Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Bài viết hay(752)

Tin ông Lê Hiếu Đằng đang trải qua những giờ phút cuối cùng của cuộc đời đang là đề tài bàn tán của những người "đấu tranh dân chủ" và "diễn đàn xã hội" trong nước. Vậy mà ở Bolsa có nhiều người nói ông Đằng biết mình khó thọ lâu được nữa nên bây giờ không còn cần những "bổng lộc" của Đảng.  Vì vậy ông Đằng mạnh dạn bỏ Đảng!  Bolsa quả thiệt tàn nhẫn khi có những cái nhìn khá "cực đoan" như vậy!  Bolsa cũng bàn đến chuyện Mỹ ngày càng "quan tâm" nhiều hơn đến châu Á; nhất là với TQ khi TQ cố tình bành trướng trước vòng vây ngày càng xiết chặt hơn của MỸ.  Bolsa cho rằng Mỹ muốn TQ gây hấn để có lý do "xù nợ"! Khi nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh tham dự phiên toà xử Dương Chí Dũng(y hệt như một vở kịch được Đảng đạo diễn rõ ràng rất ư vụng về!) rồi bay qua TQ, Bolsa đoán rằng ông Thanh qua học lóm kinh nghiệm bài trừ tham nhũng của TQ mà thực chất là nhận sự chỉ đạo của CSTQ(?) trước khi ra đòn "đốn" hết phe ông Dũng theo lệnh của Tổng Lú. Xem ra Bolsa vẫn tin CSVN sẽ sớm muộn gì cũng đấu đá nhau rồi "sập" cái rầm thì "phe ta" cùng nhau về "tranh cử" từ chức xã trưởng lên đến Tổng Thống ngay cho coi.  Vì Bolsa là chốn "gió tanh mưa máu" nên tôi khó tin nhiều tay hô hào chống Cộng ồn ào nhất Bolsa.  Có thể một ngày đẹp trời nào đó, họ sẽ trở cờ thành những Nguyễn Phương Hùng, Việt Weekly... hay họ lại là an ninh phản gián của VC? Mà thôi, chớ dại mà dây với hủi !  Mặc kệ Bolsa đi cho khoẻ!
BBC: Nỗi đau cuối đời của ông Lê Hiếu Đằng

Tin ông Lê Hiếu Đằng đang trải qua những giờ phút lâm chung đang làm cho nhiều người rất buồn.
Có nhiều lý do để buồn, nhưng có lẽ nỗi buồn lớn nhất là vì cảm được những điều đau lòng nơi một người nhiều tâm huyết như ông Đằng trong những năm tháng cuối đời.
Không đau lòng sao được khi vào những năm tháng cuối đời lại phải thừa nhận một sự thật phũ phàng.
Đó là biết bao hy sinh đóng góp của mình và rất nhiều đồng đội lại chỉ góp phần tạo ra một tầng lớp thống trị mới, còn khắt khe và tàn bạo hơn cả thời kỳ thực dân Pháp đô hộ.
Thêm vào đó, cái gọi là "chế độ ngụy quyền" mà ông và nhiều đồng đội đã từng cố gắng lật xuống cho bằng được để xây dựng chủ nghĩa xã hội, lại là chế độ nhiều nhân bản, yêu nước, và có khả năng xây dựng mọi mặt xã hội hơn thể chế cộng sản chuyên chính hiện nay rất nhiều.
Trong suốt gần 40 năm qua, nhân dân tiếp tục sống trong đói nghèo suốt từ thời toàn trị sang đến thời mở cửa; và sống với các giá trị con người mà nhân loại đã xác định từ lâu.
Chỉ có giai cấp cai trị là thay đổi từ sướng ít trong thời toàn trị lên sướng nhiều và cực giàu trong thời mở cửa.
Không đau lòng sao được khi sau bao công sức đóng góp, đến cuối đời ông chỉ thấy đất nước càng ngày càng bế tắc và thụt lùi.
Thụt lùi so với cả nước Miến Điện nghèo nàn, lạc hậu.
Sau 40 năm bóp chết sức sống của đất nước và vì thế không còn sức chống trả hiểm họa mất chủ quyền vào tay Bắc Kinh, giới độc tài quân phiệt Miến, chưa hề vỗ ngực là "đỉnh cao trí tuệ loài người", cũng còn biết đặt vận mạng đất nước họ lên trên hết. Họ gấp rút chọn con đường dân chủ để đưa đất nước thoát hiểm.
Đến cả nước Campuchia, một nước từng bị kéo về tận thời cộng sản nguyên thủy dưới tay Pol Pot và thường bị Hà Nội coi như chư hầu, cũng đã qua mặt Việt Nam trên con đường dân chủ hóa.

Miến Điện được chào đón trên trường quốc tế sau thay đổi dân chủ
Nỗi đau của ông Lê Hiếu Đằng cùng những đảng viên còn tâm huyết và tự trọng càng lớn khi họ tự nhận ra chính mình cũng phải lãnh một phần trách nhiệm trước tình trạng từng mảng chủ quyền đất nước đang biến mất dần.
Từ những cánh rừng đầu nguồn ở biên giới phía Bắc đến vùng Tây Nguyên mang tính chiến lược quân sự đến các vùng biển đảo nhiều tài nguyên đều đã bị giới lãnh đạo của ông Đằng xem là những vùng "đã mất rồi" và nay chỉ phản đối lấy lệ trước mắt dân chúng mà thôi.
Đó là chưa kể hàng trăm những khu hoàn toàn biệt lập của "công nhân" Trung Quốc trên khắp nước Việt, đặc biệt tại những vùng hệ trọng chiến lược, cứ tiếp tục mọc lên trước sự làm ngơ hoặc tiếp tay của giới cầm quyền.
Những ước hẹn với Bắc Kinh trong Hội nghị Thành Đô năm 1990 sẽ giao chủ quyền Việt Nam từng bước và hoàn tất vào năm 2020 (đúng thời hạn 30 năm) không chỉ còn là cơn ác mộng nữa nhưng đã trở thành một phần hiện thực rất lớn rồi.
'Muốn lo cho nước' Nhưng khó ai hiểu hay tin được những nỗi dằn vặt trên nếu không có những bước chân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc của ông Lê Hiếu Đằng năm 2011 và các phát biểu của ông từ đó, đặc biệt là bức thư tính sổ đời mình trên giường bệnh vài tháng trước đây.
Từ sự cảm thông với tấm lòng chân thành của ông, người ta bắt đầu thấy đây là một tấm gương can đảm đáng quí phục.
Và càng đáng quí phục hơn nữa khi có những đảng viên cao cấp hơn ông nhiều, biết rõ hơn ông nhiều về các nguy cơ cho đất nước và vai trò tác hại của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng vẫn không dám lên tiếng hay có một hành động nào xứng đáng, chỉ vì bổng lộc cá nhân và quyền lợi chế độ ban phát cho con cháu họ.
Biết thời giờ của mình không còn nhiều, ông Lê Hiếu Đằng đã nhắn gởi các đảng viên cộng sản Việt Nam khác:
“Lẽ ra bây giờ phải đoàn kết nhau lại để đấu tranh, phải có dũng khí, nếu ai cũng sợ cho bản thân mình, sợ cho bản thân gia đình mình thì đất nước sẽ ra thế nào, đất nước này ai lo?”.
"Nếu ai cũng sợ cho bản thân mình, sợ cho bản thân gia đình mình thì đất nước sẽ ra thế nào?"  Ông Lê Hiếu Đằng
Ông cũng bộc bạch với bạn hữu trong giới trí thức:
“Bao giờ cũng vậy, xã hội nào cũng vậy, thời kỳ nào cũng vậy, nhân sỹ trí thức phải đi đầu, phải giương cao ngọn cờ đấu tranh, phải dũng cảm, đừng có sợ.”
Nhưng liệu những lời kêu gọi tha thiết của ông Lê Hiếu Đằng có rơi vào khoảng không im lặng đáng sợ không? Đặc biệt, thế hệ đảng viên cùng thời với ông Đằng có còn ai chia sẻ những dằn vặt lương tâm này không?
Ngày nay, tại các nước cộng sản Đông Âu và Liên Xô cũ, nhiều đảng viên cộng sản thời đó đang bị chính thế hệ con cháu họ nhìn với ánh mắt khinh bỉ.
Những đảng viên ấy từng bảo vệ và bám lấy các chế độ cộng sản để hưởng lợi lộc cho đến những ngày tháng chót, bất kể sự tàn phá của các chế độ này đối với đất nước và dân tộc họ.
Ngay cả những lời của các cựu đảng viên này ngày nay chỉ trích các chế độ độc tài cũ cũng chẳng ai muốn nghe vì đã quá trễ và vì thế càng trở nên nham nhở.
Liệu cảnh ấy có lại xảy ra tại Việt Nam trong tương lai không?
Nhìn vào xu thế của nhân loại và ngay tại vùng Đông Nam Á, rõ ràng thời giờ không còn nhiều.
Và có lẽ nay là thời điểm thích hợp nhất để những đảng viên cộng sản Việt Nam - những người còn muốn giữ lại thanh danh và liêm sỉ đối với bản thân, đối với thế hệ con cháu, và đối với dân tộc - chọn con đường công khai rời bỏ đảng vì vừa chính mình vừa vì đất nước.
Đừng để đến khi quá muộn.
Những con người đáng kính trọng như Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Trần Xuân Bách…những Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật Hải, Phạm Quế Dương, Vi Đức Hồi, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Ngọc Diễm Phượng, ... và nay Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đắc Diên đã chọn con đường danh dự đó.
Phạm Nhật Bình - Gửi cho Diễn đàn BBC từ Hoa Kỳ
Vì sao người dân, trí thức phải lên tiếng?
Ông Đằng kêu gọi cán bộ, đảng viên và nhân dân không nhân nhượng với cái sai, cái nguy hại cho đất nước, dân tộc.
Luật gia Lê Hiếu Đằng, cựu Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh vừa công bố hai bài viết trên trang mạng Bauxite Việt Nam với tựa đề "Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước" và bài "Phải công bố bản kiến nghị về bauxite."
Hai bài viết như tựa đề hàm ý, kêu gọi thực hiện dân chủ thực sự cho Việt Nam và yêu cầu các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản và Nhà nước phải công bố rộng rãi và trả lời bản kiến nghị của nhiều trí thức, nhân sỹ, cán bộ lão thành về các dự án gây tranh cãi về môi trường và an ninh trong nước.
Sau vụ bắt giữ luật gia Cù Huy Hà Vũ, người công khai có các bài viết ủng hộ dân chủ cũng như có đơn thư khởi kiện lãnh đạo Chính phủ về dự án Bauxite, sự xuất hiện của các bài báo mới nhất của ông Lê Hiếu Đằng thu hút sự chú ý của dư luận như một diễn biến mới mang tính thời sự.
Nhân dịp này, BBC Việt ngữ đã phỏng vấn tác giả hai bài viết, và câu hỏi đầu tiên đặt ra cho ông Đằng là vì sao ông chọn công bố các thông điệp của mình trên trang mạng không chính thức Bấm Bauxite Việt Nam và nhất là vào thời điểm hiện nay.
Ông Lê Hiếu Đằng: Vì tôi biết là báo chí công khai trong tình hình hiện nay không dám đăng. Vả lại, nhóm trí thức Việt Nam là nhóm đã lựa chọn trang bauxite để đăng bản kiến nghị năm điểm, nên tôi nghĩ đăng bài viết trên trang mạng này là phù hợp nhất.
Còn lý do mà tôi đăng bài này là vì bản kiến nghị của anh chị em trí thức, cán bộ cách mạng lão thành, tướng lãnh, kể cả các quan chức nhà nước cao cấp như chị Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch Nước, hay nhà toán học Ngô Bảo Châu, từng có thư riêng gửi Quốc Hội, cũng như ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là người đầu tiên có ý kiến phản đối dự án Bauxite, rất tiếc, đều không được ai trả lời.
Một điều hết sức vô lý là một bản kiến nghị công khai gửi Quốc Hội như vậy mà báo chí Việt Nam lại không đăng. Báo chí công khai như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao động... tức là tất cả báo chí Việt Nam đều không đăng. Chỉ có VietnamNet có đăng thoáng qua. Có thể có hai khả năng là cơ quan nào đó, hay cá nhân nào đó cấm không cho đăng.
Mà nếu điều này là có, thì đó là vi phạm một quyền gọi là quyền được thông tin của công dân đã được luật pháp quy định và bảo hộ. Còn khả năng thứ hai là nếu không có ai cấm mà báo chí Việt Nam không đăng, có nghĩa là báo chí Việt Nam sợ, tự kiểm duyệt.
Còn bài viết thứ hai về vấn đề dân chủ, trên hết tôi thấy một vấn đề lớn ở Việt Nam hiện nay là không hiểu tại sao ai cũng sợ. Do đó những vấn đề quan trọng của đất nước không ai dám lên tiếng mà nhất là giới trí thức.
Vì vậy với tư cách một công dân, tôi đặt vấn đề là đã đến lúc mọi người phải có tiếng nói, phải có những hành động trong vòng luật pháp, hiến pháp, để ngăn chặn các tệ nạn như vậy.
BBC: Ông dự đoán ra sao về tác động của hai bài viết trên trang Bauxite Việt Nam này của ông?
Lê Hiếu Đằng: Qua điện thoại nhận được cũng như gặp gỡ bạn bè, nói chung nhiều người ủng hộ quan điểm của tôi. Họ nói là tôi có thái độ dũng cảm, nhưng tôi chỉ nghĩ là tôi nghĩ sao thì nói vậy, đặt vấn đề lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên.
Tôi đã từng bị Tòa án Vùng 3 Chiến thuật kết án tử hình vắng mặt. Tôi không sợ chết, sợ tù đày gì cả. Vấn đề là mình phải đấu tranh cho dân chủ, cho đất nước của mình để cho nó thoát khỏi những tệ nạn.
Nhiều người cũng gọi điện khuyên tôi thế này, khuyên tôi thế kia, nhưng tôi nói "không", việc làm của tôi là công khai minh bạch, không có gì phải dấu diếm. Suy nghĩ của tôi không phải của riêng tôi mà có cả một khuynh hướng của anh chị em trí thức, rồi của nhiều người dân hiện nay. Vì vậy tôi tin rằng nó sẽ được sự ủng hộ của nhiều người.
BBC: Những lời nhắn nhủ của ông trên trang Bauxite trong bài viết của mình tới những người "đồng chí kháng chiến" cũ của ông như các ông Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang hay Lê Thanh Hải, mong mỏi các ông này lên tiếng đấu tranh ngăn chặn nguy cơ dự án Bauxite và việc cho người nước ngoài thuê rừng đầu nguồn..., liệu có được trả lời hay không, hay sẽ rơi vào im lặng?
Lê Hiếu Đằng: Khi tôi nhắn nhủ ba đồng chí đó, thì tôi vẫn tin rằng ba vị đó vẫn còn những tâm huyết dành cho đất nước. Còn nếu không, tôi sẽ im lặng. Còn nói chung tôi hy vọng rằng điều đó khi tới tai các đồng chí, thì các đồng chí ấy, từ vị trí của mình, sẽ suy nghĩ và có những động thái đứng về phía quyền lợi của đất nước, về phía lợi ích của dân tộc, tôi vẫn tin như vậy.
BBC: Gần đây Quốc hội đã có một quyết định được cho là không tán thành với đề nghị của đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đòi điều tra trách nhiệm chính trị của Chính phủ trong vụ Vinashin, ý kiến của ông? 
Lê Hiếu Đằng: Phải công nhận anh Nguyễn Minh Thuyết là một đại biểu Quốc hội hết sức kiên cường, hết sức thẳng thắn. Ngoài anh Thuyết ra, tôi thấy anh Lê Văn Quân ở Thanh Hóa, chị Phạm Thị Loan ở Hà Nội, hay bản thân anh Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An Ninh của Quốc Hội, đều ủng hộ đề nghị của anh Thuyết.
Nhưng cái đó chỉ là một số ít người, trong khi quy định của Quốc Hội là phải hội đủ chữ ký của một số đông người là đại biểu khác thì mới có thể đặt vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Cơ quan quyết định việc thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra trách nhiệm của Chính phủ này là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng người ta đã kết luận là 'chưa cần thiết' để thành lập ủy ban lâm thời đó, mà điều đó, người ta làm căn cứ theo quy định. Thành ra tôi nghĩ khi phát biểu vấn đề đó ra, tôi nghĩ bản thân anh Thuyết cũng biết lập ra Ủy ban đó là một việc rất khó khăn.
BBC: Trong khi luật gia, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ vừa bị Công an bắt giữ vì cáo buộc vi phạm các điều luật nghiêm trọng nhất thách thức quyền lực của Đảng Cộng sản, Nhà Nước và Chính phủ Việt Nam, thì bài viết về dân chủ của ông đề cao việc người dân thực hiện quyền kiện các cơ quan nhà nước xâm phạm lợi ích công dân của họ. Vào thời điểm này, việc này có mâu thuẫn gì không?
Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ là không có gì mâu thuẫn cả vì một khi hình thành xã hội dân sự, bên cạnh nhà nước pháp quyền, thì người dân, đặc biệt giới trí thức phải biết hành xử các quyền hiến định và luật định của mình để bảo vệ quyền lợi, lợi ích.
Như trong bài viết về dân chủ, tôi nói rằng thực ra dân chủ không phải của ai ban cho, qua kinh nghiệm hoạt động của mình tôi thấy không có ai có quyền lực lại tự dưng rời bỏ cái ghế của mình. Thành ra dân chủ chỉ có thể đạt được qua đấu tranh. Gần đây có một số hiện tượng có thể nói là manh nha đáng mừng như tôi đã nói.
Còn việc của anh Cù Huy Hà Vũ bị bắt phải đợi luật pháp người ta xét xử như thế nào. Nhưng dư luận người ta thấy rằng cách tiến hành như vậy không hay lắm. Chẳng thà anh thẳng thắn nói ông này phạm các tội đó thì bắt chứ dàn dựng một vụ như vậy thì nó hơi không đẹp lắm!
Tôi nghĩ thiệt thòi cuối cùng là của những người đã dàn dựng ra việc đó thôi. Còn ông Cù Huy Hà Vũ có tội hay không, thì những tài liệu công khai, ông cũng đã đăng trên mạng rồi. Luật pháp sẽ xem xét, nhưng tôi nghĩ là khó buộc tội ông Vũ.
BBC:Theo ông, để được an toàn hơn, liệu người dân có nên đợi đến sau Đại hội Đảng sắp nhóm đầu năm tới đây, họp xong xuôi, để lên tiếng về những bức xúc hay đưa ra những kiến nghị thẳng thắn của mình?
Lê Hiếu Đằng:Theo tôi không phải đợi tới sau Đại hội Đảng lần thứ XI họp. Bởi vì sau Đại hội Đảng cũng không có thay đổi gì nhiều đâu.
Vấn đề là các tầng lớp nhân dân mà trong đó có giới trí thức, vì lợi ích của đất nước, dân tộc, sẽ đấu tranh để buộc Chính quyền phải thay đổi một số chủ trương, chính sách sao cho phù hợp và bảo vệ được đất nước, bảo vệ được môi trường, cuộc sống của người dân, cũng như bảo vệ được luật pháp.
Đây là cả một quá trình lâu dài chứ đừng nói là chỉ sau Đại hội của Đảng cộng sản lần thứ XI được.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét