Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

“Không có toán, con người sẽ chìm trong bóng tối”

Nghe mấy nhà toán học bốc phét... Nói ở mấy nước công nghiệp phát triển thì còn được chứ ở Việt Nam thì nên lo cơm ăn cho dân trước đã, đừng có nghe bọn này xui đểu rồi đổ tiền đầu tư cho cái đám này, nhất là cho cái Viện Toán cao cấp nhố nhăng của ngài Ngô Bảo Châu.
“Không có toán, con người sẽ chìm trong bóng tối”
TT - Năm nhà toán học hàng đầu từ Mỹ, Áo, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của toán học tại buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ chiều 21-12, bên thềm “Hội nghị quốc tế nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán”, do Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức.
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến chiều 21-12 tại Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) của các nhà toán học hàng đầu thế giới - Ảnh: Thanh Đạm
* GS Efim Zelmanov (ĐH California, San Diego, Mỹ, giải thưởng Fields năm 1994):
Đầu tư cho học sinh từ nhỏ

VN có thể đầu tư vào các em học sinh giỏi từ nhỏ, chuyên tâm đào tạo trong thời gian dài và tập trung cao độ; lập các lớp giảng dạy với chương trình nước ngoài hoặc gửi đi nước ngoài học, sau đó nhóm này sẽ trở về để giúp nền toán học VN phát triển tương xứng với nền toán học thế giới. Các trường đại học VN nên mở rộng các chương trình quốc tế...

Dù lịch làm việc đã kín nhưng các GS Efim Zelmanov (ĐH California, San Diego, Mỹ) - giải thưởng Fields năm 1994; GS G. M. Greuel - giám đốc Viện Nghiên cứu toán học Oberwolfach, Cộng hòa Liên bang Đức; GS Kanno Hiroaki - trưởng khoa toán ĐH Nagoya, Nhật Bản; GS SiJong Kwak - trưởng khoa toán Học viện cao cấp về khoa học và kỹ thuật Hàn Quốc - và GS Franz Winkler - phó giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học tính toán, Linz, Áo - đã dành thời gian trò chuyện với sinh viên, giảng viên VN.

Cần thiết cho mọi lĩnh vực

Là giảng viên dạy toán, bạn đọc Phạm Thái Sơn (TP.HCM) trăn trở hiện không có nhiều học sinh, sinh viên giỏi theo ngành toán. Chia sẻ với bạn Thái Sơn, GS Franz Winkler cho rằng đây không phải là vấn đề chỉ riêng ở VN mà châu Âu cũng gặp vấn đề tương tự. “Có rất nhiều sinh viên không muốn học toán - GS Winkler chia sẻ - Nhưng học toán bạn sẽ được làm việc với rất nhiều nhóm nghiên cứu quốc tế, bạn có thể xử lý các vấn đề thương mại điện tử, GPS hệ thống... Tất cả nội dung này đều được làm từ toán. Nghiên cứu toán học, khoa học máy tính, ngay cả các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, toán học thật sự rất hữu dụng”.

GS Efim Zelmanov thông tin: “Trong tình hình khủng hoảng kinh tế ở Mỹ năm 2008, số lượng sinh viên đăng ký vào khoa toán ở trường chúng tôi tăng mạnh. Sinh viên muốn tăng cao khả năng tìm việc, đặc biệt trong ngành kinh tế. Nếu sinh viên không có một căn bản tốt về toán thì không thể học tốt các môn học, khi đó sinh viên không thể tốt nghiệp hoặc nếu tốt nghiệp cũng không có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của xã hội”.

GS Greuel dẫn chứng thêm: “Người sáng lập ra Siemens nói rằng: Nếu không có toán học, con người sẽ mãi trong bóng tối. Chúng ta cần toán học để phát triển mọi thứ tốt hơn”. Tập đoàn Siemens thật sự rất quan tâm tới ứng dụng của toán học trong phát triển công nghiệp. Còn GS Efim Zelmanov chia sẻ: “Nếu bạn nhận một email, rút tiền từ ATM hay nghe nhạc từ CD, xem DVD... những ứng dụng đó được xây dựng trên công trình liên quan đến toán học”.

Ứng dụng nhiều ở VN

Giáo sư G.M.Greuel - Ảnh: T.Đạm

“Theo các thầy, lĩnh vực toán học ứng dụng nào của VN có thể nghiên cứu và áp dụng ngay?” - bạn đọc Đồng Đăng Thọ, kỹ sư, đặt câu hỏi. “Tất nhiên là có rất nhiều. Tôi cho rằng tất cả lĩnh vực của kiến thức đều liên quan đến toán học” - GS Winkler trả lời.

Với băn khoăn của bạn Đăng Thọ, GS Efim Zelmanov trả lời: “VN là một đất nước lớn với dân số 90 triệu người. Tôi nghĩ rằng người dân VN có đủ khả năng để nghiên cứu toàn bộ các ngành trong toán học và tất cả các ngành đều quan trọng như nhau và độc lập nhau. Vì vậy đất nước, con người VN cần một nền tảng tốt về toán ở tất cả các ngành, các cấp...”.

Còn GS Greuel nói: “Tôi biết VN có các chương trình gửi sinh viên mới tốt nghiệp đi học nước ngoài. Bản thân tôi cũng có hai tiến sĩ từ VN. Một người hiện là GS ĐH và người kia mới hoàn thành tiến sĩ cách đây hai năm và bây giờ là PGS ở VN. Rất nhiều ĐH trên thế giới có chương trình học bổng cho sinh viên quốc tế, nhưng các học bổng này rất cạnh tranh và bạn phải chứng minh được khả năng của mình”.

"Hệ thống giao thông ở VN chưa hoàn chỉnh, toán học sẽ đóng vai trò tối ưu hóa giao thông ở VN"

GS G. M. Greuel (giám đốc Viện Nghiên cứu toán học Oberwolfach, Cộng hòa Liên bang Đức)

Nhiều bạn đọc là sinh viên cũng đưa ra những trăn trở về khó khăn gặp phải trong việc học toán. Chia sẻ về vấn đề này, GS Kanno cho rằng: “Nếu bạn rất yêu khoa học, rất yêu toán và chấp nhận theo tình yêu đó, chấp nhận hi sinh thì bạn nên chọn toán học và khoa học cơ bản. Toán học là rất cần thiết và VN sẽ thấy họ cần toán học và khoa học cơ bản thế nào”.

Trong khi đó, trả lời một bạn du học sinh ở Anh băn khoăn khi ở VN bạn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đọc tài liệu bằng tiếng Anh, GS Kwak nhớ lại: “Những năm 1970-1980, chúng tôi cũng gặp phải vấn đề tương tự, sách toán tiếng Anh rất đắt. Khi ấy sinh viên thường chỉ mua một cuốn rồi cứ thế photo ra, chuyền tay nhau đọc. Bản thân tôi từng phải đọc sách in lậu. Về việc đọc sách toán bằng tiếng Anh, tôi cho rằng bạn nên rèn luyện tiếng Anh thật nhiều để có thể tiếp cận được các loại tài liệu này. Bản thân tôi cũng đã dành rất nhiều thời gian học tiếng Anh: từ 12 tuổi đến khi học ĐH (22-25 tuổi), tôi dành khoảng 10 tiếng mỗi tuần để học tiếng Anh. Tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu không thể đọc tiếng Anh thì bạn không thể trở thành một học giả quốc tế được”.

HÀ BÌNH

* Giáo sư SiJong KWak (trưởng khoa toán, Học viện cao cấp về khoa học và kỹ thuật Hàn Quốc):

Coi trọng ngành toán

Hàn Quốc, một quốc gia công nghiệp hóa, rất coi trọng ngành toán vì nó có thể giải quyết các vấn đề trong tương lai. Hiện nay Hàn Quốc vẫn khuyến khích việc dạy và học toán cũng như các môn thuộc ngành khoa học cơ bản. Trong nhiều năm qua, ngành toán học là một trong những ngành được sinh viên Hàn Quốc yêu thích và chọn nhiều nhất. Hằng năm, số lượng sinh viên đăng ký học ngành toán vẫn gia tăng đều đặn ở đất nước tôi. Các công ty Hàn Quốc cũng đặt ra những đòi hỏi nhất định về kỹ năng tính toán trước khi tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp. Lý do là vì các sinh viên học toán thường biết cách tiếp cận và giải quyết vấn đề theo hướng logic.

Ứng dụng thông thường chỉ áp dụng được khoảng vài năm sẽ không còn hiệu quả nữa. Vấn đề là làm sao chúng ta tìm ra những ứng dụng sâu để có thể áp dụng lâu dài. Vậy làm sao tìm ra được những ứng dụng sâu? Nghiên cứu! Chúng ta phải nghiên cứu mới tìm ra được những ứng dụng sâu ấy. Các bạn có thể thấy những quốc gia thuộc nhóm G8 (các nước giàu) là những nước đứng đầu về nghiên cứu cơ bản. Tôi có thể cho một ví dụ: Samsung hiện đang thắng thế trên thị trường hàng điện tử vì họ tuyển những người giỏi về nghiên cứu, trong khi Nokia đang gặp khó khăn vì họ phải đối mặt với những giới hạn về nghiên cứu. Cho nên lời khuyên của tôi là đừng bao giờ lơ là vấn đề nghiên cứu cơ bản, hãy đầu tư cho nó.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét