Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Bài viết hay(718)

Cho đến nay, tôi vẫn nhớ đến những ngư phủ Singapore đã cứu sống chúng tôi trên chiếc ghe tả tơi sau 23 ngày lênh đênh trên biển, vừa bị đói khát sau khi bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, hãm hiếp (2 lần !), vừa vô vọng vì máy Tàu hư mà còn bị cướp Thái vứt xuống biển, mũi tàu bị bể khi tàu Thái húc mạnh rồi bỏ đi.  Khi đến được Malaysia "holding center", tôi chán ngán khi thấy "tị nạn" VN luôn khúm núm trước thái độ "mọi rợ" của lính và cảnh sát Thái. Qua Phi, tôi mới thấy tự do khi người Phi thân thiện với "tị nạn" VN hơn. Nhiều khi ngồi nghĩ lại chặng đường đã qua, tôi cứ muốn viết cho xong 1 cuốn sách về chuyện vượt biên của mình để cho vợ con tôi hiểu được cái giá mà tôi phải trả để có được hôm nay. Như là một giấc mơ nhưng rõ ràng không dễ dàng để có được tự do và thành công. Vì vậy mỗi khi tôi vẽ nhà hay phòng mạch cho các nha sĩ gốc Phi là tôi lại có thêm bạn, họ rất thông cảm với tôi khi tôi nói là tôi còn nợ dân Phi và dân Singapore.
Philippines cảm ơn người Việt tị nạn
Nhiều gia đình không còn nhà ở vẫn đang sống trong các trại tạm trú

Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã quyên góp 400.554 đô la Mỹ để hỗ trợ các nạn nhân bão Haiyan, và cũng để cảm ơn Philippines từng giúp đỡ thuyền nhân Việt Nam.
Trang web Đại sứ quán Phillipines tại Hoa Kỳ đưa tin đại diện của cộng đồng người Việt đã tới Đại sứ quán Philippines ở Washington hôm thứ Hai 2/11 để trao khoản tiền trên.
Đại sứ Philippines Jose Cuisia nói đã nhận được tấm séc trị giá 240.554 đô la Mỹ gửi cho Hội Chữ thập Đỏ Philippines và một tấm séc khác giá trị 200.000 đô la Mỹ cho Hiệp hội Hoa Kỳ Philippines.
Ông Đỗ Phủ, phó chủ tịch Saigon Broadcasting Television Network (SBTN) được dẫn lời nói ông chia sẻ nỗi mất mát với người Philippines, những người mất đi người thân, láng giềng trong cơn bão Haiyan.
“Chúng tôi đã phải đối mặt với sợ hãi, đã từng có hy vọng và mơ ước. Cũng như các bạn bây giờ. Chúng tôi sẽ tiếp tục ở bên các bạn, làm những điều cần làm để khắc phục hậu quả,”.
'Tìm kiếm tự do' Đại sứ Philippines Jose Cuisia cho biết, Philippines từng giúp đỡ hàng trăm ngàn người Việt rời nước đi tị nạn ở nước ngoài sau năm 1975, chủ yếu bằng những chiếc thuyền nhỏ vượt biển.
Cũng theo ông Cuisia, có khoảng 250.000 người tị nạn đã thiệt mạng trong các cuộc hành trình.

"Tôi coi đó là hành động của những người ruột thịt và tình đoàn kết với người Philippines"
Jose Cuisia, đại sứ Philippines ở Hoa Kỳ
“Đó là thời kỳ rất đen tối cho các tất cả chúng tôi, những thuyền nhân. Chúng tôi không có cách nào khác hơn là liều mạng sống của mình để trốn đi.
"Rất nhiều người trong chúng tôi phải đối mặt với thảm kịch, đói khát và cả cái chết trong công cuộc tìm kiếm tự do.
"Thế nhưng chúng tôi chỉ có thể thắng được cuộc đấu tranh đó vì chúng tôi không cô đơn. Chúng tôi được giúp đỡ, bảo vệ và bảo trợ bởi nhiều người khác nhau, đặc biệt là người Philippines,” trang web dẫn lời Giám đốc Quỹ Bên Em Có Ta.
“...Giờ là cơ hội để chúng tôi cảm ơn những điều các bạn đã làm cho chúng tôi một cách vô điều kiện,” bà Dieu Quyen Nguyen nói thêm.
Về phần mình, ông Cuisia cho biết, đây là cử chỉ rất cảm động, khi cộng đồng người Việt không bao giờ quên việc người Philippines đã kéo thuyền của họ vào bờ để giúp đỡ thay vì đuổi lại ra biển.
"Cảm ơn cử chỉ tốt lành và sự lo lắng của các bạn dành cho người dân chúng tôi. Tôi coi đó là hành động của những người ruột thịt và tình đoàn kết với người Philippines", ông Cuisia nói.
Ông Cuisia nói thêm, trong số những người của cộng đồng người Việt tị nạn, rất nhiều người từng tạm trú hoặc có người thân được tạm trú ở Trung tâm Tiến hành Thủ tục Tị nạn ở Bataan hay ở Palawan.
Ông Đỗ Phủ và bà Bach Mai Nguyen, trưởng dự án Người Việt tị nạn vì Philippines cũng trao tấm kỷ niệm chương tới đại sứ Philippines ở Washington.
Bão Haiyan quét qua Philippines hồi tháng 11 khiến ít nhất 5.600 người thiệt mạng, và hàng ngàn gia đình mất nhà cửa, thất lạc người thân.
Trước đó, nhật báo Người Việt ở thành phố Westminster, Quận Cam, Hoa Kỳ, cho biết số tiền mà độc giả nhờ tòa soạn chuyển đến cho tổ chức phi chính phủ của người Việt Nam tại Philippines, VOICE, đã lên đến hơn hơn 25.000 đô la.
Con số sau đó do ông Trịnh Hội, người đứng đằng sau sáng kiến cứ trợ cho người Philippines của VOICE, đưa ra là 75.000 đô la.
Trong những ngày xảy ra thiên tai, một số người Philippines đã thông qua trang Facebook của BBC tiếng Việt nhắn gửi cầu chúc người dân Việt Nam tránh bị thiệt hại khi bão di chuyển theo hướng vào Việt Nam lúc đó. Người Việt Nam trong và ngoài nước những ngày qua đã gửi tiền ủng hộ nạn nhân bão Haiyan tại Philippines thông qua nhiều tổ chức khác nhau.
Sự Kiện Tôi Tự Do và Tọa đàm Hiểu và Hành động vì Quyền con người bị hoãn
1398105_679037768793861_1314985858_o.jpg
Sự kiện "Ngày hội Tôi Tự Do và Hội thảo Hiểu và Hành động vì Quyền Con Người" dự định tổ chức tại Hà Nội ngày 7/12/2013 đã bất ngờ bị hoãn "do một số điều kiện khách quan bất khả kháng", Ban Tổ Chức vừa mới cho biết. Đứng sau sự kiện này là các mạng lưới PPWG, GENCOMNET, GPAR, EMWG, SRA, CDG và các tổ chức của thanh niên như Tổ chức Hành động vì tương lai (A4F), Câu lạc bộ Join & Join của nhiều bạn sinh viên trên địa bàn Hà Nội, Câu Lạc bộ Nhà xã hội học tương lai ở trường Đại học công Đoàn, nhóm Bách Việt của các sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội và Tổ chức 6 Cộng hoạt động vì quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Lời mời tham gia Ngày hội này được đưa ra vào ngày 2/12 trên Facebook, và chưa đầy 3 hôm đã có gần 800 người đăng ký tham dự.
sukientoitudo.jpg
Được biết, Ngày hội Tôi Tự Do kỳ này có sự tham gia của rất nhiều tổ chức khác nhau cùng tôn vinh những giá trị của quyền con người. Sẽ có quầy thông tin, trò chơi, vẽ tranh, mini-talk nhạc sôi động, du ca đường phố... từ 9h sáng tới 18h tối tại Nhà văn hóa Học sinh Sinh viên gần Hồ Thiền Quang, Hà Nội. Các bạn trẻ sẽ cùng nhau tìm hiểu về 30 quyền con người được nêu trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, và trả lời câu hỏi: Bạn có quyền gì và ai là người có trách nhiệm thực hiện quyền này?
