Nếu 100% mì tôm chứa chất độc, cơ quan chức năng phải điều tra
HỒNG ANH (GDVN) - “Nếu mì tôm có nhiều chất độc hại như thế, sao ngày nào tôi cũng thấy quảng cáo ngon, bổ trên tivi vậy? Nếu quảng cáo một đằng mà chất lượng một nẻo là vi phạm pháp luật, là lừa dối khách hàng", một độc giả nêu lên quan điểm.Mì tôm hiện là mặt hàng được bày bán phổ biến tại các siêu thị, cửa hàng.
"100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có axit oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận", là kết quả kiểm nghiệm được công bố bởi GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM chiều ngày 26/12, khiến dư luận hết sức bàng hoàng.Cụ thể, từ cuối tháng 6 đến ngày 10/12/2013, công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng đã tiến hành phân tích 62 mẫu mì tôm (trong nước lẫn nhập khẩu), kết quả 100% đều có sự hiện diện của axit oxalic với nồng độ khoảng (30,8 - 449mg/kg).
Sự việc nhanh chóng gây xôn xao dư luận, bởi rất nhiều năm qua mì tôm đã trở thành một loại thực phẩm phổ biến và quen thuộc của rất nhiều gia đình.
Độc giả Minh Phương đã thốt lên: “Thật không tưởng tượng nổi... doanh nghiệp lại coi thường sức khỏe và quyền lợi của khách hàng, đặt lợi nhuận lên hàng đầu như vậy”.
Độc giả Lê Minh Hoàng cũng không giấu được sự lo lắng: “Nếu kết quả kiểm nghiệm đúng như thông tin thì các thế hệ học sinh, sinh viên, sông chức, viên chức và người lao động... đang bị chính đồng loại của mình đầu độc. Chúng ta bỏ tiền ra để ăn, chứ không phải bỏ tiền ra để mua bệnh vào người. Sản xuất mì tôm như vậy từ nay ai mà dám ăn nữa? Đúng là nhà sản xuất không có lương tâm, cộng với nhà quản lý lơ là. Cuối cùng người khổ và chịu thiệt là người dân”.
Trong khi đó, thành viên Nhất Nam bày tỏ: “Mình đi du học bao nhiêu năm, thi thoảng vớ được gói mì tôm các bạn du học sinh về nước mang sang cho là “quý hơn vàng”. Nhưng “vàng” mà độc hại thế này thì cũng chịu thôi. Cứ cái kiểu làm ăn thế này thì dân mình đang tự tay giết dân mình”.
Độc giả Võ Thị Bến, hiện đang là một sinh viên tỏ thái độ bất lực khi chia sẻ: “Dẫu biết độc nhưng không ăn thì chết à? Sinh viên tiền ít nhưng lại là khách hàng tiềm năng cho các hãng mì tôm. Người tiêu dùng cần đứng lên đòi quyền lợi cho mình. Đề nghị các hãng mì tôm cam kết sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, không thể làm ăn kiểu “giết người không gươm” như thế được”.
“Mì tôm có nhiều chất độc hại như thế, sao ngày nào tôi cũng thấy quảng cáo ngon, bổ trên tivi vậy? Nếu quảng cáo một đằng mà chất lượng một nẻo là vi phạm pháp luật, là lừa dối khách hàng. Như vậy đề nghị các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra, liệt kê danh sách xem những đơn vị nào quảng cáo sai sự thật, đánh lừa lòng tin của người tiêu dùng để phạt nặng. Thậm chí có thể cấm quảng cáo trên mọi hình thức. Không thể để kiểu làm ăn gian dối, nguy hiểm phát triển được”, độc giả Hồ Nguyễn nêu ra quan điểm.
Đồng thời, độc giả Việt Dũng đặt ra câu hỏi: “Sản phẩm độc hại tại sao cơ quan quản lý nhà nước cho phép lưu hành trên thị trường để đầu độc người dân? Hay việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng bị lơ là. Hàng bao nhiêu năm nay rồi, mì tôm là một sản phẩm bình dân quen thuộc. Thậm chí nhiều người còn lấy nó thay thế cho bữa ăn của mình. Vậy mà giờ kiểm tra có chất độc, ai sẽ là người bồi thường thiệt hại cho những người tiêu dùng kia? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước những kết luận được công bố kia? Các cơ quan chức năng phải vào cuộc nhanh chóng trong vụ này, tránh những hoang mang của người tiêu dùng”.
Đứng trên cương vị của người tiêu dùng, độc giả Giang Anh chỉ ra: “Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, ảnh hưởng tới tâm lý rất nhiều người. Bản thân tôi vô cùng hoang mang khi đọc thông tin này. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần vào cuộc đồng bộ để kiểm tra va có kết luận chính xác nhất. Nếu đơn vị nào sai thì phạt không nương tay”.
Trước đó, hồi giữa năm 2012, tin đồn mì tôm có đỉa khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Tuy nhiên, ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy không phát hiện sinh vật lạ trong sản phẩm mì tôm. Theo phân tích của Cục An toàn thực phẩm, trong quá trình chế biến xử lý ở nhiệt độ cao (trên 100oC), sán dây không thể sống trong sản phẩm mì tôm đã được bao gói kín. Do đó, Cục An toàn thực phẩm khẳng định, sán dây trong bát mì tôm xâm nhập từ môi trường trong quá trình sử dụng.
Tuy nhiên, sự việc lần này không phải là những lời đồn đoán. Đây là kết quả kiểm nghiệm được GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM công bố. Chính vì thế, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc quyết liệt kiểm tra các đơn vị sản xuất tránh gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét