Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Bài viết hay(770)

'Chính Mao đã quyết định đánh Hoàng Sa'
Áp phích Mao Trạch ĐôngMao là người chủ xướng cuộc tấn chiếm Hoàng Sa, theo nhà nghiên cứu VN.
Mao Trạch Đông là người 'quyết định' tấn chiếm Hoàng Sa từ tay của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và chính quyền của ông Mao chưa bao giờ giúp đỡ Việt Nam 'bất vụ lợi', theo một nhà nghiên cứu từ Việt Nam.
Trao đổi với BBC về di sản của Mao Trạch Đông trong quan hệ Trung - Việt trong dịp đánh dấu 120 năm sinh của ông Mao, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy từ Hà Nội cho rằng chính quyền Mao chưa bao giờ 'vô tư' giúp Việt Nam và luôn có 'mưu đồ' trên Biển Đông.
Cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu giai đoạn từ 1993-1996 khẳng định Trung Quốc chỉ giúp Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh do thấy Việt Nam 'là một món hàng tốt' có lợi cho vị thế và bang giao quốc tế của Trung Quốc, có thể giúp ích cho Bắc Kinh trước nguy cơ của người Mỹ ở khu vực.
Về sự kiện Trung Quốc tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ông Dy nói:
"Việc đánh chiếm Hoàng Sa lần thứ hai ngày 17/1/1974, đánh chiếm một nửa Hoàng Sa của Việt Nam, nói thẳng là Mao Trạch Đông là người quyết định đánh,"
"Tôi có tài liệu, Chu Ân Lai chính là người vạch ra kế hoạch, Diệp Kiếm Anh là người đôn đốc thi hành và Đặng Tiểu Bình lúc đó mới được phục hồi ra cũng đi sang Cục Tác chiến của Trung Quốc để áp trận."
Nhà nghiên cứu nói quyết định này của Mao, cũng như các chính quyền kế thừa của ông về sau, phản ánh tính 'nhất quán' trong điều mà ông gọi là 'mưu đồ' của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Cái đó là âm mưu nhất quán của Trung Quốc trong vấn đề bành trướng, chiếm cứ trên đảo thôi, nó không có gì lạ cả," ông Dy nói.
Nhà ngoại giao kỳ cựu cũng nói thêm hành động của Bắc Kinh chỉ có thể tiến hành được do có sự 'bật đèn xanh' và một thái độ được cho là 'không đứng đắn' của Washington mà khi đó đang là một đồng minh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn.
"Phải nói thẳng đây là một hành động không đứng đắn của người Mỹ...
"Thua mất mặt ở Việt Nam, họ xấu hổ, nên nhà cầm quyền Mỹ lúc bấy giờ bật đèn xanh để cho Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam."
'Việt Nam là một món hàng'
Ông Dương Danh Dy nêu quan điểm cho rằng sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với chính quyền cộng sản Việt Nam trong các cuộc chiến với người Pháp và người Mỹ là có tính toán.
Nhả nghiên cứu Trung Quốc này nói: "Trung Quốc từ xưa tới nay chưa bao giờ vô tư viện trợ Việt Nam như họ vẫn nói đâu, mà họ viện trợ cho Việt Nam đều nhằm mục đích trục lợi trên cái đó.
"Bắt đầu từ Hội nghị Geneve về Đông Dương, Trung Quốc thấy Việt Nam là một món hàng tốt, nhờ có Việt Nam mà Trung Quốc mới được mời đến tham dự Hội nghị Geneve năm 1954 về Đông Dương, với tư cách một nước lớn ở khu vực có liên quan...


Tàu hải quân Trung Quốc tấn công Hoàng Sa
Tàu hải quân Trung Quốc tham gia tấn công Hoàng Sa tháng 1/1974.
"Trong quá trình diễn biến của Hội nghị Geneve, Trung Quốc càng thấy rõ Việt Nam là món hàng có thể dùng nó để trao đổi với Anh, với Pháp, sau này cả với cả Mỹ, trong quan hệ."
Theo cựu quan chức ngoại giao này, Trung Quốc đã giúp Bắc Việt 'chống Mỹ' vì quan ngại miền Bắc Việt Nam rơi vào tay người Mỹ, thì Trung Quốc 'sẽ không được yên' và không thể làm được cuộc 'cách mạng văn hóa'.
Tuy nhiên, ông Dy cũng thừa nhận Việt Nam đã nhận được những sự giúp đỡ 'to lớn' và 'quan trọng' của Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh mà ông xem đó là sự 'nhường cơm, sẻ áo' của 'nhân dân Trung Quốc'.
Ông nói: "Xưa nay khẳng định đúng là nhân dân Trung Quốc nhường cơm, sẻ áo, giúp đỡ chúng tôi"
"Nhưng ban lãnh đạo Bắc Kinh đã lợi dụng những tình cảm đó của người dân Trung Quốc để dùng vào mục đích không cao đẹp tí nào cả."
Cuối cùng, đánh giá về việc chính Trung Quốc đợt này chỉ kỷ niệm sinh nhật Mao Trạch Đông 'có chừng mực', nhà nghiên cứu nhận định điều này là do phe không muốn 'đề cao' ông Mao một cách rầm rộ trong nội bộ Trung Quốc đang 'tạm thời thắng thế'.ao Trạch Đông là người chủ trương tấn chiếm Hoàng Sa từ tay của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và để lại một di sản nặng nề trong quan hệ Việt - Trung, theo một nhà nghiên cứu từ Việt Nam.
"Việc đánh chiếm Hoàng Sa lần thứ hai ngày 17/1/1974, đánh chiếm một nửa Hoàng Sa của Việt Nam nói thẳng là Mao Trạch Đông là người quyết định đánh," nhà nghiên cứu Trung Quốc, ông Dương Danh Dy nói với BBC nhân dịp đánh dấu 120 năm sinh của cố Chủ tịch Mao.
"Tôi có tài liệu, Chu Ân Lai chính là người vạch ra kế hoạch, Diệp Kiếm Anh là người đôn đốc thi hành, và Đặng Tiểu Bình lúc đó mới được phục hồi ra cũng đi sang Cục Tác chiến của Trung Quốc để áp trận."
'Chưa bao giờ vô tư'Cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (giai đoạn 1993-1996) nói với BBC rằng quyết định này của ông Mao, cũng như các chính quyền kế thừa của ông về sau, phản ánh tính 'nhất quán' trong chủ định của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Nhân dịp này, nhà ngoại giao kỳ cựu nêu quan điểm cho rằng sự giúp đỡ của Bắc Kinh đối với Hà Nội trong các cuộc chiến tranh với người Pháp và người Mỹ là có tính toán.
Ông nói: "Trung Quốc từ xưa tới nay chưa bao giờ vô tư viện trợ Việt Nam như họ vẫn nói đâu, mà họ viện trợ cho Việt Nam đều nhằm mục đích trục lợi trên cái đó...
"Xưa nay khẳng định đúng là nhân dân Trung Quốc họ nhường cơm, sẻ áo, họ giúp đỡ chúng tôi. Nhưng ban lãnh đạo Bắc Kinh họ đã lợi dụng những tình cảm đó của người dân Trung Quốc để họ dùng vào mục đích không cao đẹp tí nào cả," ông Dương Danh Dy nói với BBC từ Hà Nội. 
Trảm cá nhân hay đại phẫu xã hội?
1. Tối qua ngồi xem Số Đỏ trên Youtube, phim làm từ ngày xưa, hồi Lê Vân còn trẻ và các diễn viên bây giờ đã qua đời gần hết, hoặc còn thì ở tuổi trung niên. Có một chi tiết tôi nhớ, là khi ông TYPN, cái ông thợ cắt may chuyên cho ra đời những bộ đồ ngủ hở hang phong cách Victoria Secret và tán các bà các cô hoảng loạn tìm cách giữ chồng rằng phải cách tân và đổi mới, thấy vợ mình cũng đi guốc cao, mặt quần trắng mỏng dính, tô son môi trái tim và kẻ lông mày đã chửi vợ là "đồ đĩ". Khi cô vợ nghệt mặt ra không hiểu tại sao làm đúng như những điều chồng vẫn ngợi ca lại bị mắng, thì ông bảo "tân thời chỉ dành cho vợ người ta thôi, không phải nói vợ tôi". Một ông nhà báo luôn miệng cổ súy cho Âu hóa đang đứng gần đó cũng góp lời khuyên giải chị vợ rằng "những cái chúng tôi nói chỉ dành cho vợ, cho em gái, cho con gái người khác, không phải vợ con chúng tôi". Cảnh kết thúc bằng việc ông Típ Phờ Nờ lôi xềnh xệch vợ về, luôn miệng "đàn bà là tôi giam tiệt trong nhà".


Ảnh: Hai cô bảo mẫu trở thành đối tượng tế thần cho dư luận xã hội (nguồn: internet)
Tôi nhớ chi tiết đấy bởi vì mới lúc sáng đọc một bài phỏng vấn Eminem và những lo lắng của một ông bố khi con gái đến tuổi cập kê. Cậu bạn trai đầu tiên của cô này, có thể là trong một cố gắng để lấy lòng bố người yêu, cũng có thể là thành thật, tâm sự rằng "cháu rất thích nhạc của bác, cháu nghe từ bé đến lớn luôn". Đáng lẽ phải vui mừng thì Eminem lại tá hỏa, vì những bài hát nổi tiếng nhất của ca sĩ này có nội dung bạo lực và đen tối, như giết vợ rồi lấy máu viết lên tường, hoặc kể về những phi vụ hãm hiếp "những con đĩ". Như mọi ông bố có con gái đang lớn khác, Eminem lo lắng cho sự an toàn của con gái mình, và tuyên bố muốn con yêu những chàng trai không bao giờ nghe nhạc của bố. Vẫn là một ví dụ của việc tung hô và tuyên truyền những điều bản thân không tin, và không thích, nhưng kiếm được rất nhiều tiền.
Không hiểu những người như ông Típ và Eminem, khi mang những giá trị về phụ nữ ra để bán lấy tiền, có thật sự tin rằng những người phụ nữ của họ có sức miễn nhiễm vô song đối với những điều họ rao giảng, bằng những bài rap hoặc những mẫu áo váy, hay là họ chỉ cố tình lờ những cảnh báo đạo đức của chính mình, cho đến khi không thể lờ được nữa. Nhưng thường những lúc đó cũng đã quá muộn.
2. Gần đây mọi người xôn xao về chuyện hai cô trông trẻ đánh các em bé mẫu giáo. Các phản ứng thường gặp nhất là giận dữ và lo sợ. Giận dữ sẽ dẫn đến sỉ vả, chửi bới, đòi xử án. Sợ hãi dẫn đến tâm lý lo âu, bất an, và suy nghĩ "trong cái xã hội hỗn loạn này, tôi phải lo cho gia đình tôi trước". Tôi thấy suy nghĩ đấy hơi ngây thơ, cũng không khác nhiều với suy nghĩ của hai người đàn ông ở trên, cho rằng gia đình nằm ngoài tầm ảnh hưởng rất rộng lớn của họ và những giá trị họ giúp nhân rộng. Sẽ không có sự tách rời giữa cái tôi, hay gia đình tôi, và xã hội tôi đang sống. Nếu xã hội đấy xấu, gia đình và cá nhân không thể được yên ổn, và ngược lại.
Việc đổ lỗi cho cá nhân rất dễ. Đòi hai cô trông trẻ phải bị xử, bị trừng phạt cho thỏa nỗi bất bình rất dễ. Nói rằng hai cô này chắc chắn có vấn đề về thần kinh cũng rất dễ. Cái khó là thừa nhận họ hoàn toàn bình thường và là một phần của xã hội chúng ta đều đang sống trong đó và bị bao trùm bởi nó. Hai cô bảo mẫu có thể là mẹ, là chị, là người yêu, là con cái của bất kì ai trong chúng ta, hoặc của chính chúng ta. Người ta thường lảng tránh suy nghĩ đánh đồng bản thân mình với kẻ xấu, vì họ muốn vạch rõ lằn ranh giữa những người bình thường của cộng đồng và những phần tử bất thường khác.
Ở Canada gần đây cũng có một vụ gây lùm xùm dư luận. Có một nữ tù trẻ bị cho vào phòng biệt giam, tức là không có bất kì tiếp xúc nào với người khác, cho dù là bạn tù hay giám thị. Cô này treo cổ tự tử, và người giám thị phụ trách ca trực đó chứng kiến từ đầu đến cuối nhưng thay vì ngăn cản đã ra lệnh cho những người dưới quyền không được can thiệp cho đến khi nữ tù ngừng thở. Có thể người giám thị cho rằng đây chỉ là một trò dọa dẫm vớ vẩn gây sự chú ý mới. Nhưng tất nhiên là khi nữ tù kia đã ngừng thở thật, họ không can thiệp kịp nữa. Vụ này cũng lên báo lên đài và rất nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ.
Nếu như ở Việt Nam, tôi đoán rằng những ý kiến bàn luận sẽ chủ yếu xoay quanh sự suy thoái đạo đức, sự vô cảm, thiếu tình người, tức là cá nhân hóa việc khoanh tay đứng nhìn của người giám thị kia, tâp trung vào cô ta như một chủ thể duy nhất của toàn bộ cái xấu, cũng như hai cô trông trẻ bị công luận giày xéo vì sự dã man của họ. Canada có một bước tiến hơn, tôi thấy những chuyên gia bàn về những chính sách mới để kiểm tra mức độ ổn định tâm lý của các tù nhân trước khi vào trại, những hỗ trợ mới để kiểm soát mức độ trừng phạt đối với tù nhân bị biệt giam, và cả những cách để huy động y tế khẩn cấp trong tù. Cô giám thị chắc chắn bị trừng phạt, nhưng xã hội Canada hiểu rằng họ cũng có trách nhiệm. Cô kia không phải là một phần tử ngoài xã hội để chỉ cần loại bỏ cho khuất mắt là xong, cô ta đã, đang và những người như cô ta sẽ là một phần của nó.
Tôi vẫn chờ đợi xem người ta lên tiếng về việc phải hỗ trợ học phí nhà trẻ, phải thanh lọc quá trình tuyển dụng các cô trông trẻ, phải đào tạo đạo đức cho các sinh viên sư phạm mầm non, phải có những biện pháp để những phụ huynh làm trong các khu công nghiệp lương ba cọc ba đồng, đi từ sáng sớm đến tối khuya có lựa chọn trong việc gửi con. Những nhân viên văn phòng có thời gian vào facebook hàng ngày, than thở chê bai những ông bố bà mẹ vô trách nhiệm hay vô tâm để con bị đánh mà không biết. Tôi ngờ rằng họ biết, nhưng hai vợ chồng công nhân làm trong khu công nghiệp, họ hàng ở quê, xung quanh không có ai để nhờ vả, phải vào làm từ 6 rưỡi sáng và về nhà lúc 6 rưỡi tối, khi phải lựa chọn giữa đưa con đi học ở chỗ khác, đi làm muộn, mất việc, con bị đói, với việc biết rằng con bị đánh, chưa kể rằng có thể bản thân họ cũng lớn lên với đòn roi, thì lựa chọn thế nào cũng không phải quá khó hiểu.
Không thấy có nhiều ý kiến kiểu như vậy, nên tôi e rằng chúng ta vẫn chưa hiểu rằng để giải quyết một vấn đề, không thể chỉ đổ lỗi cho một cá nhân, hay quy chụp cá nhân đó bất thường. Chỉ khi nào cả xã hội cùng nhận trách nhiệm và cùng nghĩ đến những thay đổi cơ bản về chính sách hay về cách chúng ta sống và vận hành như một tập thể, thì đến khi đấy mới hết những cô trông trẻ dã man. Còn lại thì, bỏ tù được hai cô, sợ rằng lại có những cô khác. Giống như một cơ thể đã nhiễm HIV, nếu hệ miễn dịch không còn vững chắc nữa, chữa được bệnh ngoài da thì lại bị tiêu chảy thôi.Nguyễn Hồng Vân 
Những bầy sâu
Nói đến sâu ai cũng sợ, nhất là quý cô quý bà. Con sâu cải với màu xanh của cải non, trông hiền là thế, nhưng nhỡ rơi vào nồi canh, thì dù có ngon đến mấy cũng phải đem đi đổ.
Con sâu làm rầu nồi canh là vậy.
Đến con sâu róm thì thực là kinh hãi. Bộ lông dựng ngược của nó cứ như một con nhím. Lỡ chạm vào, ngứa gãi đến tuột da.
Nhưng đó là sâu local. Sâu ngoại còn kinh khiếp hơn nữa. Những năm đầu 50 thế kỷ trước, sau những chiến dịch quân sự không thành, thực dân Pháp liền mở mặt trận kinh tế. Chúng đem hàng tấn sâu, nghe nói từ những hoang mạc châu Phi xa xôi, thả xuống những ruộng đồng bốn tỉnh Nam-Ngãi-Binh-Phú.
Những con sâu xanh đỏ, tím vàng, rằn rịt, mặt như mặt quỷ, có sừng có mỏ. Chỉ trong một đêm, bao nhiêu cây lúa tốt tươi bị chúng cắn xé tận ruột gan trở nên vàng úa, nằm chết rũ.
Hồi đó không có thuốc trừ sâu, nên dân làng chỉ có mỗi một cách là lội xuống ruộng, vạch từng bụi lúa ra mà bắt. Sâu nhiều đến nỗi, mỗi sáng “thu hoạch” đến cả trăm ký. Người ta đào những cái hố, đổ chúng xuống, phủ trấu lên, đốt.
Mùi tanh theo khói bay lên, nồng nặc đến tận giời.
Vì ăn lúa non nên con nào cũng béo trục béo tròn, lớn nhanh như thổi. Chỉ mới nở dăm hôm, đã biết quấn lấy nhau rồi sinh con đẻ cái.
Có mấy tay cốt cán thấm nhuần cách mạng lý luận rằng: sâu ăn lúa chớ có ăn cứt đâu. Nó ăn lúa của ta thì ta ăn lại nó. Vừa no cái bụng, vừa thể hiện lòng căm thù giặc. Thế là, bọn họ hào hứng bắc ngay cái nồi to tổ chảng lên bếp, đổ cả chục ký sâu vào luộc, ăn như ăn gỏi.
Có lẽ vì ăn quá nhiều, mà cũng có thể vì lũ sâu quỷ quái ấy rất độc, nên chẳng mấy chốc cả bọn nằm lăn quay, phùi bọt mép xanh lè.
Cả làng phát hoảng, chẳng ai dám xuống ruộng bắt sâu nữa.

Từ đó, sâu nhung nhúc bò đi khắp hang cùng ngõ hẽm. Sâu vào từng nhà, leo lên giường, chui vào tận giấc mơ. Vì vậy những đứa bé thiếu ăn không mơ thấy gặp bác Hồ mà chỉ thấy lổn nhổn toàn sâu là sâu!
May sao, năm đó Trời hành cơn lụt sớm, mà lại lụt rất to, nên bao nhiêu sâu đều bị cuốn trôi ra biển.
Giờ, cả nước hòa bình, lúa khoai tràn bờ, nhưng dân chúng vẫn đói khổ hoang mang, vì xuất hiện một loại sâu mới.
Chúng không rằn rịt xanh đỏ, không trần truồng bò tới bò lui với hai hàng chân nhiều như chân rết. Mà Trời ạ, chúng chỉ có hai chân, lúc nào cũng diện đồ veste, đi xe đời mới và ngự trong những cái tổ xinh đẹp có giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Chủ tịch nước bảo không chỉ có một con tên X hay tên Y nào đó, mà cả bầy. Ngài bảo dân phải chỉ mặt điểm tên, mỗi người phải xắn tay vào, như trước kia đã từng xuống ruộng bắt sâu của thực dân Pháp.
Ngài bảo vậy là nghe vậy, chứ cho kẹo dân đen cũng không dám.
Bên phủ chính trị rất bực mình, bảo nói mà không làm thì ai nghe. Người ta liền lập ra những đội quân diệt trừ sâu bọ có tên rất kêu, từ trung ương đến địa phương. Rồi trống giong cờ mở, bảo kiếm tuốt trần, tưởng chừng một con kiến cũng không trốn thoát.
Nhưng những con sâu thời hiện đại, chẳng những không lo sợ, mà còn hí hửng kéo nhau ra tận phi trường chào đón. Bởi vì, hồ hỡi quá, đó cũng lại là những bầy lũ từng trốn núp trên rừng Trường Sơn, hay những cháu con của các bậc đại sâu tiền bối.
Cũng có một vài con được đem ra chường mặt trước bàn dân thiên hạ. Cũng có án tử cho oai danh bốn biển. Nhưng thay vì chích thuốc độc lại âm thầm chích thuốc bổ. Đừng có mơ bắn ngay tút xuỵt trước sân tòa như Kim Yong Un bắn dượng ruột của mình.
Vậy nên, chẳng ai ngạc nhiên khi thấy cả nước tràn ngập lũ sâu hai chân, mỗi ngày một nhiều. Chúng chui vào tận trường học, nhà thương. Chúng không thèm ăn lúa ăn khoai, (bõ bèn gì), chúng ăn rừng ăn biển, ăn dầu khí, ăn than đá, ăn bauxite và ăn cả hài cốt liệt sĩ!
Chúng không chỉ có một bầy mà nhiều bầy, gọi là tập đoàn hay nhóm lợi ích.
Đến nước này thì chỉ có Trời mới diệt được chúng. Nhưng hỡi ôi, ngay cả Trời mà cũng đang thấp thỏm lo sợ. Nghe đâu chúng thò thụt định bán cả cái ông Trời nghèo và nhỏ này cho ông Trời giàu và to hơn bên cạnh, mà không thèm mời Thiên Lôi kia đấy!
Vậy thì, chỉ còn có nước botay.com thôi!
Khuất Đẩu - 29/12/2013
Đảng là cha, là mẹ & Nhân dân mồ côi!
Câu chuyện về Đảng là đạo đức, là văn minh thì lâu nay nghe ra rả, nhưng Đảng là Mẹ thì mới được ông Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn ấn hành vừa mới đây trên báo Quân đội Nhân dân (QĐND) [1].
Thực ra thì đối với một người trưởng thành từ trong quân ngũ, là một Đảng viên khi tròn 18 tuổi thì việc Đảng hóa thành niềm tin, cuộc sống, lý tưởng, thành đạo đức, văn mình, là mẹ vĩ đại trong thời điểm chiến tranh loạn lạc... không có gì là lạ.
Nhưng khi người Đảng viên ấy khoác trên mình màu áo của một quân đội với danh xưng QĐND sau cuộc chiến và được nuôi bởi những đồng thuế của dân thì cái việc Đảng hóa đó trở nên kệch cỡm, thô bịch và đầy chất nịnh bợ, tôi tớ.
Vì Đảng hóa như vậy nên ông đã nhầm lẫn phán chắc nịch: “Không có Đảng thì không có Quân đội nhân dân Việt Nam”. Vì sao?
- Thứ nhất, trong tiến trình của Lịch sử, đội quân nhân dân luôn tồn tại, và nó được tổ chức bởi các Đảng phái ban đầu, nếu như không có Đảng Cộng sản thì sẽ có Đảng Quốc dân, Đảng Lập hiến, Đảng Thanh niên, Phục Quốc hội [2] hay bất kỳ Đảng phái nào sẽ tổ chức thành lập đội quân. Cái quan trọng là, đội quân đó được nhân dân nuôi dưỡng, bao bọc ra sao từ quá khứ cho đến hiện tại? Và đội quân của người Cộng sản với 34 người hôm đó (tôi xin lấy mốc mà người Cộng sản như ông Trung tướng đang nhìn nhận) sẽ ra sao nếu không nhận được điều đó từ nhân dân?... Kể cả khi đội quân ấy hoạt động vũ trang - bán vũ trang, chính trị từ thời Việt Bắc lập chiến khu cho đến Mậu Thân 68, tổng tấn công 74-75?
- Thứ hai, đội quân Nhân dân ngày hôm nay, đội quân mà ông tự hào là Đảng cho ra đời thì những chàng trai - cô gái tuổi đôi mươi đó lại từ dân mà ra, và hầu hết đều là những người dân-không-đảng-phái, họ gia nhập đội quân như là phương cách góp phần bảo vệ giang sơn, bảo vệ xóm làng, chống lại ngoại xâm chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ bảo vệ Đảng Cộng sản cả. Nó cũng giống như khi Nguyễn Ái Quốc đọc được bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) vào tháng 7/1920 ông cho rằng, đây là con đường giải phóng chúng ta nhưng không phải ông hiểu về Mác, về Lênin mà ông đơn thuần bị thu hút bởi yếu tế dân tộc & thuộc địa mà bản sơ thảo nhắc đến, cũng như việc ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp cũng là vì Đảng hứa một cách cụ thể là từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa. [3]
- Thứ ba, việc đem công lao sáng lập trong quá khứ để buộc quân đội phải theo Đảng trong hiện tại & tương lai nó cũng hợm hĩnh như việc đem công lao lãnh đạo làm nên thống nhất lãnh thổ 1975 để biện hộ cho việc duy trì quyền lãnh đạo độc tôn, để biện hộ cho sai lầm, để biện hộ cho khuyết điểm không thể sửa chữa nỗi của Đảng trong thời kỳ hòa bình vậy. Làm việc đó khác nào phỉ nhổ vào lịch sử, đem Lịch sử ra đổi chác thưa ông Trung tướng?
Nếu ông trung tướng cho rằng, đội quân hiện nay là do Đảng lập nên, do Đảng lãnh đạo và bảo vệ Đảng - không tách rời khỏi Đảng là tất yếu. Vậy thì xin nói lại các quan điểm mà các ông đang trốn tránh:
- Một là, đội quân hiện nay các ông cố tình đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, rồi dùng nó như 1 công cụ bảo vệ tổ chức Đảng Cộng sản thì tốt nhất, các ông nên đổi tên là Cấm vệ quân Đảng Cộng sản đi.
- Hai là, nếu đội quân hiện nay là từ Đảng mà ra và các ông mặc nhiên buộc trung thành, biến nó thành đội quân bảo vệ Đảng thì tốt nhất, các ông nên lấy quân hằng năm từ gần 4 triệu Đảng viên của mình. Tương tự các phí duy trì cho đội quân này cũng nên lấy từ tiền Đảng phí thay vì thuế nhân dân.
Ông trung tướng cho rằng, bảo vệ Đảng chính là tăng cường năng lực cho Đảng bảo vệ Tổ quốc, do đó quân đội ta đã viết nên và tô thắm truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân”; “Trung với nước, hiếu với dân”. Tôi cho là phải, vì ít nhất ông đã không bỏ quên yếu tố Nước đối với Quân đội. Tuy nhiên:
- Việc đưa quân đội Quốc gia biến thành của riêng cho Đảng cộng sản. Rồi cố gán ghép bằng khẩu hiệu “trung với Đảng, hiếu với Dân” là một sự đánh tráo nham nhở. Một quốc gia với một đội quân chỉ có một mệnh lệnh duy nhất là Bảo vệ lãnh thổ, cương vực quốc gia trước nguy họa từ bên ngoài. Nếu đội quân buộc phải bảo vệ Đảng như là một điều kiện cần và đủ để đảm bảo an ninh quốc gia thì khi Đảng của các ông bị phân hóa, bị suy yếu, bị chia bè-cánh, đội quân đó có đủ sức để đảm nhiệm các mệnh lệnh linh thiêng như trên? Hay là các viễn cảnh Loạn 12 sứ quân lại tái diễn thời hiện đại?
- Đưa quân đội quốc gia (vốn để bảo vệ cho một cộng đồng lớn người) trở thành một đội quân bảo vệ cho một nhúm người với sứ mệnh đặt ngang hàng để buộc đội quân đó phục tùng mọi mệnh lệnh của Đảng, coi nhiệm vụ của Đảng là nhiệm vụ của quân đội, coi hiểm họa của Đảng là hiểm họa của quân đội thì Quân đội đó có còn là một quân đội của Dân, của Quốc gia nữa không? Có xứng đáng để tên là Quân Đội Nhân Dân Việt Nam nữa không? Có xứng đáng để hát một cách tự hào là “Vì Nhân dân quên mình, mình nhân dân hy sinh nữa hay không?” [4].
Sau khi dẫn dắt người đọc, ông lộ rõ ý đồ là muốn đánh thẳng vào những quan điểm về việc muốn QĐND Việt Nam phải trung lập, tách ly ra khỏi lãnh đạo của ĐCS bằng việc nhân danh đạo lý: “Đối với thế hệ chúng tôi và những lớp người đi trước, Đảng, Bác Hồ, nhân dân là cha, là mẹ; Quân đội nhân dân Việt Nam là con của Bác, của Đảng, của dân. Đạo lý người Việt Nam không cho phép ai từ bỏ cha mẹ. Bất kỳ ai đòi quân đội từ bỏ sự trung thành với Đảng, với Bác Hồ là đều trái đạo lý, trái lịch sử. Chúng tôi, những người đã trải qua, hoặc đang trong quân ngũ, mang đạo lý của dân tộc, không chấp nhận quan điểm đó.”
Lần này, tôi cho rằng, ông thực sự mê muội. Vì sao?
- Vì một lần nữa ông lấy cái quan điểm, cái quá khứ của chính ông áp đặt vào thế hệ của ông để rồi ông cho rằng ai cũng coi “Đảng, Bác Hồ, nhân dân là cha, mẹ” mà lại quên rằng, khi những người thế hệ như ông, trước ông và sau ông gia nhập vào đội quân đó, phần lớn họ chỉ có một nguyện vọng duy nhất: Cầm súng, bảo vệ quê hương - xóm làng. Ông đòi hỏi người ta trân trọng lịch sử, nhưng ông lại đem lịch sử thế hệ ra để đổi chác.
- Vì trong một xã hội, nếu duy trì sự gắn bó mật thiết như giữa quân đội với Đảng như cha-mẹ-con thì nghiễm nhiên, quân đội đó trở thành những công cụ tốt nhất để bảo vệ chế độ đó. Ở một mức độ cao hơn, khi quân đội hòa với độc đảng là một thì thể chế chính trị sẽ trở thành chính quyền độc tài quân sự (quân phiệt hóa).
- Vì sau khi ông cố gắng thêm chữ Nhân dân sau “Đảng” (tổ chức của ông), sau “Bác Hồ” (lãnh tụ của ông), ông đi đến một kết luận thật trung thực: “Bất kỳ ai đòi quân đội từ bỏ sự trung thành với Đảng, với Bác Hồ là đều trái đạo lý, trái lịch sử.” Xin hỏi ông trung tướng với chức vị đầy mình rằng:
+ Từ bao giờ đạo lý dân tộc lại gắn với sự trung thành đối với 1 Đảng phái?
+ Từ bao giờ đạo lý dân tộc lại gắn liền với một người lãnh đạo?
+ Từ bao giờ Lịch sử lại sai trái khi người dân không còn trung thành với Đảng, với Bác Hồ?
- Vì hiện nay, ĐCS Việt Nam đang trở thành một cái động chứa nhóm lợi ích, những kẻ bòn vét tài nguyên quốc gia cũng như vét kiệt nguồn lực con người. Nó đang chuyển thành trở thành một khối đối lập đối với lợi ích nhân dân Việt Nam, thế hệ Việt Nam mai sau. Thế mà ông vẫn kêu gào đòi đội quân từ dân ra, ăn thuế dân phải tiếp tục trung với Đảng. Khác gì Nhân dân ngu muội, tự mài vũ khí giết mình, con mình, cháu mình trong tương lai?
Nói dễ hiểu hơn một chút là, không biết ông trung tướng có siêng đọc báo - xem đài không? Nếu có hẵng ông sẽ biết tin Kim Jong-un (lãnh tụ Triều Tiên) đã ra lệnh cho các binh sĩ tiền tuyến phải "trung thành", sẵn sàng trở thành những “viên đạn, quả bom người” để bảo vệ lãnh đạo Triều Tiên. Ông trung tướng có hiểu được cái mệnh lệnh mà Kim Jong-un đưa ra với cái mệnh lệnh trung với Đảng mà ông và những người như ông đang cố bảo vệ, tuyên truyền không ạ?
Tóm lại, mệnh lệnh cao nhất của Quân Đội là BẢO VỆ QUỐC GIA & TRÁNH LÀ DỤNG CỤ CỦA BẤT KỲ ĐẢNG PHÁI NÀO CẢ. Vì thế, Quân Đội Nhân Dân phải Trung với Quốc Gia, Hiếu với Nhân Dân. Chỉ có như thế, Quân đội mới tránh việc phân mảnh khi mà nội bộ Đảng Cộng sản bị phân hóa thành các thế lực khác nhau bởi vì tính thống nhất Đảng phái chỉ mang tính tạm thời, không phải là vĩnh viễn. Vì “quyền lực mà không có lòng tin của nhân dân thì chẳng là gì cả (Catherine II)” thưa ông Trung tướng!
Cuối cùng, xin gửi ông và những người như ông một câu chuyện ngụ ngôn thời Liên Xô:
Sĩ quan Liên Xô nói chuyện với một tân binh:
- Ai là cha của anh?
- Dạ, nguyên soái Stalin ạ!
- Sao lại như vậy được?
- Thì người ta vẫn nói nguyên soái là cha già của dân tộc đấy thôi!
Sĩ quan rất ngạc nhiên nhưng đành phải thừa nhận tân binh có lý. Ông ta hỏi tiếp:
- Thế ai là mẹ của anh?
- Dạ, Liên Xô ạ!
- Thế có nghĩa là thế nào?
- Thì người ta vẫn nói Liên Xô là mẹ của tất cả các dân tộc…
Trả lời của tân binh làm viên sĩ quan khoái trá. Với niềm hy vọng lớn lao, anh ta hỏi tân binh bằng giọng thân mật:
- Thế cậu muốn trở thành người như thế nào?
- Dạ, thưa, em muốn thành đứa mồ côi ạ!
LM H Tuấn
Mười sự kiện nổi bật về chính trị - xã hội của Việt Nam trong năm 2013 do Bauxite Việt Nam chọn
1. Diễn đàn Xã hội dân sự ra đời.
2. Mạng lưới Blogger Việt Nam xuất hiện.
3. Dự thảo Hiến pháp vẫn được thông qua với chỉ hai phiếu trắng, không có phiếu phản đối, bất chấp ý kiến phản biện mạnh mẽ của nhiều tầng lớp xã hội, tiêu biểu là Kiến nghị 72 (với gần 15 ngàn chữ ký ủng hộ, trong đó có nhiều người là nông dân) và bản nhận định và góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
4. Các đảng viên Lê Hiếu Đằng, tiếp đó Phạm Chí Dũng và Nguyễn Đắc Diên công khai từ bỏ đảng tịch.
5. Nguyễn Phương Uyên được trả tự do tại tòa dù đã dõng dạc công khai tuyên bố trước tòa: "Tôi yêu Tổ quốc, nhưng xin đừng đánh đồng với Đảng".
6. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thú nhận "đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa".
7. Dân oan mất đất các miền kéo về thủ đô và TP HCM tập trung biểu tình và đến các cơ quan trung ương đưa đơn khiếu kiện, tố cáo cán bộ tham nhũng, trù dập và tiếp tục cướp đất của người dân. Một dân oan là anh Đặng Ngọc Viết nổ súng vào quan chức giải phóng mặt bằng rồi tự sát.
8. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.
9. Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được ban hành, bị tố cáo là nhằm tăng cường trấn áp bất đồng và kiểm duyệt internet.
10. Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ngay sau đó đàn áp mạnh mẽ phong trào đòi nhân quyền trong nước khắp từ Nam đến Bắc.
Sinh viên nhìn thẳng, nói thật về thói hư tật xấu
TPO - Sáng 28/12, tại Đại học Quốc Gia Hà Nội, 117 đại biểu Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam thảo luận về vấn đề đạo đức, lối sống và tác phong Sinh viên Việt Nam trong thời đại mới.
Anh Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam chủ trì cuộc thảo luận.
Phát biểu đề dẫn thảo luận, anh Lê Quang Tự Do, Phó ban tuyên giáo T.Ư Đoàn cho biết, có thể tự hào khẳng định rằng, đại bộ phần sinh viên Việt Nam yêu nước, có lối sống nhân ái, đoàn kết, năng động, tự chủ và có cá tính, phát huy được năng lực bản thân.
Tuy nhiên, theo anh Tự Do, vẫn còn một bộ phận nhỏ sống thực dụng, coi nặng giá trị vật chất, có thái độ thờ ơ, vô cảm, ích kỷ, xa rời các giá trị tốt đẹp, sống buông thả, chưa có tác phpng cuộc sống hiện đại.
“Rất mong các đại biểu tập trung thảo luận, dành nhiều tâm huyết nói lên suy nghĩ, ý kiến, phân tích, đánh giá thực trạng và chỉ ra nguyên nhân và đề ra các giải pháp của hiện tượng này”, anh Tự Do nói.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, đại biểu Phạm Chí Công đến từ TP HCM cho rằng, thực tế đang có báo động về tình trạng văn hóa, đạo đức của sinh viên.
“Năm 2013 có rất nhiều vụ việc về sinh viên đánh nhau, giết người. Phải chăng đạo đức trong sinh viên đang đi xuống. Chúng ta thử nhập cụm từ khóa “sinh viên 5 tốt” trên Google cũng có nhiều nhưng chẳng thấm là bao nếu so sánh với cụm từ “Sinh viên đánh nhau”, “sinh viết giết người”.
Đại diện Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm cho rằng, một bộ phận không nhỏ sinh viên đang có đạo đức không tốt.
Theo đại biểu này, các trào lưu văn hóa xấu ảnh hưởng rất nhiều tới sinh viên. Ví dụ như trào lưu cởi đồ, trào lưu hát cùng dao kéo trên các trang mạng, chỉ từ một vài người rồi lan rộng ra, có rất nhiều hình ảnh phản cảm.
Chia sẻ về nguyên nhân, các đại biểu đa phần đồng tình với quan điểm có trách nhiệm của gia đình, xã hội, nhà trường và các tổ chức chính trị của sinh viên.
“Sinh viên chưa hoàn thiện về nhân cách và đạo đức, nhận thức nhiều khi còn hạn chế, lại ham thể hiện, khám phá nên dễ bị dụ dỗ…”, đại biểu Phạm Chí Công phân tích.
Anh Công đưa ra các giải pháp, trong đó có phối hợp giảng dạy các môn tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, Tổ chức các hội thảo giúp sinh viên nhìn nhận đúng đăn hơn về các cạm bẫy, rủi ro trong cuộc sống. Ngoài ra, cng cần có thêm phương pháp quản lý sinh viên, nêu gương sinh viên tốt, chấm điểm sinh viên…
“Hội phải thực sự là người bạn của sinh viên, đồng hành cùng sinh viên, bảo vệ quyền lợi, quan điểm của phần đông sinh viên”, đại diện đến từ TP HCM nói.
Trao đổi về vấn đề này, anh Phạm Kiều Hưng, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP HCM cho rằng, trong thời gian qua, Hội chưa có nhiều giải pháp thực sự đi vào đời sống sinh hoạt và học tập của sinh viên. Ngoài ra, cũng chưa mạnh dạn ở góc độ chống những cái xấu.
“Thử hỏi, đã bao nhiêu trường làm được công việc thống kê sinh viên vi phạm quy chế thi và có các hình thức xử phạt nặng như đình chỉ học để làm gương”, anh Hưng nói.
Theo anh Hưng, cũng chính vì những lý do này, khiến có những sinh viên mắc bệnh thờ ơ, vô cảm. “Nhiều khi thấy điều xấu mà không lên tiếng. Nghĩ rằng chỉ mình tốt là được. Từ đó dẫn đến sự thờ ơ’, anh Hưng chia sẻ.
Lâm Tùng, Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội lại đề cập đến vấn đề tiếp cận với mạng internet. Theo Lâm Tùng, hiện, rất nhiều sinh viên khi lên mạng internet chỉ tập trung vào facebook, các trang ảnh hài, bóng đá… mà không cập nhật tin thức, thông tin chính thống, từ đó, dẫn tới việc thiếu hụt kiến thức, tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu.
“Hôi bia, hôi của là hành vi ai cũng bức xúc. Đó là hành vi không đúng về mặt đạo đức. Thế mà, các bạn trẻ lại đi tôn vinh ở tỉnh A, tỉnh B không xảy ra hôi của khi có tai nạn, trong khi việc đó là lẽ đương nhiên. Đừng nghĩ rằng, tôi không hôi của là tôi vinh dự”, Lâm Tùng nói.
Cũng theo Lâm Tùng, hiện nay, những trào lưu làm clip rất thịnh hành, vậy tại sao không tranh thủ mở những cuộc thi như thế để thu hút sinh viên, đặc biệt trong các vấn đề tuân thủ luật giao thông…
Góp ý với cuộc thảo luận, Bùi Văn Bang – Sinh viên trường Tăng thiết giáp nêu quan điểm, đạo đức, tác phong sinh viên chỉ là những điều giản dị xung quanh mình.
“Hôm qua, tôi đi dạo, thấy nhiều sinh viên Việt Nam vô tư xả rác, trong khi các du khách nước ngoài rất cẩn thận vứt rác vào thùng”, Bang nói, đồng thời đưa ra nhận định “Giá trị đạo đức đơn giản và dễ thực hiện. Không cần gì to tát lắm. Hội cần có các chương trình khơi dậy những hành động nhỏ đó”.
Kết luận cuộc thảo luận, anh Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, bên cạnh sự tự rèn luyện, nỗ lực của cá nhân thì môi trường cũng đóng vai trò quan trọng.
“Môi trường tốt thì sinh viên có thể tự đề kháng được, tự hành động đúng, tự rèn luyện đúng. Trách nhiệm của Hội Sinh viên Việt Nam rất lớn”, anh Phong nói, đồng thời cho biết, các ý kiến đóng góp sẽ được ghi nhận và bổ sung vào văn kiện của Đại hội.

Trường Phong
Chân dung Phó Giáo sư 30 tuổi trẻ nhất Việt Nam
PGS.TS Lê Anh Vinh, 30 tuổi – Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2013 do Thành đoàn Hà Nội công bố.
Theo danh sách được công bố, PGS.TS Lê Anh Vinh sinh ngày 29/7/1983, hiện là Phó Trưởng phòng Khoa học – Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Anh là Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013.
PGS.TS Lê Anh Vinh hiện là Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013
PGS.TS Lê Anh Vinh hiện là Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013.

Năm 2001, khi còn là học sinh, anh đã giành Huy chương Bạc Toán quốc tế và Huy chương Vàng Toán châu Á Thái Bình Dương. Anh được nhận học bổng toàn phần của chính phủ Australia tại trường ĐH New South Wales.
Năm 2005, anh tốt nghiệp thủ khoa ĐH chuyên ngành Toán - Tin của Australia. Năm 2010, anh nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi. Lê Anh Vinh đã làm nghiên cứu viên trẻ tại Viện nghiên cứu Toán – Lý Erwin Schrodinger (Vienna, Áo) và giảng viên tại Khoa Toán, trường ĐH Rochester (Hoa Kỳ).
Lê Anh Vinh có 35 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó 16 bài được thực hiện trong 3 năm công tác tại ĐHQGHN. Anh từng chủ trì 1 đề tài cấp trường ĐHGD, 02 đề tài cấp ĐHQGHN, 01 đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ Phát triển khoa học công nghệ Quốc gia, và 01 đề tài nghiên cứu cơ bản của Viện Hàn lâm khoa học các nước Thế giới thứ 3.
Anh cũng là Phó trưởng đoàn Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 54 (năm 2013) tại Cộng hòa Colombia. Đoàn học sinh Việt Nam đạt 03 huy chương vàng, 03 huy chương bạc, xếp thứ 7/97 nước tham dự.
Năm 2012, Lê Anh Vinh đạt giải nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam dành cho giảng viên trẻ năm 2012. Anh cũng đạt giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu của nhà khoa học trẻ ĐHQGHN năm 2012 và được nhận Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Ngày 4/11/2013, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-HĐCDGSNN về việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư cho 56 nhà giáo và đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cho 491 nhà giáo. Trong đó, thầy giáo Lê Anh Vinh, SN 1983, giảng viên Trường ĐH Giáo dục thuộc ĐHQGHN, là phó giáo sư trẻ tuổi nhất toàn quốc năm 2013. Thầy giáo Lê Anh Vinh giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực toán học
Giữa đêm Hà Nội rét buốt, người bán hàng rong bị va quệt, xe dâu tây đổ cả xuống đường, người dân vội vã chạy tới nhặt giúp khiến chị bán hàng xúc động rơi lệ.

Bức ảnh người dân giúp chị bán hàng rong nhặt những quả dâu tây bị đổ trên đường sau một vụ va chạm xe đang được cư dân mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt. Bức ảnh do bạn Linh Lưu chụp tại Hà Nội vào khoảng hơn 23h ngày 23/12 và chia sẻ lên trang Facebook cá nhân.
Bức ảnh gây xúc động của bạn Linh Lưu
Bức ảnh gây xúc động của bạn Linh Lưu.

Vào thời điểm chụp bức ảnh, một vụ va chạm xe cộ nhỏ đã xảy ra khiến xe dâu tây chòng chành, trái cây lăn xuống đường. Chị bán hàng cuống cuồng chống đỡ nhưng không kịp. Người dân xung quanh thấy vậy vội vã chạy tới nhặt giúp.

Lúc này, thời tiết Hà Nội lạnh giá nên đường xá vắng vẻ. Chỉ còn một vài thành niên còn đứng chơi ở gần đó và người dân địa phương giúp chị bán hàng rong. Hành động đầy tính nhân văn này đã khiến chị bán hàng xúc động rơi lệ - theo chia sẻ trên Facebook của bạn Linh Lưu.

Bức ảnh mới được đăng tải trên mạng chỉ 1 giờ sau đã thu hút 500 lượt Like và liên tục được lan truyền trên mạng.
Dân mạng đang lan truyền bức ảnh với tốc độ nhanh
Dân mạng đang lan truyền bức ảnh với tốc độ nhanh.
 Nhiều cư dân mạng cho rằng, hành động giúp đỡ của người dân trong bức ảnh này tạo nên một sự tương phản sâu sắc với hành động “hôi bia” vừa bị xã hội lên án thời gian vừa qua.
Và qua đó, bức ảnh cũng cho thấy rằng, trong xã hội ta có rất nhiều người tốt, giàu tình thương yêu, sự việc hôi của chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét