Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Thứ hạng quốc gia cũng là tiền bạc!”
(Dân trí) - Trước thực trạng Việt Nam luôn trong nhóm "đội sổ" về xếp hạng cạnh tranh thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc nâng vị thứ Việt Nam là yêu cầu bắt buộc và gắn với trách nhiệm cá nhân, trước hết vì chính quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam (Ảnh: BD).
Chỉ đạo tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh diễn ra ngày 31/12/2014, với tư cách Chủ tịch Hội đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rất thẳng thắn, “Việt Nam không chạy theo thành tích, đừng cho rằng phải nâng xếp hạng là chạy đua thành tích. Đó chính là tiền là bạc, là cơ hội phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh toàn cầu”.
Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong mấy năm gần đây, Việt Nam liên tiếp tụt hạng. Năm 2010-2011 xếp vị trí 65/142 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2011-2012 tụt xống vị trí thứ 75/ 144 quốc gia và vùng lãnh và năm 2012-2013 tăng 5 bậc, lên vị trí 70/ 148 quốc gia và lãnh thổ.
Xếp hạng của Việt Nam năm 2013 tăng 5 bậc chủ yếu nhờ cải thiện về các chỉ số Môi trường kinh tế vĩ mô (xếp thứ 87, tăng 19 bậc) khi lạm phát trở về mức một con số trong năm 2012. Chất lượng cơ sở hạ tầng (xếp thứ 82, tăng 13 bậc). Hiệu quả thị trường hàng hóa (xếp thứ 74, tăng 17 bậc) do các rào cản thương mại, thuế quan cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp giảm. Mặc dù các chỉ số này tăng bậc, song vẫn chỉ được xếp ở mức thấp, kém cạnh tranh.
Còn trong bảng xếp hạng theo môi trường kinh doanh, vị thứ của Việt Nam cũng liên tục sụt giảm: Năm 2012, Ngân hàng thế giới (WB) xếp Việt Nam giảm 8 bậc so với năm 2011, năm 2013 giảm thêm một bậc so với năm 2012 (xếp thứ 99/185).
Theo Phó Thủ tướng, việc cải thiện vị trí thứ hạng, thang bậc của Việt Nam trong các bảng đánh giá xếp hạng thế giới là cần thiết và phải làm. Điều này giúp doanh nghiệp Việt được hưởng lãi suất thấp hơn khi đi vay vốn nước ngoài, đồng thời, việc thu hút, quản lý đầu tư vốn nước ngoài vào Việt Nam cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ông lưu ý, “nâng điểm ở đây phải là nâng điểm thật”.
Từ chuyện phong bì khi nộp thuế
Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, cần phải có Nghị quyết của Chính phủ, giao cho các Bộ trong thời gian bao lâu phải nâng được chỉ số đánh giá chỉ tiêu do bộ mình quản lý, phải tạo sức ép trên xuống và phải kiểm tra thường xuyên tiến độ thực hiện.
“Tôi nghe người ta nói, có câu chuyện phổ biến tồn tại trong ngành thuế, đó là có người nhập khẩu lô hàng trị giá mấy trăm nghìn USD, nộp thuế môi trường mấy trăm nghìn đồng, mà để nộp được phải mất gấp đôi thế. Đến nộp thuế mà nhà nước cũng không thu, ít quá, mất thì giờ nên không thu, phải đút lót phong bì mới thu”, câu chuyện này theo ông Tuyển, lý giải vì sao chỉ số về thuế của Việt Nam lại thấp. Ngay lập tức, nhiều thành viên khác trong Hội đồng cũng đồng ý là có tình trạng này.
Nhất trí với góp ý của ông Tuyển, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần Phải có một chỉ đạo mạnh hơn để phân công cho các bộ ngành về nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng xếp hạng vị thứ.
Lấy ví dụ, trong phát triển thị trường vốn, bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có phần hóa, bán bớt vốn nhà nước tại những doanh nghiệp ngoài ngành, các doanh nghiệp kém hiệu quả thì phải bán cả những DNNN lãi, “còn bán mấy cái lỗ thì ai mua?”. Nhưng để thực hiện được thì phải có một sự đồng thuận từ trên xuống.
Ông Tuyển nhìn nhận, “đúng là các Chỉ thị cũng cần thiết, nhưng không chỉ có Chỉ thị mà phải có văn bản mạnh hơn, đó là Nghị quyết Chính phủ. Cần phải tạo sức ép từ trên xuống trong vòng bao lâu phải nâng chỉ tiêu đó lên”.
Có ý kiến tại cuộc họp lại cho rằng, phải có một cơ quan hoặc nhóm đánh giá, giám sát độc lập chứ không thể giao cho các Bộ tự làm, như vậy sẽ không đánh giá đúng và hết được những bất cập cần khắc phục trong Bộ.
Về vấn đề này, theo Phó Thủ tướng, phải phân ra từng chỉ tiêu cụ thể, xem xét các chỉ tiêu trách nhiệm thuộc về ai. Để nâng chỉ tiêu thì không có cách nào ngoài gắn trách nhiệm với người đứng đầu, giao cho từng Bộ trưởng quản lý.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại cuộc họp
Hội đồng tư vấn ngày 31/12/2013 (ảnh: BD).
Không xây dựng bộ chỉ số riêng của Việt Nam
Với câu hỏi, liệu Việt Nam có nên thành lập một bộ chỉ số riêng hay không, một số thành viên trong Hội đồng cho là phù hợp, vì Việt Nam có những đặc trưng riêng và cần những tiêu chí sát với điều kiện của Việt Nam để đánh giá.
Tuy nhiên, phản bác lại điều này, bà Phạm Chi Lan phát biểu: “Tôi nói thẳng là không cần. Tự mình đo mình là không bao giờ chính xác được, sẽ có những chênh lệch. Bộ Chỉ số này đo chung cho tất cả các nước thì mình phải tuân thủ theo cái đó. Người ta công nhận thước đo chung chứ không ai công nhận thứ thước đo riêng của mình”.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói, “cả thế giới soi chung một gương thì Việt Nam cũng đừng nên làm riêng một cái gương riêng”.
Theo đó, Việt Nam cần theo bộ chỉ số chung (có thể là của WEF hay WB...), yếu chỗ nào sửa chỗ đó. Các đánh giá của các tổ chức xếp hạng thế giới đều có tiêu chí rõ ràng và nên gắn với các Bộ ngành để Bộ ngành rà soát.
“Việc làm bộ chỉ số riêng của Việt Nam rồi lại phải mở đóng ngoặc giải thích dựa trên tiêu chí nào, tôi nghĩ, chẳng giải quyết được vấn đề gì, mất thời gian” – ông Kiên thẳng thắn.
Tư vấn hãy làm cho ra tư vấn
Nói với các thành viên trong Hội đồng tại buổi họp, Phó Thủ tướng chia sẻ: “Công việc của Hội đồng là làm tư vấn, mặc dù không phải là cơ quan đưa ra quyết sách và thực thi quyết sách, nhưng tôi mong muốn, đã tư vấn thì hãy làm cho ra tư vấn”, “tôi không hy vọng các thành viên miễn cưỡng đến đây rồi hết buổi lại ra về, các góp ý đưa ra cũng không giải quyết được vấn đề gì”.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cũng trải lòng: “Ngay tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng thì Chủ tịch Hội đồng lúc bấy giờ cũng tuyên bố, đấy là Hội đồng thứ 23 mà đồng chí đó chủ trì, nghe như vậy tôi cũng đã rụng rời chân tay rồi. Bởi như vậy lấy đâu ra ra sức, một năm chỉ họp 1 lần thôi của các Hội đồng thì 1 tháng đã có 2 cuộc họp. Nếu mà làm theo cách đó thì tôi không mấy tin ở những Hội đồng như vậy, bởi có nhiều thành viên bận rộn và lãng quên đi những công việc này. Đã hình thành mong Hội đồng hoạt động hiệu quả. Tôi nghĩ, nếu Hội đồng mà cứ kéo dài theo cách như thế này thì có lẽ tôi cũng chủ động xin rút ra để khỏi mang tiếng tham gia vào mà không làm được gì và cũng lãng phí thời gian, công sức chung”.
Phó Thủ tướng cho biết, “rất cần một nhóm tình nguyện trong hội đồng và ít nhất 3 tháng, sẽ làm việc nhóm 1 lần”.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nhóm thành viên bao gồm ông Nguyễn Bá Ân (Tổng thư ký), ông Trương Đình Tuyển, bà Phạm Chi lan, ông Trương Gia Bình, ông Nguyễn Đình Tấn, ông Phạm Ngọc Đăng, Nguyễn Quang Thái và ông Tô Hoài Nam. Đến đầu năm mới Âm lịch, nhóm sẽ hoàn thiện một bản kế hoạch, để từ đó báo cáo Thủ tướng. Cuối quý I, muộn nhất là đầu quý II cần phải có một văn bản chỉ đạo, có thể là Nghị quyết, Chỉ thị… về nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện xếp hạng quốc gia.
Bích Diệp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét