Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Tôi đi mua thịt bò úc

Tôi đi mua thịt bò úc
TTCT - Có tin người Úc không xuất bò vào VN nữa, tưởng sẽ khan hiếm, nhưng thực tế thị trường này sôi động đến bất ngờ. Thịt bò Úc phục vụ khách hàng “tận răng” dù chỉ mua vài trăm gam.
Hàng nhập khẩu về nhiều nhưng chất lượng cũng đủ kiểu...- Ảnh: Thuận Thắng
Trên thị trường TP.HCM hiện nay, nhà phân phối thịt bò Úc chính thức có vài doanh nghiệp nhưng nhà bán lẻ và giao hàng tận nơi thì nhiều vô số. Mỗi nơi một hình thức quảng cáo, hướng dẫn sử dụng, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tạo sự tin cậy của khách hàng: bò Úc lai, bò Úc đi đường hàng không, đường biển, bò Úc tươi giết mổ tại Úc và bò Úc nguyên con giết mổ tại VN...

Muôn kiểu buôn bán

Với khách hàng đã quen mua thịt bò ngoại đông lạnh, thời gian lưu chuyển từ 6-12 tháng, họ thường kiểm tra nguồn hàng qua tem nhập khẩu, ngày sản xuất và ngày đóng gói mới nhất. Nhưng tất cả thông tin này đều có thể “tút” lại, nên khách hàng chỉ có cách tự kiểm nghiệm, mua nhiều lần để kiểm tra sự ổn định về chất lượng với các nhà phân phối và nhập khẩu có uy tín.

Khi thịt bò Úc tươi “đổ bộ” vào VN, khách hàng có thể ăn thịt bò “nóng” trong vòng 24 tiếng sau khi giết mổ thì cuộc đua về sản phẩm mới làm choáng ngợp người tiêu dùng. Giá không cách biệt nhiều giữa thịt bò nội và bò Úc giết mổ tại VN (bò Úc cao hơn 5-10% thịt bò nội cùng loại), nhưng sẽ cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần giữa bò Úc giết mổ tại VN và bò Úc nhập khẩu loại trung và loại cao cấp.

Đây chính là phần “chạy đua” về chất lượng của nhà phân phối, không chỉ ở yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm mà cả độ tươi mới của nguồn hàng và yếu tố dinh dưỡng (tuổi đời và chủng loại bò).

Sau vài ngày theo chân anh Hồ Văn Tài (chủ quán K, chuyên món ăn Nhật - Hàn, đường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) đi các điểm bán bò Úc, chúng tôi rút ra kinh nghiệm: các nhà bán lẻ, bán hàng “di động”, bán qua mạng có rất nhiều “chiêu”, chủ yếu qua người quen giới thiệu, khách mối, để bán hàng.

Đánh vào tâm lý sợ hàng dính thuốc tăng trưởng, chế độ chăn nuôi, giết mổ không an toàn, bảo quản thực phẩm không đủ chuẩn... cộng với yếu tố sính hàng ngoại, những người bán lẻ kiểu này dễ “thổi giá”, tráo hàng, ma mị người tiêu dùng. Vì vậy, người mua nên chọn nhà cung cấp có cửa hàng cố định và giấy phép kinh doanh rõ ràng, các tiêu chuẩn bảo quản được tuân thủ.

Tại các điểm chuyên doanh thịt bò tươi như ĐP (đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1), KH (Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1), cửa hàng trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1)... chúng tôi thấy đối tượng khách hàng và cách thức bán khác nhau.

ĐP tiếp thị bằng phiếu kết quả kiểm nghiệm thịt bò có mộc đỏ và một bảng hướng dẫn cách chế biến cùng công thức nấu bốn món bò cơ bản. K.H phục vụ chủ yếu người nước ngoài và khách quen từ nhiều năm, chỉ vận chuyển hàng trị giá từ 500.000 đồng trở lên. Riêng cửa hàng thịt bò tươi Nguyễn Thái Bình giao hàng từ 300g trở lên, làm sẵn theo yêu cầu chế biến món và đóng gói chân không miễn phí, giao hàng ở xa có tính thêm tiền vận chuyển tùy khu vực...

Tại các siêu thị, điểm bán hàng tươi sống ở siêu thị Maximark Cộng Hòa, siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ và siêu thị Metro, chúng tôi thấy có hai loại bò Úc là bò tươi nhập khẩu và bò Úc giết mổ tại VN. Khách hàng chỉ phân biệt được khi các tủ đông lạnh thực phẩm ghi rõ ràng hàng nhập, hàng nội địa, có tem dán trên sản phẩm.

Tuy nhiên, ở một số nơi như Maximark Cộng Hòa, bò Úc đông lạnh (được rã đông, ghi chú hàng sử dụng trong ngày) được để chung với nhiều loại bò khác nguồn gốc nên khách hàng chỉ phân biệt nhờ vào giá sản phẩm chênh lệch nhiều hay ít và khẳng định của nhân viên bán hàng (khi đọc mã hàng).

Tại Big C Hoàng Văn Thụ, thịt bò Úc tươi nhập khẩu được để chung cùng thịt bò nội, khách hàng phân biệt được bò Úc nội địa hay bò Úc ngoại nhập nhờ thịt đóng nguyên “cây” 3-5kg. Còn nếu thịt được xẻ nhỏ, đóng vào khay thì vô phương nhận diện.

Nhiều người tiêu dùng thật sự hoa mắt trước những 
quầy hàng thịt nhập khẩu thế này - Ảnh: Nguyễn Bay

“Nhảy Lambada" cùng bò


Qua điện thoại, chúng tôi được biết một số địa chỉ bán hàng trực tuyến ở các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và ở Đồng Nai đều nhận giao hàng tận nơi. Điều kiện: đặt trước một ngày, số lượng từ 1kg, họ sẽ giao từ thịt bò vụn đến cao cấp, có xuất trình giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cam kết rẻ hơn hàng cùng loại trong siêu thị.

Thịt bò được đóng gói trong thùng xốp có đá giao ngay tại cửa nhà, tiền trao tay. Trên bao bì, tem dán và giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đều thấy có tên Công ty TNHH TĐ. Các nhà cung cấp “di động” kiểu này đều thuộc lòng một bài về quy trình vận chuyển bò Úc về VN, các tiêu chuẩn vệ sinh, chế độ cấp đông, giữ lạnh...

Mua bán thịt bò Úc bây giờ tưởng cũng không khác mấy các loại trái cây đắt đỏ như nho Mỹ, Úc một thời chỉ bán ở vài điểm có tủ giữ mát, sau lại được các chị hàng rong chở ngời ngời trên phố bất kể nắng mưa.

Đầu bếp Mỹ Dung (đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Trong thực đơn hằng ngày, chúng tôi dùng thịt bò cho một số món như bò bít tết, bò lúc lắc, bò kho hay bò nướng, lẩu. Tùy theo kinh nghiệm và thói quen, mỗi người chọn loại bò ở phần thịt mềm (philê) hay thăn, bắp, gầu, gân...

Nhưng khi bước vào thế giới bò Úc, bạn sẽ được “nhảy” điệu lambada cùng 15 chủng loại thịt (đùi, bắp, lưng, cổ, bụng trong ngoài...) mệnh giá khác nhau, chênh lệch từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn. Bạn không thể hiểu rõ nếu không trải nghiệm thực tế để có sự so sánh, chọn lựa”.

Cụ thể, cùng loại bò Úc, bắp bò thường, bắp hoa từ 233.000-330.000 đồng/kg, philê từ 332.000-336.000 đồng/kg (bò Úc giết mổ tại VN) thì bò Úc nhập từ 270.000-610.000 đồng/kg (bò bắp), philê 525.000-750.000 đồng/ kg... nên kinh nghiệm, nhu cầu tiêu dùng quyết định giá và chất lượng sản phẩm.

Tiêu chuẩn bò Úc ngon, theo đầu bếp này, là sớ thịt mịn, chắc, mật độ vân mỡ nhiều và phân bổ đều trên miếng thịt, màu thịt tươi sáng chứng tỏ thịt được bảo quản đúng cách.

Chị Trịnh Trần (nhân viên bán hàng của ĐP) phân tích: “Việc tuân thủ quy cách bảo quản và vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Vì thế, tiêu chí thịt bò Úc ngon được xác định bằng tuổi của bò, giống, cách thức nuôi, quy trình giết mổ, đông lạnh bảo quản...”.

NGUYỄN BAY

Thịt bò Úc tiếp tục về VN

Trong vòng 10 tháng, từ tháng 2 năm nay, thời điểm thông tin nhập khẩu bò Úc công bố chính thức, đã có khoảng 60.000 con bò Úc được nhập về VN. Thịt bò Úc bán tràn ngập ở siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, chợ...

Mới đầu tuần trước, doanh nghiệp tư nhân Thủy Hà (Long An) tiếp tục nhập về cảng Lotus, quận 7, TP.HCM thêm 5.000 con bò Úc. Dự kiến tháng đầu tiên của năm mới, công ty này nhập thêm một đợt nữa với số lượng tương tự để phục vụ Tết Nguyên đán. Đây có thể là minh chứng để kết thúc những đồn đoán cho rằng Chính phủ Úc can thiệp vào việc ngưng cung cấp bò cho thị trường VN sau khi có thông tin bò Úc trốn thuế, bán phá giá.

Trong tháng 10 và tháng 11, Vissan - nhà cung cấp thịt bò Úc lớn nhất tại thị trường TP.HCM - vẫn xác nhận nguồn cung bị gián đoạn đáng kể, công ty này đã hai lần tăng giá bán thịt bò Úc, mỗi lần tăng 2-3%. Khảo sát thị trường những ngày giữa tháng 12 cũng cho thấy nguồn cung thịt bò Úc bắt đầu dồi dào để phục vụ mùa lễ Noel, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Ngọ và giá sẽ lại tăng.

Sở dĩ người dùng phải mua thịt bò Úc đắt hơn 5-6%, tương đương 10.000 đồng/kg, ngoài việc nhà xuất khẩu nại lý do nguồn cung khan hiếm để tăng giá, còn do doanh nghiệp nhập khẩu kê khai giá thuế nhập khẩu lên trung bình 2,2-2,75 USD/kg (trước đây chỉ 1,09-1,3 USD). So sánh như vậy để thấy trước đây dư luận có lý khi đặt nghi vấn giá bò Úc chỉ được doanh nghiệp khai ở mức thấp nhằm mục đích trốn thuế.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cũng cho rằng mức giá này là “có vấn đề”, do đó giá thực phải từ trên 2 USD/kg mới chuẩn xác. Nhưng cũng có thông tin cho rằng bò Úc cũng tùy loại, “tiền nào của đó”.

Thực tế lâu nay ít có công ty nào lặn lội sang Úc “tuyển” bò, mà chủ yếu là thỏa thuận giá, số lượng với nhà xuất khẩu, sau đó bò được chở bằng tàu biển mất chín ngày là tới cảng VN. Vì vậy, nguồn bò Úc về VN không được tuyển lựa nên có những con bò dạt, tỉ lệ mỡ lên tới 22%, chất lượng thịt kém xa so với bò loại một, tỉ lệ mỡ 12%, cho thịt mềm, thơm, ngon.

Hiện trung bình mỗi ngày người dân TP.HCM tiêu thụ khoảng 300 con bò, trong đó bò Úc chiếm 1/3. Lợi nhuận từ việc nhập khẩu bò Úc cao nên có khá nhiều doanh nghiệp tìm cách sở hữu giấy phép nhập bò Úc.

Theo quy định, doanh nghiệp nào muốn nhập bò Úc phải có hai giấy chứng nhận, một chứng nhận chuồng trại lưu nhốt và một chứng nhận khu giết mổ của Cục Thú y VN và cơ quan chức năng Úc xác nhận. Để có một khu lưu nhốt đạt yêu cầu, tiền đầu tư vào khoảng 1,5-2 triệu USD.

ĐẶNG HOÀNG


0 nhận xét:

Đăng nhận xét