CPI thấp nhưng giá cả tăng vù vù
Nhìn vào chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) năm 2013 6,04%, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú không cảm thấy vui, ngược lại ông tỏ ra lo lắng về chuyện CPI thấp nhưng giá hàng hóa cứ tăng vù vù, nhưng sức mua của người dân thì lại quá “hẻo”.“Giá dịch vụ cứ tăng thoải mái, tôi không thể đếm được có bao nhiêu loại giá, mặt hàng đã tăng. Lạm phát thấp không phải là điều mừng, ngược lại rất đáng lo”.
“Có vẻ như lạm phát năm 2013 đạt được 6,04% một cách dễ dàng chứ không phải khó khăn như nhiều người vẫn nói”- ông Phú mở đầu lời phát biểu của mình tại một hội thảo về giá do Cục Quản lý giá và Học viện Tài chính tổ chức.
Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội:
“CPI tăng thấp nhưng nghịch lý là giá cả dịch vụ cứ tăng vù vù”
Theo ông, lạm phát 2013 giảm là do tổng cầu giảm tới 70%, sức mua của người dân “hắt hiu” tới mức tại nhiều phiên chợ chỉ toàn người bán mà không thấy người mua.
“Hàng vạn tấn ngao ở Thái Bình vừa rồi bán chẳng ai mua, hàng chục tấn rau của bà con nông dân ở ngoại thành Hà Nội ế chỏng chơ, héo rũ… Cầu giảm như thế hỏi sao lạm phát không thấp. Hãy đi sâu vào cuộc sống thì mới có thể đánh giá đúng về “con số lạm phát đẹp”. Đừng tự hào khi CPI thấp, mà phải thấy đó là điều lo ngại”- ông Phú xót xa.
CPI tăng thấp nhưng giá cả dịch vụ vẫn cứ tăng vù vù. “Tôi không thể thống kê được bao nhiêu giá dịch vụ đã tăng trong năm 2013. Cứ phải đi giữa bà bán hàng chợ cóc mới biết giá cả tăng chóng mặt thế nào” – ông nói.
Giá cả tới tay người dân bị đẩy lên cao do phải qua nhiều tầng nấc
Cùng với đó là bức tranh giàu nghèo đang phân chia một cách rõ rệt trong xã hội. Người giàu có thể bỏ hàng chục triệu để mua một chiếc túi hàng hiệu, ngược lại người nghèo muốn mua một mớ rau muống cũng phải chờ tới phiên chợ chiều khi rau đã héo rũ, ế hàng tiểu thương giảm giá bán mới dám mua để được rẻ hơn 1.000 đồng. “Đó là điều đau xót trong đời sống xã hội của chúng ta”- ông Phú tiếp lời.
Là người theo dõi thương mại nhiều năm, vị Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị băn khoăn, CPI thấp như thế này mà giá vẫn đứng ở mức cao. Túi tiền người dân eo hẹp, thu nhập thực tế, sức mua đồng tiền giảm.
“Hãy đi sâu vào cuộc sống để đánh giá thực chất CPI để có giải pháp ứng phó. Đừng tự hào CPI thấp. Cái DN cần là sự minh bạch và rõ ràng công khai”- ông Phú quả quyết.
Dự báo về năm 2014, ông Phú lo ngại, khi Việt Nam gia nhập sâu hơn, tham gia vào các hiệp định thương mại thì sức ép CPI giảm là đương nhiên, nhưng cũng không vì thế mà chủ quan. Để giữ được CPI hợp lý trong năm 2014 và những năm tiếp theo, ông Phú nhấn mạnh, phải quyết liệt hơn trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới cách ở bên trong một cách thực sự.
“Sức ép cải cách kinh tế là xương sống của đất nước. Nhưng ổn định không có nghĩa là cứ tung tiền ra mà cái chính chính sách quản lý phải ổn định”- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lên tiếng.
Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, đã tới lúc nhà sản xuất và phân phối phải ngồi lại với nhau, bắt tay nhau thật chặt để phân chia lợi nhuận hợp lý. “Từ sản xuất tới bán lẻ ma sát phải bằng 0 thì người dân mới mong mua được hàng giá rẻ. Chứ kiểu phân phối hiện nay, một kg đường tới tay dân qua 3-4 tầng nấc đại lý trung gian (tổng đại lý, đại lý vùng, đại lý huyện…), giá thành bị thổi vống.
THEO INFONET