Hiển thị các bài đăng có nhãn nhung dieu can biet. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn nhung dieu can biet. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Khám phá "siêu xe" của các kiểu ông già Noel mà bạn chưa biết

Những Câu Chúc Tết - Mỗi ông già Noel lại chọn cho mình một cách thức khác nhau để mang quà tới tặng các em nhỏ...

Nhắc tới Giáng sinh, tới ông già Noel, người ta thường nghĩ ngay tới một ông lão có gương mặt phúc hậu, chiếc bụng phệ, bộ râu trắng xóa, mặc quần áo đỏ với bao quà ở sau lưng. Ông thường cưỡi cỗ xe tuần lộc vào đêm Giáng sinh đi phát quà cho trẻ em khắp nơi trên thế giới. 

Song trên thực tế, đó không phải là ông già Noel duy nhất. Ở rất nhiều nền văn hóa, tôn giáo có những phiên bản ông già Noel khác và tất nhiên, thay vì dùng xe tuần lộc, họ sử dụng phương tiện khác…

1. Xe tuần lộc kéo của Santa Claus

Santa Claus là “phiên bản” ông già Noel phổ biến nhất trên thế giới. Hàng năm, cứ tới đêm Giáng sinh 24/12, ông lại cưỡi trên cỗ xe được kéo bởi 9 chú tuần lộc đáng yêu bay khắp bầu trời, tặng cho trẻ em những món quà đặc biệt.
Khám phá "siêu xe" của các kiểu ông già Noel mà bạn chưa biết

Nguồn gốc câu chuyện về đàn tuần lộc kéo xe của ông già tuyết ra đời từ bài thơ “The Night Before Christmas” của Clement C. Moore năm 1823. Theo đó, ban đầu, cỗ xe bay của ông già Noel gồm có 8 chú tuần lộc, xếp thành 2 hàng: Dasher, Dancer, Prancer, Vixen, Comet, Cupid, Donder và Blitzen. Trong đó, tên của 2 chú Donder, Blitzen xuất phát từ tiếng Đức, có nghĩa là sấm chớp và tia sét.
Khám phá "siêu xe" của các kiểu ông già Noel mà bạn chưa biết
Ban đầu, đàn tuần lộc của ông già Noel Santa Claus chỉ có 8 con...

Tới năm 1939, trong những bài thơ Giáng sinh của Robert L. May viết ra, hình ảnh chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph bắt đầu xuất hiện. Cụ thể, vào một đêm Giáng sinh, Santa Claus gặp khó khăn trong việc tặng quà cho các em nhỏ bởi bầu trời giá rét đầy sương mù. 

May sao khi ấy, ông phát hiện ra Rudolph - một chú tuần lộc có chiếc mũi đỏ phát sáng. Vậy là ông già Noel cho Rudolph dẫn đầu đoàn xe kéo của mình. Chính nhờ chiếc mũi đỏ của chú tuần lộc này phát sáng đã giúp Santa Claus hoàn thành nhiệm vụ đêm Noel.
... nhưng sau đó có thêm chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph dẫn đầu...
Khám phá "siêu xe" của các kiểu ông già Noel mà bạn chưa biết
Chú tuần lộc mũi đỏ đáng yêu Rudolph.

Cũng từ đó, đoàn xe tuần lộc của ông già Noel có 9 thành viên. Theo nhiều quan điểm tôn giáo, sở dĩ đàn tuần lộc này có khả năng bay được là nhờ Santa Claus đã tình cờ tìm thấy và cho chúng ăn bột ngô và yến mạch thần kỳ. 

Đặc biệt, trong văn hóa dân gian, chiếc sừng của tuần lộc có khả năng bắt, thu nhận tất cả những giấc mơ, nguyện vọng của trẻ em trên toàn thế giới, do đó ông già Noel đã quyết định chọn loài sinh vật này làm phương tiện di chuyển của mình.
Khám phá "siêu xe" của các kiểu ông già Noel mà bạn chưa biết
2. Xe ngựa kéo Troika của ông già tuyết Ded Moroz

Ded Moroz, hay còn được biết tới là “ông Đông giá” chính là “phiên bản Đông Âu” của ông già Noel. Về cơ bản, Ded Moroz cũng có bộ râu dài chấm đất trắng muốt và hình dáng to béo, mặc bộ áo choàng đỏ nhưng ông luôn cầm theo một cây gậy phép.
Chân dung "ông Đông giá"...

Song hành trên đường đi phát quà cho trẻ em vào dịp năm mới cùng với Ded Moroz là cô cháu gái ông tên Snegurochka - người được biết tới với biệt danh “Snow Girl”. Thay vì cưỡi xe tuần lộc, cả hai chọn phương tiện di chuyển chính là cỗ xe ngựa kéo Troika truyền thống của Nga. 
...với cỗ xe ngựa Troika truyền thống của Nga.
Hình ảnh miêu tả cô gái tuyết - cháu gái của "ông Đông giá".

Đây là loại xe kéo sử dụng ba ngựa song song nhau kéo theo sau là xe trượt tuyết. Điểm đặc biệt của loại xe này là khả năng tận dụng rất tốt sức kéo của 3 con vật cùng lúc, giúp xe của Ded Moroz đi nhanh nhất có thể. Trên đường thẳng, con ngựa ở giữa sẽ dẫn đầu và tương tự với hai con còn lại khi chuyển hướng sang hai bên.
3. Chổi thần của “bà già Noel” La Befana

Cũng là người luôn mang đến những món quà đặc biệt cho trẻ em giống Santa Claus, đó là “bà già Noel” La Befana tại đất nước mang hình chiếc ủng Italy. Trong truyền thuyết, La Befana là một bà lão cau có, mặc áo choàng đen, ăn vận giống phù thủy.

Nhưng dù mang vẻ bề ngoài là một hình ảnh bà già cau có, bẩn thỉu, La Befana mang cả hai tính cách: tốt bụng và xấu tính. Bà biết rất rõ tính cách của từng em bé để chọn món quà cho chúng.
Đối với những trẻ em ngoan, bà sẽ tặng quà hay kẹo bánh, còn những em bé chưa nghe lời cha mẹ chỉ nhận được những hòn than đen. Dù bánh kẹo hay than đi nữa thì chúng đều được bỏ vào trong một chiếc tất dài, treo bên lò sưởi.
Befana chui vào ống khói các tòa nhà với cây chổi của mình để tặng quà cho các em nhỏ.
Than đen - món quà Befana tặng riêng cho các em nhỏ hư.
Câu chuyện về La Befana bắt nguồn từ Kitô giáo. Ba vị vua Magi vì muốn tìm tới thăm Chúa hài đồng (vị chúa mới sinh) nên đã nhờ Befana chỉ đường. Nhưng do bận bịu với công việc nội trợ, Befana đã từ chối giúp đỡ nên ba vị vua phải tự tìm đường. Ngày hôm sau, do nhận ra sai lầm của mình, bà đã đuổi theo nhưng rốt cuộc cũng không có cơ hội để gặp Chúa hài đồng. 
Tạo hình dễ thương của "bà già Noel" phiên bản Ý. Cây chổi là vật không thể thiếu của Befana.

Từ đó, bà quyết định đi khắp nơi tặng quà cho các em bé. Em bé ngoan sẽ được đồ chơi, bánh kẹo, trái cây… trong khi các em bé hư sẽ nhận được những cục than, hành tây hay tỏi. Trong miêu tả, Befana sử dụng cây chổi thần của mình để bay khắp nơi, chui qua ống khói các gia đình để tặng quà cho nhiều em nhỏ.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Altogether Christmas, Toptenz, Ehow, Wikipedia... 
Theo: Kenh14.vn
__________________________________________________ 
Lukhachdem Chúc Các Bạn 1 Ngày Thật Vui! 
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/

"Biết tuốt" về bộ đôi ông già Noel và... bà già Noel

Những Câu Chúc Tết - "Biết tuốt" về bộ đôi ông già Noel và... bà già Noel "Bật mí" lịch sử thú vị về 2 nhân vật biểu tượng của Giáng sinh ấm áp!

Ông già Noel
"Biết tuốt" về bộ đôi ông già Noel và... bà già Noel
Có thể bạn cho rằng ông già Noel chỉ là nhân vật tưởng tượng nhưng thực chất, ông già Noel lại xuất phát từ nhân vật có thật. Vào thế kỉ thứ 4, có một giám mục nổi tiếng vì lòng hào hiệp, nhân nghĩa tên là Nicholas mà sau này được phong thành Thánh Nicholas. 
Một tác phẩm khắc họa Thánh Nicholas bởi nhà điêu khắc Castello D'Aviano vào thế kỉ 16 ở Ý.
Khi còn nhỏ, Thánh Nicholas đã được cha mẹ dạy rất nhiều về Kinh Thánh nhưng không may, cha mẹ qua đời do bệnh dịch, trao cho ông toàn bộ gia tài. Đến lúc trở thành giám mục, ông đã dùng toàn bộ tài sản của mình để giúp đỡ những người xung quanh. Có lần, Thánh Nicolas đã ném 3 túi tiền vàng cho người đàn ông nghèo khổ để làm của hồi môn cho 3 cô con gái lấy chồng. Khi ấy, 3 túi vàng đó rơi vào vớ (tất) treo gần đám lửa dùng để sưởi ấm, và đó chính là cơ sở của truyền thống treo tất gần lò sưởi để nhận quà của ông già Noel.
Bức tranh của Vitale da Bologna vào thế kỉ 14, mô tả cảnh Thánh Nicholas chăm sóc hai đứa trẻ.
Tên Santa Claus là một trong những tên gọi khác của thánh Nicolas, nó được phát triển từ Hà Lan. Người Hà Lan phát âm từ Saint Nicholas thành Sint Nicholaas, sau đó nói chệch thành Sinterklaas và cuối cùng được những người theo giáo phái Anh đọc thành Santa Claus.
Thế kỉ 19, hình ảnh của thánh Nicholas đã trở nên phổ biến ở Mĩ. Mặc dù mô tả về huyền thoại ông già Noel và Giáng sinh ở mỗi đất nước sẽ có những khác biệt riêng nhưng hình ảnh chung nhất về ông già Noel đó là một ông già to béo với bộ quần áo đỏ và chiếc túi đầy quà tặng..
Hình ảnh minh họa bìa cuốn sách “Ðêm trước Giáng Sinh” (The Night Before Chrismas) của tác giả Clement Clarke Moore xuất bản năm 1822. Câu chuyện có lẽ chỉ được lưu truyền trong gia đình và để kể cho những đứa trẻ nhà Moore vào đêm Giáng sinh nếu như không có một người bạn của gia đình gửi bản thảo câu chuyện đó tới tòa báo. Cuốn sách nhanh chóng được xuất bản và trở nên nổi tiếng. 
Nhà sản xuất phim hoạt hình Thomas Nast đã hiện đại hóa hình ảnh ông già Noel, bộ phim được sản xuất vào những năm 1881. Trong bộ phim hoạt hình này, Thomas Nast dựng hình ảnh ông già Noel vui tính, râu tóc trắng xóa, má đỏ hồng, mặc bộ đồ đỏ trắng, đi khắp ngõ phố mang quà đến cho trẻ em. Trong phim ông già Noel dành cả năm để đọc thư của trẻ em trên khắp thế giới. Tất cả những hình ảnh này ngày nay càng trở nên gần gũi và gắn bó với hình tượng ông già Noel.

Bà già Claus - Vợ của ông già Noel 
Vợ chồng ông già Noel trên tấm thiệp Giáng sinh năm 1919.
Trong khi ông già Noel xuất hiện từ hàng trăm năm trước và có nguồn gốc từ Thánh Nicholas thì câu chuyện về bà già Noel có lịch sử ngắn hơn nhiều. 

Nhân vật bà Claus (vợ ông già Noel) lần đầu tiên xuất hiện trong truyện ngắn “Truyền thuyết Giáng sinh”, xuất bản năm 1984 và được viết bởi James Rees - một tín đồ Kitô giáo ở Philadelphia, Mỹ. Trong câu chuyện, một người đàn ông và phụ nữ lớn tuổi, cả hai mang theo một bao đồ nặng ở sau lưng, đi lang thang như những du khách mệt mỏi và xin trú tạm trong một ngôi nhà nào đó trước đêm Giáng sinh. 
Sáng hôm sau, trẻ em nhà đó sẽ vui mừng vì nhận được rất nhiều quà, và cặp đôi đó được coi là vợ chồng ông già Noel. Ông già Noel đã làm tốt những công việc của mình, và người ta nghĩ rằng có bà Claus luôn theo sau để giúp đỡ ông. Bà Claus được miêu tả với khuôn mặt phúc hậu, mái tóc hoa râm, mặc bộ váy áo màu đỏ và thường lái cỗ xe tuần lộc cùng ông già Noel đi phát quà cho trẻ nhỏ.

Vào năm 1851, trên tờ “Tạp chí Văn học Yale”, một sinh viên cộng tác đã đưa ra giả thuyết: sở dĩ ông già Noel có thể trông thật “bảnh” và hoàn thành tốt nhiệm vụ phát quà của mình là nhờ sự giúp đỡ rất lớn của vợ ông. Bạn có tin được điều ấy không?

Bà già Noel được mô tả là một người phụ nữ chuyên xuất hiện trong những giấc mơ của các bé gái, đem lại quần áo đẹp cho các bé để diện vào dịp Noel và Năm mới. 
Năm 1889, bài thơ “Goody Santa Claus on a Sleigh Ride” (Người vợ tốt của ông già Noel trên chiếc xe trượt tuyết) do Katherine Lee Bates sáng tác đã đưa nhân vật này được phổ biến vô cùng rộng rãi. Theo minh họa của bài thơ, bà già Noel đã "đánh lừa" để lấy cỗ xe trượt tuyết của ông già Noel khi ông đang chuẩn bị đồ chơi, bim bim, cây thông, gà tây… cho Lễ Giáng sinh

Một lần khác, bà Claus đã điều khiển tuần lộc trong khi ông già Santa đi phát quà. Bà ấy đã xin phép Santa Claus cho phép bà phát một món quà. Ông già Noel đã chấp thuận yêu cầu đó và bà ấy đã dành món quà của mình cho một em nhỏ nghèo. Khi nhiệm vụ hoàn thành, bà ấy đã được ông già Noel công nhận là có một trái tim nhân hậu và cùng ông trở về ngôi nhà ở Bắc Cực. 
Theo: Kenh14.vn
__________________________________________________ 
Lukhachdem Chúc Các Bạn 1 Ngày Thật Vui! 
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/

Phân biệt ngày 24 và ngày 25 trong lễ Giáng sinh

Những Lời Chúc Tết - Đi tìm sự thật đằng sau những lầm tưởng thông thường về hai ngày tổ chức lễ Giáng sinh…

Lễ Giáng sinh hay lễ Thiên Chúa giáng sinh là dịp kỷ niệm ngày Chúa Jesus được sinh ra tại Bethlehem, xứ Judea, nước Do Thái. Người ta ước tính thời điểm đó vào khoảng giữa năm 7 TCN và năm 2. Thực chất, 
Phân biệt ngày 24 và ngày 25 trong lễ Giáng sinh
Giáng sinh và lễ Noel là một. Cụm từ Noel có gốc từ tiếng La-tinh “nãtãlis” có nghĩa là ngày sinh. 
Chúa Jesus mới đích thực là nhân vật chính của lễ Giáng sinh.

Tuy nhiên, tài liệu ghi trong sách Phúc âm Matthew nói rằng, tên gọi Noel xuất phát từ tước hiệu Emmanuel, tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas. Cụm từ này có thể tách thành hai tiếng “Christ” và “Mas”. “Christ” có nghĩa là “Đấng được xức dầu” – tước hiệu của Chúa Jesus còn tiếng “Mas” có nghĩa là thánh lễ.

Thông thường, lễ Giáng sinh được tổ chức từ đêm ngày 24/12 cho tới hết ngày 25/12. Tại sao một sự kiện lại được cử hành trong tận 2 ngày? Đấy là bởi người Do Thái cho rằng, một ngày mới bắt đầu từ lúc hoàng hôn, do đó người ta mới tổ chức sớm từ đêm tối ngày 24 (gọi là lễ vọng) trước khi tổ chức chính thức trong cả ngày 25 (gọi là lễ chính ngày).

1. Đêm 24/12 - ngày “lễ vọng” của Giáng sinh

Như đã nói ở trên, theo Công giáo Roma, đêm 24/12 là thời điểm “lễ vọng” được tổ chức thêm nhằm thu hút đông đảo người tham gia hơn. Vào đêm đó, tất cả các địa điểm như thánh đường hay mỗi hộ gia đình đều trang trí hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng chúa Hài đồng tượng Đức Mẹ Maria. Ở xung quanh đó là những chú lừa, tượng Ba Vua, một số thiên thần, thánh Giuse...
Hình ảnh một nhà tu người Đức - Thánh Boniface.
Mặt khác, hình ảnh ngày 24/12 còn gắn liền với sự ra đời của cây thông Giáng sinh. Theo lịch sử, vào giữa năm 2000 và 1200 TCN, người ta đã nói về một loại cây thông Epicea được trang trí bởi hoa, quả và lúa mì gắn liền với ngày 24/12, ngày tái sinh của Mặt trời. 

Người ta kể rằng vào thế kỷ thứ VII có một nhà tu người Anh, Thánh Boniface (sinh năm 680) trên đường hành hương tình cờ bắt gặp một nhóm những kẻ ngoại đạo sùng bái tập trung quanh một cây sồi lớn và dùng một đứa trẻ để tế thần. 
Ðể ngăn cản buổi tế thần và cứu đứa trẻ, Boniface đã hạ gục cây sồi chỉ bằng một quả đấm. Tại nơi đó đã mọc lên một cây thông nhỏ. Vị thánh nói với những kẻ ngoại đạo rằng, cây thông nhỏ là cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế. Từ đó, người ta trồng cây thông con để dùng trong lễ Giáng sinh - biểu tượng của niềm hy vọng và sức sống mới.

2. Ngày 25/12 - ngày lễ chính của Giáng sinh

Có rất nhiều người cho rằng, ngày 25/12 mới là ngày Chúa Jesus thực sự ra đời nên 25/12 mới chính là Giáng sinh thật sự. Song điều này là không hoàn toàn chính xác. 

Cho tới này, chưa có tài liệu nào dám khẳng định chắc chắn Chúa Jesus có phải sinh ra vào ngày đó hay không. Tất cả những gì ta biết chỉ là Chúa Jesus sinh ra vào một đêm tối, trong chuồng gia súc của một quán trọ, một số người chăn chiên được thiên sứ báo tin đã tìm đến để thờ phụng Chúa.
Sau sự kiện này, lễ Giáng sinh bắt đầu được các tín đồ Cơ đốc tổ chức ăn mừng. Ban đầu, trước sự cấm đoán và bắt bớ của chính quyền La Mã, họ đã bí mật chọn ngày 25/12 để tổ chức - trùng đúng vào ngày lễ “Thần Mặt trời” (Feast of The Sol invictus) của người La Mã. 

Trong một thời gian dài, chính quyền La Mã đã không thể phát hiện các Cơ đốc nhân hân hoan mừng vui chào đón sự kiện Chúa Jesus đến trần gian vì họ đã tổ chức trùng ngày đại lễ của quốc gia La Mã lúc bấy giờ.

Sau đó khoảng 300 năm, vào năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine I bỏ đa thần giáo và theo Cơ đốc giáo. Ông cho hủy bỏ lễ thờ thần Mặt trời. Ngày 25/12 từ đó mới được trở thành ngày lễ mừng sinh nhật của Chúa Jesus.
Hoàng đế Constantine- người cải giáo cho đế chế La Mã.

Tuy nhiên, cũng phải đến năm 354, Giáo hoàng Libero công bố ngày 25/12 là ngày chính thức để cử hành lễ Giáng sinh của Chúa Jesus. Và khi Cơ đốc giáo phổ biến vào khoảng thế kỷ IV, Giáng sinh bắt đầu được tổ chức thường xuyên và đều đặn.


Như vậy ngày 25/12 chỉ là một ngày quy ước của toàn thế giới, để kỷ niệm một sự kiện có thật của lịch sử, sự kiện Con Đức Chúa Trời giáng thế làm người, để hoàn thành sứ mạng cứu rỗi nhân loại.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: History, How stuff works, Wikipedia... 
Theo: Kenh14.vn
__________________________________________________ 
Lukhachdem Chúc Các Bạn 1 Ngày Thật Vui!
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Khoa học lý giải tại sao bạn nghĩ mình giỏi hơn người

Các nhà khoa học đã tìm ra lý do khiến nhiều người luôn cho mình giỏi hơn người khác ở một khía cạnh nào đó trong cuộc sống...

Mọi người trên Trái đất đều có khả năng nhất định, điều này làm nên nét riêng của mỗi cá nhân. Có người mạnh về thể chất, nhưng khả năng nhìn nhận sự việc lại chưa thực sự tốt. Người khác mang trên mình một sự tập trung cao, chăm chỉ, nhưng lại kém nhiệt huyết. 

Tuy nhiên, hầu hết trong chúng ta đều không nghĩ thế. Chúng ta cho rằng, ở tất cả mọi lĩnh vực, mình có thể không đứng nhất nhưng chắc chắn giỏi hơn nhiều người. Hội chứng này được khoa học gọi là “ảo giác ưu thế”- the illusion of superiority, hay có thể gọi vui là “ảo tưởng sức mạnh”. Hãy cùng khám phá hiện tượng này thông qua thông tin từ trang Io9 dưới đây.

1. Tâm niệm bản thân luôn tài năng

Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm nhỏ, trong đó, họ yêu cầu những người lái xe tự đánh giá khả năng của mình và so sánh với người đồng nghiệp. Kết quả là 93% số người được hỏi tự tin trả lời “kỹ năng của tôi cực tốt, tốt hơn đồng nghiệp và đương nhiên vượt mức trung bình”. 
Khoa học lý giải tại sao bạn nghĩ mình giỏi hơn người
Tuy vậy, kết quả “trên mức trung bình, cực tốt” này chưa thực sự chính xác bởi nó không dựa vào tiêu chuẩn nào mà chỉ đơn giản là so sánh bản thân với người khác. 

Một cuộc khảo sát với 20 nhân viên công ty phần mềm máy tính cũng đưa ra kết quả tương tự, 1/3 số người được hỏi nói rằng, trình độ của họ hơn tất cả và chỉ thua một người.
Kết quả của những cuộc khảo sát này chỉ ra, con người ta không nghĩ mình “đỉnh nhất”, nhưng luôn có xu hướng cho rằng, mình thuộc “top trên”. Và với việc thuộc “top trên” trong tất cả lĩnh vực sẽ khiến ta tự huyễn hoặc bản thân mình trở nên khác biệt và tài năng. 

2. Con người có (hoặc ảo tưởng có) một trái tim thuần khiết

Trước khi đọc phần này, hãy thử trả lời câu hỏi: Cuốn sách “thực sự hay” gần nhất bạn đọc là gì? Và lý do khiến bạn đọc nó? 

Hầu hết mọi người sẽ trả lời “Tôi thích đọc sách”, hoặc “Vì tôi thích tác giả này”, hay “Tôi muốn tìm hiểu thêm”… Tuy nhiên, cũng vấn đề này, những nhà nghiên cứu yêu cầu tình nguyện viên dự đoán lý do khiến một người lạ đọc sách thì kết quả thường là những điều không được đánh giá cao như “theo thị hiếu”, “sắp có phim dựa theo tác phẩm này”…
Hội chứng này được gọi là “thiên vị động cơ ngoại sinh”- extrinsic incentives bias. Đây là hội chứng con người ta quy kết “động lực” của người khác là do bên ngoài tác động, thay vì động cơ có sẵn bên trong. 

Một nghiên cứu đã chứng minh, con người thường tự nghĩ những gì mình làm đều xuất phát từ bản thân. Ví dụ như khi đọc một cuốn sách, đó là do bản thân “ham học hỏi”, hay làm việc hăng say xuất phát từ lòng đam mê. 
Có thể những lý do này là đúng, nhưng bên cạnh đó, con người ta cũng hạ thấp mục tiêu và động lực của những người xung quanh. Họ cho rằng, người khác làm việc vì lương cao, đọc sách theo thị hiếu… hoặc nếu có làm tốt thì cũng là do hoàn cảnh bên ngoài giúp sức. Với ý nghĩ như vậy thì hiển nhiên, mọi người đều cho mình là “người đặc biệt” và có tài hơn người. 

3. Bản năng của con người

Các nhà khoa học đặt ra câu hỏi rằng, liệu chúng ta có chấp nhận thay đổi khi nhận ra việc mình luôn huyễn hoặc, ảo tưởng cho mình là nhất, tự thuyết phục bản thân mình làm việc tốt hơn người khác? 
Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định, sự thay đổi này dường như là không thể bởi con người dù ít nhiều cũng luôn tự tin vào bản thân. Chúng ta khó có thể thay đổi khi nghĩ mình chỉ thuộc nhóm dưới, luôn thuộc hàng thấp kém. Cùng với đó, hiện tượng “ảo giác về sự hiểu biết bất cân xứng”- the illusion of asymmetric insight hiện hữu trong mỗi chúng ta.
Hiện tượng này cho rằng, chúng ta có thể nhận ra sự ảo tưởng về kỹ năng, giá trị của người xung quanh nhưng với bản thân thì luôn chối bỏ. Con người có xu hướng không tự thừa nhận mình vô tâm, lười biếng, xấu tính hoặc ít ra "không phải kẻ xấu tính, vô tâm lười biếng nhất" mà còn rất nhiều người khác lười hơn mình. Và thậm chí, có những người chỉ luôn cho rằng mình đúng, còn những người khác thì sai.
Theo: Kenh14.vn
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Io9, Livescience, Wikipedia...

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Những thông tin thú vị xung quanh 'Thứ 6 ngày 13'

Thứ 6 ngày 13 của bất kỳ tháng nào trong năm cũng được xem như ngày kém may mắn hoặc thậm chí là mang lại vận "đen đủi" ở nhiều nước phương Tây. 

Ở Việt Nam, tuy sự tác động của nỗi ám ảnh này không nặng nề như các nước Anh, Đức, Bồ Đào Nha, Hy Lạp nhưng cũng là cái "cớ" để nhiều game thủ vin vào như lý do cho sự thiếu may mắn của mình.

Có rất nhiều nguồn gốc được đưa ra để lý giải sự ám ảnh này như Judas - phản đồ của Chúa là người khách thứ 13 trong "Bữa ăn cuối cùng" và ngày Jesus bị đóng đinh là ngày thứ 6; Adam tặng Eva trái cấm và bị đuổi khỏi thiên đường cũng vào thứ 6, Loki - vị thần thứ 13 dự tiệc tại Valhalla đã giết nữ thần của hạnh phúc Balder vào thứ 6...

Sự ám ảnh của phương Tây với Thứ 6 ngày 13 thậm chí còn nặng nề đến mức nhiều công nhân viên chức không chịu ra đường đi làm hoặc tránh mọi hoạt động kinh doanh, vui chơi giải trí để tránh vận rủi.

Cùng xem infographic ngắn về Thứ 6 ngày 13:
Những thông tin thú vị xung quanh 'Thứ 6 ngày 13'
Game thủ
__________________________________________________ 
Lukhachdem Chúc Các Bạn 1 Ngày Thật Vui! 
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

10 loài ốc sên với khả năng "siêu phàm"

Trong thế giới động vật, ốc sên là một loài sinh vật ít được người ta chú ý. Chính bởi vậy mà nhiều nhà khoa học cho rằng, loài vật di chuyển vô cùng chậm này chẳng có mấy tác dụng gì ngoài chất nhầy tiết ra có vai trò trong việc chống lão hóa da.

Cùng điểm lại một vài loài ốc sên "tài năng" trên thế giới dưới đây theo tổng hợp của trang Listverse.

1. Ốc Clusterwink tự phát sáng 

Loài ốc sên Clusterwink màu vàng nâu này được tìm thấy nhiều ở Australia. Chúng có một khả năng đặc biệt là phát ra ánh sáng màu xanh khi bị quấy rầy bởi tác động bên ngoài.
10 loài ốc sên với khả năng "siêu phàm"

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, ánh sáng khuếch tán từ vỏ loài ốc này tốt hơn bất kì vật liệu nào do con người làm ra. Clusterwink có một bộ phận phát quang và vỏ của nó tán xạ tốt đến mức từng mm của phần vỏ đều được phát sáng. Có vẻ như, chính cấu trúc kết tinh đã giúp ốc sên này biến từ một đốm sáng thành một chiếc đèn chiếu sáng.

2. Ốc sên vỏ siêu cứng

Loại ốc sên này thường sống ở độ sâu khoảng 2.400m so với bề mặt đại dương. Chúng có vỏ được cấu tạo từ 3 lớp, siêu cứng, giúp chịu được những tác động mạnh trước sự tấn công của kẻ thù.

Theo nghiên cứu, lớp ngoài cùng của loài ốc này có cấu tạo từ sắt sunfua và lớp xốp giữa có chức năng chống sốc. Mặc dù là thức ăn khoái khẩu của cua nhưng lớp vỏ của loài ốc này lại cứng đến mức đủ sức khiến càng cua bị cùn. Chính cấu tạo vững chãi của vỏ ốc này đã tạo niềm cảm hứng cho các nhà nghiên cứu thiết kế áo giáp cho quân đội.

3. Ốc sên trong suốt

Các nhà khoa học mới phát hiện ra một loại ốc sên trong suốt có tên gọi khoa học là Zospeum tholussum nằm sâu 900m dưới lòng đất, tại hệ thống hang động ở Croatia. Điểm đặc biệt là loài ốc sên này không có mắt cũng như không có sắc tố trong vỏ, thịt, chúng hoàn toàn trong suốt.
Loài ốc trong suốt này di chuyển chậm tới mức khó tin, mỗi tuần đi được vài cm. Chính bởi tốc độ chậm chạp của mình mà loài ốc này thường "đi nhờ" các loài động vật có vú hay trôi theo hệ thống ao, hồ trong hang động.

4. Ốc sên biết nhảy

Bởi di chuyển chậm nên mỗi khi gặp kẻ thù, ốc sên thường chọn giải pháp thu mình trong vỏ với hi vọng thoát chết. Tuy nhiên, loài ốc sên sống ở Australia này là ngoại lệ.
Khi gặp kẻ thù, chúng mở rộng chiếc chân giả có nước nhầy và nhảy liên tục tới nơi an toàn. Không những thế, khi "đánh hơi" thấy kẻ thù, ốc sên sẽ di chuyển nhanh để lẩn trốn.

5. Ốc nhả bọt bong bóng
Loài ốc sên tím này sống ở dưới đáy biển và có khả năng tiết ra nhiều lớp bong bóng chất nhầy giúp chúng treo ngược và nổi trong đại dương. Những lớp bong bóng sẽ tạo điều kiện để chúng di chuyển nhanh hơn theo từng cơn sóng biển, và cũng là nơi để giữ trứng ốc sên. Chính lớp nhầy tiết ra khiến cho chùm bong bóng trở nên đặc và vững chắc hơn, bảo vệ an toàn cho trứng.

6. Ốc sên mắt trắng di chuyển trên không

Loài ốc sên mắt trắng Nhật Bản này là thức ăn ưa thích của nhiều loài chim. Tuy nhiên, khi bị mổ và nuốt vào bụng, 15% số ốc sên sẽ may mắn sống sót trong ruột chim.
Sau 40' chu du trong ruột, chúng sẽ được bài tiết ra ngoài cùng các loại thức ăn thừa còn trong ruột. Những chú ốc sên đó sẽ được "bay" tới một vùng đất rộng lớn, mới mẻ và bắt đầu cuộc sống mới.

7. Ốc sên có cánh

Nhờ đôi cánh nhỏ trong suốt, ốc sên biển Thecosomata có thể trôi trong lòng đại dương. Mặc dù là nguồn thức ăn ưa thích của nhiều động vật như cá voi, chim cánh cụt và hải cẩu, nhưng nhờ có khả năng sinh sản nhanh nên chúng vẫn tồn tại và sinh sôi với số lượng ổn định.

Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại rằng sự ấm lên toàn cầu dẫn đến tăng lượng khí thải CO2 sẽ làm tăng tính axit của đại dương, khiến cho vỏ của ốc sên bị nứt, biến dạng và hòa tan.

8. Ốc biến đổi hình dạng khôn lường
Loài ốc sên đặc biệt này sống phổ biến tại các hồ nước Anh. Điểm đặc biệt của loài ốc sên này là chúng thích ứng với môi trường nhanh đến chóng mặt. Khi sống chung với cá, chúng có khả năng thay đổi màu sắc và thậm chí cả vỏ cứng từ dạng xoắn ốc sang dạng tròn nhằm đối phó với kẻ thù.

9. Ốc sên chứa chất độc có 1-0-2

Ốc sên táo được biết đến là một trong những loài có chứa chất độc cực mạnh. Trứng của chúng được bao phủ bởi hai lớp chất độc antinutritive và anti digestive.

Khi kẻ thù ăn phải trứng này, đối tượng sẽ bị rối loạn tiêu hóa, không thể hấp thu chất dinh dưỡng cần thiết khi ăn uống, dần dần sẽ chết. Chính vì độc tố đặc biệt này mà nhiều loài sinh vật không dám đến gần trứng của ốc sên táo này.

10. Ốc sên phóng độc

Ốc sên phóng độc sở hữu vũ khí lợi hại là chiếc răng có hình dáng như một "cây lao" để săn mồi. Khi một con mồi bơi lại gần, chúng sẽ mở rộng phần vòi nhỏ và phóng chất độc. Sau khi bắn trúng, ốc sên sử dụng "cây lao" để kéo con mồi. Loài sên này có thể bắn "cây lao" chứa nọc độc vào mồi với tốc độ nhanh khủng khiếp, khoảng 650km/h.
Theo Kenh14, Listverse, Wikipedia
__________________________________________________ 
Lukhachdem Chúc Các Bạn 1 Ngày Thật Vui! 
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Bí ẩn những đứa trẻ được thú hoang dã nuôi dưỡng

Phải chăng, những câu chuyện truyền thuyết chó sói nuôi trẻ em là có thật? Các nhà nghiên cứu vẫn đang đi tìm lời giải mã cho bí ẩn này.

Bạn có bao giờ tự hỏi nếu một đứa trẻ bình thường nhưng lại phải sống tách biệt khỏi cộng đồng từ nhỏ và được thú vật nuôi dưỡng sẽ phát triển như thế nào? 

Phải chăng đứa trẻ đó sẽ mang hình người nhưng có hành động như thú? Mặc dù có rất nhiều truyền thuyết, giả thuyết đề cập đến vấn đề này nhưng đây vẫn là bí ẩn khiến giới khoa học phải dày công nghiên cứu.

Đứa trẻ hoang dã trong truyền thuyết

Những đứa trẻ hoang dã được nuôi dưỡng bởi các con thú giữa rừng sâu là đề tài phổ biến trong nhiều câu chuyện thần thoại trên thế giới. Những đứa trẻ này được miêu tả lớn lên mà không có bất cứ mối liên hệ nào với con người, thay vào đó, chúng được dạy dỗ về bản năng sinh tồn độc đáo từ sói, sư tử, gấu. Tất nhiên cũng vì thế mà chúng thiếu đi những khả năng giao tiếp căn bản của loài người.
Bí ẩn những đứa trẻ được thú hoang dã nuôi dưỡng
Nhiều truyền thuyết kể về những đứa trẻ hoang dã mang trên mình hình dạng con người nhưng lại có hành vi như thú rừng...
Sở dĩ những đứa bé có hành vi như vậy là do chúng được các sinh vật hoang dã trong rừng nuôi lớn?

Câu chuyện lâu đời nhất về những đứa trẻ hoang đã được ghi chép trong các văn bản La Mã. Câu chuyện kể về hai anh em sinh đôi - Romulus và Remus. - được cho là đã sáng lập ra thành phố Roma vĩ đại. 

Cặp song sinh này được thừa kế vương quốc Anbơ nhưng lại bị cướp mất ngôi và thả trôi trên sông Tevere. Cả hai vô tình được một con sói cái cứu sống, con vật không những ăn thịt mà đã nuôi sống Romulus, Remus bằng sữa của mình.

Vài năm sau, các mục đồng vô tình phát hiện ra hang của con chó sói cái và nhanh chóng mang hai đứa trẻ đáng thương về làng, dạy cho chúng nói cùng kiến thức. Sau này, cả hai với sức khỏe, tài trí nhanh nhẹn của mình đã thu phục nhiều tín đồ nô lệ. Romulus đã cho xây thành Roma, lên ngôi vua và nhanh chóng thiết lập Vương quốc La Mã vĩ đại.

Những phát hiện về đứa trẻ hoang dã

Dù câu chuyện trên được nhiều người nói đến nhưng chưa ai có thể chứng minh được tính chính xác của nó. Tuy nhiên, trong lịch sử nhân loại, hiện tượng trẻ em được thú rừng nuôi dưỡng không quá hiếm. Một cuốn sách lịch sử của Đức có viết về cậu bé kỳ lạ, được phát hiện vào ngày 27/7/1724. 

Cậu bé 12 tuổi này được dân làng thị trấn Hamelin (Đức) phát hiện ở khu rừng lân cận trong trạng thái không mặc quần áo và đi bằng cả bốn chi. Mọi người đặt tên cậu bé là Peter. Dù rất cố gắng nhưng họ không thể ép cậu bé ăn bánh mì, hay ngũ cốc, món ăn khoái khẩu của Peter chỉ là rau cỏ cùng nước từ các thân cây mà thôi.
Nhân vật Tazan chính là hình ảnh rõ nét của một đứa trẻ hoang dã.

Hay như một câu chuyện khác kể về đứa trẻ trong rừng sâu được mục sư người Ấn Độ - Joseph Singh phát hiện vào năm 1920. Người ta đồn rằng tại ngôi làng Midnapore có một sinh vật kỳ lạ có tiếng hú như sói, di chuyển nhanh nhẹn, khỏe mạnh và thường tấn công gia súc... Mọi người cho rằng, đó là một con sói thành tinh nên đành nhờ vào sự giúp đỡ của mục sư Joseph.

Vị mục sư nhận lời và ngay đêm hôm đó, ông trèo lên cây cao để quan sát. Từ đây, ông nhìn thấy có hai sinh vật bò ra từ một cái hang. Nhìn kỹ lại, vị mục sư liền nhận ra, đó không phải ma quỷ hay con sói thành tinh mà là hai đứa bé có khuôn mặt phủ đầy lông, không mặc gì trên người và đi lại bằng cả bốn chi.
Các truyền thuyết về những đứa trẻ hoang dã xuất hiện rất nhiều trên thế giới.

Khi trở về, ông cùng với vài người khác đến đưa hai đứa bé về cô nhi viện để chăm sóc. Joseph đặt tên đứa lớn là Kamala và đứa nhỏ là Amala. Kamala và Amala sinh hoạt hàng ngày không khác gì những con sói - chúng ngủ từ sáng tới chiều và tỉnh dậy quậy phá khi trời tối. Cả hai uống nước bằng lưỡi, thích ăn thịt sống và sẵn sàng cắn xé, đe dọa những người lạ tới thăm.

Mục sư Joseph rất cố gắng để dạy dỗ hai đứa trẻ, tập cho chúng có thói quen như người nhưng Kamala và Amala vẫn không thể sống như một con người bình thường được. Một năm sau, Amala qua đời, còn Kamala mất 8 năm sau đó. Sau bao năm tập luyện, cuối cùng, Kamala cũng đã có thể đứng được và biết phát âm vài từ đơn giản.

Sự thật hay trò lừa đảo?

Trải qua các thế kỷ, những câu chuyện về đứa trẻ hoang dã này ngày càng nhiều và trở nên phổ biến hơn. Thế nhưng đối với các nhà khoa học, khái niệm này vẫn mang đầy tính tranh cãi. Lý do là bởi đa số các đứa trẻ hoang dã đều là những câu chuyện truyền miệng hoặc được ghi lại trong các văn bản không có tính khoa học.

Như trường hợp của cô bé Kamala và Amala, mọi hành động giống sói rừng của cả hai chỉ là những ghi chép trong cuốn nhật ký của Joseph mà thôi, chưa hề được một nghiên cứu hay ghi nhận cụ thể nào từ các nhà khoa học đương thời. 
Thế nhưng sự tồn tại của những đứa trẻ hoang dã vẫn là một bí ẩn với nhân loại...

Một số nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng, Joseph đã "sáng tạo" ra một câu chuyện thương tâm, gây xôn xao dư luận để lấy một khoản tiền lớn từ các tổ chức bảo trợ trẻ em. Hai cô bé Kamala và Amala rất có thể mắc chứng bệnh thiểu năng, tâm thần và bị Joseph bắt về phục vụ cho mục đích đen tối của mình.

Năm 2008, Misha Defonseca - tác giả của cuốn hồi ký nổi tiếng "Misha: A Memoir của Holocaust Years" (tạm dịch: Ký ức của Misha về những năm tháng trốn chạy thảm sát) kể về cuộc trốn chạy của bà (khi còn nhỏ) thoát khỏi sự truy đuổi của phát xít Đức thừa nhận sự dối trá của mình. Theo đó, chi tiết về cuộc hành trình của Misha sau khi chạy trốn khỏi trại tập trung Đức Quốc Xã là hoàn toàn hư cấu.
Misha đã miêu tả rất kĩ sự trốn chạy một thân một mình lang thang hơn 3.000 km qua trong những cánh rừng già và đầm lầy hẻo lánh của châu Âu trong 4 năm trời. Cô bị mắc kẹt trong một khu ở của người Do Thái Ba Lan, rồi phải đương đầu với kẻ thù và giết được một tên phát xít. Sau đó, cô đi cùng bầy sói hoang để tìm nơi nương náu, trên hành trình tìm cha mẹ.
Lúc tác phẩm mới ra đời, Misha cam đoan cuốn sách của mình hoàn toàn là sự thật, điều này khiến cho mọi người vô cùng cảm động, khâm phục. Số người mua cuốn sách vì thế tăng rất cao, giúp Misha thu về một khoản tiền khổng lồ.

Tuy nhiên, không vì thế mà nhân loại phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của những đứa trẻ hoang dã, vẫn có rất nhiều nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm kiếm sự thật về hiện tượng lạ lùng này. Đây hẳn là một bí ẩn thú vị đang đợi chúng ta khám phá vào một ngày không xa trong tương lai.

Theo: Kenh14.vn

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Livescience, Wikipedia... 
__________________________________________________ 
Lukhachdem Chúc Các Bạn 1 Ngày Thật Vui! 
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/