Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Bài viết hay(714)

Công bằng mà nói thì bài toán VN hiện nay vẫn chưa có lời giải khi cả phe cầm quyền(Đảng CSVN) lẫn phe chống đối ở trong và ngoài nước đều thật sự bế tắc cho dù có rất nhiều "thầy dùi" lẫn "thầy bói" đưa ra rất nhiều lời phán "cực hay" nhưng thiệt ra thì ..."looks good from far but still far from good"!  Một ông cứ thích "tô hồng", một kẻ lại ưa "bôi đen", còn một đứa thì ..."ba phải" lúc đá bên này, lúc chạy theo đuôi bên kia, còn nhân dân thì ..."who cares", lo "cơm, áo, gạo, tiền" cũng đủ mệt rồi thì để ý làm gì đến chuyện "chính chị chính em" nhức đầu mà lại dễ bị phiền phức!  Xem ra chuyện "thời sự" chỉ bàn luận cho vui bên bàn cafe hay bàn nhậu thôi chứ chẳng đi đến đâu khi chẳng còn mấy ai chịu xăn tay áo lên mà dấn thân, nhập cuộc!  Ra Bolsa sẽ thấy báo free phát tràn lan với hình thức là "chống Cộng" nhưng trong ruột lại đầy rẫy bài viết lấy từ báo trong nước; cứ nhập nhằng như thế để vừa có tiền lại vừa có tiếng! Buồn cười làm sao khi thấy kẻ thì " tiên đoán" là VC sẽ sụp đổ trong nay mai thôi, còn có đứa thì cam đoan là VC sẽ còn cầm quyền và làm giàu dài dài, ít nhất là vài ba thập niên nữa cho đến khi thế hệ mấy ông già thời chiến tranh lần lượt về chầu Bác - Mác - Lê !  Bây giờ ai có tiền thì cứ hưởng thụ, ai khó khăn thì cứ cắm đầu cày kiếm cơm, ai muốn làm "chính trị gia" thì cứ lên net mà to mồm khoác lác cho hết ngày..Về chính trị - kinh tế - xã hội, rõ ràng Đảng ta vẫn cứ độc tài, độc quyền, độc diễn theo mô hình của TQ nhưng ăn chơi hưởng thụ thì nhất định không thua ai, ai chơi gì, ta cũng chơi đó; thậm chí chơi bảnh hơn nữa kìa. Chung quy cuộc sống là cái "tôi" vốn dĩ rất ích kỷ sẳn sàng trở nên hèn mọn vì miếng ăn và danh lợi tầm thường... 
 Việt Nam ơi, đừng tuyệt vọng!
Ở khắp Việt Nam và trên toàn thế giới những người quan tâm đến Việt Nam hiện đang cố hiểu ý nghĩa (hay sự vô nghĩa) của các sự kiện diễn ra hôm Thứ Năm, khi Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (và Đảng Cộng sản cầm quyền) chính thức phê chuẩn hiến pháp được sửa đổi sau hơn một năm tranh luận với mức độ công khai trước nay chưa từng thấy về các ưu điểm và khiếm khuyết của một hiến pháp vẫn giữ nguyên hiện trạng. Ngay lúc này có thể có ba nhận định rất thích hợp như sau.
Thứ nhất, về mặt thời sự, việc thông qua hiến pháp chẳng phải là tin tức mới mẻ và chắc chắn đã không được nhiều người chú ý nếu không có cuộc tranh luận toàn quốc về hiến pháp này. Quốc hội – từ thuở ban đầu đến nay – là một cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Đảng lập nên, và phục vụ cho Đảng. Nói như vậy chẳng có ai cãi, và chí ít cũng giúp lý giải kết quả 486 đại biểu tán thành và 0 đại biểu không tán thành trong một cơ quan tự cho mình là đại diện của toàn dân. Thật tình chẳng có gì đáng ngạc nhiên về bản thân kết quả này ngoại trừ chuyện nó gợi ý ít nhiều về tuồng kịch diễn ra xung quanh cuộc họp này; tuồng kịch mà bản thân nó do những tác động nhìn chung không liên quan đến chính Quốc hội.
Thứ hai, tuy có lẽ phản ánh các quan điểm của “đại đa số đại biểu” của Quốc hội, việc thông qua hiến pháp cung cấp rất ít thông tin về thực trạng chính trị ở Việt Nam. Tuy kết quả kiểm phiếu cuối cùng cho thấy có kỷ cương Đảng trong số 488 người được chọn lựa kỹ càng có quyền bỏ phiếu, còn có hàng trăm đảng viên ngang tầm hay có vị thế cao hơn đã và sẽ tiếp tục cổ xúy những cải cách căn bản. Hiện nay, bất cứ ai có chút ít hiểu biết về chính trị ở Việt Nam đều biết rằng ở dưới cái vỏ ngoài đoàn kết và đồng thuận, sự cạnh tranh, sự bất hòa và sự mất đoàn kết bên trong Đảng (nếu không nói là trong Quốc hội) đang ở mức độ vô tiền khoáng hậu. Tỉ lệ 98% tán thành hiến pháp sửa đổi sắp bằng với mức độ “đồng thuận” của Bắc Hàn.
Thứ ba, tuy ý nghĩa lịch sử của quá trình sửa đổi hiến pháp Việt Nam vẫn còn chưa rõ, chúng ta có đủ lý do để nghĩ rằng những hiệu ứng quan trọng nhất của quá trình này sẽ không được thể hiện ở các thể chế chính thức của Việt Nam, mà suy cho cùng các thể chế này chỉ có những thay đổi hầu như không đáng kể; mà là sẽ được thể hiện ở các thay đổi khá lớn mà chúng ta đã quan sát được trong văn hóa chính trị của Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử cai trị của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, đất nước này đã chứng kiến sự gia tăng thảo luận chính trị công khai gần như không bị can thiệp. Với nguồn sinh lực từ một bản kiến nghị ban đầu có chữ ký của 72 vị trí thức và nhân sĩ có những mối quan hệ lâu đời với đảng và nhà nước, Việt Nam ngày nay có một văn hóa chính trị sống động hoàn toàn trái ngược với những gì có thể quan sát được ở Trung Quốc, và cho đến nay đã chống chọi được sự đàn áp của nhà nước.

Đối với người Việt và nhiều người bạn của Việt Nam, còn đôi chút thất vọng. Ngay cả những người, như tác giả bài này, thông cảm với các lý tưởng xã hội chủ nghĩa cũng không thể không thấy thất vọng ít nhiều về điều dường như là một cơ hội mang tính lịch sử để giải quyết những hạn chế thể chế căn bản hiện đang kìm hãm Việt Nam. Riêng phần tôi, tôi sẽ tiếp tục dành tâm huyết và sức lực để hiểu và lý giải rõ hơn các bước phát triển đương đại ở Việt Nam với tư cách là một nhà phê bình thân thiện bên cạnh những người bạn trong và ngoài nhà nước hiện đang phấn đấu vì một tương lai tươi sáng.
Việt Nam còn đầy hứa hẹn. Nhưng kết quả hôm nay khiến ta có lý do để tạm ngừng lại trước khi tiếp tục. Quan điểm riêng của tôi là thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt xuất phát từ sự thiếu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hệ thống chính trị của mình; các đặc điểm thể chế mà đã trở thành gánh nặng nặng nề, phá hoại các nền tảng của sự tăng trưởng nhanh bền vững và công bằng xã hội.
Hôm trước khi diễn ra buổi bỏ phiếu về hiến pháp, nhà nước Việt Nam lại ban hành thêm một nghị định nữa hứa phạt những người nói xấu nhà nước hay đảng trên các mạng xã hội; điều này diễn ra ở một nước mà chỉ mới cách đây hai tuần lấy được ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Khi được bầu vào hội đồng đó, Việt Nam đã cam kết cổ xúy nhân quyền trên toàn cầu và ngay tại Việt Nam. Đây quả thực là những giá trị mang lại nguồn cảm hứng tạo nên hiến pháp đầu tiên của Việt Nam. Thế rồi có đôi chút oái ăm. Hiến pháp do chính Hồ Chí Minh thẩm định và phê chuẩn vào năm 1946 có thể nói tiến bộ hơn và ủng hộ nhân quyền hơn hiến pháp được thông qua nhân danh ông 67 năm sau. Than ôi, quyết định của ông Hồ sau đó tước mất của Quốc hội bản chất dân chủ của cơ quan này vẫn còn ám ảnh Việt Nam hiện nay và rất có thể đe dọa các triển vọng tăng trưởng của nước này.
Ở Việt Nam, và thậm chí trong bộ máy nhà nước của nước này, không thiếu những người thông minh, có năng lực và tận tụy. Cái mà nước này thiếu là các thể chế cần thiết cho một nền kinh tế có hiệu năng cao. Với vị trí địa lý và vai trò đang trỗi dậy của Việt Nam trong thương mại thế giới, nền kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhưng tốc độ, những cách phân phối, và chất lượng của sự tăng trưởng đó sẽ còn đáng ngờ chừng nào nước này vẫn còn được cai trị theo cách không minh bạch. Có nhiều điều có thể học hỏi từ việc lắng nghe những nhà phê bình thân thiện ở cả trong lẫn ngoài nước, và trong lẫn ngoài nhà nước.
Đối với những người cố giữ hiện trạng, và những người có thiên hướng bắt chước thái độ đắc thắng kiểu Trung Quốc cho rằng mô hình độc đảng là khôn ngoan, việc thông qua hiến pháp và vào hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc là những dịp để dè bỉu những nước khác trên thế giới, đặc biệt là những nơi ủng hộ chủ nghĩa tự do và dân chủ (được xem là) ‘của phương Tây’. Thực ra, chủ nghĩa tự do và (nhất là) chủ nghĩa tân tự do và dân chủ phương Tây đang gặp khủng hoảng ở nhiều nơi; mà Mỹ là ví dụ điển hình. Nhưng có lẽ có thể rút được bài học từ cả phe Leninist [định hướng] thị trường lẫn phe tân tự do. Trong cả hai bối cảnh, giới quyền thế chính trị và kinh tế đã nắm quyền kiểm soát cỗ máy nhà nước để phục vụ cho các mục tiêu ích kỷ của họ. Điều cần thiết ở cả hai bối cảnh này là các thể chế và tinh thần hoạt động [chính trị và xã hội] mà có thể buộc chính trị phải phục vụ nhân dân.
Các hiến pháp có ý nghĩa hay vô nghĩa nhờ vào nội dung thì ít, mà nhờ nhiều vào mức độ ủng hộ và chấp nhận dành cho hiến pháp đó. Hôm nay ở Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ các sở nguyện của họ. Người ta tự hỏi quá trình cải tổ hiến pháp đã có kết quả ra sao nếu như Việt Nam đã có một hiến pháp khác, một hiến pháp bảo đảm cho người Việt được quyền có các quyền mà cả hiến pháp 1946 lẫn Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền đều hứa hẹn. Nếu có một hiến pháp như vậy, người Việt với mọi thiên hướng chính trị từ tả sang hữu, trong đó có Đảng Cộng sản, có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước trên một sân chơi công bằng hơn và minh bạch hơn. Cuộc bỏ phiếu hôm nay có thể được nhiều giới đón nhận với cảm giác thất vọng. Nhưng về mặt chính trị, Việt Nam hiện nay khá hơn nhiều so với cách đây chỉ một năm. Việt Nam ngày nay có một môi trường bàn luận chính trị sống động, nhìn chung không bị can thiệp, và rõ ràng là đa nguyên.
Sáng hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói trước cuộc bỏ phiếu rằng sẽ có việc phải làm “sau khi chúng ta thông qua hiến pháp”, cho thấy trước cuộc kiểm phiếu cuối cùng rằng “gạo đã nấu thành cơm”. Ông cũng tuyên bố, với vẻ hơi tình cảm ủy mị, rằng giới lãnh đạo ủy ban hiến pháp của Quốc hội rất trân trọng thậm chí cả nhiều quan điểm bất đồng đã được trình bày trong và xung quanh quá trình sửa đổi hiến pháp. Chúng ta hãy hy vọng rằng ông và những người Việt khác thực sự chia sẻ tình cảm này.
Thay vì trấn áp ý kiến bất đồng bằng các chỉ thị, Việt Nam nên khuyến khích môi trường bàn luận chính trị công khai mới chớm nở và sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng đối với chính trị. Những người cổ xúy cải cách, trong đó có tác giả bài này, tin rằng con đường đi đến thịnh vượng đòi hỏi phải có một hiến pháp thích hợp với những đòi hỏi bắt buộc về trách nhiệm giải trình và tính minh bạch hơn hiến pháp được thông qua hôm nay. Có ai bảo chính trị là chuyện dễ đâu. Nhưng, Việt Nam ơi, đừng tuyệt vọng!
Chào đoàn kết,
Trần An Lộc: Gửi giáo sư Jonathan London: Xin lỗi ông, chúng tôi không tuyệt vọng!

Kính thưa ông Jonathan
Bài viết này thoạt đầu chỉ là một góp ý nhỏ sau khi tôi đọc bài “Việt Nam ơi, đừng tuyệt vọng!” của ông, đăng ngày 29/11 trên trang Blog “Xin lỗi ông”. Nhưng vì cái góp ý hơi dài, lại thêm vấn đề không còn gói gọn giữa cá nhân ông và tôi, nên tôi chuyển thành bài viết này, nhờ “Dân Làm Báo” gửi đến ông và quí bạn đọc xa gần, để chúng ta cùng bàn luận, chia sẻ về vấn đề ông đã đề cập trong bài viết nêu trên, đặc biệt về tấm lòng của ông với đất nước và dân tộc chúng tôi.
Trước khi vào phần chính của chủ đề, cũng xin ông lượng tình tha thứ cho những chi tiết lịch sử dài dòng tôi đề cập trong bài mà với một “nhà xã hội học, nhà kinh tế chính trị học, chuyên về Việt Nam, đặc biệt từ 1975 đến nay” (http://xinloiong.jonathanlondon.net/about/) như ông, thì có phần dư thừa.
Thưa ông Jonathan
Trở lại vấn đề, tôi xin thú thật là đã vô cùng xúc động sau khi đọc bài viết của ông. Đặc biệt là lời khuyên chí tình với lời trấn an “Việt Nam ơi, đừng tuyệt vọng!”, sau khi phân tích thiệt hơn về một biến cố thời sự có tính lịch sử tại Việt Nam:
“Ở khắp Việt Nam và trên toàn thế giới những người quan tâm đến Việt Nam hiện đang cố hiểu ý nghĩa (hay sự vô nghĩa) của các sự kiện diễn ra hôm Thứ Năm, khi Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (và đảng Cộng sản cầm quyền) chính thức phê chuẩn hiến pháp được sửa đổi sau hơn một năm tranh luận với mức độ công khai trước nay chưa từng thấy về các ưu điểm và khiếm khuyết của một hiến pháp vẫn giữ nguyên hiện trạng” (http://xinloiong.jonathanlondon.net).
Tôi xin được góp ý với ông như sau:
Người Việt Nam chẳng ai tuyệt vọng về những chuyện rơm rác như thế này, ông Jonathan ạ. Chúng tôi quen quá rồi. Ngay cái hiến pháp 1946 mà ông có nói tới với những lời tô hồng đẹp đẽ đó, cũng chỉ là trò lừa mị mà thôi, và ông cũng đã chứng minh điều đó ngay ở đoạn văn kế theo trong bài viết.
Ông bà chúng tôi có câu: “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Vì thế, bộ cánh bên ngoài dù có được tô son trát phấn như cái áo hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cũng chả cho dân tộc chúng tôi được một ngày hạnh phúc.
Trái lại, thực sự nó đã đưa đến cho dân tộc tôi những gì?
Một cuộc chiến tranh gọi là chống thực dân Pháp, thật ra có cần thiết không?
Những dân tộc khác cũng được các đế quốc Anh, Pháp, trả độc lập sau thế chiến II, họ đâu cần phải tốn xương tốn máu của toàn dân tộc như vậy?
Những vụ như “cải cách ruộng đất” - “Nhân văn giai phẩm” có nhờ hiến pháp 1946 mà bớt đi tính đẫm máu, và tàn bạo của nó?
Hiến pháp 1946 có bảo đảm được tự do, hạnh phúc khiến gần một triệu người Bắc phải bỏ mồ mả cha ông, quê hương, xóm làng, gia tộc, trong cuộc bỏ phiếu bằng chân, sau hiệp định Geneve 1954?
Và rồi, cũng chế độ đó, bản hiến pháp đó, ông Hồ Chí Minh đó, năm 1960 đảng CSVN đã phát động cuộc nội chiến để cưỡng chiếm miền Nam bằng võ khí Nga Sô và Trung quốc. Chính cuộc nội chiến này đã kéo người Mỹ nhảy vào để khoác cái áo “chống Mỹ cứu nước” cho cộng sản dành chính nghĩa. Hơn 3 triệu thanh niên đã bị đẩy ra làm bia đỡ đạn. Để được gì?
Để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nghèo đói và lạc hậu nhất thế giới?
Để 500,000 sĩ quan QLVNCH và viên chức chính phủ bị trả thù tàn khốc trong các trại tù khổ sai cải tạo? Để nền công thương nghiệp của miền Nam bị phá tanh bành cho nghèo đói ngang bằng với Miền Bắc Dân Chủ Cộng Hòa?
Để rồi đẩy hơn hai triệu người ra biển Đông tạo thành làn sóng Boat People với gần nửa triệu người bị cướp biển hãm hiếp và bỏ thây trên biển cả làm chấn động lương tâm thế giới?
Để rồi đảng CSVN tiếp tục đưa hơn 20,000 con em các gia đình Miền Nam sang Kampuchia làm bia đỡ đạn trong cuộc xâm lăng và chiếm đóng đất nước bé nhỏ này?
Để rồi cả Việt Nam bị thế giới cấm vận, khinh miệt và lên án mà toàn dân phải ăn bo bo sống lây lất qua ngày?
Để rồi chính đảng CSVN phải đổi mới để tự cứu, và đang cố làm lại những cái mà Việt Nam Cộng Hòa đã làm trước đó 40 năm?
Để rồi Trung quốc phải dạy cho một bài học, đến giờ vẫn còn run không dám truy điệu những chiến sĩ hy sinh trong trận chiến chống quân xâm lược năm 1979?
Và rồi biên giới phía Bắc, biển đảo bị cắt dâng cho Trung quốc để đổi lấy 4 tốt và 16 chữ vàng?
Để rồi đến bây giờ, là một Việt Nam tan hoang từ kinh tế, giáo dục, văn hóa, đạo đức, xã hội... và nguy cơ mất nước cận kề. Chưa bao giờ người Việt phải bị gửi đi làm nô lệ tình dục, để làm người ở đợ, làm kẻ hầu, con sen như trong thời Xã hội chủ nghĩa này.
Tóm lại chưa bao giờ dân tộc chúng tôi bị làm nhục như vậy.
Kinh nghiệm của chúng tôi là: Đối với cộng sản thì dù hiến pháp có viết hay viết đẹp thế nào chăng nữa, thì cũng là đồ bỏ. Thì đấy, hiến pháp 1946 đấy. Những thảm kịch xảy ra dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong lúc Hồ Chí Minh vẫn còn tuyệt đối quyền hành còn đấy. Nó có gì là hay đẹp đâu? Tất cả chỉ là trên giấy, hay chỉ là thứ trang trí cho chế độ, để cộng sản lấy đó rêu rao với thế giới mà thôi. Bi kịch của chúng tôi là có một số người tâm thiện trong thế giới tự do tin vào điều đó. Và họ coi đó là những tiến bộ và khen thưởng cho những tiến bộ đó. Một thái độ gia ơn và trịch thượng mà nếu một chính thể quốc gia dân tộc chân chính thì không thế tự hào, và không thể vô liêm sỉ để cứ lập đi lập lại cái màn lừa dối ấy hầu trục lợi. Đối sử một cách “hào hiệp” như vậy chẳng những đã không giúp được gì cho dân tộc tôi mà một cách gián tiếp là làm nhục dân tộc chúng tôi đấy.
Như vậy đối với chúng tôi, những điều viết trong cái hiến pháp 2013 vừa được thông qua thế mà lại hay. Vì chí ít thì CSVN cũng dám nói thật, nói tách bạch ra cái ý đồ mà họ đã mong muốn suốt từ năm 1932 (năm đảng CSVN được thành lập) nhưng không bao giờ họ dám công khai nói toẹt ra, đó là: Họ muốn là chủ nhân ông của đất nước này. Họ bắt toàn dân tộc đổ máu xương chỉ để đảng của họ có được quyền hành tuyệt đối. Nói cách khác họ đã lừa dối dân tộc này. Họ dùng dân tộc Việt Nam như phương tiện để đạt mục đích độc chiếm quyền lực cho đảng CSVN.
Bây giờ thì rõ như ban ngày. Họ công khai minh định trong hiến pháp 2013: Cả dân tộc, con người, đất đai, rừng núi, biển đảo, thú vật, tài nguyên, của cải, quyền lực, quân đội, quá khứ và tương lai, tất tần tật là của họ. Không một ai khác. Và không bao giờ thay đổi. Nó trường tồn. Mãi mãi! Họ muốn làm gì thì làm. Họ muốn cho ai thì cho. Ngày 28/11/2013 như vậy là một ngày ô nhục. Ông thử đọc lời mở đầu của cái hiến pháp này mà xem, có một câu một chữ nào nói đến công ơn của Tổ Tiên, những anh hùng dân tộc đã xả thân dựng nước, giữ nước và mở rộng giải đất hình chữ S đã có 4000 năm lịch sử này, ngoài đảng cộng sản của họ?
Ngày nay mọi người đều cho rằng Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng không tài giỏi bằng Hồ Chí Minh. Điều này có thể đúng. Nhưng càng đúng hơn nữa khi có người cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng không thủ đoạn bằng ông Hồ Chí Minh hay nói cách khác ông Hồ Chí Minh cáo già hơn hẳn ông Nguyễn Phú Trọng.
Riêng những người bình dân chúng tôi thì lại thấy rằng, cộng sản thì đứa nào cũng như đứa nào, vì họ áp dụng “dân chủ tập trung” tức “tập thể chỉ huy cá nhân phụ trách”, nên dù là Minh hay Trọng, cũng đều phải theo đường lối của đảng. Cái khác là: Thời thế bây giờ đã đổi khác. Năm 1932 – 1946 Hồ Chí Minh còn lừa gạt được hầu hết người Việt Nam. Nhưng nay 2013, Nguyễn Phú Trọng không còn lừa gạt được ai nữa.
Vì không còn lừa gạt được nên phải nói huỵch toẹt ra, ghi vào văn bản cao nhất nước, để vừa dựt le với thiên hạ (!) vừa để phô trương thanh thế và dằn mặt người dân. Thằng nào không đồng ý thì đã có nhà tù, đã có lực lượng công an hèn với giặc ác với dân trừng trị.
Ngày xưa đảng nằm hầm thì cần dân đem cơm nuôi ăn cho mập. Thế nên đảng phải dấu tịt cái dã tâm của đảng, để dân thấy thế mà thương hại, mà cưu mang.
Bây giờ đảng làm chủ mọi thứ rồi, là chủ nhân ông mọi tài nguyên của đất nước này rồi, thì đảng không cần dân nữa. Đảng còn độc ác và độc tài hơn thực dân Pháp. Đảng là tao. Tao bảo thì phải dạ, tao kêu thì phải vâng, được thế thì tao cho ăn, cho gái, cho nhà lầu xe hơi; còn không dễ dạy thì tao bỏ đói, cùm tay, cùm chân, dần cho ba đời con cháu nhà mi hết đường sinh sống, xem mày cầu cứu với ai?
Thưa ông Jonathan
Cái mà ông cho là tiến bộ nó nằm ở chỗ này đó ông ạ.
Những điều tôi nói trên là những lý giải cho câu hỏi: Sự tách bạch này là một bước tiến vào lòng tự tin của đảng CSVN hay là một thách thức đầy hỗn xược đối với dân tộc Việt nam nói riêng và đối với thế giới yêu công lý và hòa bình nói chung?
Vâng, thưa ông, nhờ bản hiến pháp này mà từ nay người Việt Nam, chúng tôi sẽ không còn bị bịp nữa, không còn gì để hy vọng hão huyền vào cái gọi là tự diễn biến hòa bình của đảng cộng sản nữa. Và cũng mong rằng thế giới tự do - trong đó có ông- cũng đừng “suy bụng ta ra bụng người”, mà còn hy vọng rằng họ có thiện chí để đưa dân tộc chúng tôi được ngửng mặt bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới. Với sự tách bạch này, thì “Suy bụng ta ra bụng người” chính là tự đánh lừa chính mình hay tê hơn là “cố đấm ăn xôi”, nói theo kiểu ông bà chúng tôi thường nói.
Thưa ông Jonathan
Chúng tôi trân trọng tấm lòng của ông với đất nước và dân tộc Việt Nam. Nhưng chúng tôi xin thưa với ông rằng: Chúng tôi không tuyệt vọng. Việt Nam không tuyệt vọng. Cũng như Việt Nam (qua quá trình 4000 dựng nước) chưa khi nào tuyệt vọng!
Nếu là bất cứ người Việt Nam nào khác, thì lời khuyên ở cuối thư: “Thay vì trấn áp ý kiến bất đồng bằng các chỉ thị, Việt Nam nên khuyến khích môi trường bàn luận chính trị công khai mới chớm nở và sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng đối với chính trị. Những người cổ xúy cải cách, trong đó có tác giả bài này, tin rằng con đường đi đến thịnh vượng đòi hỏi phải có một hiến pháp thích hợp với những đòi hỏi bắt buộc về trách nhiệm giải trình và tính minh bạch hơn hiến pháp được thông qua hôm nay. Có ai bảo chính trị là chuyện dễ đâu. Nhưng, Việt Nam ơi, đừng tuyệt vọng!” quả là những lời khuyên vàng ngọc.
Nhưng hỡi ơi, bất hạnh cho dân tộc chúng tôi, những người cộng sản hiện đang nắm giữ quyền hành tại Việt Nam, lại không phải là những người Việt Nam bình thường thực sự. Vì vậy lời khuyên của ông chẳng những chính ông cũng biết là vô ích mà lời trấn an của ông “Việt Nam ơi, đừng tuyệt vọng!” càng chứng tỏ sự tuyệt vọng của ông với những con người sắt máu này!
Riêng chúng tôi, như đã thưa với ông ở đầu thư là người Việt Nam chúng tôi chẳng ai tuyệt vọng với những thứ rơm rác này.
Chúng tôi chấp nhận thách thức này của đảng CSVN.
Một lần nữa xin cám ơn tấm lòng của ông với dân tộc và đất nước chúng tôi.
Chúc ông sức khỏe và niềm tin vào lẽ tất thắng của công lý và sự thật.
Trân trọng kính chào
Trần An Lộc
danlambaovn.blogspot.com

Quyền thổi còi
Chính quyền Việt Nam đã buộc phải công khai tuyên bố tự nguyện gia nhập Hội đồng Nhân quyền của LHQ. Có người ví chuyện này như kẻ chuyên phóng lửa đốt rừng bỗng xin được kết nạp vào đội chữa lửa.
Một cách ví chẳng có gì là ngoa ngoắt. Vì từ hiến pháp đến luật pháp, luật lệ, từ lĩnh vực chính trị đến lĩnh vực tôn giáo, từ ngành báo chí đến ngành tòa án, từ xét hỏi đến giam giữ của ngành công an… đâu đâu đảng và nhà nước cũng chà đạp nhân quyền một cách có hệ thống, đầy rẫy, lan rộng, nặng nề.
Vậy là từ nay chính quyền Việt Nam công khai hứa và long trọng cam kết sẽ tôn trọng nghiêm chỉnh mọi giá trị nhân quyền theo những tiêu chuẩn quốc tế của LHQ, còn tự mình xin kể lể ra thành 14 điều cụ thể về mọi mặt.
Một anh học trò hạnh kiểm cực xấu, chuyên vô kỷ luật bỗng tự nguyện giữ hạnh kiểm tốt để thành trò ngoan, xin tập thể giám sát xây dựng đạo đức cho bản thân.
Mọi người hãy quan tâm giúp anh ta nên người tốt.
Từ nay một tình hình mới xuất hiện. Đó là nếu như chính quyền trong nước, bất kỳ ở ngành nào, cấp nào vị phạm nhân quyền, mỗi người dân, mỗi công dân đều có quyền và có nghĩa vụ nhắc nhở, tố cáo bằng mọi cách. Đây là việc làm tích cực hợp pháp, hợp đạo đức xã hội văn minh, được LHQ và thế giới dân chủ cùng phối hợp việc giám sát với dân ta.
Từ nay nói theo hình ảnh, chiếc còi được lên ngôi.
Từ nay người dân có quyền và có nghĩa vụ báo động, cảnh tỉnh, lưu ý, tố cáo, lên án các hành vi của chính quyền các cấp khi họ vi phạm lời hứa và cam kết về tôn trọng, bảo vệ nhân quyền. Nghĩa là mỗi công dân có quyền và nghĩa vụ thổi còi.
Mỗi công dân yêu nước, trọng nhân quyền hãy giúp đảng CS một cách thiết thực là sắm cho mình một chiếc còi tốt, có tiếng vang xa để thổi mỗi khi đảng và nhà nước “lỡ quên” lời hứa danh dự và 14 điều cam kết quốc tế về nhân quyền.
LHQ và nhân dân ta sẽ là trọng tài nghiêm cách giám sát nhân quyền ở nước ta.
Việc cần thổi còi ngay dịp này là khi Quốc hội vẫn bỏ phiếu tán thành bản Hiến pháp 2013 viết theo cương lĩnh đảng CS. Các trí thức tiêu biểu, mạng lưới blogger cùng đông đảo nhân dân cần huýt còi vang động khắp cả nước, tố cáo mạnh mẽ đây là hiến pháp của đảng, do đảng, vì đảng, không phải của dân, do dân, vì dân, một hiến pháp quay lưng với nhân quyền khi khẳng định độc quyền đảng trị của đảng CS qua điều 4, khi vẫn lấy kinh tế nhà nước do đảng CS nắm giữ làm chủ đạo cho nền kinh tế.
Hãy thổi còi vang động ngay trước các trụ sở đảng, chính phủ, quốc hội, các bộ công an, lao động, tòa án, thanh tra chính phủ… căng biểu ngữ, khẩu hiệu, hình ảnh của các cô Đỗ Thi Minh Hạnh, Mai Thị Dung đang rên xiết ốm đau do bị tra tấn, bạc đãi trong nhà tù. Hãy thổi còi đòi tự do ngay tức khắc cho gần 100 tù chính trị, từ Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần đến Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Đinh Nguyên Kha…
Hãy đặc biệt thổi 5 hồi còi cho cô Minh Hạnh vì cô có đến 5 tiêu chuẩn về nhân quyền để được bảo vệ ưu tiên: quyền một nữ sinh viên đang học được học tiếp, quyền người tù phải được đối xử nhân đạo, quyền người ốm phải được chăm sóc, quyền phụ nữ là giới dễ bị tổn thương, quyền người bị án oan cần được hủy ngay. Ai nấy đều biết cái “tội“ duy nhất của cô Minh Hạnh là lên tiếng bảo vệ chị em công nhân bị chủ nước ngoài bạc đãi, đòi lập công đoàn tự do để bảo vệ công nhân. Vậy mà đảng CS dám tự nhận là mang bản chất công nhân.
Cần chất vấn riêng các bà Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Doan, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Bình … về trách nhiệm đối với trường hợp cô sinh viên Minh Hạnh bị tuyên án 7 năm tù giam, bị đánh đập, xúc phạm thân thể trong tù, bị đày ra Bắc, là trường hợp nhà nước vi phạm đến 5 lần bản cam kết của mình.
Vào ngày kỷ niệm Tuyên Ngôn Nhân quyền sắp tới (10/12/2013), nếu như những Minh Hạnh, Mai Thị Dung, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Huy Thức, Nguyễn Tiến Trung , Nguyễn Văn Lý, Lê Quốc Quân… không được tự do sẽ là điều vi phạm cam kết rất nặng nề của đảng và nhà nước CS đối với cả LHQ và nhân dân ta. Vì tất cả đều là chiến sỹ tiên phong về nhân quyền.
Cùng với tiếng còi tố cáo vang dậy của nhân dân cả nước ta, LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng sẽ dõng dạc thổi còi cảnh báo và tố cáo những vi phạm cam kết. Để xem trong Hội đồng Nhân quyền cao quý ở New York, đại diện chính quyền VN sẽ chống chế ra sao khi họ đã buộc phải cam kết tôn trọng nhân quyền đúng theo những chuẩn mực quốc tế của LHQ, nghĩa là họ phải từ bỏ một lần cuối thái độ ngụy biện về những giá trị của tự do, dân chủ, nhân quyền riêng biệt, có tính đăc thù (!) của dân tộc Việt Nam.
Bùi Tín
Nguyễn Văn Thiệu - Chế độ tàn ác và vô nhân đạo như thế chưa từng có trong lịch sử Việt Nam
Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Vào ngày 1 tháng Bảy 1992 tại thành phố San Jose, Hoa Kỳ, cựu tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu với tư cách Chủ tịch của Tổ chức Dân chủ Hóa và Tái kiến thiết Việt Nam đã ra tuyên bố về Hiến pháp mới của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội thông qua vào ngày 15 tháng Tư 1992. Chúng tôi trân trọng giới thiệu với các độc giả trích đoạn bản tuyên bố này.
I. Về các lần sửa đổi Hiến pháp nói chung
Đây là lần thứ ba cộng sản thay đổi Hiến pháp của họ kể từ khi họ ban hành Hiến pháp đầu tiên vào năm 1946.
Lần đầu tiên họ thay đổi vào năm 1959, hàng trăm ngàn người dân miền Bắc vô tội đã bị truy bức và sát hại do chiến dịch “cải cách ruộng đất” của Hồ Chí Minh. Chẳng bao lâu sau đó, những trí thức liên quan trong “Cách mạng văn hóa” bị bắt giam và đày đến các trại cải tạo.
Lần thứ hai vào năm 1980 tuyên bố những thành quả cách mạng và dùng những thành quả này như là cái cớ nhằm cảnh cáo bất kỳ sự chống đối công cuộc “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, qua đấy mở đường cho phái thân Nga thanh trừng những phần tử thân Tàu ra khỏi bộ máy đảng và Nhà nước, đồng thời qua đấy họ sẵn sàng đè bẹp bất kỳ sự phản kháng nào của nhân dân.
Giống như những sửa đổi Hiến pháp vừa qua vào ngày 15 tháng Tư 1992, mục tiêu đầu tiên là đối phó với những bất đồng trong nội bộ đảng và với các phong trào ủng hộ dân chủ càng ngày càng mạnh mẽ hơn kể từ lúc Liên Xô sụp đổ.
Mục tiêu kế tiếp là thông qua một loạt các cải cách kinh tế nhằm thu hút đầu tư ngoại quốc và thuyết phục Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận thương mại để cứu họ ra khỏi nền kinh tế lụn bại đồng thời tăng cường kiểm soát chính trị đối với nhân dân Việt Nam.
Những điều này chứng tỏ rằng ý định của cộng sản trong việc sửa đổi Hiến pháp không phải là để sửa sai những chính sách của họ và cũng không phải nhằm xoa dịu sự bất mãn trong dân chúng. Ngược lại, những sửa đổi này được đưa ra để chỉ đe dọa dân chúng, bịt miệng tất cả các đối lập nhằm chuẩn bị cho những chính sách cứng rắn hơn và trấn áp hơn.
Tóm lại, cộng sản dùng Hiến pháp để đương đầu với những sự kiện chính trị quan trọng đe dọa đến chính sự tồn tại của họ. Họ giải thích luật pháp tối cao của quốc gia theo ý họ để tiêu diệt đối lập, đàn áp dân chúng, bảo vệ sinh mạng và của cải của họ cùng với sự độc quyền cai trị của họ.
II. Về Hiến pháp mới thông qua vào ngày 15 tháng Tư 1992
Tuy tuyên truyền rằng sửa đồi Hiến pháp là để đáp ứng yêu cầu Công khai, Cải tổ, và Đổi mới, nhưng thực tế chứng tỏ rằng sự kiểm soát chính trị khắt khe hơn đã được áp đặt lên nhân dân Việt Nam, từ đấy bóp chết tất cả các quyền tự do căn bản và kiểm soát nhân dân qua tẩy não và khủng bố.
Một số ví dụ:
1. Các điều 4 và 6 tái khẳng định rằng: “đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” và nguyên tắc “tập trung dân chủ”.
Nhưng sự hiện diện của những người cải cách trong đảng, Bộ Chính trị và Hội đồng Nhà nước đã khiến Quốc hội xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ và thay thế nó bằng một Chủ tịch nước được trao đồng thời những quyền hạn thuộc về hành pháp, lập pháp và tư pháp, để vẫn nhất quán với nguyên tắc tập trung dân chủ.
Hiến pháp này rõ ràng cực đoan hơn và lạc hậu hơn bản Hiến pháp năm 1980 mà ít ra cũng che dấu chế độ độc tài đằng sau mặt tiền của nhà nước chuyên chính vô sản.
2. Điều 30 của Luật Bầu Cử ghi rõ ràng rằng: “Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đề cử các đại biểu Quốc hội”. Vì vậy chỉ các đảng viên cộng sản mới có thể được ra tranh cử và một khi được bầu, họ lần nữa sẽ chọn ra, trong số các đại biểu quốc hội, chủ tịch nước người đến lượt mình chỉ định Thủ tướng. Như vậy trong thực tế tầng lớp quyền lực từ trên xuống dưới hoàn toàn đều là cộng sản.
3. Điều 86 quy định: “Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ do Uỷ ban thường vụ Quốc hội triệu tập”. Mặc dù các đại biểu Quốc hội đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sàng lọc, Hà Nội vẫn không để cho họ hoạt động đầy đủ. Giống như các Quốc hội trước, Quốc hội này hàng năm sẽ họp trung bình hai tuần, để hết năm còn lại cho Uỷ ban thường vụ mà các cuộc họp của Uỷ ban lại đặt dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước, như thế hoàn toàn khinh thường nguyên tắc tam quyền phân lập.
4. Điều 33 ghi rằng: “Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác”. Vì đảng lãnh đạo Nhà nước, cho nên chính đảng xuất bản báo, tạp chí, sách vân vân… Do vậy, dân chúng chỉ được phép đọc và thưởng thức những thứ đã được chế độ kiểm duyệt của cộng sản chọn lọc cẩn thận.
Vì vậy tự do ngôn luận và tự do báo chí trong điều 69 chỉ là ảo tưởng, được đề cập đến trong Hiến pháp chỉ thuần túy cho mục đích tuyên truyền.
5. Cộng sản Việt Nam đang rao bán sản phẩm mới mang tên: “tự do hóa kinh tế và kinh tế thị trường”. Tuy nhiên, Hiến pháp chưa thừa nhận quyền sở hữu đất đai, một điều kiện căn bản cho kinh tế tư nhân.
Với 85% dân số là nông dân, các điều 17 và 18 của Hiến pháp ban cho cộng sản những công cụ và vũ khí để đặt đại bộ phận dân chúng nông dân ấy dưới sự kiểm soát và cưỡng bách chặt chẽ của họ.
Theo điều 17, “Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân”.
Tuy nhiên, theo điều 18, chính Nhà nước, chứ không phải nhân dân, quản lý toàn bộ đất đai, dưới sự lãnh đạo của đảng. Như vậy nông dân dành hết vốn liếng, công sức và cuộc đời, để dựng nhà mình trên miếng đất có thể không bao giờ dám thách thức nhà cầm quyền cộng sản vì sợ không còn được thuê đất nữa.
Trong suốt lịch sử dài 4. 000 năm của Việt Nam chưa từng bao giờ có chế độ cai trị nào lại tàn ác và vô nhân đạo như thế.
Nguồn: Vietnam Center and Archive, Texas Tech University

0 nhận xét:

Đăng nhận xét