang theo cậu và những kỉ niệm thời tơ ấu của bọn mình, mang theo niềm tin, hi vọng, hạnh phúc, và những điều tốt đẹp nhất còn đang ở phía trước.

Giật mình, trong mắt tớ, nước lũ lại tuôn trào...


THỰC HIỆN
- Editor: Khò
- MC: Hip & Hera
- Sound: Mic

CÁC NHẠC PHẨM SỬ DỤNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH
 
- Dòng thời gian - Đăng Khoa
- Nỗi nhớ đêm đông - Bằng Cường ft Ngô Vỹ Hằng
- Santa Claus is coming to town - Richard Clayderman
- Hope - As One
- Save the best for last - Vanessa Williams
- Do they know is Christmas time - Band Aid
- All I want for Christmas - Mariah Carey
- Mery Christmas everybody - Girls Aloud
Cùng một số nhạc phẩm không lời của Rythem

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Listen & Feeling 6: Cát thời gian

Chuyên mục 

LISTEN & FEELING

 


Listen & Feeling 6.1: Cát thời gian

Listen & Feeling 6.2: Cát thời gian

Click vào đây để download

NỘI DUNG
Bài thứ 1
Cuối năm lớp 12 cũng là sinh nhật 18 tuổi, tôi được tặng một cuốn sổ tay rất đặc biệt. Không trang trí cầu kì, không họa tiết sặc sỡ, nó giản dị với tông màu nâu nhạt, chỉ có đúng một chi tiết nổi bật là từ "Lose" được in rất to phía ngoài bìa. 
Băn khoăn mãi về ý nghĩa của từ này, cuối cùng tôi cũng quyết định sẽ viết vào cuốn sổ xung quanh cái chủ đề "Đánh mất" ấy. Có lẽ người tặng tôi cuốn sổ muốn tôi nhìn lại, nghĩ và nhìn xa hơn một chút, tôi đoán vậy...

Dạo còn nhỏ, tôi rất hay làm mất đồ dùng của mình mỗi khi đi chơi hoặc đi học, những vật dụng trẻ con và cũng ít quan trọng. Có thể là chiếc bút máy, là cục tẩy chì hay đôi dép vì tôi hay bỏ dép ra chơi nhảy dây...
Tôi nhớ những lần trót làm mất cái gì lại chạy về "báo cáo" ngay với mẹ. Mẹ chẳng bao giờ mắng tôi mà chỉ căn dặn lại về sự cẩn thận, ngăn nắp. Hôm sau, tôi lại được mua món đồ mới thay thế, lại vui, lại tung tăng đi chơi và (lại) có thể sẽ đánh mất đồ, lại cẩu thả thêm một hay nhiều lần nữa. 
Trong tôi ngày đó hình thành nên cái suy nghĩ về những điều "Mất đi và lấy lại đuợc" vì rõ ràng, tôi chưa bao giờ có cảm giác "mất hoàn toàn" cả, tôi đã có mẹ, người lấy lại tất cả. 
Mẹ như bà tiên trong giấc mơ, là người biến phép màu xung quanh những tháng năm lớn lên của tôi. 

Chợt nhận ra, tuổi thơ của mỗi con người như những hạt màu óng ánh nằm trong chiếc đồng hồ cát, dù có dốc ngược dốc xuôi tới mấy thì chúng vẫn ở yên trong khối thủy tinh, để được bảo vệ và nâng niu - Tuổi thơ hay còn là quãng thời gian của những điều không mất đi...

Thành "người lớn", "phép màu", "cổ tích" cũng dần lùi vào góc kỉ niệm. Mới đầu là sự ngỡ ngàng - sững sờ, nhưng rồi tôi cũng phải quen và học cách chấp nhận thực tế: có những cái Mất đi và không lấy lại được, những điều quí giá rời xa, khiến trái tim bạn mệt mỏi...

Đó là lần đầu tiên tôi gánh chịu nỗi đau mất người thân, khi bà ngoại qua đời. Buổi chiều ấy, tôi đang ở công ty, chiều đó còn chuẩn bị đi chơi nữa chứ, rồi tôi nhận được điện thoại: "Bà ngoại mới mất, con về nhà đi!". Tôi òa khóc và chạy về nhà. Chắc chỉ là đùa thôi phải không? Vì tôi vẫn hi vọng, sẽ có điều kì diệu. Mỗi khi nghĩ về ngoại, chút nuối tiếc lại khẽ lay động như một vết thương còn chưa lành hẳn. Thế mới hay, những người thân thật quan trọng với mỗi người. Bởi vậy, dù có bận rộn thế nào, cũng cần dành thời gian để ở bên họ, để chia sẻ và được chia sẻ. Từng giây phút trôi qua của cuộc sống quý giá hơn gấp vạn lần, khi bạn biết được rằng, có nhiều lắm, những điều "Mất đi và không lấy lại được".
Mọi thứ trong cuộc sống của bạn đều thật đáng trân trọng. Nhưng có nhất thiết phải cố gắng giữ lại tất cả ở bên mình? 

Câu trả lời là: Không, không thể và không nên.

"Không thể" là bởi bạn chẳng bao giờ lường trước được điều gì sắp xảy đến với mình: niềm vui hay nỗi buồn? Thành công hay thất bại? Tôi từng rất hụt hẫng khi nhận ra, có người mình rất tin tưởng, yêu mến và trân trọng, đã quay lưng đi trong những lúc tôi cần nhất. Lúc ấy, tôi buồn và chới với biết mấy. Rối bời tới mức còn hy vọng, họ sẽ thương hại tôi và quay lại. Nhưng rồi chẳng có bàn tay nào ở đó, tôi ngã. Ngã đau... 

Một thời gian dài trôi qua, tôi vùi đầu vào công việc để lãng quên. Vết thương lành hẳn, tôi tự đứng dậy, tự bước tiếp, vững vàng và cẩn trọng hơn. Chính sự vô tình của người khác, chính các cú ngã đau đã nói lên rằng, có những điều mất đi mà bạn chẳng bao giờ muốn lấy lại. Chúng làm bạn đau, tổn thương ít hay nhiều nhưng không mảy may để lại chút tì vết nào. Chỉ là sau mỗi lần ngã đau, bạn lại trưởng thành hơn một chút mà thôi...

Cuốn sổ đến giờ đã ghi lại khá nhiều "Những điều mất đi". Đó là một việc làm thú vị mà ai cũng có thể làm. Bạn viết ra không cần với một cảm xúc đặc biệt hay triết lý cao siêu gì. Đơn giản, nó như một cái timelineđặc biệt của người trẻ tuổi. Vì càng lúc, cuốn sổ ấy của bạn sẽ càng ít hơn những điều mất đi, càng ít những tiếc nuối. 

Bạn đang lớn...

Bài thứ 2
Hạ đến. Hạ đi. Ta đến... rồi ta cũng sẽ đi.
Tự cười thầm. Cười mỉm. Cái cảm giác lâu rồi không viết nhật kí thật lạ lẫm, cứ như được gặp lại người bạn tri kỉ một thời đã xa cách lâu nay. 


Hồi ấy ai biết mình viết nhật kí cũng kêu mình lập dị, sến, kì cục này nọ. Mình thì không thể lý giải nổi tại sao lại nhiều người có thể sống sót như vậy khi họ không viết? Cảm xúc, kí ức họ bỏ vào đâu nhỉ? Trong tim ư? Lỡ quên mất thì biết lục tìm ở đâu? Thế giới người lớn thật kì lạ. Rắc rối. Khó hiểu. Lạ lẫm. Xa vời.

Và giờ thì chính mình đang bước vào cái thế giới quái đản ấy. Thói quen viết nhật kí bị cuốn phăng đi không chút thương tiếc. Cái gì cuốn? Gió? Cuộc đời? Hay chính mình?

Mỗi lần muốn viết, đặt bút xuống hoặc đặt tay lên bàn phím lại chần chừ, ngượng nghịu. Viết về cái gì đây? Cảm giác háo hức trân trọng từng mảnh ghép nhỏ của cuộc sống đã không còn vẹn nguyên như xưa nữa rồi... phũ phàng thật. Trẻ con, chỉ cần cho nó một cái kẹo là nó sáng bừng rực rỡ chói lóa cả lên, thế giới của nó bay bổng... vậy mà giờ cho mình cả thùng kẹo hay một món quà giá trị, hay đơn giản là một ngày nắng đẹp, gió thổi bình yên, chưa chắc mình đã hạnh phúc được như trẻ con.

Con người sao mà tham lam quá. Cần phải tìm lại bản năng ngày xưa thôi, cái niềm tin yêu cuộc sống vô điều kiện, và trân trọng từng giọt thời gian được trao tặng. Và cái ánh mắt trong, nụ cười trong, trái tim trong lành...
Mà… mình ngày xưa như thế nào nhỉ? Có giống bây giờ không? Nếu khác, khác ở chỗ nào? 

Cảm thấy như mình đang diễn xiếc vậy, tập đi trên cái dây mỏng manh bằng hai bàn chân to bè, dễ ngã, dễ đung đưa, dễ rớt... dễ mất thăng bằng. Cứ một lúc lại phải tự thúc đẩy mình để mà tiến lên. Cảm xúc thì thay đổi từng giây. Những lúc cơ thể mỏi rã rời, đầu óc mụ mị như kẻ mộng du lang thang vẩn vơ đâu đó trong cuộc sống. Đi qua đi lại chẳng biết đang đi đâu.

A, dạo này thích nghe nhạc không lời, thích hát, thích dạo phố một mình ngắm trời mây cho gió hôn vào tóc, hôn lên mặt...  liệu có tự kỉ quá không nhỉ?

Bỗng dưng ngồi nghĩ lan man lung tung, nhớ ngày xưa ba thường nói tuổi thơ các con là sướng nhất, hãy yêu quý, trân trọng nó... sau này có muốn quay về cũng không được đâu. Lúc ấy chẳng hiểu gì hết. Tuổi thơ thì quái gì mà vui. Đi học suốt. Ăn cơm chậm, mồm nhồm nhoàm sợ trễ học bị mắng. Làm bể bát bị mắng. Đi đâu cũng phải xin phép này nọ...

Bây giờ mới hiểu.

Tuổi thơ là khi khóc được mẹ bồng, ôm, lau nước mắt, cho kẹo, dỗ.
Là khi mệt được mẹ ru ngủ.
Là khi ngã thì ba đỡ dậy, phủi bụi cho, lấy bông băng bó.
Là khi tủi thân thì anh chị nắm tay.
Là khi trung thu đến được ba dắt đi mua lồng đèn.
Khi ngủ ba hôn lên trán, ba làm thơ cho nghe. Khi đông về mẹ mua cho áo lạnh. Sáng co ro trong chăn đến 9h, bữa ăn mẹ đã để sẵn trên mâm. 

Là khi sinh nhật có mấy đứa ngồi quanh thổi nến cùng, rồi hì hụi cùng bóc quà.

Là khi được mặc váy xòe đủ màu chi chít hoa cỏ. 

Là khi được mẹ đưa đi tắm biền, được ôm phao.
Là khi đến trường được ngồi sau xe mẹ, tan trường thấy mẹ từ phía xa sau một đám áo trắng tíu tít nhí nhố... 

Là được bứt trộm mấy cành phượng đỏ mỗi khi hè về. 
Là được xếp thuyền giấy thả trên sân trường sau cơn mưa. 
Là khi nhăn nhó mặt mày vì tiếng ve kêu không ngủ được.... 
Là.... tất cả.... những gì đẹp nhất....
Ôi. Kể sao cho hết.


Thời gian trôi.
Ta đã 18.
Ngã phải tự đứng dậy.
Đau phải tự chữa lành vết thương.
Khóc phải tự lau khô nước mắt.
Thích cũng phải cố nhịn mà dành dụm tiền.
Tối không ngủ được phải tự mà ru chính lòng mình bình yên.
Lạnh thì tự mình sưởi ấm bằng li cà phê nhỏ...
Sợ hãi nhưng phải tự bước đi trên đôi chân của mình.

Viết cho một chiều cuối tháng 8.
Nắng lên.
Gió.
Và tôi của ngày hôm nay.

Bài thứ 3

Gửi tặng những Tình yêu đẹp đã qua, gửi tặng những người đang độc hành trên con đường tìm bờ bến của riêng mình. Gửi tặng những yêu thương đã mất và kỉ niệm còn đọng lại”

Rồi một ngày “21”nữa lại đến như muốn thú nhận rằng, ta đang đếm nghĩa là ta chưa thể quên. Đâu nhanh đến thế và đâu dễ đến thế. Ta chỉ có thể tự nắm tay mình, tự kéo mình dậy và bước đi. Những bước đi run run khi vết thương vẫn chưa lành hẳn. Quá sâu và quá sắc. Có gì đó cứa vào tâm hồn ta như một vết cắt mãi mãi. Ta chỉ có thể biết thế nào là đúng, thế nào là sai, thế nào là nên và thế nào là không nên.

Mong manh lắm, cũng đã khác xưa nhiều. Cảm giác ấy vẫn tồn tại, những cái gọi là “vừa mới cũ” vẫn còn ve vảng đâu đây. Đã tỉnh sau cơn say nhưng khi nghe phảng phất men “rượu” thì vẫn còn chênh chao lắm. Ừ thì, vì ta là con gái, là con gái thôi nên không có đủ “mạnh mẽ và bản lĩnh như một người đàn ông” như anh đã nói. Dù sao như vậy cũng là quá tốt rồi. Phải thật chậm rãi, phải thật chắc chắn để mà đi tiếp.

Đôi khi, sự sợ hãi khiến ta chỉ muốn nhắm mắt lại mà đi. Không muốn nhìn về phía trước, không muốn ngoảnh mặt tìm phía sau, không muốn thấy sự ớn lạnh đe dọa từ những thứ xung quanh.


“ Yêu cũng quen mà xa cũng quen, có cũng quen mà mất cũng quen” Phải tập cách quen để đối mặt với cuộc sống, phải tập cách quen để đi xuyên qua. 

Quen thôi chứ chưa hẳn là quên. “Quen” và “quên” vốn là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau. Nhưng một thứ ta có thể dần tập trong cuộc sống còn một thứ càng cố gắng thì càng không thể nào làm được

Có đôi khi vì quá quen mà ta nghĩ rằng mình đã quên.

Nhưng chính thực tế, chính năm tháng và lòng mình sẽ cho ta thấy được có thực sự quên hay chưa. Khi ta quen với cảm giác một mình trên mọi con đường, khi ta không còn thấy ghen tỵ với bao đôi tình nhân trong ngày lễ lúc lang thang trên phố, khi ta quen với việc không một tin nhắn chúc ngủ ngon và chào ngày mới, khi ta quen với không một lời hỏi thăm hay nắm chặt tay trong cơn sốt miên man từ một người, khi ta quen với … quá nhiều thứ mà trước đây với ta là cả khung trời kỉ niệm và hạnh phúc….nghĩa là…ta vẫn có thể sống tốt được với cái gọi là “một mình”

Nhưng biết mình đã thực sự quên chưa hay chỉ là “ngộ nhận”

Những lúc trái gió trở trời ta có thấy hơi thở nặng nề hơn không? Những lúc đi ngang con đường cũ với những khung cảnh ngày ấy như chập chờn, những lúc nghe một bản nhạc ngày nào từ đâu vang lên…. ta có thấy buốt lòng không đây

Những lúc nhìn bao đôi vui đùa hạnh phúc ta có thấy mình của ngày xưa không, rồi thoáng trong đầu như một ước mong rằng từ phía sau có ai đó đưa tay níu lại mình. Khi vô tình có một bòng hình nào đó “trông rất giống” thoáng qua làm mắt ta dõi theo níu bước chân đi cùng một cách vô thức, khi thấy cái nickname quen thuộc lâu nay tắt ngắm giờ bỗng sáng lên với câu báo “...is now online” ta bỗng giật mình, như có một tia sét nào đó vừa đánh ngang tim làm ta chênh chao hơn bao giờ hết, không gõ nỗi một phím mà chỉ ngồi chết lặng từng giờ…

Và còn nhiều, nhiều điều như thế nữa để ta biết được rằng mình quên hay chưa. Nhưng đừng xấu hổ, đừng quá tự gượng ép mình, đừng quá mệt mỏi vì điều đó vì chỉ cần quen thôi ta đã giỏi lắm rồi.

Cuộc sống không phải là cố gắng níu giữ nhưng cũng không phải là xóa sạch hoàn toàn quá khứ. Cuộc sống là khi lấy quá khứ làm hành trang để tiếp tục bước đi. Những kỉ niệm vốn dĩ quá ngọt ngào nên mới để lại nhiều nỗi đau khi nó mất đi. Kỉ niệm, giúp ta biết cảm ơn và thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn và nỗi đau cho ta bài học đi cùng năm tháng, âu đó cũng là “học phí cuộc đời”

Bài thứ 4

Hôm nay, con về thăm lại trường. Con dậy sớm, đứng trước gương, mãi ko biết nên mặc gì cho ngày hôm nay. Phải mặc làm sao để nhìn chững chạc, ra dáng 1 sinh viên chứ. Con mỉm cười trước gương, nghĩ tới những nơi mình sẽ đi, những việc mình sẽ làm trong ngày hôm nay, trong lòng tràn ngập 1 niềm vui sướng. Cảm giác lạ lắm, háo hức lắm...

Con mặc lại chiếc áo đồng phục đã ủ ấm con suốt 3 mùa đông qua (và ngay cả bây giờ con vẫn mang theo). Con đi trong sân trường, dường như con vẫn là học sinh. Sân trường vẫn đẹp như ngày nào. Vẫn hàng cây xanh đã bao đêm theo con vào giấc ngủ cùng tà áo dài trắng. Vẫn dãy nhà 4 tầng, con nghe đâu đây tiếng mình chạy nhảy, nô đùa... Cây liễu một thời con nép mình chụp ảnh. Mọi thứ yên bình, tĩnh mịch trong 1 buổi sáng mùa thu đẹp trời. Con nghĩ rằng mình đang mơ, giấc mơ trở thành SV mà thôi, chứ thực ra, con vẫn là 1 con nhóc lớp 12...

Con chụp ảnh trường mình. Những góc sân, khoảng trời quen thuộc quá. Nó có trong những bức ảnh hồi cuối năm. Nhưng lúc đó, phượng nở 1 màu nhức nhối, còn bây giờ, có hàng xà cừ rụng lá vàng đón con...Đâu đó vang lên lời 1 bài hát " Trường xưa hỡi chúng tôi về đây...Nhìn tôi xem giờ nay khác xưa rồi..."

Con đi dọc hành lang, nghe tiếng bước chân hối hả những ngày cặm cụi đi lấy sổ đầu bài mỗi sáng sớm. Theo thói quen, con vừa đi vừa thả hồn vào khoảng sân rợp bóng. Trời thu, hình như sương giăng giăng. Con thấy mọi thứ huyền ảo quá! Hay là con đang mơ...?

Con về thăm thầy cô. Một nỗi sợ hãi mơ hồ của trẻ con làm con thoáng chút ngập ngừng...Con sợ thầy cô quên con...Con ghen tị khi thấy thầy cô nhắc đến khóa mới...Nhưng chỉ một chút thôi...Lòng con sung sướng vô cùng khi thấy thầy cô rạng rỡ đón con...

Con ngồi lại với thầy cô. Thấy mình bé lắm. Con thích nghe thầy cô hỏi han. Con thích nhìn đám bạn nô đùa, pha trò. Vẫn từng ấy gương mặt, ngồi bên nhau trong những giờ phút hiếm hoi thế này...

Con nhớ đến thầy - thần tượng của con suốt 1 thời tuổi nhỏ. Thầy đã từng nói:" Điểm mạnh và cũng là điểm yếu của con chính là luôn TIN"...Mười năm rồi, con vẫn nhớ như in câu nói ấy, và càng ngày càng nghiệm ra nó đúng biết bao...

Con nhớ đến thầy. Người ko ngần ngại đánh con vào tiết sinh hoạt cuối tuần khi con phá xe đạp của bạn, rồi bày ra bao nhiêu trò nghịch dại khác. Người phong tặng con danh hiệu "Hoa hậu quét nhà" khi con lóng ngóng vụng về cầm chổi quét sân trường. Người mang đến cho con niềm yêu thích với môn Toán, cho con cảm giác phấn khích khi nhằn ra được 1 bài toán khó!

Con nhớ đến cô. Người gieo vào con niềm yêu thích với môn Văn. Cô bảo: "Học văn là học làm người". Cô đưa con đến với bao mộng mơ giữa cuộc đời nhiều bon chen này...Cô khơi nguồn cảm xúc cho con...

Con cảm ơn thầy. Thầy bảo thầy muốn học sinh của mình dũng cảm bơi ra biển lớn chứ ko phải quanh quẩn trong cái ao làng tù túng. Đến bây giờ, khi con chán nản, định cho cái môn học một thời là thế mạnh của mình rơi tự do, thì tin nhắn động viên của thầy đã kéo con lại. Và con biết rằng, mình phải luôn cố gắng, để xứng đáng!
Con cảm ơn cô. Chiếc vòng ABESY - Always beside you mà cô tặng ngày con thành sinh viên có sức nặng ghê gớm. Nó nghiêm khắc nhắc nhở con nỗ lực, sống tốt từng ngày cô ơi! Làm sao con sa ngã được khi đeo nó, cô nhỉ?

Em cảm ơn cô. Mặc dù cô bảo em có thể gọi cô là chị, nhưng em ko làm được cô ơi. Thật lòng ko chỉ đơn thuần coi cô là 1 cô giáo, mà còn là 1 người chị, người bạn lớn. Nhưng em vẫn muốn gọi cô là "Cô" - như vị trí ngày đầu em gặp cô. Cô kiên nhẫn ngồi nghe em nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Cô động viên khi em nhắn tin kêu ca mệt mỏi vì những áp lực từ sức nóng của kì thi lớn nhất đời...

Con cảm ơn thầy cô vì đã cho con được sống trong tình thầy trò nồng ấm, vì đã củng cố trong con niềm tin vào những người cầm phấn khi mà ngày ngày con phải đối mặt với bao nhiêu tin ko hay về đồng nghiệp của thầy cô. Cảm ơn vì đã cho con những giây phút sống lại với thời áo trắng khi ngồi bên thầy cô ôn lại những kỉ niệm xưa...Cảm ơn thầy cô vì những phút giây ngoài giờ lên lớp, những khi thầy cô sống giữa đời thường, nhưng vẫn đáng kính biết nhường nào!

Và con thấy mình may mắn vô cùng khi có một ngày như ngày hôm nay



THỰC HIỆN
- Editor: Rei & Khò
- MC: Hip & Hera
- Sound: Mic

CÁC NHẠC PHẨM SỬ DỤNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH
 
- Đồng Hồ Cát - Quang Vinh
- Hoài Niệm - Hồ Trung Dũng
- Memories - Within Temptation
- Un Piano Sur La Mer - Andre Gagnon
- Memory - Piano
- Dòng Thời Gian - Phan Đình Tùng
- Yesterday - Richard Clayderman
- Những Nụ Cười trở lại- Phuong Vi ft Quốc Thiện
- Thời Gian - Liêu Anh Tuấn