Hiển thị các bài đăng có nhãn Doanh nghiệp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Doanh nghiệp. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ

Bài này hay:
Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ
Nhiều thanh niên học hành không ra gì nhưng muốn kiếm nhiều tiền và chê những công việc bẩn thỉu, khó nhọc.
Nhìn vào các nghề thủ công, nhiều người có tuổi và kỹ tính một chút thường nhận ngay ra rằng nếu so với một người thợ ngày xưa thì thợ bây giờ non tay hơn nhiều. Những ngôi đình ngôi chùa nổi tiếng, giá bảo bây giờ dựng lại không sao dựng nổi. Thử đặt những cái chuông cũ trước cánh thợ đúc, những pho tượng trước cánh thợ mộc… Có cho tiền tỉ các vị cũng lắc đầu không dám nhận làm.

Nói tới thợ thủ công là phải nói sự tinh tế, cái hoa tay. Thợ bây giờ hơn hẳn người xưa ở các phương tiện hiện đại trợ giúp. Nhưng máy móc, trong khi giúp con người đỡ vất vả, lại làm thui chột đi năng khiếu mà chỉ con người mới có.

Nhân nhà có việc cần, tôi đi mua một cái cuốc. Lưỡi cuốc nhập từ Trung Quốc, không nói làm gì. Nhìn vào cái cán. Xưa chỉ cán tre, nay có cán gỗ. Chết nỗi, gỗ chỉ được đẽo gọt qua loa. Chưa bao giờ tôi thấy có một cái cán cuốc nham nhở như vậy.

Đã nhiều ý kiến ghi nhận con người thời nay suy thoái so với ngày xưa. Dối trá lừa lọc làm bậy bất chấp luật pháp… Còn một khía cạnh khác đơn giản hơn: Sự lỏng lẻo trong mối quan hệ con người với công việc. Sự kém cỏi trong chất lượng công việc mà họ hoàn thành.

Có lẽ không nước nào như ở nhiều cơ sở sản xuất nước ta, hàng hóa chỉ được những mẻ đầu, càng về sau càng hỏng.

Nhiều con đường mới làm đã nứt vỡ toe toét.

Đình chùa được tu bổ ngày một lai căng xa lạ.

Trong nghề viết văn viết báo, văn chương chữ nghĩa chưa bao giờ bị rẻ rúng như bây giờ. Người viết viết bừa viết ẩu, người duyệt bài cứ ký đại đi cho in - chỉ cốt không sai chính trị còn tội lỗi gì cũng tha bổng hết.

Xảy ra tình trạng lộn xộn không chỉ do sự dễ dãi thiếu chuẩn mực cùng sự kém cỏi của những người cầm trịch mà còn do sự tha hóa của bản thân người lao động. Nhiều người thiếu hẳn sự tha thiết với công việc hàng ngày vốn là lẽ sống của mình. Cứ ngong ngóng những chuyện đâu đâu trong khi chính nghề nghiệp bị thả nổi.

Ở Hà Nội những năm sau 1954 có một tình trạng khá kỳ quặc. Chủ nghĩa bình quân bộc lộ ra thành những biến tướng kỳ lạ. Những người lao động đơn giản được tôn lên vị trí rất cao trong khi người trí thức thì lại luôn luôn bị đặt thành vấn đề. Trước mắt là phải cải tạo họ bằng những thứ lao động đơn giản, người ta bảo vậy!

Ở nhiều cơ quan, người dọn dẹp vệ sinh (lúc ấy gọi là lao công) được bố trí đi học văn hóa ngay trong giờ làm việc, còn các nhân viên khác thì phải bỏ việc của mình đi làm những việc như lau nhà lau cửa, dọn dẹp vệ sinh. Công thức tóm lại là “Người quét rác đi học văn hóa, các nhà khoa học lo đi quét rác”. Từ đây đẻ ra cái tình trạng nhấp nhổm, chả ai yên tâm làm việc gì.

Trong các cuốn lịch sử nghệ thuật Nhật Bản, tôi đọc thấy họ hay nói là có những người theo nghề một cách hết lòng tới mức có những cô gái tự nguyện không lấy chồng để yên tâm cống hiến cả đời cho nghề.

Ở ta thì lâu lắm tôi không nghe thấy nói có ai “điên” kiểu ấy. Kiểu sống hết mình với một niềm tin nào đó được coi là lập dị và không chấp nhận được. Khi chuyển hóa vào trong cách ứng xử người lao động, nó hiện ra thành sự coi thường những việc nhỏ mọn.

Trong điều kiện một nước mới chuyển từ nông nghiệp lên hiện đại, xưa phố xá đi đâu cũng gặp những người thợ chữa những thứ lặt vặt như chữa khóa chữa giày. Nay thì nghề này ngày càng ít người làm.

Thằng cháu con đứa em tôi đang ở bên Đức thỉnh thoảng về chơi. Nó kể thời học đại học, mùa hè nó đi vác lợn trong lò sát sinh rồi lái xe chở lợn đến các cửa hàng. Nghe chuyện, hàng xóm bảo nhau: Ở Việt Nam không ai làm thế. Thanh thiếu niên có nghèo mấy nhưng bảo đi làm những việc có vẻ bẩn thỉu một chút là lảng xa. Nhiều gia đình ngấm ngầm khuyến khích con cái khôn ranh lừa lọc hơn là lặng lẽ trau dồi nghề nghiệp.

Sự hư hỏng công nhiên phô phang ra và biến thành sự trơ tráo không biết từ lúc nào. Những tiền đề tạo nên sự vô cảm, bạo lực ngày một tích tụ. Những nghề phục vụ ăn chơi đàng điếm chưa bao giờ phát triển nhiều như bây giờ, tuy ngó vào thì thấy cả ở đây nữa, người ta chỉ có một trình độ nghề nghiệp loàng xoàng.

Vương Trí Nhàn

(Blog Vương Trí Nhàn)



‘Cảnh giác kẻo nước ngoài chiếm kinh tế’

Nghe ông Thành chém gió rất chán, nhưng trong chuyện này tôi rất ủng hộ ông Thành. Nền kinh tế yếu kém, què quặt và chưa thoát khỏi khủng hoảng; cũng chưa có định hướng phát triển rõ ràng, chưa thấy đâu là những ngành, lĩnh vực nhà nước cần chi phối và đâu là ngành, lĩnh vực có thể để đầu tư nước ngoài chi phối, tham nhũng tràn lan không có cơ chế hữu hiệu kiểm soát,... Trong bối cảnh này mà nới lỏng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp có niêm yết trong nước thì sợ rằng sẽ để mất chủ quyền về kinh tế.
‘Cảnh giác kẻo nước ngoài chiếm kinh tế’
Chính phủ Việt Nam đang xem xét việc nới tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp có niêm yết trong nước.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 1/1, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói việc mở rộng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp trong nước cần phải hết sức thận trọng để tránh bị lệ thuộc về kinh tế.

“Việt Nam chưa phải là nền kinh tế như Mỹ mà tất cả mọi người đều có thể vào và các doanh nghiệp có tới hàng tỷ cổ phần để khó ai có thể khống chế được,” ông nói.

“Ở Việt Nam mình còn rất yếu kém, thị trường chứng khoán chỉ có vài doanh nghiệp nhưng số vốn lại không có bao nhiêu, chỉ chừng 500-700 triệu đôla.

“Với vài trăm doanh nghiệp như thế, lại có một cường quốc có tới vài nghìn tỷ đôla mà người ta lại được mình để cho tự do mua thì cần gì phải đánh nhau để chiếm Việt Nam làm gì, chỉ cần bỏ ra vài trăm tỷ đôla là mua hết nền kinh tế Việt Nam rồi.

“Tôi nghĩ nguy cơ bị người nước ngoài chiếm lĩnh kinh tế, các hoạt động huyết mạch là điều chúng ta cần thận trọng.”.

Nghe chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành giải thích chi tiết theo đường dẫn:

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

PTT Vũ Đức Đam: “Thứ hạng quốc gia cũng là tiền bạc!”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Thứ hạng quốc gia cũng là tiền bạc!”

(Dân trí) - Trước thực trạng Việt Nam luôn trong nhóm "đội sổ" về xếp hạng cạnh tranh thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc nâng vị thứ Việt Nam là yêu cầu bắt buộc và gắn với trách nhiệm cá nhân, trước hết vì chính quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam (Ảnh: BD).
Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam (Ảnh: BD).
Chỉ đạo tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh diễn ra ngày 31/12/2014, với tư cách Chủ tịch Hội đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rất thẳng thắn, “Việt Nam không chạy theo thành tích, đừng cho rằng phải nâng xếp hạng là chạy đua thành tích. Đó chính là tiền là bạc, là cơ hội phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh toàn cầu”.

Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong mấy năm gần đây, Việt Nam liên tiếp tụt hạng. Năm 2010-2011 xếp vị trí 65/142 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2011-2012 tụt xống vị trí thứ 75/ 144 quốc gia và vùng lãnh và năm 2012-2013 tăng 5 bậc, lên vị trí 70/ 148 quốc gia và lãnh thổ. 

Xếp hạng của Việt Nam năm 2013 tăng 5 bậc chủ yếu nhờ cải thiện về các chỉ số Môi trường kinh tế vĩ mô (xếp thứ 87, tăng 19 bậc) khi lạm phát trở về mức một con số trong năm 2012. Chất lượng cơ sở hạ tầng (xếp thứ 82, tăng 13 bậc). Hiệu quả thị trường hàng hóa (xếp thứ 74, tăng 17 bậc) do các rào cản thương mại, thuế quan cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp giảm. Mặc dù các chỉ số này tăng bậc, song vẫn chỉ được xếp ở mức thấp, kém cạnh tranh.

Còn trong bảng xếp hạng theo môi trường kinh doanh, vị thứ của Việt Nam cũng liên tục sụt giảm: Năm 2012, Ngân hàng thế giới (WB) xếp Việt Nam giảm 8 bậc so với năm 2011, năm 2013 giảm thêm một bậc so với năm 2012 (xếp thứ 99/185).

Theo Phó Thủ tướng, việc cải thiện vị trí thứ hạng, thang bậc của Việt Nam trong các bảng đánh giá xếp hạng thế giới là cần thiết và phải làm. Điều này giúp doanh nghiệp Việt được hưởng lãi suất thấp hơn khi đi vay vốn nước ngoài, đồng thời, việc thu hút, quản lý đầu tư vốn nước ngoài vào Việt Nam cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ông lưu ý, “nâng điểm ở đây phải là nâng điểm thật”.

Từ chuyện phong bì khi nộp thuế

Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, cần phải có Nghị quyết của Chính phủ, giao cho các Bộ trong thời gian bao lâu phải nâng được chỉ số đánh giá chỉ tiêu do bộ mình quản lý, phải tạo sức ép trên xuống và phải kiểm tra thường xuyên tiến độ thực hiện.

“Tôi nghe người ta nói, có câu chuyện phổ biến tồn tại trong ngành thuế, đó là có người nhập khẩu lô hàng trị giá mấy trăm nghìn USD, nộp thuế môi trường mấy trăm nghìn đồng, mà để nộp được phải mất gấp đôi thế. Đến nộp thuế mà nhà nước cũng không thu, ít quá, mất thì giờ nên không thu, phải đút lót phong bì mới thu”, câu chuyện này theo ông Tuyển, lý giải vì sao chỉ số về thuế của Việt Nam lại thấp. Ngay lập tức, nhiều thành viên khác trong Hội đồng cũng đồng ý là có tình trạng này.

Nhất trí với góp ý của ông Tuyển, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần Phải có một chỉ đạo mạnh hơn để phân công cho các bộ ngành về nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng xếp hạng vị thứ.

Lấy ví dụ, trong phát triển thị trường vốn, bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có phần hóa, bán bớt vốn nhà nước tại những doanh nghiệp ngoài ngành, các doanh nghiệp kém hiệu quả thì phải bán cả những DNNN lãi, “còn bán mấy cái lỗ thì ai mua?”. Nhưng để thực hiện được thì phải có một sự đồng thuận từ trên xuống.

Ông Tuyển nhìn nhận, “đúng là các Chỉ thị cũng cần thiết, nhưng không chỉ có Chỉ thị mà phải có văn bản mạnh hơn, đó là Nghị quyết Chính phủ. Cần phải tạo sức ép từ trên xuống trong vòng bao lâu phải nâng chỉ tiêu đó lên”.

Có ý kiến tại cuộc họp lại cho rằng, phải có một cơ quan hoặc nhóm đánh giá, giám sát độc lập chứ không thể giao cho các Bộ tự làm, như vậy sẽ không đánh giá đúng và hết được những bất cập cần khắc phục trong Bộ.

Về vấn đề này, theo Phó Thủ tướng, phải phân ra từng chỉ tiêu cụ thể, xem xét các chỉ tiêu trách nhiệm thuộc về ai. Để nâng chỉ tiêu thì không có cách nào ngoài gắn trách nhiệm với người đứng đầu, giao cho từng Bộ trưởng quản lý.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại cuộc họp Hội đồng tư vấn ngày 31/12/2013 (ảnh: BD).
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại cuộc họp 
Hội đồng tư vấn ngày 31/12/2013 (ảnh: BD).

Không xây dựng bộ chỉ số riêng của Việt Nam

Với câu hỏi, liệu Việt Nam có nên thành lập một bộ chỉ số riêng hay không, một số thành viên trong Hội đồng cho là phù hợp, vì Việt Nam có những đặc trưng riêng và cần những tiêu chí sát với điều kiện của Việt Nam để đánh giá.

Tuy nhiên, phản bác lại điều này, bà Phạm Chi Lan phát biểu: “Tôi nói thẳng là không cần. Tự mình đo mình là không bao giờ chính xác được, sẽ có những chênh lệch. Bộ Chỉ số này đo chung cho tất cả các nước thì mình phải tuân thủ theo cái đó. Người ta công nhận thước đo chung chứ không ai công nhận thứ thước đo riêng của mình”.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói, “cả thế giới soi chung một gương thì Việt Nam cũng đừng nên làm riêng một cái gương riêng”.

Theo đó, Việt Nam cần theo bộ chỉ số chung (có thể là của WEF hay WB...), yếu chỗ nào sửa chỗ đó. Các đánh giá của các tổ chức xếp hạng thế giới đều có tiêu chí rõ ràng và nên gắn với các Bộ ngành để Bộ ngành rà soát. 

“Việc làm bộ chỉ số riêng của Việt Nam rồi lại phải mở đóng ngoặc giải thích dựa trên tiêu chí nào, tôi nghĩ, chẳng giải quyết được vấn đề gì, mất thời gian” – ông Kiên thẳng thắn. 

Tư vấn hãy làm cho ra tư vấn

Nói với các thành viên trong Hội đồng tại buổi họp, Phó Thủ tướng chia sẻ: “Công việc của Hội đồng là làm tư vấn, mặc dù không phải là cơ quan đưa ra quyết sách và thực thi quyết sách, nhưng tôi mong muốn, đã tư vấn thì hãy làm cho ra tư vấn”, “tôi không hy vọng các thành viên miễn cưỡng đến đây rồi hết buổi lại ra về, các góp ý đưa ra cũng không giải quyết được vấn đề gì”.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cũng trải lòng: “Ngay tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng thì Chủ tịch Hội đồng lúc bấy giờ cũng tuyên bố, đấy là Hội đồng thứ 23 mà đồng chí đó chủ trì, nghe như vậy tôi cũng đã rụng rời chân tay rồi. Bởi như vậy lấy đâu ra ra sức, một năm chỉ họp 1 lần thôi của các Hội đồng thì 1 tháng đã có 2 cuộc họp. Nếu mà làm theo cách đó thì tôi không mấy tin ở những Hội đồng như vậy, bởi có nhiều thành viên bận rộn và lãng quên đi những công việc này. Đã hình thành mong Hội đồng hoạt động hiệu quả. Tôi nghĩ, nếu Hội đồng mà cứ kéo dài theo cách như thế này thì có lẽ tôi cũng chủ động xin rút ra để khỏi mang tiếng tham gia vào mà không làm được gì và cũng lãng phí thời gian, công sức chung”.

Phó Thủ tướng cho biết, “rất cần một nhóm tình nguyện trong hội đồng và ít nhất 3 tháng, sẽ làm việc nhóm 1 lần”. 

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nhóm thành viên bao gồm ông Nguyễn Bá Ân (Tổng thư ký), ông Trương Đình Tuyển, bà Phạm Chi lan, ông Trương Gia Bình, ông Nguyễn Đình Tấn, ông Phạm Ngọc Đăng, Nguyễn Quang Thái và ông Tô Hoài Nam. Đến đầu năm mới Âm lịch, nhóm sẽ hoàn thiện một bản kế hoạch, để từ đó báo cáo Thủ tướng. Cuối quý I, muộn nhất là đầu quý II cần phải có một văn bản chỉ đạo, có thể là Nghị quyết, Chỉ thị… về nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện xếp hạng quốc gia.

Bích Diệp

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Tiêu thụ mì tôm của người Việt quá... khủng khiếp

Hôm trước đọc tin "Độc đáo" Việt Nam: 100% mì tôm nhiễm độc", mình đã thấy khiếp, và mới hiểu tại sao Đội tuyển bóng đá quốc gia cũng như Đội tuyển bóng đá U23 toàn thua; đó là do nghiện ăn mỳ tôm nhiễm độc. Rồi nghĩ đến đồng bào bị lũ lụt, học sinh nghèo... đều được hỗ trợ hay phải dùng mỳ tôm sống qua ngày. Giờ đọc bài này thì còn khiếp hơn: Có lẽ toàn dân đều nhiễm độc; chẳng trách bệnh ung thư ở người Việt thuộc loại cao nhất thế giới. Rồi không biết tin này lan ra nước ngoài thì xuất khẩu mỳ tôm thế nào ? Lừa dân Việt thì bình thường, lừa được cả ngoại quốc để xuất khẩu trong bao năm qua mới thật là giỏi.
Mức độ tiêu thụ mì tôm của người tiêu dùng Việt quá... khủng khiếp
(GDVN) - Với 5,1 tỷ gói được tiêu thụ trong năm 2012, Việt Nam xếp thứ 4 trong danh sách các nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới
Việt Nam xếp thứ 4 thế giới về tiêu thụ mì ăn liền trong năm 2012.

Thông tin "100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có axit oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận" được công bố bởi GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM chiều ngày 26/12, khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại con số về lượng mì ăn liền đang được bán ra tại thị trường Việt Nam, hẳn sẽ không ít người choáng váng.

Theo đó, vào đầu tháng 5/2013, Hiệp hội Mì ăn liền thế giới công bố Việt Nam xếp thứ 4 thế giới về tiêu thụ mì ăn liền trong năm 2012 với sản lượng gần 5,1 tỉ gói (ly). Nếu tính bình quân đầu người, mỗi người Việt Nam ăn 57 gói (ly)/năm, đứng thứ 4 thế giới.
3 nước xếp hàng đầu thế giới về tiêu thụ mì ăn liền lần lượt là Trung Quốc, Indonesia và Nhật. Trong số 101,4 tỷ gói mì được bán ra trên toàn thế giới vào năm ngoái, Trung Quốc, tính cả Hong Kong, tiêu thụ 44 tỷ gói, theo sau là Indonesia với 14,1 tỷ gói và Nhật với 5,4 tỷ gói, kế tiếp là Việt Nam với 5,1 tỷ gói. 

Ở Việt Nam, năm 2009, tiêu thụ khoảng 4,3 tỉ gói mì. Tuy nhiên chỉ 3 năm sau đó (năm 2012) đã tăng lên 5,1 tỉ gói và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thống kê này phản ánh khá đúng thị trường mì ăn liền trong nước khi loại thực phẩm này đang trở nên phổ biến đến mức từ cửa hàng tạp hóa nhỏ đến siêu thị, từ quán ăn vỉa hè hay nhà hàng cao cấp... đều có món mì ăn liền. Chưa kể, mì ăn liền chính là loại thực phẩm dự trữ cần thiết của đa số người dân khi có những biến đổi về thời tiết.

Thị trường mì ăn liền Việt Nam được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của các doanh nghiệp thực phẩm khi có tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Theo thống kê của Tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor, chỉ trong vòng 4 năm từ 2008 - 2012, sản lượng tiêu thụ mì ăn liền của Việt Nam tăng 37% lên trên 400.000 tấn, doanh thu tăng gần gấp đôi lên trên 20.000 tỷ đồng.

Theo thống kê trên tờ VnEconomy, Việt Nam hiện có khoảng 50 nhà sản xuất mì ăn liền và các nhà sản xuất tập trung đầu tư và không ngừng mở rộng sản xuất. Đến nay, Công ty Vina Acecook đang có 7 nhà máy sản xuất mì gói đặt tại Tp.HCM, Bình Dương, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hưng Yên. 


Chia sẻ trên tờ Thanh niên, đại diện hệ thống siêu thị BigC cho biết có tổng cộng khoảng 60 nhãn hiệu mì/bún ăn liền đang kinh doanh tại siêu thị, giá thấp nhất 2.900 đồng/gói và cao nhất 30.300 đồng/tô. Ngoài các loại mì sản xuất tại Việt Nam, thị trường còn kinh doanh nhiều loại mì nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc.

Tháng 7/2012, Tập đoàn mì ăn liền Nissin Foods (Nhật Bản) cũng đã tham gia thị trường Việt Nam bằng việc công bố đưa nhà máy sản xuất mì ăn liền có tổng vốn đầu tư 41 triệu USD tại Bình Dương đi vào hoạt động. Nissin Foods là tập đoàn đã có 47 nhà máy sản xuất ở 15 quốc gia và tạo ra hơn 1.200 loại mì ăn liền cho thị trường toàn cầu.

Cuộc đua thật sự khốc liệt khi các đại gia không ngừng rót vốn vào sản xuất mì ăn liền. Năm 2012, Vina Acecook đã tăng thêm vốn 10 triệu USD và đưa vào hoạt động hai nhà máy sản xuất mì ăn liền tại Tp.HCM có quy mô, công nghệ thuộc loại hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Hiệp hội Mì ăn liền thế giới đã thống kê, thị phần trên thị trường mì ăn liền Việt Nam đang nằm trong những công ty lớn. Hiện Vina Acecook đang dẫn đầu thị trường với 50% thị phần, đứng thứ hai là Asia Foods giữ hơn 20% và khoảng 10% là do Massan nắm giữ ở vị trí thứ 3.

Các doanh nghiệp còn lại chia nhau khoảng 20% thị phần còn lại. Ước tính, doanh thu toàn thị trường mì gói trong năm 2012 khoảng 20.000 tỷ đồng. Khảo sát của Euromonitor, một số doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền quy mô nhỏ hiện nay như Vifon, Saigon Ve wong (Aone), Colusa - Miliket... chỉ chiếm từ 2-5% thị phần./.

Vinalines: Án tử hình rồi sao nữa?

Vinalines: Án tử hình rồi sao nữa?
Nguyễn Lễ, BBCVietnamese.com
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có án tử hình tham nhũng kể từ năm 1950.
Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tuyên án tử hình. Tiếng nức nở của vài gia đình lạc lõng trong tiếng hoan hô của muôn vạn người khác!
Dẫu sao cũng mạng người. Trước hết tôi xin chia sẻ nỗi đau thương với người thân hai tử tội.
Mạng người hết sức quý giá. Nhưng kỷ cương của đất nước, sự nghiêm minh của pháp luật, lẽ công bằng của Trời Đất còn quý hơn nhiều.
Nghĩ đến người dân quanh năm suốt tháng làm lụng đầu tắt mặt tối, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, chắt bóp cả đời cũng không bằng được một mẩu móng tay mà Dương Chí Dũng và đồng bọn sung sướng hưởng thụ ai mà không sôi máu?

Nghĩ đến vùng sâu trăm ngàn thiếu thốn, dân nghèo cơm chưa đủ ăn, người bệnh nặng không tiền mua thuốc, công nhân viên chức giật gấu vá vai, đồng bào thiên tai thiếu tiền cứu trợ còn họ tiêu hoang hàng trăm tỷ ai mà chẳng ứa gan?

Thế nên bản án phán ra biết bao người vui lòng hả dạ.

TIN ĐƯỢC KHÔNG?

Ông Nguyễn Bá Thanh
Ông Nguyễn Bá Thanh đã đích thân đến theo dõi phiên tòa xử Dương Chí Dũng

Có một thực tế là án tử hình ở Việt Nam năm nào cũng có nhưng tử hình vì tham nhũng thì phải đến sau 63 năm mới có!

Mà đâu phải Việt Nam là xứ sở thanh liêm gì cho cam mà 'nhung nhúc một bầy sâu', 'ăn không chừa cái gì của dân' như lời các vị lãnh đạo đã thừa nhận.

Dễ hiểu vì sao không ít người cho rằng sẽ có 'phúc thẩm, giảm án', sẽ được 'ngồi tù, ân xá', rồi sẽ sớm 'về nhà, hưởng thụ'.

Có người còn nói ngày nào còn Dương Chí Dũng thì họ còn chưa tin có chuyện tử hình.

Cá nhân tôi tin rằng Đảng đang thật sự có quyết tâm chống tham nhũng, ít nhất cũng vì sự tồn vong của Đảng vào lúc này.

Tham nhũng tràn lan - lòng dân phẫn nộ thế nào chắc chính quyền hiểu rõ, cho nên hai mạng người vào lúc này quả rất đúng lúc để xoa dịu lòng dân đang sục sôi.

Có người cho rằng chính quyền đang dùng kế 'Tào Tháo mượn đầu Vương Hậu'. Tôi thì không nghĩ như vậy.

Đây là chuyển biến lớn từ sau khi công cuộc chống tham nhũng của Đảng đi vào quy củ: Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tái cơ cấu, Ban Nội chính tái lập, Nguyễn Bá Thanh ra Ba Đình.

Tám 'đại án' đã được khoanh vùng. Vinalines mới chỉ là mở màn. Sẽ còn nhiều màn nữa. Sẽ có nhân vật từng là ủy viên Trung ương Đảng như ông Trần Xuân Giá ra công đường. Hứa hẹn sẽ có nhiều gay cấn để mọi người theo dõi.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Bá Thanh đi Trung Quốc tiếp xúc với Ban kỷ luật và Ban Chính pháp của nước này trong lúc họ đang có chiến dịch đánh cả 'ruồi và hổ' - nghe phong thanh đụng đến cả cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

'PHIÊN TÒA CỦA ĐẢNG'

Ụ nổi 83M
Đến nay cái ụ nổi này được cho là đã làm tiêu tan của Nhà nước trên 500 tỷ đồng

Rõ ràng Đảng đang hành động. Tôi cho rằng đây là nỗ lực đáng hoan nghênh và khích lệ.

Xét hệ thống ở Việt Nam 'tam quyền như một', quyền nào cũng là quyền của Đảng, thì chắc chắn trong vụ án to như Vinalines không tránh khỏi bàn tay chỉ đạo của Đảng.

Ông Nguyễn Bá Thanh đã đến dự Tòa. Chứng tỏ Đảng giám sát rất sát sao. Đảng đã quan tâm sát sao mà không chìa tay vào mới lạ.
Cho nên bản án không hoàn toàn khách quan mà ít nhiều thể hiện ý chí của Đảng. Tòa chỉ xử những gì Đảng muốn xử và dân chỉ biết những gì Đảng muốn cho dân biết.

Có những điều tôi muốn biết rõ hơn nhưng theo dõi phiên tòa tôi cảm thấy tù mù hơn.

Đầu dây mối nhợ của tất cả mọi việc 'tham ô' và 'làm trái' là cái ụ nổi 83M.

Nhưng căn nguyên của ụ nổi này là Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Phải có dự án này thì mới được nhập về ụ nổi dùng trong việc sửa chữa tàu thuyền.

Dự án này từ đâu mà có? Các cấp có thẩm quyền có biết, có phê duyệt hay không?

Có hai điểm cần lưu ý trong lời khai của Dương Chí Dũng về dự án này.

Dương Chí Dũng
Dương Chí Dũng cho là mình đã bị cấp dưới 'qua mặt' trong thương vụ ụ nổi 83M

Trong lời nói cuối cùng trước Tòa được báo Tuổi Trẻ dẫn lại, Dương Chí Dũng nói: "do nhận thức của Hội đồng quản trị Vinalines hiểu về dự án đầu tư nhà máy sửa chửa tàu biển Phía Nam đã được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đồng ý".

Bị cáo Dũng và toàn thể hội đồng quản trị đều hiểu là dự án đã được đồng ý. Vậy thì có căn cứ gì để họ 'tưởng là' như thế? Vấn đề này Tòa chưa làm rõ.
Thứ hai, trong một lời khai của bị cáo Dũng trong phiên xử đầu tiên được báo chí trong nước dẫn lại rộng rãi, ông nói
'có sai nhưng nay mới biết'.

Cái 'sai' mà bị cáo nói ở đây là mua ụ nổi khi dự án nhà máy 'vẫn chưa được phê duyệt'. 

Lẽ nào một công chức cao cấp như ông Dũng cùng toàn thể Hội đồng quản trị lúc đó lại không thấy cái 'sai' này - cái 'sai' mà các điều tra viên đều biết?

Ông Dũng cũng được Tuổi Trẻ dẫn lời nói là đã 'báo cáo về dự án nhà máy sửa tàu với Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải'. Đã báo cáo nhưng phản hồi thế nào? Nếu cấp trên không gật đầu với dự án thì Hội đồng Quản trị Vinalines có dám xúc tiến mua ụ nổi không?

Cho 'có sai nhưng nay mới biết' là một câu nói đầy ẩn ý của Dương Chí Dũng khiến người khác không khỏi nghi ngờ.

Ụ NỔI VÀ MỚ RAU


Ông Dương Chí Dũng được đưa lên ghế cục trưởng khi Vinalines bắt đầu bị thanh tra.

Một điểm khác cũng khiến tôi nghi ngờ là tại sao Tòa lại tranh cãi quyết liệt về chuyện cái 83M ấy là ụ nổi hay tàu biển.

Ở đây cần nhắc lại là Thủ tướng Chính phủ từng có nghị định không cho phép nhập về tàu biển quá 15 tuổi. Nếu 83M là tàu biển thì rõ ràng ban lãnh đạo Vinalines cùng toàn bộ đăng kiểm và hải quan đã làm trái lệnh thủ tướng.

Theo tường thuật của báo chí trong nước thì việc định nghĩa 83M thế nào là một điểm tranh luận gay gắt nhất tại tòa mà cả hai bên xử và bên bị xử không ai nhượng bộ.

Tôi không hiểu về chuyên môn hàng hải nên không dám có ý kiến, nhưng tôi thấy lạ là những người nắm rõ nhất về vấn đề này là những chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, đăng kiểm, hải quan mà vẫn không cãi lại quan Tòa!

Tôi không có mặt tại tòa nên không biết được Tòa định nghĩa 83M là tàu biển thì có dẫn ra các yếu tố kỹ thuật gì để giải thích hay không chứ không thể nói một cách chắc nịch nhưng hồ đồ là
'ụ nổi 83 M không phải là tàu biển thì là mớ rau à?'.
Về phía đăng kiểm và hải quan, tôi hồ nghi là họ gây án vì động cơ gì? Cáo trạng không hề nhắc đến việc họ có nhận được cắc bạc nào không. Họ thừa biết nhập ụ nổi đó về sẽ gây thiệt hại lớn cho tài sản quốc gia mà vẫn cho qua không vì tư lợi gì cả thì thật khó hiểu!

Một điểm nghi vấn nữa là giải thích như thế nào về dáng vẻ bình thản, ung dung tự tại của Dương Chí Dũng trong suốt phiên tòa?

Rõ ràng khi bị nghị án và tuyên án tử hình thì ông ta vẫn dửng dưng như không, không hề mảy may xúc động. Ông ta là người sắt đá chăng?

Tử hình thì không sợ, vậy tại sao chỉ mới nghe sẽ bị truy tố và bị bắt thì đã 'lo sợ, hoảng loạn' rồi bỏ chạy như lời ông ta khai trước Tòa?

NHÂN VẬT BÍ ẨN

Dương Tự Trọng
Dương Tự Trọng sắp ra tòa vị tội tổ chức cho anh trai trốn ra nước ngoài

Một vấn đề quan trọng nhưng tiếc là chỉ được đề cập thoáng qua là 'ai là người mật báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn?'

Bị cáo Dũng quyết không khai nhưng nói là đã khai với cơ quan điều tra rồi. 'Đã khai rồi' nhưng đến giờ này khi chuẩn bị xét xử vụ 'tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn' mà vẫn
chưa chính thức truy tố ai về tội 'tiết lộ bí mật' thì hơi lạ.
Dù không biết người mật báo cho ông Dũng là ai, nhưng tôi tin rằng người bí ẩn này phải là người có chức trách cao nên mới nắm được thông tin mật như thế. Hơn nữa người này biết rõ Dương Chí Dũng phạm tội và muốn ông ta bỏ trốn.

Rõ ràng khi báo tin này người báo tin đang mạo hiểm phạm một tội lớn. Nếu ai đó nghĩ rằng ông Dũng vô tội thì họ sẽ không mạo hiểm như vậy.

Nhưng có thể bạn bè thân hữu hoặc ai đó chịu ơn nhà họ Dương 'vì nghĩa diệt thân' chăng? Nhưng một lần nữa, để báo tin này thì người đó phải biết ông Dũng có tội, tức là phải rất gần gũi với ông ta. Người gần gũi với bị cáo thì có thể tiếp cận thông tin điều tra hay không?

Việc bị cáo bỏ trốn khác nào đã thừa nhận tội trạng, nhất là một người có trình độ tiến sỹ như ông Dũng sao lại không hiểu điều đó?

Dù bị cáo Dũng có kêu oan như thế nào đi nữa thì tôi vẫn tin rằng ông ta có tội. Không phải vì quá trình xét xử của Tòa mà những chứng cứ rõ ràng trước mắt.

Cái ụ nổi hay tàu biển gì đó còn sờ sờ ra đó và vẫn tiếp tục 'bốc mùi hôi thối', hai căn hộ cao cấp trị giá 10 tỷ bị cáo Dũng mua cho bồ nhí bằng tiền mà vợ ông nhận là của mình mà khó có thể tin được có người vợ tốt đến mức đã không ghen lại còn bỏ số tiền lớn như vậy để mua cho vợ bé của chồng không những một mà hai căn hộ.

Các bị cáo Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều cũng đã bán tài sản đền cho Nhà nước. Nếu không tham ô thì họ có bỏ tiền túi ra đền không? Bị cáo Chiều chỉ có vai trò nhỏ trong thương vụ 83M còn được chia thì các ông Dũng, Phúc có phần không?

KHÔNG HỢP VAI?


Dương Chí Dũng từng là một trong những đại biểu đi dự Đại hội Đảng lần thứ XI

Rõ ràng, trong vụ án Vinalines, thông qua Tòa án, Đảng đang đóng vai Bao Công bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.

Thế nhưng, xét kỹ ra thì vị 'Bao Công' này không thể vô can mà đứng ra đảm bảo công bình cho được.

Đảng không thể xét xử một sai lầm mà chính Đảng cũng góp phần tạo ra sai lầm đó. Đảng xử tội Dương Chí Dũng thì ai xét lỗi của Đảng đây?

Ở đây tôi muốn nhắc lại câu nói mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng trả lời trước Quốc hội khi được hỏi về việc từ chức: "Nhiệm vụ là do Đảng giao phó".

Vậy khi Dương Chí Dũng bị xử tội, ông ấy cũng có thể nói là 'do Đảng giao' được vậy?
"Trách Dương Chí Dũng tham thì cũng phải trách cái cơ chế đã tạo điều kiện cho cái tham đó hoành hành thì mới công bằng"
Trước hết, phải khẳng định rằng Dương Chí Dũng phạm tội thì trước hết là do chính bản thân ông ấy. Ông chỉ có thể tự trách mình tham lam mà thôi.

Tuy nhiên, một người sinh ra và lớn lên trong hệ thống của Đảng, được Đảng đào tạo, đề bạt, cất nhắc và còn đại diện đảng viên dự Đại hội Đảng lại phạm sai lầm nghiêm trọng thì Đảng không tránh khỏi trách nhiệm.

Dương Chí Dũng có thật sự tham ô hay không hay chỉ là 'không biết, không quan tâm, không can thiệp' trong vụ ụ nổi như lời ông ta kêu oan trước tòa thì cũng vẫn đáng thương cho tài sản của nhân dân: hoặc là bị bu vào xâu xé hoặc là bị mặc kệ chẳng ai ngó ngàng!

Ở đây tôi muốn đặt hai dấu hỏi lớn.

Mai Văn Phúc
Mai Văn Phúc nói ông ăn chia gì trong vụ mua ụ nổi 83M

Nếu như ông Dũng không là chủ tịch doanh nghiệp Nhà nước mà là một công ty tư nhân hay cổ phần thì ông ta có sẵn sàng trả 9 triệu để mua món hàng 5 triệu hay không trong khi số tiền đó hoặc là của ông ta hoặc là của các cổ đông khác?

Nếu như không phải Dương Chí Dũng mà là một ai khác trong trường hợp ông ta thì của cải để như thế, lấy bỏ vào túi dễ như thế trong khi đồng lương công chức đời nào sắm được nhà đẹp xe sang thì có tham ô hay không?

Cái đó còn tùy vào mỗi người. Nhưng vụ hôi bia ở Biên Hòa cho thấy lòng tham là bản năng trong mỗi con người. Nó trỗi dậy trước khi chúng ta dùng lý trí để kiềm chế.

Mà của cải của Nhà nước, đồng tiền xương máu của nhân dân không thể đặt vào yếu tố may rủi - trông chờ vào liêm sỉ của người được giao giữ của được mà đến 99% là rủi.

Cho nên trách Dương Chí Dũng tham thì cũng phải trách cái cơ chế đã tạo điều kiện cho cái tham đó hoành hành thì mới công bằng.

LỖ HỔNG NGHIÊM TRỌNG

"Tôi thì nghĩ cha ông hy sinh gây dựng chính quyền không có nghĩa con cháu được quyền dựa vào chính quyền đó mà hưởng thụ chứ đừng nói là ăn tàn phá hại."
Nhưng nếu nói 'Đảng không hợp vai' để xử Dương Chí Dũng thì chả lẽ ở các nước khác quan chức tham ô thì chính quyền cũng không thể đứng ra xử được sao?

Hệ thống tư pháp của người ta độc lập không có sự can thiệp của chính quyền. Bản thân Đảng cầm quyền mà cán bộ họ có lỗi nặng như vậy thì tất sẽ không yên với đảng đối lập ở Quốc hội và cũng sẽ không yên với người dân trong lần bầu cử sau.

Cứ nhìn vào các câu trả lời của đại diện các bộ chúng ta sẽ thấy hệ thống doanh nghiệp Nhà nước của chính quyền có lỗ hổng nghiêm trọng đến mức nào.

Khi Tòa hỏi Bộ Tài chính có kiểm tra hoạt động của Vinalines không thì đại diện bộ này được dẫn lời nói là 'không nắm được, không phát hiện và cũng không nhận được báo cáo'.

Thật không còn có câu trả lời nào có trách nhiệm hơn!

Bộ Giao thông-Vận tải cũng chẳng thua kém khi đại diện của họ nói 'họ không có quyền giám sát trực tiếp' mà phải là Thanh tra Chính phủ. Huề vốn!
Tàu thủy của Vinalines
Vinalines từng được trông đợi là trụ cột 
trong chiến lược kinh tế biển của Việt Nam

Vậy thì cơ quan nào có trách nhiệm quản lý số tiền hàng ngàn tỷ của dân đây? Tiếc là Thanh tra Chính phủ không có mặt tại Tòa để coi câu trả lời của họ đi đến đâu.

Mà nếu thật sự như Bộ Giao thông nói, một cơ quan quản lý ngành dọc của Vinalines mà không có trách nhiệm giám sát họ khó tránh khỏi các lãnh đạo Vinalines có thể thò tay lấy tài sản của Nhà nước dễ như lấy đồ vật trong túi!

Nhưng lỗ hổng lớn không chỉ có một.

Trong lời nói cuối trước Tòa, bị cáo nào cũng kể gia đình có công hay nhân thân tốt. Riêng Dương Chí Dũng thì 'gia đình nội ngoại hai bên đều là cách mạng'.

Tôi không rõ là khi những bị cáo này đem sự hy sinh của ông cha ra hòng gỡ gạc chút ít tội lỗi thì họ có xấu hổ không?

Tôi thì nghĩ cha ông hy sinh gây dựng chính quyền không có nghĩa con cháu được quyền dựa vào chính quyền đó mà hưởng thụ chứ đừng nói là ăn tàn phá hại.

Các bị cáo Vinalines đều có gốc gác. Các doanh nghiệp Nhà nước cũng đầy những người có gốc gác như thế. Mà đây là thành phần dễ sinh hư hỏng vì đa phần sẵn có tâm lý ỷ lại vào công lao tiền nhân.

BỔ NHIỆM RA SAO?

Tổng công ty hàng hải Việt Nam
Các lãnh đạo ở Vinalines được tuyển chọn như thế nào?

Dựa vào thành tích gì mà Dương Chí Dũng lên làm người lãnh đạo cao nhất tại Vinalines, nắm số vốn mấy ngàn tỉ, nhân lực mấy ngàn người cùng mấy chục công ty?

Ông ta có dày dạn thương trường không? Có đề ra được chiến lược kinh doanh trước khi lên nắm quyền không? Có cạnh tranh với ứng viên khác không?

Các tập đoàn lớn trên thế giới đều tuyển dụng giám đốc điều hành (CEO) một cách công khai, minh bạch và cạnh tranh để chọn được người giỏi nhất, thậm chí cả người nước ngoài, để yên tâm trao gửi tài sản. Người được chọn phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì nếu anh làm không xong sẽ bị sa thải.

Còn lãnh đạo các tập đoàn, các tổng công ty ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu người xuất thân từ quan chức bàn giấy? Quá trình bổ nhiệm họ dựa vào tiêu chuẩn và quy trình thế nào có ai biết không? Trong khi những vị trí đấy đều béo bở không ít người thèm thuồng.
"Hoặc là Đảng bất lực trước nạn tham nhũng tràn lan để ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, hoặc là Đảng phải xử lý nặng tay với nhiều án tử hình cho cán bộ của mình. Đằng nào Đảng cũng đau đớn cả!"
Nói tóm lại nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, không có cơ chế tuyển chọn người công bằng thì các doanh nghiệp nhà nước không khác nào những cái ổ đầy tiền giao vào tay con ông cháu cha tha hồ kiếm chác.
Cứ cách dùng người như thế thì ngoài kia còn bao nhiêu Dương Chí Dũng nữa trong hệ thống? Cứ ăn tiền dễ như thế thì bao nhiêu tiền của dân đã bị ăn hết rồi?

Đất nước còn nghèo muốn chi tiêu thêm cái gì cũng khó trong khi các doanh nghiệp nhà nước đã sai từa lưa lại còn phá nát tiền của dân mà Đảng không những không bỏ mà còn cho giữ vai trò chủ đạo và còn nói là dân muốn thế thì thật sự tôi không thể nào hiểu nổi.

Nếu còn duy trì hệ thống như hiện nay thì chắc chắn sẽ còn nhiều Dương Chí Dũng nữa. Hoặc là Đảng bất lực trước nạn tham nhũng tràn lan để ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, hoặc là Đảng phải xử lý nặng tay với nhiều án tử hình cho cán bộ của mình. Đằng nào Đảng cũng đau đớn cả!

Điện lực, viễn thông “lãi khủng”: điểm sáng đáng ngại

Điện lực, viễn thông “lãi khủng”: điểm sáng đáng ngại

TT - Chuyện “lãi khủng” của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT) có thể là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần được làm rõ khi “lãi khủng” phần lớn xuất phát từ tăng giá.
TS Lê Đăng Doanh - Ảnh: Việt Dũng
* Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:
Xem lại lộ trình tăng giá điệnThông tin EVN báo có lãi khoảng 4.404 tỉ đồng trong năm 2012 thoạt nghe có vẻ là tin mừng. Mừng vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tập đoàn này đã làm ăn có lãi, đồng vốn nhà nước sinh sôi nảy nở. Nhưng có thể thật sự mừng được như vậy hay không, khi còn hàng loạt câu hỏi cho EVN và cơ quan quản lý nhà nước về giá điện xuất phát từ con số lợi nhuận của tập đoàn này?
Trước hết, lợi nhuận của EVN có thật là 4.404 tỉ đồng hay còn có thể cao hơn thế rất nhiều?
Bởi song song với công bố khoản lợi nhuận trên, EVN lại xử lý được khoản lỗ tồn đọng từ các năm trước (khoảng 18.200 tỉ đồng). Như vậy nếu không đưa số lỗ tồn đọng này vào giá thành điện trong năm 2012, EVN có thể lãi tới 22.600 tỉ đồng? Tôi cho rằng những thông tin công bố của EVN còn quá mù mờ. Cơ quan kiểm toán cần phải làm rõ lãi của EVN là bao nhiêu. Đặc biệt, vì sao năm 2012 lại có được khoản lãi vọt lên như vậy? Họ lãi do thực tài điều hành, quản trị doanh nghiệp hay nhờ vào việc tăng giá điện?

"Chúng ta cần xem lại vì sao mỗi lần tăng giá điện là EVN than lỗ. Lần nào cũng như lần nào. Nhưng tại sao giờ lại lòi ra con số lợi nhuận lớn như vậy? Và ngành điện đã có lãi như thế này thì có cần thiết phải tiếp tục tăng giá điện nữa hay không?"




Thứ hai, EVN có lãi nhưng đóng góp của EVN vào ngân sách nhà nước là bao nhiêu? Nếu lãi nhiều, đóng góp nhiều, trong khi các doanh nghiệp nhà nước khác như Viettel, VNPT cũng vừa công bố lợi nhuận cực lớn, tại sao ngân sách nhà nước lại khó khăn đến thế?

Tôi cho rằng cần phải tính toán lại lộ trình tăng giá điện thêm 22% từ nay đến năm 2015. Ngành điện lấy lý do kinh doanh không có lãi nên không có vốn đầu tư, không thu hút được các nhà đầu tư tham gia, vì thế phải tăng giá điện. Nhưng có lãi tới mức dư ra con số 4.404 tỉ đồng sau khi đã đưa vào giá thành khoảng 18.200 tỉ đồng khoản lỗ của những năm trước, thì thực tế giá điện hiện nay đã có thể mang lại lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy không cần thiết phải tiếp tục tăng giá điện.

Điều này càng hợp lý hơn khi xét trong bối cảnh doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều đang đứng trước rất nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân do chi phí đầu vào (giá xăng dầu, giá điện tăng cao). Việc các doanh nghiệp hoạt động đình đốn, không có lợi nhuận, thậm chí ngày càng lỗ nặng vì chi phí đầu vào quá lớn, trong khi ngành điện lời lớn là bất hợp lý. Đây là ngành ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự vận hành của nền sản xuất, đang có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước nên việc chia sẻ là cần thiết.

Ảnh nhân vật cung cấp
* TS Nguyễn Ngọc Sơn (khoa luật cạnh tranh Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM):
Tin mừng cay đắng
EVN lời 4.404 tỉ đồng. Viettel có mức lợi nhuận trước thuế tới 35.086 tỉ đồng. VNPT lời 9.265 tỉ đồng... Ba tập đoàn nhà nước vừa công bố những con số lợi nhuận mà bất cứ nhà quản trị doanh nghiệp nào cũng phải mơ ước trong bối cảnh kinh tế ảm đạm hiện nay.
Nếu nhìn dưới góc độ đây là các doanh nghiệp nhà nước, tiền của Nhà nước được họ quản lý, kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận cao thì chúng ta phải mừng chứ! Nhưng tôi thấy đây là tin mừng trong cay đắng. Bởi ba doanh nghiệp này đang hoạt động trong những ngành độc quyền. Và EVN lời lớn khi giá điện tăng liên tục. Viettel lợi nhuận “khủng”, VNPT cũng vậy, khi ngành viễn thông không cải thiện chất lượng dịch vụ mà chỉ tăng giá.

Lợi nhuận mà các tập đoàn này công bố cho thấy nguyên lý độc quyền luôn có lợi vẫn luôn luôn đúng. Nhưng cái bất hợp lý là sự lời lớn này và căn nguyên của lời lớn cho thấy những mâu thuẫn trong quản lý kinh tế. Trên thế giới, không một nguyên lý kinh tế nào, không một lý thuyết nào chấp nhận được nhà công quyền quản lý kinh tế lại lo sợ doanh nghiệp độc quyền bị lỗ.

Nhưng ở ta, cơ quan quản lý nhà nước mới đây đã liên tiếp đi giải thích cho các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone rằng họ bị lỗ và cần tăng giá cước 3G, mặc dù không nói được lỗ vì đâu và tìm giải pháp nào khác khắc phục ngoài việc tăng giá. Thậm chí cứ tạm cho rằng họ bị lỗ dịch vụ 3G như họ vẫn than vãn, thì với mức tổng lợi nhuận lên tới vài chục ngàn tỉ đồng như hiện nay, chắc chắn họ phải có những dịch vụ khác lời cực lớn.
Vậy nếu Nhà nước đã lên tiếng kêu lỗ thay doanh nghiệp và cho họ tăng giá, thì giờ đây Nhà nước có tiếp tục lên tiếng yêu cầu doanh nghiệp phải giảm giá những dịch vụ lời khủng vì quyền lợi của người tiêu dùng hay không?

Ảnh: Việt Dũng
* Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường):
Nếu đã có lãi sao lại tăng giá?
Tôi là đại biểu Quốc hội cũng thấy băn khoăn, thắc mắc về lỗ, lãi của EVN. Trong trường hợp EVN đã có lãi cao thì phải xem lại lộ trình tăng giá điện. Vì sao tôi đặt vấn đề như vậy? Vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, đông đảo người dân có cuộc sống chật vật với thu nhập ít ỏi, tại sao ngành điện đã có lãi rồi mà vẫn muốn tăng giá?

Vấn đề ở đây điện là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, giá điện có tác động tức thời đối với giá cả các mặt hàng khác, vì vậy EVN với tư cách là doanh nghiệp nhà nước thì phải có trách nhiệm chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước cũng như của người dân. Chúng ta nói kinh tế thị trường nhưng phải có sự quản lý của Nhà nước, và suy cho cùng mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Muốn như vậy, một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay là phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với giá điện. Cần làm rõ và công khai, minh bạch chi phí sản xuất, giá thành để có chủ trương hợp lòng dân.

B.HOÀN - C.V.KÌNH - V.V.THÀNH ghi

* TS Nguyễn Sơn (Viện Kinh tế chính trị thế giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN):
Không thể cứ lỗ là... tăng giá
Tại các thị trường cạnh tranh, không phải các tập đoàn cứ kêu lỗ là tăng giá. Nếu tăng, rất có thể tập đoàn đó sẽ phá sản bởi người dân có một thị trường để lựa chọn. Giải pháp, theo tôi, có thể phải tính đến chia nhỏ các tập đoàn ra, tạo môi trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Cũng cần sửa Luật cạnh tranh để chống độc quyền bởi Luật cạnh tranh hiện nay thực tế không có nhiều ý nghĩa... Việc xác định, công khai giá thành như trường hợp của EVN cần được giao cho các tổ chức độc lập, chứ không phải các bộ ngành quản lý, như Bộ Công thương là chủ quản của EVN. Việc “bố” khám con rồi công khai không có nhiều ý nghĩa...
(Tuổi trẻ)

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Những biển quảng cáo siêu sáng tạo thời nay

Những biển quảng cáo siêu sáng tạo thời nay
Khuyến mãi “khủng” đến không ngờ: Muốn ăn bánh trung thu thì mời mua… bao cao su; Uống cafe được… vợ miễn
Khuyến mãi “khủng” đến không ngờ
Muốn ăn bánh trung thu thì mời mua… bao cao su 

Uống cafe được… vợ miễn phí. Nguồn ảnh: sưu tầm trên Internet 

Xưa rồi bánh mỳ ba tê 

Món ăn dân dã có tên rất kêu: Mị Châu, Trọng Thủy 

Loại vitamin mới được khám phá?

Tấm biển quảng cáo chỉ đọc thôi đã sốc 

Dịch vụ xe ôm khiến khách nghe thôi đã… bủn rủn 

Quán dành cho những ông chồng sợ vợ 

Quảng cáo rượu quá độc 

Tấm băng rôn tuyệt vọng 

Mất tiền “ngu” thì… ráng chịu 

Rớt đại học cũng không lo thất nghiệp 

Món bún kỳ lạ 

“Thiên đường”… toilet 

Quán “Chém” theo chiều gió 

Tấm biển không thể không chú ý 

Đặc sản tươi rói 

Quán karaoke cho những người chán đời?
 
Quán thịt chó với tấm biển hiệu quá “độc” 

Chè ngon không đến lượt bố mình?

Những thực phẩm hãi hùng nhất Việt Nam 2013

Những thực phẩm hãi hùng nhất Việt Nam 2013
Hàng loạt món ăn quen thuộc bị phát hiện làm từ nhựa, tẩm ướp hóa chất, sản xuất trong môi trường bẩn thỉu khiến người tiêu dùng ngày càng bất an.
Trà chanh : 200.000 đồng/100 gram hương liệu + hóa chất = 500 lít trà chanh!
Khoảng 3 năm trở lại đây, trà chanh trở thành xu hướng hot trong giới trẻ, hiện món đồ uống này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi đã thâm nhập khắp nẻo to hẻm nhỏ, nhất là các tỉnh phía Bắc.



Vì tính siêu lợi nhuận của loại hình kinh doanh này mà nhiều người bán hàng đã sẵn sàng dùng những nguyên liệu chè vụn, chè rẻ tiền thậm chí cả…chất hóa học để giảm giá thành của trà chanh, mà không nghĩ tới mối nguy to lớn dành cho người uống.

Tại hội thảo Khỏe và an toàn do Viện thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức ngày 23/7, cơ quan này đã công bố 9 mẫu trà chanh, trà xanh, trà đá, nhân trần, nước ngô, nước mía… được lấy ngẫu nhiên trên các con phố ở Hà Nội đều phát hiện chứa vi khuẩn E.coli, men mốc, các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmi vượt xa giới hạn cho phép.

Thực tế, chỉ cần vài loại phẩm màu, hóa chất là có thể “hô biến” thành hàng trăm lít trà chanh “thơm ngon”. 20.000 đồng/100 gram hương liệu tạo màu để pha…500 lít trà chanh, 30.000 đến 40.000 đồng cho 100 ml hương liệu tạo vị. Những con số này có làm cho dân nghiền trà chanh choáng váng?


 Phô mai que hay cao su chiên xù?
Sự việc phô mai que được làm từ cao su đã được khuyến cáo từ cuối năm 2012, nhưng tới đầu năm 2013, hàng loạt người dùng mạng xã hội đã đăng tải những cảnh báo về việc ăn phải phô mai que “dởm”, thậm chí còn có người khẳng định chắc nịch đã nghe tận tại người bán hàng nói về điều đó.
Tuy nhiên có nhiều ý kiển phản bác rằng, giá pho mai không quá đắt, người bán hàng không cần thiết phải sử dụng loại “cao su” nhập khẩu từ Trung Quốc để kiếm lời như vậy, nhưng việc có pha thêm phụ liệu để phô mai dai hơn là hoàn toàn có thể. Và vì sự việc này chưa được các nhà chức năng kiểm chứng và lên tiếng, nên để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, tốt nhất bạn nên hạn chế ăn món lạ từ những hàng quán vỉa hè, những món ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 Bún trắng đẹp nhờ hóa chất
Tháng 7/2013, cơ quan chức năng TP.HCM đã phát hiện ra bún phở trên thị trường có chứa chất làm trắng quang học Tinopal. Đây là hóa chất gây hại đến đường tiêu hóa, có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như viêm loét dạ dày, thời gian dài sử dụng có thể gây suy gan, thận và ung thư.
Ngoài ra, một số chất hóa học độc hại khác như axit Oxalic hay chất bảo quản Natri Benzoat cũng được dùng tẩy trắng sai quy chuẩn. Sự việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của khách hàng cho những nhà cung cấp và sản xuất thực phẩm hàng ngày.
Gà vàng là gà tẩm bột sắt
Các bà nội trợ khi lựa chọn gia cầm làm sẵn thường quan tâm tới gà thành phẩm có lớp da vàng bắt mắt, mà không biết rằng mình có thể là nạn nhân của hóa chất nhuộm gà.
Ngày 22/8, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP.HCM phát hiện một số đối tượng đang tổ chức giết mổ gia cầm trái phép tại khu đất trống thuộc tổ 6, ấp 3, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh.
Các đối tượng nhanh chóng tẩu tán các tang vật vi phạm, tại hiện trường, chỉ còn vài con vịt sống và vịt đã được giết mổ, cùng với một số dụng cụ dùng để giết mổ, đặc biệt là có một hộp hóa chất màu vàng dùng để nhuộm gia cầm sau khi giết mổ. Vậy là nghi ngờ về việc nhuộm da gà từ lâu nay đã có lời giải đáp, và các bà nội trợ lại một lần nữa thở dài, vì giờ đúng là…không còn biết tin vào đâu.
Nem chua làm từ bì lợn bẩn

Vào tháng 4/2013, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phanh phui một cơ sở sản xuất nem chua có dự trữ 2,5 tấn bì lợn không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có hợp đồng mua bán hàng hoá, không có hoá đơn chứng từ và không được kiểm định chất lượng vệ sinh thực phẩm.
Được biết, số hàng này được nhập về từ Nam Định trong khoảng thời gian tháng 12/2012 và được bảo quản trong tủ cấp đông. Bình quân mỗi ngày cơ sở này bán khoảng 50kg bì lợn dạng sợi cho các cơ sở sản xuất nem chua trên địa bàn TP. Thanh Hoá.
 Ruốc làm bằng máy trộn bê tông

Đầu tháng 10/2013, đoàn kiểm tra liên ngành TP.HCM đã phát hiện một cơ sở tại Bình Chánh sử dụng máy trộn bê tông để sản xuất chà bông (ruốc) bẩn.
Tại hiện trường, đoàn kiểm tra ghi nhận thịt gà sản xuất chà bông không rõ nguồn gốc xuất xứ, cơ sở này đã sử dụng máy trộn bê tông để sản xuất chà bông. Điều đáng lên án hơn nữa, thành phẩm được đặt trên nền nhà đầy ruồi nhặng, khi bị kiểm tra đột xuất, chủ cơ sở còn tìm cách tẩu tấn bằng việc để chà bông vào trong…toilet. Câu chuyện rùng mình này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm của nhiều nhà sản xuất hiện nay.

Rượu độc gây chết người
Vào những ngày cuối năm, dư luận lại một lần nữa bàng hoàng trước thông tin 6 người tử vong do ngộ độc rượu tại Quảng Ninh. Tất cả các nạn nhân đều sử dụng cùng một loại rượu đóng trong chai nhựa 2 lít màu trắng: Rượu nếp 29 Hà Nội lô sản xuất ngày 12/10/2013 của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội. Loại rượu này đã được lấy mẫu xét nghiệm có chứa hàm lượng Methanol cao gấp gần 2000 lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Đây là một loại cồn công nghiệp có độc tính cao, cấm sử dụng trong ăn uống. Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã yêu cầu thu hồi khẩn cấp toàn bộ lô rượu trên trong phạm vi cả nước.
Khô mực làm từ xác động vật?

Ngày 27/8, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị bắt được 1,5 tấn mực khô xé nhỏ không có nguồn gốc xuất xứ. Sau đó, Chi cục gửi đi kiểm định tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế. Kết quả: “Mẫu xét nghiệm không phải mực khô”.
Qua khai thác, được biết lô mực khô này có xuất xứ từ Trung Quốc. Cụ thể mực khô giả làm từ nguyên liệu gì, cơ quan kiểm nghiệm không xác định được chính xác. Bằng mắt thường cũng rất khó nhận biết bởi mực khô giả đã được xé nhỏ. Kinh nghiệm cho thấy, rất có thể được làm bằng các loại xác động vật khác. Tuy nhiên dù làm từ nguyên liệu gì, lô mực này cũng không đạt đủ tiêu chuẩn lưu hành và cần tiêu hủy.
Chỉ vì hám lợi mà đã có không ít con người bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng người tiêu dùng. Thiết nghĩ các cơ quan chắc năng cần phải quyết liệt hơn trong việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, để tới năm 2014, thị trường hàng tiêu dùng nói chung là thực phẩm nói riêng sẽ chuyển biến theo hướng tích cực, đảm bảo lợi ích tối đa cho người tiêu dùng.
Theo Depplus