Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Bài viết hay(723)

Khi đọc tin ông Đằng, anh Dũng bỏ Đảng thì tui chợt nhớ đến Út Trà Ôn trong tuồng cải lương "Người Ven Đô" qua nhân vật ông Tám Khỏe, một tên Việt cộng nằm vùng bị phát giác, nên đành phải dùng khổ nhục kế qua câu tuyên bố:" tôi là Tám Khỏe, tuyên bố ly khai với Việt cộng"… Sau ông Đằng, anh Dũng... sẽ có bao nhiêu đảng viên can đảm từ bỏ Đảng để được sống tự do và trở về với người dân?  Thẳng thắn mà nói thì đọc đơn "xin" bỏ Đảng của cả 2 ông này mà tui thấy ...chán mấy cha nội này quá!  Thua xa cô bé Phương Uyên.  Hãy đọc tuyên bố ra khỏi Đoàn của PU rồi mới thấy thất vọng vô cùng về "thế hệ cha anh" như ông Đằng, anh Dũng... Có lẽ ông Đằng, anh Dũng... còn "lấn cấn" quá nhiều về sổ hưu + "bổng lộc" của cán bộ đảng viên nên xem ra vẫn còn hèn khi cứ phải "xin -cho" trong sự sợ hãi. Trẻ + không vướng bận gia đình + không cần sổ hưu + "bổng lộc" như PU nên cô ấy thảnh thơi rời bỏ tổ chức một cách thảnh thơi, thẳng thắn, rõ ràng, dứt khoát!  Bấy lâu nay tôi khoái đọc các bài viết của anh Dũng nhưng sao "đơn xin bỏ Đảng" của Dũng lại quá ư ...yếu xìu như thế nhỉ? Nhiều người nói với tôi là VC đã và đang tạo ra nhiều "đối lập cuội" để thu hút những con nai rơi vào bẫy của an ninh phản gián nhưng xem ra thì do bản chất của những người có gia đình, có tuổi, có bệnh... đều dễ trở nên yếu hèn hơn lớp trẻ vốn không vướng bận gia đình, rất nhiệt tình, vô tư, hồn nhiên, không tính toán chi ly gì hết!  Bởi vậy lớp trẻ sẳn sàng dấn thân, xuống đường, năng nổ, dứt khoát hơn. Qua 3 tuyên bố này, tôi càng thấy phục cô bé PU này hơn.
Chế độ CSVN hôm nay không thể thay đổi như nhiều người đảng viên mong đợi mà rõ ràng là phải "xóa sòng làm lại"! Đừng tưởng Đảng chia rẻ thành nhiều phe(phe ông Trọng vs ông Sang vs ông Dũng) rồi mong họ đánh nhau thì ...sung rụng mà lầm to! Thực tế họ là một tập đoàn Mafia vì sức mạnh lãnh đạo tập thể sẽ giúp họ cùng "ăn đồng, chia đủ" cho đến khi "vãn tuồng" thì cứ "hạ cánh an toàn"! Đừng mong gì ở các thành phần chống Cộng ở hải ngoại khi mà an ninh phản gián đã biết khai thác sự chia rẻ của các đảng phái/ tổ chức chính trị + sự bát nháo qua các con "bú dù" trên Paltalk, Yahoo!, hay các tờ báo "lá cải"... để xé nát lòng tin của người dân hải ngoại.  Nhớ lại năm nào, khi Reagan đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống cộng sản, một giáo sư Mỹ ở CSU Fullerton đã nói với tôi: Từ nay, CS không còn là mối đe dọa nữa mà trước mắt người Mỹ chỉ còn phe Hồi giáo và "hiểm họa da vàng" từ TQ!  Obama được giao trọng trách hoàn thành công việc dang dở của Bush con là phá nát thế giới Hồi Giáo và sẽ mở đường cho việc dối phó với "hiểm họa da vàng" từ TQ bằng "thế võ" căn bản và đơn giản nhất nhưng cũng bất ngờ không kém gì chuyện dọn dẹp trò hề của Trần Trường qua bản án "sang băng lậu" ! Just wait and see... khi ván bài domino gần như sắp "triệt buộc" mà VN sẽ là một con bò trỏng(13 điểm)? Dù sao VN vẫn là một mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn mà anh nào cũng dòm ngó kia mà! 
Nguyễn Phương Uyên tuyên bố ra khỏi Đoàn

Ngày hôm nay, 10/12/2013, Nguyễn Thị Phương Uyên chính thức tuyên bố ra khỏi Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Nội dung lời tuyên bố của Phương Uyên như sau:
Tôi tên Nguyễn Phương Uyên, là đoàn viên Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh gần 6 năm hoạt động. Nay tôi tuyên bố chính thức ra khỏi đoàn vì: Đoàn thanh niên là lực lượng tiên phong trong các công tác của xã hội với khẩu hiệu "ở đâu cần thanh niên có, ở đâu khó có thanh niên". Thực tế họ đã quay lưng bỏ chạy với trọng trách của họ. Và tôi cảm thấy họ không xứng đáng để tôi tiếp tục có mặt trong hàng ngũ của họ nữa.                                                                Ngày 10/12/2013
Chữ ký
 Nguyễn Phương Uyên
Tâm thư từ bỏ đảng của Nhà báo Phạm Chí Dũng



Thụy My RFI - Nhà báo Phạm Chí Dũng, cây bút bình luận sắc bén đồng thời là tiến sĩ kinh tế, hôm nay 05/11/2013 vừa viết lá tâm thư chính thức từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Thụy My xin giới thiệu với bạn đọc ở đây:


TÂM THƯ TỪ BỎ ĐẢNG

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 12 năm 2013

Tôi là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, viết tâm thư này nhằm khẳng định một quyết định khó khăn trong đời mình:

Tôi chính thức từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi đã chưa từng tham nhũng hoặc bị sa đọa lối sống.

Song tất cả những gì mà đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.

Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng cố hữu, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.

Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.

Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi không thương tiếc đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.

Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.

Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.

Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng của một đảng viên, những người như tôi đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích.

Lời thề trung thành với đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận.

Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với đảng?

Có sinh có diệt, những người lãnh đạo đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ. Bởi thái độ vô cảm, vô trách nhiệm và tư tưởng tư hữu bất chấp dân sinh, rất nhiều đảng viên cao cấp đã đẩy xã hội vào tâm thế phản lại ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc.

Đã đến lúc những người như tôi cần nhận chân rằng vai trò của đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn. Cũng không thể gìn giữ lòng trung thành tuyệt đối với một lý tưởng chỉ còn là câu chữ cửa miệng.

Không nhằm mục đích chống đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo.

Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Địa chỉ: 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh

ĐT: 01235459338

Email: vietleminhquan@gmail.com__________________________________

ĐƠN XIN RA ĐẢNG
Kính gửi: Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM


Tôi là Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, hiện công tác và sinh hoạt đảng tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Tôi làm đơn này đề nghị đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM hướng dẫn thủ tục và giải quyết cho tôi được ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam.
Lý do: Tôi tự nhận thấy đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của đảng cùng lời thề của tôi khi vào đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong đảng Cộng sản.


Trân trọng.

Ngày 5 tháng 12 năm 2013


Người làm đơn


Phạm Chí Dũng
Thơ gởi anh Đằng



Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Tôi có chút đắn đo khi đặt tựa bài viết. Ban đầu tôi định lấy tựa đề “Tôi ủng hộ ông Lê Hiếu Đằng”, nhưng vì muốn chuyển tải bài viết đến nhiều độc giả, nên cuối cùng tôi đã đặt tựa như hiện hữu. Đó cũng là lý do, tôi cần viết theo văn phong “thơ từ” của dân miền Nam, mong anh thông cảm.

Sài Gòn, ngày 5 tháng 12 năm 2013

Anh Đằng!



Tui không khách sáo để thêm vào những chữ “kính”, “mến”, “thân” v.v... nên anh cho phép tui được xưng hô như vậy nha anh Đằng. 



Một điều chắc chắn, anh không thể nào nhớ tui, nhưng tui thì biết anh. Tui biết chủ yếu vài lần anh có đến thăm gia đình tui và cùng sinh hoạt chi bộ với ba tui sau 1975. Ba tui mất nhiều năm rồi. 


Ba tui là “Việt cộng nằm vùng”, thuộc biệt động thành Sài Gòn - Gia Định trước 1975, đã từng đi tù dưới chế độ VNCH, án 3 năm. Ông già tui hoạt động dưới vỏ bọc nhà sản xuất lớn lúc bấy giờ. Gia đình tui giàu có từ việc sản xuất này và nhờ nó mới dư tiền nuôi bọn “ăn cháo đá bát” mà ông (và tất nhiên cả anh, trước ngày 4/12/2013) gọi là “đồng chí” (!). Tui thì chưa bao giờ bước chân vào cái “đảng quỷ ma” đó. Gia đình tui may mắn hơn gia đình bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) hồi xưa, nghĩa là chỉ... bị quýnh tư sản thôi. Tụi nó không lấy hết, nên còn lại căn nhà lầu 3 từng mặt tiền để ở, và sau này cho mướn, để ba má tui có thêm tiền chợ, chứ lương hưu thì thấm vào đâu. Đương nhiên, anh cũng biết, sau bảy lăm, gia đình tui cũng như các doanh gia khác, “dẹp tiệm” luôn(!).


Nói thiệt, tui thấy chế độ VNCH nhân hậu và tuân thủ pháp luật. Án ba tui nhẹ, vì ổng làm “kinh tài” và móc nối cho “cán bộ” trong “khu” về thành chứa chấp, nuôi giấu trong nhà và đưa đi theo “đường dây” định sẵn của “tổ chức” (vì là dân Sài Gòn nên rành rẽ đường sá và địa điểm), chứ không tham gia trực tiếp khủng bố, ám sát. Nói cho ngay, những người làm “kinh tài”, theo tui, tội cũng chẳng vừa, vì không có họ, cộng sản Việt Nam làm sao mà tồn tại, “ăn dầm nằm giề” ngay trong lòng “địch”, phải không anh. Tất nhiên, với tư cách là con, tui cũng chẳng mong ba tui bị tù nặng. Đó là sau này nhìn lại, chứ hồi đó, còn trẻ quá, tui chẳng hiểu gì cho lắm hai chữ “cộng sản Việt Nam”, ngoài những gì tuyên truyền trên tivi hồi xưa. 


Dân mình (thường dân) thời đó ở Sài Gòn cũng hững hờ lắm, tới lúc những chương trình thuộc (tên gì tui không nhớ nổi) “chiến tranh tâm lý” là hay dẹp qua một bên, chỉ chú ý chương trình văn nghệ là chánh. Tui nghĩ VNCH thua trận, ngoài các yếu tố chánh như sau này nhiều người phân tách, thì việc tuyên truyền hồi đó yếu quá cũng góp phần thua không nhỏ đâu. Sau này ngó lại, đồng bào ngoài Bắc, phải nói cộng sản Việt Nam nó “nhồi sọ” ghê gớm. Bằng chứng thì khỏi trình ra, phải không anh Đằng. Vả lại, sau 1975, dân miền Bắc vào Sài Gòn định cư, tôi quen cũng nhiều, nên thấy rõ sự nguy hiểm và tác hại rất lớn của “chiến tranh nhồi sọ”. 


Cộng sản Việt Nam nó thắng, cũng một phần do nhồi sọ tốt. Tui thấy tụi nó gieo lòng căm thù, đố kỵ, khích bác, chia rẽ... rất giỏi. Cũng chẳng có gì lạ với Lê Duẩn, anh em Lê Đức Thọ - Mai Chí Thọ, Đỗ Mười v.v... Ý tôi là sau 1975, chứ không bàn về miền Bắc trước đó, vì tui sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên đâu có rành. 


Tui nhớ, đâu khoảng từ 1985 trở về trước, miền Nam đâu có băng hoại dữ vậy, dù thời đó còn nghèo đói thấy mồ tổ, nhưng hàng xóm láng giềng, bạn bè, bà con v.v... đối xử với nhau có đâu mà tệ dữ! Sau này, ngày càng đổ đốn. Tôi cho đó là nhiễm độc và lậm sâu theo từng năm tháng dần trôi... “êm ả” trong cái nghèo, cái đói, cái đìu hiu và cái... mất dạy của cộng sản Việt Nam gây ra..


Tui nghĩ, sau 1975, anh lao vào công việc, nên không chú ý giáo dục nặng tính nhồi sọ và nói láo quá, riết quen, nên không cần mất nhiều thời gian, chỉ qua 10 năm là... đủ (!). Từ đó nó truyền nhiễm và lây lan rất lẹ như virus, mới đẻ ra biết bao nhiêu là “quái nhân” sau này. Nói vậy là mấy tay cộng sản Việt Nam bây giờ nhảy dựng cho mà coi, vì tụi nó cứ nói cái gì xấu là “đổ thừa” cho tụi nó. Kiểu này, cãi miết tới sáng, thôi bỏ qua.


Chắc anh không quên khái niệm “cách mạng ba mươi tháng tư” phải không anh? Sẵn đây, chia sẻ thêm cho các bạn trẻ biết khái niệm đó nôm na là: bọn cơ hội, bợ đít, xum xoe, theo đóm ăn tàn, gió chiều nào xoay chiều đó, thượng đội hạ đạp, chẳng có lập trường, quan điểm, chẳng có cái gì cho nghiêm túc và đàng hoàng lương thiện cả. Tụi mấy thằng Tư Tài, Ba Đua, Phạm Phương Thảo v.v... cũng từ đó mà ra, chứ đâu, nói gì đến mấy thằng Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyên Xuân Phúc, Nguyễn Bá Thanh, v.v...


Mà thôi, nhắc đến đám tụi này hay kiểu mấy thằng Ba Dũng, Tư Sang v.v... làm anh buồn thêm. Ý tôi không nói về “bệnnh công thần”, mà tôi muốn nói tụi này nó... hết thuốc chữa rồi, anh Đằng ơi! 


Tui kêu tụi cộng sản Việt Nam  bằng thằng, mà không sợ độc giả coi mình là thằng đầu đường xó chợ, vì nói nào ngay, về lý tui đâu có bầu bán gì cho tụi nó bao giờ đâu, về tình thì... khỏi bàn. Anh Đằng đừng buồn tui, vì anh bây giờ không còn là Cộng sản Việt Nam nữa rồi, đâu có sao đâu. Tánh tui rạch ròi, rõ ràng, thẳng ruột ngựa, anh đừng phiền tui nghen!


Tôi nhớ hoài, thuở sanh tiền, mỗi khi nhắc về anh, ông già tui luôn đặt niềm tin vào anh và thường kết thúc sau khi nói chuyện bằng câu: “Thằng Đằng được lắm”.


Thú thật, hồi xưa tui đã chán ngấy cái “đảng này” rồi, nhất là lúc ba tui khuyên tui vô đảng. Ổng nói với tui bằng những câu quen thuộc, đại loại: “Muốn đấu tranh với những kẻ xấu trong đảng thì phải đứng vào tổ chức, tiếng nói mới có trọng lượng”. Tánh tui thấy gì không đúng thì hay “cãi” (bây giờ người ta hay dùng tranh luận, tui không thích chữ này, nhưng xài riết rồi quen). Cãi tới cùng. Khi đuối lý, ba tui hay đem anh ra nói: Mày nói vậy, chứ còn nhiều người tốt lắm, như thằng Đằng đó!”. Tui cãi tiếp: “Chỉ có mình ông Đằng. Ổng cũng có làm gì được đâu?”. 


Sau này, những năm cuối đời, mỗi chiều cuối tuần (lúc đó chưa được nghỉ làm ngày thứ bảy) tui chạy vô thăm ông già, bà già, thấy tội lắm. Tui nhớ hoài, những buổi chiều tà, nắng đã lợt dần, trời chuyển sang màu tím trầm buồn. Ba, má tui ngồi héo hắt nhìn ra cửa trông con cháu. Thê lương và ảm đạm lắm. 


Tui thấy ông già ngồi buồn quá, có lần an ủi: Thôi ba à, chuyện mấy chục năm rồi, cũng qua hết rồi, gia đình mình còn vầy là cũng đỡ hơn nhiều người lắm.


Ổng nói: Tao đâu có buồn chuyện nhà. 


Tui hỏi: Vậy ba buồn chuyện gì?


Ổng nói: Lâu quá, gần cả 5 năm rồi, tao không gặp thằng Đằng. 


Tui nói: Thôi ba ơi! Ổng giờ này làm gì, ở đâu, ba quan tâm làm gì. Cộng sản mà! Thằng nào cũng vậy thôi.


Ổng không chịu: Không, tao không tin. Bởi vì mấy chục năm rồi, nếu nó là đứa bon chen, giả nhân giả nghĩa, cơ hội thì cộng với khả năng của nó thì nó làm đến gì, chứ đâu phải dừng lại ở chỗ lèng quèn như vậy! Nó phải ở trung ương, cỡ thủ tướng chứ đâu phải thằng Sáu Khải được. Còn không, tệ gì nó cũng phải là chủ tịch thành phố hay bí thư thành ủy. Tao tin nó là người thương dân, yêu nước. Chỉ là nó sai lầm như tao thôi.


Bây giờ, khi anh rời bỏ tụi cộng sản Việt Nam, tui tin anh, anh Đằng. Dù tui không có chứng cớ, dù anh có thể không làm gì được nhiều hơn với tuổi già, sức yếu như bây giờ, nhưng tui tin anh, bởi vì:


Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Để làm gì, anh biết không?

Để gió cuốn đi.


Tui hy vọng, quyết định từ bỏ đảng của anh sẽ là cơn gió lớn để cuốn hút nhiều ngọn gió nữa cùng anh tạo ra cơn bão quét sạch những đau khổ cho dân mình. Sau cơn bão lớn, nhất định bầu trời Việt Nam chúng ta sẽ rạng ngời và toàn dân sẽ bắt tay nhau làm lại từ đầu. Một khởi đầu dù muộn nhưng vững bền cho con cháu anh, con cháu tôi và cho con cháu tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước.


Chúc anh mạnh khỏe, nghị lực và kiên trì. Gởi tặng anh bản nhạc “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn [*], nghe giải trí và tiếp thêm sức mạnh cho anh, anh Đằng nghen. 
Phương Uyên bị Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm đuổi học.
Nguyễn Tường Thụy - Ngay sau khi Nguyễn Phương Uyên ra khỏi trại giam, Uyên và gia đình đã đến trường để xin theo học trở lại. Trường Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM nói sẽ xin ý kiến cấp trên rồi trả lời sau.
Ngày 29/11/2013, Trường ĐHCNTP TP HCM ra quyết định buộc thôi học đối với sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên. Lý do họ đưa ra là Phương Uyên đã vi phạm pháp luật của nước CHXHCNVN.
Căn cứ họ ra quyết định là qui chế đối với học sinh sinh viên, bản án phúc thẩm ngày 16/8/2013 xử Phương Uyên 3 năm tù treo và công văn của Vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chưa rõ bản qui chế đối với học sinh sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công văn của Vụ công tác HS, SV như thế nào nhưng khả năng nếu trường ĐHCNTP có căn cứ đúng thì qui chế của Bộ GD và ĐT còn khắc nghiệt hơn cả Bộ luật hình sự vì theo bộ luật hình sự, nhiều trường hợp bị án tù, sau khi ra tù chỉ có thể bị đình chỉ đảm nhiệm chức vụ từ 1- 5 năm.
Luật thi hành án hình sự không hề có điều khoản nào cấm người đang thi hành án treo tiếp tục học tập. Ngược lại còn bỏ ngỏ khả năng họ có thể được theo học phổ thông, đào tạo nghề. Điều 65, khoản 3 qui định:
Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.
Trong khi đó, quyết định của trường ĐHCNTP TP HCM buộc thôi học là vĩnh viễn.
Đây là một quyết định vô nhân đạo, bịt kín tương lai của sinh viên Nguyễn Phương Uyên khi cuộc đời của Uyên tất cả còn ở phía trước.
5/12/2013

0 nhận xét:

Đăng nhận xét