Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Phục dựng Võ Miếu riêng thờ Quan Công nhà Hán ở Hà Nội ?

Tư liệu cũ (03 Tháng tám 2005). Hóa ra ở Việt Nam có nhiều Võ Miếu: Võ miếu Huế, Trung Liệt miếu (Hà Nội), Võ miếu Hà Tĩnh, Võ miếu Hưng Yên, Xã Võ Miếu thuộc tỉnh Phú Thọ... Theo bài này, "Vị chính giữa thờ Võ Thành vương Thái công Vọng, còn từ Tôn Võ Tử, Quản Tử trở xuống 18 người phân phối thờ ở hai bên đông vũ và tây vũ. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được thờ theo vào Võ Miếu. Lập miếu riêng thờ Quan Công nhà Hán". Đúng là văn hóa của nghìn năm Bắc thuộc. Vừa qua lại còn muốn phục dựng Võ Miếu riêng thờ Quan Công nhà Hán để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội ?
Cần phục dựng lại Võ Miếu của Thăng Long xưa
Trải qua những biến động của thời gian, Võ Miếu - một trong những di tích thể hiện diện mạo kinh thành Thăng Long đã không còn lại dấu vết gì. Trong các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cần xem xét đến việc khôi phục Võ Miếu.
Võ Miếu ở Hà Nội
Võ Miếu đã có lịch sử hàng ngàn năm
Lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội không chỉ là những dấu son không thể mờ phai về văn hoá, kinh tế, xã hội mà còn là những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm. Để tôn vinh, ghi nhớ công lao của những người con kiệt xuất, Văn Miếu, Võ Miếu, Y Miếu đã được xây dựng, tạo nên diện mạo đặc biệt của kinh thành Thăng Long xưa.

Xét theo chính sử thì ngay từ năm 1010, khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long khi xây kinh thành đã chú trọng việc binh. Kinh thành đại thể được giới hạn bằng ba con sông: Phía đông là sông Hồng, phía bắc và phía tây là sông Tô, phía nam là sông Kim Ngưu và chia làm hai phần: Hoàng thành và kinh thành.

Hoàng thành nằm trong lòng kinh thành, vị trí gần hồ Tây, nơi có các cung điện hoàng gia, đồng thời là nơi thiết triều. Trong Hoàng thành còn ngăn ra một khu vực nữa gọi là Cấm thành. Đây là nơi ở của hoàng gia, gọi là Long thành. Những cung điện chính còn ghi chép trong sử sách như: Điện Càn Nguyên là điện chính, nơi vua làm việc, hai bên tả hữu là điện Tập Hiền và Giảng Võ.

Như vậy, việc tập hợp hiền tài về "văn" và "võ" được tiến hành đồng thời, được coi trọng như nhau. Năm 1029, Vua Lý Thái Tông cho xây dựng lại Cấm thành, điện Càn Nguyên đổi thành Thiên An, trước điện là thềm rồng Long Trì, phía đông thềm rồng đặt điện Văn Minh, phía tây đặt điện Quảng Võ.

Về sau, vua Lý Anh Tông (1138-1175) lập Giảng Võ trường, lấy đó làm nơi huấn luyện quân sự...

Đến thời Trần, Thăng Long vẫn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá lớn nhất của Đại Việt bấy giờ. Nhà Trần ngoài việc trùng tu các công trình cũ còn xây dựng một số công trình kiến trúc mới ở Thăng Long: Lập Viện quốc học, Giảng Võ đường...

Đến thời vua Lê - chúa Trịnh, Trịnh Doanh cho lập Võ Miếu vào năm 1740.

Cuốn "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" ghi rõ: "Vị chính giữa thờ Võ Thành vương Thái công Vọng, còn từ Tôn Võ Tử, Quản Tử trở xuống 18 người phân phối thờ ở hai bên đông vũ và tây vũ. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được thờ theo vào Võ Miếu. Lập miếu riêng thờ Quan Công nhà Hán. Hàng năm, mùa xuân, mùa thu hai kỳ tế, đều dùng ngày mậu vào thượng tuần. Cấp cho mỗi miếu một ấp dân hộ, để cung phụng việc thờ tự". Để thống trị Bắc Kỳ, năm 1805 nhà Nguyễn cho xây lại thành Thăng Long nhỏ hẹp hơn rất nhiều so với Hoàng thành các thời trước. Thành hình vuông mỗi bề chừng một cây số, trong thành có nhà Kính Thiên, cột cờ. Trước cột cờ là hồ Voi, nơi đặt dinh tổng trấn và các tào thay mặt các bộ. Có kho, Võ Miếu, đàn Xã tắc để tế trời đất, nền Tịch điền để làm lễ động thổ hàng năm.

Cần thiết phục dựng lại Võ Miếu

Đến thời Nguyễn, vị trí Võ Miếu được xác định là ở phía tây nam kinh thành (quãng giáp nhau giữa đường Điện Biên Phủ và Hoàng Diệu ngày nay). Và chính tại Võ Miếu này, năm 1882, khi thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu sau khi bái vọng về kinh thành Huế đã tuẫn tiết tại đây.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết: "Việc phục dựng lại Võ Miếu là rất cần thiết, tuy nhiên, địa điểm của Võ Miếu thời Nguyễn hiện nay đang là địa chỉ của rất nhiều cơ quan quan trọng của Nhà nước. Hơn nữa, để xây dựng một công trình cho tương xứng với Văn Miếu thì Võ Miếu này là quá nhỏ, cần phải xây dựng một công trình lớn hơn, tầm cỡ hơn.

Trước đây, tại khu vực hồ Ngọc Khánh, chúng ta đã khai quật được rất nhiều di vật về vũ khí, quân dụng của thành Thăng Long xưa, chứng tỏ nơi đây xưa kia có thể là một kho quân dụng lớn. Theo tôi, nếu khôi phục lại Võ Miếu, nên xây dựng tại địa điểm này".

Văn Miếu đã được trùng tu, xây dựng khang trang, Y Miếu tuy bị lấn chiếm nhưng cũng đã được quan tâm nâng cấp đàng hoàng hơn. Duy chỉ có Giảng Võ đường cũng như Võ Miếu đến nay là không còn một dấu vết nào. Thành phố nên quan tâm đến việc phục dựng lại Võ Miếu để "Văn - Võ - Y" lại trở thành một hình ảnh tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, nhất là khi thành phố sắp tròn 1.000 năm tuổi.

Theo Lao động

http://vietbao.vn/Van-hoa/Can-phuc-dung-lai-Vo-Mieu-cua-Thang-Long-xua/40091976/181/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét