Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Bài viết hay(703)

Việt Nam: Mềm hay cứng?
Xin đừng hiểu lầm: Cả chuyện mềm hay cứng ở đây đều liên quan đến quyền lực.
Trên thế giới, nói đến quyền lực mềm hay cứng, người ta hay liên hệ đến quan hệ giữa nước này và nước khác. Bởi vậy, trong rất nhiều trường hợp, hai khái niệm “quyền lực mềm” (soft power) và chính sách “ngoại giao văn hóa” (cultural diplomacy) được xem như đồng nghĩa với nhau. Tuy nhiên, khái niệm quyền lực mềm và quyền lực cứng không phải chỉ giới hạn trong phạm vi bang giao quốc tế mà còn cả trong chính trị đối nội nữa.
Rất dễ thấy là ở hầu hết các quốc gia dân chủ, chính phủ đều có khuynh hướng sử dụng quyền lực mềm. Không ai dám sử dụng sức mạnh quân sự hay kinh tế để uy hiếp hay thu phục quần chúng cả. Làm thế là vi phạm luật pháp và hậu quả nhãn tiền là chính phủ chắc chắn sẽ bị sụp đổ hay bị thay thế muộn nhất là trong kỳ bầu cử kế tiếp. Mọi chính phủ dân chủ đều tìm cách thuyết phục quần chúng: Giới lãnh đạo thường xuyên xuất hiện trước các cơ quan truyền thông cũng như tiếp xúc trực tiếp với cử tri để giải thích các chính sách cũng như thu phục nhân tâm.
Trong các chế độ độc tài, như Việt Nam, thì khác.
Trước đây, đặc biệt trước năm 1975, ở miền Bắc và trước năm 1954, ở cả nước, chính quyền và đảng Cộng sản sử dụng cả hai loại quyền lực mềm và cứng.
Cứng, họ sẵn sàng trấn áp tất cả những người phản kháng hay bất phục tùng, thậm chí, cả những người có khả năng bất phục tùng: thành phần địa chủ, tư sản, trí thức và một số tôn giáo vốn có quan hệ không mấy hòa thuận với họ (như Công giáo, Cao Đài, và Phật giáo Hòa Hảo). Bộ đội, công an và mật thám được huy động triệt để, lúc nào cũng có mặt để chờ lệnh. Tòa án được sử dụng như một công cụ của chuyên chính vô sản. Án, không những giành cho người bị xem là có tội mà còn cả cho con cháu của họ nữa: không phải án chung thân mà là án truyền kiếp. Chính sách lương thực được ra đời để quản lý bao tử của người dân: ai vâng lời thì cho ăn đủ no; ai bất tuân thì bị bỏ đói.
Cả giáo dục và văn hóa cũng được sử dụng như một thứ quyền lực cứng: thuộc thành phần “phản động” hay “khả nghi” thì không được vào đại học và không được xuất bản hay trình diễn dưới mọi hình thức. Y tế cũng vậy: có bệnh viện riêng cho dân chúng và bệnh viện riêng cho cán bộ. Giữa cán bộ cấp cao và cấp thấp cũng khác: bệnh viện khác, bác sĩ khác, thuốc men khác, cách thức đối đãi cũng khác.
Cuối cùng, ngay cả nghĩa địa cũng trở thành nơi mặc cả của quyền lực: giới lãnh đạo trung ương cũng như những người được xem là có công với “cách mạng” được chôn cất tử tế ở những nghĩa trang sang trọng hơn (như nghĩa trang Mai Dịch, được xây dựng từ năm 1956 ở Hà Nội).
Nhưng bên cạnh quyền lực cứng, họ cũng không quên sử dụng quyền lực mềm một cách thường xuyên với hệ thống truyền thông đại chúng ra rả vào tai của từng người, từng người. Trong cái gọi là quyền lực mềm ấy, chính quyền và đảng cộng sản sử dụng chủ yếu ba thứ: một, truyền thống; hai, lý tưởng; và ba, huyền thoại.
Về truyền thống, người ta viết lại lịch sử của dân tộc, chỉ nhấn mạnh vào khía cạnh tích cực, phù hợp với những điều nhà cầm quyền muốn tuyên dương. Trước năm 1975, Tố Hữu có câu thơ rất tiêu biểu cho việc sử dụng truyền thống ấy: “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”. Khi sử dụng truyền thống, người ta không những cổ vũ cho lòng yêu nước mà còn cổ vũ cho cả tinh thần bài ngoại, đặc biệt bài Tây phương: Tây phương đồng nghĩa với đế quốc và xâm lược.
Về lý tưởng, họ nhấn mạnh đến hai cấp độ khác nhau: Ở bình diện quốc gia, đó là sự độc lập, thống nhất và tự do; ở bình diện quốc tế, đó là sự bình đẳng, hòa bình và thịnh vượng. Ở cả hai bình diện, lý tưởng nào cũng cao cả. Vì chúng, người ta sẵn sàng hy sinh cả tính mạng và gia đình của mình.
Về huyền thoại, có thể nói, trong lịch sử, không có chế độ nào sản xuất ra nhiều huyền thoại như là chế độ cộng sản. Xưa, cũng có huyền thoại, nhưng do điều kiện in ấn cũng như truyền thông hạn chế, chỉ phổ biến qua tin đồn, số lượng huyền thoại của mỗi hoàng đế cũng như mỗi triều đại khá hạn chế. Trong khi đó, chủ nghĩa cộng sản ra đời cùng với sự phát triển vượt bậc của các loại hình truyền thông, từ sách và báo đến truyền thanh và truyền hình. Tất cả đều được tận dụng để xây dựng huyền thoại. Không phải chỉ có huyền thoại về đảng (đỉnh cao trí tuệ và bách chiến bách thắng) mà còn có huyền thoại về từng cá nhân trong giới lãnh đạo. Sức hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản trước năm 1975 chủ yếu là sức hấp dẫn của huyền thoại.
Sau này, đặc biệt trong khoảng một hai thập niên trở lại đây, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cố gắng tuyên truyền nhưng rõ ràng là vấn đề tuyên truyền của họ gặp rất nhiều khó khăn. Người ta vẫn giữ độc quyền, hoàn toàn độc quyền trong lãnh vực truyền thông, nhưng với sự phát triển của các hình thức truyền thông xã hội mới gắn liền với internet, như blog hay facebook, tính chất độc quyền ấy dần dần lộ ra những vết thủng to lớn.
Mất độc quyền về truyền thông, người ta cũng mất cả độc quyền trong việc viết lại lịch sử. Truyền thống không còn đứng về phía nhà cầm quyền nữa. Ngoài ra, trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, cái gọi là truyền thống không chỉ giới hạn trong nội bộ một quốc gia mà còn mở rộng ra cả nhân loại. Nhưng truyền thống nhân loại lại gắn liền với quá trình tự do hóa và dân chủ hóa, hầu như hoàn toàn trái ngược với thực tại Việt Nam. Càng nói nhiều đến truyền thống nhân loại, bộ mặt thật của chế độ lại càng trở nên đen đúa.
Còn các lý tưởng, vốn là những điểm mạnh nhất để nối kết mọi người lại với nhau, thì lại bị sụp đổ, thoạt đầu, một phần, ngay từ tháng 4 năm 1975, khi người dân miền Bắc đối diện với thực tế tương đối sung túc và có văn hóa ở miền Nam và người dân miền Nam đối diện với thực tế bần cùng ở miền Bắc; sau đó, hầu như sụp đổ hoàn toàn khi các chế độ cộng sản ở Nga và Đông Âu lần lượt cáo chung.
Sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới cũng dẫn đến sự sụp đổ của các huyền thoại liên quan đến đảng và lãnh tụ ở Việt Nam. Nhìn lại, trong giới lãnh đạo cộng sản, chỉ có hai người còn ít nhiều lấp lánh hào quang của huyền thoại: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Điều nghịch lý là sự tồn tại dai dẳng của các huyền thoại gắn liền với hai nhân vật này không xuất phát từ tài năng hay công lao của họ mà chủ yếu là từ tính chất nạn nhân của họ: Cả hai đều được tô vẽ như những kẻ bị tước đoạt quyền lực. Không những Võ Nguyên Giáp mà cả Hồ Chí Minh nữa, ngay từ đầu thập niên 1960, đã bị Lê Duẩn và Lê Đức Thọ tước hết mọi quyền lực. Họ không còn quyền quyết định gì nữa. Một phần, nhờ thế, họ trở thành những kẻ vô tội trước các sai lầm và các tội ác mà đảng đã phạm phải từ đó về sau.
Không có truyền thống, lý tưởng và huyền thoại, nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn mất hết khả năng sử dụng quyền lực mềm. Ngay cả những phương tiện, ở những nơi khác, vốn gắn liền với quyền lực mềm, như truyền thông và giáo dục, ở Việt Nam, những năm gần đây, cũng đều trở thành biểu hiện của quyền lực cứng. Trong sinh hoạt truyền thông, những buổi giao ban của họ được hình dung như những buổi đấu tố; trên mặt báo hay màn hình, họ xuất hiện một cách hung hãn với những lời lẽ đe dọa, vu khống, trấn áp đầy thô bạo. Họ mở ra vô số các phiên tòa để kết tội những người lên tiếng đòi hỏi tự do, dân chủ, hoặc thậm chí, chủ quyền quốc gia.
Quyền lực cứng, thực sự cứng, lại càng được sử dụng triệt để. Với dân chúng đòi đất hoặc chống lại lệnh cưỡng chế ư? Họ xua công an đến đánh dập dã man. Với những người xuống đường biểu tình chống lại Trung Quốc ư? Họ cũng đạp vào mặt, còng tay, chụp mũ cho một cái tội vớ vẩn gì đó để thẩy vào nhà tù. Với dân chúng bình thường và vô tội khác, họ cũng không ngớt uy hiếp để người ta phải sợ hãi. Thỉnh thoảng lại có tin người này người nọ bị công an đánh chết.
Về phương diện kinh tế, người ta khăng khăng giữ lại thành phần kinh tế quốc doanh chủ yếu để, ngoài việc làm giàu cho cá nhân và gia đình, còn dễ dàng mua chuộc sự trung thành của các thuộc hạ. Các chức vụ được sử dụng như hình thức thưởng công và kết bè kết cánh.
Trong quan hệ quốc tế, người ta thấy rõ và càng ngày càng thấy rõ quyền lực cứng rất ít có kết quả. Mạnh như Mỹ mà vẫn không thành công ở Iraq và Afghanistan, ở Iran và Bắc Hàn, ở Libya và Syria. Trong phạm vi quốc gia, với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu vào cuối thập niên 1980 và sự sụp đổ của nhiều chế độ độc tài ở Trung Đông trong mấy năm vừa qua, người ta càng thấy rõ việc sử dụng quyền lực cứng đối với dân chúng không những không có hiệu quả mà còn không có triển vọng tồn tại lâu dài.
Số phận của những người chỉ biết sử dụng quyền lực cứng là chui dưới hầm (như Saddam Hussein) hoặc dưới ống cống (như Muammar Gaddafi).
Và vật cuối cùng họ được nhìn thấy là nòng súng hoặc sợi dây thòng lọng.
Nguyễn Hưng Quốc
Động binh, tịnh dân
Tôi không có ý kiến gì về việc các nhà lập pháp định cho trai tráng được đóng tiền thi hành nghĩa vụ quân sự thay cho nhập ngũ. Tôi cũng không phản đối quan điểm coi việc thi hành nghĩa vụ quân sự là nhằm để xây dựng "quốc phòng toàn dân". Nhưng tôi cho rằng, khi đất nước không còn "ngoại xâm" mà vẫn tổ chức bộ máy quốc phòng theo mô hình "chiến tranh nhân dân" thì không thể nào xây dựng Luật nghĩa vụ quân sự đúng đắn và phù hợp.
Cho dù "chiến tranh xâm lược" trong tương lai chắc chắn sẽ không còn diễn ra như thời người Pháp, người Mỹ tham chiến ở Việt Nam, "chiến tranh nhân dân" vẫn có vai trò trong điều kiện một quốc gia bị quân đội nước ngoài chiếm đóng. "Muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh". Nhưng, chuẩn bị cho chiến tranh không có nghĩa là tổ chức bộ máy quốc phòng giống như đất nước đang ở giữa hòn tên mũi đạn.
Chiến tranh đã lùi xa một phần tư thế kỷ, bộ máy quốc phòng vẫn được tổ chức không khác gì thời chống Mỹ, trên có quân khu, tỉnh đội; dưới có huyện đội, xã đội. Không ai dám đặt vấn đề về tính thích hợp của mô hình này bởi chủ trương xây dựng "quốc phòng toàn dân" là theo đường lối" chiến tranh nhân dân" của Đảng (tôi không nói đến những đặc quyền khác).
Việc duy trì một lực lượng quân sự địa phương với một lực lượng lớn dân binh như vậy không những làm phân tán nguồn lực, hạn chế khả năng hiện đại hóa lực lượng chính quy, mà còn làm suy yếu khả năng chiến tranh nhân dân trong điều kiện xảy ra chiến tranh xâm lược.
Chiến tranh xâm lược (toàn cục) hiện chưa phải là một nguy cơ gần. Trong điều kiện đó, một quốc gia khôn ngoan cần chuyên nghiệp hóa lực lượng chính quy đồng thời tổ chức huấn luyện để trai tráng biết cầm súng khi xảy ra chiến tranh thực sự.
Lực lượng chính quy, với một quốc gia như Việt nam, bên cạnh hải quân, không quân - được tổ chức sao cho đảm bảo giữ gìn toàn vẹn biển đảo - nên tổ chức thành các sư đoàn độc lập và các quân đoàn chủ lực. Nguồn nhân lực cho lực lượng chính quy này được tuyển dụng dựa trên cơ sở tự nguyện. Binh nghiệp trở thành một nghề, một sự nghiệp của công dân.
Tất cả trai tráng còn lại, trong độ tuổi từ 18-25, bị buộc phải thi hành "nghĩa vụ huấn luyện quân sự". Họ được quyền sắp xếp thời gian thích hợp để đăng ký các lớp huấn luyện, có thể kéo dài tới 6 tuần, sao cho không ảnh hưởng đến việc học hành, làm việc của mình. Hết tuổi 25, ai chưa đăng ký sẽ bị phạt và bị cưỡng bức đưa đi huấn luyện.
Từ các khóa huấn luyện trở về, thanh niên phải đăng ký vào các sư đoàn quân dự bị được "biên chế" ở các tỉnh, thành. Chuyển sang tỉnh khác thì phải thông báo cho sư đoàn dự bị ở nơi mới biết. Sau khi đăng ký, họ có quyền trở về nhà làm ăn, sinh sống. "Động binh, tịnh dân".
Cách tổ chức bộ máy quốc phòng như vậy vừa giúp quốc gia khai thác nguồn nhân lực khoa học. Những người có khả năng cống hiến tốt hơn trên những lĩnh vực kinh tế, văn hóa... không bị giữ quá lâu trong các doanh trại. Những người yêu đời lính có thể coi đó là sự nghiệp của cuộc đời mình. Những người lính thiện chiến không phải rời cây súng sau khi làm xong nghĩa vụ. Cách tổ chức như vậy vừa giúp xây dựng hình ảnh "anh bộ đội" mạnh mẽ, đáng tin cậy, vừa giúp quốc gia có được một khả năng vận hành chiến tranh nhân dân hiệu quả hơn mà, trong thời bình, không phải duy trìmột lực lượng dân binh nhếch nhác và tốn kém.
Làm chính sách quốc phòng thì trước hết phải nghĩ đến từng tấc đất của tiền nhân và sinh mạng của nhân dân. Làm chính sách quốc phòng mà chỉ tìm kiếm sự trung thành rồi cho cát cứ, rồi "ban sao", "đẻ ghế", thì chẳng những bỗng lộc cá nhân cũng không được hưởng lâu bền mà lãnh thổ quốc gia cũng khó lòng giữ vẹn.
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú: Tôi rất dị ứng với lối lập luận theo kiểu cả vú lấp miệng em “nhiều nước khác cũng làm vậy”. Người đưa ra lập luận kiểu này thường không dẫn chứng gì cả nên rất khó kiểm chứng và cũng rất khó phản bác.
Nói chuyện sửa Luật Nghĩa vụ quân sự để tính tới việc cho phép đóng một khoản tiền thay vì thực hiện nghĩa vụ quân sự, ông Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng “Tham khảo nhiều nước trên thế giới, chúng tôi thấy họ làm thế và có hiệu quả, người dân hài lòng” (NLĐ).
Nghe lập luận đóng tiền để khỏi đi nghĩa vụ quân sự là đã thấy mùi tiền, mùi bất công, mùi con ông cháu cha nấp đằng sau, đẩy con em nông dân nghèo ra phía trước. Nhưng có thể nhiều người tin theo ông Nhã rằng nhiều nước trên thế giới làm thế! Làm sao đọc luật từng nước của hàng trăm nước trên thế giới để kiểm chứng lời ông này?
Nhưng chỉ cần research sơ là thấy ngay bức tranh tổng thể. Nhìn chung các nước trên thế giới hoặc có chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc hoặc không có (dựa vào tình nguyện) (như Mỹ, Canada, Úc...). Số nước của hai bên coi như bằng nhau (từ cần tìm là conscription). Trong các nước áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc, một số rất ít là có áp dụng nghĩa vụ thay thế (từ cần tìm là alternative service). Trong số ít nước áp dụng nghĩa vụ thay thế thì đa phần là các dạng phục vụ dân sự như tình nguyện làm việc tại bệnh viện, nhà dưỡng lão. Chưa thấy nơi nào dùng nghĩa vụ thay thế là tiền cả (chưa tìm ra, trừ nước Mỹ... thời kỳ nội chiến!). Vậy có thể tạm thời kết luận ông Nhã nói “nhiều nước” là nói lấy được .Huy Đức  
Vì “đời cha thằng khác ăn mặn”
ĐBQH Phạm Trọng Nhân thẳng toẹt bằng mấy chữ tuyệt vời “tận thu, tận gom trong nhiệm kỳ”
Một buổi chiều ngắn ngủi bàng bạc trong gió đông bắc đầu mùa, nghị trường nóng bỏng khi mà lặp đi lặp lại từ phát biểu này sang phát biểu kia những từ ngữ chứa đựng chút ít xót xa và rất nhiều bức xúc. Nào là “Dàn trải”. Nào là “Bỏ hoang”. Nào là “Nợ đọng”. Rồi thì “Trách nhiệm”. Rồi thì “Thất thoát”. “Tham Nhũng”. “Lãng Phí”.
Chẳng cần giới thiệu gì thêm cũng biết là Quốc hội đang bàn về Luật Đầu tư công.
Chỉ một chữ “công”, trong phân biệt với chữ “tư”, cho ra rất nhiều sự thật mà chúng ta đang phải đương nhiên chấp nhận.
Sự thật đầu tiên là làm cái gì bằng tiền thuế của dân cũng đắt hơn làm bằng tiền túi của dân. Thì đó, một cái nhà WC dát vàng ở Thủ đô chưa có thiết kế đã được Chủ đầu tư tính toán hết “có 1 tỷ”. Trong khi các nhà thầu sẵn sàng làm với giá 300 triệu.
Sự thật thứ hai là các công trình công có khi chưa kịp khánh thành đã hỏng hóc.
Sự thật thứ ba là chỉ có các công trình công mới làm xong rồi bỏ hoang. Ở đâu ra ư, ngay “dưới chân” Bộ trưởng Bộ KH và ĐT, trong hình hài của những trụ sở, những khu chợ, những mái trường, những bảo tàng, những công viên, mà có người thật nhiều hơn đùa gọi là “công viên nòng nọc” hay “bảo tàng muỗi”. Nhưng rất lạ, cái bỏ hoang cứ bỏ hoang, cái “cần thiết” vẫn được đệ trình để xây mới.
Nhớ hôm thảo luận tổ, Bộ trưởng Vinh dốc gan ruột bảo “cứ để theo cái phong trào như cách đây ba, bốn năm thì không biết hôm nay sẽ vỡ nợ như thế nào. Tôi có thể nói là đất nước này vỡ nợ do xây dựng cơ bản tràn lan”.
Cái phong trào đó, chiều qua đã được ĐBQH Phạm Trọng Nhân thẳng toẹt bằng mấy chữ “tận thu, tận gom trong nhiệm kỳ”. Hay nói như Bộ trưởng Vinh là “cứ vay, cứ làm, rồi tạm ứng kho bạc trước, cứ nói với doanh nghiệp là anh đi vay về làm đi rồi tôi tìm cách trả nhưng không có tiền trả”.
Tư duy nhiệm kỳ một thời từng khiến cả một tỉnh thành đại công trường dang dở. Và tư duy nhiệm kỳ khiến các quan chức mỗi độ cáo lão bỗng ùn ùn xây biệt thự. Còn nợ nần thì dân chịu. Dân chưa trả hết thì con dân trả, cháu dân trả…Không ngẫu nhiên, mười mấy ý kiến phát biểu hội trường, đã 3-4 ý kiến nói nhắc đến nợ nần. Nợ của ngày hôm nay và món nợ mà con cháu phải trả ngày mai. Một món nợ, mà dân gian thời @ đã nói chính xác tuyệt đối, vì “đời cha thằng khác ăn mặn”.
Cũng hôm qua, ĐBQH Lê Thị Nguyệt đã đề xuất một cơ chế gọi là “trách nhiệm đến cùng”. Nói mĩ miều là tránh tư duy nhiệm kỳ, gắn trách nhiệm với người đứng đầu và truy trách nhiệm để “tránh việc cứ ký rồi con cháu trả”.
Nhưng trong ngày QH họp bàn về đầu tư công, thật mỉa mai, báo chí đưa tin một huyện ở ngoại thành Hà Nội đang “xin” được đầu tư 20 cái nhà WC công cộng. Còn ở Hải Phòng, 3 hôm trước, người ta, không hề đỏ mặt, giải thích lý do không truy cứu trách nhiệm trước sai phạm của một quan chức ngành tòa án là vì ông này đã về hưu.
Đấy, lại là dân gian nói không sai “Hạ cánh an toàn”. Còn thứ “Kim bài miễn tất” từ chính trong tư duy những người thực thi pháp luật như vậy thì làm sao mà thay đổi được gì!  Đào Tuấn 
Làm người chứ làm gì?
Bạn hỏi tui: mi qua xứ văn minh tư bản giãy chết có gì vui, kể tau nghe. Ừ, để tui kể cho nghe.
Nhà quê lên Paris Bữa tui mới đến Paris, bạn tui mua cho tui cái vé tàu từ ngoại ô về trung tâm Paris, chỉ đường cho tui tự đi mà ngó nghiêng cái kinh đô nổi tiếng lãng mạn này. Tui lang thang khắp nơi, tới khi quay về lại ngoại ô, cũng đúng gare bắt RER (*), tui ung dung ngồi chờ gare đến. Vậy mà tới La Defense, tàu dừng, tui ngồi cả 10 phút mà không thấy tàu chạy. Tui nghĩ bụng chắc là tàu tránh nhau hay gì đây chứ ở VN mình, tàu nó trễ 30 phút cũng là chuyện thường đó mà, tới máy bay còn trễ cả mấy tiếng.
Thế rồi bỗng dưng có một người đàn ông tay xách cặp tiến đến trước mặt tui, ngồi xuống, nhìn tui đắm đuối. Ai da, ở VN tui toàn bị mấy cha già dê ra đàng ngó tui chằm chằm, ăn nói tục tĩu rồi, cho nên tự dưng thấy ông này đến là máu tự vệ trong người tui trỗi dậy nghen. Tui ngó xung quanh, chết mẹ, sao không có ai cả vậy nè, vậy thì có chuyện gì mình sẽ chạy lòng vòng từ toa này tới toa kia, từ tầng trên tới tầng dưới, không dễ gì hiếp được ngoại đâu nhen con. Nghĩ rứa nên tui ngó thẳng mặt ổng. Cái rồi ổng nói tui: “Quý cô thân mến, quý cô về đâu đới?” “Tui về Cergy. Ông muốn gì?” “Oh, về Cergy à, cô hãy đi theo tôi.” Rồi ông ta bước ra ngoài. Trời ơi, cái đường hầm tối thui, có một cái hành lang bằng tấm đanh bê tông kẹp sát thân tàu. Giờ làm sao? Tự dưng đi theo chả ra ngoài tối thui vậy trời. Nhứt định lão âm mưu gì đây rồi. Ông ta ngoắt tay, tui lắc đầu. “Không, ông đi mình ông đi, tui chờ tàu chạy.” “Nhưng cái tàu này nó không về Cergy, cô ạ! Nó sẽ quay lại Paris.” “Ơ, thế về lại Paris rồi tui đổi tàu về Cergy. Tui không đi với ông đâu.”
Ông ta có vẻ bực mình rồi, ổng nói: “Nè cô, đi theo tôi đi.” “Không mà!” “Tôi là người lái tàu mà!” “Sao tui biết ông là ông lái tàu chơ. Ông đi đi.” Xong tui leo lên tầng trên, ổng lên tầng trên. Tui lộn xuống tầng dưới, ổng xuống tầng dưới, y như phim hiếp dâm rượt đuổi vậy á. Rồi tự dưng tui ngó quanh, ờ hén, sao cái tàu này không có ai ngoài mình nhỉ? Vậy chắc nó dừng ở đây thiệt rồi. Còn ông ta thì hoảng hồn vì tự dưng tui chạy zòng zòng, vậy là ổng đưa cái thẻ cho tui coi: “Đây, tui là người lái tàu nè.” Cái ổng cầm bộ đàm lên ổng nói với ai đó rằng có một quý cô ở đây không chịu ra khỏi tàu. Tui nghĩ bụng, ui cha, ở VN á, cảnh sát giao thông cầm bộ đàm nói với người bắn tốc độ ở đâu đó rằng mình đã đi xe quá tốc độ tối đa 4km, mình cãi được đâu, dù mình biết cảnh sát nói điêu. Cha này cầm bộ đàm vậy chơ ai biết chả là ai, còn cả cái thẻ thì VN mình làm giả cũng được vạn cái.
Thế nhưng mà giờ cũng đâu làm gì được, thôi tui theo ổng ra khỏi tàu đi. Cuối cùng ổng cũng thở phào, đưa tui đi dọc cái hành lang tối om đó, tới cái đầu toa, xong ổng đưa tui vô buồng lái rồi lái tàu về gare. Ổng cười, trong khi tui quê bỏ mẹ. Tui nói: “Xin lỗi vì đã nghi ngờ ông.” “Không sao mà, xin lỗi cô vì đã làm cô sợ. Có lẽ thông báo trên loa không rõ lắm, lẽ ra chúng tôi phải nói chậm hơn.” (Ổng thiệt là khéo léo, tiếng Pháp nói người Pháp ai cũng hiểu, chỉ có mình không hiểu chứ lỗi chi của bọn nhà gare đâu.)
Vừa ra khỏi tàu là có hai cô người Tây đón tiếp tui rất nhiệt tình, đưa tui sang đường tàu bên cạnh để về Cergy. Lần đó tui quê muối mặt không biết để mô cho hết, vừa đi vừa nói với hai cô kia: “Nói với ông ấy tôi xin lỗi vì đã không tin ông ta. Có lẽ tôi làm tàu trễ giờ, tôi hết sức xin lỗi.” Đúng là mình ở thiên đường xã hội chủ nghĩa vốn không tin được ai, thầy cô giáo dối mình, đi làm sếp lừa mình, đồng nghiệp chơi xỏ mình, ra đàng cảnh sát ăn chặn mình, còn chính phủ mình thì toàn nói điêu. Hỏi chứ mỗi khi bộ trưởng lên trấn an: xăng không tăng giá là 2 hôm sau tăng lên cả 1000 đồng, sống 32 năm như rứa rồi thì hỏi răng một sớm một chiều mình có thể tin tưởng người lạ được chứ.
Công việc lý tưởng Cái hồi tui ở Việt Nam, bạn bè tui toàn nói: “Thế giới chừ chỉ có thằng Mỹ là ngon, nó làm ra đủ thứ, chứ bọn Pháp lười lắm, lười lắm. Suốt ngày chúng nó biểu tình, làm ăn thì đòi nghỉ, như rứa nghèo phải rồi, nghèo phải rồi.” Tui qua đây, tui nói chuyện thì tui mới thấy điều đó không hoàn toàn như rứa. Tính ra bấy nay chửi bọn Pháp cũng oan.
Bạn bè tui ở đây đều là dân gốc Pháp hết. Tụi nó cũng than vãn ghê lắm, nhưng tới khi nói chuyện thì tui mới hiểu ra như vầy. Tụi nó không phải chê công việc tay chưn như Việt Nam mình thường nghĩ, tụi nó chỉ chán những công việc mà nó chẳng có cái gì tiến triển, không tạo điều kiện cho đầu óc tư duy, không đem lại những lợi ích cho xã hội (ít ra là theo nó nghĩ như rứa.) Thằng bạn tui làm ở bên tổng đài điện thoại, tháng làm 15 đêm, lương có vẻ không tệ nhưng nó nói vầy: “Tau không ưng cái job của tau. Làm đêm thì cũng được đi, nhưng mà tau hỏi mày, cái bọn gọi điện thoại ấy, nó nghĩ nó có tiền, nó nghĩ nó có quyền, muốn ăn nói sao nói. Làm con người phải nói chuyện cho tử tế chứ. Tau đang học online cái bằng IT, xong tau đổi việc, tau không ưng làm với bọn nớ.” “Rứa chứ đổi việc thì mi ưng làm chi?” Nó nói: “Làm chi á, tau ưng làm mấy cái phần mềm cho các trung tâm công ích xã hội. Lương chắc không bằng bên đây nhưng tau nghĩ là việc tau làm có ích cho người thiệt thòi chứ không chỉ hầu hạ cho bọn giàu.”
Có bữa nọ, cả đám bạn bè tui tụ bạ trước khi đi nghe rock dưới tàu. Cứ chừng vài tuần tụi tui lại tụ bạ 1 lần, tụi nó thường ưng ăn chả giò tui làm rồi uống rượu và tám. Tui hỏi tụi nó: “Công việc lý tưởng là chi, theo tụi bay?” Đứa thì nói tau ưng nhứt công việc của tau bây chừ, tau dạy lịch sử mỹ thuật cho đại học Bordeaux (cô này ở Bordeaux qua chơi.) Mỗi năm tau lại gặp những con người khác nhau, chỉ có một điểm chung là họ đều yêu nghệ thuật. Đứa thì nói tau ưng nhứt là được nghiên cứu về thực vật, tau ưng đi trồng cây. Công việc thú vị có lẽ là làm ở các khu bảo tồn hoặc trồng cây, cắt lá, dọn dẹp trong công viên. Có đứa lại nói: tau ưng đi chụp hình. Tụi tau đang chụp hình nè, và nếu kiếm được tiền đủ sống từ cái việc này, tau không thèm làm IT nữa, hại não bỏ cha đi. Tui hỏi: “Mà sao tụi bay than thở quá vậy? Người Việt Nam tụi tau đâu có biết kỳ nghỉ là cái gì ngoài kỳ nghỉ của công ty tổ chức hoặc nghỉ Tết. Tụi bay 1 năm nghỉ gần 2 tháng mà bay còn than.” Tụi nó nói: tụi tau cần phải nghỉ ngơi vì mày nghĩ đi, bọn sếp ấy, nó toàn biết tiền, ngày nào mày cũng dòm cái mặt của thằng cha mà nó chỉ yêu quý tiền chứ không yêu loài người, mày ưng không? Với cả tụi tau nghĩ rằng một năm phải đi đâu đó, như Việt Nam chẳng hạn, để được ăn cái món khác, để được thấy con người ta tạo ra sản phẩm theo một cách khác. Nhưng tau cũng thừa nhận với mày là đúng, tụi tau rất ưa than thở, mà tau không biết vì sao tụi tau lại than thở nữa. Rồi tụi nó cười khà khà. Tui nói: một năm ví như tụi bay làm việc 5 ngày, nghỉ 360 ngày, chắc tụi bay cũng than vãn quá. Tụi nó nói: đúng rồi, đúng rồi, chắc tụi tau vẫn than vãn, haha.
Ăn uống Tui vốn dân Quảng Nam nên bảo thủ trong chuyện ăn uống lắm, dễ dầu chi mà thử cái mới. Bọn Tây nó ăn đủ thứ, nó ăn pasta của bọn Ý, nó ăn couscous của bọn Tunisie, nó ăn nem, ăn phở của Việt Nam, nó ăn cả mấy món yam kung của Thái. Món nào nó cũng nói ngon. Nó hỏi tui: người Việt Nam tụi bay nói chung, một tuần đi ra ngoài ăn món ngoại quốc khoảng mấy lần? Ơ, nói hỏi mình ngớ nghe, hình như người Việt mình chỉ có bọn ở thành phố mới thử ăn đồ lạ, mà có thử cũng chỉ ăn đồ Hàn, đồ Nhật, đồ Thái, ít đồ Ấn Độ. Đồ Tây cũng chỉ ăn những món quen thuộc như pasta, pizza vậy thôi. Bọn bạn tui nói: bọn tau ít nhứt một tuần đi ăn món ngoại quốc một lần. Đời mình mà, phải đến chỗ chưa đến, phải ăn thứ chưa ăn, ấy mới là đời vui.
Ừ, nó nói phải. Mình vốn con nhà nông, cái bánh mì cũng là món lạ nên suốt mấy chục năm ăn quen một kiểu, mãi rồi dễ sanh ra cái tính chối từ đồ lạ. Cái gì lạ cũng đều là thứ nguy hiểm, thứ xấu. Bạn bè gặp nhau sau mười năm, khi nó nói mình: chu cha, con Phương chừ thay đổi quá đi bay ơi. Câu đó thường mang ý chê hơn là ý khen. Người mình không ưa bạn bè thay đổi, ưa 10 năm, 20 năm sau con Phương hắn vẫn rứa, hắn phải đầu có chí, mặt quê quê rứa mới là tốt. Nếu hắn có nhuộm tóc thì phải nhuộm theo kiểu hơi vàng vàng, uốn từng lọn như rứa, hắn phải mặc cái áo ấm đính năm hột cườm, cổ áo phải có cái bèo y như hàng trăm cái áo bán ở chợ Cồn thì sự thay đổi nớ mới là khả dĩ chấp nhận được.
Rứa là từ bữa nớ, tui quyết định ăn đồ lạ. Và bất ngờ thay, tui ăn cả fromage fondue Savoyarde (**), cả mấy món fromage thúi nhứt làm cả nhà tui há hốc miệng. Và mắm cái không còn là lựa chọn được ưu tiên duy nhứt trong thực đơn của tui.
Chi tiêu Bọn Tây hắn giải trí khác mình, xưa giờ hẳn ai cũng biết. Bọn Tây hắn ưng đi lang thang ăn đồ lạ, uống thứ lạ. Bọn hắn ưng đi nghe nhạc, ưng coi phim, đặc biệt là bọn hắn ưng đọc sách. Sách bên Tây nó mắc phải biết, cuốn rẻ loại bỏ túi mới dưới 10 euro, loại kha khá cũng hai ba chục euro, mắc lắm. Bọn bạn tui hắn mua cái chi hắn cũng tính toán hết, vậy nên đám tui chơi ít đứa nào có tới 3 giá sách, thường tụi nó có 1 cái thôi, rồi tụi nó mua cuốn này đổi cuốn kia, đưa cho bạn bè đọc để cùng nhau tiết kiệm.
Bọn hắn thường chi tiêu cho sách vở, cho du lịch nhiều nhưng đồ đạc của tụi hắn rất giản tiện nghe. Thằng bạn tui có cái tivi cũng to, loại có đèn hình to tổ chảng chứ không có mỏng mỏng như hàng Việt Nam mô. Vậy mà nó vẫn coi cái tivi đó. Tui nói ở VN tau người ta xài LCD hết đó mày, cho nó gọn. Mà tau cũng không hiểu nghe, nhà tụi bay có 50-60 mét vuông mà không ngại chật, bọn VN tau nhà tụi nó to vãi, mà vẫn cứ ưng cái lép lép. Thằng bạn tui nói: đổi cái tivi gần 200 euro, vô lý quá. 200 euro đó đủ để mày mua vé tàu đi về mấy vùng khác chơi rồi. Chưa kể, mày thải cái tivi này đi, nhà nhà thải tivi đi thì người ta để đâu cho hết, chỉ tổ hại môi trường. Trong khi đó, cái tivi này nó đâu có hư, tau coi tới khi mô hư tau mới bỏ.
Tui lên xe điện, thấy người xài Iphone với cả Samsung nhiều thường là bọn tin tin với (nói thành ra chỗ racist chứ) cả mấy cô da đen, mấy anh Ả Rập là xài nhiều. Cái nớ là bằng trực quan sinh động ta thấy thôi chứ tui không có điều tra thống kê chi cả nghe. Tui cảm nhận rằng dường như trong chúng bạn của tui, chúng nó coi cái chuyện xài điện thoại cả dăm bảy trăm đô nó ngu ngốc lắm. Bởi vì, với 50 euro, chúng có thể đi bơi 1 tháng ở hồ bơi trong khu vực, với 10 euro, con gái của nó có thể cưỡi Poney trong công viên suốt 2 tiếng đồng hồ, vừa quen với ngựa, vừa hít thở không khí trong lành. Vì vậy, dăm trăm euro là số tiền rất lớn. Ba tui, một ông bác sĩ làm trưởng khoa đã về hưu, lương lậu cũng khá nhưng ổng xài cái điện thoại Samsung nắp gập, loại mà ở VN mình chỉ dám đem về quê cho thôi, ở phố cho sợ người ta mắng.
Ở VN mình, nếu mình mua cái túi xách 700 đô, bạn bè khen, ai nấy khen, trai gái lác mắc hết, rồi mình up hình lên facebook có cả trăm like nghe. Chứ ở bên đây, cái giới đó có vẻ không nhiều. Có lẽ tại tui chơi với đám bình dân nên không gặp nhiều mấy bạn nhà giàu. Vậy nên tui sẽ nói về cái lý luận của bọn bình dân. Nó lý giải như vầy: cái túi 700 hay cái túi 70, thậm chí 20-30 nếu mua ở chợ giảm giá, thậm chí 5 đồng nếu mua đồ second hand, thậm chí là free nếu bạn bè tặng mình thì nó cũng đều dùng để đựng đồ đạc hết. Vậy nên không có lý do chi phải mua cái 700 cả. Còn cái túi có bị sờn, bị rách, tụi nó vẫn xách ra đường rất tự tin. Vì sao, vì xã hội này người ta không quánh giá con người qua cái túi, người ta thậm chí có quyền tự hào nếu mình mang cái túi không còn mới và không mắc tiền, vì có nghĩ họ chi tiền cho những thứ xứng đáng để phát triển tinh thần hơn, và một phần nữa, không xài nhiều đồ nghĩa là văn minh, là bảo vệ môi trường.
Chuyện bơm vú Một bữa nọ, rảnh rang quá nên cô bạn dạy ở đại học Bordeaux làm bánh mì phết cá cơm muối cho tui ăn, trong lúc đó thì cả bọn nói về chuyện mông vú. Tui nói người Pháp á, đa phần con gái bé bé chứ không to con lớn xác, và tụi bay có cái điểm chung là vú lép mông tròn, y như con gái Thái, con gái Campuchia, con gái Myanmar. Nó hỏi: con gái Việt Nam mày thì sao? Tui nói VN tau hồi xưa thì con gái Bắc to đều, cái gì cũng to. Con gái miền Trung thường vú to mông lép, con gái miền Nam giống bọn Khmer nên vú lép mông to. Còn bây giờ, những nét đó chỉ có ở nhà quê thôi nghe. Chứ ở Hà Nội hay Sài Gòn, con gái đứa nào cũng vú to mông to. Tất cả nhờ thẩm mỹ viện.
Cô bạn nói ở Pháp, người ta ít bơm vú lắm, có cũng giấu tiệt đi. Tui nói ở VN đứa nào bơm vú xong nó đều khoe lộ liễu mày ơi. Vì sao, ở VN, đứa nào giải phẫu chứng tỏ đứa đó giàu. Giàu là cái người ta cần khoe. Cô bạn nói: bọn Pháp tau khác hẳn, bọn Pháp tau chỉ tự hào cái gì là của mình thôi. Ví dụ vú tau có thể nhỏ, có thể to, nhưng đó là vú tau, là của tau. Còn đồ giả, tụi tau không ưng. Nói xong cổ nhìn xuống vú cổ rồi cười sặc (cô này 2 lưng,) cổ nói: “Ê mày, vậy chừng mươi năm nữa tau qua Việt Nam chắc tụi mày bắt tao nhốt trong rọ y con khỉ cho cả phố nó coi. Bọn bay sẽ la ó: ơ, có 1 loài động vật không vú, không vú. Khi đó tụi bay sẽ ném đậu phộng vào cho tau ăn như khỉ, nhỉ?”
Làm người chứ làm gì! Kể loanh quanh rồi tui kể chuyện xưa cho nghe. Hồi nớ tui còn sinh viên, ba má nghèo lắm. Tui đi dạy kèm được 150 ngàn, tui ra chợ Cồn tìm đôi dép cho nó tử tế vì tui toàn mang dép của bạn bè cho thôi. Tui đi quanh chợ nhưng không có cái đôi nào như ý tui muốn. Tui cần một đôi dép không thấm nước và có thể che kín cái bàn chân vì nắng ở Đà Nẵng cháy quá. Mấy bà bán đồ trong chợ Cồn cứ kéo lại: “Coi dép đi em, coi đi em, không ưng thì thôi. Chị nói giá, không ưng em trả chứ răng em đi không không rứa.” Mấy bả nói rứa thôi chứ tới khi tui trả giá mà bả không bán được, bả cầm chiếc dép bả nện lên lưng tui, bả chửi: “Cái đồ nhà quê. Bọn mi nghèo thì đừng bày đặt zô chợ nghe chưa, nghe chưa?”
Bữa nớ tui khóc tức tưởi, tui đi về, cái rồi tui ước mơ. Tui không ước mơ mình giàu có để mua nguyên cái chợ Cồn, tui chỉ ước mơ sao trên đời này, có một xứ sở nào đó mà ở đó, mình được mua cái thứ mình muốn trong khả năng của mình mà không ai mắng chửi, không ai xúc phạm mình. Tui chỉ muốn ở một xứ sở mà người ta coi bọn làm ruộng cũng như bọn đi buôn, miễn là người đó là đứa tử tế. Tui chỉ ước mơ rứa thôi, nên khi tui lớn, bạn bè tui nó để dành tiền làm giàu, còn tui luôn bỏ phố về quê để ghé chợ quê, ăn tô bún, uống ly nước mía, để ngồi với những người cùng gốc gác như mình. Cũng cái hồi nớ, tui ở chung với con bé tên Hà (mà chừ tui ko tìm được nó, huhu, nó là em của thằng Lâm học lớp đại học với tui), nó nói tui: chị ra trường chị nhớ vô Sài Gòn nghe, ở đó người ta không coi cái xe chị đi, không ngó cái áo chị mặc, ở đó tự do, miễn chị có tiền thì người ta đều bán cho chị thứ chị cần. Đến chừ, tui qua Tây, dù người ta không cùng gốc bần nông như tui nhưng không ai chửi tui đồ nhà quê, bọn nhà nghèo nữa, nên có lẽ tui nghĩ ước mơ của tui đã thành sự thật.
Một bữa nọ ngồi uống rượu ở quận 5, anh bạn hỏi. Đốp Catherine 
BBC: Hiến pháp hay Đảng pháp?
Biểu quyết tại Quốc hội (ảnh minh họa)
Lúc 9:53:09 sáng ngày 28/11/2013, Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới 2013 với 486 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và không có phiếu chống trong tổng số 488 đại biểu có mặt đã bỏ phiếu tại Hội trường Quốc hội.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết các vị đại biểu đồng loạt đứng lên vỗ tay mừng “giờ phút lịch sử” sau khi có kết quả như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Cũng cần nói thêm rằng trên 90% đại biểu Quốc hội hiện nay là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN).
Hiến pháp 2013 vừa được thông qua có tổng cộng 11 chương, 120 điều, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014, trong đó tiếp tục tái khẳng định vai trò độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN về cả 2 mặt chính trị và kinh tế.
Đảng lãnh đạo, định hướng xã hội chủ nghĩa Theo lời phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu với báo giới thì “Báo cáo của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội sáng nay (28/11) đã khẳng định bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng,” “… Hiến pháp chúng ta sửa đổi lần này vẫn tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của ĐCSVN …”
Và ông còn cho biết thêm: “Đây là bản kết tinh giữa ý Đảng, lòng dân, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân … đáp ứng nhu cầu bảo vệ phát triển đất nước.”
Vì thế cho nên điều 4 Hiến pháp 2013 là hết sức cần thiết để tái khẳng định ĐCSVN là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Về kinh tế, ông Phó chủ tịch Quốc hội kết luận rằng “Để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nền kinh tế, việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là cần thiết, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Cho nên mới có quy định tại điều 51 khoản 1 Hiến pháp 2013 rằng “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; (trong đó) kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Nhưng như vậy thì định hướng XHCN trong Hiến pháp đó là gì khi ngay chính ông Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng cách đây không lâu cũng đã thổ lộ rằng “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Đảng CSVN luôn đòi độc quyền lãnh đạo đất nước, dựng ra cái “thiên đường XHCN” đã hơn nửa thế kỷ nay và bắt nhân dân đi theo mà nay lại bảo rằng đi thêm một thế kỷ nữa có thể vẫn chưa tới? Và tại sao lại còn đưa định hướng quái gở đó vào Hiến pháp?
“Đảng pháp” Điều 119 khoản 1 Hiến pháp 2013 quy định như sau: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”
Vậy cái “Cương lĩnh của Đảng” mà ông Phó chủ tịch Quốc hội nói đó là gì? Nó có phải là một văn bản pháp luật không? Và nếu “không” thì nó thực sự có giá trị gì trong hệ thống pháp luật Việt Nam? Hoặc giả nếu “có” thì sao?
Ông TBT Nguyễn Phú Trọng cho biết như sau: “Hiến pháp … là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng!”
Thật sự không ai hiểu nổi ông TBT muốn nói gì và càng ngạc nhiên hơn khi ông Phó chủ tịch Quốc hội cũng tuyên bố rằng “Bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng.”
Chẳng lẽ cần hiểu rằng “Nhà nước là Ta; Hiến pháp là Ta; Pháp luật cũng chính là Ta”. Và cái “Ta” đó là Đảng Cộng sản? Nếu thế thì đâu cần gọi là Hiến pháp; phải gọi là “Đảng pháp” mới đúng!
Đảng CSVN cuối cùng đã hất một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt nhân dân.
Nhưng Đảng thực sự đã lầm to! Nhân dân đưa quý vị lên được thì nhân dân cũng có thể hạ quý vị xuống được.
Đảng CSVN hôm nay có thể hân hoan vỗ tay trong “giờ phút lịch sử” trọng đại nhưng nên nhớ rằng việc biểu quyết Hiến pháp hôm nay đang đưa đất nước này và chính Đảng CSVN vào ngõ cụt, bế tắc.
Các đại biểu Quốc hội sẽ phải trả lời trước lịch sử, trước Tổ quốc, trước nhân dân cho hành động hôm nay khi ngày phán xét đến.
Luật sư Vũ Đức Khanh - Viết cho BBCVietnamese.com từ Canada

0 nhận xét:

Đăng nhận xét