Hiển thị các bài đăng có nhãn Lạm phát. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lạm phát. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

(2) Cách phân tích "Tổng quan về kinh tế vĩ mô"

Nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng: Thành tựu và thách thức nhìn từ năm 2007
5) Xuất khẩu vẫn giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng trong khi nhập siêu có xu hướng tăng nhanh
Cũng như đầu tư, xuất khẩu là một trong những nhân tố quan trọng nhất tạo ra bước phát triển kinh tế nhanh trong thời kỳ đổi mới. Những tháng cuối năm 2006 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta vì hầu như cùng một lúc, nước ta chính thức trở thành thành viên đầy đủ của WTO, đồng thời Mỹ đã trao quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn cho nước ta. Lý thuyết và thực tiễn cho thấy, dù có mức độ thành công khác nhau, song việc gia nhập WTO và bình thường hóa quan hệ thương mại vĩnh viễn với Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả các nước trên thế giới. Đặc biệt, nếu là thành viên đầy đủ của WTO thì điều kiện trao đổi thương mại, thu hút đầu tư thuận lợi hơn rất nhiều so với không phải là thành viên WTO. Kinh nghiệm hơn 20 đổi mới ở nước ta cũng chỉ rõ việc hội nhập, mở cửa sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho quá trình phát triển đất nước.

Đồ thị 7: Quan hệ giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất nhập khẩu (%)
     
Trong những năm gần đây, vai trò của xuất khẩu đang có nhiều biến động. Đồ thị 7 cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất từ năm 2000 đến nay rất biến động trong khi tốc độ tăng trưởng GDP khá ổn định. Đồ thị cũng cho thấy trong 3 năm gần đây, đặc biệt năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn liên tục tăng lên trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mặc dù vẫn khá cao song đã chậm lại. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ta đang chậm lại trong bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là kinh tế Mỹ, vẫn đang tăng trưởng khá mạnh mẽ.
Riêng năm 2007, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2006, trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) khoảng 19,5 tỷ USD, tăng 32,2% so với năm 2006. Như vậy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2007 đã giảm đến mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay (tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2003 là 20,6%; 2004: 31,4%; 2005: 22,5%; 2006: 22,7%). Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2007 đạt được trong điều kiện khối lượng dầu thô xuất khẩu (16,5 triệu tấn) tăng nhẹ so với mức năm 2006, sau khi đã giảm mạnh từ 19,5 triệu tấn năm 2004 xuống còn 17,97 triệu tấn năm 2005 và 16,42 triệu tấn năm 2006. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2007 vẫn khá cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP nên xuất khẩu vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế.
Bảng 3: Cơ cấu giá trị xuất khẩu hàng hóa theo nhóm hàng (%)
Năm
Hàng cụng nghiệp nặng
và khoỏng sản
Hàng cụng nghiệp nhẹ và tiểu thủ cụng nghiệp
Hàng nụng sản
2000
37.2
33.9
28.9
2001
34.9
35.7
29.4
2002
31.8
40.6
27.6
2003
32.2
42.7
25.1
2004
36.4
41.0
22.6
2005
36.0
41.0
23.0
2006
35.7
40.2
24.1
2007
35.0
41.7
23.3
Mặt khác, quá trình dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu trong nền kinh tế cũng đang thay đổi theo hướng tích cực hơn (xem bảng 3). Nếu như trong 2 năm 2005-2006, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp trong tổng giá trị xuất khẩu có xu hướng giảm xuống, cả về hàng công nghiệp nặng và khoáng sản (chủ yếu là tài nguyên) lẫn hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, đồng thời tỷ trọng xuất khẩu hàng nông lâm hải sản có xu hướng tăng lên, thì trong năm 2007, đã có diễn ra chiều hướng ngược lại: Tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp tăng lên trong khi tỷ trọng xuất khẩu hàng nông lâm hải sản giảm xuống. Đặc biệt, trong nhóm hàng công nghiệp, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp nặng và khoáng sản vẫn có xu hướng giảm xuống trong khi tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp lại tăng lên rất mạnh.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của khá nhiều mặt hàng chủ lực, phát triển dựa trên lợi thế so sánh và hướng ngoại cũng đã đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao như hàng dệt may tăng 28,6%, sản phẩm gỗ tăng 29,3%, hàng điện tử và linh kiện tăng 40,5%, vali, túi xách và ô dù tăng 29,2%, dây điện và dây cáp điện tăng 41,8%, sản phẩm nhựa tăng 45,8% và hàng rau quả tăng 23,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 mặt hàng này đạt 15 tỷ USD, chiếm 37,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế năm 2007 (năm 2006 kim ngạch đạt 11,4 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu). Ngoài ra, xu hướng mở rộng các thị trường có sức mua cao tiếp tục phát triển. Như vậy, thực tế năm 2007 cho thấy gia nhập WTO bước đầu đã mang lại kết quả tích cực đối với xuất khẩu của nền kinh tế nước ta vì kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhanh, cơ cấu mặt hàng và cơ cấu thị trường xuất khẩu đều chuyển dịch tích cực hơn so với năm 2006. Điều này cũng cho thấy sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của hàng hóa xuất khẩu nói riêng tiếp tục được cải thiện.
Mặc dù những tiến triển của xuất khẩu năm 2007 nêu trên cho thấy vai trò của xuất khẩu tới tăng trưởng kinh tế vẫn rất lớn song vấn đề đáng lo ngại nổi lên trong hoạt động ngoại thương năm 2007 là nhập siêu tăng lên khá mạnh, mà nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trưởng nhập khẩu khá cao.
Dự báo kim ngạch nhập khẩu năm 2007 sẽ đạt khoảng 57 tỷ USD, tăng tới 27% so với năm 2006. Đây là mức cao nhất trong vòng 3 năm qua (năm 2006 chỉ tăng 15%, năm 2005 tăng 22,1%). Hậu quả là nhập siêu cả năm 2007 khoảng 9 tỷ USD là mức kỷ lục từ trước đến nay và vượt quá dự kiến kế hoạch là 5,1 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu cũng tăng mạnh từ khoảng 13% trong 2 năm 2005-2006 lên 18,75% năm 2007. Do nhập siêu cao nên đóng góp chung của khu vực ngoại thương vào tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục giảm dần và ở mức âm như đã diễn ra vào năm 2006.
Nhập khẩu có tốc độ tăng cao hơn xuất khẩu là do làn sóng đầu tư của FDI vào Việt Nam đang tăng nhanh. Thực tế nhập khẩu đang tăng khá nhanh ở hầu hết các mặt hàng nhưng nhanh nhất là các mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phù tùng và nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất như sắt thép, hoá chất, tân dược, linh kiện điện tử và máy tính, chất dẻo, vải, sợi dệt, thức ăn gia súc, gỗ và nguyên liệu gỗ... Tính chung, tỷ trọng nhập khẩu máy móc thiết bị và phụ tùng đã tăng khá mạnh từ 24% năm 2006 lên 25,1% năm 2007, trong khi tỷ trọng nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu giảm tương ứng từ 69,3% xuống còn 67,5% và tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng từ 6,7% lên 7,4%.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào mức nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có thể thấy việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết hội nhập và là một biện pháp nhằm tăng nhập khẩu để hỗ trợ cân đối cung - cầu, làm giảm áp lực lạm phát... cũng có tác động không nhỏ vì trong tổng mức nhập siêu, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ nhập siêu 1,5 tỷ USD, trong khi khu vực trong nước nhập siêu tới 7,5 tỷ USD. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài năm 2007 chỉ là 21%, thấp hơn tốc độ tăng chung của cả nền kinh tế (kim ngạch nhập khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài năm 2003 tăng 31,5%; năm 2004: 25,8%; năm 2005: 23%; năm 2006: 20,9%).
Phân tích chi tiết hơn cho thấy nguyên nhân chính làm nhập siêu năm 2007 tăng đột biến so với những năm gần đây là do giá nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường thế giới đã tăng quá nhanh trong khi giá hàng xuất khẩu của nước ta tăng không tương xứng; ví dụ 9 tháng đầu năm, giá xuất nhập khẩu gạo tăng 17% so với cùng kỳ năm 2006, giá cà phê tăng 29%, giá hạt tiêu tăng 104%, giá phân bón tăng 10% (trong đó giá phân ure tăng khoảng 6%), giá phôi thép tăng 28%, giá thép thành phẩm tăng 16%, giá bột giấy tăng 19%, giá chất dẻo nguyên liệu tăng 11%... Tính chung, khoảng 1/2 tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu năm 2007 là do tăng giá nhập khẩu. Tình hình nhập siêu năm 2007 cho thấy phải loại trừ nhân tố giá ra khỏi kim ngạch xuất, nhập khẩu để có thể tính toán chính xác hơn tốc độ tăng trưởng đích thực của các chỉ tiêu này.
Mặt khác, cũng phải nhìn nhận việc chủ động khai thác những thuận lợi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động kinh tế đối ngoại gần đây của nước ta còn nhiều hạn chế. Do đó, mặc dù cơ hội đã được tạo ra nhưng việc tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu, tạo ra một bước phát triển đột biến sau khi gia nhập WTO, còn chưa tốt. Vì vậy, khi nhu cầu và giá cả trên thị trường thế giới tăng cao như trong giai đoạn hiện nay, trong khi Việt Nam phải hứng chịu các bất lợi ở phía đầu vào nhập khẩu, thì ở phía đầu ra xuất khẩu, Việt Nam lại không tận dụng được cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu cả về khối lượng lẫn kim ngạch.
6) Đảm bảo cân đối ngân sách trong năm đầu tiên gia nhập WTO
Thực hiện cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các thoả thuận tự do mậu dịch (FTA) đã ký kết với một số nước, từ đầu năm 2007 đã có 26 nhóm hàng, gồm 1.812 dòng hàng được điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu[1]với mức thuế suất giảm bình quân 14,5%; đồng thời, đã thực hiện giảm thuế theo cam kết (từ 90% xuống 80%) đối với mặt hàng ôtô chở người nói chung và ôtô nguyên chiếc nhập khẩu nói riêng (bình quân giảm 10%). Bên cạnh đó, trong năm 2007, đã thực hiện điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu (xăng dầu, sắt thép...)[2] nhằm hạn chế tác động tiêu cực của biến động giá cả tới sự phát triển của nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Ngoài các ảnh hưởng trực tiếp nêu trên, thực hiện cam kết WTO còn ảnh hưởng gián tiếp tới thu ngân sách vì hàng hóa nhập khẩu giảm giá sẽ làm giảm thị phần của hàng hóa trong nước, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và qua đó tới tổng thu nội địa.
Đáng mừng là trong năm đầu tiên gia nhập WTO, nền tài chính quốc gia nói chung, cân đối ngân sách nhà nước nói riêng tiếp tục được củng cố và cải thiện, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và khai thác tốt hơn các nguồn tài lực. Trên cơ sở tiến độ thu ngân sách đến nay, dự báo tổng thu cân đối ngân sách nhà nước cả năm 2007 thực hiện đạt 287,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2006 và vượt 2% so với dự toán. Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP đạt 25,2%. Nếu tính thêm phần kết chuyển từ năm 2006 sang cho năm 2007 thì tổng thu cân đối ngân sách đạt 311,5 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ thu ngân sách trên GDP đạt 27,3%.
Đồ thị 8: Quan hệ giữa tăng trưởng và thu – chi ngân sách nhà nước (%)
Trong tổng thu ngân sách nhà nước năm 2007, thu nội địa ước đạt 159 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với dự toán và 21% so với thực hiện năm 2006; thu từ dầu thô ước đạt 69,2 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5% so với dự toán và giảm 13,6% so với thực hiện năm 2006; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 56 nghìn tỷ đồng, vượt 1,1% so với dự toán và tăng 30,5% so với thực hiện năm 2006.
Trong năm 2007 cơ cấu thu ngân sách tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các nguồn thu ổn định từ nền sản xuất trong nước, giảm tỷ trọng các nguồn thu từ yếu tố bên ngoài. Tỷ trọng thu nội địa (không kể dầu thô) đã được nâng lên 55,3% trong khi tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu giảm xuống còn 19,5% và tỷ trọng thu từ dầu thô giảm xuống còn 24,1%; tổng hai nguồn thu từ yếu tố bên ngoài đã giảm xuống chỉ còn khoảng 43,6% tổng thu NSNN. Đặc biệt, các nguồn thu từ sản xuất kinh doanh nội địa đã tăng khá nhanh; tính chung thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 37,9% tổng thu nội địa, cao hơn so với các năm trước (2006: 36,3%; 2005: 33%).
Thực tiễn năm 2007 cho thấy bên cạnh các yếu tố tác động làm giảm thu ngân sách nêu trên, đã xuất hiện nhiều nhân tố mới làm tăng thu ngân sách như việc gia nhập WTO đã tạo thêm những điều kiện thuận lợi mới làm cho nền kinh tế đã tăng trưởng nhanh hơn, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng do được hưởng các ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên WTO. Mặt khác, giảm thuế cũng làm hàng hóa nhập khẩu tăng lên, dẫn tới tăng thu ngân sách từ các hoạt động nhập khẩu. Như vậy, việc giảm thuế suất theo các cam kết WTO có tác động không lớn đến tổng thu ngân sách; ngược lại, về trung, dài hạn, thực hiện các cam kết WTO có khả năng tác động tích cực tới nguồn thu và tính vững chắc của ngân sách vì góp phần kích thích kinh tế trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Đồ thị trên cho thấy tỷ lệ thu ngân sách trên GDP năm 2006 đã bắt đầu tăng chậm lại và giảm nhẹ trong năm 2007. Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố dầu thô. Sản lượng dầu thô khai thác đã giảm mạnh từ 20,05 triệu tấn năm 2004 xuống còn 18,5 triệu tấn năm 2005, 17 triệu tấn năm 2006 và khoảng 16-16,2 triệu tấn năm 2007; do đó khối lượng dầu thô xuất khẩu đã tương ứng giảm xuống. Mặt khác, giá dầu thô cũng tăng trưởng chậm lại hoặc giảm sút: giá dầu thô thế giới tăng từ 37,8 USD/thùng năm 2004 tăng lên 53,4 USD/thùng năm 2005, 64,3 USD/thùng năm 2006 song lại giảm xuống còn 61,6 USD/thùng trong 6 tháng đầu năm 2007.
Về chi ngân sách nhà nước: Nhờ tăng thu, nên các khoản chi đều có những cải thiện đáng kể. Tổng chi ngân sách nhà nước cả năm 2007 ước đạt 366,7 nghìn tỷ đồng, vượt 2,6% so với dự toán và tăng 14,5% so với năm 2006. Trong tổng chi ngân sách, chi đầu tư phát triển đạt 101,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm 2006. Chi trả nợ, viện trợ thực hiện đạt dự toán đầu năm; do đó đã đảm bảo thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ đến hạn. Tỷ lệ chi ngân sách trên GDP giảm so với năm 2006 (32,1% so với 33% năm 2006).