Thiết nghĩ đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa cho các bạn trẻ ở Hà Nội, và nó cũng rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của xã hội văn minh, khi mà người dân phải biết các quyền cơ bản của mình và của mọi người để cùng nhau tôn trọng nó, nhất là khi Việt Nam vừa được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, và chủ tịch nước Nguyễn Sinh Hùng khi ký chứng thực Hiến Pháp mới đã tuyên bố: "Hiến pháp một lần nữa khẳng định tư tưởng bất diệt của dân tộc Việt Nam là đề cao quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân, phản ánh giá trị cao quý, bản chất dân chủ tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội." Việc nó bị hoãn vì "một số điều kiện khách quan bất khả kháng" là một điều hết sức đáng tiếc. Các thông tin về sự kiện này trên internet đã bị xóa, rất may trên trang FB của Con Đường Việt Nam có lưu lại lời mời của sự kiện (xem dưới đây).
Để bù lại, các tổ chức xã hội dân sự khác như Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Con Đường Việt Nam v.v... đang có những hoạt động chuẩn bị kỷ niệm ngày Nhân Quyền Quốc Tế 10/12/2013 sắp tới thật trọng thể. Mời độc giả Dân Luận đón đọc về các sự kiện này trong thời gian sắp tới!
NGÀY HỘI 'TÔI TỰ DO' VÀ HỘI THẢO 'HIỂU VÀ HÀNH ĐỘNG VÌ QUYỀN CON NGƯỜI'"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Và bạn có biết ngoài quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc ra, mỗi người còn có đến 30 quyền được quy định trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, và theo luật pháp từng quốc gia, mỗi công dân quốc gia đó lại có vô số những quyền khác.
Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi:
Quyền con người là gì và tại sao phải có quyền?
Bạn có những quyền gì và ai là người có trách nhiệm thực hiện quyền?
Hãy đến với Ngày hội Tôi Tự Do và Hội thảo Hiểu và Hành động vì Quyền con người để được:
- Tìm hiểu về các quyền con người qua các trò chơi, các hoạt động tập thể: vẽ tranh, biểu diễn thời trang…
- Nói chuyện, lắng nghe những chia sẻ và có thêm thông tin về quyền con người, tầm quan trọng của quyền con người
- Hiểu thêm về một số nhóm quyền và quyền của các nhóm thiểu số để tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng quyền bình đẳng.
- Cùng trò chuyện về sự cần thiết và cách thức nâng cao nhận thức cũng như giáo dục về quyền con người.
Chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Nhân quyền Thế giới 10/12, và tôn vinh dấu mốc lịch sử là Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016.
Đến với chương trình, bạn sẽ được hòa mình cùng với
- Hàng trăm học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội
- Đại diện đến từ các tổ chức xã hội dân sự,
- Đại diện của cơ quan nhà nước;
- Đại diện của giới truyền thông;
- Các cá nhân quan tâm khác;
Tham gia các hoạt động chính:
BUỔI SÁNG: ngày hội “Tôi tự do” (vào cửa tự do)
- Triển lãm: “Con đường tự do” của các nhóm/tổ chức về quyền con người
- Nhạc kịch và thời trang “Tôn trọng sự khác biệt”
- Ca nhạc “Cho bạn, vì bạn” với sự tham gia của nhóm Sign In
- Vẽ tranh tường “Độc lập, tự do, hạnh phúc”
- Trò chơi “Cuộc đua kỳ thú” xuyên suốt chương trình với phần thưởng hấp dẫn và có giá trị
BUỔI CHIỀU:
- Hội thảo Phổ biến kiến thức về quyền con người
- Khách mời của chương trình có:
• Nhà văn Trang Hạ - nhà văn nổi tiếng với những trang viết sắc sảo về con người và phụ nữ;
• Anh Lương Thế Huy – một người hoạt động xã hội tích cực vì quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới
• Chị Thu Lành – một người hoạt động năng nổ với các phong trào của sinh viên học sinh
• Chị Nghiêm Kim Hoa – một chuyên gia trong lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam
- Và thưởng thức buffet pizza miễn phí.
* Địa điểm, thời gian và cách thức đăng ký:
• Ngày hội Tôi Tự Do khai mạc lúc 9:00 sáng thứ 7 ngày 07/12/2013
• Hội thảo Hiểu và hành động vì quyền con người sẽ bắt đầu lúc 14:00 đến 18:00 thứ 7 ngày 07/12/2013
• Địa điểm: Nhà văn hóa Học sinh, sinh viên và rạp Thanh Niên – Số 37, Trần Bình Trọng
Lưu ý: Để tham gia chương trình Hội thảo Hiểu và Hành động vì Quyền con người, bạn vui lòng đăng kí qua link sau: http://tinyurl.com/dangkihoithaonhanquyen
Thời hạn đăng ký: 24h00 ngày 05/12/2013
Chương trình được tổ chức bởi các mạng lưới PPWG, GENCOMNET, GPAR, EMWG, SRA, CDG và các tổ chức của thanh niên như Tổ chức Hành động vì tương lai (A4F), Câu lạc bộ Join & Join của nhiều bạn sinh viên trên địa bàn Hà Nội, Câu Lạc bộ Nhà xã hội học tương lai ở trường Đại học công Đoàn, nhóm Bách Việt của các sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội và Tổ chức 6 Cộng hoạt động vì quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Mọi thắc mắc xin liên hệ: Đinh Y Ly
Email: dinhyly@gmail.com
ĐT: 0974.756.129

Theo FB Con Đường Việt Nam
Xin đừng lên lớp tôi !
Vào ngày 4 tháng sáu năm 1989, nhiều bạn học của tôi tại đại học Bắc Kinh đã rời trường để gia nhập cùng hàng ngàn người phản kháng ôn hoà đã tề tụ nhiều tuần lễ ở quảng trường Thiên An Môn. Các bạn giao liên bằng phương tiện xe đạp và các sinh viên với loa phóng thanh đã đưa tin đến cho những ai trong chúng tôi còn ở lại trường biết chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi hãy còn trẻ, ngây thơ, và đang tranh đấu cho dân chủ và cho một Trung Hoa tốt đẹp hơn. Chúng tôi thật sự bị chấn động khi nghe tin xe tăng tiến vào đại lộ Tràng An, đập tan phong trào tự do chỉ mới bảy tuần tuổi. Khi quân lính khai hoả, giết chết hàng trăm sinh viên, lo lắng chính của chúng tôi là tìm kiếm các bạn đã tham gia biểu tình.

Nữ Thần Dân Chủ, biểu tượng của sự kiện Thiên An Môn.
Bắc Kinh là một nơi nguy hiểm trong nhiều tuần sau đó. Tình trạng thiết quân luật đã được ban hành và các ngả biên giới cũng bị đóng kín. Sợ bị bắt, tôi trốn về quê. May thay, tôi đã được học bổng đi học nước ngoài và cũng đã được phép đi. Vào ngày 2 tháng tám tôi rời quê đi Hoa Kỳ để xây dựng một cuộc đời mới bên ngoài Trung Hoa.
Thiên An Môn xảy ra trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế và thế giới đã dứt khoát không muốn quên như Trung Hoa đã quyết tâm không muốn nhớ về nó. Nếu có chăng, ý nghĩa chính trị của Thiên An Môn bên ngoài Trung Hoa đã lớn dần theo năm tháng, và hầu như ai cũng cho rằng Trung Hoa sẽ không bao giờ là một quốc gia tiến bộ trọn vẹn cho đến khi nào nó dám đối mặt với sự thật về các biến cố này. Chính tôi đã tin vào điều đó suốt nhiều năm ròng.
Tôi trở về Bắc Kinh bảy năm sau. Lúc đó tôi đã là giáo sư tại Hoa Kỳ và tôi được mời dạy các sinh viên Thạc sĩ quản trị hành chánh đầu tiên của Trung Hoa. Khi về đến Bắc Kinh, cảnh vật thay đổi đến không còn nhận ra được nữa. Các con đường thuở ấu thơ bao bọc bởi ruộng đồng và hàng dãy những cửa hiệu nhỏ đã mất đi, thay vào đó là những xa lộ, các siêu thị và nhà cao tầng.
Các sinh viên của tôi đã trưởng thành hơn sau biến cố Thiên An Môn, nhưng cũng chỉ được biết đến văn bản chính thức của sự kiện: những kẻ biểu tình là những kẻ vô chính phủ muốn lật đổ chính quyền, và việc đè bẹp chúng là cần thiết. Sự tiến bộ kinh tế đã quá lớn ngay cả vào những năm cuối của thập kỷ 1990, các sinh viên của tôi không muốn nói về dân chủ mà chỉ khoái nói về chuyện thành đạt và giàu có. Nhật ký của một Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Đại Học Harvard, do một sinh viên hậu đại học người Hoa viết về một học trình nổi tiếng, đã là sách bán chạy nhất. Đối với họ biến cố Thiên An Môn là không thích đáng.
Từ đó mỗi năm tôi lại về thăm Trung Hoa. Mức sống người dân càng được nâng cao thì ký ức về Thiên An Môn càng trở nên xa xăm. Thế hệ sinh ra kể từ ngày biểu tình đó không chỉ không biết đến chuyện gì đã thật sự xảy ra vào năm 1989, mà họ cũng chẳng quan tâm. Họ sống trong một nước Trung Hoa mới. Họ được tự do nói lên suy nghĩ của mình, nếu không trên mặt giấy thì cũng trong chốn riêng tư. Họ có thể đi bất cứ đâu và kiếm việc làm mà không cần phải đợi chờ những chỉ tiêu của chính phủ. Họ không còn phải sống với những hồ sơ mật, hoặc hộ khẩu, một thứ chế độ giấy phép cư trú nghiêm ngặt giúp giới thẩm quyền kiểm soát mọi hoạt động dân chúng dễ dàng hơn.
Trung Hoa của họ trên nhiều phương diện là một Trung Hoa mà chúng tôi nhắm tới qua sự kiện Thiên An Môn: người dân sống đời sống hạnh phúc và tự do hơn. Từ khi bị người phương tây đánh bại trong cuộc chiến tranh nha phiến vào giữa thế kỷ 19, Trung Hoa đã cố gắng phục hồi sự tự tin bằng cách du nhập những tư tưởng tây phương. Chủ Nghĩa Cộng Sản là một trong những tư tưởng đó, nhưng đã thất bại hoàn toàn, hứa hẹn phẩm giá con người nhưng lại sản sinh sự nghèo khốn tập thể. Vào những năm 1980 Chủ Nghĩa Cộng Sản đã trên giường hấp hối, bị thương trầm trọng do kẻ kế thừa họ Mao là Đặng Tiểu Bình – người đã hạ lệnh đàn áp các sinh viên tại Thiên An Môn. Bằng cách từ bỏ Chủ Nghĩa Cộng Sản, Trung Hoa đã cố gắng gỡ bỏ hạn chế lớn nhất cho quyền tự do của người dân: thiếu tiền.
Phong trào Thiên An Môn là sự truy tìm của thế hệ tôi cho một giải pháp với vấn nạn Trung Hoa: một thứ quyền lực cổ đã mất đi phẩm cách. Đất nước đã đi đến thị trường tự do nhưng lại không có tự do chính trị. Chúng tôi muốn thay đổi điều này cho tốt hơn và cho dân chủ, thu thập thông tin từ những sách dịch, là giải pháp của chúng tôi.
Trung Hoa đã đạt được những tiến bộ vượt bực kể từ năm 1989, cả về kinh tế lẫn tự do cho người dân, thật khó cho nhiều người trẻ Trung Hoa hôm nay nhận ra hay hiểu được cái thế giới mà chúng tôi đã chống lại 20 năm trước. Ngày hôm nay Trung Hoa vẫn tiếp tục tìm kiếm bản thể quốc gia nhưng phương thức đã không còn là những giá trị lý tưởng tây phương. Giáo dục truyền thống Trung Hoa, như Đạo Khổng, đang được khôi phục để mưu tìm một câu trả lời thoả đáng hơn.
Đừng nên bao giờ quên biến cố Thiên An Môn. Chúng ta phải tưởng niệm nó vì những người đã chết và cho một thế hệ đã cống hiến những năm tháng đẹp nhất của đời mình để mưu cầu một Trung Hoa tốt đẹp hơn. Và chúng ta nên nhớ đến nó như là cột mốc của khát khao cho giải phóng và tự do của nhân dân Trung Hoa. Nhưng chúng ta cũng nên nhận ra rằng mong đợi Trung Hoa chuộc lại lỗi lầm cho các tội ác ở quảng trường Thiên An Môn vừa không thực tế, không có lợi, mà cũng không cần thiết. Trên tất cả, chúng ta ở phương tây không nên sử dụng Thiên An Môn như một chiếc gậy để đập Trung Hoa. Thay vào đó chúng ta nên giúp đỡ cho đất nước này tiến lên, cải thiện nhân quyền, bảo vệ môi sinh, đẩy lui thêm sự nghèo khó và kiến tạo sự giàu có cho người dân, và với thời gian, cho thế giới. Đó mới là điều sẽ thật sự vinh danh lý tưởng của những người phản kháng trẻ cách đây 20 năm.
Diane Wei Liang hiện làm nghề viết văn. Tập hồi kí về Thiên An Môn của cô có nhan đề Hồ không tên sẽ do nhà xuất bản Simon & Schuster ấn hành vào dịp Tháng Sáu năm nay. 
Ai nuôi Nhà nước?
Trong một dịp đi họp ở Mỹ, tôi đến cửa hàng mua đôi giày da. Sau khi chọn và đi thử một đôi có giá 96 USD, tôi trả tiền bằng tờ bạc 100 USD. Người bán hàng nói còn thiếu, tôi chỉ vào biển ghi giá thì được giải thích là giá này còn phải cộng thêm 10% thuế mà người tiêu dùng đóng cho Nhà nước. Sang Canada, tôi cũng thấy cách tính thuế tương tự đối với hàng hoá và dịch vụ.
Tôi nêu vấn đề với các chuyên gia kinh tế sở tại: Ở Việt Nam, thuế hàng hoá được thu ngay khi hàng xuất xưởng và được gọi là thuế gián thu (thu gián tiếp) vì thu từ doanh nghiệp sản xuất hàng nhưng thực chất tiền thuế ấy đánh vào người tiêu dùng. Thay vì thu rải rác khi có người mua hàng, nay thu gọn một nơi, một lúc khi hàng xuất xưởng chẳng tiện hơn sao?
Không chỉ người dân thường mà không ít người trong bộ máy công quyền cũng không ý thức được rằng mình được dân nuôi. Ở nước ta mỗi khi người dân có được thành tựu, hoặc được hưởng một lợi ích nào đó thì thường nói là ơn Đảng, ơn Chính phủ.
Người đối thoại với tôi giải thích về cách thu thuế của họ: Trước hết đây là thuế mà người tiêu dùng đóng nên khi nào hàng được tiêu thụ thì mới tính thuế; nếu thu trước từ người sản xuất mà ở khâu bán lẻ, hàng không bán được thì sao? Lẽ thứ hai, chúng tôi muốn người dân biết rõ và luôn luôn nhớ là mình đóng thuế nuôi Nhà nước.
Thật ấn tượng về cái lẽ thứ hai mà họ giải thích. Nguồn thu của ngân sách nhà nước là do dân đóng góp; viện trợ không hoàn lại của nước ngoài chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ; thu từ tài nguyên cũng là nguồn thu do tài sản thuộc sở hữu toàn dân mang lại; bội chi ngân sách được bù đắp bằng các khoản vay trong và ngoài nước, rút cuộc cũng do dân trả nợ trong các năm sau.
Thử làm một cuộc thăm dò ở nước ta xem bao nhiêu phần trăm công dân biết rằng Nhà nước do mình nuôi bằng thuế? Chắc là tỷ lệ không cao. Chúng ta thường thấy các khẩu hiệu tuyên truyền việc đóng thuế, nhưng hầu như chỉ nói về nghĩa vụ (có khi thêm vinh dự) của người dân; hiếm khi thấy khẩu hiệu giúp cho dân hiểu rõ đóng thuế là nuôi Nhà nước. Không chỉ người dân thường mà không ít người trong bộ máy công quyền cũng không ý thức được rằng mình được dân nuôi. Ở nước ta mỗi khi người dân có được thành tựu, hoặc được hưởng một lợi ích nào đó thì thường nói là ơn Đảng, ơn Chính phủ.
Trong mọi lĩnh vực hoạt động, nhất là về kinh tế, xã hội, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dù quan trọng đến đâu cũng chỉ vạch hướng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của dân, không thể trực tiếp tạo ra kết quả cụ thể trong sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần nếu không có sự đồng thuận và tích cực thực hiện của dân. Như vậy, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách phải do nỗ lực hoạt động của dân.
Về vai trò quyết định của dân đối với sự phát triển của đất nước, mọi người đều công nhận và thường xuyên nhắc tới. Tuy nhiên, trong nhận thức và hành động thực tế có không ít trường hợp điều đó bị lãng quên. Một ví dụ: báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ đầu tháng 5 vừa qua về tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2009 có câu mở đầu như sau: “Nhờ sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của các ngành, các cấp, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong bốn tháng có thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực”. Như vậy, những cố gắng của dân không được tính đến. Cách suy nghĩ này cũng khá phổ biến trong nhiều cơ quan và cả trên báo chí.
Câu hỏi: “Ai nuôi Nhà nước và cả hệ thống chính trị ở Việt Nam?” cần được mọi người trong bộ máy công quyền cũng như mọi người dân trả lời rõ và ghi nhớ trong lòng.
Chúng ta biết rằng khi nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy giảm và lạm phát thì người dân và doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất, phải vật lộn rất gay go mới có thể tồn tại và phát triển. Những chính sách và biện pháp tình thế của Chính phủ nếu đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tế thì chỉ có thể làm giảm bớt khó khăn và tạo thêm điều kiện cho việc làm ăn của dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp phải vận động tự thân là chính. Đây chính là tiềm năng to lớn nhất cho sự phát triển. Mọi người đều đánh giá nền nông nghiệp và nông dân nước ta trong năm 2008 và đầu năm 2009 đã duy trì tốt đà tăng trưởng, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế, tạo thuận lợi cho các ngành và lĩnh vực hoạt động khác. Trong thành tựu của nông nghiệp, có phần nhờ tác động của các chính sách và đầu tư từ nhiều năm nay của Nhà nước; song nói riêng về các biện pháp kích cầu để vượt qua khó khăn, ngăn chặn suy giảm kinh tế thì đến tháng 4 năm nay Chính phủ mới có chính sách ưu đãi đối với nông dân và việc thực hiện còn phải có thời gian. Vì vậy đối với một số chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nếu chỉ thấy “sự chỉ đạo tập trung kiên quyết của Chính phủ và sự nỗ lực của các ngành, các cấp” thì đó là cách nhìn rất phiến diện vì không đánh giá đúng những cố gắng rất to lớn của dân và doanh nghiệp.
Nhận thức sâu sắc vai trò và tiềm năng to lớn của dân là nền tảng về tư duy để hoạch định chính sách đổi mới và phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã nêu rõ: “Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân”. Để thực hiện yêu cầu đó, câu hỏi: “Ai nuôi Nhà nước và cả hệ thống chính trị ở Việt Nam?” cần được mọi người trong bộ máy công quyền cũng như mọi người dân trả lời rõ và ghi nhớ trong lòng.
Trần Đức Nguyên
*Đảng Cộng sản Việt Nam – Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X – NXB Chính trị quốc gia 2006, trang 125

0 nhận xét:

Đăng nhận xét