Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Bài viết hay(709)

 Về đề án đưa phòng chống tham nhũng vào trường học
Lời nói đầu: Đầu năm tháng 1/2010 vừa qua một tờ báo lớn tại Sài Gòn đã phỏng vấn tôi về đề tài trên. Tôi đã thẳng thắn trả lời từng câu hỏi. Nhưng sau đó không thấy báo đăng tải. Đây là thường lệ tại Việt Nam khi nội dung bài báo ít nhiều có chệch qua lề trái. Xin đăng tải nguyên văn bài phỏng vấn với nỗi lo âu ngày càng bức thiết của tôi: Chừng nào công cuộc chống tham nhũng mới được chính quyền ra tay thực sự đây trời!
Nhà báo: Chính phủ có đề án đưa phòng chống tham nhũng vào trường học để dạy cho học sinh tiểu học, trung học. GS đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của đề án
GS Nguyễn Đăng Hưng: Trước nhất là tôi rất ngạc nhiên! Ngạc nhiên và băng khoăn. Không ngờ Việt Nam ta tổ chức chống tham nhũng một cách lạ lùng như vậy! Dĩ nhiên là tôi không phản bác việc thêm vào sách công dân giáo dục những danh mục, những bài học liên quan đến việc ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng. Nhưng trong lúc cả xã hội đang chờ một cái gì đột phá, thì biện pháp kiểu này làm tôi ngạc nhiên và băng khoăn!
Không ngờ một thãm họa mà ta thường gọi là giặc nội xâm đang hoành hành ở mọi cấp mà ta lại có biện pháp đối phó lại nhẹ nhàng và chần chờ đến vậy! Cứ tưởng tượng sang năm mới 2010 ta bắt đầu đưa quan điểm chống tham nhũng vào tiểu học thì chắc phải chờ mười hai mươi năm nữa các em mới ý thức được yêu cầu chống tham nhũng và những biện pháp hữu hiệu chống giặc nội xâm lúc ấy mới hình thành sao? Bởi vậy về mặt hiệu quả trước mắt thì theo tôi sẽ chẳng là gì cả nếu không có những biện pháp quyết liệt khác kèm theo. Và những biện pháp quyết liệt thì tôi chưa thấy chính phủ bàn đến, ít ra vào thời điểm đầu năm mới này!
Nhà báo: Theo GS gốc của tham nhũng bắt đầu từ đâu? Dư luận cho rằng trong khi tham nhũng nằm ở những người có chức, có quyền, cơ quan chức năng chưa mạnh tay chống. Nhiều vụ nghi vấn tham nhũng phía nước ngoài đang điều tra xử lý, nhưng cơ quan chức năng việt Nam thụ động chậm chạp. Vậy liệu chuyện phát động cho nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, học sinh chống tham nhũng có hiệu quả hay không?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Câu hỏi của nhà báo phần nào bao gồm câu trả lời. Thật vậy muốn tham nhũng trước hết phải có quyền lực, phải có khả năng và điều kiện điều động được ngân quỹ. Cho nên đối tượng cần giáo dục, nhắc nhở, trước hết là thành phần cán bộ các cấp, địa phương cũng như trung ương, đặc biệt những cửa quyền mà nạn tham nhũng thường xảy ra nhất: hải quan, cơ quan thuế, công an… Những đợt học tập chống tham nhũng, những biện pháp răn đe cần được phát động một cách có hệ thống rộng khắp và thường trực. Dài hạn hơn là phải dành những bài học chống tham nhũng cho những cơ sở đào tạo cán bộ, các trường đảng, các đoàn thanh niên, các đợt học tập chính trị, các lớp chuyên tu hay tại chức… Còn đối với người dân thì nên qua báo đài khuyến khích nhân dân tham gia chống tham nhũng, khuyến khích mạnh dạn tố giác những kẻ tham nhũng, phổ biến các biện pháp cụ thể bảo vệ người phát hiện tham nhũng, xây dựng những đường dây nóng thu thập thông tin và xử lý có hiệu quả những thông tin về tham nhũng, đề cao tác phòng chống tham nhũng, không chung chi cho việc bôi trơn, khen thưởng những tổ chức, những cá nhân tự giác tham gia bài trừ tham nhũng…
Tuy nhiên cái quan trọng nhất trong giáo dục là nêu gương cho xã hội: xử lý rốt ráo những vụ án tham nhũng đang gây hoang mang trong dư luận hiện nay, những biện pháp trừng trị nặng nhất phải được áp dụng các cấp tham nhũng có vị trí quyền lực cao nhất. Thân nhân càng gần quyền lực bao nhiêu thì càng phải trong sạch bấy nhiêu thì mới hợp lý! Nhất quyết không được dựa theo lý do thân nhân mà giảm khinh cho tội ác tham nhũng…
Nhà báo: Cái gốc của vấn đề là dạy cho học sinh, sinh viên làm người tốt cái đã, như phải có lòng tự trọng, biết xấu hổ, tự dằn vặt mình khi tay lỡ nhúng chàm, không biết tham lam, tham vọng quá mức. Trong khi bản thân ngay các trường học, giáo viên cũng có nhiều vấn đề như quà cáp, bán điểm, dạy thêm, thu phí tràn lan chưa chấn chỉnh được. Vậy giữa thực tế sống và nội dung học mâu thuẩn nhau liệu có phản tác dụng không?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Làm sao dạy được các em bài học về tham nhũng trong khi nạn tham nhũng đã thành thảm họa lan tràn khắp nơi như căn bệnh ung thư của toàn xã hội. Ta biết tệ nạn dạy thêm dạy riêng, học thêm là một hình thức tham nhũng đang hoành hành từ tiểu học trung học đến đại học. Làm sao các em tin được bài học này khi các em thấy nhan nhản trước mắt những cảnh đau lòng xóa mòn đạo đức nhà giáo nay vẫn chưa có biện pháp tẩy trừ? Làm sao các cô giáo yên lòng rao giảng khi chính mình vẫn chưa áp dụng trên thực tế? Vậy việc tiên quyết phải là việc cải tiến chế độ lương tiền cho nhà giáo, lương phải tính cho đủ sống, đủ nuôi gia đình. Kế đến phải có biện pháp chỉnh huấn, giám thị, vận động trở vể với những giá trị đạo dức chân chính của nhà mô phạm và nếu cần bãi chức những con sâu làm rầu nồi canh…
Còn đối với tuổi trẻ, theo tôi nên trở về với những bài học giáo khoa thư về lòng nhân từ, về tính trung thực, về tinh thần trách nhiệm tôn trọng của công, về lòng trọng nghĩa khinh tài, về tình thương yêu đồng loại lá lành đùm lá rách…, những bài học kỹ năng sống của người tử tế, những bài học về công dân giáo dục cơ bản… Những tâm hồn trong trắng khi thấm nhuần những hệ giá trị tích cực sẽ không sa đà vào những hành động tiêu cực của người lớn, sẽ không tham lam vô cảm vô trách nhiệm, động lực ban đầu của tệ nạn tham nhũng.
Nhà báo: Để xây dựng văn hoá chống tham nhũng, nói cách khác là mọi người cùng nhận thức và tham gia chống tham nhũng. Đảng, nhà nước, các cơ quan quản lý cần phải làm gì?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Xây dựng văn hóa chống tham nhũng chính là phát triển đạo đức làm người lương thiện. Việc này cần trở về với những giá trị đạo đức truyền thống, cần sự giúp sức của các hệ thống tôn giáo, cần xây dựng và củng cố tế bào căn bản của xã hội là gia đình. Hãy trở về với nề nếp gia phong, với bản sắc thanh bạch liêm chính…
Nhưng văn hóa trong sáng không tham nhũng chỉ có thể phát triển trong một xã hội được tổ chức theo những tiêu chí khoa học mà các nước tiên tiến đã áp dụng hằng trăm năm nay. Đó là việc phân tầng quyền lực một cách hợp lý trong đó luật pháp và báo chí phải giữ được tính độc lập khách quan vô tư.
Và xây dựng văn hóa chống tham nhũng chính là xây dựng một hệ thống luật pháp độc lập, xây dựng một nền báo chí không bị chi phối bởi những lợi ích cục bộ, kinh tế cũng như chính trị.
GS Nguyễn Đăng Hưng , Sài Gòn ngày 7/1/2010
Xóa hiến pháp không cần đợi quốc hội bấm nút
1.
Người ta không tin, người ta biết trước, nhưng đồng thời người ta cũng cần phải thốt ra một lời gì đó, cho đỡ ức!

2.
Nhiều năm trước, mình có một người bạn, anh ta chỉ hơn mình chừng bốn tuổi. Sinh quán ở Trung Ðông, từng du học và tốt nghiệp đại học ở Pháp, rồi sau định cư, lập nghiệp ở Hoa Kỳ.

Ðúng hơn, anh ta là chủ của mình, khi mình còn phụ trách điều hành phòng thiết kế trong công xưởng in vải của anh ở Garden Grove, California.
Thuở đó, văn phòng của anh là căn cuối cùng của tầng hai, cùng một dãy với mình. Nên mỗi khi muốn vào đó, anh phải đi ngang cửa sổ văn phòng của mình trước. Vì vậy anh luôn thấy mình ngồi dính chặt nơi bàn làm việc. Cho đến một hôm anh gọi mình sang, trách cứ:
- Mình mướn cậu vào đây làm việc, không phải lúc nào cũng thấy cậu ngồi dí mắt vào “computer.” Một trong những việc quan trọng, cậu cần thường xuyên sang trò chuyện với mình, nói cho mình biết chúng ta cần phải làm gì hay hơn, mới hơn.

Chưa hết, một lần trong buổi họp với những “manager” và “supervisor” của công ty trên dưới mười hai nguòi, anh bất giác đập mạnh tay xuống bàn, nói:
- Tôi mời quý vị vào đây họp, đâu phải tôi nói điều gì thì quý vị cũng “ok!” Tôi cần nghe quý vị “defense,” (nguyên văn) thậm chí nói tôi “sai. Chúng ta thật sự có “vấn đề, bởi không thể tin có sự hoàn hảo đến như vậy!!!”

Tất nhiên đây không phải là chuẩn mực cho nhân cách lãnh đạo. Nhưng nó khiến chúng ta suy nghĩ, rồi soi chiếu vào thực trạng của đất nước hiện nay. Ðể thấy tỷ lệ đồng thuận “sửa đổi” hiến pháp, mà sửa ở đây là “củng cố” cho nó vững chắc hơn. ét bề mặt có vẻ khiến chúng ta cảm thấy ức ách, nhưng nói theo tinh thần của tác giả Nguyễn Hưng Quốc, nó đang thách thức không chỉ giới trí thức Việt Nam, mà hết thẩy nhân dân.
Cái nút vừa bấm, nó có đủ làm nhiệm vụ kích hoạt nhân dân hành động?
3.
Làm sao có thể tin cái hệ thống nút bấm thật được chế tạo bởi một tập đoàn giả hiệu. 99.6% càng tạo thêm tỷ lệ ngược niềm tin của người dân trong nước.

Người ta bỏ đảng bằng cách nại cớ vắng họp thường xuyên. nên người ta xóa bỏ hiến pháp đâu cần đợi đại biểu quốc hội nhấn nút “yes/no.” Người ta ức vì hy vọng có một quốc hội sáng suốt. Nhưng tỷ lệ 99.6% là một minh chứng bi-hài-kịch!
Và tỷ lệ 99.6% thành viên quốc hội “gật” biết đâu chẳng giúp cho mình thấy rõ đó là dấu hiệu “giẫy chết” của một nhóm người thiểu số trong tổng số 90 triệu đồng bào Việt Nam, vẫn cố bám víu vào một cái nút bấm, nhưng kỳ thật chỉ là hành vi nhấn nút “tự sát tập thể” của một chính quyền chỉ còn trông đợi vào bạo lực hiến pháp để cai trị đất nước và nhân dân.
Ngày 29 tháng 11, 2013
UYÊN NGUYÊN 

Có thể lật đổ cái chưa hề có?
Mới đây, "tòa án nhân dân" tỉnh Thái Bình xử cựu trung tá Trần Anh Kim đã tuyên án ông 5 năm 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế về tội”hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”.
Sắp tới vào ngày 20-1-2010,”tòa án nhân dân" Sài Gòn sẽ đưa ra xét xử 4 nhà dân chủ về cùng một tội danh như trên: 'hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân".
Vừa qua, nhiều ý kiến trao đổi đã được đưa ra về các vụ án trên đây, có nhiều ý kiến xác đáng, đặc biệt là của nhiều luật sư trong và ngoài nước, nêu rõ đây là những vụ án chà đạp công lý, những vụ án phi lý, bôi bác, không thể chấp nhận được trong một chế độ lấy pháp luật làm chuẩn, vi phạm nhân quyền mà chính quyền Việt Nam đã cam kết tôn trọng với thế giới.
Tôi xin nêu thêm một khía cạnh, cũng là vấn đề cốt lõi trong các vụ án trên đây.
Xin mọi người chú ý đến 4 chữ "chính quyền nhân dân” được nhắc đi nhắc lại trong bản cáo trạng của viện kiểm sát cũng như trong bản kết tội của hội đồng xử án.
Trước luật pháp nghiêm minh, mọi chữ, mọi từ ngữ đều phải có nội dung đúng đắn, chính xác, thích hợp, theo nguyên tắc” danh có chính, ngôn mới thuận".
Chính quyền hiện tại ở Việt Nam có thật sự là chính quyền nhân dân, chính quyền từ nhân dân, vì nhân dân, của nhân dân không? Đây là vấn đề cốt lõi trong văn kiện của toà án.
Trong thời kỳ Việt Nam đã hội nhập với cộng đồng thế giới, cần phải dùng ngôn từ, ngôn ngữ, nhận định của Liên Hiệp Quốc làm căn cứ, làm chuẩn. Trong các văn kiện, thống kê, tin tức của Liên Hiệp Quốc, chính quyền ở Việt Nam luôn được gọi là chính quyền cộng sản, hoặc chính quyền độc đảng, hoặc là chính quyền độc đoán, hay độc tài, chưa bao giờ được coi là «chính quyền nhân dân». Cũng như không ai công nhận chính quyền Bắc Triều Tiên là chính quyền "dân chủ" và "nhân dân" hay chính quyền Hitler là chính quyền «Quốc gia - Xã hội» như họ tự xưng.
Đầu năm 2009, bản thống kê của Liên Hiệp Quốc không xếp Việt Nam vào số 54 nước dân chủ truyền thống (old traditionnal democratic) - như Nhật Bản, Ấn Ðộ..., cũng không ở trong số 68 nước có nền dân chủ một phần (partly democratic) như Indonesia, Philippines, Malaysia, Nam Triều Tiên... ở châu Á ; Việt Nam bị xếp vào số vài chục nước độc đoán (authoritarian regime), lại đứng trên có 7 nước: Cuba, Senegal, Congo, Nigeria, Zimbabwe, Bắc Triều Tiên, Miến Ðiện.
Vậy thì ở Việt nam không có chính quyền nào có thể gọi là «chính quyền nhân dân.» Đó là một sự thật hiển nhiên, một kết luận trung thực, khoa học và phù hợp với thực tế khách quan. Do đó không ai có thể lật đổ một sự vật không tồn tại, không có thật.
Rõ ràng vụ án xử tội "hành động lật đổ chính quyền nhân dân" là một vụ án vu vơ, không có cơ sở hiện thực, một vụ án hoang tưởng, không có cơ sở pháp lý đúng đắn.
Từ nhận định trên đây, như có thể nghe trước được lời tự biện hộ trước tòa của các bị cáo Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long:
...Thưa quý tòa, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ bản cáo trạng và cho rằng chính quyền nhân dân chưa hề tồn tại trên đất nước Việt Nam này. Do đó tội”lật đổ chính quyền nhân dân" là chuyện hoang đường, không có cơ sở thực tiễn. Chúng tôi không thể lật đổ một sự vật không có thật. Chúng tôi hoàn toàn vô tội. Nếu tòa không tin, xin trưng cầu ý dân và thăm dò dư luận quốc tế.
Tuy nhiên, qua phiên tòa này, chúng tôi ghi nhận mong muốn tốt đẹp của quý vị là xây dựng một chính quyền thực sự từ nhân dân, vì nhân dân, của nhân dân, một chính quyền nhân dân chân chính. Muốn vậy, mong quý vị hãy vui lòng hợp tác với chúng tôi, vì toàn bộ ý muốn và hoạt động của chúng tôi là hoàn toàn tập trung vào mục tiêu duy nhất là xây dựng một chính quyền nhân dân đúng nghĩa trên đất nước ta, nhằm mang lại tự do, nhân phẩm, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc - hiện đang thiếu vắng - cho toàn dân ta.
Bùi Tín viết riêng cho VOA ______________________
* Bài viết đầu năm này, xin (qua đài VOA) quý mến gửi tặng anh chị em sinh viên các trường Luật - Đại học Quốc gia Sài Gòn và Hà Nội.
Đây là tư cách uỷ viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc?
Nhà báo, nhà văn, tiến sỹ Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn ra Hà Nội thăm thú bạn bè, họ hàng và lấy tư liệu bổ sung cho bản thảo cuốn sách viết về xã hội dân sự. Sau khi đã đến thăm Phạm Hồng Sơn, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trọng Vĩnh …anh gọi điện hẹn 9h sáng nay (29 /11/2013) đến thăm tôi. Lý do gặp gỡ không có gì hệ trọng cả. Có lẽ chỉ vì lâu nay mới “văn kỳ thanh”, nay nhà văn muốn “kiến kỳ hình” để vấn an và chia sẻ bớt nỗi tủi phận của một ông già đã gần tám mươi. Hẳn là Phạm Chí Dũng, cũng như mọi người bình thường, không ai nghĩ rằng còn có thể đến để bàn bạc mưu sự gì lớn lao đối với một người như tôi lúc này.
Tôi mừng vì thấy có người từ xa còn đoái hoài đến mình. Tuy chưa gặp mặt bao giờ nhưng từng đọc, từng nghe nên tôi đánh giá cao tầm nhận thức của Phạm Chí Dũng nên nhắn tin rủ một số bạn bè đến cùng nghe chuyện của anh.
Không ngờ quan chức Đảng đối xử với chúng tôi tệ hại quá. Họ cử mấy chục công an vây ráp nhà tôi. Họ chặn từ đầu ngõ xa. Ai đến đều bị xua về. Người năn nỉ cũng không được vào, người tức giận quát tháo họ cũng chỉ trơ trơ. Không giảng giải, không thuyết trình lý do. Một vài người khách lọt vào được đến cổng nhà tôi liền bị năm sáu công an, sắc phục có, thường phục có chặn lại. Người nhà ra đón, họ bảo không được mở cổng. Tôi ra mở cổng “Mời bác và anh em công an cùng vào nhà xơi nước, đừng đứng ngoài này vừa lạnh vừa làm cho hàng xóm nhìn không đẹp mắt”. Họ không vào, cũng không trả lời, chỉ dứt khoát yêu cầu khách của tôi phải ra về! Tôi thương và thấy khổ tâm đối với mấy ông bạn già của tôi quá. Vì lời mời của mình mà các vị đã phải lặn lội trên dưới chục kilomet rét mướt đến đây thế này!
Không biết những ai bị bắt nhưng chắc chắn Phạm Chí Dũng và Lê Quốc Quyết (em Lê Quốc Quân) đã bị điệu lên đồn công an cách nhà tôi hơn một kilomet. Họ câu lưu Pham Chí Dũng để thẩm vấn suốt sáu tiếng đồng hồ. Khi tôi gọi được vào mobil của Dũng thì nghe anh phàn nàn anh rất mệt mỏi và đang trên đường ra sân bay trở về Sài Gòn. Anh cho biết họ đã quần thảo anh bằng những câu hỏi rất vô nghĩa lý để cuối cùng đưa cho anh một quyết định cảnh cáo, trong đó yêu cầu không được tiếp xúc với các đối tượng: Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân.
Sao lại trâng tráo ngang ngược đến vây! Cho đến bây giờ tôi vẫn là một người Việt Nam bình thường, được Luật pháp và Hiến pháp bảo vệ cho được hưởng mọi quyền lợi của một công dân kia mà. Tôi không những chưa hề phạm pháp mà trong suốt cuộc đời công tác chưa hề bị bất kỳ hình thức kỷ luật nào.
Cấm cản một cách tùy tiện, vô lý như vậy tức là họ đã ngang nhiên chà đạp lên Luật pháp và Hiến pháp Việt Nam, trong khi đó Điều 4 Hiến pháp có ghi: ĐCSVN hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật.
Tuổi già không còn đòi hỏi gì nhiều về quyền con người. Không nói đến điều to lớn như tự do ngôn luận, một chút yêu cầu được chia sẻ thông tin, trao đổi tình cảm thiết nghĩ là quyền con người tối thiểu của chúng tôi sao cũng bị tước đoạt một cách dã man như thế!.
Phải chăng đấy là tư cách của một tân ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc?!
Hà Nội 29 tháng 11 năm 2013
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội

Mobi: 0984 724 165 
LS Nguyễn Văn Đài bị cản trở gặp đại diện ngoại giao Pháp, nhà báo Phạm Chí Dũng bị câu lưu
Luật sư Nguyễn Văn Đài (T) và nhà báo Phạm Chí Dũng
Luật sư Nguyễn Văn Đài (T) và nhà báo Phạm Chí Dũng
(DR)
Ngay sau khi Việt Nam mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã liên tiếp xảy ra một số sự kiện cho thấy có vẻ như vẫn chưa có gì thay đổi đối với các nhà bất đồng chính kiến và các cây bút bình luận độc lập. Hôm qua luật sư Nguyễn Văn Đài bị ngăn trở tiếp xúc với ông Jean-Philippe Gavois, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, và hôm nay 29/11/2013 đến lượt nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bị câu lưu nhiều tiếng đồng hồ.
LS Nguyễn Văn Đài : Tôi có hẹn trước với ông Bí thư thứ nhất của đại sứ quán Pháp tại Hà Nội là Jean-Philippe. Theo lịch hẹn thì khoảng 10 giờ sáng ngày 28/11 chúng tôi sẽ gặp nhau tại quán cà phê Gecko ở trên địa bàn Bách Khoa. Bởi vì từ khi tôi ra tù ngày 06/03/2011 thì hiện nay tôi vẫn đang bị quản chế, nên không thể ra khỏi khu vực của mình, và hầu hết các cuộc gặp giữa tôi với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đều trong phạm vi phường Bách Khoa.
Từ sáng sớm tôi đã biết tin là cơ quan an ninh theo dõi chặt chẽ các buổi gặp này. Đúng 10 giờ tôi đến và chờ ông Jean-Philippe ở đó. Khi ông tới nơi, tôi có chỉ cho ông xem những nhân viên an ninh đang quây xung quanh khu vực chúng tôi đứng, và hỏi ông có ngại khi gặp tôi không. Ông nói là không có vấn đề gì cả, tôi cũng muốn xem cơ quan an ninh Việt Nam sẽ đối xử với chúng ta như thế nào, bởi vì cuộc gặp này là hoàn toàn hợp pháp.
Rất nhiều nhân viên an ninh dùng máy điện thoại chụp ảnh chúng tôi, thì ông Bí thư thứ nhất cũng lấy điện thoại của ông ra chụp ảnh lại họ. Sau đấy chúng tôi lên trên quán ngồi nói chuyện.
Cuộc gặp mới diễn ra được chừng khoảng bảy, tám phút gì đó thì người chủ quán đến nói là trưởng công an phường Bách Khoa đã gọi điện thoại cho anh, gây sức ép với anh là phải đuổi chúng tôi đi khỏi quán. Không được bán hàng và không cho phép ngồi tại chỗ, nếu không thì quán này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.
Tôi nói rằng chúng tôi còn chờ một người bạn nữa tới rồi sẽ đi, chúng tôi không muốn để anh bị phiền hà. Chúng tôi ngồi thêm được ít phút nữa thì anh ta lại đến nài nỉ nói là bây giờ không đi không được, bởi vì công an gây sức ép rất lớn. Họ nói là không đi thì họ sẽ đóng cửa quán của anh ấy.
Đúng lúc đấy, ngoài tôi ra còn có anh Phạm Chí Dũng, là một blogger đồng thời là người bất đồng chính kiến rất nổi tiếng ở Saigon ra, cũng tham dự cuộc gặp này. Sau đấy chúng tôi đi tìm những quán khác cũng trong địa phận phường Bách Khoa để tiếp tục câu chuyện.
Khi vào một quán gần đó, mới ngồi khoảng ba, bốn phút thôi – trên đường đi thì công an và an ninh đã đi theo phía sau rồi – ngay lập tức công an nói với chủ quán là không được phép bán hàng hay phục vụ cho chúng tôi. Chúng tôi bèn trao đổi với nhau là ngồi nói chuyện thôi chứ không cần phải dùng đồ uống ở đây, và khi kết thúc cũng sẽ trả tiền cho chủ quán mặc dù họ không phục vụ.
Thế nhưng cũng chỉ được hai phút thì chị chủ quán chạy từ dưới tầng một lên tầng hai. Chị nói : « Chúng tôi không biết các anh là ai, nhưng công an họ ép chúng tôi phải đuổi các anh đi, nếu không họ sẽ phá hểt cả quán của tôi ». Và hiện giờ công an đã đến để tịch thu tất cả bàn ghế của họ ở trong quán rồi.
Chúng tôi trao đổi rất nhanh với nhau, thôi thì sẽ dời cuộc gặp này sang một thời gian thích hợp. Trong thời gian ngắn thì chúng tôi cũng đã kịp nói với nhau những vấn đề quan trọng nhất rồi, và làm quen với nhau.
Khi chúng tôi xuống thì thấy phía bên ngoài quán rất nhiều công an mặc thường phục cũng như sắc phục đang tịch thu những đồ đạc của quán đó. Sau đấy chúng tôi chia tay nhau. Ông Bí thư thứ nhất lên xe trở về sứ quán còn tôi và anh Phạm Chí Dũng quay về nhà.
Ông Nguyễn Văn Đài cho biết thêm :
LS Nguyễn Văn Đài : Tôi cũng nghe câu chuyện là Phạm Chí Dũng sáng nay có đi gặp bác Nguyễn Thanh Giang, cùng với một số bác cán bộ lão thành cách mạng có tư tưởng dân chủ, thì một số người cũng bị cơ quan an ninh bắt và câu lưu.
Lúc nãy trước khi anh Phạm Chí Dũng lên máy bay, tôi có nói chuyện với anh. Anh nói rằng họ đã lập biên bản cảnh cáo anh, vì anh đã có cuộc gặp với Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và một số người khác ở Hà Nội.
Tôi rất ngạc nhiên ! Việc công dân Việt Nam gặp nhau và chuyện hết sức bình thường. Thậm chí còn có quyền hội họp và rất nhiều quyền khác, mà tại sao cơ quan an ninh Việt Nam lại cảnh cáo công dân khi họ tiếp xúc với các công dân khác, dù luật pháp Việt Nam không có điều nào cấm các công dân gặp nhau.
Không những không bị cấm, mà còn là quyền của con người, được ghi nhận trong Hiến pháp, trong pháp luật cũng như Công ước quốc tế. Đó là một điều rất nực cười !
Việt Nam vừa được bầu và trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đến ngày 01/01/2014 sẽ chính thức có hiệu lực. Nhưng không hiểu sao cơ quan an ninh lại có những hành động rất là vi phạm nhân quyền như vậy, xâm phạm trực tiếp đến quyền của người dân Việt Nam. Tôi không hiểu là khi trở thành thành viên chính thức rồi thì những chuyện gì sẽ xảy ra, người dân chúng tôi vẫn chưa biết được.
Về phần cây bút bình luận Phạm Chí Dũng sau khi được trả tự do, khi đang chờ lên máy bay trở về Saigon đã cho chúng tôi biết như sau :
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Sáng nay, ngày 29/11 tôi có hẹn với tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang. Ông rất nhiệt tình mong tôi tới chơi, và tôi cũng muốn đến thăm, vấn an sức khỏe của ông vì lâu nay chưa có cơ hội. Tôi hy vọng được gặp ông Giang lần đầu tiên.
Sáng nay tôi đi cùng với anh Lê Quốc Quyết, là em ruột của luật sư Lê Quốc Quân. Khi chúng tôi đến theo đúng hẹn 9 giờ sáng thì đã thấy có những nhân viên an ninh mặc thường phục lẫn sắc phục đứng ở cửa. Họ đề nghị chúng tôi không vào. Khi chúng tôi hỏi tại sao thì họ không nói lý do, và ngay lập tức họ mời chúng tôi đến đồn công an Trung Mỗ, xã Trung Văn huyện Từ Liêm để làm việc.
RFI : Theo như trên mạng thì lúc đó có đến khoảng gần 50 nhân viên công an ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Thật ra lúc đó tôi không quan sát kỹ, nhưng tôi thấy trước mặt mình khoảng sáu, bảy người. Và khi đưa về đồn Trung Mỗ làm việc với tôi, có lẽ phải lên tới mười một, mười hai người.
Bộ phận an ninh làm việc với tôi ngày hôm nay tự xưng là cơ quan an ninh điều tra của công an Hà Nội, tức là PA 24. Sau đó có một người tự xưng là người của Cục Bảo vệ Chính trị 7 Bộ Công an, thì tôi mới nhớ ra Cục này cũng chính là cơ quan đã phối hợp với công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt tôi vào tháng 7/2012.
Khi đến đó, một lúc sau anh Lê Quốc Quyết được cho về. Còn tôi thì phải làm việc suốt từ 9 giờ sáng cho tới 3 giờ chiều. Họ hỏi rất kỹ tôi ra Hà Nội làm gì, gặp gỡ những người nào, và có ý đồ… gì không.
Tôi cũng nói rất rõ, tôi ra kỳ này có mục đích khảo sát về xã hội dân sự. Vì xã hội dân sự hiện nay theo tôi là một quan niệm khá rõ ràng, và tận dụng được những mặt mạnh của xã hội dân sự thì thể chế chỉ có tốt lên mà không yếu đi. Và tôi muốn gặp gỡ một số nhân vật để khảo sát. Đây là giai đoạn một của tôi, khảo sát những nhân vật ngoài đảng và giai đoạn hai nếu có thể được thì năm sau tôi sẽ khảo sát, thăm dò ý kiến những nhân vật trong đảng về xã hội dân sự.
Mục tiêu là tôi sẽ viết một cuốn sách nghiên cứu về xã hội dân sự ở Việt Nam. Theo tôi biết, cũng đã có những tín hiệu Nhà nước Việt Nam đang chủ động nghiên cứu và vận dụng xã hội dân sự vào những điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Tôi cho đó là một điều rất bình thường. Và việc gặp gỡ những nhân vật này, nhân vật kia, cho dù trước đây những nhân vật đó có thể đã bị bắt, nhưng sau đó cũng không có vấn đề gì và theo tôi thấy thì những nhân vật đó cũng ôn hòa thôi.
Nhưng cuối cùng sau cuộc làm việc, cơ quan an ninh đã làm một biên bản cảnh cáo tôi, liên quan tới việc gặp gỡ những người như ông Nguyễn Thanh Giang, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân.
Thực tình cảm giác của tôi, tôi cho là việc họ làm việc và giữ tôi trong vòng sáu tiếng đồng hồ cũng là bình thường thôi. Đối với tôi đó là chuyện nho nhỏ, không đáng kể. Có điều tôi vẫn ngạc nhiên là tại sao Nhà nước Việt Nam mới được chấp nhận vào Hội đồng Nhân quyền nhanh đến thế và hào hứng đến thế, mà lại hạn chế quyền đi lại và thăm hỏi của người dân.
Đó là một câu hỏi mà tôi nghĩ có thể là Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nên đặt ra đối với Nhà nước Việt Nam, đối với trường hợp những người như tôi hoặc như luật sư Nguyễn Văn Đài và kể cả những người khác nữa, có phải là thái độ tôn trọng nhân quyền hay không.
Thụy My

0 nhận xét:

Đăng nhận xét