Bội chi ngân sách cả năm 2007 (đã tính khoản kết chuyển từ năm 2006 sang) đạt khoảng 56,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,95% GDP, thấp hơn mức 5% Quốc hội cho phép. Bội chi được bù đắp chủ yếu bằng các nguồn vay trong nước và một phần được bù đắp bằng vay ngoài nước. Dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài tiếp tục được duy trì ở mức hợp lý, bền vững, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia hiện nay và thời gian trung hạn tới. Tổng số nợ nước ngoài của Việt Nam tăng lên nhưng tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP vẫn tiếp tục xu hướng giảm xuống.
Như vậy, kinh nghiệm năm 2007 cho thấy việc gia nhập WTO chưa tác động lớn tới cân đối ngân sách nhà nước như nhiều lo ngại trước đây. Đây là một thành công rất lớn trong công tác điều hành chính sách tài chính quốc gia của Chính phủ; điều này càng có ý nghĩa khi việc cân đối ngân sách không dựa vào tăng giá dầu thô mà dựa chủ yếu vào nguồn thu nội địa.
7) Lạm phát tăng lên nhưng đã được điều chỉnh kịp thời và có khả năng giữ được trong tầm kiểm soát.
Trong những năm gần đây, chính sách tiền tệ ở nước ta đã được điều hành khá linh hoạt, vừa kiểm soát được lạm phát, vừa hỗ trợ tích cực cho quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán nhìn chung phù hợp với biến động của giá cả và tăng trưởng kinh tế, bình quân hàng năm tăng 22-24%. Nguồn vốn huy động tăng bình quân hàng năm khoảng 24%. Dư nợ cho vay toàn nền kinh tế bình quân tăng khoảng 25-27%. Tỷ giá VNĐ/USD cơ bản ổn định. Hệ thống ngân hàng phát triển khá nhanh. Lãi suất được tự do hóa, tạo điều kiện cho các ngân hàng chủ động điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay phù hợp với cung - cầu về vốn trên thị trường và những diễn động về  cung cầu và tỷ giá ngoại tệ.
Do vậy, thực hiện chính sách tiền tệ và phát triển hệ thống tài chính ngân hàng đã khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Tỷ trọng cho vay khu vực ngoài quốc doanh ngày càng tăng, tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm xuống. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng liên tục giảm mạnh. Nhờ thực thi chính sách tài chính lành mạnh, chính sách tiền tệ linh hoạt nên đã cơ bản duy trì được hệ thống giá ổn định; tỷ lệ lạm phát nằm trong tầm kiểm soát theo dự kiến tại các kế hoạch phát triển. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 năm 2001-2005 chỉ khoảng 5%, năm 2006 ở mức 6,6%.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2007, lạm phát (đo bằng chỉ số giá tiêu dùng) đang đã tăng trở lại với mức độ cao hơn so với cùng kỳ các năm trước. Tính đến hết tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 7,3% so với tháng 12 năm 2006. Chỉ số giá 9 tháng đầu năm tăng 7,53% so với 9 tháng đầu năm 2006, trong đó đặc điểm nổi bật là giá tăng ở tất cả các nhóm hàng với mức tăng từ 3,5% đến 10%. Mặt khác, nếu như trong hai năm 2005-2006, tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm dần qua các năm và giảm dần trong các tháng mùa hè, thì trong năm 2007, tình hình đã đảo ngược. Như vậy, đã có những nhân tố chung tác động đến tất cả các nhóm hàng, làm cho toàn bộ mặt bằng giá tăng lên, ngược lại với xu thế giảm dần đã hình thành trong hai năm qua.
Đồ thị 9: Tốc độ tăng giá tiêu dùng và tăng giá hai nhóm hàng chính
     giai đoạn 2000-2007 (tháng 12 so với tháng 12 năm trước%)
Về nguyên nhân, có thể thấy lạm phát năm 2007 đã xảy ra do cả 4 nhóm nguyên nhân chính, bao gồm:
(1) Do chi phí đẩy: Các nhân tố thuộc nhóm nguyên nhân này khá nhiều, gồm giá cả nhiều loại hàng hóa, nhất là nguyên nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, trên thị trường thế giới tăng mạnh do kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng nhanh trong khi tình hình chính trị quốc tế diễn biến phức tạp; thời tiết, khí hậu có tác động không thuận, dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới cũng gây mất cân đối cung - cầu làm giá nhiều loại hàng hóa tăng lên. Với một nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu như nước ta, hiển nhiên tăng giá nguyên liệu trên thị trường thế giới đang là tác nhân hết sức quan trọng liên tục đẩy tỷ lệ lạm phát của nước ta lên cao. Không chỉ ở nước ta, nhìn chung, lạm phát đã tăng lên ở nhiều nước trên thế giới.
Mặt khác, trong năm 2007, Việt Nam tiếp tục quá trình điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng thị trường nên giá xăng đã tăng thêm 1700 đồng/lít với mức tăng so với đầu năm là 13%; giá điện bình quân cũng được điều chỉnh tăng 7,6%... Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác do Nhà nước khống chế giá cũng được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Việc tăng giá chủ động này đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành sản phẩm của ngành công nghiệp và dịch vụ[3]. Ngoài ra, do đồng tiền Việt Nam được neo vào đồng đô la Mỹ trong khi đồng đô la lại mất giá khá mạnh so với đồng Euro và các ngoại tệ khác, làm cho giá hàng nhập khẩu của ta tăng lên khi tính theo đồng nội tệ.
Cuối cùng, không thể không kể đến nhân tố tăng lương hàng năm trong khu vực kinh tế nhà nước trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2012 theo lộ trình đã được Chính phủ thông qua. Do tốc độ tăng lương khá cao và sẽ còn kéo dài, nên tăng lương đã vừa trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào, vừa gián tiếp gây tâm lý lạm phát, đẩy mặt bằng giá chung toàn nền kinh tế tăng lên.
(2) Do cầu kéo hay mất cân bằng cung cầu trên thị trường hàng hóa: Tại các nước đang phát triển, nguyên nhân đầu tiên của lạm phát theo lý thuyết trọng cơ cấu là cung hàng hóa nông sản không đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá. Thực tế ở nước ta năm 2007 đã xảy ra đúng như vậy. Do sản lượng lương thực năm 2007 chỉ tăng khoảng 150 nghìn tấn so với năm 2006 nên sản lượng lương thực đầu người giảm khá mạnh (tình hình này đã kéo dài từ vài năm trước). Riêng sản lượng thóc năm 2007 chỉ đạt 35,6 triệu tấn, giảm khoảng 200 nghìn tấn so với năm 2006. Mặt khác, xuất khẩu gạo năm 2007 chỉ giảm nhẹ so với năm 2006 (4,5 triệu tấn so với 4,6 triệu tấn). Hậu quả là đã xảy ra tình trạng thiếu hụt lương thực khá rộng trong nửa đầu năm 2007; chỉ đến khi Chính phủ chỉ đạo tạm dừng ký mới các hợp đồng xuất khẩu, tình trạng mất cân bằng mới giảm bớt.
Mặt khác, dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại tại nhiều địa phương trong khi nhiều loại dịch bệnh khác như lở mồm long móng ở các loại gia súc, dịch tai xanh ở lợn, các loại dịch bệnh khác ở thuỷ sản... đã phát sinh và lan rộng làm mất cân đối cung cầu về thịt cá. Do thời tiết không thuận, sản lượng rau màu tăng chậm lại (trong khi xuất khẩu tăng nhanh). Những yếu tố này đều góp phần làm mất cân bằng cung cầu trên thị trường hàng hóa, đẩy giá thực phẩm tăng lên rất cao.
Bên cạnh đó, sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ có dấu hiệu không đáp ứng cầu. Một trong những biểu hiện vĩ mô của mất cân đối cung cầu là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP và tăng khá mạnh so với các năm trước. Theo các phân tích vĩ mô ở trên, trong năm 2007, sản xuất trong nước (GDP) và nhập siêu đều tăng lên rất cao, trong khi tỷ lệ đầu tư trên GDP giảm sút; điều này chứng tỏ tiêu dùng đã tăng lên rất nhanh. Ngoài ra, sau một số sôi động trong hai tháng đầu năm, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đều chững lại, thậm chí giảm mạnh hoặc đóng băng; hậu quả là một lượng tiền quan trọng lẽ ra cần phải đưa vào đầu tư phát triển lại được chuyển sang cho tiêu dùng, làm trầm trọng thêm các mất cân bằng cung cầu trên thị trường hàng hóa.
(3) Do nguyên nhân tiền tệ và tín dụng: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2007 tăng cao hơn nhiều so với các năm trước. Vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp và chuyển tiền tư nhân (chủ yếu là tiền kiều hối) cũng tăng rất nhanh. Tính chung, lượng vốn ngoại tệ ròng chảy vào nền kinh tế nước ta cả năm có thể đạt 13 tỷ USD. Bên cạnh những tác động tích cực đối với nền kinh tế, dòng ngoại tệ từ bên ngoài đưa vào tăng mạnh đã tạo sức ép tăng giá VNĐ, buộc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp mạnh để ổn định tỷ giá nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Hậu quả là tổng phương tiện thanh toán và tín dụng cho nền kinh tế tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước và so với các chuẩn mực quốc tế, gây ra áp lực lạm phát.
Thực tế cho thấy giá của tất cả các nhóm hàng hóa tiêu dùng đều tăng khá mạnh so với những năm trước; điều này phản ánh hiện tượng tăng giá có nguyên nhân chung. Kết hợp với các thông tin về tăng trưởng tiền tệ, tín dụng nêu trên, có thể kết luận đó là nguyên nhân tiền tệ. Điều này càng rõ vì nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng chịu tác động của biến động giá cả thế giới song chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng ở mức thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, do chỉ là một trong nhiều nguyên nhân nên yếu tố tiền tệ chỉ giải thích một phần hiện tượng lạm phát ở nước ta năm 2007.
(4) Do nguyên nhân cơ cấu, thể hiện ở tổ chức quản lý thị trường, quản lý giá cả còn nhiều bất cập. Những hiện tượng trốn lậu thuế, gian lận thương mại, lợi dụng độc quyền, liên kết độc quyền, đầu cơ nâng giá chưa có giải pháp và chế tài kiểm soát có hiệu quả. Tổ chức hệ thống đại lý bán lẻ nhiều loại vật tư quan trọng lỏng lẻo, nhất là trong kinh doanh sắt thép, xăng dầu,... dẫn đến lợi dụng, tuỳ tiện trong định giá, găm hàng đầu cơ, đẩy giá thị trường lên cao. Ngoài ra, phải kể đến một nguyên nhân quan trọng nữa làm lạm phát cũng tăng lên do yếu tố tâm lý.
Hiện nay, Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để tăng cung, kiểm soát cầu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thu hồi bớt lượng tiền tệ và tín dụng trên thị trường... Những biện pháp này sẽ phát huy tác dụng ngay trong những tháng cuối năm 2007, nên tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng cho nền kinh tế cũng như một số nguyên nhân khác dẫn đến lạm phát sẽ từng bước được kiểm soát. Do vậy, dự báo tỷ lệ lạm phát cả năm 2007 chỉ khoảng 8-8,2%, tức là nằm trong giới hạn cho phép và chấp nhận được đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi và tăng trưởng nhanh như nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, hầu hết các biện pháp đã và đang thực hiện đều dựa vào nguồn tài chính của nhà nước; một số biện pháp được thực hiện một cách trực tiếp thông qua các mệnh lệnh hành chính; các biện pháp chưa được xây dựng chủ động, đồng bộ từ trước, chưa có cơ sở khoa học vững chắc, mang nặng tính đối phó; một số giải pháp chưa được thực hiện kiên quyết, đúng tầm... nên hiệu quả chưa cao và sức ép lạm pháp vẫn rất lớn, có thể kéo sang cả năm 2008.
8) Đánh giá khái quát tình hình phát triển kinh tế năm 2007:
Nhìn chung, môi trường phát triển năm 2007 của nước ta có một số biến động song cơ bản là thuận lợi. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao và thu được nhiều thành tựu quan trọng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tăng trưởng vẫn phụ thuộc các các nhân tố tăng trưởng của những năm trước là đầu tư, lao động, xuất khẩu và tiêu dùng; tuy nhiên vai trò của chúng đang được điều chỉnh. Trong khi vai trò của đầu tư giảm đi, vai trò của lao động và xuất khẩu ổn định hoặc giảm nhẹ thì vai trò của tiêu dùng đang nổi lên rất mạnh như là nhân tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng, trong đó tiêu dùng chính phủ đang có xu hướng tăng nhanh. Điều này phản ánh vai trò của các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng (vốn, lao động) đã chậm lại, trong khi vai trò của các nhân tố theo chiều sâu (hiệu quả đồng vốn, năng suất lao động) và thị trường (tiêu dùng) tăng nhanh. Các hoạt động tài chính, ngân hàng, giá cả mặc dù có những biến động song đều phát triển tích cực hoặc vẫn trong tầm chấp nhận được.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn thách thức tiếp tục bộc lộ, có mặt trở lên gay gắt hơn trong năm 2007. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa nhanh, chưa đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là đối với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư. Hoạt động đầu tư chậm lại, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, có nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Tiêu dùng bùng phát trong khi cung nhiều loại hàng hóa không đáp ứng, có nguy cơ làm mất cân đối cung cầu trên thị trường hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng tiền tệ, tín dụng tăng nhanh, kéo theo tỷ lệ lạm phát tăng cao và rất tốn kém để kiểm soát. Xuất khẩu mặc dù vẫn tăng trường khá nhanh song không như kỳ vọng sau sự kiện gia nhập WTO, làm cho kim ngạch nhập siêu tăng lên quá nhanh, ảnh hưởng đến cân đối cán cân thanh toán quốc tế và ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn. Vai trò và ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài (thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và dầu thô) tới cân đối ngân sách vẫn khá lớn. Những khó khăn thách thức này đang đòi hỏi phải có những một số giải pháp lớn, cơ bản và dài hạn thì mới có thể đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại trạng thái phát triển cân đối, hài hoà và bền vững.



[1] Nhóm mặt hàng có thuế suất giảm mạnh tính đến cuối tháng 6 là hàng dệt may (vải giảm từ 40% xuống còn 12%, quần áo từ 50% xuống 20%...), nhóm mặt hàng có thuế suất cao từ 30 - 50% (chủ yếu là hàng tiêu dùng như rau hoa quả tươi, dầu thực vật, thực phẩm chế biến, mỹ phẩm, một số loại giấy, một số phụ tùng xe máy, dụng cụ cơ khí cầm tay....) được điều chỉnh với mức giảm từ 5 - 20%.
[2] Riêng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu giảm từ 15% xuống 10%, 5%, hiện nay là 0%.
[3] Điều chỉnh giá bán điện tăng bình quân 7,6% từ ngày 1/1/2007; giá bán than cho sản xuất giấy, phân bón, xi măng tăng 20% từ ngày 15/1/2007; giá bán than cho điện tăng 10% từ ngày 5/2/2007. Giá bán lẻ xăng trong nước tăng 8,9% từ ngày 6/3/2007 và từ ngày 1/5/2007 thực hiện trao quyền tự quyết định giá cho doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Ở Liên Xô 120 rubl có thể mua được gì trong những năm 1980 ?

Ở Liên Xô có thể mua được gì với 120 rubl vào đầu những năm 1980s
Что можно было купить в СССР на 120 рублей в начале 80-х
Dmitri Chernyshev, Kichbu theo: mi3ch.livejournal.com
Một bài báo trên tạp chí The New Yorker viết rằng có thể mua được gì ở Liên Xô trong thập niên tám mươi với mức lương trung bình là 120 rubl.
12.000 hộp diêm (loại 50 que mỗi hộp) , 12.000 cốc nước soda từ máy bán hàng tự độngtrên đường phố (loại không có siro), 12.000 bút chì tiêu chuẩn, 12.000 lát bánh mì trong nhà ăn công cộng.
6000 cuộc gọi từ máy điện thoại trên đường phố.

4.000 cốc nước soda với siro, 4.000 cốc nhỏ kvas (0,25 lít ) từ máy bán hàng tự động trên đường phố, 4.000 tờ báo của phần lớn các báo ra hàng ngày ở Liên Xô ( "Pravda", " Leningradskaya Pravda", "Izvestia", "Thể thao Xô Viết", và v.v…), 4.000 chuyến đi tàu điện, 4.000 tách trà (không có đường) cafeteria , 4000 bút chì tiêu chuẩn có tẩy.

3.000 chuyến đi trên xe troleibuyt, 3.000 bánh nhân thịt /bắp cải /gan/ khoai tây/cá / nóng.

2.400 chuyến đi trên tàu điện ngầm/ xe buýt, , 2.400 nhánh thì là / mùi tây, 2.400 bánh mì tròn, 2.400 quả bóng bàn , 2.400 hộp thuốc đánh răng bạc hà, 2.400 cốc hạt hướng dương.

2.000 cốc lớn kvas (0,5 lít ), 2.000 bưu thiếp , 2.000 cốt lết trong cafeteria, 2.000 gói của vitamin C.

1710 cây kem cốc giấy nhỏ, 1.710 lần cắt tóc bằng máy trong tiệm cắt tóc, 1710 đĩa salad trong cafeteria, 1.710 bóng đèn.
1.500 bánh mật ong, 1.500 sở ghi chép nhỏ, 1.500 ly nước nhựa bạch dương tại cửa hàng thực phẩm.

1333 cốc kem sữa bọc giấy.

1.200 cốc nước cà chua tại cửa hàng thực phẩm, 1.200 kg muối, 1200 bánh mì cặp xúc xíchtại cafeterria, 1.200 kg khoai tây, 1.200 hộp cap mù tạc.
1091 tờ báo "Literaturnaya gazeta", " 1091 eskimo.

1.000 kg cà rốt.

923 quả trứng gà , 923 ổ bánh mì (trắng) bánh mì.

857 gói thuốc lá không đầu lọc "Prima".

800 quả dưa hấu (trong mùa).

750 kg bột mì, 750 gói sữa hộp hình tam giác( 0,5 lít ), 750 ổ bánh mì (đen) tròn lớn.

600 km đi taxi trong thành phố.
545 gói thuốc lá "Belomorkanal".

500 vại bia nhỏ (0,25 lít ) trong quán bia , 500 chai giấm loại nửa lít.
480 ổ bánh mì trắng , 480 vé xem phim, 480 gói bơ thực vật, 480 chai sữa loại nửa lít.

430 chai Pepsi 0,33 lít, 430 gói xà phòng nhập khẩu.

400 gói thuốc lá đầu lọc "Java " hoặc "Laika".

360 hộp cá mòi trong nước sốt cà chua.

343 cốc bia lớn (0,5 lít ), 343 chiếc lược nhựa, 343 gói thuốc lá Bungari "Rodopi" hoặc "Aeroflot".

320 bữa ăn tối gồm ba món trong cafeterria.

250 hoa tulip tại chợ nông trang, 250 vé số, 250 gói thuốc lá Bungari "Tu-154 " hoặc"Opal".

219 lon sữa đặc.
170 cây kéo, 170 bút bi.

167 hộp nước táo ép loại 3 lít.

160 chiếc lược kim loại.
150 cái chảo gang, 150 gói thuốc lá "BT ".

133 đôi tất , 133 chiếc khăn tay , 133 kg đường.

120 bữa ăn trưa trong cafeterria, 120 ngày cho một chiếc giường trong một căn phòng chung ở khu nghỉ dưỡng tại Biển Đen (vào mùa cao điểm). 

118 chai "Cabernet".
114 chai rượu vang đỏ khai vị.
109 chai rượu vang trắng, 109 kg chuối (trên lý thuyết; khó mua).
92 cuốn phần một hoặc phần hai sách giáo khoa Tiếng Anh thông dụng nhất ở Liên Xô English (N.A. Bonk ).

86 kg cam (trên lý thuyết).

80 chai vodka Moscow (0,25 lít), 80 chai vermouth trắng , 80 tháng thanh toán hóa đơn điện thoại nhà.



73 chai dầu hướng dương.
71 kg xúc xích đã nấu chín "Chanaya".

63 kg thịt hoặc thịt gà (được gọi là "chim xanh"), 63 đĩa nhạc tiêu chuẩn của hãng "Melody".

50 chai rượu vang trắng "Rkatsitelli".

48 bộ đồ bơi sản uất trong nước.
45 bánh gato kem.

42 chai nửa lít vodka Moscow.
41 kg xúc xích đã luộc chính "Doctorskaya".

40 kg pho mát ("Nga", "Hà Lan"), 40 bữa ăn tối tại nhà hàng , 40 đôi giày thể thao sản xuất tại Trung Quốc, 40 cuốn sách mới , 40 cặp vải trãi giường nhập khẩu, 40 tháng hóa đơn tiền điện, 40 quả bóng da.

38 cặp quần huấn luyện, 38 chai porvei nội địa "777".

33 chai Champagne Liên Xô, 38 chai nửa lít vodka "Pshenichnaya".

30 bộ cờ vua bằng gỗ.

29 chai cognhac ba sao của Liên Xô, 29 chai vodka "Extra".

28 chảo nhôm.

24 cái bàn là.

18 chiếc gối lông vũ , 18 tấm vải trải giường.

17 chiếc ghế gỗ.

14 đôi dép mùa hè của Trung Quốc.

12 kg kẹo chocolate, 12 chuyến tàu chuyến đi "Leningrad-Moscow".
11 tấm khăn lanh trải bàn.

10 vợt tennis bằng gỗ, 10 chiếc mũ thỏ mùa đông.

9 chiếc ghế xếp.

7 chiếc áo sơ mi.

6-7 chiếc vé máy bay Leningrad-Moscow.

6 chiếc máy ảnh rẻ tiền hiệu "Smena".

5 chiếc vé máy bay đến Biển Đen (Odessa, Simferopol).

4 đôi dày do Liên Xô sản xuất.

3 máy hút bụi.

2 chiếc xe đạp rẻ tiền.

1,8 bộ trang phục do Liên Xô sản xuất.
0,8 cái áo palto do Liên Xô sản xuất.
0,67 vé máy bay đến đầu bên kia của đất nước (Vladivostok), 
0,67 quần jean trên thị trường chợ đen (nếu may mắn).
0.6 máy truyền hình đen-trắng loại rẻ tiền.

0,35 máy nghe nhạc "Vega".

0,3 máy lạnh "Minsk".

0,27 máy truyền hình "Elektronika".
0,17 máy truyền hình màu.

0,024 xe ô tô "Moskovich-412".
0,01-0,0001 đa số các kiểu ô tô khác.

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Nhật sắp thoát khỏi 15 năm giảm phát

Trong bài này, đúng ra phải thay từ "giảm phát" bằng từ "thiểu phát". Giảm phát xảy ra khi vẫn có lạm phát nhưng tốc độ lạm phát giảm dần; trong khi thiểu phát là tình trạng tỷ lệ lạm phát âm, tức mặt bằng giá chung liên tục giảm qua nhiều tháng (ít nhất là 3-4 tháng liên tục).
Nhật sắp thoát khỏi 15 năm giảm phát
Giá tiêu dùng của Nhật Bản đang tăng ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, dấu hiệu cho thấy chính sách nhằm cải thiện tình trạng giảm phát của chính phủ đang phát huy tác dụng.
Chính sách tăng nguồn cung tiền của Thủ tướng 
Shinzo Abe giúp hàng xuất khẩu của Nhật rẻ hơn ở nước ngoài
Chỉ số lạm phát cơ bản, vốn không bao gồm giá lương thực, tăng 1,2% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt trên mức trông đợi của thị trường. Như vậy, tính đến nay, Nhật đã đạt được một nửa chỉ tiêu lạm phát 2% trước năm 2015 mà ngân hàng trung ương nước này đặt ra trước đó.

Đây là thành quả của chương trình tăng nguồn cung tiền khổng lồ nhằm làm suy yếu đồng yen và thúc đẩy tiêu dùng.

Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản, ông Haruhiko Kuroda, nói nhà chức trách nước này đang tìm cách phá vỡ tình trạng giảm phát kéo dài.

Nhật đã phải đối mặt với gần hai thập niên giảm phát và tăng trưởng kinh tế đình trệ vì tâm lý cho rằng giá sẽ tiếp tục hạ khiến doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình trở nên dè dặt trong chi tiêu.

"Chính sách của Ngân hàng Nhật Bản khác những ngân hàng trung ương khác ở chỗ nó tập trung vào việc chuyển hướng tâm lý của công chúng," ông Kuroda nói vào thứ Tư.

"Chúng ta đang chứng kiến sự cải thiện trên diện rộng đối với nền kinh tế, các thị trường cũng như tâm lý tiêu dùng. Đây là cơ hội tốt nhất để chấm dứt giảm phát."

Thị trường tăng mạnh

Một số thống kê kinh tế khác được công bố vào thứ Sáu cũng cho thấy kinh tế Nhật dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe đang giữ vững đà phục hồi.

Mức lương bình quân đã ngưng suy giảm lần đầu tiên trong 17 tháng trở lại đây, trong khi sản lượng nhà máy tăng trong tháng thứ ba liên tiếp. Doanh số bán lẻ cũng tiếp tục tăng mạnh.

Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đã giúp chỉ số Nikkei tăng lên mức 16.178,94 điểm, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Tỷ giá đồng yen cũng vừa chạm mốc chỉ tiêu, 105 yen một đôla, trước những tín hiệu kinh tế tích cực.

Nhờ chương trình in tiền của chính phủ, đồng yen cho đến nay đã mất một phần tư giá trị khi quy đổi ra đôla trong năm nay.

Đây là chủ trương chính trong kế hoạch của ông Abe nhằm hồi phục nền kinh tế lớn thứ ba thế giới bằng việc giúp cho hàng xuất khẩu của Nhật trở nên rẻ hơn ở nước ngoài.