Con đã nói với mẹ rằng, chỉ cần có tình yêu của gia đình, con sẽ không bao giờ bỏ cuộc nếu có vấp ngã phải không?
Con gái!
Mẹ viết những dòng này khi nhìn con và em đang say ngủ, bỗng bao kỷ niệm xưa cũ ùa về. Nghĩ mà vui con ạ!
Mẹ mang nặng đẻ đau hơn chín tháng, sinh ra con từ khi còn là giọt máu đỏ hỏn. Bao nhiêu mệt nhọc và lo lắng trước đó chỉ tan biến hết khi nghe tiếng con khóc và tận mắt nhìn thấy con lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khác. Đứa con gái đầu của mẹ vừa sinh ra đã bụ bẫm và trắng trẻo, mẹ bật khóc và trong lòng vui sướng biết bao nhiêu!
Ông trời ban cho mẹ một bầu sữa ngọt lành, tưới mát hồn con một thuở ấu thơ. Sẽ chẳng bao giờ quên được cái ánh mắt tròn xoe, trong veo, khi bất chợt con đang bú lại ngước lên nhìn mẹ, như thể “yên tâm” rằng mẹ vẫn ở đây! Hồi ấy con khó tính lắm, gần như chẳng cho ai bế cả. Bao đêm con ốm, con khóc, bố có muốn bế đỡ cho mẹ ngả lưng một chút cũng không được. Có lần mẹ vắng nhà, con khóc đòi bú, bố nhờ sữa hàng xóm nhưng con nhất định không chịu…
Thế mà con gái mẹ khi lớn lên lại khác hẳn, mạnh mẽ lắm! Hôm đầu đi nhà trẻ, con không khóc, cũng chẳng quyến luyến khi mẹ về. Con ngoan ngoãn rời tay mẹ, chạy sang phía cô giáo. Vậy mà chẳng hiểu sao trưa hôm ấy, đang lúi húi với mâm cơm dưới bếp thì nghe tiếng hàng xóm ới, chạy lên đã thấy con đứng trước cửa. Con đi bộ từ trường về nhà. Thực ra cũng chỉ cách vài trăm mét thôi, nhưng mẹ không hiểu sao con có thể đi về như thế mà không ai biết nữa.
Con gái của mẹ thích hoa. Không biết mẹ đã quát con bao nhiêu lần vì cái tật suốt ngày hái hoa đồng nội về làm rác hết cả nhà rồi nhỉ? Có lần mẹ xin được cho con một cây hồng nhung, con thích lắm, chăm chỉ tưới nước cả ngày. Đến khi nó nhú được cái nụ xanh non mơn mởn, chẳng may gặp phải cơn bão mà gãy. Con buồn, con khóc và mẹ dỗ dành thế nào cũng chẳng ăn cơm. Còn chuyện hái bèo, con có nhớ không? Con với bạn ra sông hái hoa bèo chơi đồ hàng, bất cẩn thế nào con bị ngã. Thật may là có người ở gần đấy cứu! Nhìn con về nhà trong bộ dạng ướt sũng còn lấm lem bùn ao, mẹ vừa hoảng hốt vừa giận. Mẹ khóc rồi đánh con một trận lằn cả mông. Thế mà con cắn môi im re, không khóc lấy một tiếng.
Vào cấp III, con ra dáng một người chị đảm trong gia đình, một người trò ngoan ở trường và một thiếu nữ duyên dáng trong mắt các bạn nam đồng lứa. Con bắt đầu biết quan tâm và chăm chút hơn đến vẻ bề ngoài của mình. Con cũng có nhiều mối quan hệ hơn…
Mẹ nhớ nhất một lần, con đi sinh nhật bạn về khuya, mẹ nhắc nhở và mắng con. Con cãi. Mẹ không giữ được bình tĩnh và tát con. Đó cũng là cái tát cuối cùng bởi sau này mẹ không bao giờ đánh con nữa. Con tức tưởi bỏ về phòng và đóng sầm cửa lại. Lúc ấy, lòng mẹ đau lắm. Cảm giác cánh cửa đóng lại là con lại xa mẹ hơn một chút nữa rồi!
Sáng hôm sau, vừa thức dậy con đã chạy lại ôm và ngả trên lưng mẹ thủ thỉ, rằng “Cho con xin lỗi!”.Con biết không, thực ra cả đêm mẹ cũng chẳng thể nào chợp mắt nổi, mẹ cũng muốn nói lời xin lỗi con nhưng thật khó làm sao! Mẹ hiểu rằng những cái ẩm ương ở cái tuổi mới lớn của con cũng như mẹ ngày trước: đặc biệt nhạy cảm, dễ tự ái và cứng đầu. Mẹ cũng giống như con, thật sự khó khăn để vượt qua cái ngưỡng “người lớn” của mình. Thực sự muốn con hãy hiểu cho mẹ rằng, mẹ chẳng hề dễ dàng như con vẫn nghĩ!
Thi Đại học, bố mẹ hoàn toàn để con chọn trường theo nguyện vọng của mình. Con làm một hồ sơ vào một trường kinh tế thuộc dạng Top trong không ít ngỡ ngàng của thầy cô và bạn bè. Mọi người hiểu rõ học lực của con, chỉ không ngờ con lại kiên quyết đến thế. Thầy chủ nhiệm bảo mẹ động viên con làm thêm vài bộ hồ sơ để có thể linh động thay đổi khi đến sát kỳ thi. Mẹ nhớ lúc ấy bố nói với con “Hãy theo đuổi điều mà con thích. Chỉ cần con nhớ, nếu sức mình đã từng gánh được 1kg, thì lần này con chỉ nên thử với 8 lạng. Còn bố mẹ tôn trọng quyết định của con!”. Và con không thay đổi!
Con đậu ĐH với điểm số cao. Từ đó đến giờ là chuỗi bốn năm dài con sống tại Thủ đô nhiều hơn ở nhà. Thời gian đầu con mới ra Hà Nội, bữa cơm gia đình bỗng trở nên thiếu vắng hẳn. Dần dà rồi cũng quen... Cuộc sống nơi đất khách đòi hỏi sự ganh đua, bon chen và không ít mệt mỏi, nhưng con không bao giờ gọi cho bố mẹ những lần con ốm, mà bố mẹ thường chỉ biết khi con kể về sau hoặc qua lời cô bạn cùng phòng.
Con cũng không bao giờ quên chúc mừng bố mẹ hay động viên em mỗi khi có sự kiện quan trọng. Học tập và rèn luyện, tham gia các hoạt động tình nguyện khiến con trở nên năng động và lớn hơn rất nhiều. Có những cuộc điện thoại vội vàng, ngắn ngủi, chỉ để mẹ nghe con cười hay nói một câu “Mọi việc ngoài này vẫn ổn!”.
Giờ đây, con đã ra trường và có một công việc ổn định, mái đầu mẹ thì đã phai nhạt màu thời gian. Con cũng đã gặp được một chàng trai hiền lành, hiểu biết và yêu thương con nhiều như mẹ đã từng. Chẳng bao lâu nữa, con sẽ khoác lên mình bộ váy trắng tinh khôi mà ngày bé mỗi lần mẹ chở con trên chiếc xe đạp cũ qua tiệm áo cưới, con vẫn thường nhìn nó và ước ao, dù chỉ với ánh mắt long lanh của một đứa trẻ còn ngây thơ. Khoác tay người đàn ông mà con hết mực yêu thương, mỉm cười bước đi trong sự chúc phúc của mọi người, và con trở thành cô dâu xinh đẹp, dịu dàng nhất trong mắt mẹ.
Con có gia đình, rồi con sẽ lại trải qua những khó khăn, vất vả, cả cái ngưỡng “người lớn” giống mẹ đây. Nhưng mẹ tin rằng đứa con gái đầy bản lĩnh của mẹ sẽ luôn cố gắng vượt qua tất cả mà làm tròn vai trò của mình cho dù ở đâu, và vị trí nào.
Chẳng ai ngoài bố mẹ có bổn phận phải luôn yêu thương con. Nên nếu chẳng may có một lúc nào đó trên đường đời mà cả thế giới quay lưng lại với con, hay con bỗng thấy mất niềm tin vào mọi thứ, thì hãy nhớ giữ niềm tin cho chính bản thân mình, và chạy về bên mẹ. Lúc ấy, tấm thân gầy yếu ớt có thể chẳng còn đủ sức lực mà bước đi, hay dù đã mắt nhắm tay buông thì hãy nhớ là mẹ mãi yêu con, và linh hồn mẹ vẫn mãi theo con!
Con đã nói với mẹ rằng, chỉ cần có tình yêu của gia đình, con sẽ không bao giờ bỏ cuộc nếu có vấp ngã phải không? Bố mẹ và cả chàng trai ấy sẽ luôn giữ cho con cái điểm tựa thật vững chãi đó, con gái ạ! Mẹ hứa!
Hôn con!
Tái bút: Vu Lan này, con về mẹ vui lắm!
Theo: Kenh14.vn
______________________________________________
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/