Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Bài viết hay(734)

hoibia-6100-1386491443.jpg
ĐỪNG LỖI HẸN VỚI THỰC TẠI
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, tôi thường ra một quán cà phê hay tiệm sách gần nhà để ngồi đọc sách.  Ở bên này có những tiệm sách lớn, bên trong có hàng bán cà phê với những chiếc bàn nhỏ, chúng ta có thể ngồi uống nước, đọc sách hay viết lách gì cũng được, rất thích và tiện lợi.

Có một lần ngồi nơi chiếc bàn nhỏ trong góc phòng, tôi nghe họ mở bài hát “Send In the Clowns“.  Bài hát có nhịp điệu chậm, với những nốt nhạc đều đều như một lời thở than.  Tôi vẫn nghe bài hát này rất nhiều lần nhưng có lẽ chưa bao giờ hiểu ý tác giả!  Có người bạn giải thích rằng, ngày xưa trong những gánh xiếc, mỗi khi có những màn trình diễn nào nguy hiểm nếu lỡ có tai nạn xảy ra, thường có một anh hề chạy vào sân khấu làm trò để che lấp, đánh lạc hướng chú ý của khán giả.  Và trong cuộc đời cũng vậy, mỗi khi gặp khổ đau, đôi khi người ta cũng muốn tìm kiếm một niềm vui tạm bợ nào đó, để khoả lấp vấn đề.   Bài hát ấy là của một nhân vật nữ trong một vỡ nhạc kịch, cô ta than thở và mỉa mai những thất vọng trong cuộc sống của mình, send in the clowns.  Và cô hy vọng rằng, sang năm sau đời cô sẽ có nhiều hạnh phúc hơn, well, may be next year…

Mà cuộc đời này thì có bao giờ mà lại không còn những thất vọng bạn nhỉ?  Chắc bạn còn nhớ câu truyện về người mẹ trẻ mất một đứa con nhỏ.  Cô tìm gặp đức Phật và cầu xin Ngài làm cho đứa con yêu dấu được sống lại.  Đức Phật bảo cô hãy đi xin một hạt cải từ một căn nhà nào mà trong gia đình chưa từng có người chết.  Cô đi từ sáng đến chiều, nhưng nhà nào cô gõ cửa hỏi cũng đều có người đã qua đời.  Rồi đến một lúc cô tự nhiên chợt thấy ra!  Điều cô mong muốn, nó không hiện hữu trên cuộc đời này.

Bạn nghĩ gì về lời khuyên của Phật cho người mẹ trẻ ấy!  Đức Phật không thuyết giảng cho cô nghe về lý vô thường, về khổ đau, về những mất mát trong cuộc đời.  Ngài chỉ khuyên cô hãy tự nhìn và lắng nghe đi, và rồi mình sẽ thấy ra.  Và nhờ vậy mà cô thôi không còn ôm ấp một khổ đau chung, và nhận đó là chỉ của riêng chính mình.  Có những khổ đau to tát quá, câu hỏi bao la quá, mà ngôn ngữ không thể nào diễn đạt được.  Nhiều khi sự giải thích chỉ làm người ta vướng mắc thêm thôi.

Nhìn thấy chứ không cần tìm kiếm

Mấy ngày nay trời mưa thật nhiều.  Tôi nghe nói mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn mọi năm.  Mới đầu tháng chín mà đã thấy có vài chòm lá đổi màu.  Sáng nay trời vần vũ mây đen âm u cả ngày.  Sau những ngày mưa, con suối ngập nước, những làn nước trong chảy mạnh mẽ tràn qua các khe đá lớn.  Con suối nhỏ nhưng tiếng nước chảy róc rách vang thật xa trong khu rừng.

Chánh niệm có nghĩa là ta có ý thức sáng tỏ về những gì đang xảy ra trong giờ phút này.  Và tôi cũng ý thức được một điều là chánh niệm không phải để ta tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề, mà là giúp ta thấy được điều gì đang thật sự xảy ra.  Điều ấy đã giúp tôi rất nhiều trong sự tu học.  Tôi kinh nghiệm rằng, chỉ cần thấy và cảm nhận được những gì xảy ra trong ta thôi, cũng mang lại một năng lượng giải thoát rất lớn.  Mỗi khi giận, ta chỉ cần ý thức được biểu hiện của cơn giận ấy trong ta như thế nào, trong cảm giác nơi thân, qua những xúc động của mình…

Chúng ta không cần hỏi tại sao, không cần tìm hiểu nguyên nhân, và cũng không cần thay đổi gì hết, chỉ cần nhận diện thôi cũng là đủ!  Thấy được rồi, ta sẽ bớt để bị chúng sai xử mình thêm.  Bạn có thấy vậy không?  Mỗi khi ta càng cố gắng tìm hiểu vấn đề bao nhiêu, là ta lại càng bị nó dẫn dắt đi theo con đường mòn cũ, của một cái tôi nhỏ bé của mình mà thôi.

Thấy được cả bầu trời

Nhưng muốn thấy cho rõ thì ta cần phải biết để cho mình được rỗng lặng và trong sáng phải không bạn!  Có ai cứ hấp tấp, vội vã mà lại thấy được việc gì đang xảy ra bao giờ đâu!  Ông Trang Tử có viết “Người ta, không ai lại soi mình ở dòng nước chảy, mà soi mình ở dòng nước đứng.  Chỉ có cái gì ngưng lặng mới có thể làm cho người khác ngưng lặng được.”  Tôi nghĩ, trong đời sống bận rộn hằng ngày chúng ta khó có một khả năng dừng lại!  Thỉnh thoảng ta cũng cần có một không gian mới giúp ta ngưng lặng lại để soi thấy chính mình.  Chỉ có cái gì ngưng lặng mới có thể làm cho người khác ngưng lặng được.  Khi mặt nước lặng yên ta sẽ thấy được cả một bầu trời.

Chánh niệm có khả năng chuyển hoá những khó khăn và vấn đề nào nó soi sáng, nhưng sự chuyển hoá ấy phải là một tiến trình hữu cơ, an organic process.  Sự chuyển hóa ấy là do một cái thấy và biết đơn thuần.  Ví dụ như khi trong ta có một cơn giận khởi lên, nếu như ta có chánh niệm và ý thức được là mình đang giận, thì chuyện gì sẽ xảy ra?  Ta sẽ trở nên hết giận chăng?   Thật ra tôi nghĩ, chánh niệm về cái giận không có nghĩa là ta sẽ trở nên hết giận, mà là ta thấy  được cái giận của mình.  Đó mới là quan trọng.  Và khi ta thấy được cơn giận ấy trong ta, biểu hiện qua những cảm thọ và ý nghĩ của mình, thì sự chuyển hóa sẽ xảy ra tự nhiên thôi.

Một cái thấy sâu sắc sẽ mang lại cho ta một tự do rất lớn.  Tôi thấy mình có tự do hơn khi ta tập nhìn, chú ý, và không cần hỏi tại sao nữa!  Mỗi khi phải đối diện với những hoàn cảnh khó khăn, bước vào những trường hợp khó xử, thay vì phân tách và lo âu, mong cầu hay lo sợ, thì tôi chỉ tự nhớ quay lại nhìn những cảm xúc của chính mình.  Khi ta thật sự có mặt với những gì đang xảy ra, thực tại sẽ trở nên sáng tỏ, và sự chuyển hóa sẽ là việc tự nhiên.

Thiền Tập là một việc làm tự nhiên

Khi nói đến thiền tập chúng ta thường nghĩ rằng đó là một công việc của tâm ý.  Chúng ta nghĩ rằng ngồi thiền có nghĩa là ta tập luyện, quán chiếu, hoặc suy tưởng sâu xa về một vấn đề nào đó.  Tông phái thiền Tào Động có một phương châm thực tập là “Just Sitting”, chỉ cần ngồi thôi.  Ngồi cho yên là đủ rồi.  Ta ngồi cho thoải mái, ngồi sao cho thân mình được nguyên vẹn và tỉnh giác, ta không cần phải phân tách, suy tư, quán chiếu, hay tìm một sự an lạc nào hết.  Ta chỉ cần ngồi thư giản, buông thả cho thật tự nhiên.  Khi thân yên rồi thì tâm cũng sẽ được an.  Ngọn đèn của mình còn lao chao quá thì những gì ta thấy cũng chỉ là những bóng dáng xưa cũ của chính mình mà thôi, phải thế không bạn?

Trong những khóa tu học tôi thấy người ta thường thắc mắc và đặt những câu hỏi như là tại sao, làm sao, thực tập như thế nào…  Phải chi mình hãy cứ thử ngồi lại cho thân tâm được thong thả tự nhiên trước đã.  Mà thật ra, không phải khi ngồi yên rồi ta sẽ tìm thấy được câu trả lời đâu!  Nhưng rồi, ta sẽ thấy thật sự mình không có một câu hỏi nào hết, không có gì quan trọng cần phải được giải đáp hết.  Vì mọi việc đều có mặt rất tự nhiên.

Nhìn thấy để mỉm cười

Có những vị thiền sư còn khuyên chúng ta hãy mỉm cười với những gì đang có mặt với ta.  Ta mỉm cười với mặt trời hồng buổi sáng, với áng mây tím buổi chiều.  Chúng ta mỉm cười với buổi sáng thứ hai trong sở làm, mỉm cười với một ngày mưa, với một chiếc lá đẹp, một bài nhạc hay, khi chiếc xe của mình có vấn đề, khi lòng mình đang bất an, khi trong thân mình có một cơn đau…

Mấy tháng trước nướu răng tôi bị đau, tôi có đi bác sĩ vài lần nhưng cũng không thấy bớt.  Thấy tôi cứ trở lại phàn nàn, vị bác sĩ nói “Anh biết không, nướu anh bị đau vì nó đang yếu, cần thời gian mới lành hẳn lại.  Mà anh cũng nên mừng đi vì nó còn tốt nên anh mới còn thấy đau đó.  Chứ khi nào nó không đau nữa thì chừng đó anh hãy lo và phàn nàn!”  Cái đau cũng là một dấu hiệu của sự sống bạn hả?  Và mỗi ngày tôi mỉm cười với cái đau của mình.  Chúng ta hãy làm hết tất cả những gì mình cần làm để cuộc sống nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng nhớ mỉm cười với tất cả bạn nhé!

Trong cuộc sống sẽ có những vấn đề, những khó khăn xảy đến cho chúng ta, không tránh được.  Chúng như là một mũi tên bắn vào thân ta.  Nhưng chúng ta lại thường tự bắn thêm cho mình một mũi tên thứ hai trong tâm, đó là sự buồn khổ, lo âu, tưởng tượng… của mình đối với chúng.  Đức Phật khuyên chúng ta đừng nên mang khổ đau chồng lên thêm khổ đau làm gì.  Đừng tự bắn cho mình thêm mũi tên thứ hai!  Hãy nhìn thấy và mỉm cười với mũi tên thứ nhất, để mũi tên thứ hai trở thành một bàn tay ấm áp chở che của tâm từ, nhờ vậy mà vết thương của ta cũng sẽ được mau lành hơn.

Hạnh phúc ở nơi mình đang ngồi

Tôi đến mua một ly cà phê nóng và đi xuống dãy kệ sách về tâm lý học, self-help, và tôn giáo trong tiệm sách.  Bạn có biết những quyển sách bán chạy ngày nay có tựa đề liên quan đến đề tài nào nhiều nhất không?  Hạnh phúc!  Trên kệ tôi thấy có rất nhiều quyển sách với tựa đề về “happiness”!  Chúng ta đang sống giữa một xã hội có đầy đủ hết những nhu cầu vật chất, nhưng người ta vẫn cảm thấy trống vắng, thiếu thốn, và đi tìm kiếm hạnh phúc.  Tôi thấy ngày nay những quyển sách viết về hạnh phúc thường nhắc đến việc sống trong giây phút hiện tại.  Điều này có thể khiến ta nghĩ rằng khi ta có mặt trong hiện tại thì mình sẽ có hạnh phúc.

Nhưng bạn biết không, tôi trở về với hiện tại không phải để đi tìm hạnh phúc, mà là để tiếp xúc lại với những gì đang có mặt.  Hễ ta còn tìm kiếm và mong cầu thì ta sẽ không bao giờ gặp.  Tôi có đọc một câu thư pháp,Có khi lỗi hẹn một giờ, lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm.”  Tôi nghĩ, chúng ta lỡ hẹn với giây phút hiện tại này không phải vì mình chần chờ, do dự, mà phần lớn cũng tại vì mình cố gắng và mong cầu quá đi thôi.  Ta hãy mỉm cười tự nhiên và ngồi lại đây, để mình không phải lỗi hẹn với giây phút này.

Hôm nay trời trở lạnh và nhiều mây.  Dường như trời đất cũng vừa mới sang mùa vào cơn mưa buổi sáng nay!

Nguyễn Duy Nhiên
ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Cư sĩ Upasika Kee Nanayon (1901-1978), còn được biết đến qua bút danh Khao Suan Luang, là một trong những nữ giảng sư nổi tiếng của Thái Lan ở thế kỷ XX. Bà cũng là tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng.

Năm 1945, bà thành lập một trung tâm thiền nhỏ tại một vùng núi thuộc ngoại ô Bangkok. Phật tử từ khắp nơi trên đất nước Thái Lan tụ về đó để nghe bà giảng pháp, cho đến khi bà mất năm 1978.

Vào tháng 6-1973, Cộng đồng Khao Suan Luang làm lễ thượng thọ cho Upasika Kee khi bà được 72 tuổi - một bước quan trọng trong một nền văn hóa mà mỗi thế hệ là 12 năm - bằng cách cho in cuốn sách tập hợp những lời trích ra từ các bài pháp của Upasika Kee. Dưới đây là bản trích dịch từ tuyển tập đó.

Muốn tu tập, trước hết bạn phải là người yêu chân lý - và bạn cần phải biết chịu đựng, kiên nhẫn để làm những gì bạn Muốn tu tập, trước hết bạn phải là người yêu chân lý - và bạn cần phải biết chịu đựng, kiên nhẫn để làm những gì bạn cho những uế nhiễm và tâm tham ái của bạn giống như trước đó.

Khi không thực tập quán chiếu, là bạn đã tự tạo cho bản thân bao khổ đau, đã tạo cho tha nhân bao khổ đau. Đây là những điều mà chúng ta cần phải quán chiếu càng nhiều càng tốt. Nếu không, chúng ta cứ muốn có thêm, có thêm nữa. Chúng ta không cố gắng buông bỏ, không cố gắng gạt bỏ mọi chuyện qua một bên, không muốn hy sinh bất cứ thứ gì. Chúng ta sẽ cứ tiếp tục gom góp thêm, vì càng có nhiều, ta càng muốn nhiều hơn nữa.

Nếu bạn tham lam, bủn xỉn, thì dầu bạn có bao nhiêu tiền của, Đức Phật vẫn coi bạn là người nghèo: nghèo các tài sản cao thượng, nghèo các tài sản tâm linh. Dầu bạn có nhiều của cải vật chất bên ngoài, khi bạn mất đi, tất cả đều sang qua tay người khác, tất cả trở thành tài sản chung, chỉ có bản thân bạn bị bỏ rơi trong sự nghèo nàn đức hạnh, nghèo giáo pháp.

Tâm không có mái nhà - tâm không có pháp làm nơi nương tựa - phải chung sống với các uế nhiễm. Khi một uế nhiễm phát khởi, tâm liền chạy theo nó. Khi uế nhiễm đó biến mất, thì một uế nhiễm khác lại khởi lên và tâm lại chạy theo uế nhiễm này. Vì tâm không có nơi nương tựa của riêng mình, nó phải chạy lăng xăng khắp chốn.

Tu tập để chấm dứt các uế nhiễm và khổ đau là một hình thức tu tập cao cấp. Vì thế trước hết, bạn cần phải dọn dẹp, chuẩn bị một cái nền, sắp xếp cho nó thứ tự. Chớ nghĩ rằng bạn có thể tu tập mà không cần bất kỳ sự chuẩn bị nào. Nếu bạn sống vì dục lạc, thì bạn chỉ luôn nghĩ đến việc làm thế nào để có thể thỏa mãn các ham muốn của mình. Nếu bạn không phát triển tâm biết đủ, hay biết hổ thẹn từ lúc ban đầu, thì càng về sau, bạn sẽ càng khó tu tập lên cao.

Quán chiếu là một phần thực hành quan trọng. Nếu bạn không thực hành quán chiếu thì trí tuệ không thể phát sinh. Đức Phật dạy chúng ta phải quán chiếu và thử nghiệm sự vật đến mức độ mà chúng ta có thể tự mình thấy rõ ràng như thế. Chỉ đến khi đó chúng ta mới có sự nương trú đích thực. Đức Phật chẳng bao giờ dạy ta nương trú vào những thứ mà bản thân ta không thể nhìn thấy hay thực hành.

Nếu bạn thực sự muốn thoát khỏi khổ đau, thì bạn phải thực sự thực hành, phải có nỗ lực chân chánh. Bạn phải tập buông bỏ, bắt đầu với những thứ ở bên ngoài và dần đi vào bên trong. Bạn phải tự giải thoát mình khỏi những ảo tưởng do các dục lạc quyến rũ tạo ra.

Điều quan trọng trong việc buông xả là bạn phải thấy được mặt tiêu cực của những gì bạn buông xả. Chỉ khi đó bạn mới có thể thực sự buông xả một lần và mãi mãi. Nếu bạn không thấy được sự tiêu cực, thì bạn vẫn bám víu và tiếc nuối, dù là đã buông xả.

Nếu bạn muốn buông xả điều gì đó, bạn phải thấy được mặt tiêu cực của nó. Nếu bạn chỉ tự nhủ mình: "Hãy buông xả, hãy buông xả", thì tâm bạn sẽ không dễ dàng nghe theo. Bạn phải thực sự nhìn thấy mối hiểm họa trong cái mà bạn đang bám víu vào, sau đó thì tâm sẽ tự buông xả vào lúc thích hợp. Cũng như khi chạm vào lửa, khi cảm thấy nóng, thì bạn tự động rút tay ra và chẳng bao giờ chạm vào nó nữa.

Rất khó nhận ra được những mặt tiêu cực của sự đam mê dục lạc, và càng khó hơn đối với những thứ vi tế hơn, như là cảm giác về ngã.

Lúc mới bắt đầu tu tập, bạn phải rèn luyện cách nào để kiềm chế lời nói và hành động của mình - tiêu chuẩn của đức hạnh - để bạn có thể giữ cho lời nói và hành động của mình ở mức độ bình thường, điềm tĩnh và có kiểm soát. Nhờ đó, tâm sẽ không chạy theo uy lực của các uế nhiễm thô tháo. Khi sân giận, hung bạo sắp phát khởi, thì trước hết phải dừng chúng lại bằng sức mạnh của kham nhẫn. Sau khi bạn đã có thể tập kham nhẫn một thời gian, thì nội tâm của bạn sẽ đạt được sức mạnh mà nó cần để phát triển sự cảm nhận về đúng, sai, và qua đó bạn sẽ nhìn ra được giá trị của sự kham nhẫn. Đó thực sự là một điều tuyệt vời!

 Khi bạn hành thiện, hãy để cái thiện đó hòa đồng với thiên nhiên. Đừng bám vào ý nghĩ rằng bạn tốt. Nếu bạn bám víu vào ý nghĩ rằng bạn là người tốt, nó sẽ khiến rất nhiều thứ chấp khác phát khởi.

Khi tâm không tự ái hay ngã mạn bị khiển trách, nó sẽ co mình lại giống như một con bò bị đánh bằng gậy. Cảm giác về ngã sẽ biến mất ngay trước mắt bạn. Một con bò được huấn luyện tốt, dầu thấy bóng của cây roi vẫn đứng yên và tự tại, sẵn sàng hoàn thành những gì nó đã được chỉ dạy. Một thiền sinh nếu có thể giảm thiểu ngã mạn và tự ái thì chắc chắn là người đó sẽ tiến bộ và sẽ không có gì đủ sức mạnh để trì kéo tâm người đó xuống. Tâm sẽ được yên tĩnh và trống không - thoát khỏi bất cứ mọi sự bám víu vào "tôi" hay "cái của tôi". Đó là cách tâm phát triển để trở nên trống không.

Nếu bạn là loại người cởi mở, chân thật, bạn sẽ thấy cánh cửa để loại bỏ khổ đau và uế nhiễm ngay khi bạn đang chân thật với bản thân, ngay khi bạn tỉnh giác. Bạn không cần phải đi giải thích pháp cao siêu với bất cứ ai. Tất cả những gì bạn cần là sự chân thật ở một mức độ bình thường với bản thân về khổ đau và những lỗi lầm trong hành động của bạn, để bạn có thể dừng chúng lại, để bạn có thể phát triển sự cảm nhận về lòng hối hận, cảm giác hổ thẹn. Điều đó còn tốt hơn là nói về những pháp cao siêu, nhưng rồi thì cứ tỏ ra bất cần, dễ dãi và không biết hổ thẹn.

Khi thực sự quán chiếu, bạn sẽ nhận ra tất cả sự phóng dật của mình. Dầu bạn có hiểu biết về giáo lý của Đức Phật và có thể giảng giải chúng đúng đi nữa, thì tâm trí bạn vẫn phóng dật. Thực ra, những người biết nhiều về pháp và thường khoe khoang về sự hiểu biết của họ, có thể còn phóng dật, vô tâm hơn những người chỉ biết chút ít Phật pháp. Những người chưa từng đọc sách Phật thường có khuynh hướng chú tâm hơn vì họ khiêm cung hơn và biết rằng họ cần phải đọc chính tâm của mình. Trong khi những người đã đọc nhiều sách hay đã nghe nhiều bài pháp thường tỏ ra dễ dãi. Do đó họ trở nên lơ là, và bất kính đối với Phật pháp.

Chúng ta cần phải biết làm thế nào để sử dụng tâm chánh niệm tỉnh giác của mình, để luôn nhìn vào nội tâm, vì không có ai khác có thể biết hay nhìn thấy được những điều này thay cho chúng ta. Chúng ta phải tự mình biết lấy.

Khi một vật thể yếu ớt và lỏng lẻo, thì nó chảy. Khi cứng chắc, thì nó không chảy. Khi tâm yếu đuối, thiếu sức mạnh, thì nó luôn sẵn sàng để chảy đi như nước. Nhưng khi tâm đầy chánh niệm và sáng suốt, khi nó vững chãi và chân chánh trong nỗ lực của mình, nó có thể chống cự dòng chảy của uế nhiễm.

Khi bạn mới bắt đầu hành thiền, thì cũng giống như bạn đang bắt một con khỉ để xích lại một chỗ. Lúc đầu khi mới bị cột lại, nó sẽ vùng vẫy với tất cả sức lực để chạy thoát. Tương tự, khi tâm mới bắt đầu bị cột vào đối tượng thiền quán, thì nó không thích điều đó. Nó sẽ vùng vẫy nhiều hơn bình thường, khiến ta cảm thấy mỏi mệt và chán nản. Vì thế ở giai đoạn bắt đầu, chúng ta chỉ cần sử dụng sự kham nhẫn của mình để chống lại khuynh hướng muốn bỏ ngang để chạy theo những đối tượng khác của tâm. Với thời gian, tâm sẽ dần dần được kiềm chế.

Bạn muốn tâm yên tĩnh nhưng nó không yên. Vậy thì bạn phải làm gì, bạn phải chú tâm vào điều gì, biết điều gì, để nhìn thấy sự phát khởi và hoại diệt của các pháp? Hãy cố gắng quán sát kỹ càng, chắc chắn rồi chính bạn sẽ hiểu, vì ở đây không có điều gì là bí mật hay bị che giấu cả. Nó là một cái gì đó mà chính bạn sẽ nhìn thấy những nguyên tắc căn bản của nó.

Chúng ta có thể làm gì để cho tâm không phóng dật theo các định kiến hay vọng tưởng của nó? Chúng ta phải đặt sự chú tâm vào một đối tượng nào đó, vì nếu tâm không trụ vào một đối tượng nào đó, thì nó sẽ lang thang để tìm biết những thứ khác, những vấn đề khác. Đó là lý do tại sao chúng ta thực hành đặt sự chú tâm vào thân, hay vào hơi thở, đem hơi thở làm cái trụ để cột con khỉ tâm của mình vào đó. Nói cách khác, chúng ta dùng chánh niệm để giữ tâm trụ vào hơi thở. Đó là bước đầu tiên trong pháp hành.

Rèn luyện để tâm trụ vào hơi thở là điều chúng ta phải liên tục thực hiện với mỗi hơi thở vào - ra, trong mọi tư thế - ngồi, đứng, đi hay nằm. Bất cứ bạn đang làm gì, hãy chú tâm vào hơi thở. Nếu muốn, có thể bạn không cần chú tâm vào bất cứ thứ gì khác ngoài sự cảm nhận về hơi thở, không cần phải xác định là nó dài hay ngắn. Chỉ cần thở bình thường. Đừng gò ép hơi thở, đừng giữ hơi thở hay ngồi với thân quá căng. Ngồi thẳng và hướng về phía trước một cách thoải mái. Nếu bạn sắp quay sang trái, hãy chắc chắn rằng bạn vẫn chú tâm vào hơi thở khi bạn quay. Nếu bạn quay qua phải, cũng chú tâm vào hơi thở khi bạn quay người.

Bạn muốn giữ tư thế nào là tùy bạn, nhưng phải luôn chú tâm vào hơi thở. Nếu sự chú tâm bị gián đoạn, hãy đem nó trở về với hơi thở. Bất cứ bạn đang làm gì trong lúc này, hãy quán sát hơi thở với mỗi hơi thở vào - ra thì bạn sẽ phát triển chánh niệm và tỉnh giác - tự nhận thức về thân - đồng thời bạn cũng ý thức đến hơi thở.

Khi đi, bạn không cần phải chú ý đến những bước chân. Hãy chú tâm vào hơi thở và để bàn chân tự bước tới. Hãy để mỗi bộ phận của thân thể vận hành theo nhịp độ riêng của nó. Bạn chỉ cần chú tâm vào hơi thở mà vẫn ý thức được toàn thân.

Dầu mắt đang nhìn cảnh vật hay tai đang lắng nghe âm thanh, hãy vẫn chú tâm vào hơi thở. Khi bạn nhìn một quang cảnh, hãy chắc chắn rằng cái biết về hơi thở nằm dưới cái nhìn đó. Khi bạn lắng nghe một âm thanh, hãy chắc chắn rằng cái biết về hơi thở tiềm tàng trong cái nghe. Hơi thở là phương tiện để làm cho tâm tĩnh lặng, vì thế trước hết bạn phải luyện tập hơi thở. Không cần phải vội vã mong được những kết quả tốt hơn. Hãy luyện tâm để nó ở trong vòng kiềm chế của chánh niệm liên tục, suốt ngày đêm - đến điểm mà tâm không còn để sự chú ý của nó bị gián đoạn. Càng lúc nó càng trụ lâu hơn trên hơi thở, chú tâm vào cái biết hơi thở liên tục và rồi mọi thứ khác sẽ tự động dừng lại: suy tư dừng lại, nói năng dừng lại. Bất cứ công việc gì bạn phải làm, bạn vẫn làm, đồng thời bạn vẫn để tâm vào hơi thở trong từng giây phút. Nếu có bất cứ sự gián đoạn nào, bạn sẽ lại trở về với cái biết hơi thở một lần nữa. Bạn không cần phải suy nghĩ về bất cứ điều gì khác. Hãy ý thức đến hơi thở khi bạn ý thức tâm bình thường.

Khi tâm có thể duy trì nhịp độ của nó một cách bình thường, bạn có thể quán sát hơi thở và nhận ra rằng nó cũng bình thường. Khi mức độ bình thường của chúng cân bằng, bạn chú tâm vào cái biết rằng hơi thở đơn giản chỉ là một hiện tượng tự nhiên - thuộc yếu tố gió. Thân là tổng hợp của bốn yếu tố: đất, nước, gió, và lửa. Ở đây chúng ta chú tâm vào yếu tố gió. Yếu tố gió là một hiện tượng tự nhiên không phải là "ta" hay "của ta". Lúc đó tâm bình thường, không suy tư hay vọng tưởng bất cứ điều gì, không khuấy động sự việc lên. Khi ấy nó cũng là một hiện tượng tự nhiên, đơn giản và thuần khiết. Nếu tâm không dính mắc vào bất cứ điều gì khác, nếu nó không bị thiêu đốt bởi các uế nhiễm, thì nó có thể duy trì sự tĩnh lặng, bình ổn.

Khi bạn duy trì được sự chú tâm vào hơi thở trong mọi tư thế, đó là một phương tiện để ngăn cản tâm không chạy theo tư tưởng và đặt tên chúng. Bạn phải cố gắng luyện tâm trụ vào hơi thở trong mọi tư thế, đó là cách giúp bạn hiểu tâm giống như thế nào khi nó có được hơi thở chánh niệm như là nơi nương trú của nó.

Trụ vào hơi thở giúp tâm trở nên bình lặng hơn bất cứ phương pháp nào khác - mà nó cũng không đòi hỏi sức lực. Chúng ta chỉ cần thở một cách bình thường. Nếu bạn để hơi thở vào - ra mạnh mẽ, nó sẽ giúp cho năng lực của hơi thở và sự lưu thông của máu đi khắp châu thân. Nếu bạn thở thật sâu để các cơ bụng thư giãn, thì nó sẽ giúp bạn tránh bị táo bón.

Khi bạn rèn luyện hơi thở, đó là một hoạt động của cả thân và tâm, và với cách đó mọi thứ sẽ được lắng dịu một cách tự nhiên, dễ dàng hơn là khi chúng ta cố gắng để lắng đọng mọi thứ bằng sức lực hay đe dọa. Bạn có đe dọa tâm đến thế nào, nó cũng sẽ không đầu hàng. Nó sẽ chạy tứ tán. Vì thế ta nên luyện tâm theo nhịp độ tự nhiên - vì suy cho cùng, hơi thở cũng là một yếu tố, một khía cạnh của tự nhiên. Dầu ta có ý thức về điều đó hay không, thì hơi thở cũng ở cùng với thiên nhiên của nó. Ngược lại, chỉ khi nào chú tâm đến, ta mới ý thức về điều đó. Thân là một phần của tự nhiên. Tâm cũng là một phần của tự nhiên. Khi chúng được huân tập đúng cách, thì bạn không còn phải giải quyết nhiều vấn đề nữa. Sự luân chuyển của máu và năng lượng của hơi thở trong thân sẽ tốt cho các dây thần kinh của ta. Nếu ta rèn luyện chánh niệm và tỉnh giác để cảm nhận toàn thân, đồng thời ta cũng ý thức đến hơi thở, thì hơi thở sẽ ra - vào không cần cố sức.

Nếu bạn ngồi thiền một thời gian dài, sự rèn luyện này sẽ giúp làm cho máu và năng lượng hơi thở chảy một cách tự nhiên. Bạn không cần phải điều khiển hơi thở hay giữ nó lại. Khi bạn đặt chân và tay trong tư thế tọa thiền thì đừng làm cho chúng căng thẳng. Nếu bạn có thể thư giãn chúng để cho máu và năng lượng của hơi thở có thể chảy dễ dàng thì điều đó rất ích lợi.

Giữ vững chánh niệm vào hơi thở thích hợp cho tất cả mọi thứ - thích hợp cho thân, thích hợp cho tâm. Trước khi đạt được giác ngộ, khi vẫn còn là vị Bồ tát, Đức Phật thường chánh niệm về hơi thở nhiều hơn bất cứ phương pháp nào khác, xem đó là nơi nương trú của tâm Ngài. Vì thế, khi bạn thực hành điều đó, bạn cũng sẽ có chánh niệm về hơi thở làm nơi nương trú của tâm. Bằng cách đó tâm không chạy lang thang theo vọng tưởng, để rồi bị chúng kích động. Bạn cần phải kiềm chế tâm, giữ cho nó yên. Ngay khi có bất cứ điều gì khởi lên, hãy tập trung vào hơi thở. Nếu ngay từ đầu, bạn đã cố gắng trụ ngay chính nơi tâm, điều đó có thể quá khó để bạn kiểm soát, nếu bạn chưa vững vàng.

Nếu bạn muốn trụ ngay nơi tâm, điều đó cũng tốt thôi, nhưng bạn phải ý thức về nó với mỗi hơi thở vào - ra. Hãy giữ cho sự tỉnh giác của bạn liên tục trong một thời gian dài.

Hãy thực hành điều này với tất cả mọi tư thế và xem kết quả gì sẽ phát sinh. Lúc đầu bạn phải tổng hợp tất cả các nguyên do - nói cách khác, bạn cần phải nỗ lực để nhìn và biết cho đúng. Còn việc buông bỏ, điều đó sẽ đến sau này.

Đức Phật đã so sánh việc rèn luyện tâm với việc giữ một con chim trong tay. Tâm giống như một chú chim nhỏ, và vấn đề là làm sao để giữ cho nó không bay đi. Nếu nắm quá chặt, thì nó sẽ chết trong tay bạn. Nếu nắm quá lỏng thì chú chim nhỏ sẽ vuột khỏi bàn tay bạn. Vậy bạn phải nắm giữ nó như thế nào để nó không chết mà cũng không bay đi mất? Việc luyện tâm của bạn cũng giống như thế, sao cho nó không quá căng thẳng, mà cũng không quá dễ duôi, chỉ vừa đúng.

Có nhiều điều bạn cần biết trong việc rèn luyện tâm, và bạn phải làm đúng theo như thế. Về phương diện cơ thể, bạn phải thay đổi tư thế làm sao cho nó cân bằng và vừa đúng để tâm có thể ở mức bình thường, để nó có thể ở một mức độ tĩnh lặng hay trống không tự nhiên một cách liên tục.

Tập thể dục cũng cần thiết. Ngay chính các vị du già thực hành nhiếp tâm cao cũng phải vận động cơ thể bằng cách co kéo, uốn lượn nó trong nhiều tư thế khác nhau. Chúng ta không cần phải cực đoan như họ, nhưng chúng ta có thể tập vừa đủ để tâm có thể duy trì được sự tĩnh lặng của nó một cách tự nhiên, trong một cung cách mà nó có thể quán sát những hiện tượng tâm sinh lý và coi chúng như vô ngã, vô thường và khổ.

Nếu bạn o ép tâm quá nhiều, nó sẽ chết giống như chú chim bị nắm quá chặt. Nói cách khác, nó sẽ trở nên đờ đẫn, vô cảm và sẽ chỉ đông cứng trong sự tĩnh lặng mà không có sự quán chiếu để xem vô thường, khổ và vô ngã là như thế nào.

Sự tu tập của chúng ta là làm cho tâm đủ tĩnh lặng để có thể quán chiếu về vô thường, khổ và vô ngã. Đó là mục đích của việc tu tập, quán chiếu của ta, và nó giúp cho sự tu tập trở nên dễ dàng. Còn về việc thay đổi thế ngồi hay vận động, tập thể dục, chúng ta làm những việc này với tâm buông bỏ.

Khi bạn tu tập ở nơi hoàn toàn vắng vẻ, bạn cần phải vận động thân thể. Nếu bạn chỉ ngồi và nằm, sự luân chuyển của máu và năng lượng hơi thở sẽ trở nên bất bình thường.

Upasika Kee Nanayon (Lý Thu Linh dịch)
HÀNH THIỀN TỨC LÀ SỐNG AN LẠC


Trong Kinh tạng Pàli, có một số văn đoạn nêu rõ kinh nghiệm hành thiền của Đức Phật, rất quan  trọng  và bổ ích cho việc hành  thiền của người Phật tử.
Gia chủ Mahànàma đến thưa với Đức Phật1:

– Bạch Thế Tôn, đã lâu rồi, con đã hiểu như thế này lời dạy của Thế Tôn: “Tham là cấu uế của tâm, sân là cấu uế của tâm, si là cấu uế của tâm”. Tuy vậy, đôi lúc các tham pháp chiếm cứ tâm con và an trú, các sân pháp chiếm cứ tâm con và an trú, các si pháp chiếm cứ tâm con và an trú. Bạch Thế Tôn, con tự suy nghĩ: “Pháp nào tự trong ta không đoạn trừ được, do vậy các tham pháp xâm nhập tâm ta và an trú, các sân pháp xâm nhập tâm ta và an trú, các si pháp xâm nhập tâm ta và an trú?”.
– Này Mahànàma, có một pháp trong Ông chưa được đoạn trừ, do vậy các tham pháp xâm nhập tâm Ông và an trú, các sân pháp xâm nhập tâm ta và an trú, các si pháp xâm nhập tâm Ông và an trú. Và này Mahànàma, pháp ấy trong Ông có thể đoạn trừ được, nếu Ông không sống trong gia đình, nếu Ông không thụ hưởng các dục vọng.

Mẩu đối thoại trên giữa Đức Phật và gia chủ Mahànàma xác nhận một vấn đề rất thực tế, đó là đời sống người tại gia cư sĩ khó tránh khỏi các phiền não khổ đau do hệ lụy của đời sống gia đình, cụ thể là các dục vọng. Nói cách khác, dục vọng là đầu mối của mọi phiền muộn khổ đau; càng mơ hồ say đắm nó thì khổ não càng gia tăng, vì dục vọng là nguyên nhân khiến cho tham, sân, si – gốc rễ của phiền não khổ đau – dấy khởi và tăng trưởng.

Dục vọng là ham muốn thái quá đối với các lạc thú thế gian như sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu. Một cách hiểu khác, dục vọng chính là sự mê đắm đối với tiền tài vật chất (tài), danh vọng quyền lực (danh), sắc đẹp  khác phái (sắc), cao lương mỹ vị (thực), chăn gối êm ái (thùy). Nó biểu lộ qua việc khao khát tìm kiếm các khoái lạc trần tục (kàmasukha) mà khi đạt được thì tham tùy miên (ràgànusaya: lòng ham muốn tiềm ẩn trong con người) tùy tăng, và khi không đạt được hoặc có được rồi mà mất đi thì sân tùy miên (patighànusaya: tập khí giận dữ bực phiền tiềm ẩn trong con người) tùy tăng. Vì vậy, dục vọng là lý do khiến cho tham và sân không ngừng xâm chiếm và thiêu đốt tâm thức con người, làm cho con người cứ mãi quay cuồng  trong  thế  giới của những  cảm thức bấn  loạn hoặc lạc khổ hoặc vui buồn hoặc yêu ghét. Trong giáo lý đạo Phật, dục vọng được xem là con đẻ đồng thời là thức ăn của si hay vô minh. Chính vì thế mà Đức Phật đã gợi ý cho gia chủ Mahànàma cần phải hạn chế và rời xa dục vọng, vì còn thích thú thụ hưởng dục vọng thì tham, sân, si – gốc rễ của phiền não khổ đau – còn chiếm cứ tâm và an trú. Hơn thế, chính dục vọng hay sự ham muốn thái quá đối với các lạc thú thế gian là nguyên nhân của mọi rối loạn khổ đau xảy ra ở các bình diện khác nhau, từ các tranh chấp mang tính cá nhân cho đến các tranh chấp mang tính tổ chức như xung đột giữa các gia đình, giữa các đoàn thể xã hội hay giữa các cộng đồng quốc gia2.

Chúng    ta    hiểu rằng    lòng    ham muốn   hưởng   thụ các lạc thú thế gian là  tâm  lý thường tình của con người. Nó là điều kiện sinh tồn  của  nhân  thế, nhưng  cũng chính nó là nguyên nhân khiến muôn vàn khổ  đau  nảy sinh trên cuộc đời, một khi con người không nhận ra mặt trái của lòng ham muốn và có thái độ ứng xử thích đáng. Hẳn nhiên, không ai có thể tồn tại trên cõi đời mà không dựa vào các “xúc cảm thế gian”. Nhưng con người sẽ khó tránh khỏi phiền muộn khổ đau, nếu chỉ một chiều chạy theo  lạc thú trần thế, xem đó là mục tiêu cứu cánh của nhân sinh. Dục vọng không có bến đỗ3. Càng mong  muốn  thỏa mãn thì con người càng trở nên  nghèo  đói, thiếu  thốn,  nô lệ cho dục vọng4. Chính vì vậy mà Đức Phật đã khuyến cáo: “các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn,” và nêu rõ phương  pháp thực tập, giúp cho con người khắc phục và vượt qua sự chi phối của dục vọng.

Theo kinh nghiệm của Đức Phật thì con người không thể khắc phục và chiến thắng dục vọng hay lòng ham muốn  các khoái lạc trần thế trừ phi có sự nhận  thức đúng đắn về nó và có sự chuyển hóa đời sống nội tâm, tức hành thiền. Ngài nêu rõ:

“Này Mahànàma, nếu một vị Thánh đệ tử khéo thấy như vậy với như thật chánh trí tuệ: ‘Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn’, nhưng nếu vị này chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh, hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy vị ấy chưa khỏi bị các dục chi phối. Này Mahànàma, khi nào vị Thánh đệ tử khéo thấy như vậy với như thật chánh trí tuệ: ‘Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn’, và vị này chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào cao thượng hơn, như vậy vị ấy không bị các dục chi phối. Này Mahànàma, thuở xưa, khi Ta còn là Bồ-tát, chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chánh Đẳng Giác, Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: ‘Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, snguy hiểm ở đây lại nhiều hơn’, dầu Ta có thấy với như thật chánh trí tuệ như vậy, nhưng Ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn. Và như vậy Ta biết rằng Ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahànàma, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: ‘Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn’, và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta khỏi bị các dục chi phối.”5

Kinh nghiệm  của Đức Phật nói cho chúng  ta biết rằng chỉ một mình hiểu biết hay ý chí không  thôi thì không đủ để vượt qua bản năng dục vọng, mà tự thân phải thực tập nếp sống ly dục, ly các pháp  bất  thiện,  phải thực  hành thiền định, phải thực nghiệm cho được thiền lạc (hỷ lạc do ly dục sinh hay do định sinh…) thì các đòi hỏi bản năng mới được  khắc phục  và chuyển  hóa. Đây chính là bài học kinh nghiệm  hết sức quan trọng và thiết thực cho những ai mong muốn tìm kiếm con đường giải phóng khổ đau từ giáo pháp  của Đức Phật. Chúng ta hành thiền mỗi ngày nhưng chúng ta vẫn còn mơ hồ về dục vọng thì việc hành thiền của chúng ta sẽ không có kết quả. Chúng ta sẽ không thoát  khỏi phiền  muộn  khổ đau bởi chúng ta không khắc phục được sự ám ảnh và chi phối của dục vọng. Nói cách khác, chúng  ta chưa thấy hết sự tai hại của dục vọng, chưa rời bỏ được lòng đam  mê khoái lạc trần  thế, chưa thực nghiệm  được thiền lạc do ly dục sinh hay do định sinh; do đó chúng ta chưa chuyển hóa được nội tâm, chưa tìm thấy niềm hạnh  phúc tâm linh cụ thể và lớn lao để có thể thay thế hay hóa giải các ham muốn thế tục. Vì vậy,  muốn tu thiền cho có kết quả thì phải thực tập nếp sống ít ham muốn, phải hạn chế việc tìm cầu và thụ hưởng các khoái lạc trần thế. Vì căn bản của thiền là ly dục và kết quả cụ thể của hành thiền chính là thoát khỏi mọi ám ảnh và chi phối của dục vọng, thực nghiệm một đời sống thanh thản an lạc. Tiếp theo là kinh nghiệm chiến thắng  dục  vọng  của Đức Phật, nhờ  công  phu  hành thiền, thực nghiệm được hỷ lạc do ly dục sinh hay các thiền chứng cao hơn:

“Này Magandiya, Ta thuở trước, khi còn là tại gia, Ta sống hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này Magandiya, Ta có ba tòa lâu đài, một cho mùa mưa, một cho mùa đông, một cho mùa hạ. Này Magandiya, trong bốn tháng mùa mưa, Ta sống hưởng thụ trong lâu đài mùa mưa, được những nữ nhạc công giúp vui và không bước xuống khỏi lâu đài ấy. Rồi Ta sau một thời gian, sau khi như chơn biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục vọng, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, Ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi Ta thấy các chúng sanh khác, chưa xả ly tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ; ở đây, Ta không ham thích. Vì sao vậy? Vì rằng, này Magandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện pháp, sau khi chứng đạt Thiên lạc, được an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy. Ta không ao ước cái gì thấp kém; ở đây, Ta không ham thích.
Ví như, này Magandiya, một gia chủ hay con một người gia chủ, giàu sang, tài vật nhiều, sở hữu nhiều, sống thọ hưởng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Vị ấy, sau khi làm thiện thân hành, sau khi làm thiện khẩu hành, sau khi làm thiện ý hành, khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Vị ấy ở đây, trong  rừng Nandana, được chúng Thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn. Vị ấy thấy người gia chủ hay con người gia chủ đang thọ hưởng năm dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn. Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Thiên tử ấy, được chúng Thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, vị ấy có ước vọng được như người gia chủ ấy, hay con người gia chủ ấy; hay năm dục trưởng dưỡng thuộc loài Người, hay trở lui về với các dục thuộc loài Người?
– Không có vậy, thưa Tôn giả Gotama! Vì sao vậy? Vì thiên dục, thưa Tôn giả Gotama, là kỳ diệu hơn, là vi diệu hơn nhân dục.
– Cũng vậy, này Magandiya, Ta thuở trước, khi còn là tại gia, Ta hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn, các dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Rồi Ta sau một thời gian, sau khi như chơn biết được sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, Ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi Ta thấy các chúng sanh khác chưa xả ly tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ; ở đây, Ta không ham thích. Vì sao vậy? Vì rằng, này Magandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện pháp, sau khi chứng đạt Thiên lạc, được an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy. Ta không ao ước cái gì thấp kém; ở đây Ta không ham thích”6.

Tóm lại, những  ai nỗ lực tu thiền theo  lời Phật dạy thì cần lắng nghe và nắm bắt thật kỹ kinh nghiệm  hay bí quyết đối trị và chiến thắng dục vọng này của Ngài. Vì đây chính là kinh nghiệm tu tập hết sức căn bản của Đức Phật, đã từng bước đưa Ngài rời xa các phiền muộn khổ đau, hệ quả của dục vọng hay tham-sân-si, từng bước giúp Ngài nâng cao cảm thức sáng suốt và an lạc trong cuộc sống, từng bước giúp Ngài phát  triển chánh  tinh tấn (sammà-vàyàma), chánh niệm (sammà-sati) và chánh định (sammà-samàdhi) để cuối cùng đạt đến chánh trí (sammà-nàna) và chánh giải thoát (sammà-vimutti).
Cô Đơn Là Bản Chất Của Bạn
Bạn có thể giả vờ hay cố gắng thử quên đi là bạn đang cô đơn, bạn có thể tỏ vẻ ra là bạn đang sống vui vẻ lắm, đang hưởng thụ sung sướng bằng cách làm quen với rất nhiều bạn bè hay có nhiều tình nhân hoặc đắm đuối quên mình trong những cuộc vui đông người; nhưng dù dưới bất cứ dạng hình nào đi chăng nữa thì những sự việc đó vẫn chỉ luôn ở trên bề mặt mà thôi.  Thực sự tận cùng thâm tâm, niềm cô đơn trong bạn vẫn không hề bị đụng chạm tới, không hề vói tới được.
Không một ai muốn mình không là cái gì hết.  Không một ai muốn mình là một kẻ vô danh tiểu tốt nhưng nực cười thay, thực sự thì ai ai cũng không là cái gì hết, cũng chỉ là một kẻ vô danh.  Vì thế vấn đề thứ nhất cho người hành giả đi tìm chân lý là phải thẩm thấu một cách triệt để và chính xác bản chất của sự Cô Đơn.  Thực nghĩa của Cô Đơn chính là “Không là Ai hết,” “là Vô Danh.”
Trong cảnh giới tịch lặng độc cư, bạn sẽ khám phá lấy mình trở lại, tươi thắm trở lại, nhưng cũng không một ai dám đoan chắc bảo đảm là khi nào bạn sẽ tìm thấy có “người” nào trong bạn hay không.  Sự khám phá lấy chính mình tùy thuộc vào sự nổ lực tu tập cá nhân của bạn, không nương dựa vào ai khác. Trong cô đơn, cái tự ngã của bạn sẽ biến mất và bạn sẽ “nhìn thấy,” sẽ tri cảm chính bạn là dòng sống, là bất tử, là vĩnh hằng.  Nếu bạn không đủ can đảm “sống một mình” thì công cuộc tìm cầu Chân Lý của bạn sẽ phí công uổng sức.
Cô Đơn chính là Chân Lý.
Chức năng của người thầy chính là giúp bạn đứng vững một mình.  Thiền định là một thiện sách giúp bạn tẩy xóa đi cái tính cách cá nhân, giúp bạn tách rời khỏi bản ngã và những tư tưởng trong tâm thức bạn, giúp bạn dẹp bỏ đi cái nhân dạng và thể chất này, và để bạn một mình tuyệt đối tịch lặng trong tâm, để bạn là một ngọn lửa sống động thực sự.  Và một khi bạn đã tìm thấy được ngọn lửa tự tâm, bạn sẽ nếm được những hỷ lạc xuất thần mà chỉ có tri thức của loài người mới có khả năng cảm nhận thấu suốt được.  Trong niềm tịch lặng cô liêu đó, bạn sẽ khám phá những tầng lớp kín nhiệm nhất của tâm, và trong sự tỉnh thức nhậm hoạt của toàn vẹn con người bạn, tình yêu sẽ khai phá, thăng hoa, rạt rào sức sống, sung mãn ngọt ngào . . .
Cô đơn chính là sự truy cầu duy nhất của bạn.  Phải nắm bắt được tánh chất nguyên ủy của cô đơn, phải nếm hương vị cô đơn, phải sống thật trong cô đơn, với cô đơn bằng cả trái tim nóng hổi yêu thương và nhựa sống; và nếu sống được như vậy không phải nhất thiết bạn phải đi lên tận núi sâu rừng thẳm, bạn không phải và không cần phải tránh né mọi người.  Bạn vẫn tự tại thung dung giữa chợ đời ồn ào tạp nhiễm, vẫn sinh hoạt đời thường với nhân gian nhưng vẫn cô đơn lặng lẽ như con tê giác hay voi già sừng sững ngẩng cao đầu lên hú một tiếng vang dài sảng khoái.  Chỉ đơn giản là bạn cần tỉnh thức, an trú, nhậm hoạt, cảnh giác, luôn luôn nhớ rằng bạn là người đang tự quán chiếu lấy mình, bạn là người “biết sống một mình.” 
 ( TV lược trích từ "Love, Freedom and Aloneness" - OSHO - Thích Nữ Minh Tâm dịch Việt http://www.bachhac.net/tytdcd/tinhyeu-tudo-codon.htm  )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét