Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Người TQ ở Việt Nam và người Việt Nam ở Mỹ

Người TQ ở Việt Nam và người Việt Nam ở Mỹ
Người Trung Quốc (lưu vong sang Việt Nam những năm cuối thế kỷ 17 cho đến đầu thế kỷ 18 để tránh sự thanh trừng của nhà Thanh, những người Tàu Minh Hương “phản Thanh phục Minh”) với bề dày ngót nghét ba trăm năm sống trên đất Việt nhưng vẫn ít người xem Việt Nam là quê hương đích thực của họ. 
Trong khi đó, hơn ba triệu người Việt tị nạn trên nước Mỹ chỉ chưa đầy bốn mươi năm đã xem nước Mỹ là quê hương thân thiết, quê hương thứ hai của mình. Vì sao lại có chuyện như thế? Và luận điểm trên đây có đủ chính xác?
Xét trên góc độ phân tâm học, khi con người, hay một cộng đồng người có đi đến chuyển hóa vùng đất mới lạ trở thành quê hương thứ hai của mình hay không, phải xét trên ba yếu tố: Tâm linh; Văn hóa chính trị và; Kinh tế.


Ba yếu tố này là tam giác đều đảm bảo sự gắn kết bền vững của con người với miền đất mới đó. Nếu một trong ba cạnh của tam giác này bị thiếu hụt, điều đó cũng đồng nghĩa với vấn đề cộng đồng người đó vẫn chưa thật sự gắn kết với miền đất mới của họ.

Người Việt trên đất Mỹ

Thử đặt một hệ qui chiếu căn cứ trên ba yếu tố này để phân tích và đánh giá mức độ gắn kết của người Việt Nam trên đất Mỹ, câu trả lời dễ dàng nhận biết đó là người Việt Nam đã thật sự gắn kết với nước Mỹ và xem đây là quê hương thứ hai của mình.

Về yếu tố tâm linh, có thể nói, cho đến thời điểm hiện nay, cộng đồng người Việt hơn ba triệu người ở Mỹ, nếu họ không phải là những Phật Tử thì cũng là những con chiên ngoan đạo, nhà thờ và nhà chùa cùng những mái ấm tôn giáo khác luôn là nơi dung hòa, gắn kết tâm linh của phần đông người dân Việt với dân Việt, dân Việt với các sắc dân khác trên đất Mỹ.

Và, những sinh hoạt tôn giáo, những hoạt động tâm linh luôn đóng vai trò chiếc chìa khóa mở toang cánh cửa mặc cảm và xóa tan những biên kiến về dân tộc cũng như dị biệt văn hóa, ngôn ngữ bất đồng. Yếu tố tâm linh, tôn giáo dễ dàng dung hòa mọi sắc tộc, ngôn ngữ, biên kiến vào một bầu không khí chung dưới ánh sáng tâm linh và sự dẫn dắt của các bậc giáo chủ, các bậc hiền minh và biểu tượng minh triết của họ.

Yếu tố văn hóa, chính trị tuy được xét sau yếu tố tâm linh nhưng lại đóng vai trò cốt lõi, quyết định có hay không có một sinh quyển trong lành để phát triển tâm linh. Điều này thể hiện trên khía cạnh dân chủ và văn minh của miền đất mới. Một nước Mỹ với nền dân chủ bậc nhất thế giới cùng hệ thống chính trị tiến bộ, văn minh của nó bao giờ cũng đảm bảo cho cư dân Mỹ một nền tảng tự do, nhân quyền để sáng tạo và phát triển mọi mặt. Đây là yếu tố thứ hai quyết định người Việt Nam dễ dàng gắn kết và chuyển hóa nước Mỹ thành quê hương thứ hai của mình.

littlesg-305
Khu phố người Việt Little Saigon ở California, ảnh chụp trước đây.

Yếu tố văn hóa và chính trị cởi mở sẽ dễ dàng chấp nhận một bộ phận cư dân mới sinh sôi, phát triển cùng những hoạt động bảo tồn văn hóa bản quán cũng như những mối liên hệ cật ruột với quê nhà thông qua chia sẻ, cảm thông và hướng về của họ. Những hoạt động kết nối đồng hương, sinh hoạt văn hóa cộng đồng Việt ở Mỹ, đón Tết Việt, hội chợ Tết sinh viên, treo quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa trên đất Mỹ (ở Little Sài Gòn) là minh chứng của sự cởi mở về văn hóa và chính trị của nước Mỹ.

Yếu tố kinh tế, bao giờ cũng là lực đẩy, nó thể hiện bao gồm sự cởi mở về chính trị và tầm cao về văn hóa của một quốc gia. Đương nhiên, một quốc gia với tầm nhìn hạn hẹp, một hệ thống chính trị lạc hậu, bảo thủ sẽ chẳng bao giờ trở thành một quốc gia có nền kinh tế hùng cường được. Và một khi nền kinh tế què quặt bởi sự chi phối của hệ thống chính trị sẽ dẫn đến ý thức thực dân, khai thác ở những cư dân mới nhiều hơn là gắn kết cuộc đời và tương lai của mình vào đó. Đất Mỹ hoàn toàn đảm bảo những phúc lợi xã hội chính đáng cũng như sự vững chãi về kinh tế để hấp dẫn bất kỳ cư dân mới nào.

 

Và đương nhiên, đất Mỹ nghiễm nhiên trở thành quê hương thứ hai của người Việt lưu vong. Một miền đất mà những con người (............) đã vượt biển, vượt biên để tìm cách lưu trú trên đất này. Vùng đất mới đã mở ra một quê hương mới cho hơn ba triệu con người, hơn ba triệu con tim khao khát dân chủ, tiến bộ và tự do. Đất Mỹ là quê hương thứ hai của người Việt Nam tị nạn sau 30 tháng Tư năm 1975, đây là một hiển nhiên.

Người Trung Quốc trên đất Việt

Người Trung Quốc với bề dày hơn ba trăm năm sống ở Việt Nam và một số người Trung Quốc mới sang Việt Nam trong thời gian gần đây, có bao giờ họ xem quê Việt Nam là quê hương thứ hai của họ? Câu trả lời là đã có một thời gian ngắn dưới sự thống lãnh của triều đình nhà Nguyễn, người Tàu Minh Hương đã xem Việt Nam là quê hương, nhưng thời gian ấy kéo dài không bao lâu. Vì sao?

Vì dưới triều đình nhà Nguyễn, thời mà biên giới nước Việt đang dần mở rộng về phía Nam với hàng loạt vùng lãnh thổ mới được mở ra nhưng cư dân thưa thớt. Một đoàn người do vị tướng “phản Thanh phục Minh” đang trốn chạy triều đình Mãn Thanh, sang xin tá túc trên đất Việt, gặp được sự thông cảm và che chở cũng như dung nạp của vua nhà Nguyễn, họ dễ dàng sinh sống, phát triển và hòa nhập với cư dân bản địa để trở thành một tập hợp Minh Hương trên xứ Việt.

Xét về khía cạnh tâm linh, trong thời điểm này, không có chính sách đàn áp về tôn giáo ở cả hai miền đất nước, xét về góc độ kinh tế, đây là mảnh đất màu mỡ mà người Minh Hương dễ dàng hội nhập, làm ăn, kinh doanh và phát huy những giá trị văn hóa bản quán của họ, đạo Phật chưa nằm trong hệ thống Phật Giáo Nhà Nước cũng là một chiếc nôi tâm linh rộng thoáng, dễ dung hợp các sắc tộc, các nền văn minh, văn hóa. Hơn nữa, đây là thời điểm Thiên Chúa Giáo du nhập Việt Nam, tư tưởng phương Tây đang sinh sôi nảy nở trên đất Việt cùng tư tưởng rộng thoáng, cởi mở và hấp dẫn.

Có thể nói, dưới thời nhà Nguyễn, người Minh Hương đã thật sự xem nước Nam là quê hương thứ hai của họ. Nhưng đến những năm 1975 trở về sau, mọi sự đã hoàn toàn thay đổi. Sự thay đổi này xoay quanh trục phát triển của tâm linh, văn hóa, chính trị và kinh tế.

Một nền chính trị độc tài Cộng sản xã hội chủ nghĩa (ở Trung Quốc) với hàng loạt chính sách hà khắc, không có tự do tôn giáo, không có tự do kinh tế, văn hóa và mọi yếu tố liên đới đều bị bóp nghẹt dưới bàn tay bao cấp, quản lý nhà nước và theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhân quyền bị giết chết, dân chủ là một khái niệm phù phiếm dưới thời nhà nước Cộng sản (Trung Quốc). Như vậy, mọi yêu cầu để giao thoa và chuyển hóa từ bản quán đến quê hương thứ hai (là Việt Nam) đã hoàn toàn bị cắt đứt.

(.........)

Đối với Việt Nam, sang Việt Nam sống, đương nhiên, người Trung Quốc hiển nhiên và được quyền xem Việt Nam là một thuộc địa mới, là mảnh đất màu mỡ để họ khai thác tài nguyên, khai thác mọi thứ tài sản kể cả sức lao động con người và nhân tính Việt để biến thành một thứ sản phẩm trên thị trường Trung Quốc. Bởi vì ngoài khả năng cho phép khai thác thuộc địa ra, Việt Nam chẳng có yếu tố nào đủ hấp dẫn để người Trung Quốc chuyển hóa thành quê hương thứ hai của họ.

Người Việt bỏ trốn (...) để tìm sang một thể chế dân chủ, người Trung Quốc rời khỏi Trung Quốc Cộng sản để sang một nước Việt Nam cũng là Cộng sản (.....). Đương nhiên, Việt Nam chẳng bao giờ đủ hấp dẫn để người Trung Quốc xem đây là quê hương của mình cả!

Và, khi nào Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố dân chủ, nhân quyền, tự do, cởi mở, chí ít cũng ngang hàng với Đại Hàn Dân Quốc thì lúc đó, Việt Nam nghiễm nhiên trở thành quê hương thứ hai của người Trung Quốc. Bằng chứng là người Trung Quốc sống ở Hàn Quốc chẳng bao giờ khai thác nước Hàn Quốc như một thuộc địa của Trung Quốc được. Nhưng với Việt Nam, đây là một thuộc địa mới của người Trung Quốc. 

(.........)

THEO RFA BLOG

(xin lỗi phải cắt bỏ vài đoạn)
http://www.rfa.org/vietnamese/blog/viet-tu-sg-blog-0101-01012014141603.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét