Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Bài viết hay(766)

Suốt năm 2013, Mỹ không hề ra mặt đối đầu căng thẳng với TQ nhưng lặng lẽ tiếp sức cho Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Philippines, Úc... và cả VN để "chơi" với TQ. Vì quyền lợi của (taì phiệt/ tư bản) Mỹ, Mỹ chưa muốn ra tay nhưng rõ ràng là bao vây TQ và bán vũ khí cho "đàn em" để giảm bớt sự hùng hổ của TQ. Thực sự khó ai biết được đường lối, chính sách, chủ trương của Mỹ ra sao nhưng bất ký ai sống ở Mỹ cũng biết chính sách "cây gậy và củ cà rốt", tất cả vì quyền lợi của (taì phiệt/ tư bản) Mỹ.
Nhân quyền ở đâu trong ngoại giao Mỹ?

Trong hai thập niên qua, mỗi chuyến đi của giới chức cao cấp Mỹ đến Việt Nam đều được Hà Nội và Bắc Kinh quan tâm đánh giá cũng như diễn giải theo quan điểm của Đảng Cộng sản hai nước.


Ông John Kerry quan tâm đến cả vùng Hạ lưu sông Mekong
Hà Nội xem những chuyến viếng thăm là dấu chỉ Hoa Kỳ và Việt Nam đã bỏ lại sau lưng quá khứ thù nghịch để hướng đến tương lai hợp tác và phát triển. Bắc Kinh thì canh chừng xem quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiến xa đến mức nào.
Sự trở lại của Mỹ được chú ý vì năm 1975 cộng sản Việt Nam, với sự trợ giúp của Liên Xô và Trung Quốc, đã chiến thắng và hất cẳng được người Mỹ ra khỏi Đông Dương.
Nhưng không ngờ chỉ vài năm sau cục diện chính trị trong vùng lại có những xung đột giữa hai nước cộng sản anh em một thời khăng khít với nhau như “môi hở răng lạnh”.
Năm 1979 nổ ra cuộc chiến biên giới Việt-Trung. Năm 1988 có đụng độ trên biển trong vùng quần đảo Trường Sa.
Trong hơn một thập niên đó thì quan hệ Mỹ-Trung ngày càng phát triển, nhất là trong lãnh vực kinh tế và giáo dục với hàng hoá và sinh viên từ Trung Quốc ào ạt đổ vào Mỹ.
Vì thế trước xung đột Việt-Trung, Hoa Kỳ không quan tâm lắm vì không muốn làm mất lòng đối tác thương mại khổng lồ là Trung Quốc.
Cùng lúc, Hoa Kỳ rút lui quân sự ra khỏi Đông Nam Á để chứng tỏ sự ôn hòa, tránh đối đầu. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Mỹ không còn sử dụng cảng Cam Ranh, các căn cứ không quân ở Thái Lan đóng cửa, sau cùng là căn cứ hải quân ở Subic Bay cũng trả lại cho Philippines.
Nhưng Hoa Kỳ đã giật mình tỉnh giấc khi Trung Quốc khoanh vùng bao phủ gần hết biển của Việt Nam, Philippines và xuống đến tận Malaysia, gọi là đường lưỡi bò. Gần đây Trung Quốc lại khoanh cả không gian ở Đông Bắc Á.
Hoa Kỳ làm mới chính sách Trước bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh, Tổng thống Barack Obama có chính sách xoay trục – gọi là tái cân bằng – đưa Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á.


Hà Nội chơi môn ngoại giao đu dây, gọi là làm bạn với mọi nước
Vì thế, những chuyến viếng thăm của giới chức Mỹ đến các quốc gia trong vùng được đặc biệt chú ý để tìm ra những dấu chỉ trong chính sách mới của Hoa Kỳ.
Đối với Việt Nam, hơn một thập niên qua đã đón các Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush (Con), các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, thương mại của Mỹ. Cùng lúc Việt Nam cho chiến hạm Mỹ ghé cảng trên đường công tác ở Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ xoay trục, nhưng ngày nay cục diện chính trị trong vùng cũng không khác xưa là bao.
Hơn nửa thế kỷ trước, lãnh đạo Mỹ từ Tổng thống Ike Eisenhower, John F. Kennedy đã muốn bảo vệ vùng đất này bằng việc giúp các nước Malaysia, Philippines, Thái Lan và Nam Việt Nam chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, từ Trung Quốc và Liên Xô, mà Việt Nam đã là chiến trường sôi động nhất với hơn nửa triệu lính Mỹ chiến đấu.
Nay Nhật, Nam Hàn, Philippines, Thái Lan vẫn là đồng minh của Hoa Kỳ. Việt Nam thống nhất nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi cộng sản Trung Quốc, như khi cuộc chiến diễn ra trong thập niên 1960.
Khác chăng là cuộc đối đầu của Washington với Bắc Kinh nay không còn là cuộc chiến súng đạn mà là chiến tranh kinh tế.
Với việc Mỹ xoay trục, Hà Nội lại vẫn chơi trò ngoại giao đu dây, gọi là làm bạn với mọi nước trong tinh thần tôn trọng chủ quyền độc lập và lãnh thổ của nhau. Không như trước đây là giữa Liên Xô và Trung Quốc, nay Hà Nội đang đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc rất khác nhau về cơ chế chính trị, một bên là tự do dân chủ một bên là cộng sản độc tài.
Nhìn bản đồ địa chính trị, Đông Á chỉ còn Lào, Bắc Hàn và Việt Nam chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh và đều là các nước cộng sản. Nam Hàn, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Singapore là những đồng minh lâu đời của Mỹ; Indonesia và Malaysia là bạn của Hoa Kỳ vì đã là những quốc gia dân chủ, hay cũng đang tiến đến dân chủ như Campuchia và Myanmar.
Trước dấu chỉ Trung Quốc cũng sẽ khoanh cả không gian trên biển Đông Nam Á nên chuyến đi tuần qua của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đến Việt Nam và Philippines đã được dư luận đặc biệt chú ý.
Đã đến Việt Nam hơn chục lần trước đây để điều tra về POW-MIA trước khi khuyến cáo Tổng thống Bill Clinton thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 1995, đây là chuyến đi đầu tiên của ông trong vai trò bộ trưởng ngoại giao.

"Nếu tập trung đúng vào sự cởi mở và tự do của xã hội, tôn trọng đúng đắn con người và quyền của họ (Việt Nam) sẽ thành công to lớn"
John Kerry
Đặc biệt Ngoại trưởng Kerry mang theo những khoản trợ giúp tài chánh, tuy chỉ hơn 50 triệu đô-la nhưng là những dấu chỉ Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam nhiều hơn.
Đó là ngân khoản dành cải thiện môi sinh ở Đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng bởi thay đổi khí hậu và việc Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn, đó là tiền mua những tàu tuần tra biển, tiền đầu tư giúp Việt Nam hoàn tất những bước tiến trong đàm phán TPP để nâng phát triển kinh tế cho Việt Nam.
Không như chính sách đối với Cuba, là một trong số năm nước cộng sản còn lại và đến nay vẫn bị Hoa Kỳ cấm vận và không bang giao, những nhà làm chính sách Mỹ chủ trương can dự và bắt tay với Việt Nam để đem lại những thay đổi cho đất nước này.
Trong hai thập niên qua Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam nhiều trong kinh tế và giáo dục. Hàng Việt nhập vào Mỹ nay đã lên đến hơn 20 tỉ đô-la trong năm nay và số du sinh Việt tại các đại học Hoa Kỳ là 16 nghìn.
Nhân quyền như cái gai Tuy nhiên, trong quan hệ Việt-Mỹ vấn đề nhân quyền vẫn là một chiếc gai.
Ngoại trưởng John Kerry khi còn ở Thượng viện đã nhiều lần ngăn chặn không cho dự luật nhân quyền Việt Nam được đưa ra thảo luận dù đã được đại đa số hạ nghị sĩ chấp thuận.
Nay trong tư cách nhà ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ ông không thể thờ ơ với nhân quyền được nữa.
Trước ngày lên đường ông đã nhận được thư của 47 hạ nghị sĩ đồng ký tên yêu cầu liên kết việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những cải tiến về nhân quyền.
Lá thư với 47 chữ ký là con số đông nhất từ trước đến nay và có nhiều đại diện từ những khu vực đông người Việt ở California như Quận Cam với các dân biểu Loretta Sanchez, Linda Sanchez, Alan Lowenthal; vùng San Jose và Vịnh San Francisco với Zoe Lofgren, Mike Honda, Barbara Lee, George Miller.
Nhật báo Washington Post ngày 13-12-2013 cũng có bài xã luận yêu cầu Ngoại trưởng John Kerry đặt ưu tiên nhân quyền trong thảo luận.
Ban biên tập đã tiếp xúc với thân nhân của một số tù nhân đang bị giam vì phát biểu quan điểm của mình. Tờ báo nhắc đến trường hợp anh em luật sư Lê Quốc Quân, Lê Đình Quản và yêu cầu đặt vấn đề trả tự do cho họ với lãnh đạo Hà Nội.
Vì thế Ngoại trưởng John Kerry đã thẳng thắn nêu vấn đề nhân quyền với lãnh đạo Việt Nam và yêu cầu trả tự do cho một số tù nhân lương tâm cụ thể.
Tại buổi gặp gỡ với Hiệp hội Thương mại Mỹ và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Sài Gòn, Ngoại trưởng Kerry cũng đã nhắc đến một xã hội cởi mở hơn, người dân được tự do hơn sẽ giúp Việt Nam phát triển.


Gần 50 dân biểu Mỹ tại các vùng đông cử tri Việt đã ký bức thư nhân quyền
Ông phát biểu:
“Tôi nghĩ rằng cơ hội cho tương lai là to lớn. Nếu tập trung đúng vào sự cởi mở và tự do của xã hội, tôn trọng đúng đắn con người và quyền của họ, tập trung đúng đắn vào tăng trưởng và giáo dục, tôi sẽ chẳng hề có nghi ngờ rằng tất cả những năng lượng và nỗ lực đó dùng vào việc cố gắng định ra một phương hướng mới, nó sẽ mang lại thành công to lớn.”
Đây chẳng phải là điều gì mới với trong chính sách ngoại giao của Mỹ, vì nó như một chiếc kiềng với ba chân mới được vững vàng. Đó là vị trí chiến lược, quyền lợi kinh tế là những lý tưởng dân chủ tự do.
Tầm nhìn, cách tiếp cận khái niệm về nhân quyền phổ quát trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, cùng đáp ứng trước yêu cầu của Mỹ sẽ cho thấy khoảng cách trong quan hệ hai nước ngày càng gần lại hay vẫn còn khoảng cách.
Bùi Văn Phú
'Ảnh hưởng của Mao không còn nữa ở VN'
Mao Trạch Đông
Mao Trạch Đông đã có tầm ảnh hưởng ở Trung Quốc và khu vực
Ảnh hưởng của Mao Trạch Đông và học thuyết Mao-ít của ông về cơ bản không còn nữa, ngoại trừ ở một số người được cho là 'ngu muội' ở Việt Nam, theo ý kiến của nhà quan sát từ Hà Nội.
Mao được cho là có tầm tư tưởng chủ yếu tác động ở Trung Quốc và khu vực, với nhiều thành tố của chủ nghĩa Mao-ít chịu tác động của mô hình Stalin, vẫn theo các ý kiến đánh giá.
Việt Nam đã có sự tiếp thu và quan sát chọn lọc chủ thuyết Maoist, từ trong chính trị cho tới đường lối văn hóa văn, văn nghệ, các ý kiến cho hay thêm.
Trước hết, trong trao đổi với BBC hôm 20/12/2013, ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc hồi thập niên 1990 nói:
"Mao Trạch Đông bây giờ ảnh hưởng với Trung Quốc rất ít rồi, Trung Quốc còn cần, giương ra những lúc lợi, còn đối với Việt Nam, hầu như không có ảnh hưởng gì nữa, trừ một số rất ít kẻ ngu muội ở Việt Nam."
"Ngay ở trong nội bộ Trung Quốc đối với Mao Trạch Đông còn có ý kiến thế này, thế khác, và nói chung xu thế không thích, không muốn kỷ niệm ông ta to."

"Việt Nam sớm thấy những cái quá khích, khiến nhân dân Trung Quốc chết hàng mấy triệu người"
Ông Dương Danh Dy
Ông Dy cho hay Việt Nam từ sớm đã nhận thấy một số kinh nghiệm của Trung Quốc thời của cố Chủ tịch Mao là 'không phù hợp' để tiếp thu. Ông nói:
"Nhân dân Việt Nam sớm thấy những cái quá khích, quá chớn, không biết dùng từ như thế nào về Mao Trạch Đông, từ cái gọi là 'Nhảy vọt lớn', rồi đến 'Công xã nhân dân', rồi 'Ba năm thiên tai' nhân dân Trung Quốc chết hàng mấy triệu người,
'Giúp đỡ to lớn' Tuy nhiên, nhà ngoại giao thừa nhận Việt Nam đã nhận được nhiều sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc và coi đó là đóng góp của Trung Quốc thời Mao với chính quyền cộng sản Việt Nam:
"Việc chiến đấu của bộ đội Việt Nam, có rất nhiều kinh nghiệm chúng tôi học được từ Trung Quốc, nhưng sau này chúng tôi phát triển lên. Phải nói thẳng Trung Quốc cũng giúp chúng tôi những thứ đó và một số vũ khí của Trung Quốc giúp chúng tôi cũng rất hữu hiệu,
"Chẳng hạn trong chiến dịch diệt xe tăng, thiết xa vận của Mỹ ở miền Nam, các bạn Trung Quốc trang bị cho chúng tôi B40, cái đó chúng tôi không bao giờ quên ơi, chúng tôi không phủ định những sự giúp đỡ thiết thực, to lớn của nhân dân Trung Quốc cho chúng tôi."

Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh
Học thuyết đề cao quyền lực độc tôn vẫn là bài toán khó giải chỉ riêng cho Trung Quốc
Đánh giá về đóng góp trên bình diện tư tưởng của ông Mao Trạch Đông, hôm thứ Sáu, Giáo sư Tô Duy Hợp, Giám đốc Trung tâm Khoa học Tư duy ở Hà Nội nói:
"Mao là khởi đầu một thế hệ gọi là cách mạng dân chủ của Trung Quốc, thực ra trước đó có Tôn Trung Sơn, nhưng phong trào dân chủ mới lấy nông dân làm nòng cốt của Đảng và công - nông,"
"Người ta lấy Mao Trạch Đông làm thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ hai là Đặng Tiểu Bình, thứ ba là Giang Trạch Dân, thứ tư là Hồ Cẩm Đào và hiện nay là Tập Cận Bình,
"Bây giờ Trung Quốc đang tiếp tục cải cách và hội nhập. Nếu mà nói công bằng, vai trò của ông Mao là người đặt nền móng, là người có công mở ra phong trào dân chủ kiểu mới theo hướng đề cao nông dân."
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu này, tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng lý luận của ông Mao hạn chế hơn so với Lênin hay Stalin.
Giáo sư Hợp đưa ra so sánh: "Về mặt lý luận mà nói, trước đây thời Liên Xô cũ, người ta đánh giá lý luận là Lênin, Stalin, còn tư tưởng là ông Mao Trạch Đông, Cụ Hồ ngày xưa chỉ được đánh giá là đạo đức Hồ Chí Minh..."
Ông cũng cho rằng Mao chỉ là người có 'tầm tư tưởng' mà không phải là 'nhà lý luận' như Marx hay Lenin, thậm chí Stalin.
'Chỉ tầm khu vực' Giáo sư Hợp giải thích:
"Cách phân loại đó đề xuất ra nguyên lý, hay nguyên tắc, tầm là tầm cơ sở lý thuyết, còn cái này chỉ là tầm vận dụng cho khu vực, hàm ý là ông Mao chỉ vận dụng cho Trung Quốc hay cùng lắm là cho các nước đang, kém phát triển."
Về di sản của ông Mao với thế giới cộng sản tới ngày nay, Giáo sư Hợp cho rằng ảnh hưởng học thuyết Maoist có những hậu quả không dễ đánh giá.
Ông nói: "Chủ nghĩa Mao chỉ là một biểu hiện của mô hình Xô-Viết, nó phương Đông hóa mô hình Xô-viết, mô hình này có một số đặc trưng, trong đó đặc trưng cơ bản nhất người ta muốn nhấn mạnh là chế độ độc tài,"

Trung Quốc
Trung Quốc sẽ tổ chức 120 năm sinh cho ông Mao nhưng có chừng mực
"Độc tài, nhưng được che đậy, ngụy trang, đó là chỗ khó nhất, vì được che đậy bằng những từ ngữ như 'dân chủ' và kể cả pháp luật, 'dân chủ' nhưng thực chất không phải vậy, cái này khó về mặt lý luận, cũng như về mặt bằng chứng thực tiễn, rất khó khăn, không đơn giản. Cuộc đấu tranh chắc là lâu dài."
Về phần mình, cũng hôm thứ Sáu, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân từ Hà Nội nhìn vào di sản của chủ nghĩa Mao từ góc độ tác động tư tưởng văn hóa, văn nghệ.
Ông nói: "Tư tưởng văn nghệ của ông Mao Trạch Đông, nó cũng giống như Stalin, một trong những người đi trước và ít nhiều là khuôn mẫu của ông ấy,
"Khi giành được chính quyền, thì văn nghệ cũng phải trở thành một bộ phận nằm trong sự quản lý chặt chẽ của chính quyền và nhà văn phải trở thành gần như là công chức của chế độ và hành động như môt bánh xe, thậm chí, như một nhân tố vận động thuận chiều với bộ máy ấy, chứ không phải là người sáng tạo tự do."
Nhà phê bình nói việc hội nhà văn ở Trung Quốc hiện vẫn còn hoạt động như một thứ 'Tổng cục văn nghệ' hay báo chí tư nhân 'bị hạn chế' vẫn còn là di sản từ thời Mao và di sản này cũng được thấy ở một số quốc gia trong khu vực.
Trung Quốc nhận viện trợ từ Anh

Thủ tướng Cameron gần đây thăm TQ.
Tựa đề lớn trên trang nhất của tờ Daily Mail – một trong những nhật báo quan trọng tại Anh – số ra ngày thứ Hai (16/12) là ‘Why Are We Giving China £27m in Aid?’ tạm dịch là ‘Tại sao chúng ta lại viện trợ Trung quốc 27 triệu bảng?’ khi quốc gia này vừa mới ‘phóng vệ tinh lên mặt trăng và là một siêu cường kinh tế’?
Theo số liệu mà tờ Daily Mail có được, năm 2012, Anh đã viện trợ Trung Quốc đến 27.4 triệu bảng (Anh) và Việt Nam – một trong số 15 nước vẫn còn nhận viện trợ từ Anh – 51.5 triệu bảng.
Nhưng trong số các quốc gia nhận viện trợ Anh, Trung Quốc là nước làm tác giả của bài viết ấy là Jason Groves thắc mắc và đặt câu hỏi tại sao Anh lại đi viện trợ cho quốc gia Cộng sản giàu có và vừa thành công phóng vệ tinh lên mặt trăng này?
Giàu vẫn nhận viện trợ
Bài viết đã trích dẫn ông Peter Bone, một dân biểu thuộc đảng Bảo thủ và là người đã kêu gọi bà Justine Greening, Bộ trưởng Phát triển quốc tế của Anh, phải giải thích tại sao Anh vẫn viện trợ cho Trung Quốc.

Hệ thống tàu cao tốc của TQ được phát triển mạnh và nhanh trong nhiều năm qua.
Ông Peter Bone được trích dẫn nói rằng: ‘Công luận có lý khi kinh tởm về việc chúng ta vẫn tiếp tục lãng phí tiền viện trợ cho Trung Quốc. Thật là bất thường chúng ta làm việc đó trong khi họ đã phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng.'
Một dân biểu khác thuộc đảng Bảo thủ và là thành viên của ủy ban phát triển quốc tế của Hạ viện Anh, bà Pauline Latham, cũng được trích dẫn nói rằng bà rất ngạc nhiên về tiết lộ ấy và cho rằng khi Trung Quốc đã phóng vệ tinh lên mặt trăng ‘rõ ràng họ không cần sự giúp đỡ của chúng ta nữa’.
Theo tác giả của bài viết Trung Quốc hiện có gần 2000 tỷ bảng tiền dự trữ, đang đổ hàng tỷ vào chương trình không gian của mình và có đến 1.4 tỷ người Trung Quốc xem trực tiếp trên truyền hình chương trình phóng Jade Rabbit (Thỏ Ngọc) lên mặt trăng vừa rồi của nước này.
Có thể nói phóng viên Jason Groves, các dân biểu như Peter Bone và Pauline Latham cũng như người dân Anh có lý khi hỏi tại sao chính phủ của họ lại bỏ ra một số tiền lớn như vậy để viện trợ cho Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện là nước có kích cỡ kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), sản lượng quốc gia (GDP) của nước này năm 2012 là 8,358 tỷ đôla Mỹ – sau Mỹ (15,680 tỷ) và trước Nhật (5,969 tỷ) – trong khi đó GDP của Anh chỉ là 2,435 tỷ. Như vậy, tính theo GDP, Trung Quốc ‘giàu’ hơn Anh gần đến bốn lần.
Về thương mại, Trung Quốc cũng vượt trội Anh. Theo Tổ chức mậu dịch thế giới (WTO), năm 2012, với việc chiếm đến 10.45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thế giới, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ (10.5%) và vượt xa Anh (3,15%).
Điều đáng nói hơn, Trung Quốc hiện là nước đứng đầu về xuất khẩu (chiếm đến 11.1% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới), trong khi đó Anh xếp thứ 11 (với chỉ 2.6% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới).

TQ tăng đầu tư cho hải quân và không quân.
Trung Quốc hiện cũng là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới. Theo số liệu của Stockholm International Peace Research Institute, chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 là 166 tỷ, trong khi đó Anh chỉ dành cho quốc phòng 60.8 tỷ.
Về thu nhập đầu người, Trung Quốc vẫn còn thua xa các nước phát triển khác như Anh. Theo số liệu của World Bank, trong khi thu nhập đầu người của Trung Quốc năm 2012 chỉ có 5,680 đôla Mỹ, thu nhập đầu người ở Anh là 38,250.
Nhưng tính theo các chỉ số khác, như GDP, thương mại hay chi phí cho quốc phòng, Trung Quốc không còn là một nước nghèo. Trái lại, quốc gia này đang trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự.
Thậm chí xét về thu nhập đầu người, Trung Quốc cũng giàu hơn nhiều quốc gia châu Á khác như Ấn Độ (1,530 đôla/người), Indonesia (3,420 đôla/người), Philippines (2,470 đôla/người) hay Việt Nam (1,400 đôla/người).
Tuy vậy, xem ra Trung Quốc vẫn cảm thấy ‘nghèo’ và đi nhận viện trợ từ một quốc gia khác như Anh. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng vào đầu tháng 12 này, Thủ tướng Anh David Cameron đã có chuyến công du tới Trung Quốc và trong khi ông còn đang ở đây, một số báo chí nước này đã lên tiếng chê bai nước Anh và cho rằng nước Anh không còn là ‘một nước lớn’.
'Giàu nhưng hơi keo kiệt'?

Trung Quốc đứng chót bảng viện trợ khắc phục bão Haiayn ở Philippines
Một điều đáng nói là nữa là dù tương đối ‘giàu’ và sẵn sàng đi nhận viện trợ từ các chính phủ khác, chính quyền Trung Quốc lại tỏ ra keo kiệt đối với những quốc gia, nạn nhân bị thiên tai.
Chẳng hạn, Bắc Kinh chỉ viện trợ cho Philippines 100 nghìn đôla tiền mặt sau khi quốc gia này bị bão Haiyan tàn phá nặng nề vào tháng 11. Với số tiền ít ỏi ấy (bằng Việt Nam và chỉ bằng 1/200 tổng giá trị gói viện trợ 20 triệu đôla của Mỹ), Trung Quốc xếp chót bảng các nước viện trợ Philippines.
Thái độ ti tiện này của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của báo chí và dư luận thế giới. Ngay cả Hoàn cầu Thời báo (Global Times) – một tờ báo của Trung Quốc có xu hướng diều hâu, nặng chủ nghĩa dân tộc – cũng phải lên tiếng về khoản viện trợ quá khiêm tốn ấy và cho rằng làm như thế sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới.
"Tại sao một quốc gia đang trở nên giàu mạnh, đang lên như thế lại không có lòng tự trọng, chấp nhận đi nhận viện trợ từ một quốc gia khác."
Sau khi bị công luận quốc tế và truyền thông trong nước chỉ trích về khoản viện trợ bằng tiền mặt quá ít ỏi ấy, chính phủ Trung Quốc mới quyết định viện trợ thêm cho Philippines 1,4 triệu đôla.
Một cường quốc kinh tế chỉ bỏ ra 100 ngàn đôla để cứu trợ một nước láng giềng đang bị thảm họa – với việc hàng ngàn người bị thiệt mạng và hàng chục ngàn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất – trong khi những quốc gia xa xôi lại đồng loạt đưa ra những khoản viện trợ lớn và kịp thời cho thấy Trung Quốc rất keo kiệt, ti tiện.
Dù sau đó Trung Quốc cung cấp thêm gói viện trợ trị giá 1,4 triệu đôla, khoản viện trợ ấy cũng thua xa rất nhiều các nước khác, trong đó có Anh – quốc gia đã tăng gấp đôi viện trợ từ khoảng hơn 20 triệu đôla ban đầu lên 80 triệu trong khi người dân Anh cũng đóng góp khoảng hơn 53 triệu.
Chuyện Trung Quốc giàu nhưng vẫn đi nhận viện trợ từ Anh hay việc quốc gia này chỉ dành một gói viện trợ quá khiêm tốn cho Philippines sau bão Haiyan chứng tỏ dù đang trở thành cường quốc kinh tế của thế giới Trung Quốc vẫn chưa cư xử như là một nước lớn và có trách nhiệm. Và chắc chắn những chuyện đó cũng làm ảnh hưởng đến vị thế, uy tín của Trung Quốc.
Trong một thế giới mà sức mạnh mềm đóng một vài trò quan trọng, việc Trung Quốc đi nhận viện trợ từ Anh như tờ Daily Mail tường thuật sẽ làm không ít người đặt câu hỏi tại sao một quốc gia đang trở nên giàu mạnh, đang lên như thế lại không có lòng tự trọng, chấp nhận đi nhận viện trợ từ một quốc gia khác.
Có thể nói, nếu việc Trung Quốc phóng thành công vệ tinh lên mặt trăng làm nhiều người thán phục, nể sợ Trung Quốc bao nhiêu, chuyện nước này nhận một số tiền viện trợ như vậy từ Anh lại làm cho công luận coi thường Trung Quốc và nghi ngờ sức mạnh của quốc gia này bấy nhiêu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét