Hiển thị các bài đăng có nhãn Chứng khoán. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chứng khoán. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

“Đội lái” chứng khoán Việt lắt léo và nhiều nguy hiểm!

“Đội lái” chứng khoán Việt lắt léo và nhiều nguy hiểm! 
Nhà đầu tư Mỹ cũng có thể chạy theo “cá mập”, tuy nhiên họ có những phân tích, định giá rõ ràng, nên nếu họ muốn đầu tư cách độc lập, họ có nhiều lựa chọn hơn.
Với kinh nghiệm đầu tư chứng khoán của mình, ông có thể cho biết sự khác biệt giữa “chơi” chứng khoán ở Mỹ và Việt Nam?
TS. Alan Phan: Chứng khoán nào cũng có quy luật chung là giá thị trường luôn luôn tùy thuộc vào cảm xúc của nhà đầu tư, trong đó nhiều đội lái rất ảnh hưởng.
Ngay cả bên Mỹ cũng vậy. không khác gì. Nhà đầu tư Mỹ cũng có thể chạy theo “cá mập”, tuy nhiên họ có những phân tích, định giá rõ ràng, nên nếu họ muốn đầu tư cách độc lập, họ có nhiều lựa chọn hơn.


Thường khi theo đuôi đúng “cá mập”, đúng đường cũng có thể ăn, nhưng nếu nó có tin sai, vô tình hay cố ý, thì mất tiền rất dễ.
Còn ở Việt Nam thì phần đầu cũng giống như vậy nhưng phần thứ hai tức nhà đầu tư độc lập khó có sự định giá rõ ràng, hay nhận định chính xác vì các số liệu, thông tin từ các công ty niêm yết rất đáng ngờ, không ai biết rõ sự thật sau hậu trường ra sao.

Thành ra ngoại trừ mình muốn đầu tư theo kiểu đoán mò thì cứ việc đầu tư, cũng giống như đi ra đường nói ngày hôm nay sẽ xui hay hên chứ cũng không ai biết được trúng hay trật.
Riêng ở Việt Nam, các “đội lái” mang nhiều yếu tố lắt léo, thủ đoạn… nên dễ bị lầm đường và gặp nguy hiểm nhiều hơn.

Và quy phạm pháp luật đối với chứng khoán thì cũng khác rất nhiều, thưa ông?

Hiện nay ở Mỹ kể cả những “nhà lái tàu” lớn như các đại gia Wall Street lớn như Citibank, JP Morgan… đều bị phạt rất nặng khi họ bị khám phá ra những vị phạm; do đó “đội lái tàu” của họ có sự nghiêm túc về tuân thủ pháp luật, không dám đi quá đà.
Ở Việt Nam gần như không có sự kiểm soát đó thành ra ai muốn làm gì thì làm, đây là khác biệt rất lớn và gây ra khó khăn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Một người đang nắm giữ tiền và hỏi ông nền đầu tư vào đâu, ông sẽ khuyên họ thế nào?

Tôi khuyên nếu họ không biết về bất cứ lĩnh vực gì thì đừng nên vứt tiền vào đó, cũng giống như đi lấy vợ mà không biết cô ấy gốc gác hay cá tính ra làm sao; thì đó là một phiêu lưu rất vô vọng. Tôi nghĩ bất cứ doanh nhân hay nhà đầu tư nào cũng có những kỹ năng, kinh nghiệm khá đặc thù trong công việc. Lãnh vực, ngành nghề nào đối với họ là tốt và thích hợp nhất, thì nên đào sâu để sinh lợi.
Muốn kiếm tiền có nhiều cách chứ không chỉ có chứng khoán, bất động sản, đô la … và phải nghĩ sáng tạo hơn. Nhưng tuyệt đối không bao giờ nên đầu tư vào những gì mình không biết!

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư chứng khoán?

Thực tình thì mỗi thời kỳ mỗi kinh nghiệm nó khác nhau. Khi chứng khoán ở đỉnh hay ở đáy thì đều có những cái phản ứng rất khác biệt, đừng lấy kinh nghiệm khi ở đỉnh đem áp dụng khi ở đáy: đó là tử huyệt.
Riêng chứng khoán là kênh đầu tư rất phức tạp Tôi đã đọc nhiều cuốn sách mô tả là trung bình có khoảng 140-150 yếu tố ảnh hưởng đến giá thị trường của một cổ phiếu, một nhà đầu tư nhỏ lẻ không chuyên nghiệp khó mà biết hết được. Như tôi nói cái gì mình không biết rõ thì đừng nên chơi với lửa.

Ông có thể nói một chút về cái gọi là thời điểm trong chơi chứng khoán?

Như tôi nói thời kỳ chứng khoán ở đỉnh, ngay như cả ở bên Mỹ cũng vậy, nhắm mắt đầu tư thế nào cũng có lời nhưng khi bắt đầu đi ngang hoặc xuống đáy nếu không cẩn thận có thể lỗ nặng. Thành ra đừng có lấy kinh nghiệm lúc kiếm tiền được để áp dụng cho mọi thời điểm, khi thời thế thay đổi đừng nghĩ đến cách kiếm tiền như ngày xưa.
Nguyên tắc này cũng không áp dụng riêng cho chứng khoán, mà cho bất động sản, vàng, đô la …. Tôi đã từng kiếm rất nhiều tiền khi mà vàng lên nhưng khi vàng xuống tôi không nhảy ra kịp thì cũng lỗ một số tiền khá lớn. Thành ra thời điểm vô cùng quan trọng.
Thời điểm mà tôi đầu tư vào thị trường Trung Quốc cũng giống như Việt Nam cách đây mấy năm, nên tôi kiếm tiền khá nhiều ở thị trường chứng khoán Trung Quốc. Thế nhưng khi qua Việt Nam tôi đã lỗ nặng, đó là kết luận vế tầm quan trọng của thời điểm (timing).
Xin cảm ơn ông!

THEO GÓC NHÌN ALAN

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

"Soi gương, chưa khi nào thấy mình xấu như vậy…"

Đặng Thành Tâm: "Soi gương, chưa khi nào thấy mình xấu như vậy…"
Thêm một năm không mấy yên ả đối với ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc một loạt công ty đã niêm yết như Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Viễn thông Sài Gòn... Riêng số thua lỗ của Kinh Bắc trong 9 tháng đầu năm đã gần 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, người vẫn được xem là một trong những đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã tự tin cho rằng, khó khăn đã giảm đi rất nhiều và bây giờ là thời điểm hồi phục.

10 đại gia giàu nhất sàn chứng khoán năm 2013
Tết ngàn tỷ của đại gia bậc nhất 2013
TTCK 2013: Đại gia địa ốc mất tiền nhiều nhất
* Năm 2013 sắp hết, nhìn lại một năm, ông thấy tình hình kinh tế nói chung đã sáng lên chưa?
- Rõ ràng các doanh nghiệp (DN) đã có một năm hết sức chật vật. Một phần do chính sách thắt chặt tiền tệ và một phần do sức hấp thụ vốn của DN bị yếu đi nhiều. Năm nay, thu ngân sách giảm rất nhiều, cho thấy DN hoạt động rất yếu. Các số liệu thống kê cho thấy 70% DN thua lỗ.

Khó khăn hơn năm ngoái thì làm sao trả được nợ mà bảo nợ xấu giảm đi? Nợ xấu không giảm đi mà chỉ là tái cấu trúc nợ xấu thôi. Tôi nghĩ nợ xấu phải đưa vào một lộ trình xử lý trong 5 - 7 năm mới xong, chứ không xử lý ngắn hạn được.

Nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nhưng DN vẫn chưa đầu tư nhiều vì chưa vay được vốn. Khó khăn đã 5 - 6 năm nay rồi, có thể sẽ đi vào chu kỳ hồi phục, phát triển mới, nhưng làm sao để chu kỳ này kéo dài thì phải cần có các chính sách đúng đắn và bền vững.

* Trong một năm khó khăn như vậy, tập đoàn của ông đã có giải pháp gì để giảm gánh nặng thua lỗ?

- Tập đoàn của chúng tôi có mấy chục công ty thì hơn phân nửa trong số đó thua lỗ. Nhưng đó mới là một nửa sự thật. Thua lỗ, không vay được thì không nói làm gì vì không có tài sản đảm bảo, nhưng các khu công nghiệp vẫn hoạt động tốt cũng không được vay.

Như năm nay, chúng tôi thu hút được 10% tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam. Mức độ thu hút như thế không phải thường mà còn không vay được một xu nào cả thì thử hỏi các DN khác làm sao vay được?

Đây không phải do lỗi của Ngân hàng Nhà nước mà là do các ngân hàng đã "quá sợ" rồi. Nhiều ngân hàng buộc tất cả các khoản vay đều phải có tài sản đảm bảo, có giá trị gấp đôi khoản vay. Thanh tra kiểm tra kết luận là nâng khống tài sản đảm bảo, đất đai đảm bảo thì có nơi định giá giảm tới 40%.

Khi đánh giá như vậy, ngân hàng thấy rất nặng nề, nên khi cho vay mới, họ đánh giá lại và cho vay với tỷ lệ rất thấp. Chúng tôi cho thuê khu công nghiệp là 40 - 60 USD/m2, nhưng ngân hàng đánh giá là 20USD, rồi chỉ cho vay 10USD. Thế thì làm sao sống nổi!

* Được biết, năm sau, ông quyết tâm chấm dứt thua lỗ và có lãi, nhưng bằng giải pháp nào?

- Trước hết, chúng tôi phải thoát hết số vốn còn lại ở những lĩnh vực bất động sản, chứng khoán... Hai ngân hàng (Phương Tây và Nam Việt) thì thoát hết rồi nhưng còn những công ty khác trước đây mua cổ phần thì phải thoái vốn, dù giá trị cổ phiếu còn rất thấp. Bên cạnh đó, chúng tôi dồn hết nguồn lực vào phát triển các khu công nghiệp.

Trước đây, có giai đoạn, lĩnh vực này bị bỏ bê mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài cũng tốt, nhưng nhân sự bị dàn mỏng. Bây giờ, chúng tôi đã thoái vốn hết khỏi thủy điện, nhân sự được tập trung nên năng lực cạnh tranh ở các khu công nghiệp lại tăng lên đáng kể.

Cơ sở hạ tầng có rồi, cho thuê thêm được là có thêm tiền, nên xin được ngân hàng cho giãn nợ. Cứ thu thêm được 2 đồng thì có 1 đồng trả nợ, còn 1 đồng tái đầu tư.

Việt Nam đang tìm mô hình tăng trưởng thì DN như chúng tôi cũng phải tìm mô hình tăng trưởng phù hợp. Mấy chục ngàn lao động mà không nợ lương, không sa thải ai, chỉ cấu trúc lại, phân bố lại. Một số khu công nghiệp nhận mà mãi không thu hút được nhà đầu tư cũng trả lại.

* Thực ra trong năm 2013, tuy có nhiều DN thua lỗ, ngừng hoạt động nhưng cũng có những DN làm ăn có lãi, thậm chí lãi lớn.

- Có những DN phát triển rất mạnh như Vingroup hay Masan vì họ tái cấu trúc từ trước khủng hoảng rồi. Họ đầu tư, kinh doanh mảng sản xuất hàng tiêu dùng rất thành công nên tài sản bây giờ rất lớn.

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản và biên bản kiểm phiếu ngày 4/11/2013 của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), nơi ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch, vừa thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu với mục đich hoán đổi (cấn trừ) công nợ và bổ sung nguồn vốn lưu động. Tổng số tiền huy động tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. Ông Đặng Thành Tâm là cổ đông lớn nhất của KBC với gần 35% (tương đương hơn 101 triệu cổ phiếu).
Nguồn lực của những DN này rất mạnh, không chỉ ở trong nước mà các quỹ nước ngoài cũng tham gia. Rất tiếc những DN thành công như thế không nhiều. Ngay cả Hoàng Anh Gia Lai một thời gian phát triển mạnh, đến bây giờ cũng phải rút khỏi bất động sản.

* Nhìn vào các DN đã thành công và nhìn lại mình, ông thấy điều gì?

- Trước đây, đi đâu cũng được khen, rồi tự huyễn hoặc mình quá đáng. Còn bây giờ, soi gương, chưa khi nào thấy mình xấu như vậy! Nhưng cũng tự nhủ lòng là không nên quá bi quan, phải nhìn thẳng vào thực trạng mới có được giải pháp đúng. DN từ chỗ chết mà đứng dậy được mới gọi là trưởng thành.

Chúng tôi có lúc tưởng chừng như không thể nào vượt qua được khó khăn. Bị đòi nợ suốt ngày, mở điện thoại ra là thấy tin nhắn đòi tiền. Chỗ này chỗ kia đòi tiền, đàm phán hoãn nợ đã không đủ thời gian, còn giờ đâu làm những chuyện khác nữa.

Cuộc đời lúc đó như cơn ác mộng, kinh khủng lắm! Nhưng nhìn sang nhiều DN khác thấy cũng vậy nên tự nhủ phải cố gắng hơn nữa.

Ở những điểm sáng là các DN đã thành công, có những điều chúng tôi phải học tập. Trước đây, cứ có đồng nào là lại đổ vào đầu tư tài chính, nên vốn rải rác hết, lỗ lại đổ về. Các công ty liên kết, công ty con lỗ thì công ty mẹ bị ảnh hưởng.

Chính vì thế, chúng tôi rút kinh nghiệm là tập trung cho những lĩnh vực chính, còn những mảng đầu tư khác ngoài ngành đắt rẻ cũng phải bán đi. Đây là bài học lớn cho chúng tôi và nhiều DN khác nữa, sẽ giúp ích cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

* Còn về chính sách nói chung...

Nhà nước cũng có những bài học cần rút kinh nghiệm. Tại sao DN giải thể, phá sản quá nhiều như vậy? Tuy có lỗi của DN nhưng lỗi về chính sách cũng chắc chắn có. Hiện nay, người ta báo nợ xấu giảm đi nhưng không phải, chẳng qua chỉ là điều chỉnh sổ sách, giãn nợ thôi, chứ bản chất vẫn thế.

Thực sự là có thể dùng chính sách khoanh nợ xấu lại. DN khi được khoanh nợ lại sẽ yên tâm, tập trung vào sản xuất, kinh doanh. Còn nếu không, cứ canh cánh suốt ngày, hở ra đồng nào là ngân hàng thu, mất hết tinh thần.

Chính sách càng cụ thể thì DN càng yên tâm kinh doanh. Nếu áp dụng như thế, một số lớn DN có thể hồi phục và kinh tế mới chuyển mình được, còn nếu không, 4 -5 năm nữa, kinh tế Việt Nam cũng không hồi phục được. Quan trọng nhất là dòng tiền vào đi vào cuộc sống, DN phải hồi phục được thì mới là một nền kinh tế lành mạnh.

* Ông còn có ý định mở mang thêm một lĩnh vực mới nào trong tương lai không?

- Tôi đã nghĩ sau khi trả hết nợ, giao lại khu công nghiệp cho các anh em khác làm cho đúng định hướng. Nếu có cơ hội, tôi sẽ tham gia đầu tư vào giáo dục và y tế. Hai lĩnh vực này nếu tập trung đầu tư làm tốt thì không bao giờ lỗ vì nhu cầu tại Việt Nam rất lớn. Với những bài học xương máu như vừa trải qua, tôi tự tin hơn nếu có những cơ hội đầu tư mới.

* Xin cám ơn và chúc ông bình tâm với kế hoạch phía trước! 

MẠNH QUÂN

(Doanh nhân Sài gòn)