Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Chuyện của Người già(8)

1.Những yếu tố làm suy giảm tuổi thọTổ chức Y tế thế giới đã xác định 25 yếu tố nguy cơ gây bệnh, tàn phế, tử vong đối với người cao tuổi. Trong đó, có một số nguy cơ hàng đầu đối với sức khỏe mà người cao tuổi có thể phòng ngừa được.
Hút thuốc lá Là yếu tố nguy hại nhất làm tăng nguy cơ ung thư phổi, gây ảnh hưởng xấu đến mọi bộ phận, đẩy nhanh tốc độ giảm khối lượng xương và chức năng hô hấp.
Ít hoạt động thể lực Tham gia rèn luyện thể lực thường xuyên, điều độ có thể trì hoãn được sự suy giảm các chức năng trong cơ thể, làm giảm nguy cơ khởi phát các bệnh mạn tính ở người cao tuổi.
Dinh dưỡng không hợp lý Chế độ ăn chất bột, chất béo làm giảm nguy cơ béo phì, các bệnh mạn tính và tàn phế ở tuổi già. Cân nặng người cao tuổi không nên vượt quá số cm của chiều cao trừ đi 105. Ví dụ, người cao tuổi cao 165 cm, cân nặng không nên vượt quá 60 kg. Người cao tuổi không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia. Nước không sạch và môi trường vệ sinh kém Nếu triển khai rộng khắp toàn cầu việc cung cấp đủ nước và điều kiện vệ sinh cho bệnh nhân, ta sẽ tránh được 1,8 tỷ trường hợp tử vong do tiêu chảy. Trầm cảm và sa sút trí tuệ Nhìn chung trong cuộc đời của người, có từ 15 đến 40% người cao tuổi từng có một thời kỳ trầm cảm rõ rệt. Mặc dù tỷ lệ người cao tuổi mắc "hội chứng chán nản cao độ" này khá cao, ước tính khoảng 20-30%, nhưng rất ít bệnh nhân được quan tâm đầy đủ. Hơn 90% ca trầm cảm và sa sút trí tuệ không được phát hiện và ngay cả khi đã biết cũng không được điều trị đúng.

2.Cách phòng tránh sa sút trí tuệ ở người cao tuổiBệnh nhân bị sa sút trí tuệ có biểu hiện suy giảm trí nhớ, giảm khả năng xác định không gian, thời gian, địa điểm, ngôn ngữ... Do sa sút trí tuệ, bệnh nhân mất dần năng lực vốn có trong nghề nghiệp, hoạt động xã hội và sinh hoạt thường ngày, giảm hẳn chất lượng cuộc sống.
Các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ là gì?
Bệnh sa sút trí tuệ là sự suy giảm dần khả năng trí tuệ vốn có từ trước của bệnh nhân. Có hai nguyên nhân chính gây nên bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là bệnh Alzheimer và các bệnh do nguyên nhân mạch máu.
- Bệnh do nguyên nhân mạch máu gồm: nhồi máu não đa ổ; nhồi máu não ở các vị trí hạch nền, đồi não, vùng trán...; bệnh não chất trắng xơ cứng động mạch dưới vỏ Binswanger; sa sút trí tuệ đa ổ khuyết dưới vỏ do tăng huyết áp và tiểu đường; sa sút trí tuệ do xuất huyết não.
- Bệnh do mạch máu phối hợp với bệnh Alzheimer: bệnh toàn thân gây sa sút trí tuệ như thiểu năng tuyến giáp, thiếu vitamin B12 và acid folic, tăng canxi máu, nhiễm HIV, giang mai thần kinh; bệnh ở hệ thần kinh trung ương làm mất nhận thức: u não, não úng thủy, tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson...
Biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ như thế nào?
Biểu hiện sớm của sa sút trí tuệ thông thường là giảm trí nhớ tức là bị quên những điều đã biết trước đây. Bệnh nhân gặp khó khăn khi tiêu tiền, mất kỹ năng mua sắm, gặp khó khăn khi đi lại, lúc dùng điện thoại... Thay đổi nhân cách như vẻ mặt ngơ ngác, thái độ thờ ơ với mọi người, hay than phiền là bị quên hết cả. Bệnh nhân bị loạn trí nhớ về không gian, khó nhận biết nơi mình đang ở và những nơi khác mà mình đã biết trước đây, họ luôn tin rằng họ đang ở một nơi khác với nơi họ đang ở thật sự dù có những đồ vật quen thuộc. Có những bệnh nhân lại gặp chứng quên toàn bộ thoáng qua. Đó là một rối loạn có tính chất chu kỳ của hệ thần kinh trung ương biểu hiện bằng sự mất trí nhớ đột ngột. Họ thường hay lặp lại câu hỏi, nhấn mạnh từ cuối hay nhắc lại đoạn cuối của câu. Nếu bị quên do cao tuổi thì bệnh nhân mất dần tính hài hước trong giao tiếp, suy nghĩ chậm dần, nhân cách ít biến đổi, thường quên sự việc mới xảy ra nhưng lại nhớ rất kỹ các sự việc đã xảy ra rất lâu. Trường hợp bị quên do các nguyên nhân tâm thần, bệnh nhân thường bị rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ, chất lượng công việc giảm sút, ăn mất ngon, hay lo lắng sợ hãi. Nếu bị quên do các bệnh thần kinh thường có các biểu hiện khiếm khuyết thần kinh. Đa số bệnh nhân sa sút trí tuệ bề ngoài vẫn có vẻ bình thường, nên không phát hiện sớm được bệnh. Do giảm trí nhớ và nhận thức nên bệnh nhân gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy bệnh nhân ngày càng bị động và dần dần lẩn tránh mọi giao tiếp xã hội. Những bệnh nhân sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu còn có thêm các biểu hiện thần kinh khu trú như: yếu cơ, liệt cơ, rối loạn cảm giác, rối loạn phản xạ. Các nhà chuyên môn còn định ra tiêu chuẩn để xác định sa sút trí tuệ giai đoạn sớm gồm: bệnh nhân có than phiền về việc giảm sút trí nhớ; trí nhớ của bệnh nhân có giảm so với tuổi; mọi hoạt động, sinh hoạt trong đời sống hằng ngày vẫn bình thường; chức năng nhận thức chung bình thường; bệnh nhân chưa bị sa sút trí tuệ.
Các phương pháp điều trị sa sút trí tuệ Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người bị sa sút trí tuệ tăng dần theo độ tuổi: trên 65 tuổi khoảng 5 - 10%; trên 80 tuổi khoảng 20% và khoảng 47 % từ 85 tuổi trở lên. Ở châu Âu và châu Mỹ có 60 - 70% bệnh nhân sa sút trí tuệ do Alzheimer và 15 - 20% do nguyên nhân mạch máu. Nhưng ở châu Á lại có 60 - 70% bệnh nhân sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu; còn lại là số bệnh nhân sa sút trí tuệ do Alzheimer hay phối hợp nhiều nguyên nhân khác. Với tiến bộ của y học có thể điều trị sự suy giảm trí nhớ ở giai đoạn còn sớm hoặc làm quá trình tiến triển bệnh chậm lại, giúp cho bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Hiện có rất nhiều loại thuốc điều trị đặc hiệu đối với các chứng quên do sa sút trí tuệ, quên do tai biến mạch máu não, quên ở người cao tuổi... Theo quan niệm mới, có thể dùng các thuốc chống thoái hóa não như các vitamin E, C, gingo giloba và piracetam có tác dụng chống ôxy hóa bảo vệ tế bào não tránh khỏi tác hại của các gốc tự do. Để điều trị bệnh sa sút trí tuệ có thể sử dụng một trong các thuốc sau: thuốc ức chế men cholinesterase; ở phụ nữ dùng nội tiết tố estrogen thay thế; sử dụng nhóm thuốc statin; thuốc chống tinh bột hóa ở hệ thần kinh.
Tập thể dục đều đặn thường xuyên giúp cải thiện trí nhớ và làm chậm quá trình lão hóa cũng như sa sút trí tuệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục làm giảm tần suất tai biến mạch máu não ở nam 40-49 tuổi do giúp giảm huyết áp, giảm trọng lượng cơ thể, giảm fibrinogen huyết tương, giảm hoạt động tiểu cầu, tăng hoạt hóa plasminogen huyết tương...
Thực hiện chế độ ăn điều độ, hợp lý như giảm ăn muối; bổ sung đầy đủ các vitamin B12, B6, folat trong khẩu phần ăn sẽ làm giảm nồng độ homocystein; bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia... sẽ giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch, nhũn não và tai biến mạch máu não.

3.Tuổi thọ tăng… bệnh “lú lẫn” tăng?Th.S y khoa Nguyễn Văn Hướng cho biết: "Hiện tình trạng “lú lẫn” ở người cao tuổi ngày càng tăng do suy giảm trí nhớ. Đây là “hình thái” của bệnh lý thoái hoá não Alzheimer. Cần phải có sự quan tâm cấp bách cho chứng bệnh này…".
Thách thức lớn nhất của những người cao tuổi là các căn bệnh liên quan đến lão hoá và thoái hoá thần kinh. Chỉ tính trong tháng 5 và những ngày cuối tháng 6/2008, mỗi ngày, khoa Tâm Thần kinh - BV Lão khoa tiếp đón khoảng 10 bệnh nhân đến khám chữa trực tiếp hoặc qua điện thoại. Theo thống kê chưa đầy đủ của khoa Tâm thần kinh, bệnh lý “lú lẫn” chiếm trên 50% tổng số người cao tuổi nước ta. Nhiều chuyên gia cho biết: Khoảng 30 năm cuối của thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình của loài người đã được tăng lên nhiều. Cùng với tuổi thọ tăng lên, số lượng người cao tuổi đang nhanh chóng gia tăng trên toàn cầu. Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới, tính đến năm 2000, toàn thế giới có đến 580 triệu người trên 60 tuổi, dự đoán đến năm 2010 sẽ đạt đến con số một tỷ người. Ở VN, điều tra mới nhất gần đây nhất cho thấy số người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số. Trao đổi với PV báo Dân Trí về vấn đề này, ThS. Hướng cho biết: “Bệnh "lú lẫn” ở người cao tuổi hiện nay chưa được quan tâm nhiều ở VN trong khi tình trạng bệnh lý này rất nguy hiểm. Ví như từng có bệnh nhân bật bếp ga, rồi sau đó không nhớ tắt bếp, gây nguy hiểm lớn cho chính bản thân họ và người thân”.
Ông cho rằng, cần phải báo động ngay tình trạng bệnh lý này, cho nhiều người biết mà đề phòng. Ngoài ra, cần có nhiều quan tâm, săn sóc, gần gũi với họ hơn nữa thì sự sẻ chia sẽ tốt hơn. Những trường hợp đặc biệt nên đưa bệnh nhân đến các trung tâm chuyên khoa thần kinh khám ngay, có nhiều người cao tuổi lẫn đến mức độ mà họ không thể tự chăm sóc cho bản thân mình được. Th.S Hướng khẳng định.
Biểu hiện của bệnh “lú lẫn” (Alzheimer):
- Mất phương hướng, giảm khả năng chú ý.
- Hay quên, hay nhầm lẫn
- Bỏ sót nhiều công việc hàng ngày.
- Hay buồn rầu vô cớ, hay giận hờn.
Các cách khắc phục bệnh lý “lú lẫn”:
- Đối với những người cao tuổi, không có điều kiện đi khám tại các TT Thần kinh được thì nên dành nhiều thời gian để tập nhớ, phải luôn gần gũi với con cháu và người thân để trao đổi, chia sẻ khó khăn với họ.
- Người cao tuổi nên có lịch làm việc, lịch nhắc những vấn đề cơ bản, thiết yếu nhất và nên chủ động lên kế hoạch làm việc trước, tránh nhẫm lẫn. Điều cốt yếu là người cao tuổi bị “lú lẫn” không nên thay đổi môi trường sống, mà nên sinh hoạt trong một môi trường quen thuộc nhất để tránh những phiền hà khi gặp phải.
- Những trường hợp” lú lẫn” bất thường hay đặc biệt khác thì nên đến các trung tâm chuyên khoa thần kinh, viện Lão Khoa để kiểm tra ngay.

4.Bí quyết đi xa dành cho người giàMùa hè đến, mọi người bắt đầu xách vali du lịch đây đó. Nhưng với những người cao tuổi, họ cần phải chú ý một số điều để có một chuyến bay an toàn.
"Những người lớn tuổi nên đi gặp bác sĩ trước mỗi chuyến bay để có thể biết trước những nguy hiểm dễ xảy ra và có được lời khuyên dự phòng hữu ích", bác sĩ Sharon A. Brangman tại Hiệp hội lão khoa Mỹ nói.
Theo bà, trước khi lên máy bay, người cao tuổi cần làm những điều sau.
- Mang theo mọi loại thuốc cần thiết và để trong túi cầm tay để sử dụng kịp thời.
- Nhờ bác sĩ viết ra mọi vấn đề sức khỏe bạn đang gặp phải, biện pháp chữa trị, loại thuốc đang dùng, liều lượng và cách dùng. Có thông tin này sẽ giúp xử lý kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
- Nếu bay qua vùng có thời gian khác nhau, hỏi bác sĩ về thời điểm thích hợp để uống thuốc. Kiểm tra xem loại thức ăn nào có thể gây xung đột với thuốc đang dùng.
- Tiêm phòng cẩn thận. Nếu bay ra nước ngoài, có thể cần phải tiêm phòng trước khi đi.
- Không khí trong máy bay rất khô, nên cần uống nhiều nước trong chuyến bay.
- Đề phòng trước tình trạng nghẽn mạch máu, xảy ra khi các cục máu hình thành trong mạch (thường là ở chân) và làm tắc dòng máu. Ngồi lâu trên máy bay có thể gây ra tình trạng này, nhưng đi loại tất đặc biệt sẽ giúp ngăn chặn tình trạng này.
- Cẩn thận trước sự lây nhiễm. Rửa tay thường xuyên, dùng dung dịch vệ sinh để rửa tay, đặc biệt là sau khi ở chỗ đông người và trước khi ăn.

5.Tác dụng của nước đối với người cao tuổi
Một trong 10 lời khuyên nhằm bảo vệ sức khỏe người cao tuổi là biết sử dụng
nước. Như chúng ta biết, không có nước, không có sự sống. Trong công cuộc bảo vệ và nâng cao sức khỏe người cao tuổi, cần tận dụng nước.
Nước chiếm 2/3 trọng lượng cơ thể và nước là thành phần cơ bản của máu (chiếm 35% trọng lượng huyết tương). Nước có mặt ở mọi tổ chức của cơ thể. Sự chuyển động của nước trong cơ thể mang đến các tế bào oxy và những chất dinh dưỡng cấn thiết, đồng thời thải loại ra những chất có hại cho cơ thể.
Ở nhiều người cao tuổi, do thời gian hoặc do quan niệm sai lầm đã uống quá ít nước trong ngày. Vì vậy có hiện tượng cơ thể tự đầu độc do táo bón, do đi tiểu ít, do mồ hôi ra ít, do lượng máu lưu thông kém. Cho nên có nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và gây ra da dẻ kém tươi tắn, nếp nhăn càng nhiều, cơ thể có cảm giác khô héo.
Nhu cầu nước tối thiểu để cân bằng dịch trong cơ thể xác định bằng tổng số nước tiểu cần thải ra hằng ngày (500 ml/ngày) và số nước mất không cảm thấy được qua da và đường hô hấp (500 ml - 1.000 ml) trừ đi số nước được sản sinh ra từ chuyển hóa nội sinh (300 ml/ngày). Thông thường nước được đưa vào hằng ngày là 2.000 -3.000 ml và lượng nước tiểu sẽ là 1.000 ml/ngày, và nên nhớ rằng, việc giảm lượng nước tiểu tối đa (500 ml/ngày) không có lợi cho sức khỏe.
Vì vậy người cao tuổi cần phải tăng cường uống nước cho đủ mỗi ngày, ít nhất 2 lít nước và tùy theo mùa, tùy theo hoạt động cơ thể mà tăng giảm lượng nước uống trong ngày. Nước uống chỉ cần là nước đun sôi để nguội, các dạng nước khác nhau cung cấp hằng ngày cho cơ thể: như nước trà, nước hoa quả (ngoài nước còn cung cấp vitamin, khoáng chất), nước canh (trong bữa ăn), sữa (ngoài nước còn cung cấp chất đạm, chất béo, đường, còn có cả can-xi phòng chống loãng xương ở người già)...
Tốt hơn hết ở trong nhà có những người cao tuổi, cần có sẵn vài chai nước đun sôi để nguội, một vài lít sữa tươi, hoặc vài hộp sữa bổ trợ sức khỏe người cao tuổi, để tạo thói quen uống nước thường xuyên, góp phần nâng cao sức khỏe người già, là những người dễ nảy sinh ra nhiều bệnh qua lũy tích nhiều yếu tố nguy cơ trong cuộc sống.
Mỗi sáng sớm nên bắt đầu bằng một ly nước (200 ml) và thói quen uống nước, nước trái cây, uống nước canh, uống sữa thường xuyên trong ngày... sẽ giúp ngăn ngừa rất nhiều bệnh mà người cao tuổi thường hay mắc phải.

6.Thay đổi tính nết ở người cao tuổi
Mẹ tôi năm nay 76 tuổi, bình thường cụ là một người rất vui vẻ, hóm hỉnh. Nhưng hơn 2 tháng nay mẹ tôi chuyển về ở với gia đình anh cả bỗng nhiên mẹ tôi đâm ra rất khó tính, ăn ít, mất ngủ. Có người bảo mẹ tôi già nên thay đổi tính nết, tôi rất lo lắng, xin bác sĩ tư vấn giùm. Cao Minh Tân (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Các biểu hiện thay đổi tính tình ở người cao tuổi có nhiều lý do, có thể họ quá lo lắng về tình trạng sức khỏe, có sẵn các bệnh mạn tính, biểu hiện của bệnh suy giảm trí nhớ và cả bệnh trầm cảm. Biểu hiện của mẹ anh rất có thể là chứng trầm cảm ở người cao tuổi, có thể là do đổi chỗ ở chẳng hạn. Hoàn cảnh sống thay đổi làm người cao tuổi khó thích nghi hơn người trẻ. Triệu chứng phổ biến của chứng trầm cảm người cao tuổi là chán nản, dễ cáu gắt, dễ bị kích động, ăn ngủ kém, giảm trí nhớ, mất tập trung, có những bệnh nhân nặng còn có biểu hiện chán sống. Những biểu hiện đó nếu kéo dài khoảng 15 ngày thì cần phải được đi khám để xác định bệnh. Do vậy anh nên đưa cụ đi khám sức khỏe sớm để kịp thời tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng này, mặt khác cần tạo cho cụ một môi trường sống thân mật, gần gũi với con cháu.

7.Người lớn tuổi thiếu vitamin D dễ bị trầm cảm
Theo một bản báo cáo vừa được đăng trên tạp chí Archives of General Psychiatry phát hành vào tháng 5 thì những người lớn tuổi có hàm lượng hóc môn tuyến cận giáp cao nhưng thiếu vitamin D sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao.
Nghiên cứu của các nhà khoa học người Hà Lan này đã cho rằng vitamin D, trầm cảm và các bệnh thần kinh có liên quan với nhau.
Tác giả của bài báo cho rằng những nguyên nhân ngây thiếu hụt vitamin D như ít phơi nắng, không dùng các loại thuốc bổ sung ... có thể là nguyên nhân phụ gây trầm cảm. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt vitamin D cũng có thể làm tăng lượng hóc môn tuyến cận giáp trong huyết thanh.
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm thường xuất hiện khi tuyến cận giáp hoạt động quá mức và sẽ biến mất khi tuyến cận giáp trở lại bình thường.
Các nhà nghiên cứu cho rằng do việc thiếu hụt vitamin D và lượng hóc môn tuyến cận giáp cao đều có thể chữa trị được thông qua việc gia tăng vitamin D hay calcium trong khầu phần ăn và tăng cường phơi nắng nên kết quả của cuộc nghiên cứu đã đem lại hy vọng cho những người lớn tuổi bị mắc bệnh trầm cảm.
Các nhà khoa học đã xét nghiệm lượng vitamin D và lượng hóc môn tuyến cận giáp trong máu của 1282 người có độ tuổi từ 65 trở lên. Họ cũng dựa vào những triệu chứng của bệnh trầm cảm và phát hiện có 26 người bị trầm cảm nặng, 169 người trầm cảm nhẹ và 1087 người bình thường.
Các nhà nghiên cứu của trung tâm y tế trường đại học VU ở Amsterdam đã phát hiện ra rằng lượng vitamin D ở những người bị trầm cảm thấp hơn những người bình thường 14%. Bên cạnh đó, lượng hóc môn tuyến cận giáp của những bị trầm cảm cao hơn những người bình thường từ 5-33%.
Các nhà khoa học cho biết cần phải có thêm những nghiên cứu sâu hơn để xác định xem sự thay đổi lượng hóc môn tuyến cận giáp và vitamin D có ảnh hưởng gì đến bệnh trầm cảm hay không.

8.Chứng lạnh chân tuổi giàTôi năm nay 60 tuổi, bị chứng lạnh chân. Thường lạnh vào chiều tối, từ đầu gối trở xuống. Khám BHYT, BS nói loãng xương, uống thuốc không hết, tái khám BS bảo hãy đi tất. Khám đông y nói thận dương hư cho uống bát vị hoàn không đỡ. Chẳng lẽ bệnh này không trị được sao? Xin ý kiến bác sĩ.
(Nguyen Ba Cang)
- Trả lời: Phụ nữ 60 tuổi thường đã mãn kinh 10 năm, nội tiết buồng trứng không còn, khí huyết lưu thông kém, đặc biệt vùng chi dưới. Chị nào sinh nhiều con lại làm việc cực nhọc thì hệ tĩnh mạch chi dưới càng dễ suy. Lạnh chân theo tây y thường do hệ mạch chi dưới suy yếu nên khả năng tưới máu kém. Theo Đông y thì kinh thủy hết nên thận dương hư. Nếu chị khám và đã uống bát vị không hết thì theo tôi chị nên làm những điều đơn giản như sau:
- Ngâm chân nước muối ấm mỗi buổi tối trước khi ngủ. Chân được ví như quả tim thứ 2 của cơ thể. Khi ngâm chân trong nước ấm, càng ngâm sâu càng tốt (có thể để một xô nước ấm, cho ít muối hột ). Thời gian ngâm chân chị vừa xem tivi vừa ngâm để quên đi việc mình đang tự chữa bệnh. Sau đó chị lau khô chân, mang tất chân vào, gác hai chân cao hơn đầu mà ngủ.
Ngâm chân nước ấm, máu sẽ dồn đến nuôi dưỡng chân nhiều hơn. Gác chân cao khi ngủ, máu sẽ về tim tốt hơn. Chị sẽ hỏi làm vậy đến bao giờ? Việc làm này phải liên tục, thường xuyên mỗi ngày từ nay đến hết đời. Tuổi 60 như một cỗ xe không còn tốc độ cao, mình phải tự sửa sang mới mong giữ sức được.
Nếu có thể chị nên uống bài “bát vị”. Nước uống thuốc “bát vị” là hai lát gừng tươi nấu lên. Gừng sẽ làm ấm toàn thân.
- Nếu có thời gian chị hãy nằm trên giường tập: giơ hai chân cao vuông góc với thân rồi từ từ hạ xuống. Mỗi sáng chị làm 60 lần, tối 60 lần. Làm như vậy sẽ kích thích cột sống, giơ chân vuông góc với thân máu chảy về tim tốt hơn.
- Nếu chị chưa từng bị rối loạn tiền đình thì mỗi hôm tập một ít: đứng thẳng hai tay dang rộng và quay người theo chiều kim đồng hồ. Lúc đầu có thể chỉ quay được 1 vòng, hôm sau 2 vòng và nâng dần lên. Nhớ là nếu thấy chóng mặt thì ngưng và ngồi xuống, đừng để ngã ra nền nhà. Cách quay vòng tròn sẽ kích thích các luân - xa (theo quan điểm của Ấn Độ) hoạt động và các tuyến nội tiết đã ngừng hoạt động thì nay lại “thức dậy”.
Vài hàng gửi chị. Tôi cũng 61 tuổi và đã từng bị lạnh như hai cục đá. Tôi làm theo phương pháp này và hết lạnh.

9.Đau nhức ở người lớn tuổi
Mẹ em 46 tuổi, thường bị đau chân, nhất là đau ở đầu gối, đau nhiều khi ngồi xuống đứng lên. Mẹ em còn bị tê tay và đau hai bên cổ (phía sau ót). Mẹ có uống thuốc Tây, uống thì đỡ đau, ngưng thuốc thì đau lại, mà sao loại thuốc này càng uống em thấy mẹ càng béo ra. Xin bác sĩ tư vấn giúp, em cám ơn. Ngọc Diệp
- Trả lời:
Có nhiều nguyên nhân gây ra các triệu chứng này. Điều đầu tiên phải tính đến là tình trạng loãng xương. Khi bị bệnh này, rất nhiều vùng trong cơ thể như tay, chân, cột sống bệnh nhân bị đau âm ỉ, đi lại khó khăn; nhất là ở những bệnh nhân bị béo phì thì việc đi lại là một cực hình với họ.
Hầu như không có một loại thuốc nào có thể điều trị triệt để loại bệnh này ở người già mà không có các tác dụng phụ đi kèm. Vai trò của vật lý trị liệu và thể dục được đề cao, nhưng chỉ ở giai đoạn bệnh còn nhẹ và có tác dụng phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Chính vì vậy, để tránh những đau đớn do thoái hóa xương khớp và loãng xương ở người già, các nhà y học khuyên chúng ta phải có chế độ dinh dưỡng tốt giàu chất can-xi, tránh béo phì, tập luyện thể dục ngay từ khi còn trẻ...
Ở trường hợp của mẹ bạn, không nói rõ rằng tự uống thuốc, hay có đi khám bác sĩ chuyên môn. Nếu tự mua thuốc uống, thì bạn nên đưa mẹ đến khám lại ở bác sĩ chuyên khoa nội cơ xương khớp để định bệnh và cho dùng thuốc đúng với bệnh. Tránh tự ý sử dụng một số thuốc kháng viêm, giảm đau.

10.Khi nào ta biết mình đã giàChúng ta ai cũng phải trải qua quá trình "sinh, lão, bệnh, tử". Nhưng câu hỏi đặt ra là: dấu hiệu của sự lão hóa đến với ta khi nào, biểu hiện ra sao, có thể làm chậm quá trình lão hóa được không? Đây vẫn là sự băn khoăn của nhiều người. Bài viết sau đây giúp giải đáp phần nào sự băn khoăn đó.
Cùng với năm tháng, cơ thể mỗi người lớn lên, trưởng thành rồi già nua. Đó là quy luật của tạo hóa. Nhưng khi phải đối mặt với những dấu hiệu của tuổi già thì chúng ta vẫn không khỏi bàng hoàng lo lắng và mong muốn có một phép màu nào đó giúp ta kéo dài tuổi xuân. Có lẽ tùy mỗi người mà dấu hiệu tuổi già đến sớm hay muộn, nhanh hay chậm khác nhau. Khi nào ta biết mình đã về già? Đó là khi xuất hiện một hay nhiều biểu hiện sau đây:
- Rụng tóc: Bình thường mỗi người có khoảng 100.000 sợi tóc và mỗi ngày có khoảng 100 sợi rụng đi. Như vậy rụng tóc là một hiện tượng sinh lý bình thường xảy ra với mọi người ngay từ lúc trẻ tuổi. Điểm khác biệt là ở người cao tuổi tóc rụng nhiều hơn do khi về già các tuyến nhờn kém hoạt động, tóc bị khô, giòn, dễ rụng. Nếu da đầu bị viêm, hay do ảnh hưởng của các loại thuốc chữa bệnh, hóa trị, xạ trị thì tóc rụng càng nhiều. Cùng với tóc, lông nách và lông mu cũng rụng khá nhiều. Ngược lại những phụ nữ dùng nội tiết tố nam để chữa bệnh thì lông, tóc lại mọc ra ở mặt và thân thể, nhưng khi ngưng thuốc thì lông tóc loại này cũng ngưng mọc.
- Bạc tóc: Tóc bạc hay tóc hoa râm là dấu hiệu khá sớm của tuổi về già. Thường tóc bạc bắt đầu từ hai bên thái dương rồi lan lên đỉnh đầu. Thời gian đầu, tóc bạc ít, trắng đen lẫn lộn dạng muối tiêu, dần dần tóc trắng nhiều hơn tóc đen, khi đó muối nhiều hơn tiêu. Tóc đen biến đổi thành tóc trắng là vì loại tế bào sinh hắc tố melanin giảm đi, tóc trở nên không có màu, bị bạc trắng. Vì sao loại tế bào này giảm đi khoa học chưa biết rõ và cũng chưa tìm ra cách ngăn chặn được sự giảm này. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tóc bạc có tính chất di truyền. Giáo sư Kyonggeun Yoon và các cộng sự tại Đại học Y khoa Jefferson, Pennsylvania, đã thành công nhờ điều chỉnh gen di truyền mà chuyển đổi tóc từ trắng sang đen của chuột mắc bệnh bạch tạng. Các nghiên cứu khác thì cho rằng tóc bạc do: bị thiếu vitamin nhóm B, dinh dưỡng kém, do căng thẳng thần kinh, do buồn phiền trường diễn, do môi trường sống bị ô nhiễm hóa chất độc hại... Thống kê cho thấy: chỉ có khoảng 65% người cao tuổi bị bạc tóc, số còn lại 35% người cao tuổi thì tóc không bạc hay chỉ bạc khi tuổi cao; song lại có nhiều người mới 25-30 tuổi tóc đã bạc.
- Những thay đổi của da: Da có chức năng bảo vệ cơ thể chống vi khuẩn, cát bụi, điều nhiệt... Người cao tuổi da bị nhăn nheo, khô cằn, mềm xệ và xuất hiện các vết đồi mồi, tàn nhang... Ở người cao tuổi do lớp biểu bì bị thoái hóa nhiều hơn là tái tạo, làm cho biểu bì mỏng manh, suy giảm các tế bào màu, thay đổi chất elastin và collagen, tuyến mồ hôi và tuyến nhờn xơ teo hoạt động kém hẳn. Sự thay đổi dẫn đến hậu quả là :
+ Nhăn da: Do chất collagen giảm, chất elastin tăng, tính đàn hồi của da kém hẳn. Nếu kẹp lớp da giữa hai ngón tay rồi thả ra, ở người trẻ sau một hai giây da đã đàn hồi trở lại, nhưng ở người già thì phải mất vài chục giây da mới đàn hồi.
Cấu tạo collagen.
+ Khô da: Do tuyến mồ hôi, tuyến nhờn teo, khô giảm hoạt động nên ở người cao tuổi, sự bài tiết mồ hôi giảm, làm cho da bị khô, ngứa, nhất là về mùa khô hanh.
+ Giảm khả năng điều hòa thân nhiệt: Ở người cao tuổi, lớp mỡ dưới da mất đi nên khả năng giữ nhiệt cho cơ thể bị suy giảm. Do số lượng những mạch máu nhỏ dưới da của người cao tuổi ít hơn so với lúc trẻ, cho nên người cao tuổi chịu rét kém, dễ bị lạnh cóng. Cảm giác của da cũng giảm do thần kinh ngoài da kém nhạy cảm so với trước đây vì thế người cao tuổi dễ bị bỏng khi tiếp xúc gần với nước sôi hoặc với lửa.
+ Vết thương lâu lành: Do số lượng mạch máu đến mặt da giảm sút, sự nuôi dưỡng da cũng kém so với trước đây nên các vết thương ngoài da ở người cao tuổi rất lâu lành. Thậm chí vết thương ở các vùng da bị tỳ đè như vùng bả vai, thắt lưng khi nằm ngửa có thể bị loét sâu rộng vì thiếu dinh dưỡng nên rất dễ nhiễm khuẩn và khó lành.
- Giảm chiều cao: Khi về già, chiều cao bị giảm đi trung bình khoảng 2cm ở đàn ông và 1,5cm ở đàn bà. Nguyên nhân chính gây giảm chiều cao là bệnh loãng xương (osteoporosis); là do lún xẹp đốt sống; do sự giảm lượng nước trong cơ thể, các bắp thịt yếu, trương lực cơ kém gây nên.
- Giảm trọng lượng: Nhiều nghiên cứu cho thấy trọng lượng cơ thể tăng lên ở tuổi trung niên rồi giảm dần khi cao tuổi. Về mặt tổ chức học, tế bào mỡ tăng lên thay thế vào chỗ những tế bào cơ bị xơ teo do người cao tuổi ít lao động và ít vận động. Lượng nước chiếm khoảng 55- 60% trọng lượng cơ thể khi trẻ và giảm xuống còn 46-51% khi cao tuổi do số lượng tế bào chứa nhiều nước mất hoặc teo đi.
- Những thay đổi khác: Ở xương đầu các khớp nối của xương dính liền lại, xương sọ dày lên; vòng ngực tăng lên, sống mũi và dái tai dài hơn trước; móng tay, móng chân mọc chậm, đổi màu và có những lằn gợn gồ ghề; nói chậm hơn; hay quên; nhăn trán, rạn chân chim ở đuôi mắt, mí mắt xệ, quầng mắt đen; cơ mặt teo, xương mặt nhô; vành tai to chảy xuống...
Chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng cách thực hiện: Ăn uống hợp lý, điều độ, đủ chất, tránh lạm dụng những chất có hại cho sức khỏe; có chế độ luyện tập đều đặn cho khí huyết lưu thông, gân cốt thư giãn; có tinh thần lạc quan, tâm hồn thanh thản...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét